Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Đại Cồ Việt Nhất Thống Chí

Chương 17: Xông Chu Tước, Sí Điểu trụi lông. Thám Bạch Hổ, Hồ Yêu đứt vĩ.




Chương 17: Xông Chu Tước, Sí Điểu trụi lông. Thám Bạch Hổ, Hồ Yêu đứt vĩ.

Lại nhắc tới tam yêu thoát khỏi Tứ Hung Tượng Trận, nhắm hướng đông nam mà độn phong đi. Nhưng mới bay được một quãng, khoảng chừng trăm dặm đường thì Kim Sí Điểu đột nhiên dừng lại.

Hai yêu hiện hình lên, hỏi:

- Đạo hữu đã chạy thoát rồi sao?

Kim Sí Điểu đáp:

- Thần thông của tôi nhanh lắm, chư thần không theo đặng. Nhưng không hiểu sao, đến chốn này thì bị thứ gì ngăn cản. Tôi thi pháp mấy bận mà đều hỏng sất.

Lục Ngư Tinh cả nghi, nhìn xung quanh một lượt. Thấy nơi đây trời giăng mây mù, gió lướt như đao, không khí yên tĩnh mà nặng nề. Liền vội lần tay xem thử, giây lát sau kinh hoảng nói:

- C·hết thật c·hết thật, đệ bay thế nào, không cẩn thận sa vào cái trận đồ ghê gớm lắm!

Hai người hỏi xem là trận gì, Lục Ngư Tinh đáp:

- Trận này ấy là Bát Hoang Tứ Linh Tượng Trận.

Bạch Y Man và Kim Sí Điểu nghe xong thì tái mét mặt mày, sợ hãi không biết để đâu cho hết.

Sí Điểu sợ run, nói:

- Tôi bay cả trăm dặm không có việc gì. Sao lại sa trận chốn này? Mà ai lại đi bày trận lung tung như thế?

Ngư Tinh thở dài, đáp:

- Trận này là Lý Thông nó bày đó. Nó hận việc chúng mình trảm đầu Thạch Sanh mà ghi thù. Cứ như việc bày bốn con Tứ Linh đó là biết, Tứ Linh đối Tứ Hung. Ài, việc đã đến nước này, có hối cũng chẳng được. Chúng mình nên tìm cách thoát trận đi là hơn.

Bạch Y Man cả giận, nói:

- Cái phép trù yểm của tôi đáng ra phải linh mới đúng. Sao quân sư nó còn sống cho đặng?

Ngư Tinh nói:

- Có gì đâu mà không sống được? Nó mượn được bốn kiện công đức linh bảo, chả lẽ mượn thêm món bửu bối bảo hộ linh hồn chẳng dễ dàng lắm ư?

Ba người đứng trên vầng mây trò chuyện, chợt nghe tiếng còi trống inh ỏi, tiếng người hô hoán. Xảy thấy, trong trận pháp, gió táp nổi lên, sấm chớp vang rền, mưa như trút nước.



Ba người bị gió thổi như kim châm, chạm phải nước thì nặng trĩu như gánh cả thiên nhạc. Không tài nào đằng vân cho được, cả ba bèn kéo nhau hạ xuống.

Nhưng vừa xuống tới, phía dưới mặt đất trồi lên canh kim đâm thấu bàn chân. Ba yêu dẫm phải đau đến kêu cha gọi mẹ.

Đúng là: “Kêu Trời, Trời chẳng xót. Kêu Đất, Đất không hay!”

Sí Điểu gào rú trong đau đớn, hỏi Ngư Tinh rằng:

- Huynh ơi, huynh tài phép thông thiên, biết tới trận này thì phá sao đặng. Đệ b·ị đ·au đến không muốn sống nữa đây này!

Bạch Y Man cũng hiểu sơ về phép bày trận, nói:

- Trận này ấy là trận thông linh, không có mắt trận, chỉ có đài chủ sát. Ta tìm mà phá cái đài ấy, tức là phá được trận.

Ngư Tinh nói:

- Tứ Linh thần thú nãy giờ thi pháp, gió có Thanh Long. Đất có Bạch Hổ, mưa có Huyền Vũ. Chỉ còn Chu Tước chưa thấy đâu. Chắc đài Chu Tước ấy là đài chủ sát.

Sí Điểu hỏi:

- Đài Chu Tước hướng nào?

