Đại Ca

Đại Ca - Chương 16




Năm giờ Ngụy Khiêm về nhà, tiện thể mua đồ ăn sáng cho gia đình luôn.

Tóc gã ướt sũng sương sớm, nét mặt như một kẻ sát nhân tính giết người hàng loạt.

Bà Tống tỉnh dậy ở nơi đất khách quê người nhìn thấy khuôn mặt ma đầu kinh điển như vậy, suýt nữa thì đứng tim, thở mạnh cũng không dám.

Ngụy Khiêm mua sữa đậu nành và quẩy – đương nhiên là do quán khác làm, trong lòng gã thấp thỏm suy nghĩ rất nhiều mà hoàn toàn không nghĩ được gì.

Ngụy Khiêm bực dọc nghĩ bụng, nếu cuối cùng Mặt Rỗ được chứng minh là ở ngay trong bệnh viện chăm sóc mẹ chứ không đi đâu hết, thì gã nhất định phải đập bể đầu cái thằng chó đẻ đó.

Nhưng chỉ sợ gã không có cơ hội này rồi.

Tam Béo không tìm được Mặt Rỗ ở bệnh viện, hai người nghĩ hết mọi cách cũng chẳng tìm thấy Mặt Rỗ, mãi đến mấy hôm sau, một tin tức mập mờ mới lan truyền ra – nghe nói Mặt Rỗ chết rồi.

Nhưng gã rốt cuộc chết như thế nào, vì sao mà chết, thì không ai có thể nói rõ, lắm người nhiều miệng lắm rùa thì bò loạn, mọi người chẳng ai nói chính xác được.

Dường như có ai giấu kín việc này, những người biết chuyện đều bị bịt miệng.

Hàng ngàn lời đồn chẳng một lời hữu dụng, sự lo lắng khi sống không thấy người chết chẳng thấy xác như thiêu đốt người ta, nhưng trong lòng Ngụy Khiêm và Tam Béo luôn cảm thấy Mặt Rỗ không thể chết im hơi lặng tiếng như vậy, họ vẫn đang tìm kiếm, song đều không hẹn mà cùng lờ đi Nhạc ca, nhất là Ngụy Khiêm, gã sinh ra sự khúc mắc và đề phòng rất sâu với anh ta.

Mẹ Mặt Rỗ không chỉ một lần hỏi về con trai, Ngụy Khiêm và Tam Béo phải tùy cơ ứng biến bịa chuyện, lắm lúc không thống nhất, ai nói lỡ miệng là lại phải mất công vo cho tròn.

Ngụy Khiêm cũng là người, sức lực thật sự có hạn, nên không thể tránh khỏi lơ là gia đình.

Với bà Tống thì đây quả là cơ hội trời ban, bà Tống bắt đầu đại nghiệp phóng hỏa ở sân sau nhà Ngụy Khiêm, mỗi ngày đổi cách lân la làm thân với Tiểu Bảo – việc này vốn rất dễ, với con nít mà nói thì bề trên là nữ giới trong giai đoạn trưởng thành có mối liên hệ tình cảm không cách nào thay thế, loại tình cảm này đều có thể tìm được từ mẹ hoặc bà, nhưng cha anh thân cận hơn cũng chẳng thay thế nổi.

Huống chi Ngụy Khiêm tuy thương Tiểu Bảo nhưng không nuông chiều như nhà bình thường, gã nghĩ trong lòng chứ cực ít khi nói ra miệng, thậm chí có lúc nóng lên còn nạt con nhỏ vài câu, trong cuộc đời hãy còn ngắn của Tống Tiểu Bảo, chưa bao giờ được tiếp xúc với sự yêu thương và vỗ về cẩn thận của bề trên là phái nữ, nên việc trở giáo quả thật chỉ là vấn đề thời gian thôi.

