Đại Ca

Đại Ca - Chương 54




Khi Ngụy Chi Viễn rời khỏi chỗ Lão Hùng, đèn hoa đã sáng rực.

Cậu đi dọc theo quốc lộ yên tĩnh, tìm trạm xe buýt lúc đến, ánh đèn đường mờ nhạt làm bóng cậu đổ dài thật dài, một cơn gió thổi tan tầng mây mỏng manh, để lộ bầu trời rợp ánh sao, vũ trụ bao la nhìn qua là thấy hết, nhân gian càng có vẻ lặng ngắt như tờ.

Chùa là điểm du lịch, qua bốn giờ rưỡi chiều là thôi bán vé, thời gian tiếp đãi có hạn, bởi vậy để tiết kiệm, cứ qua năm giờ rưỡi là mấy chuyến xe cuối cùng vào thành phố sẽ cách nhau bốn mươi lăm phút.

Trạm xe buýt trơ trọi, chỉ có mình Ngụy Chi Viễn đứng dựa cột, cúi đầu chờ xe.

Có lẽ một số chỗ quả thật thích hợp để suy nghĩ, ví dụ như nhà giam đối với việc chứng minh giả thuyết Riemann của Weil, cây đại bồ đề với Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong thiền viện con con của Lão Hùng, những đau khổ, băn khoăn và không cam lòng thỉnh thoảng trở nên ác độc dưới đáy lòng Ngụy Chi Viễn đều nhấp nhô rồi chậm rãi lắng đọng lại.

Ban đầu, Ngụy Chi Viễn không cách nào đè nén, vô số lần nhớ tới Ngụy Khiêm, đó là người cậu ngày nhớ đêm mong, cậu thậm chí cảm thấy mình có thể miêu tả được mỗi một sợi tóc của Ngụy Khiêm.

Ngụy Chi Viễn không kìm nén, cậu bỏ mặc cho khát vọng khinh nhờn người kia như ngựa thả cương, bởi vì rất có thể, ngay cả quyền nhớ mong cậu cũng sẽ nhanh chóng mất đi.

Nhưng mặt trời ngả về Tây, theo đó thì hơi nóng ẩm dần tan mất, mùi đàn hương thoảng ra từ giá gỗ cũ kỹ, cảm xúc mãnh liệt bấp bênh nhiều lần, rốt cuộc mệt mỏi yên tĩnh lại, chẳng biết vì sao mà Ngụy Chi Viễn bỗng nhớ tới cái tay chết trong kho lạnh kia.

Rất nhiều năm rồi, Ngụy Chi Viễn chưa bao giờ sám hối, chưa bao giờ cho rằng mình có một tẹo sai lầm nào, sau khi sự việc yên ổn thì cậu càng ít khi nhớ đến.

Hiện tại, rất khó để nhớ lại hình ảnh về tên đó, chỉ có cảm giác lúc ấy là vẫn khắc rõ trong lòng. Ngụy Chi Viễn còn nhớ rõ tay lái lạnh ngắt sau khi biết Ngụy Khiêm có khả năng không về được nữa, cậu một mình quay về từ tiệm thuốc của Lão Hùng, dựng xe bên đường gục đầu xuống đã đụng phải, cùng mùi rỉ sắt loáng thoáng trên đó.

Vì sao phải giết tay đó?

Thù hận ư?

Không… chưa đến mức ấy, dù sao thì đó chỉ là một tay nhát gan, không tạo thành tổn thương thực chất gì cho cậu.

Thế thì là vì chính nghĩa sao?

Đương nhiên càng không thể – Ngụy Chi Viễn cảm thấy, giả như trong lòng mình có thứ đó thì kẻ đầu tiên cần xử lý chính là bản thân cậu.

Thế giới tinh thần của cậu khép kín, ích kỷ, lạnh lùng và quá khích, có lẽ nhất thời tâm trạng tốt, tiện tay xách thằng bé gặp trong ngõ nhỏ lên xe, đã là hết mức rồi.

Nếu lúc ấy anh hai không xảy ra chuyện, cậu thật sự sẽ làm được đến bước đó sao?

Mạch suy nghĩ đưa cậu về với mùa hè năm mười ba tuổi, ký ức rõ nét chiếu lại, cảm giác quen thuộc nào đó ùa lên, rồi Ngụy Chi Viễn đột nhiên hiểu ra – đó chính là cơn ác mộng hơn hai mươi năm qua quanh quẩn không chịu đi, là cảm giác bất lực ăn sâu vào tận xương tủy.

