Cùng Anh Đi Đến Tận Cùng Thế Giới

Chương 50: Cùng Tồn Tại Với Anh




Edit: MeiTH

Beta: Mạc Y Phi

Bảy giờ rưỡi sáng, Tiết Định chở Chúc Thanh Thần trên chiếc xe nhỏ như sắp hỏng mới thuê được, phơi nắng một lúc mới bắt đầu xuất phát.

Anh chỉ mang theo một cái túi nhựa, sau khi lên xe liền đưa cho Chúc Thanh Thần.

Trong túi là một chai sữa tươi và một cái sandwich.

"Tại sao ngày nào cũng là sandwich?" Chúc Thanh Thần cầm lấy, mau chóng mở túi ra.

Tiết Định lái xe, không nhìn cô chỉ nói: "Có cái ăn là tốt rồi, người dậy muộn không có quyền lựa chọn."

Cô khẽ cười, cắn một miếng mới phát hiện mùi vị có chút khác biệt.

Tuy Tiết Định lười biếng nhưng làm việc và nghỉ ngơi đều có quy luật, một ngày nhất định đủ ba bữa. Cho nên dù anh có luôn chọn sandwich làm bữa sáng thì cũng thường xuyên thay đổi khẩu vị, chẳng hạn hôm kia là sandwich cá với dưa chuột ngâm, hôm qua là sandwich thịt xông khói với rau xà lách, còn hôm nay là sandwich cà chua cắt lát với trứng chiên.

Cắn một miếng, lòng đỏ trứng chảy thấm ướt toàn bộ miếng bánh mì nướng.

Chúc Thanh Thần nhìn anh cười, còn không quên khen ngợi: "Đầu bếp Tiết của chúng ta thực sự là người đẹp trai tay nghề tốt."

Tiết Định nhìn cô không chớp mắt, "Chỉ tay nghề tốt thôi sao?"

"Anh còn muốn em khen thế nào nữa?"

"Tài năng thiên phú cũng được."

"Ý anh là ở phương diện nào?"

"Ban đêm, chuyện chăn gối." Anh trả lời một cách bình tĩnh.

Chúc Thanh Thần: "..."

Dậy sớm, lại bị phơi nắng nên buồn ngủ, cô bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài.

Tiết Định bình tĩnh: "Em cứ chợp mắt một lát đi."

Cô từ chối, làm sao có thể ngủ trong khi anh lái xe được, chỉ là dựa vào ghế nhắm mắt nghỉ ngơi một chút thôi.

Tiết Định bật cười.

Đi khoảng một giờ, chiếc xe đã tới vùng biên giới của cầu King Hussein. (1)

(1) Cây cầu Allenby hay King Hussein bắc qua sông Jordan, kết nối bờ Tây với Jordan, đóng vai trò như một chốt kiểm soát biên giới Jordan và Israel.

Tiết Định dừng xe, liếc mắt nhìn, thấy cô vẫn ngủ say nên cũng không nỡ đánh thức.

Anh xuống xe, trả tiền thuế cho hải quan, rồi đưa hộ chiếu để kiểm tra.

Sau khi hoàn thành một loạt các thủ tục, anh quay trở lại xe.

Lúc đi qua hải quan, Chúc Thanh Thần cũng tỉnh dậy.

Quân đội Jordan kiểm tra hộ chiếu và visa của từng người.

Chúc Thanh Thần hỏi: "Anh muốn đưa em đến Jordan?"

Tiết Định gật đầu.

Lần này anh cũng không thừa nước đục thả câu nữa, lời ít ý nhiều đáp: "Chúng ta đi Zaatari."

Zaatari, cái tên thật quen tai.

Chúc Thanh Thần suy tư, không nhớ ra đây là nơi nào.

Tiết Định nhìn ra vẻ băn khoăn của cô, dừng một chút, giải thích: "Zaatari là trại tị nạn Syria lớn nhất vùng biên giới Jordan."

Cô sửng sốt.

Tại sao Tiết Định lại đưa cô đến đây?

Trại tị nạn, ba từ quen thuộc với mọi người, nhưng rất ít người thực sự nhìn thấy nó. Có bao nhiêu người đã nhìn thấy nó trong những tờ báo suốt cả cuộc đời, nhưng sau cùng vẫn không biết nó là gì.

Tâm trạng Chúc Thanh Thần phức tạp nhìn xa xăm.
Loading...

Ánh mặt trời sáng ngời, gay gắt và ngạo mạn, khiến lòng cô trở nên sốt ruột.

