Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 11: Gà xông khói cuộn và cá sống cắt lát*




*Sashimi.

Sau bữa tối, Dịch Huyền đặt nồi và chén đũa vào chậu rửa, rắc tro lên. Hà Điền rửa chén, sau đó lấy rổ cói và cỏ nhung* ra, chuẩn bị làm một đôi giày rơm khác.

* 绒草: cỏ nhung. ( Mình tìm trên mạng loại cỏ này thì ra cái tên là 起绒草(Dipsacus fullonum Linn.). Không biết có phải không nhưng 起绒草 là một loại nguyên liệu để làm sợi rất tốt.)

(Nguồn ảnh Baidu)

Cho dù có lót thêm một lớp đế bằng gỗ đi chăng nữa thì ủng lông hươu cũng có thể bị thấm nước. Đó là lý do tại sao Hà Điền mang thêm một lớp giày rơm vào ủng khi đi ra ngoài sau khi có tuyết.

"Sắp tới chúng ta phải vào rừng bắt chồn, không thể không có giày rơm."

Tất nhiên, Dịch Huyền không thể làm giày rơm, Hà Điền giao cho cô ấy một công việc đơn giản hơn, dạy cô ấy sử dụng vồ để đập cho cỏ mềm ra.

Lấy một nắm cỏ nhung khô, gom thành một nhúm ở trong tay, trước tiên cho vào lòng bàn tay vừa vò vừa siết, sau đó đặt lên lớp lông thỏ được đóng đinh trên khối gỗ rồi dùng vồ đập dập.

Sau khi đập liên tục trong mười phút, cỏ càng lúc càng tơi hơn theo từng nhịp đập, nhúm cỏ có độ dày bằng ngón tay ban đầu bây giờ đã thành một bó. Mỗi cọng cỏ nứt ra thành hơn chục sợi, từ màu xanh xám ban đầu biến thành màu trắng xám, mềm như tơ, nhưng vẫn dai, phải dùng nhiều lực mới kéo đứt được.

Sợi chỉ mà Hà Điền dùng để khâu ủng da cũng được làm từ cỏ nhung đã được đánh tơi.

Dịch Huyền lại làm mềm thêm vài nhúm cỏ nữa, Hà Điền cũng vừa bện xong một chiếc giày rơm.

Cô kêu Dịch Huyền thử kích cỡ, sửa đổi một chút rồi bắt đầu làm một chiếc khác.

Dịch Huyền nhìn một lúc, hỏi cô: "Tôi có thể làm thử được không?"

Hà Điền vừa bện vừa dạy cho cô ấy.

Hà Điền vốn cho rằng người có ngón tay mảnh mai và khéo léo như Dịch Huyền sẽ rất nhanh học được cách bện giày rơm, nhưng không ngờ, cô ấy loay hoay cả một lúc lâu mà chỉ mới bện được nửa đế giày.

Khi Dịch Huyền bực bội, khóe miệng sẽ trề xuống, biến thành hình tam giác, phối hợp với khóe mắt hơi rũ xuống, rất đáng yêu, có thể ngay chính cô ấy cũng không biết rằng, ánh mắt của cô ấy rất nghiêm túc, lại có chút tức giận. Đây là bộ dạng của một chú chó con đang cộc.

Dịch Huyền lại vật lộn với nó thêm vài phút nữa. Hà Điền cảm thấy có lẽ trong một giây tới cô ấy sẽ vứt sợi cỏ trong tay xuống đất rồi nhảy lên giậm chân vài cái cũng không chừng, nên cô nhanh chóng bỏ sợi cỏ trên tay xuống, xoa xoa cổ: "Chúng ta nghỉ ngơi một chút đi, uống trà nhé?"

Sau khi uống một ly trà mật ong táo gai chua ngọt, Hà Điền lại kêu Dịch Huyền đập một ít cỏ nữa: "Cô xem, giày rơm so với ủng của cô lớn hơn nhiều đúng không? Còn phải nhét cỏ nhung vào kẽ hở này nữa."

Dịch Huyền đặt đế rơm xuống, lại đi đập cỏ.