Là bà nội lời ngon tiếng ngọt, mỗi ngày làm các món ngon tốt, hay ông anh mỗi ngày trưng ra bản mặt chủ nợ, cơm sống hay chín căn bản chẳng nhận thấy khác biệt tốt hơn?

Từ khi bà Tống đến, cuộc sống của hai đứa trẻ hết sức thoải mái.

Đương nhiên, dù vậy thì bà Tống vẫn không mua chuộc được Ngụy Chi Viễn.

Ngụy Chi Viễn như con sói vô ơn nuôi không quen nổi, đối với bà Tống là “người ngoài” đột nhiên xông vào nhà, dù nó muốn tỏ vẻ ngốc nghếch thì vẫn không nhịn được sinh ra sự thù địch.

Bà Tống vốn muốn lôi kéo nó làm đồng minh, ngờ đâu cậu này còn bé mà rất đủ “sức mông”(1), bất kể lấy lòng thế nào, mông nó luôn kiên định ngồi chung một hàng ghế với thằng anh lưu manh thối tha kia.

Dần dà, bà Tống rốt cuộc không nhịn được từ bỏ chiến tuyến này, bà lão thấy thằng nhãi này kiệm lời mà lòng dạ thâm sâu, ăn xong là đi luôn, y như chó vậy.

Thế là bà Tống bắt đầu chuyên tấn công Tống Tiểu Bảo.

Bà lão thường xuyên dùng giọng điệu như trêu như đùa hỏi Tiểu Bảo: “Con thích ai nhất? Bà nội với anh hai ai tốt hơn?”

Hòng kiểm tra tiến trình của kế hoạch diễn biến hòa bình.

Khác với Tống Tiểu Bảo ngốc nghếch, khi lần đầu tiên bà hỏi như vậy, Ngụy Chi Viễn đã nhận ra mưu đồ hiểm ác của bà già này, nó lập tức dùng biện pháp không bạo lực cũng chẳng hợp tác – không ăn cơm chung bàn với hai bà cháu nhà này nữa, thà nhịn đói đến nửa đêm, chờ anh hai về rồi cùng nhau ăn qua loa vài miếng cơm thừa.

Mới đầu Tống Tiểu Bảo còn bắt chước nó cùng chờ anh, nhưng chưa được hai hôm thì con nhỏ phản đồ lập trường không kiên định này đã nộp vũ khí đầu hàng trước các món ăn ngon tuyệt.

Ngay từ đầu Ngụy Chi Viễn đã đoán được sớm muộn sẽ như vậy, con nhỏ ham ăn biếng làm đâu phải mới một hai ngày, về mặt này thì quân địch thật sự quá mạnh, nó không phải là đối thủ.

Hơn nữa trong thâm tâm Ngụy Chi Viễn không buồn lắm vì việc Tống Tiểu Bảo phản bội, ngược lại còn hơi mừng thầm.

Ngụy Chi Viễn biết mình không nên nghĩ như vậy, nhưng nó không nhịn được.

“Không còn Tống Tiểu Bảo, về sau anh hai sẽ là của một mình nó”, cách nghĩ này không lúc nào không dụ dỗ nó, như một hạt giống mọc rễ nảy mầm trong lòng, dù đốt cũng chẳng chết, gió xuân vừa thổi là lại bắt đầu đâm chồi.

Ban đầu với câu hỏi ấu trĩ của bà Tống, Tống Tiểu Bảo chỉ cười không đáp, hoặc là đánh trống lảng, bà Tống liền biết, đáp án thật ra là “thích anh hai”, rồi dần dà con bé bắt đầu sửa thành “đều thích”, bà Tống khá đắc ý, cho rằng mình chỉ còn thiếu một bước, rốt cuộc một ngày nọ, câu trả lời của Tống Tiểu Bảo biến thành “ai tốt với con thì con thích người đó nhất”.

Bà Tống biết là đã đến lúc rồi.