Khoảng giữa trưa, chiếc xe đến Zaatari.

Trại tị nạn là nơi tạm trú do chính phủ Jordan thành lập để trợ giúp những người Syria bị mất nhà cửa do chiến tranh.

Trại tị nạn Zaatari được thành lập vào năm 2012 và chỉ trong vòng bốn hoặc năm năm nó đã tiếp nhận được hơn 100000 người tị nạn, phần lớn là từ các tỉnh miền nam Syria bị chiến tranh tàn phá.

Dừng xe ở nơi hoang mạc cát vàng mênh mông.

Tiết Định: "Đến rồi."

Chúc Thanh Thần trợn tròn mắt nhìn ngoài cửa xe, không thể tin đây chính là trại tị nạn vẫn được nhắc đến.

Trên mảnh đất vàng rộng mênh mông là những cái lều vải màu trắng rách rưới, dường như không thể nhìn thấy màu sắc vải vốn có của nó.

Mà ở tít bên ngoài trại tị nạn là một tấm lưới cao tới 2 mét được dùng để cách ly.

Đinh và dây thép dùng để che kín những gai sắt sắc nhọn.

Cô kinh ngạc bước xuống xe, trông thấy Tiết Định đưa thẻ phóng viên, hộ chiếu và một số giấy tờ chứng nhận có liên quan cho binh sĩ bảo vệ.

Binh sĩ mặc đồng phục xanh nõn chuối nhìn anh một cái, còn cẩn thận kiểm tra ảnh chụp của Chúc Thanh Thần.

Cuối cùng gật đầu, dùng thứ tiếng anh cứng nhắc để nói: "In.”

Lúc đi qua tấm lưới được dùng để cách ly kia, cô khẽ rùng mình một cái.

Khí hậu ở Jordan rất nóng nực, đây là một quốc gia thiếu nước trầm trọng.

Cô vừa bước vào chỗ tấm lưới cách ly thì cách đó không xa một cơn gió lớn nổi lên, cát vàng trong khu vực hoang mạc trong phút chốc bị gió cuốn, bay thẳng lên không trung, ùn ùn lao về phía con người.

Cô vội dùng tay che mắt nhưng vẫn bị vài hạt bụi đất chui vào mắt.

Nước mắt không ngăn được mà chảy xuống.

Đây là chỗ cho người ở sao?

Cô quay đầu sang nhìn Tiết Định.

Dường như Tiết Định biết rõ lời cô định nói, anh nhìn về nơi xa xăm, khẽ nói: "Trại tị nạn này vốn chỉ có thể chứa được 60000 người, nhưng từ khi nội chiến Syria nổ ra, mỗi ngày đều có hơn 5000 nhân dân Syria trở thành dân tị nạn, không có nhà để về, liên tục chạy đến Jordan. Hiện tại số lượng người ở đây đã vượt qua cả dự tính ban đầu, cho nên trại tị nạn không ngừng mở rộng biên giới, đa phần lều vải được phủ lên khu vực sa mạc của Jordan."

Gió ngừng thổi.

Trên quần áo và đầu tóc của hai người dính một ít cát vàng.

Chúc Thanh Thần ngây người nhìn mảnh đất vàng kia.

Lều vải giản dị trở thành những tấm vải không thấm nước màu trắng rách rưới, mỗi cái rộng khoảng ba đến bốn mét vuông. Trên đỉnh lều viết tên tiếng anh của Liên Hợp Quốc, còn có dấu ấn quốc huy mờ mờ của Liên Hợp Quốc.

Vô số người ở trong đó.

Toàn bộ phụ nữ đều mặc đồ đen, từ cổ đến chân đều được che cực kỳ kĩ. Bọn họ đội khăn trùm đầu, khuôn mặt bị bão cát tàn phá đã không còn nhìn ra được nét đặc trưng của phụ nữ nữa.

Có mấy người già ngồi ở ngoài lều, mặt không cảm xúc nhìn cát bụi bay đầy trời, quần áo rách rưới, dường như không đủ che thân thể.

Mấy đứa trẻ, đứa nghịch đá đứa cầm bình, để trần thân trên còn ở dưới mặc một chiếc quần đùi. Chúng chạy qua chạy lại và nói những ngôn ngữ mà cô không hiểu được.

Chúc Thanh Thần hỏi Tiết Định: "Đây là trại tị nạn à? Đây là chỗ Liên Hợp Quốc giúp đỡ dân chạy nạn?"