Tất cả những gì cậu làm đều là đang bổ khuyết cho cảm giác bất lực thuở nhỏ, cái cảm giác khiến cậu lúc nào cũng tính toán bằng mọi cách, thậm chí gặp cực hạn liền dám làm đến mức mưu sát.

Nhưng chúng tựa như một cái hố đen ngòm há to miệng để người ta càng lúc càng rơi sâu hơn, dẫu cuối cùng cậu có trở thành một sát thủ liên hoàn thì cũng vĩnh viễn chẳng thể nào bù đầy vào lòng mình.

May là tình cảm vô vọng kia lập tức thành trụ cột tinh thần mới cho cậu, hồi tưởng lại thì Ngụy Chi Viễn có thể vì anh hai mà vô số lần gõ cửa vô số nhà, nhưng chỉ một lần này, khi cậu làm rõ tất thảy, bị đập nát chút ảo tưởng cuối cùng, trụ cột ấy liền sụp đổ.

Từ xưa Hoa Sơn chỉ có đúng một đường, mà cậu đi ngay trên con đường ngày càng hẹp này, đến chết cũng không chịu ngừng bước, chẳng thèm quay đầu, dẫu trước mặt là vách núi thì cậu cũng sẽ đi một mạch, cho đến khi ngã xuống tan xương nát thịt.

… Giống như làm vậy là cậu có thể an ủi bản thân, rằng mình là một kẻ mạnh.

Đúng lúc này chợt có đèn xe chiếu đến, Ngụy Chi Viễn tưởng xe buýt tới, ngẩng đầu lên lại nhìn thấy xe của Ngụy Khiêm.

Cậu mở miệng nhưng không biết nên nói gì, động tác đứng thẳng đờ như rối gỗ giật dây khiến cậu trông khá thận trọng.

Ngụy Khiêm hạ cửa kính xuống, đưa tay ra hiệu “lên xe”.

Ngụy Chi Viễn hơi do dự, ngồi vào ghế lái phụ, nghiêng đầu nhìn khuôn mặt lạnh lùng của Ngụy Khiêm, hỏi thử: “Là anh Hùng báo cho anh biết à?”

Ngụy Khiêm đáp một tiếng ngắn gọn: “Ừ.”

Rồi không nói gì nữa.

Ngụy Chi Viễn nhận ra gã không muốn nói chuyện.

Anh hai chịu lái xe băng qua hơn một nửa nội thành đến đón mình giữa đêm hôm khuya khoắt, lại không muốn nói nhiều với mình.

Ngụy Chi Viễn dựa ghế, cảm giác bất lực quay vòng lan khắp toàn thân, cậu nghĩ, mình rốt cuộc nên làm thế nào đây?

Hôm sau, Ngụy Khiêm không đến công ty, mà lái xe đưa Ngụy Chi Viễn ra sân bay.

Ngụy Khiêm xách giúp cậu một cái va li, im lặng đưa Ngụy Chi Viễn đến tận cổng hải quan, dựng va li ngay ngắn dưới đất, hiếm khi nhìn thẳng vào Ngụy Chi Viễn, nhưng chỉ nói đúng một câu: “Đi đi.”

Dứt lời gã quay người đi ngay như dỡ được gánh nặng, chẳng buồn nhìn lại một thoáng.

Ngụy Chi Viễn túm tay gã.

“Anh, anh có thể… có thể cho em ôm một cái không?”

Ngụy Khiêm cúi xuống, nhìn bàn tay gần như co rút đang bóp chặt tay mình, sau đó gã chậm rãi gỡ tay Ngụy Chi Viễn ra, cứ thế im lặng quay người đi mất.

Gã vốn lòng dạ sắt đá như vậy, chỉ cần cự tuyệt thì chẳng còn một tẹo đường quay lại.

Khi Ngụy Chi Viễn một mình đi qua cổng hải quan, cậu cảm thấy cả biên giới như đã đóng lại sau lưng mình, vẻ cô độc khó mà tả rõ phản xạ trên nền gạch sáng bóng, đau nhói mắt.

Nhưng cậu đâu biết, thật ra Ngụy Khiêm không hề đi xa.

Ngụy Khiêm quanh quẩn một lúc bên ngoài sảnh chờ, hút một điếu thuốc, sau đó lại vào quán thức ăn nhanh kêu một ly nước, ngồi nhìn đồng hồ liên tục, chờ chuyến bay của Ngụy Chi Viễn cất cánh thuận lợi.

Khi gã chỉ còn lại một mình, nét mặt lạnh lùng rốt cuộc không giữ được nữa.