Sau non nửa năm, vào đông, mặt hồ sen đóng một lớp băng mỏng, bọn Ngụy Khiêm rốt cuộc xác định Mặt Rỗ chết rồi – lần này là tin tức của cảnh sát địa phương, tuyên bố rằng gần đây họ mới phá vụ án buôn lậu ma túy, bắt được ba kẻ hiềm nghi ngay tại trận, trên đường truy đuổi chúng ngoan cố chống cự, một tên bị bắn chết.

Tên bị bắn chết chính là Mặt Rỗ.

Trước đêm Trung thu oi bức, có người cho Mặt Rỗ một khoản tiền, một khẩu súng, một chiếc di động và một kí heroin.

Khi ấy Mặt Rỗ đã lờ mờ nhận thấy, đầu óc gã không thông minh lắm, nhưng không có nghĩa là gã thật sự ngu ngốc tới mức mất cả phương hướng, gã và các anh em thật ra đều không tính là tham gia xã hội đen, cũng chẳng đi đường ngay, họ chỉ là mấy con tôm cá ngắc ngoải trong khe hẹp, tôm cá khó sống, bởi vậy đều biết thủy triều lên xuống và gió mùa về, trong cái giới đen ăn đen này, kẻ ở tầng lớp thấp nhất càng dễ có tiền thì càng nguy hiểm.

Nhưng những người đó đã điều tra rõ nội tình nhà gã, biết bất kể thế nào gã cũng không thể từ chối được.

Mặt Rỗ không muốn liên lụy đến anh Tam và Ngụy Khiêm, họ đều có khó khăn, đều thắt lưng buộc bụng dành dụm giúp mẹ con gã, tốn bao nhiêu là tiền bạc, gã thường xuyên mất ngủ giữa đêm.

Nếu có thể dày mặt hơn thì có lẽ gã cũng chẳng đến bước đường cùng.

Đêm Trung thu, ăn xong món bánh trung thu đắt nhất trong đời ở bệnh viện, gã liền quay đi chia tiền làm ba, hai phần trả Ngụy Khiêm và Tam Béo, một phần bọc kỹ đem chôn dưới gốc hòe trước cửa nhà, tính để làm tiền dưỡng già và lo ma chay cho mẹ.

Sau đó gã đần độn cầm súng và ma túy, đi theo chỉ thị trong điện thoại…

Trước khi nhắm mắt, gã cũng không biết mình chịu tội thay cho ai, không biết mình chết ở nơi nào.

Gã sinh ra thấp kém, chết trong lơ mơ.

Hôm ấy Ngụy Khiêm uống say bí tỉ trong một quán rượu xập xệ – dù làm đả thủ thì gã cũng rất cần cù, đây là lần đầu tiên trốn việc.

Tuy Mặt Rỗ chết lơ mơ, trong lòng Ngụy Khiêm lại rõ mười mươi.

Hộp đêm là sản nghiệp của Nhạc ca, ham muốn khống chế của anh ta gần như điên cuồng, Ngụy Khiêm không tin có ai có thể bán ma túy trên địa bàn của anh ta, mà chuyện này ồn ào như vậy, từ trung ương đến địa phương đều rất kín tiếng, chiếm hết trang đầu của các tờ báo lớn, Nhạc ca… Nhạc Hiểu Phong lại vẫn chỉ lo thân mình sừng sững y nguyên, rốt cuộc là anh ta lo liệu hoàn toàn kín kẽ, hay đã có người xuống suối vàng thay?

Người mà thời niên thiếu vẫn tôn thờ trong lòng, bỗng chốc đập xuống, làm mất mạng người anh em ngốc nghếch của mình.

Ngụy Khiêm không muốn về nhà, đối mặt với một đám lớn bé đó, trong lòng dù uất ức tày trời cũng chỉ đành nín nhịn, gã sắp nhịn đến cực hạn rồi.

Lúc Tam Béo tìm được thì gã đã say khướt.

