Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 45: Đoan ngọ




Để kỷ niệm công trình đào ao quy mô lớn này cuối cùng cũng đã hoàn thành, họ quyết định làm tiệc ăn mừng, hơn nữa cũng vừa đúng dịp, Hà Điền chuẩn bị luôn cho ngày Đoan ngọ.

Sự xuất hiện của thời kỳ lạnh giá đã làm gián đoạn nhiều lễ hội và phong tục truyền thống trước đây.

Khi thảm họa vừa xảy ra, một cơn sóng thần bất ngờ tràn vào các vùng đất ven biển, cư dân của các thành phố ven biển đều rơi vào thảm cảnh. Tiếp sau đó là một đợt giảm nhiệt độ cực kỳ khủng khiếp. Theo mô tả của những người còn sống sót, nhiệt độ đột ngột giảm mạnh từ 26 độ C xuống âm 30 độ chỉ trong một đêm. Giao thông bị tê liệt, những người sống sót bị mắc kẹt chỉ có thể cầm cự bằng cách đốt cháy tất cả các chất cháy mà họ có thể tìm thấy.

Khoảng mười năm sau đó, những người may mắn sống sót dần dần tụ tập về khu vực có thể sống được. Sự khan hiếm các nguồn tài nguyên buộc những người sống sót ít ỏi này phải tàn sát lẫn nhau. Kết quả là một số người đã rời bỏ những khu định cư tuy ấm áp nhưng lại quá đổi tàn khốc này để sống một cuộc sống cô lập, cố gắng sinh tồn trong khu rừng gần một nửa thời gian đều là tuyết phủ. Điều kiện sống ở đây tuy rất tệ, nhưng sự cạnh tranh giữa mọi người cũng ít hơn rất nhiều.

Trải qua mấy cuộc di cư và mấy chục năm, đủ thứ dân tộc lẫn lộn, không ai dám nói là mình không phải con lai. Cũng bởi vì vậy, các nền văn hóa khác nhau cũng đã phải trải qua một vài cuộc xáo trộn, một số đã bị lãng quên, và cũng có một số được đặc biệt giữ lại.

Khu rừng nơi gia đình Hà Điền sinh sống cũng không ngoại lệ.

Những người hàng xóm gần nhà cô và cả những cư dân ở thôn làng dưới núi vốn đều là những người đến từ nhiều vùng đất khác nhau, có một số người đã rời đi và đến những nơi ấm áp hơn, trong khi một số thì ở lại và phát triển.

Một vài thế hệ sau, mặc dù cũng có những dòng dõi tóc đen và mắt đen giống như người Hoa, nhưng không ai tiếp tục sử dụng lịch âm nữa. Cho dù có muốn dùng cũng không tìm được lịch âm, hơn nữa cũng không có chuyên gia nào tính toán cụ thể được nữa.

Gia đình của Hà Điền thì có ghi lại ngày tháng, dựa vào một chiếc đồng hồ cơ khí gia truyền để lại.

Đối với tiết khí của âm lịch, ngoại trừ một số ít liên quan đến nắng, còn lại toàn bộ đều vô giá trị sau đợt thiên tai.

Tuy các tiết khí âm lịch không còn nữa, nhưng ẩm thực và một số phong tục liên quan đến tiết khí thì vẫn được giữ lại.

Điều này có lẽ là bởi vì con người vốn là những kẻ háo ăn chăng?

Trong rừng, mọi người đều tuân theo các tín hiệu của tự nhiên, nếu như đã quyết định một ngày nào đó là ngày lễ thì sẽ tổ chức và làm các món ăn tương ứng với ngày lễ đó.

Ví như bánh xuân lẽ ra phải ăn vào ngày Xuân phân, nhưng người miền núi và thợ săn trong rừng không thể xem lịch âm, nên chỉ có thể ăn bánh xuân vào ngày nước sông tan băng.

Chỉ với một con sông nhưng người dân ở thượng nguồn và hạ lưu sông lại tổ chức lễ hội Xuân phân có thể cách nhau khoảng một hai ngày.

Lại ví như hiện tại, khi tiếng ếch nhái đầu tiên xuất hiện trong rừng, vậy thì ngày hôm sau sẽ là ngày Đoan ngọ.