Trong ấn tượng của Ngụy Khiêm, Ngụy Chi Viễn mãi mãi là một tên nhóc tay chân khẳng khiu, sột soạt chui vào lòng mình, dù nhắm mắt lại thì gã cũng có thể nhớ rõ dáng vẻ của cậu bé khi gãy cái răng đầu tiên và khi khóc lóc xin mình bán nó.

Thậm chí Ngụy Khiêm từng vài lần đi họp phụ huynh cho Ngụy Chi Viễn, đó là một việc rất tuyệt, bởi vì chỉ cần ngồi ngay ngắn làm bộ kín đáo, chờ giáo viên khen ngợi là được, chẳng bao giờ cần giống như khi làm phụ huynh cho Tiểu Bảo, sẵn sàng bị kể lể một chặp bất cứ lúc nào.

Một cậu bé ngoan biết mấy.

Nhưng hiện giờ là thế nào đây? Ngụy Khiêm không biết mình phải làm sao để đối mặt với Ngụy Chi Viễn, thế nên chỉ có thể tỏ ra lạnh lùng thôi.

Gã cũng biết xử lý như vậy là không thỏa đáng, Ngụy Chi Viễn từ nhỏ đã nhạy cảm, mỗi lần gã mới hơi nhíu mày là cậu bé ngay lập tức câm như hến, chẳng cần biết lỗi do ai, Ngụy Chi Viễn đều cẩn thận kiểm điểm mình trước.

Ngụy Khiêm thừa hiểu, mình làm thế gây tổn thương đến mức nào, nhưng gã còn làm gì được đây?

Sân bay huyên náo, đâu đâu cũng là người kéo va li vội vàng đi tới đi lui, trong quán thức ăn nhanh đang phát một bản nhạc nước ngoài đệm đàn ghi-ta, như một cuộc chia ly không ai hay biết.

Thằng nhóc đó… cứ thế đi mất.

Ngụy Khiêm thở dài, đẩy ly nước đã uống cạn, đứng dậy rời khỏi.

Tiểu Bảo thi đậu vào một Viện nghệ thuật ở phương Nam, đã đến đó ở nội trú rồi, bây giờ Tiểu Viễn cũng đi nốt.

Nhà mẹ Mặt Rỗ bên cạnh vẫn để không, gã gọi người quét dọn định kỳ, giống như bà sẽ còn trở về vậy. Tam Béo đã kết hôn với Lâm Thanh và dọn ra ở riêng.

Nhà gã, hàng xóm của gã, dường như đều trống vắng.

Tình cảnh rất nhiều năm trước, Ngụy Khiêm và Tam Béo giật gấu vá vai tính khoản tích góp và đền bù để mua nhà, ôm sự phấn khởi khi bản thân vĩnh viễn thoát khỏi khu ổ chuột dọn vào nhà mới hãy còn mồn một trước mắt.

Hiện giờ…

Ngụy Khiêm ra sức lắc đầu, ép mình không nghĩ nữa. Nếu gã cũng thương xuân buồn thu thì từ lâu đã chẳng có thời gian làm việc khác.

Chớp mắt mà Ngụy Chi Viễn đã đi hơn nửa năm rồi.

Ngụy Chi Viễn nhanh chóng thích ứng với cuộc sống ở nước ngoài – cậu có thể nhanh chóng thích ứng bất cứ cuộc sống nào.

Cậu đi học, làm luận văn, đến thư viện mỗi ngày, cổ tay đeo chuỗi hạt gỗ, định kỳ đến nhà thờ.

Như Lão Hùng, cậu không tin thần phương Đông, cũng chẳng tin thần phương Tây, cậu thậm chí không muốn tìm sự cứu rỗi từ đây, cậu chỉ muốn tìm một nơi có thể lắng đọng tâm hồn để yên tĩnh đối mặt với bản thân.

Ngụy Chi Viễn thủy chung nhớ rõ một câu Lão Hùng tặng cho trước khi đi: “Yêu ghét tham sân si của phàm nhân, chẳng qua đều là chuyện trong một ý nghĩ.”

Muôn người muôn vẻ, thật ra cũng chỉ là tự lựa chọn tăng lên và kìm nén những ý nghĩ bất đồng, buông bỏ sự tự tôn và ngạo mạn nực cười, lột da thịt ra, nghiên cứu rõ bản thân bẩn thỉu, vậy là có một thanh kiếm xuyên thủng được thế giới.

Ngụy Chi Viễn định kỳ gọi điện thoại về nhà, muốn nghe giọng anh, cậu không dám gọi vào di động của Ngụy Khiêm, sợ quấy rầy đến công việc của anh.