“Ông Tam…” Ánh mắt thiếu niên gần như mất tiêu cự, trống rỗng nhìn góc tường quán rượu ố vàng hóa thành màu đen, giọng yếu ớt như bị cái gì đó chèn trong họng.

Tam Béo giật chai rượu: “Đã mất một đứa rồi, còn muốn say chết thêm đứa nữa hả?”

Ngụy Khiêm bị hắn lôi, liền mềm nhũn ngã sấp xuống bàn, gã gục lên bàn, đầu nghiêng sang một bên, nói nhỏ: “Ông Tam, ông nói nó bị cà lăm, xuống dưới đó không kể rõ được oan tình thì phải làm sao?”

Nói rồi nước mắt liền im lặng chảy xuống khóe mắt, xuôi qua sống mũi cao thẳng, trượt vào miệng gã.

Ngụy Khiêm gục lên bàn như một vũng bùn, tay bưng kín mặt.

Rồi sau đó gã nuốt nước mắt, cười khàn cả giọng.

Có kiếp này thì làm anh em, không có kiếp sau lại nhớ đến nhau.(2)

Hôm ấy là mùng tám tháng Chạp, tuyết rơi lả tả, cả con phố toàn là bùn lầy và vụn băng sau khi tuyết tan.

Ngụy Khiêm nồng nặc mùi rượu đẩy cửa bước vào, Ngụy Chi Viễn ngồi làm bài tập ngay cái bàn nhỏ trong góc nhà, bà Tống đang dạy Tiểu Bảo ngâm tỏi(3), một già một trẻ vốn đang nói cười vui vẻ, nhưng tích tắc khi gã vào cửa lại cùng nhau im lặng một cách lạ kỳ.

Ngụy Khiêm vốn không phải người nhạy cảm, thế nhưng bầu không khí biến hóa quá rõ rệt, trong chớp mắt gã cảm thấy mình như một tên côn đồ xông vào nhà người ta, có mùi vị khó nói rõ theo mùi rượu xộc lên từng cơn, khiến gã buồn nôn.

May mà lúc này Ngụy Chi Viễn ngẩng đầu lên gọi gã như thường ngày: “Anh.”

Sắc mặt Ngụy Khiêm nhất định khó coi chết đi được, Ngụy Chi Viễn nhìn gã một cái rồi lập tức nhảy khỏi ghế, chạy ngay đến bên cạnh: “Anh, anh sao vậy?”

Ngụy Khiêm không nói không rằng khoát tay, quay người vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo.

Gã cảm thấy nỗi lòng bỗng nhấp nhô thật là kỳ lạ, cũng muốn cố thuyết phục mình rằng sự bối rối khó nói rõ trong chớp mắt khi đẩy cửa tiến vào chỉ là chuyện bé xé ra to thôi.

Đã đủ sứt đầu mẻ trán rồi, Ngụy Khiêm không muốn tự kiếm chuyện nữa, gã cố gắng an ủi bản thân rằng mình nghĩ nhiều, nhưng chẳng ích gì, lòng vẫn khó chịu.

Ngụy Chi Viễn lập tức rót nước bưng đến cho gã, ôm hông vỗ về lưng gã như người lớn, Ngụy Khiêm nôn muốn văng cả mật, mới miễn cưỡng đứng thẳng dậy, cầm ly nước súc miệng.

Đầu đau như búa bổ, gã đau lòng vô cùng, nhưng đối mặt với Ngụy Chi Viễn, lại chỉ giống như thuận miệng hỏi: “Làm xong hết bài tập rồi à?”

Ngụy Chi Viễn gật đầu, đưa tay muốn đỡ gã, lại bị Ngụy Khiêm lảo đảo từ chối.

Sau khuôn mặt trắng bệch bình tĩnh của Ngụy Khiêm, trái tim long trời lở đất quấy nhiễu bên trong thành một ngọn núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào.

