Biên tập: Sabi
Beta: Qin Zồ
Ngày hôm sau Tôn Biền dậy từ sớm, nhưng ra khỏi phòng mới phát hiện bố, mẹ và cả anh trai dậy còn sớm hơn. Đang đứng trong phòng bếp nấu nướng thì chợt nghe tiếng động vang lên bên ngoài cửa sổ thủy tinh, mẹ Tôn nhìn ra phòng khách, vừa thấy con gái thì bảo: “Con đi chải đầu rửa mặt nhanh lên, xong thì kêu em dậy ăn sáng.”
Khi Tôn Biền đẩy cu cậu từ phòng bên ra ngoài thì mẹ đã nhanh nhẹn sắp đặt mọi thứ lên bàn ăn. Cháo loãng và bánh bột mì là đồ thừa đêm qua, bữa sáng gia đình cô vẫn cứ đơn giản như vậy. Trong lúc dùng bữa, mẹ Tôn nhìn con gái với ánh mắt “hiếm khi mới được một lần” hỏi: “Sao hôm nay không cần người khác gọi đã tự giác dậy rồi?”
Con mình sinh tính cách thế nào tự mình biết rõ. Nó chỗ nào cũng được, chỉ có cái là hơi thích nằm ỳ. Khi đi học thì còn ổn, có thể dậy đúng giờ. Nhưng chỉ cần vừa nghỉ một cái là sống chết bám trên giường, nếu không có ai gọi thì có thể dính tới trưa.
“Hôm nay bọn con phải đến trường lĩnh bằng tốt nghiệp.” Nuốt đồ ăn trong miệng xuống, Tôn Biền vừa cầm chén cháo loãng thổi cho nguội vừa trả lời.
Bình thường khi mọi người đến xem kết quả thi, bằng tốt nghiệp cũng sẽ được phát luôn. Nhưng năm nay không biết bên trường học có vấn đề gì mà dời ngày cấp, thông báo hôm nay để các học sinh tốt nghiệp tự đến lĩnh.
Tôn Biền và anh Tôn Tuấn đều học ở trường trung học cho con em công nhân viên nhà máy. Dù chênh nhau hơn 1 tuổi nhưng hai người lại là bạn học cùng khóa và còn cùng cả lớp. Xuất hiện tình huống như thế là bởi mẹ cho Tôn Biền đi học sớm. Vì khi hai anh em còn nhỏ, thời thế loạn lạc nên mẹ Tôn sợ con gái bị ăn hiếp. Vừa hay con bé cũng thông minh, nên bà mới nghĩ đến việc đưa nó đi học chung với con trai cả, để hai đứa có thể chăm sóc nhau.
Năm nay cả hai cùng tốt nghiệp trung học, con gái thi đậu trường phổ thông huyện, còn con cả thì sắp được vào nhà máy làm việc. Nếu khả năng chồng bà thăng một cấp nữa thì năm nay nhà họ Tôn có thể gọi là tam hỉ lâm môn.
Mẹ Tôn càng nghĩ càng vui, gắp miếng thịt còn lại trong rau xào cho bọn nhỏ. Tôn Tuấn tiện tay gắp một đũa, vừa nhai vừa nói: “Ừm… Em gái này, hôm nay anh muốn sang bên nhà máy với bố, em tới trường tiện thể lấy bằng tốt nghiệp về hộ anh luôn nha.”
“Anh còn tới nhà máy làm gì?” Tôn Ký nhanh chóng giải quyết hết cháo loãng, vừa đưa chị múc chén thứ hai vừa nghi ngờ hỏi.
“Hôm qua khi đi đăng ký không mang đủ giấy tờ, bố nhờ bên quản lý xưởng ghi tên lại trước, rồi hôm nay mới sang bổ sung. Đúng rồi mẹ, ảnh thẻ của con để đâu rồi?”
Bận rộn cả buổi sáng, cả nhà cô hôm nay cùng ra cửa. Khi tới đầu cầu thang, ngay ở góc ngoặt đã có một cô gái trẻ vóc dáng cao gầy, da dẻ hơi vàng, thắt bím tóc đứng đợi. Thấy Tôn Biền xuất hiện, cô bé liền cười phất tay. Cô không khỏi tăng tốc độ chạy bước nhỏ về hướng đó.
“Hải Vi, lại phiền cậu chờ mình rồi.”