Sau khi bện xong hai chiếc giày rơm, Hà Điền lấy ra một tấm ván bạch dương mỏng, ép đôi giày rơm lên đó, dùng một cục than nhỏ vẽ đường viền dọc theo mép giày, rồi dùng kéo lớn cắt tấm ván ra, giũa bớt các đường gờ mép, bỏ vào trong giày.



Tiếp theo, đến lúc gắn ​​guốc răng cưa vào đế giày.

Hà Điền tìm một tấm ván gỗ thông dày bằng ngón tay, giẫm lên ghế, cưa một khúc gỗ rộng năm phân, cô cưa bề ngang bằng với đế giày, khoan hai lỗ bên trái và bên phải miếng gỗ, giũa phẳng một mặt, mặt còn lại thì tạo rãnh. Cần tổng cộng bốn khối gỗ như vậy, vì mỗi chiếc giày rơm sẽ gắn hai khối gỗ vào. Sau đó dùng một sợi dây dai luồn qua lỗ và cố định vào đế rơm, vậy là đã có thể dùng được rồi.

Có người khi làm giày rơm còn đóng cả khối gỗ vào đế, rồi đóng đinh răng guốc lên đó, giày làm như vậy có thể mang lâu vì đế được bảo vệ, không dễ mòn, nhưng đi lại trên đường núi sẽ rất mệt mỏi, vì vậy nhà Hà Điền đã chọn sử dụng ván bạch dương mỏng làm đế, và cũng thường xuyên thay đổi, thay thế giày rơm.

Lúc này, vo cỏ đã đập dập lại thành những cuộn tròn rồi nhét đầy vào trong giày rơm, có thể giữ ấm và chống ẩm.

Hà Điền bắt Dịch Huyền mang đôi giày rơm mới đi lại trong nhà vài lần, sau đó lại nhét thêm một ít cỏ vào, rồi lại bước đi, làm như vậy là vì để chân làm mềm giày, cỏ bên trong cũng bền chắc hơn.

Về phần ván đi tuyết thì có thể để cô ấy dùng cái mà trước đây bà cô thường dùng.

Vậy là, quần áo và đạo cụ ra ngoài của Dịch Huyền hầu như đã đầy đủ.

Đến tối lại có tuyết.

Dịch Huyền nói cô ấy chưa bao giờ nhìn thấy một bông tuyết lớn như vậy: "Nó gần như còn lớn hơn một cái chén ăn cơm nữa!"

Những bông tuyết trên không trung trong lúc rơi xuống kết lại vào nhau, cho nên mới lớn thành như vậy. Khi rơi vào đầu và cơ thể còn phát ra cả tiếng vang, vì nó quá nặng.

Tối hôm đó, Dịch Huyền chỉ làm một việc duy nhất là bện đế rơm, bện sai thì lại tháo ra, xong rồi lại bện lại từ đầu.

Sáng hôm sau, tuyết ngừng rơi, nhưng mặt trời cứ một mực trốn ở sau mây, gió thổi mạnh, làm cho tuyết lại bay phấp phới, bầu trời xám xịt.

Dịch Huyền mang đôi giày rơm mới đi ra quét tuyết. Lớp tuyết trên mái nhà đã dày đến ba mươi bốn mươi centimet, giống như được phủ lên một lớp chăn dày.

Hà Điền dùng gậy gỗ chọc tuyết trên mái nhà xuống, tuyết vốn đã cứng như gạch, chọc một cái, cả mảng rơi "phịch" xuống đất, bọt tuyết bay tung tóe, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.

Hà Điền và Dịch Huyền chuyển những khối tuyết đó đến bên ngoài bức tường của căn nhà, đặt nó bên cạnh những khối tuyết trước đó, giống như là đang mặc váy tuyết cho nhà gỗ vậy. Chiếc váy tuyết này có thể giữ ấm cho căn nhà.

Quét tuyết xong, họ vào dọn chuồng và cho Gạo ăn.

Bận rộn một lúc lâu, hai người đều đói bụng, bữa sáng cũng đã chuẩn bị xong.

Bữa sáng hôm nay là một chén cháo kê, một dĩa thịt xông khói nhỏ, củ cải khô và hai củ khoai tây nướng.