Và đến khi gã nghe thấy bà Tống đang nói gì với con em gái, chút cân bằng bấp bênh này rốt cuộc sụp đổ.

Gã nghe bà khọm khốn nạn đó cạnh khóe nói với Tống Tiểu Bảo: “Ly Ly nhà ta về sau phải học thật giỏi, mai kia vào đại học, làm nhà khoa học, không thể học theo cái xấu của hạng người không đàng hoàng, nghe chưa?”

Nói không thì thôi đi, nhưng bà già còn phải bóng gió quay đầu lại nhìn Ngụy Khiêm sa sầm đứng đó, giống như không hề sợ bị gã nghe thấy, sau thời gian dài dò hỏi, bà lão đã sớm nhận ra, thằng lỏi họ Ngụy kia bây giờ tự xưng là một “người đàn ông lăn lộn ngoài đường”, sĩ diện muốn chết, nhất định sẽ không làm gì một bà già như mình, cùng lắm là làm bộ hung ác hù dọa thôi.

Đến cả Ngụy Chi Viễn cũng nghe ra bà ta có ý ám chỉ, nó ngẩng đầu nhìn con em rồi lại nhìn anh hai, cuối cùng hằn thù nhìn thẳng vào bà Tống.

Bà Tống vẫn chưa chịu thôi: “Không học hành đàng hoàng thì sẽ biến thành cặn bã của xã hội, con hiểu chứ? Mấy cái đứa du thủ du thực đó đều chẳng tốt đẹp gì, bà từng nói với con rồi, bọn nó gọi là gì?”

Con ngốc Tống Tiểu Bảo ngu xuẩn nói: “Lưu manh ạ!”

Bà lão đưa tay quệt mặt con bé với biểu cảm nghiêm túc: “Chính thế, lưu manh thối tha, chúng ta là nữ giới, không thể ở chung với tụi lưu manh mãi được, nếu không mai mốt còn ai dám thích con, hỏng hết danh tiếng còn gì.”

Ngụy Chi Viễn giận tím mặt, gằn từng chữ: “Anh hai tôi không phải lưu manh!”

Tống Tiểu Bảo sững sờ, ngơ ngác nhìn thằng bé, nhìn anh hai, rồi lại nhìn bà nội, đến tận lúc này mới hiểu đây là một cuộc gia biến nghiêm trọng.

Ngụy Chi Viễn nóng lên, ném ly xông tới, chỉ mũi bà già nói: “Anh hai tôi không phải lưu manh!”

“Được rồi, mày câm miệng, vào phòng làm bài tập đi.” Ngụy Khiêm đập nó một phát, mỗi tay xách một đứa, ném Ngụy Chi Viễn và Tống Tiểu Bảo vào phòng ngủ.

Ngụy Khiêm sống ít nhiều hơi cẩu thả, hành vi của người nhà thỉnh thoảng làm gã cảm thấy hơi mất tự nhiên, chốc lát sau là thôi, nhưng bà Tống đã nói đến mức này, gã đâu thể nào không hiểu bà ta đang nghĩ gì?

Ngụy Khiêm thẳng thắn ngồi xuống trước mặt nhìn bà Tống với sắc mặt không hiền lành, chẳng thèm khách sáo: “Bà khọm, muốn sao đây?”

Bà Tống rốt cuộc ưỡn thẳng lưng, cả người như một quả pháo cối chuẩn bị bắn ra.

Sau đó bà lão tuyên chiến với Ngụy Khiêm: “Tao muốn đưa con Ly Ly đi.”



Ở đây tác giả chơi chữ, định lực và đĩnh lực – sức mông đồng âm.Đây là một câu trong bài Huynh đệ của Nhậm Hiền Tề.Vào ngày mùng 8 tháng Chạp người Trung Quốc sẽ ngâm tỏi để ăn với sủi cảo trong dịp Tết.