Điều này cũng không phải do tổ tiên quyết định, mà còn dựa vào một số cơ sở khoa học.

Mùa hè trong rừng rất quý giá và ngắn ngủi. Từ đầu tháng sáu đến giữa tháng tám, chỉ có hơn hai tháng thời gian, có đôi khi, trung tuần tháng sáu còn bất chợt rơi xuống một trận tuyết. Sau khi những chú ếch xanh vốn đã ngủ đông trong một mùa đông thức dậy, việc đầu tiên mà chúng làm là tìm phối ngẫu trước khi mùa ấm nhất trong năm bắt đầu.

Tiếng kêu của chúng đánh dấu sự khởi đầu của những ngày nắng nóng nhất.

Mặc dù phương pháp quyết định ngày nào là lễ hội có vẻ qua loa, nhưng Hà Điền chuẩn bị cho ngày Đoan ngọ rất nghiêm túc.

Cô đã sớm thu hái các loại thảo mộc, phơi khô, nghiền thành bột, cho vào một cái túi nhỏ làm bằng vải vụn, trong đó có rất nhiều ngải cứu.

Vào ngày Đoan ngọ, trước khi mặt trời mọc, những chiếc túi nhỏ này phải được treo trên rèm, cửa sổ và dầm nhà.

Ở chỗ ngủ trên gác, những giỏ hoa nhỏ đựng hoa khô và lá cúc tần cũng được thay thế bằng những túi thơm này. Nhưng những chiếc túi này được bày trí tinh tế hơn, gồm ba túi có kích thước khác nhau được xâu lại thành một chuỗi, còn có một chiếc tua nhỏ làm bằng dây đỏ được thả xuống.

Hà Điền còn dùng lá cây hương bồ làm thành nhiều chiếc gói nhỏ không to bằng ngón tay cái, ở bên trong chứa đầy hương liệu, được cột lại bằng chỉ lụa. Sợi chỉ có năm màu là đen, đỏ, vàng, xanh dương và xanh lá cây, sau khi quấn vài lần với từng sợi chỉ có màu riêng biệt thì những chiếc gói nhỏ này cũng sẽ có màu khác nhau.

Chúng được xâu lại với nhau bằng một cây kim thô và chỉ gai, có thể được treo quanh cổ hoặc treo trên tường để trang trí.

Hà Điền còn có một hộp tràng hạt, khi xâu chuỗi gói nhỏ đó, cô sẽ đặt một vài hạt vào xen kẽ.

Lúc đầu, Dịch Huyền còn cho rằng những hạt này là hạt gỗ, nhưng sau đó lại phát hiện ra rằng chúng là hạt của một loại cây không rõ nguồn gốc, vỏ nhẵn và sáng, màu xám nhạt, trên đó có những đường dọc màu xám đậm, ở giữa có một cái lõi, sau khi kéo lõi ra, chúng sẽ thành những lỗ hạt tự nhiên.

Hà Điền đã nhuộm những hạt này bằng nước vắt từ củ dền. Sau khi ngâm vài tiếng, hạt sẽ chuyển sang màu đỏ tím, nhưng sau khi phơi khô thì màu đỏ nhạt dần và chuyển sang màu hồng, nhìn rất đẹp. Nhưng Hà Điền nói sau khi các hạt này được treo lên, tiếp xúc với ánh nắng vài ngày, màu sắc của chúng sẽ nhạt dần và chuyển về màu xám vốn có.

Cho dù có làm những gói nhỏ bằng những mảnh vải chắp vá cỡ bằng ngón tay, hay bằng lá rồi quấn những sợi chỉ lên ​​trên, Dịch Huyền cũng đều không thể làm tốt được.

Dù Hà Điền vẫn kiên nhẫn và tích cực muốn dạy cho anh, nhưng anh cũng biết khả năng của mình đến đâu.

Những gì anh có thể làm là giúp nghiền hương liệu, sau đó xâu những gói nhỏ đã gói xong thành một dây chuỗi. Đem bột thơm đã nghiền trộn với một ít dầu trơn, Dịch Huyền tạo ra một số viên hương nhỏ hình nón. Những viên hương này được đặt trong một chiếc dĩa sành đựng đầy cát và đặt ở bốn góc nhà, mỗi tối trước khi đi ngủ thì đốt lên, vậy là có một giấc ngủ yên lành và không bị muỗi đốt.