Thịt xông khói mà hôm nay họ ăn là một miếng đùi hoẵng, hấp chín và thái mỏng, thịt đỏ au, mỡ ở mép thịt hơi trong suốt, được đặt trong một chiếc dĩa sứ cùng với một ít đầu củ cải trắng; cháo kê không được nóng cho lắm, nước cháo đặc, màu vàng, khi khuấy có khí trắng; khoai nhỏ nướng chín vàng, khi bẻ ra thấy thịt màu vàng nhạt.

Dịch Huyền lột vỏ khoai tây ra, sau khi ăn vài miếng, cô ấy phát hiện Hà Điền ăn luôn cả vỏ, vì vậy cô ấy nhặt lại vỏ, kẹp một miếng thịt và một miếng củ cải khô vào, cho vào miệng.

Sau khi ăn sáng xong, cả người cũng ấm lên, trong cơ thể cứ như là có một nguồn năng lượng vô tận vậy.

Thừa dịp trời không có tuyết, cả hai dắt Gạo ra sông.

Lưới thả dưới sông phải mất hai ngày nữa mới kéo lên được, Hà Điền muốn thử bắt vài con cá trước.

Cô vớt một nửa số cá nhỏ bắt được từ vại ra, cho vào một chiếc hộp gỗ nhỏ. Trên hộp gỗ có nhiều lỗ nhỏ để nước chảy ra, kích thước của nó vừa đủ để đựng vừa trong một thùng nước, trên miệng hộp có buộc một sợi dây dày. Hà Điền đổ đầy nước vào xô rồi đặt nó sau xe trượt tuyết của Gạo.

Dụng cụ câu cá rất đơn giản, đó là một chiếc cần câu bằng tre, cột dây câu và móc câu.

Trên mặt sông, trước tiên quét sạch tuyết phủ trên lỗ băng rồi đập băng trên bề mặt của lỗ băng, dùng gậy gỗ khuấy đều, sau đó nhanh chóng đặt hộp gỗ trong thùng nước vào trong lỗ băng, rồi cố định dây buộc của hộp vào bề mặt băng.

Mỗi lần câu cá thì sẽ kéo hộp gỗ lên khỏi lỗ băng, lấy một con cá nhỏ ra làm mồi. Cả mồi và hộp phải được thả lại vào nước thật nhanh, nếu không, cái lạnh khắc nghiệt sẽ khiến cá nhỏ bị đóng băng ngay lập tức.

Cá tuyết sông, loài cá đặc biệt này không ăn thức ăn đã chết, chúng chỉ ăn những con cá nhỏ đang bơi.

Đục một lỗ nhỏ ở nơi thích hợp gần lỗ băng, không cần quá sâu, chỉ sáu bảy centimet là được, cắm một cành cây vào, tưới nước cố định nó lại, sau đó có thể đặt cần câu lên đó.



Khi câu cá tuyết sông ở sông băng, không cần phao. Chỉ cần cần câu cong là có thể kéo cần câu lên thật nhanh. Có điều, năm ngoái Hà Điền phải làm rất nhiều việc cùng một lúc, cô không thể liên tục nhìn vào cần câu được, vì vậy cô đã buộc một chiếc chuông lên trên cần câu.

Chiếc chuông này ban đầu vốn là đồ trang trí được treo trên cổ của Gạo trong dịp Tết.

Khi cá cắn câu và kéo cong cần câu, chuông sẽ kêu.

Sau khi đặt cần câu, Hà Điền và Dịch Huyền bắt đầu dọn tuyết gần lỗ băng.

Cảnh vật xung quanh rất rõ ràng, không có gió, tầm nhìn rất xa, có thể thấy vết nứt cuối cùng trên sông đã biến mất, không còn hơi nước thoát ra từ vết nứt chưa đóng băng nữa. Trước mặt họ là một cánh đồng tuyết trắng bằng phẳng.

Hà Điền và Dịch Huyền mỗi người lấy một chiếc cào bằng gỗ, đi vòng quanh hai lỗ băng và xúc tuyết xung quanh đó.

Khi họ hợp lại với nhau, tuyết cũng đã được xúc xong.

Lúc này, mặt trời cũng ló dạng.

Mặt trời cũng không chói mắt cho lắm, Hà Điền híp mắt lại nhìn khu rừng bên kia sông.

Bên dưới tuyết là một lớp màu xanh đậm không đồng đều xen lẫn màu trắng.