Cô bé đứng chờ Tôn Biền ở góc lầu nghe thế thì nhoẻn miệng cười tươi, để lộ hàm răng trắng tít tắp trả lời: “Không sao mà, vẫn còn kịp giờ. Ủa, sao anh cậu không tới? Ảnh sang bên nhà máy rồi à?”
“Ừa, nhà máy tuyển người học nghề, ảnh muốn đi đăng ký nên nhờ mình lấy bằng tốt nghiệp giúp. Chúng ta đi thôi Hải Vi, đi sớm nhận sớm.”
Người đang nói chuyện cùng Tôn Biền chính là cô bạn thân tên Từ Hải Vi, học cùng lớp với hai anh em, nhà chỉ cách bọn cô một tầng. Bố Từ Hải Vi làm công nhân xưởng đồ điện của nhà máy. Còn mẹ cô ấy chính là dì Hứa, nhân viên bán hàng hôm qua mời Tôn Biền ăn kem.
Hồi xưa khi căn nhà phúc lợi mới của nhà máy điện còn chưa xây xong, cả nhà Tôn Biền chen chúc trong căn hộ một phòng ngủ một phòng khách 30 mấy mét kiểu cũ, gia đình Từ Hải Vi thì ở tầng trên. Con cái bọn họ cùng đến trường rồi tan học, mấy đứa con gái chơi đùa với nhau, đám con trai thì cùng đánh nhau, mối quan hệ đôi bên vô cùng tốt.
Nên hôm nay khi phải đi lĩnh bằng tốt nghiệp, nhờ nhiều năm ăn ý không cần nói trước, bạn học Tiểu Từ đã trực tiếp chờ Tôn Biền ở góc lầu. Hai cô bạn thân thiết vừa nói vừa cười đi dọc theo con đường trải nhựa uốn lượn – đoạn đường này chính là ranh giới phân chia giữa nhà máy và khu hộ gia đình.
Nhà máy điện bên đường chiếm diện tích nửa ngọn núi, khu xưởng bị tường rào thật cao vây quanh và sơn trắng bên ngoài. Mỗi đoạn trên tường đều được viết những chữ to đủng đỏ chót làm khẩu hiệu như: “Thực hiện bốn Hiện đại hóa1, chấn hưng Trung Hoa.” Hoặc: “An toàn nhờ phút giây cảnh giác, tai nạn bởi bất cẩn lơ là.”
Ống khói hình bình tam giác trong nhà máy cao vút giữa mây ngàn, khói trắng lượn lờ thẳng đến tầng trời xanh. Tọa lạc cách đó không xa là từng tòa nhà xưởng cùng những cột tháp vận chuyển và phân phối điện nằm san sát nhau, đưa điện năng sản xuất từ đây đến trạm biến áp trong ngoài thành phố, rải khắp nội thành nông thôn.
Mà ở khu dân cư bên kia cũng chiếm nửa ngọn núi lại được phân bổ trật tự. Tại địa thế bằng phẳng nhất dưới chân núi cho xây dựng trường tiểu học, trung học và cả nhà trẻ cho con em cán bộ công nhân viên. Liền kề đó chính là bệnh viện nhà máy điện và quảng trường nhỏ nằm kế bên. Chỗ phía Tây quảng trường là sân bóng rổ được trát nền bằng xi măng, xây theo kiến trúc hang động cổ đại2.
Trên một con đường nhỏ cách bệnh viện có bảy, tám tòa nhà gạch ống3 ba tầng. Chúng đã cực kỳ cũ kỹ, có thể xem như cũ nhất trong số các nhà ống. Nghe nói trước đây khi mới thành lập nhà máy điện nó được xây dựng cùng lúc với đơn vị số 1, mà còn là chuyện từ trước khi xây dựng đất nước.
Những tòa nhà gạch ống kia chính là nơi ở của thế hệ gia đình công nhân viên nhà máy điện đầu tiên. Sau này khi xưởng mở rộng, công nhân ngày càng nhiều, rồi phải tiếp nhận hết nhóm này đến nhóm khác nên nơi đây mới biến thành ký túc xá của nhân viên độc thân.
Ngay sau các tòa nhà gạch chính là bốn, năm mươi tòa nhà tập thể cao 5 tầng, được xây dựng lần lượt vào cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60. Dù cũng là nhà ở phúc lợi cho nhân viên với kết cấu ống, nhưng nhà ống này thực dụng hơn tòa nhà gạch nhiều. Ít ra trong căn hộ nó còn có nhà vệ sinh riêng, chỉ là vẫn phải sử dụng chung gian bếp với hàng xóm mà thôi. Trước khi được chuyển đến căn hộ mới thì nhà Tôn Biền ở ngay trong khu nhà ống này.