Ngư Tinh đáp:

- Chu Tước ngự ở phía Nam. Đài phải dựng ở đấy.

Dứt lời, ba yêu hóa chân thân, nhằm hướng Nam mà phóng đi.

Khi tới nơi, quả nhiên ba yêu thấy ở đó có một cái đài cao. Trên đài treo một cây đăng, bốn góc thì dựng lấy bốn chậu lửa to, soi sáng rợp cả một vùng.

Đài này ấy là Chu Tước đài, do Phạm Hạp trấn giữ.

Lúc đấy, Hạp đang canh giữ ở trên, thấy có ba con yêu chạy tới sát đài. Trong đó có một con hồ ly, to đến mấy chục trượng, có chín cái đuôi. Mỗi cái phất lên khiến gió cát bay mịt mù.

Bên cạnh thì có con rắn dài ghê gớm, phải đến cả trăm trượng. Chân nhiều như chân rết, đầu tựa cá chình, răng mọc tua tủa như gươm giáo.

Phía trên thinh không thì có một con đại điểu, hai mắt như đóm lửa, lông sáng như ánh kim, sải cánh rộng che phủ cả bầu trời.

Hạp trông thấy thì cả sợ, y như lời Lý Thông dặn, cầm chuông đồng lắc liên tội. Trăm tên binh tốt đứng dưới đài cũng hãi kinh, vội cầm kỳ phướng phất lên.



Xảy thấy, bốn chậu lửa bùng cháy lên dữ dội. Từ trong đó có tiếng chim ca thánh thót, vang vọng khắp nơi. Thiên địa đồng hưởng ứng, bốn cái vạc lửa ấy bùng lên, tụ lại thành hình một con Chu Tước. Nó ré lên một tiếng, nhằm hướng ba con yêu kia mà lao đến lẹ cực.

Tam yêu cả giận, há miệng phun ra pháp bảo, liệng lên không trung.

Pháp bảo của Bạch Y Man là một cây dù vải, trên dù vẽ Mỹ Nhân Đồ. Cánh dù xòe ra, vô số oán linh từ trong đấy tràn ra. Dù ấy có tên là Chiêu Hồn Phiên, thâu nhốt hơn vạn con oán linh, hễ chiếu vào đâu thì oán linh xông ra cắn nuốt. Ghê gớm cực kỳ.

Còn Sí Điểu là một đôi song câu, hoá thành hai đạo hào quang chém xuống. Bộ câu này chế từ vuốt của chính nó, có thể cách không trảm đứt đầu địch.

Ngư Tinh thì lại là một bộ Thất Tiết Kim Tiên. Hoá thành đạo hào quang, như lưu tinh xẹt qua, bắn thẳng tới thần điểu.

Pháp bảo của ba yêu đều là vật báu hiếm gặp trên đời, bình thường đấu pháp thì chẳng sao. Nhưng Chu Tước là thần thú hiển linh, pháp bảo hại nó không đặng. Mấy món ấy gặp phải lửa thiêng đều mất linh hết, rơi lạt rạt xuống đất.

Ba yêu hoảng sợ, vội làm phép thâu hồi bảo vật. Nhưng vật đã mất linh thâu hồi sau đặng?

Chu Tước hoả điểu ré lên vang trời, xẹt qua như sao sa, nhằm ba con yêu mà lao tới.

Trong ba con yêu thì Cửu Vĩ Hồ Ly tung hoành chốn đồng bằng, Ngư Tinh ngự trị nơi biển lớn, chẳng hề sợ Chu Tước.

Chỉ riêng có Kim Sí Điểu là giống chim, thiên sanh bị khắc chế, nghe tiếng ré của thần điểu thì tâm thần bấn loạn, chẳng tài nào xê xích được cơ thể. Bị Hoả Điểu đốt trụi cả mảng lông lớn, may thay có Hồ Ly dùng đuôi cuốn lấy mới giữ được tánh mạng. Ba yêu b·ị đ·ánh một vố sợ mất mật, thâu hồi thần thông mà chạy dài. Hạp cùng binh tốt đứng trên đài ngó thấy cũng chẳng dám rượt theo.

Ba yêu chạy thoát rồi tụ hội lại cùng nhau, Y Man bàn rằng:

- Tôi tưởng đài Chu Tước ấy là đài Chủ Sát, nào ngờ có thần điểu hiển linh. Khiến pháp bảo hỏng hết. Đúng là “Vừa bắt gà không được, lại mất nắm thóc. “

Sí Điểu bị đốt trụi cả mảng lông lớn, bụng giận lắm, cả giận nói:

- Ấy chắc cũng là kế của Lý Thông. Tôi mà bắt được nó, không moi tim móc mắt thiệt khó hả được cơn giận này.

