Cửu Thiên Tuế - Tú Sinh

Chương 50




Lời của Tiết Thứ gợi nhớ cho Ân Thừa Ngọc về đời trước.
Bấy giờ khi y được phục chức thái tử, căn cơ không hề ổn định giống hiện giờ. Trong khoảng thời gian năm năm y bị giam cầm, Ân Thừa Chương và Ân Thừa Cảnh đều đã mượn sức vô số triều thần. Trói buộc bằng lợi ích là mối quan hệ vững chắc nhất, chính vì thế, mặc dù y là thái tử, là người sẽ kế vị danh chính ngôn thuận song vì lợi ích riêng của mình, đám triều thần này cũng không bao giờ quay đầu lại ủng hộ cho y.
Để nhổ được bè phái của Ân Thừa Chương và Ân Thừa Cảnh, y đã tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Nhưng đến khi hai người kia lần lượt bỏ mạng, y nắm được quyền to trong tay thì trên đầu vẫn còn bị đè bởi một Long Phong đế.
Cả cuộc đời của Long Phong đế chẳng đóng góp được gì cho đất nước, ngược lại, vì nông cạn và vì lợi ích riêng, ông ta đã để lại cho con cháu đời sau vô số tai hại.
Người ta nói tai họa lưu ngàn năm, Long Phong đế là một minh chứng rõ ràng nhất. Mặc dù mỗi ngày ông ta đều dùng đan dược dẫn đến việc đầu óc lơ ngơ, sức khỏe như một bầu rượu rỗng ruột nhưng vẫn còn kéo dài hơi tàn.
Ân Thừa Ngọc chờ mãi đến mức mất kiên nhẫn, nóng lòng muốn tự tay tiễn ông ta xuống suối vàng.
Song Tiết Thứ lại nhanh tay hơn y, tự thân hạ độc giết chết Long Phong đế, giúp y phá đi ngọn núi treo trên đầu để y thuận lợi đăng cơ làm vua.
Vào đêm Long Phong đế băng hà, Tiết Thứ áp giải Tử Viên chân nhân đến gặp y. Vẻ mặt hắn vẫn bình tĩnh như thường ngày, chẳng nhìn ra được đây là người vừa giết chết vua.
Hắn nói qua loa:
- Hôm qua ta đây nổi hứng muốn tự tay luyện đan dược cho tiên đế nên mới nhờ Tử Viên chân nhân chỉ dạy cho. Nào ngờ vô ý thêm quá liều lượng, tiên đế dùng đan xong lại băng hà. Ta đây sợ điện hạ đau buồn, do đó mới cố tình bắt giam Tử Viên chân nhân để ngài bớt giận.
Khi đó, ấn tượng của Ân Thừa Ngọc về hắn rất xấu, chính vì thế y cho rằng người này quá kiêu ngạo, làm phản giết vua mà chẳng chớp mắt một cái nào.
Song, bây giờ cẩn thận nhớ lại, hình như là hắn cố ý đưa nhược điểm của mình vào trong tay y.
Mặc dù y chẳng cần dùng đến nhược điểm này sau đó.
Ân Thừa Ngọc nhìn Tiết Thứ, đưa tay nhẹ nhàng vạch một đường ngay cổ Tiết Thứ, lạnh nhạt hỏi:
- Tại sao lại nói cho Cô biết? Làm phản giết vua là tội đáng tru di cửu tộc.
Đầu ngón tay lạnh lẽo vờn tới lui trên cổ, Tiết Thứ vô thức nuốt nước bọt, khàn giọng:
- Điện hạ đã từng nói không thích người bên cạnh giấu giếm bất kì bí mật nào.
Ân Thừa Ngọc phì cười:
- Giả dối. Nếu như ngươi thật sự không có bí mật, vậy tại sao đến tận bây giờ mới nói cho Cô?
Tuy nói thế nhưng nghe ra chẳng có chút tức giận nào, thậm chí còn mang theo ý cười.
Thấy y không tức giận, Tiết Thứ âm thầm thở phào.
Để Tử Viên chân nhân cho Long Phong đế dùng hoàn xuân đan là ý muốn tiền trảm hậu tấu của hắn, hắn không thích người khác làm mưa làm gió trên đầu điện hạ.
Mặc dù điện hạ cũng không thân thiết với Long Phong đế cho lắm, nhưng việc hắn giết ông ta là một chuyện khác.
Bây giờ thẳng thắn hết mọi chuyện, Tiết Thứ có hơi thấp thỏm.
