Cửu Dung

Quyển 5 - Chương 26: Từ biệt thành vĩnh biệt




Tôi nghĩ ngợi, nói: “Vương gia có nhớ một câu thơ xưa không? ‘Sa trường túy lúy cười chi, xưa nay chinh chiến mấy khi trở về[1]’. Vương gia vừa nói cơ thiếp đã mang thai, vậy Vương gia lại càng không nên bở vợ quên con mà ra trấn thủ biên cương. Trước kia Thái hậu chỉ hôn Thanh Dao vương phi cho Vương gia, đó là việc sau khi Ngâm Tuyết quận chúa mất tích. Hiện giờ Ngâm Tuyết quận chúa đại nạn không chết, muốn gả cho Vương gia lần nữa, nếu Vương gia cảm thấy trong lòng áy náy với Thanh Dao vương phi, có thể sắp đặt bình thê. Bản cung suy xét thấy Thanh Dao vương phi và Ngâm Tuyết quận chúa đều là người hiểu chuyện, chắc sẽ không cự tuyệt. Vương gia và Quận chúa liên hôn, phúc trạch bách tính cả hai nước, Hoàng thái hậu trên trời có linh há lại trách móc? Nếu Vương gia còn đùn đẩy, có vẻ là không tôn trọng Hoàng thượng đấy”.

[1] Trích hai câu thơ trong bài Lương Châu từ kỳ 1 của tác giả Vương Hàn đời Đường.

Trong lòng tôi khẽ thở dài, thời điểm này vốn tôi không nên khuyên bảo y, song Hoàng thượng vốn chỉ mong sao y đi trấn thủ biên cương rồi bỏ mình, trừ được tai họa trong lòng. Quần thần ai nấy đều có tâm tư, tôi không thể nắm bắt được. Băng Ngưng trước sau gì cũng là nữ nhi, nếu để cô bé nói thì ra thì không thích hợp. Tôi đành phải ra mặt, khuyên nhủ Tiết vương gia lấy Băng Ngưng.

Tiết vương gia nghe xong lời tôi nói, vẻ mặt lại càng thêm kiên nghị: “Thần đa tạ ý tốt của Dung phi nương nương. Nhưng thần vẫn không thể tuân theo. Thần đã hạ quyết tâm muốn đến biên ải đốc thúc chiến trận, tận trung vì nước, xin Hoàng thượng khai ân, cho phép yêu cầu quá đáng này của thần đệ”.

Hoàng thượng vốn sẵn lòng để Tiết vương gia ra chiến trường, nghe y nói thế, bèn thuận nước đẩy thuyền: “Tuy rằng Tiết vương gia là đệ đệ ruột của trẫm, nhưng trẫm cũng sẽ không che chở dung túng. Chỉ là lời Tiết vương gia quả thật rất có đạo lý. Thân là nam tử hán, cả đời tầm thường không có công trạng gì, dù sống cũng như chết. Nếu Tiết vương gia một lòng muốn báo đền đất nước, trẫm sẽ để đệ được toại nguyện. Ngâm Tuyết quận chúa, trẫm có thể chọn hôn phu khác cho nàng. Quận chúa xinh đẹp tài cao, trong Tây Tống ta đây cũng có vô số nam nhi tốt, mặc sức Quận chúa lựa chọn. Bất kể lựa chọn ai, trẫm nhất định sẽ tác thành”.

Ánh mắt Băng Ngưng lộ ra vẻ kiên định, quả quyết nói: “Hoàng thượng, ngài có từng nghe nói liệt nữ nào thờ hai chồng không? Bản cung được Hoàng đế Đông Ngụy ban hôn cho Tiết vương gia, Hoàng đế Tây Tống lại ép gả ta cho người khác, thế là ý gì?”

Na Lâm cũng đứng bên cạnh tức giận nói: “Hoàng đế Tây Tống và Vương gia nói mấy lời này quả thật là rất thiếu công bằng. Các người lôi ra nhiều lý do như thế, có từng nghĩ đến Tiểu quận chúa của chúng ta không? Ngựa tốt không đóng hai yên, liệt nữ không thờ hai chồng. Tiểu quận chúa của chúng ta đã có hôn ước với Tiết vương gia, giờ các người lại muốn bức bách gả cho kẻ khác, chuyện này mà truyền ra ngoài, quốc thể của Đông Ngụy ta để ở đâu? Mặt mũi còn tồn tại không? Nếu Hoàng thượng Tây Tống vẫn không chịu chủ trì công bằng, chuyện này cứ để ta bẩm báo đúng sự thật lên Quân chủ nước ta, để người quyết định vậy. Tiểu quận chúa, chúng ta đi thôi”. Na Lâm nói xong, kéo Băng Ngưng ra ngoài.

Tuy rằng Hoàng thượng thật sự muốn làm khó Tiết vương gia, nhưng mà cân nhắc nặng nhẹ, đương nhiên cũng hiểu cái gì nên cái gì không nên. Hắn quét ánh mắt về phía Tiết vương gia, nói: “Tiết vương gia nghe chỉ! Trẫm lệnh cho đệ thành thân với Ngâm Tuyết quận chúa ngay trong ngày, không được sai sót, lại càng không được đùn đẩy nữa. Đệ là vương gia của Tây Tống ta, Ngâm Tuyết quận chúa đúng là quận chúa của Đông Ngụy, mối nhân duyên này vốn là ông trời tác hợp”.