Ngư Tinh nói:

- Bây giờ chỉ còn ba đài, chúng ta muốn phá trận phải tiên liệu trước được đài chủ sát là cái nào. Chớ ở lâu trận này thì thân xác tan nát, hồn vía bay mất, chớ nhắc chi đến chuyện báo thù?

Bạch Y Man nói:

- Phải đấy, bây giờ chúng ta chia làm ba hướng, xem tình hình mấy đài kia như nào. Đặng mà biết đài chủ sát thì báo với nhau một tiếng, hợp lực mà phá đi thì may ra giữ được toàn mạng.



Ngư Tinh, Sí Điểu cũng cho là phải. Đoạn nói:

- Y Man đạo hữu thông thạo địa hành, nên đi thám cái đài Bạch Hổ. Sí Điểu là loài chim ngự trên vầng mây, thám cái đài Thanh Long là hợp lý nhất. Còn như tôi đây tung hoành biển cả, cái đài Huyền Quy dầu có lợi hại lắm cũng chắc chi giữ nổi. Các vị thấy tôi chia như thế được hay không?

Y Man với Sí Điểu đều đồng ý, rồi ba người chia nhau ra mà đi. Hẹn nhau là hễ thấy đài nào không có thần thú hiển linh, tức là đài chủ sát. Phải quay lại đây mà báo tin, đặng cùng nhau hợp lực phá trận.

Y Man chạy tới đài Bạch Hổ, thấy đài này dựng khá thấp, nhưng sát khí sâm nghiêm, trên có đề ba chữ "Đài Bạch Hổ". Phía dưới lại ghi hai dòng chữ: "Túng Địa Kim Quang" và "Chấn Sơn Hám Địa." Chung quanh có binh tốt đứng hầu, ai ai cũng cầm trống lớn. Trên đài cao đứng một vị tướng, đỉnh đài thì treo một thanh đao.

Nguyên lai Lý Thông đoán được trước, thể nào tam yêu cũng chia nhau mà thám thính các đài pháp trận. Đài Bạch Hổ ứng với thổ và kim, Bạch Y Man lại là Hồ Yêu chốn đất núi, thành thạo phép khiển đất dời đá. Nên hắn cố ý bày thêm hai đạo bùa chú cùng một thanh bửu đao. Lá "Túng Địa Kim Quang" là chặn cái phép độn thổ, còn lá "Chấn Sơn Hám Địa" ấy là chặn các phép sử đất đá… Phía trên treo đao ấy là bửu bối mượn của Cao Sơn đại thánh, có thể chấn nh·iếp yêu vật.

Bạch Y Man tuy tu đạo đã lâu, nhưng nào biết cái lợi hại của trận pháp này ra sao? Vừa tới sát đài Bạch Hổ, Phạm Cự Lượng đã trông thấy, rồi lệnh cho quân binh đánh trống hò reo. Chơn linh Bạch Hổ hiện lên, gào rú chấn động muôn phương. Y Man sợ quá, biết đài này động tới chẳng được, toan độn xuống đất mà chạy trốn. Nào ngờ mặt đất cứng rắn như kim thiết, dày đặc trùng trùng; không tài nào thi pháp được. Y Man cả sợ, quày đầu chạy tuốt.

Phạm Cự Lượng cả mừng, gỡ thanh bửu đao treo trên giá, liệng lên thing không, quát lớn:

- Yêu vật to gan. Mi chạy đâu cho thoát.

Bửu đao hóa thành đạo hào quang sáng chói, nhắm yêu hồ mà bay tới thật lẹ.

Nguyên là Bạch Y Man là con Cửu Vĩ Hồ Ly, tu đạo năm ngàn năm, từ thuở Xích Quỷ*. Sau tới thời Hồng Bàng, vì ăn người sống tu hành trái đạo trời đất, bị Lạc Long Quân một đuôi rồng quất rớt ba ngàn năm đạo hạnh. Đày dưới Trấn Yêu Tự chín trăm năm. Mặc dầu nay đã thoát khốn, nhưng tu vi vẫn chưa trở về thời đỉnh cao. Vừa nãy lại bị lửa của Chu Tước phá hỏng mất pháp bảo. Quả là mười phần còn chưa được một. Nay lại bị bửu đao của thánh nhơn t·ruy s·át thì chống sao cho đặng?