Cô đã từng thấy tàn tích sau trận động đất Tứ Xuyên, nước ta đã cho xây dựng khu định cư tạm thời, những người gặp chuyện không may sẽ sống trong những căn phòng đơn giản, ăn cơm chính phủ đưa đến, cho dù vậy, mọi người vẫn không thôi cảm thán cuộc sống gian khổ và cay đắng kia.

Có thể chỉ là những căn phòng đơn giản, nhưng nói chung vẫn dễ sống hơn những căn lều vải lụp xụp rách nát này trăm ngàn lần.

Tiết Định không trả lời, dẫn cô đi về phía trước.

Tới gần cửa bên tay trái, có vài chiếc xe tải dừng lại, dân tị nạn đang xếp hàng dài chờ cấp đồ dùng sinh hoạt.

Anh đứng im một bên, nói với Chúc Thanh Thần: "Chính phủ Jordan đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Liên Hợp Quốc và các nước Châu Âu, thường xuyên cung cấp nước uống, đồ ăn và đồ dùng hàng ngày cho dân tị nạn."

Thỉnh thoảng gặp vài người tị nạn nói tiếng Anh không lưu loát, khó khăn nói từng chữ.

Lính cấp đồ dùng sinh hoạt lắc đầu, cứng rắn trả lời: "No."

Sau đó là liên tiếp những từ "No".

Hai bên trái phải có hàng chục binh sĩ được vũ trang đầy đủ, trong tay cầm súng máy để bảo vệ, quan sát chặt chẽ những người tị nạn, duy trì trật tự.

Tiết Định giải thích: "Cụ bà kia nói, con gái của bà đang mang thai, số lương thực này ăn không đủ no, hy vọng có thể xin thêm một phần."

Chúc Thanh Thần: "... Bọn họ không thể cho sao?"

"Đúng." Anh lẳng lặng đứng nhìn, "Bọn họ không thể cho."

"Vì sao lại không thể? Không phải chỉ là một phần ăn thôi sao? Đứa bé trong bụng không lẽ không phải con người?"

"Bởi vì ở chỗ này tất cả tài nguyên đều vô cùng khan hiếm. Quốc tế viện trợ nhiều hơn, những người tị nạn há miệng chờ cấp cũng nhiều hơn. Hàng năm chính phủ Jordan đều dành một phần tư ngân sách vào trại tị nạn, đã sớm khổ không thể tả. Phụ nữ có thai chỉ ăn một phần thức ăn, nhiều nhất cũng chỉ là không đủ dinh dưỡng, nhưng nếu đưa thêm một phần ăn cho họ thì sẽ có một người phải chịu đói, không có chút gì để ăn. Người kia, có thể sẽ chết."

Chúc Thanh Thần không thể nói gì..

Tiết Định dẫn cô về phía trước, một số cửa lều đã biến mất, người đi ngang có thể nhìn vào bên trong mà không có bất cứ trở ngại nào.

Trên nền đất cát vàng đặt một tấm đệm bẩn, có bốn đến năm đứa trẻ ngủ trên đó.

Bọn chúng chen chúc nhau, đứa nào cũng xanh xao vàng vọt.

Mấy bà mẹ ngồi trên cát, dùng khăn đội đầu để quạt mát cho lũ trẻ.

"Biết rõ không nuôi nổi tại sao còn sinh nhiều con như vậy?" Chúc Thanh Thần kinh ngạc nhìn lũ trẻ.

Dường như Tiết Định đã sớm đợi cô hỏi câu này.

Nhìn cô một lát, anh nhẹ giọng hỏi ngược lại: "Em nghĩ là họ muốn sinh con sao?"

Sức mạnh quốc gia của Jordan có hạn, không có khả năng mang quân đội vào trong trại tị nạn để giữ gìn trật tự, cũng vì vậy trong trại tị nạn hỗn loạn không thể quản, thiếu pháp luật và kỷ luật.

Hầu hết phụ nữ ở chỗ này đều bị coi là công cụ tiết dục, có lẽ bởi chính những người tị nạn đồng bào của họ, hay là những người lính đang trong cơn tức giận. Không ai chú ý đến nỗi lòng của họ, không ai quan tâm đến cảm xúc của họ.

Sống, có lẽ là điều xa xỉ nhất đối với những người dân tị nạn.

"Một số phụ nữ thậm chí sẵn sàng trở thành nô lệ tình dục để có được nguồn cung cấp nhiều hơn. Cho dù là bị ép hay tự nguyện, những tình huống này ở đây đã không còn cách nào để ngăn chặn, đáng sợ nhất là thái độ của họ vẫn rất bình thường."