"Hồi nhỏ tôi thường dùng đậu xanh và đậu đỏ!" Hà Điền ngồi dưới ngọn đèn bận rộn với công việc. Cô muốn trang trí thêm những gói nhỏ này trước khi ngày mai Đoan ngọ đến.

Đoan ngọ là lễ hội long trọng nhất trong mùa hè, sau Đoan ngọ, tháng sáu đã qua một nửa, tức là một năm đã gần quá nửa.

Đây là lần đầu tiên Dịch Huyền tham gia ngày Đoan ngọ với cô. Cô muốn làm cho ngày lễ này trở nên hoành tráng và trang trí thật nhiều để nó trở nên đúng chất hơn.

Việc làm những gói nhỏ này mất rất nhiều thời gian, vì vậy lúc này cô cũng chỉ dùng lá hương bồ để gói. Cô nghĩ kỹ, sau đó dùng chỉ gai xâu những gói nhỏ màu xanh này thành những sợi chuỗi nhỏ. Bên dưới thả một vài hạt tràng hạt, rồi lại thêm một chiếc tua bằng sợi chỉ gai đỏ nhuộm từ củ dền. Gió thổi qua, không phải nhìn rất đẹp sao? Ngoài ra còn toả ra mùi thơm của lá cây hương bồ và mùi thơm của bột hương nữa!

Cô cầm một chiếc lá hương bồ lên gấp lại, ánh đèn phản chiếu khiến chiếc lá trở nên xanh và trong suốt. Bàn tay cô cầm lấy lá cây, cổ tay lộ ra ngoài ống tay áo, trắng ngần. Vì nhuộm hạt, đầu ngón tay của cô cũng bị nước củ dền nhuộm màu, hiện tại chúng có màu hồng nhạt, còn móng tay ngắn thì vẫn là màu ban đầu.

Dịch Huyền nhìn đôi tay khéo léo xếp lá của Hà Điền, có ý nghĩ kỳ quái muốn cho những ngón tay ấy vào miệng cắn nhẹ, anh ho khan một tiếng: "Hạt đậu cứng như thế thì làm sao mà xâu được?"

"Đương nhiên là tôi sẽ ngâm trước!" Hà Điền nhìn anh nở nụ cười: "Sau khi ngâm qua đêm, hạt đậu sẽ mềm và nở ra. Cầm hai đầu hạt đậu rồi dùng kim nhỏ nhất đâm vào tâm đậu. Xanh xanh đỏ đỏ trông đẹp mắt lắm! Nhưng mà sau khi đậu khô rồi thì có nhiều hạt sẽ bị vỡ và rơi ra."

Hà Điền lại hỏi: "Chỗ cô tổ chức Đoan ngọ như thế nào? Sẽ chèo thuyền rồng chứ?"

Dịch Huyền buồn cười lắc đầu: "Không có thuyền rồng." Anh suy nghĩ một chút: "Hình như cũng không có không khí ngày lễ gì hết, tôi chỉ biết là đến ngày này thì sẽ có bánh ú ăn!"

Hà Điền lắc đầu, không có học vấn cũng không nghề nghiệp, chỉ biết ăn!

Nhưng khi nói đến chuyện ăn uống, Dịch Huyền lúc nào cũng kể một cách rất hào hứng.

"Có rất nhiều loại bánh ú, tất nhiên loại phổ biến nhất được gói bằng gạo nếp, nhưng tôi đã thấy người ta trộn các loại đậu và gạo nếp lại với nhau, ở giữa đặt một hạt mứt táo..."

"Bánh ú nhân thịt mặn cũng được nhiều người yêu thích, nhưng tôi thích nhất là nhân đậu lòng đỏ trứng. Đúng rồi! Còn nhân sen nữa!"

"Làm nhân sen như thế nào? Cái này tôi cũng không biết. Nhưng nếu nói là nhân sen, vậy thì có lẽ không thể là gì khác ngoài nhụy sen, củ sen, hạt sen cả!"

"Ngoài ra còn có một loại bánh ú trong như pha lê, bên trong là nhân đậu, nhìn tinh xảo và đáng yêu lắm."