Thấy Ân Thừa Ngọc không tức giận, chút lo lắng ấy hóa thành mừng rỡ. Hắn trộm nghĩ trong lòng, rằng điện hạ và hắn mới là một.
Quan hệ giữa hắn và điện hạ quan hệ, càng thân mật hơn cha con cùng dòng máu.
Tiết Thứ chợt to gan, cố gắng kìm nén dục vọng dưới đáy lòng, được voi lại đòi tiên:
- Thế thì ta đây đã lập được công sao?
Hắn lớn rất nhanh, bất giác đã cao hơn Ân Thừa Ngọc gần nửa cái đầu. Lúc nhìn y, hắn không thèm giấu đi cảm xúc, trông hệt như một con cún ngoáy đuôi đòi khen.
Ân Thừa Ngọc híp mắt nhìn hắn, đoạn đưa tay lên gãi cằm hắn, lạnh lùng nói:
- Ghi cho ngươi một bút công danh đó.
Tiết Thứ khẽ nuốt nước bọt, không cam lòng mà cắn môi.
Hắn muốn một thứ khác.
Đáng tiếc là Ân Thừa Ngọc không hề cho hắn có cơ hội đòi hỏi, y hỏi tới chuyện khác:
- Tử viên chân nhân nói gì?
Thấy y đã nói tới chuyện quan trọng, Tiết Thứ đành phải cất tâm tư của mình đi, đáp:
- Có hai chuyện. Một là vài ngày trước đó bệ hạ đã nghe được việc giải trừ tai ương dịch hạch ở trực lệ cho nên để cho Tử Viên bốc một quẻ, tính xem khi nào thì thích hợp về kinh.
Vì khó khăn trong việc đưa tin từ hai nơi, Tử Viên chân nhân không kịp báo cho hắn, bèn chọn một ngày cách khá xa trong tháng chín.
Nếu Long Phong về kinh thành, hành động của y chắc chắn sẽ bị giám sát.
Nhưng hôm nay dịch bệnh đã không còn là mối nguy hiểm nữa, bọn họ không còn lý do thích hợp để ngăn cản Long Phong đế quay về.
Ân Thừa Ngọc cau mày, hỏi:
- Bao lâu thì hoàn xuân đan có công hiệu?
Tiết Thứ đáp:
- Không rõ. Tử Viên chân nhân nói phải xem cơ địa người dùng đan, người bình thường dùng cũng phải mất hơn một năm rưỡi mới thấy tác dụng. Nếu chúng ta ra ta quá nhanh, sẽ có nhiều người nghi ngờ.
Thấy Ân Thừa Ngọc vẫn nhăn mặt, hắn nói tiếp:
- Tin thứ hai mà Tử Viên chân nhân viết trong thư là gần đây mỹ nhân Tiêu rất được bệ hạ yêu thích, đã thăng lên tần vị. Quý phi Văn bị san sẻ sủng ái cho nên không cam lòng, đang tìm cách gỡ lại.
Mỹ nhân Tiêu là người được Đức phi sắp xếp.
Trước khi cùng Long Phong đế đến Nam Kinh, quý phi Văn đã ghi hận hai mẹ con Đức phi vì chuyện Ân Thừa Cảnh gài bẫy Ân Thừa Chương. Tạm thời bà ta chưa động vào Ân Thừa Cảnh được, nhưng với Đức phi vừa có phân vị thấp hơn mình vừa không được sủng ái, bà ta có rất nhiều cách để giày vò.
Đức phi ngấm ngầm chịu đựng một thời gian, ngay lúc mỹ nhân Tiêu hoàn toàn được Long Phong đế yêu thích rồi thăng lên tần vị, nàng ta không nhịn nữa, lợi dụng danh nghĩa của mỹ nhân Tiêu để âm thầm trả thù hai mẹ con quý phi Văn.
Hai phe tranh đấu không phân thắng bại. Quý phi Văn không chịu được việc bị phân chia sủng ái cho nên đã tìm cách tà đạo từ phía nam để làm Long Phong đế dao động.
- Chắc chắn là nhị hoàng tử phải gánh trọng trách này rồi.
Tiết Thứ mỉa mai.
Người theo Ân Thừa Chương đến Sơn Đông dẹp loạn là An Viễn Hầu - cha vợ tương lai của hắn ta.
Tuy được thừa tước từ tổ tiên song bản thân An Viễn Hầu cũng khá bản lĩnh, có chút công lao từ việc đi dẹp loạn từ mấy năm trước đây. Quý phi Văn nhờ ông ta đi hộ tống con trai chẳng qua là vì muốn cha vợ tương lai che chở cho con rể, giúp Ân Thừa Chương tích lũy công danh.