Nhưng nếu Tiểu Bảo không được nghỉ thì điện thoại ở nhà cơ bản chẳng có ai nghe. Ngụy Chi Viễn không biết Ngụy Khiêm nghe thấy tiếng chuông nhưng cố ý tránh né mình, hay bận đến mức không có thời gian về nhà.

… A, đúng rồi, có một lần Ngụy Khiêm bắt máy.

Lúc ấy Ngụy Chi Viễn còn chưa kịp lên tiếng thì đã nghe bên kia đại dương truyền đến tiếng thứ gì đó bị rơi, ồn ào một hồi, rồi dường như còn có âm thanh vật nặng đập xuống đất, sau đó cậu “A lô” mấy tiếng, nhưng đầu bên kia không còn động tĩnh gì nữa.

Ngụy Chi Viễn không dám cúp máy, cậu đoán Ngụy Khiêm làm rơi điện thoại, cúp rồi là không gọi được nữa. Cậu vội vã đổi điện thoại, gọi vào di động của Ngụy Khiêm, vẫn không ai trả lời.

Tiểu Bảo thì ở ngoài tầm tay với, cuối cùng Ngụy Chi Viễn đành phải tìm đến Tam Béo.

Cậu chờ máy hơn một tiếng, Tam Béo mới chạy đến nghe điện thoại nhà cậu: “Em trai, còn đó à? Không sao, anh em uống quá chén, lúc nghe điện thoại bị vấp phải dây rồi nằm luôn, ngủ một giấc dậy là khỏi thôi, yên tâm đi.”

Vậy là không sao ư?

Anh bên đó trải qua cuộc sống thế nào?

Ngụy Chi Viễn chỉ hận không thể lập tức đặt vé bay về, nhưng kế đó lại nghĩ, trở về cũng chẳng làm được gì, chưa biết chừng anh hai còn chẳng thèm để ý đến cậu, nói chi đến để mình chỉ tay năm ngón với cuộc sống của anh.

Mãi đến Tết – theo âm lịch của Trung Quốc.

Ngụy Chi Viễn và trong nước chênh lệch hơn mười ba tiếng, cậu tính thời gian, gọi về trước khi tiếng chuông năm mới vang lên nửa giờ, lần này rất bất ngờ, vừa reo một tiếng là đối phương đã bắt máy luôn, giọng nói quen thuộc từ đầu dây bên kia truyền đến: “Tiểu Viễn à?”

Ngụy Chi Viễn cho rằng mình đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, nhưng vẫn thảm bại trước ba chữ đơn giản này, gần như khó mà kiềm chế nổi.

Không biết bao lâu rồi chưa được nghe anh hai nói chuyện ôn hòa và nhã nhặn như vậy.

Hôm ấy Ngụy Khiêm trò chuyện với cậu một lúc lâu, như ngày bé, kiên nhẫn nghe cậu kể cuộc sống bên kia ra sao, ở trường học những gì, có bạn bè mới hay không, cho đến khi cuộc đối thoại bị tiếng pháo như chiến tranh thế giới bên Ngụy Khiêm cắt ngang.

Ngụy Khiêm cúi đầu nhìn đồng hồ – đồng hồ đeo tay của anh từ lâu đã đổi thành loại hai múi giờ, vĩnh viễn hiện thời gian của một múi giờ khác.

Anh nói: “Sắp ăn trưa rồi nhỉ? Hôm nay là ngày Tết, em tìm một nơi nhiều người Trung Quốc mà ăn ngon một chút.”

Vì khá ồn nên Ngụy Chi Viễn không nghe rõ lắm: “Anh nói gì ạ?”

Ngụy Khiêm thoáng nở nụ cười tự giễu, rồi cao giọng nói với bên kia: “Không có gì, em cố học cho giỏi, hết nghe thấy rồi, thôi anh cúp máy đây.”

Trong phòng khách không bật đèn, cũng chẳng mở ti vi, Ngụy Khiêm ngồi trên sofa, dường như chỉ để chờ điện thoại của ai đó.

Trước kia để mọi người có phòng riêng cho thoải mái, mới cố ý mua căn nhà rộng rãi trống trải đến đáng sợ – Tiểu Bảo bởi múa giỏi nên được một đoàn làm phim điện ảnh chọn, Tết âm lịch cũng không thể về, Ngụy Khiêm không cho cô biết, thật ra mình cũng có đầu tư vào bộ phim đó.

Ngụy Khiêm bỏ điện thoại xuống, dằn dạ dày không thoải mái lắm, định nấu một bát cháo cho mình giữa đêm giao thừa.

