Dạ Lưu Dư Bạch

Chương 4




Đột nhiên có một tiếng động lớn, cửa phòng thiền bị đẩy ra, ánh sáng chói lòa lập tức tràn ngập cả căn phòng. Một chàng trai khoảng hai mươi sáu, hai bảy tuổi xồng xộc chạy vào, nhảy phắt lên giường, xốc chăn bông ra, rồi nhanh chóng đá vào những người đang ngủ say như chết.

“Trời nắng rồi, mau dậy làm việc đi!” Giọng anh rất vui vẻ và hồ hởi, chân không kìm được sức lực, cứ thế đá liên tục vào những người nằm trên giường và gọi họ dậy.

Một thanh niên ôm đầu rên rỉ: “Đội trưởng Dư à, không phải nửa đêm hôm qua anh vẫn còn xem phim ‘Sự cám dỗ của việc về nhà’ ư?”

Người được gọi là Đội trưởng Dư cười đáp: “Vì thế hôm nay chúng ta phải hoàn thành công việc sớm, để tôi còn xem tiếp.”

Ba thanh niên ngái ngủ ngồi dậy, vẫn chưa phân biệt được đông tây nam bắc.

Dư Bạch thở dài, vỗ đầu từng người một: “Tôi đi lên núi trước đây, các cậu ăn cơm xong thì đi cùng anh Lưu lên sau nhé.”

Cái nắng cao nguyên luôn chói chang, lóa mắt, nhiệt độ tuy không cao nhưng ánh nắng chiếu vào người khiến da có cảm giác hơi ngứa ngáy.

Dư Bạch một mình bước đi trên con đường núi gập ghềnh, chỉ thấy toàn là những vách đá dựng đứng. Tuy nhiên, vẫn có một ngôi chùa hang được xây dựng trên vách đá, chứng tỏ rằng nơi đây không hoàn toàn hoang vu. Con đường bằng ván gỗ đã ngấm đủ nước sau nhiều ngày mưa dầm dề, khi giẫm lên sẽ kêu cót két và tứa nước.

Anh vừa đi vừa lấy chiếc radio từ trong túi áo khoác màu xám ra, rút ăng-ten ra, bắt đầu dò tín hiệu, nhưng dò hồi lâu vẫn chỉ có tiếng lẹt xẹt.

Dư Bạch vén tấm bạt ở cửa hang, bước vào hang động lớn nhất. Bức họa Đức Phật Lư Xá Na giảng đạo ở trung tâm bức tường đá phía Tây của hang động đang có nguy cơ bị hư hại là lý do khiến anh ở lại đây hơn hai tháng nay.

Hơn hai tháng đấy.

Anh đã xem hơn hai trăm tập phim “Nàng tiên cá“ rồi đấy!

Trùng tu bích họa là một công việc cực kỳ mệt mỏi, ngay cả một người đã học tập cách sao chép và phục chế bích họa từ nhỏ như Dư Bạch vẫn cần phải có thú vui giải trí bầu bạn khi làm việc. Anh đặt chiếc radio ở cửa hang, đập mạnh vào nó một cái.

Cuối cùng chiếc radio cũng bắt được tín hiệu một cách chập chờn, phát ra âm thanh ngắt quãng.

“Ở một nơi xa xôi nọ, có một... xẹt xẹt… cô gái, mọi người đi ngang qua… xẹt xẹt…”

Khi anh Lưu cùng ba chàng trai trong đội tới hang động, Dư Bạch đang tháo dỡ các tấm tường bảo vệ trên giàn giáo, thậm chí còn lau chùi các khe hở rất nhẹ nhàng khéo léo và thuần thục, mỗi động tác trên đầu ngón tay đều nhịp nhàng như thể đang chơi đàn piano.

“Nếu không phải nhóm trước làm việc thiếu chuyên nghiệp, chúng ta đã không cần phải mất thời gian lâu như vậy.” Anh Lưu đi đến trước bức bích họa, ngồi xổm xuống xem xét cẩn thận, không bỏ sót một góc nào. Bề mặt của bức bích họa mịn màng và cân đối, trông khác hẳn hai tháng trước.

Khi họ mới đến, bức bích họa trong hang đã bị mốc đến độ phai màu và bong tróc nghiêm trọng, lại thêm lớp đỡ đã trống rỗng lỏng lẻo, có thể bong ra cả mảng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện giờ bức bích họa đã được dán keo rất chắc, những chỗ rỗng đã được trát vữa thật chặt, mặc dù trời mưa liên tục hơn nửa tháng, nhưng bề mặt gần như vẫn khô ráo.

Anh Lưu hơn Dư Bạch mười tuổi, cũng được xem là người lão luyện trong ngành phục chế bích họa. Khi đó, ngay cả anh ấy cũng không ngờ được rằng Dư Bạch có thể cứu được bức bích họa nhà Phật cao ba mét đến mức này.

Tay nghề khéo léo của nhà họ Dư không phải chỉ là cái danh hão.

“Anh đến rồi đấy à?” Dư Bạch khom người mỉm cười với anh Lưu. Mái tóc rối bù, làn da màu lúa mạch toát lên vẻ khỏe khoắn, đôi mắt trong veo, sáng ngời trong hang động tối tăm, trong con ngươi đen láy chứa đầy sự tập trung tuyệt đối cùng sự thuần khiết vô tư và phóng khoáng.

Bức bích họa khổng lồ phía sau anh đã trải qua đủ loại trắc trở, tuy chưa bị phong hóa và màu sắc đã nhợt nhạt, nhưng vẫn tỏa ra sức cuốn hút ngàn năm, không thể che giấu vẻ xán lạn của nó. Ngay cả Dư Bạch đang đứng đối diện bức bích họa cũng được bao phủ trong ánh sáng và bóng tối rực rỡ.