Tiết vương gia chắp tay nói: “Thần đệ...”.

Hai hàng lông mày của Hoàng thượng cau lại, lạnh lùng nói: “Không cần nói gì nữa, hừ. Trẫm tâm ý đã quyết!”.

Tiết vương gia suy nghĩ một phen, nói: “Hoàng thượng, thần đệ bằng lòng lấy

Ngâm Tuyết quận chúa. Chỉ là thần đệ có một điều kiện. Nam tử hán đại trượng phu, lấy kiến công lập nghiệp làm nhiệm vụ của mình. Thần đệ xin Hoàng thượng cho phép đến trấn thủ biên cương đốc thúc chiến trận, đợi đến khi chiến trắng trở về sẽ lấy Ngâm Tuyết quận chúa, thế chẳng phải là một công đôi việc sao?”.

Hoàng thượng vốn muốn đối phó với Tiết vương gia, nhưng dưới tình thế bức bách, bất đắc dĩ phải đồng ý hôn sự giữa Tiết vương gia và Băng Ngưng, mất đi một thời cơ tốt để đối phó với y. Nhưng hắn không ngờ rằng, Tiết vương gia lại chủ động yêu cầu ra biên ải, lúc này trên mặt liền toát ra vẻ vui mừng, nói: “Như vậy rất tốt! Rất tốt! Đến lúc đó hoàng đệ trở về, có thể nói là song hỷ doanh môn. Chủ ý này rất khá”.

Na Lâm vốn không biết hành động lần này của Băng Ngưng là vì cứu Tiết vương gia. Ông ta nghe Hoàng thượng đồng ý, lúc này hỏi: “Hoàng thượng, ta còn một khúc mắc trong lòng. Nếu Tiết vương gia đến trấn thủ biên cương, mười năm không trở về, Quận chúa phải làm sao bây giờ? Chẳng lẽ lại uổng phí hư hao mười năm ư? Chi bằng để Tiết vương gia và Quận chúa thành thân trước rồi Vương gia đi đốc thúc chiến trận cũng chưa muộn”.

“Ba năm!” Tiết vương gia lại lên tiếng: “Nếu sau ba năm còn chưa đánh xong trận, thần đệ nhất định sẽ trở về lấy Quận chúa. Mời Hoàng thượng và Na đại nhân làm chứng, thế nào?”. Lời Tiết vương gia nói âm vang mạnh mẽ. Tôi thấy việc đã đến nước này, trong lòng hiểu rằng Vương gia chẳng thà ra chiến trường cũng không chịu cưới Băng Ngưng, y đang dùng kế hoãn binh. Tôi đành phải thở dài, để mặc cho y đi.

Hoàng thượng mừng rỡ nói: “Được, cứ quyết định như vậy. Tiết vương gia đến trấn thủ biên cương đốc thúc chiến trận, sau ba năm, bất kể thành bại ra sao, chiến sự có kết thúc chưa cũng nhất định phải trở về kinh thành lấy Ngâm Tuyết quận chúa. Trẫm nguyện làm chứng. Hoàng đệ, lần này đệ ra biên ải, phong sương đói khổ rét mướt, phải chăm nom bản thân nhiều hơn mới được”.

“Thần đệ tuân mệnh!” Tiết vương gia trả lời. Chuyện này, cứ quyết định như thế.

Sau khi trở lại Quỳnh Anh lâu, Băng Ngưng luôn rầu rĩ không vui. Tôi cũng không biết nên khuyên bảo cô bé thế nào thì tốt. Tấm lòng cô bé dành cho Tiết vương gia, trong lòng tôi cũng biết. Suy xét hết lần này đến lần khác, tôi quyết định gặp mặt Tiết vương gia, thuyết phục y từ bỏ hành trình ra biên cương mà lấy Băng Ngưng.

Tôi đặc biệt nhờ Băng Ngưng mời Tiết vương gia đến Thập Hương đình. Hương các nằm trong một góc của ngự hoa viên, vô cùng hẻo lánh, thường ngày người thường không mấy khi đến đây.

Chờ khi tôi đến nơi, quả nhiên đã thấy Tiết vương gia và Băng Ngưng đang đợi. Băng Ngưng thấy tôi đến, nói: “Tỷ tỷ, tỷ và Tiết vương gia nói chuyện đi. Muội về trước”, dứt lời liền quay đầu bước đi.

Tôi nhìn theo bóng lưng xa dần của Băng Ngưng, nói với Tiết vương gia: “Vương gia, Băng Ngưng thật sự là một cô gái rất tốt.”

Tiết vương gia mỉm cười, nhìn tôi không nói một lời, tôi lại không dám ngẩng đầu lên nhìn vào mắt y. Hồi lâu sau, y mới nói một câu: “Dung Phi nương nương, bao ngày không gặp, hôm qua trong triều không dám thăm hỏi, hôm nay nhìn thấy, người lại gầy đi”.