Sau khi Lão Hùng đi, Ngụy Khiêm danh chính ngôn thuận thành hạt nhân của công ty, chỉ ngắn ngủi một hai năm, công ty trong tay anh mở rộng gấp mấy lần, xí nghiệp dân doanh không dễ tồn tại, mấy trăm nhân viên đi theo anh, mỗi lần mở rộng anh đều phải tự ra mặt, vắt óc móc nối các mối quan hệ, anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi, luôn có những buổi xã giao không dứt, hở ra là phải uống cả lít rượu trắng.

Ngụy Khiêm không biết mình còn có thể liều mạng bao lâu nữa, nhưng năm tháng chẳng tha cho ai cả, theo tuổi tác lớn dần, anh rốt cuộc không còn là gã thiếu niên bị đánh trúng dạ dày, nghỉ ngơi hai ngày lại khỏe như vâm, thuốc rượu và lao lực đang làm thân thể yếu dần, Ngụy Khiêm có thể cảm nhận được quá trình này.

Lúc mới vào đông, có một lần Ngụy Khiêm quá chén về nhà, mới vào cửa liền mơ mơ màng màng nghe thấy Ngụy Chi Viễn gọi về, vừa nghe là điện thoại vượt đại dương, anh lập tức vội vàng muốn bắt máy, bấy giờ mới bất cẩn vấp ngã.

Lúc ấy anh hôn mê luôn tại chỗ, đợi Tam Béo vội vã chạy qua mới lôi được anh lên giường, ai ngờ sau đó chỉ bởi vì chút hơi lạnh này mà một lần nữa bị viêm phổi.

Làm Tam Béo lo sốt vó, ánh mắt hắn ta khiến Ngụy Khiêm tưởng mình sắp đi đời nhà ma luôn rồi.

Ngụy Khiêm có liên lạc với Phùng Ninh vài lần, cuối cùng vẫn chẳng đi đến đâu. Phùng Ninh thích loại đàn ông “ngoài mặt hờ hững, nội tâm tình sâu nghĩa nặng”, thay vì loại “ngoài mặt khách sáo, nội tâm sao cũng được” như Ngụy Khiêm.

Sau đó, Tam Béo lại giới thiệu cho vài cô, con gái thích Ngụy Khiêm không ít, nhưng những cô không ra gì như đặc biệt nông cạn, ham tiền, hoang tưởng đều bị ông mai chuyên nghiệp Tam Béo lọc hết, hắn chọn lựa kỹ càng, tìm toàn các cô gái tốt thật sự thích con người Ngụy Khiêm.

Nhưng con gái tốt không tham tiền cũng chẳng ham hư vinh, hầu hết theo đuổi tình yêu thuần túy mà tốt đẹp, ai muốn chịu đựng loại đàn ông ứng phó mình như nhiệm vụ?

Rốt cuộc, Ngụy Khiêm vẫn quen với cuộc sống cô đơn chiếc bóng.

Bản thân anh thì không hề gì, nhưng Tam Béo mỗi lần gặp đều đăm chiêu suy nghĩ, giống như làm ông mai không chuyên nghiệp nên rất có lỗi với anh em vậy. Sau đó Tam Béo còn tự nguyện thành người cản rượu cho anh, trước kia là một người nằm gục, giờ thì hai người cùng nằm bẹp gí, chuyện khác thì không sao, mỗi tội khiến Lâm Thanh cực kỳ có ý kiến.

Ngụy Khiêm mới bắc nồi cháo lên bếp thì chợt có tiếng mở cửa, anh còn chưa kịp quay đầu lại thì đã nghe thấy tiếng Tiểu Bảo kêu la: “Ôi, ngã dập mặt rồi, anh hai ở nhà à? Sao không bật đèn lên?”

Ngụy Khiêm hơi khó tin nổi: “Sao em về rồi?”

“Em không thể để anh đón Tết một mình, liền xin phép nghỉ nửa ngày bay về, rồi bốn giờ sáng mai đi luôn, mài mông trên máy bay những hơn sáu tiếng cơ.” Tống Tiểu Bảo nhảy nhót chạy vào bếp, “Anh muốn nấu món gì đây? Ôi trời ơi! Không phải anh muốn húp thứ này chứ? Tránh ra tránh ra, em phải nhào bột mì, em muốn ăn sủi cảo!”

May mà còn một cô bé.

Cứ thế, chớp mắt lại qua bốn năm.

Bốn năm sau, Ngụy Khiêm cũng không ngờ là mình sẽ gặp Ngụy Chi Viễn trong tình huống như vậy.