Anh đi xuống khỏi giàn giáo, vươn đôi vai đã cứng ngắc, sau đó lấy từ trong túi áo khoác ra một cuốn sổ ghi chú và cây bút, vừa sắp xếp công việc vừa ghi chép: “Ngày 20 tháng Tư, đã xử lý xong phần bị hư hại. Tiểu Trừ, Tiểu Chú, Tiểu Cổn, các cậu và anh Lưu lại lăn mịn lần nữa, đợi bề mặt hoàn toàn nhẵn bóng và khô ráo là có thể bắt đầu dùng bút tu sửa.”

Tiểu Trừ là người thấp nhất đứng phía sau anh Lưu, nghe vậy liền lẩm bẩm: “Đội trưởng Dư, sao anh vẫn không nhớ được tên chúng tôi thế?”

Chàng trai được gọi là Tiểu Cổn thì phấn khích như thể phát hiện ra châu lục mới, hớn hở chỉ vào hai chân của Dư Bạch dưới chiếc áo khoác quân đội màu xanh xám, ngạc nhiên nói: “Đội trưởng Dư, sao anh lại đi một chân giày vải, một chân giày bông thế kia.”

“Hả?” Dư Bạch cúi đầu nhìn xuống, bản thân anh cũng giật mình khi thấy một chân đi giày vải màu đen, một chân đi giày bông cũ màu nâu. Anh ngượng ngùng gãi đầu nói: “À, sáng nay vừa thức dậy, thấy trời quang mây tạnh, tôi vội vàng đi làm nên không để ý.”

Anh chàng được gọi là Tiểu Chú nhìn Dư Bạch từ trên xuống dưới một lượt. Người đàn ông hai tháng nay, đầu tóc bù xù chưa cắt, râu ria cũng không cạo, chiếc áo khoác quân đội đã cũ mèm đến mức bạc phếch, chân đi giày cọc cạch đã đành, thậm chí còn không buồn đi tất, mu bàn chân trắng nõn đã tái xanh vì cái lạnh trong hang động.

“Đội trưởng Dư ơi, anh nói mấy năm nay anh đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhưng vẫn sống xuề xòa như vậy, anh cất tiền để làm gì vậy?”

Dư Bạch đi tới cửa hang thì quay người lại, cúi xuống cầm chiếc radio trên mặt đất lên, cười toe toét, nụ cười rạng rỡ như bầu trời Tây Bắc bao la, rộng mở và trong lành.

Anh nói: “Cất để còn cưới vợ.”

Sau khi Dư Bạch đi ra ngoài, anh Lưu nói với ba thanh niên phía sau: “Học theo Đội trưởng Dư trong công việc thôi, còn về cách sống thì không cần.”

Tiểu Chú giơ tay hỏi: “Anh Lưu, anh cảm thấy Đội trưởng Dư không tốt à?”

Đội trưởng chăm chỉ hơn các thành viên khác thì có gì mà không tốt? Anh Lưu lắc đầu: “Nếu sống như cậu ấy thì chắc chắn không lấy được vợ đâu.”

Tiếng nhạc trong radio vẫn tiếp tục: “Mùa xuân ở đâu… xẹt xẹt… ở đâu…”

Dư Bạch vừa ngâm nga theo điệu nhạc vừa đi xuống núi. Sau khi được Tiểu Cổn nhắc nhở, anh mới nhận ra, thảo nào hôm nay anh cứ cảm thấy một chân nóng, một chân lạnh. Hình như anh không để ý cho lắm, dù sao năm nay anh cũng hai mươi bảy tuổi rồi.

Tuy khá cẩu thả với vẻ bề ngoài, nhưng anh đã tính toán cẩn thận, thấy mình cũng đã đến tuổi nên tìm vợ.

Ông nội anh đã nói rằng, muốn cưới vợ thì phải chuẩn bị thật nhiều tiền để mua quần áo, mua đồ ăn ngon và mua nhà to cho cô ấy nữa.

À, phải rồi, bản thân cũng phải ăn mặc chỉn chu, nếu không sẽ bị vợ chê.

Một người đàn ông đang tìm vợ không thể trông lôi thôi lếch thếch như thế này được.

Ngặt nỗi, anh ở trong núi cả năm, dù bản thân có chỉnh tề sáng sủa thì cũng chẳng có ma nào ngắm chứ đừng nói là để vợ ngắm. Bởi vì anh đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mà không biết đi tìm đâu ra vợ.

Dư Bạch đứng giữa khe núi hoang vắng, tuyệt vọng hét lên: “Vợ ơi, em đang ở đâu?”

Vách đá dựng đứng vọng lại lời anh.

“Xin hỏi… muốn đến chùa Lư Xá Na thì đi đường nào ạ?”

Đây là lần đầu tiên trong hơn hai tháng qua Dư Bạch nghe thấy giọng nói của một người phụ nữ không phát ra từ radio hay TV. Giọng nói rất thanh và êm ái, giống như ngó sen non giòn và mọng nước của mùa xuân.

Anh nhìn xuống thì thấy những màu sắc tươi sáng, sặc sỡ cách đó năm bước.

Màu vàng tươi là màu sắc quần áo, màu trắng nõn là sắc da, màu tối là màu đôi mắt, màu nâu đậm là màu mái tóc uốn lọn sóng và màu hồng là màu đôi môi mềm mại của cô.

Dư Bạch nhìn Lê Dạ Quang trên con đường núi, có cảm giác ánh nắng thậm chí đã chiếu vào cả trong lòng, khiến lòng anh ngứa ngáy.

Vợ ai thế này?