"Tại sao nó lại trong như pha lê nhỉ? Hình như nó được làm bằng bột báng thay vì là gạo nếp thì phải."

"Bột báng đó hả... Là phần bên trong hạt của một cây cọ có ở vùng gần đường xích đạo. Sau khi đập vỡ ra, bên trong chứa đầy tinh bột. Loại tinh bột này... có lẽ đã được nấu? Sau đó được làm thành những viên nhỏ với nhiều kích cỡ, sau khi sấy khô thì thành bột báng!"

"Bột báng còn có thể chế biến thành chè, nấu với nước cốt dừa, đường rồi thêm đá, làm thành rất nhiều món ăn ngọt mát..."

Đêm này cũng giống như rất nhiều đêm khác, đầy những tưởng tượng về đủ thứ đồ ăn.

Sáng sớm hôm sau, Hà Điền treo những gói thành phẩm lên bốn góc của căn gác, Dịch Huyền thì treo chúng dưới mái hiên và hai bên rèm cửa, khi gió thổi qua, chúng bay múa trong gió, hương thơm tỏa khắp nơi.

Hà Điền nghe bà mình kể rằng ngày Đoan ngọ có truyền thống quét ngũ độc, nhưng bà cũng không biết là nên quét dọn như thế nào, có lẽ là quét dọn sân nhà? Sợ năm loài côn trùng độc như nhện, rắn, rết, bọ cạp, cóc nhái chạy vào nhà làm ổ chăng?

Nói gì thì nói, Hà Điền và Dịch Huyền cũng đi lấy chổi lông heo quét chuồng cho Gạo rồi chải lông cho nó trước.

Những chú vịt con và thỏ con cũng được cho vào lồng đem ra phơi nắng.

Cuối cùng, lại đeo những gói nhỏ nhiều màu sắc kia lên cổ của Lúa Mì và Gạo.

Dịch Huyền thấy Lúa Mì đeo chuỗi dây này rất đáng yêu và vui nhộn, nên cũng kêu Hà Điền làm cho mình một chuỗi, anh đeo một chuỗi năm chiếc gói nhỏ với kích thước khác nhau, cách nhau bằng một dãy hạt, đuôi dây là lá của cây hương bồ được vuốt thành sợi, đầu dây để dài, buộc thành nút rồi giắt ở trên đai lưng.

Hà Điền quan sát Dịch Huyền đi xung quanh, cũng làm cho mình một cái treo trên thắt lưng.

Dịch Huyền thấy vậy thì cười nói: "Được rồi, bây giờ cả nhà đều đồng nhất rồi."

Truyền thống của ngày Đoan ngọ bao gồm đua thuyền rồng, quét ngũ độc và ăn bánh ú. Hai cách đầu tiên chỉ có thể thể hiện thông qua tấm lòng, nhưng ăn bánh ú mới là trọng điểm nhất.

Theo như lời của Dịch Huyền, nếu như không có một món ăn ngon như bánh ú, ai sẽ còn nhớ đến ngày Đoan ngọ nữa?

Tối hôm qua khi gói những gói nhỏ kia, Hà Điền và Dịch Huyền cũng đã chuẩn bị đầy đủ để hôm nay gói bánh.

Theo như những gì cô biết thì Dịch Huyền chỉ cần biết nó có ngon không, ăn như thế nào và chế biến ra sao là được, anh thậm chí còn không biết mình đã ăn gì.

Nhưng khẩu vị của anh không khó để nắm bắt.

Là ngọt và mặn!

Tối hôm qua trước khi đi ngủ, Hà Điền ngâm một hũ gạo nếp nhỏ và chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu hơn. Năm ngoái không ăn được bánh ú, năm nay cô nhất định phải ăn bù.

Trứng vịt muối đã nấu xong lúc sáng, còn lấy ra mỗi người một quả ăn kèm với cháo gạo táo đỏ, sau đó bóc lấy lòng đỏ của những quả trứng còn lại ra cho vào một cái tô lớn.

Nhân đậu đã được xào từ lâu, mềm mịn, ngọt tan trong miệng.