Đi theo hướng những tòa nhà ống kia sẽ thấy được một khoảng chân núi bị san bằng, mọc lên hai mươi mấy chung cư điển hình cho kiến trúc những năm 70. Tòa nhà tập thể sáu tầng được sơn màu xám, dù thoạt nhìn qua không thấy được nhưng những ai từng ở đều biết đạt chất lượng tiêu chuẩn.
Lên giữa sườn núi còn có mười hai tòa nhà mới sừng sững, là nhà phúc lợi mà năm kia nhà máy vừa xây xong. Căn hộ mới nằm trên cao đón ánh sáng tốt, nhà máy điện tự cung cấp điện nước, khu xưởng thống nhất cấp hệ thống sưởi, phía Đông tòa nhà có phòng tắm công cộng mới được tu sửa. Điều kiện sống thế này thì đến cả ở thành phố cũng thuộc hàng đầu.
Tường sơn màu xanh nhạt với khung cửa sổ thủy tinh bằng gỗ, mười hai tòa chung cư bảy mươi hai khu, có thể tưởng tượng được đứng đó chói mắt đến độ nào.
Nhớ trước kia vì tư cách chia nhà mà trong xưởng phải vắt óc suy nghĩ, cố gắng đảm bảo công bằng hết mức có thể. May rằng bố mẹ Tôn đều là công nhân viên chức, vừa không phải viên chức hạng phổ thông mà trong nhà còn nhiều con, vốn ở phòng có diện tích nhỏ nên có tư cách được điều chuyển tới phòng mới bên đây.
Xung quanh tòa nhà cư trú của các hộ gia đình, nhà máy còn cho xây thêm một số ngôi nhà nhỏ hai tầng nối liền nhau, được dùng làm phương tiện hỗ trợ cho khu cư trú. Mỗi ngôi nhà nhỏ như vậy là một mắt xích trong mạng lưới kinh doanh, cửa hàng, quán cơm, nhà tắm, tiệm tạp hóa, tiệm cắt tóc, ngân hàng tiết kiệm, đủ mọi mặt khác nhau. Có thể nói dù là hạng mục hay chức năng cũng không hề kém trên thị trấn.
Tại chỗ cách khu dân cư mấy chục mét, dưới bụi cỏ dại không cao có một con rồng thép khổng lồ đang ẩn nấp. Đó chính là đường ray mà nội thành đã đặc biệt đứng ra thi công, nhằm thuận tiện cung cấp than đá, nhiên liệu và các loại vật tư cho nhà máy. Con đường tiếp viện vật tư chuyên dụng này chính là niềm kiêu hãnh của cả phân xưởng. Bởi suy cho cùng thì trong toàn thành phố, chỉ mình nhà máy nơi đây có thể nhận được đãi ngộ này thôi.
Dù sau này có phân ra, dẫn một tuyến đường ray đến xưởng lốp xe bên kia thì mọi người trong nhà máy điện vẫn tự hào như cũ. Sống lưng bọn họ ưỡn thẳng như đường ray xe lửa. Đường sắt ở nhà máy lốp xe ư? Chẳng qua cũng chỉ ké chút ánh hào quang của bọn này thôi.
Cũng như mười mấy tòa nhà hộ gia đình nhà máy điện bên kia tuyến đường ray. Để tiện sinh hoạt, không phải đã đưa khu nhà đến chỗ gần xưởng nhất, cho con cái đến trường thuận lợi, người già khám bệnh, các thành viên gia đình sinh sống rồi sao?
Không có phương diện hỗ trợ của nhà máy điện bọn họ, thì đến cả điện nước, hệ thống sưởi ở xưởng lốp xe bên kia vẫn là vấn đề lớn. Một tòa nhà máy điện với hơn mười mấy nghìn công nhân cộng với người nhà, dân cư ở đây ít nhất cũng phải hơn 30 nghìn người. Thêm cả công nhân viên xưởng lốp xe và gia đình, cùng thôn dân hai đại đội phụ cận đã được khoảng 40, 50 nghìn người. Tất cả vẽ nên một bức tranh khói lửa nhân gian phồn hoa, điểm tô miền núi vốn vắng vẻ bình yên trở nên náo nhiệt cực kỳ.
Nhờ vào nhà máy điện, trong núi từ từ hiện lên một thị trấn nhỏ.
Hết chương 5.