"Vài ngày nữa chúng ta có thể sang bờ sông bên kia." Hà Điền thở ra, dùng lòng bàn tay đeo găng tay da hươu vỗ nhẹ lớp sương trên vành nón.

Mấy ngày nay nhiệt độ lại giảm xuống. Ngay cả khi ban ngày, thời tiết rất đẹp, vậy mà nhiệt độ lại đến âm 20 độ. Mỗi khi hô hấp, nhiệt độ sẽ khiến lông mày kết một lớp sương. Cho dù có đội nón, che tai che mặt và trán, chỉ để lộ một đôi mắt, trên mép nón cũng sẽ kết một lớp sương giá, vùng vải che mặt gần lỗ mũi cũng ngưng tụ thành hai mảng tuyết nhỏ.

"Ừ." Dịch Huyền nhìn khu rừng bên kia sông, nhẹ nhàng đáp lại. Bây giờ thì cô ấy đã biết rằng, mùa đông, đối với những người thợ săn trong rừng, không phải là mùa để trốn và nghỉ ngơi trong ngôi nhà gỗ ấm áp, mà là mùa bận rộn để săn lông thú. Đây là mùa mà họ có thể tạo ra nhiều thu nhập nhất.

Hôm qua, trước khi đi ngủ hai người đã có một cuộc trò chuyện. Hà Điền đã kể cho cô ấy nghe về việc săn chồn và hứa rằng số chồn bắt được sẽ được chia cho cô ấy một phần. Đợi đến mùa xuân, những người buôn lông thú đến, Dịch Huyền có thể mang theo số tiền cô ấy kiếm được, tiếp tục lên đường.

Đột nhiên, chuông trên cần câu vang lên "leng keng" hai cái.

Hà Điền chạy nhanh đến, cầm cần câu kéo mạnh, một sợi dây ngắn hơn cánh tay cô một chút được cột trên cần câu bay ra từ lỗ băng, nước bắn ra trước khi rơi xuống ngưng tụ thành một chuỗi hạt băng trên không trung.

Con cá lớn nhảy vài cái trên băng rồi bị đóng băng thành đá.

Lúc kéo cần câu lên Hà Điền liên tục la hét, giờ thì tiếng hét đã biến thành tiếng cười, cô ngồi xổm xuống, tháo găng tay da hươu ra, tháo lưỡi câu.

Bên dưới đôi găng tay da hươu, cô còn đeo một đôi găng tay năm ngón làm bằng da sóc, các đầu ngón trỏ và ngón cái của găng tay đã được cắt bỏ để thuận tiện cho việc cử động ngón tay.

Con cá này đủ cho họ ăn trong một ngày.

Cá nhỏ được dùng làm mồi cũng đông cứng thành băng. Trước đó, nó đã bị ăn mất một nửa, giờ chỉ còn lại một cái đầu bị cắn đứt nằm trên băng tuyết.

Kể từ hôm nay, số mồi còn lại trong hộp gỗ sẽ được đặt lại trong lỗ băng.

Nhiệt độ của nước dưới lớp băng cỡ khoảng 4-5 độ C, tất nhiên là thấp hơn nhiều so với vại nước ở nhà. Nhưng, đây là số phận của chúng.

Chờ Hà Điền và Dịch Huyền xách hai xô nước lên, con cá đã cứng như đá, nó vẫn duy trì ở tư thế vặn vẹo cuối cùng, giống một nửa vòng tròn.

"Đây là cá tuyết sông, ăn sống cũng rất ngon." Hà Điền rất hài lòng với thu hoạch hôm nay: "Lát nữa chúng ta sẽ ăn."

Khi cả hai trở về nhà, Dịch Huyền xách xô nước vào, còn Hà Điền thì dắt Gạo về chuồng của nó.

Trước khi ra ngoài, Hà Điền đã đặt một ít khoai tây vào khay nướng trên bếp, hơn nữa còn có một miếng thịt gà xông khói đang được ngâm trong nồi đất. Thịt xông khói, cá xông khói, gà vịt ngỗng xông khói, những loại thịt xông khói và sấy khô này có thể bảo quản được lâu, nhưng thịt cũng mất đi độ ẩm trong quá trình xông khói và trở nên rất cứng. Khi muốn ăn thì cần phải luộc hoặc hấp, và phải ngâm vào nước ấm trước khi nấu.