Ngoài những thứ này, Hà Điền còn ướp một số loại thịt. Gà gô và vịt trời bắt hôm trước được nhổ lông, mổ rửa sạch sẽ, cất vào hầm, tối hôm qua mới lấy ra. Gà gô chỉ chọn phần thịt đùi, còn vịt thì chọn phần ức, cắt miếng vuông cỡ 2 cm, ướp với mật ong, nước tương và chút muối, cho vào một cái chum có nắp, để ở nơi thoáng mát, ướp qua đêm, thịt sẽ thấm vị, thịt gà sẽ ngả màu nâu, còn ức vịt thì chuyển sang màu đỏ nâu.

Ngoài ra, cô còn ngâm mười hạt dẻ, một nắm hạt đậu đũa đỏ và đậu phộng.

Nguyên liệu đã đầy đủ, Hà Điền bắt đầu gói bánh ú.

Đầu tiên cô nấu lá rồi để nguội.

Để gói bánh ú, các loại lá thường dùng là lá bương, lá sậy và lá tre.

Lá bương mọc trong rừng, thường gặp ở gần các khe suối đá, tuy nhiên, rừng mùa hè không phải là nơi an toàn để đi nên Hà Điền không hái lá bương.

Hà Điền và Dịch Huyền gần đây nếu không phải ở nhà trồng trọt thì cũng chỉ đi lưới cá và săn bắt chim, họ hiếm khi vào rừng sâu nơi có gấu và báo qua lại.

Rừng bây giờ là mùa cành lá xum xuê nhất trong năm, càng vào sâu bên trong, lá cây che khuất bầu trời, thậm chí rêu cũng mọc nhiều hơn bình thường, trên các cành, thân cây thường có những đám rêu, dây leo rủ xuống.

Trong môi trường này, khứu giác của con người hoàn toàn không thể so sánh với dã thú, hoàn toàn rơi vào thế yếu. Thảm thực vật dày đặc khiến bước chân của động vật không hề phát ra tiếng động, cũng không dễ dàng phát hiện ra dấu chân của chúng, có lẽ trong vòng bán kính 10 km, chúng đã ngửi thấy hơi thở của bạn, lén lút đi đến sau lưng bạn lúc nào không hay.

Lá sậy thì thường mọc gần ao, lá to và dài, nếu không dùng được lá sậy thì có thể dùng lá của cây hương bồ. Lá của hai loại cây thủy sinh này có mùi thơm nhẹ, dùng để gói bánh ú rất ngon.

Hà Điền thích nhất chính là bánh ú lá tre. Lá tre có mùi thơm đặc biệt mà lá sậy, lá hương bồ không có. Lúc lột bánh ú ra ăn sẽ có một ít gạo nếp dính trên lá tre, Hà Điền đều nhịn không được mà liếm sạch. Thơm vô cùng!

Lá tre cũng có một ưu điểm mà lá sậy và lá hương bồ không có, đó là nó khó gãy hơn. Lột bánh ú ra, ăn xong, ngâm lá trong nước rửa sạch hạt gạo nếp và chất nhờn xong thì phơi khô rồi đem cất, có thể dùng thêm được mấy lần.

Vì vậy, cô đã sử dụng lá tre.

Loại lá tre tốt nhất để gói bánh ú là loại lá đã hơi úa vàng. Lá này nhìn xấu, khi bắt đầu ngả vàng, trên lá có một số đốm đen nâu to như hạt phỉ, nhưng dùng để gói bánh ú là tốt nhất. Nó cũng là loại lá to nhất, thích hợp để gói bánh ú nhiều nhân.

Loại lá tre xanh nhỏ hơn thì có thể dùng để gói bánh ú nhân đậu, bánh được gói đặt ở trong lòng bàn tay nhìn nhỏ xíu, sau khi nấu chín thì lột lá ra, gạo nếp trong vắt, nhuộm một chút màu xanh của lá tre, vừa thơm vừa dẻo, thậm chí cho dù không có bất kỳ nhân gì, chỉ là bánh ú nếp trắng, chấm một chút đường, nó cũng là một món ăn nhẹ buổi chiều khá tuyệt.

Sau khi thu hoạch lá tre, cắt đuôi, gấp thành ba nếp, cho vào nồi ngập nước, nấu chung với dây cột bánh.

Đối với dây cột bánh ú, Hà Điền sử dụng thân sậy và thân cây hương bồ đã chẻ.