Tôi hờ hững nói: “Đa tạ Vương gia quan tâm. Hôm nay bản cung mời Vương gia đến đây là có chuyện muốn bàn bạc với Vương gia, chẳng hay Vương gia có chịu nghe ta nói một lời không?”.

Tiết vương gia bình tĩnh nhìn tôi, không nói năng gì. Tôi nhất thời cũng trào dâng cơn sóng lòng. “Nhân sinh nếu chỉ như mới gặp[2]”, thì thật đẹp biết bao. Nhưng sao lại rơi vào tình cảnh hôm nay, đối diện gặp nhau như chẳng biết, quanh quanh quẩn quẩn một đoạn đường, tình cảm xưa kia nay vẫn vậy, tình cảm năm nao chẳng chuyển dời, mới chỉ quay đầu lại, mà như đằng đẵng đã mấy đời.

[2] Lấy ý từ một câu thơ trong tác phẩm Mộc lan từ nghĩ cổ quyết tuyệt từ giản hữu của tác giả Nạp Lan Tính Đức đời Thanh.

Tôi thấy Tiết vương gia không nói gì, đành phải chậm rãi lên tiếng: “Lần này Vương gia đến biên cương, bụi gai trải rộng, chẳng những phải đối mặt với họa ngoài mà còn có cả ưu trong. Thật ra Băng Ngưng muội muội chan chứa tình ý với Vương gia từ lâu, do dự đến nay thì lại phát hiện ra Vương gia và muội muội có hôn ước từ trước. Vương gia nghe ta nói một câu, vì bản thân, cũng vì những người nhớ mong người, cưới Quận chúa đi, đừng ra biên ải”.

Tiết vương gia chăm chú nhìn về đằng xa, khói mây bay loạn, trong đám mây mù cuồn cuộn có một cánh cò trắng không biết từ chốn nào bất chợt bay lên, xoải rộng cánh lao vào giữa mây cao, rồi không còn thấy nửa phần bóng dáng, đã bay đi rất xa rồi.

Người ngơ ngẩn hồi lâu, mới ngoảnh đầu lại, chậm rãi nói: “Dung Nhi, ban đầu ta vốn chỉ nghĩ đến việc nàng sẽ gả làm thê tử của ta, chứ chưa từng nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp mặt nhau dưới tình cảnh này. Sau khi nàng vào cung, chúng ta không dễ gì chạm mặt, khó khăn lắm lần này mới gặp được nhau, nàng lại khuyên ta lấy người khác. Ta tự xưng phong lưu thành tính, cơ thiếp bên cạnh tựa như mây, vốn không nên có vọng tưởng gì. Lần này nếu Hoàng thượng ép ta cưới người khác thì cũng thôi, nhưng người đó lại là người bên cạnh nàng. Ngày ngày sớm chiều gặp nhau, trong lòng ta sẽ lại nhớ đến lúc chúng ta qua lại, nỗi trường hận trong đó thật sự ta không thể tỏ với người ngoài”.

Tâm tưởng tôi thổn thức vô vàn, chậm rãi nói: “Vương gia, nếu chàng nghĩ như vậy thì đã lầm rồi. Băng Ngưng là người bên cạnh thiếp, chàng nhìn muội ấy cũng chẳng khác gì nhìn thấy thiếp. Loại trừ điều đó không nói, lần này Hoàng thượng sai phái chàng đến biên cương đốc thúc chiến trận, tâm tư khó dò. Hoàng thái hậu lúc lâm chung di mệnh, muốn Hoàng thượng diệt trừ chàng, hòng diệt tận gốc đại họa trong lòng. Nếu chàng đi như thế, quan san ngàn dặm, hiểm trở trùng trùng, chàng bảo người bên cạnh chàng không thương tưởng thế nào đây?”.

Tiết vương gia dửng dưng nói: “Hoàng huynh rắp tâm muốn đưa ta vào chỗ chết, ta biết lâu rồi. Huynh ấy đã có lòng không dung ta lại, cho dù ta có may mắn thoát được thì còn có lần sau, lần sau nữa. Đã là như vậy, chẳng bằng thản nhiên đối mặt đi”. Nói đến đây, y thở dài: “Dung Nhi, ta đi rồi, nàng phải trân trọng bản thân nhiều hơn”.

Lệ trong mắt tôi trút xuống như châu ngọc. Cho đến giờ, tôi những tưởng rằng trong lòng mình đã không còn người này nữa. Nào ngờ rằng, y đã trở thành người yêu dấu nhất lòng tôi.

Nam nhi đi chinh chiến, nữ nhi may chinh bào. Tháng Tám năm Thành Hóa thứ mười hai triều Tây Tống, trước đêm Trung thu, Tiết vương gia phụng hoàng mệnh đến trấn thủ biên cương đốc thúc chiến trận.

Tết Trung thu năm đó, xuất hiện cảnh tượng nhật thực quái dị, trăng không tròn vạnh, người chẳng đoàn viên.