Quả nhiên, Bạch Y Man ngước mặt lên, thấy trong vầng mây, có ngọn bửu đao sáng ngời, cách đầu chẳng xa, liền nói "Không xong rồi, thôi phải chạy cho mau.". Bèn quay người mà phóng nước đại, chỉ mong pháp bửu này không truy được quá xa.

Lúc đấy, bửu đao ở giữa thinh không xoay vần, nhắm ngay đầu yêu hồ mà rớt xuống. Bạch Y Man vung đuôi muốn cự, nhưng đao này sắc bén dị thường, cắt đứt luôn bốn cái đuôi của nó. Y Man đau quá, nhưng mạng nó nguy trong tích tắc, nào có thời giờ kêu rên. Phải liều mạng tế thêm hai cái đuôi nữa mới thoát khỏi.

Bửu đao t·ruy s·át một quãng dài, khi chém đứt được sáu cái đuôi rồi mới chịu thâu về. Cự Lượng cả mừng, nhưng nghe lời Lý Thông, không dám buông lòng sơ sẩy.

Than thay, yêu quái tu đạo thành tiên trên đời nhiều vô số kể. Nhưng cậy tài hống hách có bao nhiêu? Bạch Y Man là cửu vĩ hồ ly, cậy có phép thần thông mà hại người. Bị Lạc Long Quân đánh cho một chầu mà còn chưa biết chừa. Nay lại hạ sơn báo thù, phò kẻ ác mà diệt người hiền, bày trận đồ thâu mệnh kẻ khác. Ấy là trời đất không dung cho đặng. Nếu nó biết hối cải thì hà cớ mắc nạn đến như vậy?

Cứ như Rắn Hàm Luông ở Sông Hàm Luông, xứ Cù Lao Minh đó là biết. Tu đạo nhưng không hại người, còn có công cứu vớt thuyền bè mắc nạn, nên có bị tiên thần căm ghét đâu? Lại được dân chúng lập điện thờ, hưởng lấy hương hỏa chốn hồng trần. Hay như ông ba mươi ở xứ Bình Thủy, hộ chúng an dân, nên được người đời lập đền thờ nhớ ơn. Yêu quái trên đời hành thiện, tích đức cũng không phải là ít. Hà cớ chi phải ăn người, hại người mới sống được? Bây giờ kiếp nạn đã tới, có muốn hối cũng chẳng được. Đấy gọi là báo ứng, gieo nhân nào thì gặt quả đấy!

---

Chú thích:

1/ Xích Quỷ (chữ Hán: 赤鬼) theo truyền thuyết Việt Nam là một liên minh quốc gia cổ đại hư cấu của cư dân Bách Việt, được xem là quốc hiệu đầu tiên của nước Việt vào đầu thời đại Hồng Bàng, thời Kinh Dương Vương. Từ Hán Việt Xích (赤) nghĩa là màu đỏ; từ Quỷ (鬼) có nghĩa là ma quỷ. Xích Quỷ là tên một ngôi sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú trên bầu trời. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy nhà nước này là có thật, có lẽ nó chỉ là truyền thuyết hư cấu giống như thời Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Quốc.

2/ Giải thích trận Bát Hoang Tứ Linh: Tưởng tượng đơn giản thì trận này bày thành một hình vuông, với bốn đài là bốn góc khác nhau. Vì là trận Thông Linh (Trận triệu hồi Linh thú) nên không có mắt trận, thay vào đó là đài Chủ Sát (Đài có khả năng g·iết kẻ trong trận) các đài còn lại chỉ là phụ, và ngăn cản không cho ai ra khỏi khuôn viên trận pháp. Đài chủ sát phải có vật trấn Linh. Tức là một vật ở trên người Linh thú. Giống như đài Huyền Vũ, có bộ lẫy của thần Kim Quy nên mới thành được đài chủ Sát. Việc này Lý Thông đã dự tính từ trước nên mới mượn lẫy chế thành cung thần.

---

Quý độc giả cảm thấy truyện hay thì hãy ủng hộ tác giả qua

MoMo; 0975105259 Nguyen Xuan Phuoc.

STK Agri: 3609205105350 Nguyen Xuan Phuoc.