Lá nấu trong vòng hai mươi phút thì vớt ra để nguội, lúc này khắp nhà đều ngửi được mùi thơm.

Lá và dây luộc trở nên mềm dẻo hơn, có thể gấp lại theo ý muốn mà không bị đứt.

Hà Điền dạy Dịch Huyền cầm một chiếc lá rồi cuộn lại thành hình nón, sau khi cầm chặt thì cho gạo nếp vào, sau đó cho một muỗng nhỏ nhân đậu, lại phủ một lớp gạo lên, ấn phần lá còn lại xuống, siết chặt, quấn phần lá dư xung quanh rồi dùng dây cột chặt lại là xong, có thể cho vào nồi.

Đây là loại bánh ú nhỏ.

Loại lớn thì phải dùng hai chiếc lá chồng lên nhau, hình nón tạo ra sẽ to hơn, trước hết cho một chút gạo nếp, sau đó là một viên thịt, rồi lại thêm một chút gạo nếp nữa, tùy theo sở thích mà thêm lòng đỏ trứng muối, một ít đậu phộng, hoặc hạt dẻ vào, cuối cùng thì phủ một lớp gạo nếp lên rồi gói thật chặt. Đối với Dịch Huyền, tất nhiên là không thể thiếu nhân đậu và lòng đỏ trứng yêu thích của anh rồi.

Có lẽ là vì có liên quan đến chuyện ăn uống nên Dịch Huyền học rất giỏi, chẳng mấy chốc đã có thể tự tay gói bánh ú. Hai người cùng nhau làm, chỉ trong chốc lát đã thả đầy ba nồi bánh ú. Loại lớn nấu hai nồi, loại nhỏ một nồi.

Hà Điền cột những chiếc bánh ú lại với nhau thành từng chùm, chọn một ít, tìm một cái nồi lớn nhất trong nhà, cái to ở dưới, cái nhỏ ở trên, thêm nước vào đun trên lửa. Sau khi bánh chín, để nguội, đem treo trên cọc tre cho khô, rồi cất trong hầm, giống như trong tủ lạnh, khi nào muốn ăn thì lấy ra, cho vào nồi hấp hoặc luộc lại.

Đợi cho số bánh này chín, vừa vặn cũng gần đến giờ ăn trưa, trong nhà tràn ngập mùi thơm.

Dịch Huyền không đợi được lâu, thổi phù phù cầm một cái đặt vào một chiếc dĩa gốm.

Sau khi lột vỏ bánh ra lại càng làm cho người ta cầm lòng không được, hạt nếp óng ánh, béo ngậy.

Đầu tiên Dịch Huyền ăn một cái nhân đậu đỏ và lòng đỏ trứng mà anh thích trước, sau đó ăn thử bánh nhân thịt hạt dẻ và đậu đũa đỏ mà Hà Điền thích. Ăn xong cảm thấy loại này cũng ngon, nên cùng Hà Điền mỗi người ăn thêm một cái nữa.

Đối với loại bánh ú lớn này, Hà Điền ăn một cái là đã cảm thấy no tám phần. Hôm nay sức ăn lớn hơn mọi khi nhiều.

Không cần biết mặn hay ngọt, bánh ú khi ăn nóng đều ngon nhưng khi để nguội thì lại có một hương vị khác. Vừa nghĩ, sau này đi săn có thể mang một xâu bánh ú theo làm bữa trưa, Hà Điền vừa lột một cái bánh ú táo tàu đỏ ra ăn.

Cá nhân Hà Điền cho rằng, trong tất cả các loại bánh ú thì bánh ú nhân táo đỏ sau khi lột ra có bề ngoài đẹp nhất, gạo nếp trong vắt nhuộm một chút màu xanh của lá tre, quả táo đỏ vẫn còn đỏ tươi, vị ngọt tiết ra thấm vào xung quanh gạo nếp, mùi thơm nứt xông vào mũi.

Lúc nghỉ trưa, bọn họ lại ăn một cái bánh nhân đậu nhỏ xinh, uống trà lá tre và trò chuyện một lúc.

Tiếng ve trong rừng ngoài cửa sổ vẫn kêu, suối núi réo rắt, tuy dĩa đồ ăn trước mặt không phải là món ăn quý hiếm gì nhưng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi lúc này lại đong đầy và chân thật.