Nghe xong, Ân Thừa Ngọc trầm ngâm hồi lâu, đoạn nói:
- Cứ để cho các nàng đấu đá nhau đi, dù sao thì thì người gặp bất lợi cũng không phải chúng ta.
Bây giờ Long Phong đế đang dính phải ba phần thuốc, tự cho mình vẫn còn dũng mãnh như rồng như hổ, song lại không biết bản thân chỉ là công cụ tranh giành quyền lực mà thôi.
- Về phần chuyện kia, có gấp gáp cũng không được, thôi thì đến đâu hay đến đấy.
Nói tóm lại, cho dù tình hình có ra sao đi nữa thì chắc chắn không thể nào tệ hơn đời trước.
*
Hai ngày sau, Ân Thừa Chương và An Viễn Hầu dẫn năm nghìn cấm quân đến Sơn Đông.
Nửa tháng sau, cấm quân đến được Ích Đô.
Ân Thừa Chương điều động tướng sĩ Thanh Châu Vệ và năm nghìn cấm quân tấn công bất ngờ khiến cho quân phản loạn trở tay không kịp, bắt sống được một thủ lĩnh.
Tin chiến thắng truyền về, triều đình và dân chúng già trẻ đều tán dương.
Ngay cả Long Phong đế ở Nam Kinh nghe được tin cũng khen ngợi.
Nhưng mà chỉ mười ngày sau, Sơn Đông truyền tới tin dữ.
Ở trận thắng đầu tiên, cấm quân ép được tên thủ lĩnh khai ra một đường nhỏ dẫn vào Tạ Thạch Trại. Con đường vừa chật hẹp vừa hiểm trở song lại có thể nhanh chóng vào sâu bên trong Tạ Thạch Trại.
Quân phản loạn chưa bị tiêu diệt cho đến ngày hôm nay là vì địa thế ở nơi này.
Ban đầu, Ân Thừa Chương và An Viễn Hầu lo lắng có bẫy cho nên phái người áp giải tên thủ lĩnh đi dò xét trước. Đến khi xác nhận được rồi, hắn ta dẫn binh đến con đường nhỏ, chuẩn bị tập kích vào ban đêm.
Không ngờ phản quân đã sớm có mưu kế, chuẩn bị sẵn đá và dầu sôi, đợi đến khi tướng sĩ triều đình đi qua thì trút xuống. Quân dẹp loạn tử thương vô số.
Lần này, cấm quân triều đình và vệ sở tổn thất hơn năm nghìn người, nhị hoàng tử Ân Thừa Chương trượt chân rơi xuống núi trong lúc đang rút lui, không rõ tung tích.
Trái lại, quân phản loạn mang dáng vẻ ngạo nghễ, tiếp tục cướp bóc quan nha và kho lương Thanh Châu. Số nhân lực đã mở rộng đến ba vạn người.
Dân chúng Sơn Đông nghe được tin, tất cả đều hưởng ứng lời hiệu triệu của Hồng Anh Quân. Chỉ hơn hai tháng, đã có hơn mười đội quân khởi nghĩa.
An Viễn Hầu phái người quay về kinh thành đưa tin, vừa là báo tin vừa là cầu viện.
Lần đi dẹp loạn này tổn thất nghiêm trọng, nhị hoàng tử lại không rõ sống chết, có thể nói là triều đình mất hết mặt mũi.
Dựa theo tình hình hôm nay, chắc chắn không có khả năng kêu gọi đầu hàng nữa. Ngay lập tức, có triều thần đứng lên quyết liệt đòi tiếp tục đưa quân đi dẹp loạn, không được để cho quân phản loạn được voi đòi tiên làm rối loạn đất nước.
Song người được phái đi là ai thì cần phải thảo luận.
Trước đó, nhị hoàng tử là quan tổng binh dẫn quân đi dẹp loạn. Kết quả là vừa không diệt được quân phản loạn vừa gặp nạn, ném sạch thể diện của hoàng thất Đại Yến.
Lần này đi phải là người của hoàng thất ra mặt.
Trong một nhóm người được chọn, có vài triều thần đề nghị để thái tử đích thân đến Sơn Đông dẹp loạn.
Nhưng cũng có nhiều người phản đối. Bây giờ Long Phong đế không ở kinh thành, thái tử là người giám quốc, quân phản loạn ở Sơn Đông lại ngông cuồng. Nhị hoàng tử vừa gặp chuyện, nếu thái tử cũng gặp chuyện không may nữa thì xã tắc này ắt sẽ hỗn loạn.