Miếng gà xông khói này đã được cô ngâm trong nồi đất hồi tối hôm qua, thế nhưng cho đến tận bây giờ nó vẫn còn rất cứng. Có lẽ con gà rừng mà cô đã bắt này hơi già.



Ngoài cách hấp và làm nóng, thịt xông khói còn có thể được bào mỏng, đặt trực tiếp lên phần khoai đã nướng chín rồi ăn.

Hôm nay, Hà Điền dự định ăn một cái gì đó đặc biệt.

Cô kêu Dịch Huyền đi vào hầm rau củ lấy một củ cải, sau khi rửa sạch, cắt khúc khoảng 20 cm rồi bào mỏng, rồi lấy miếng thịt gà xông khói dai và cứng đó ra, lột phần da gà đi, bào phần thịt ức này thành miếng mỏng. Đặt một lớp gà vào giữa hai lớp củ cải, cuộn lại thành cuộn, xếp chúng cạnh nhau vào đáy nồi đất, thêm một chút nước, bắc lên bếp đun trên lửa nhỏ.

Cá sau khi bắt được đem rã đông, cạo sạch vảy và lăn trong tuyết, loại bỏ chất dính và nội tạng bên trong.

Sau khi dùng dao mổ cá ra, thịt cá có màu trắng hồng, cắt lát mỏng, không cần phải ngâm muối, bỏ trực tiếp vào miệng, vị rất ngọt và mềm.

Khi Hà Điền xẻ thịt cá, Dịch Huyền chủ động muốn làm.

Sau khi nhìn thấy cô ấy bện giày rơm, Hà Điền có hơi do dự khi giao loại việc cần phải tỉ mỉ này cho Dịch Huyền, nhưng Dịch Huyền dường như đã chứng minh được bản thân, cầm lấy dao, rất nhanh đã cắt được một dĩa cá nhỏ.

Mỗi miếng cá màu trắng hồng chỉ dày khoảng hai ba li, và bởi vì miếng cá rất mỏng, gần như trong suốt, còn được đặt ở trong dĩa gốm đen xám, nên khi chúng được xếp cạnh nhau thành từng vòng, nhìn giống như một bông hoa màu hồng.

Hà Điền liên tục "wow" lên, bày tỏ sự kinh ngạc.

"Sao cô có thể cắt mỏng được như vậy?"

"Mỗi miếng còn có độ dày như nhau nữa!"

"Cách bày biện cũng rất công phu ha? Hướng vân thịt cá cũng giống nhau nữa này!"

Thịt gà và củ cải cuộn đã nấu xong, Hà Điền vẫn còn đang khen ngợi sự khéo léo của Dịch Huyền.

"Đừng nói nữa, mau ăn đi." Dịch Huyền có chút mắc cỡ.

Hà Điền nghĩ thầm, cô làm như vậy không phải vì muốn tôi khen ngợi cô sao? Sao mới khen vài câu mà đã chịu không được rồi? Cô cười hì hì, không nói gì nữa.

Bữa ăn này ăn rất thỏa mãn.

Không cần phải nói đến cá sống cắt lát, cá tươi mềm và ngọt, nhìn đã thấy ngon, gà xông khói thì được bào thành từng lát mỏng, cuộn với củ cải nấu trên lửa nhỏ, nó hấp thụ nước trong củ cải và phục hồi độ đàn hồi, ăn hơi dai, không quá cứng, còn mang một chút vị cay nhẹ của củ cải nữa.

Hà Điền dự định lần sau sẽ cho măng khô với thịt xông khói cắt lát, nấm hương và khoai tây nhỏ vào nấu chung thử.

Tác giả: Tôi thấy có người nói họ nuôi cá trong vại, chẳng mấy chốc nước đã đầy phân cá. Nhưng cá nuôi trong vại nước uống đâu có được cho ăn. Nó sẽ ăn các vi sinh vật trong nước. Tất nhiên, còn có phân của chính nó nữa, thật bi thảm, nhưng đây là số phận của nó.

Cá nuôi trong vại nước có thể dùng được cũng tùy theo loài, cá chép có thể phát triển khá lớn và có thể sống trên hai năm.