Đám triều thần tranh luận không ngừng, còn Ân Thừa Ngọc là nhân vật chính lại không nói lời nào.
Lúc Ngu Hoài An đến cung Từ Khánh, chỉ thấy Ân Thừa Ngọc đang ngồi một mình ở trong đình, trước mặt là một bàn cờ đánh dở.
Trịnh Đa Bảo âm thầm bảo hạ nhân lui xuống, tự tay dâng trà cho Ngu Hoài An xong cũng lui ra, đứng cách xa chừng ba bước canh chừng.
Ngu Hoài An ngồi xuống đối diện Ân Thừa Ngọc. Thấy y ngồi im không nhúc nhích, ông vuốt râu, nói:
- Xem ra thái tử đã có tính toán trong lòng rồi.
Ông vốn phát hiện ra sóng ngầm đang khác thường cho nên mới định đến nhắc nhở y. Song bây giờ nhìn dáng vẻ như đã dự liệu trước của Ân Thừa Ngọc, hình như ông đã làm chuyện thừa thãi rồi.
Ân Thừa Ngọc xếp lại quân cờ cuối cùng, thong thả ngẩng đầu lên:
- Lần này ông ngoại đến đây ngoại trừ nhắc nhở chắc hẳn là định khuyên Cô không nên đi, phỏng?
Chuyện cấm quân đại bại đã nằm trong dự tính của y, mặc dù Ân Thừa Chương có võ nghệ khá tốt nhưng thật sự chẳng có đầu óc gì.
An Viễn Hầu dưới trướng của hắn ta, phải nghe lời hắn ta. Chính vì thế, cho dù ông ta có bản lĩnh đến đâu cũng khó làm nên chuyện gì.
Chỉ có một chỗ kỳ lạ duy nhất, là chuyện Ân Thừa Chương gặp nạn.
Quý phi Văn rất cẩn thận, trước khi để Ân Thừa Chương đi, bà ta đã cố ý sắp xếp An Viễn Hầu hộ tống hắn ta. Chuyện bị tập kích ở đường nhỏ và ban đêm nguy hiểm như thế, chắc chắn là An Viễn Hầu tuyệt đối sẽ không để Ân Thừa Chương đứng đằng trước mình. Cho dù An Viễn Hầu gặp chuyện không may thì Ân Thừa Chương cũng không có khả năng gặp nạn.
Mặt khác, thời gian đưa tin cũng không khớp. Từ Sơn Đông đến kinh thành, người đưa tin thúc ngựa chạy cũng chỉ mất hai ba ngày đường.
Tin cấm quân đại bại và Ân Thừa Chương không rõ tung tích mất hơn bốn ngày mới về tới nơi.
Thật sự vô cùng bất thường.
Cộng thêm việc có vài triều thần đề nghị thái tử đích thân đến Sơn Đông dẹp loạn, Ân Thừa Ngọc càng phải cảnh giác hơn.
Bây giờ Sơn Đông đang hỗn loạn, y đích thân đi dẹp loạn rồi bại trận, bị quân phản loạn giết chết, tất cả đều hợp tình hợp lý.
Ngu Hoài An nói:
- Nếu đây thực sự là một cái bẫy, ắt hẳn ở Sơn Đông bây giờ đã sớm giăng lưới chờ điện hạ sa vào. Người có tiền chớ nên ngồi trong nhà chính (thấy nguy hiểm phải tránh đi).
Ân Thừa Ngọc lại có cái nhìn khác với ông. Y giúp Ngu Hoài An rót thêm một chén trà nhỏ, đoạn lạnh lùng đáp:
- Chẳng phải còn có câu "Không vào hang hùm sao bắt được cọp" sao. (To gan mới làm được việc khó)
Theo những gì y biết về Ân Thừa Chương, hắn ta đương nhiên sẽ không thông minh đến thế. Không phải chỉ có mình quý phi Văn và An Viễn Hầu nghĩ ra được kế này.
Bọn họ muốn nhân cơ hội này lấy mạng của y, mà y cũng tương kế tựu kế làm giả thành thật.
Không chỉ loại trừ được một mà còn tiện đường dẹp loạn được Sơn Đông.
Thấy Ngu Hoài An định khuyên tiếp, Ân Thừa Ngọc trầm giọng:
- Cô biết ông ngoại đang lo lắng điều gì. Nhưng lần này, Cô đi không vì dẹp loạn mà là vì dân chúng ở Sơn Đông.
- -------------------
Cún: Ta và điện hạ mới là một gia đình (âm thầm vui mừng)
Điện hạ:...
- -------------------
Có người sắp tèo, vừa lòng lắm =)))))))