"Nơi này nằm giữa hoang mạc, khắp đất trời đều là cát, ruồi nhặng tụ tập. Tất cả đồ dùng sinh hoạt đều dựa vào việc được phát, không thể coi là đầy đủ. Năm sáu người cùng ở trong một căn lều, dùng một tấm đệm quanh năm không giặt, có nước uống đã là một điều đáng quý, căn bản không thể nghĩ tới chuyện tắm giặt."

Jordan thiếu nước.

Chính họ còn không có đủ nước, thì làm sao có thể cung cấp cho những người tị nạn nơi đây?

Tiết Định yên lặng đứng nhìn người phụ nữ tiều tụy bên ngoài căn lều.

"Rất nhiều người bị bán cho người dân Jordan làm vợ tạm thời. Bởi vì nghèo, bởi vì không có gì để trông cậy, có nhiều gia đình đã bán các cô gái trẻ tuổi, lén đưa ra khỏi trại tị nạn, gả các cô gái cho những người giàu có. Cái gọi là vợ tạm thời, nghĩa là không có bất cứ pháp luật nào bảo vệ, chỉ là hình thức giao dịch giá rẻ mang bán cho người Jordan giàu có để đổi lấy sự hưởng thụ ngắn ngủi. Đến khi bị vứt bỏ, lại chỉ có thể quay lại trại tị nạn, hay vì vi phạm quy định ở nơi này, ngay cả thân phận là người chạy nạn cũng bị mất đi, chỉ có thể bị điều trở về Syria."

Hai người đi qua một chỗ lõm đầy nước, không biết trong hầm là nước ngầm hay là nước ở đâu còn sót lại, chỗ lõm đầy nước này không lớn, chưa đến 10 mét vuông, trong hầm đều là nước bùn màu nâu.

Bọn trẻ tranh nhau xô nước, có đứa còn nhảy xuống tắm.

Những người lớn đứng cách đó không xa nhìn bọn trẻ, cũng không có ý ngăn cản.

Còn có vài đứa nhỏ quỳ gối trong nước bùn, tham lam cúi người uống từng ngụm nước ngập bùn.

Chúc Thanh Thần thẫn thờ, rồi lắc đầu, thu hồi tầm mắt.

Tiết Định nói: "Đi theo anh."

Anh đưa cô đến một căn lều quen thuộc bên cạnh, vén rèm cửa lên.

Trong lều là một người đàn ông Syria khoảng chừng năm mươi tuổi đang ngồi.

Tiết Định cất lời chào hỏi: "Hello, Ahmad."

Người đàn ông kia ngồi trên mặt đất, trước mặt là mấy khối gạch vỡ xếp thành "bàn trà", trên mặt "bàn trà" là một quyển sách sờn cũ, trong sách có rất nhiều ký hiệu, ghi chép.

Người đàn ông tên Ahmad nhìn Tiết Định nở nụ cười, "Hi, Tiết. Glad to see you again." (Chào, Tiết. Thật vui khi gặp lại cậu.)

Ông ta hỏi Tiết Định có mang những thứ ông ta muốn tới không.

Tiết Định mở tung túi vải đeo sau lưng, lấy hai quyển sách giáo khoa tiếng Anh sơ cấp ra đưa cho ông ta.

Chúc Thanh Thần đứng ngoài yên lặng nhìn.

Tiết Định hàn huyên vài câu, từ chối lời mời của người đàn ông ấy rồi không chậm trễ, xoay người ra khỏi lều.


Anh nhìn Chúc Thanh Thần, khẽ nói: "Lần đầu tiên anh tới trại tị nạn, thấy ông ấy dạy các em nhỏ ở đây để học tiếng Anh. Ông ấy từng là một giáo viên tiếng Anh ở Syria, sau đó vì chiến tranh, cửa nát nhà tan đã trở thành những người tị nạn ở Jordan."

Ở chỗ này, nơi nhà giam dễ vào khó ra, thứ mọi người hy vọng duy nhất chính là giáo dục.

Hy vọng con của mình có thể được giáo dục.

Hy vọng có một ngày chiến tranh dừng lại.

Hy vọng một ngày kia có thể trở lại quê hương, họ có thể sinh hoạt như xưa, tất cả đều không dám hy vọng quá nhiều, bọn họ chỉ hy vọng có thể sống bình an.

Thiếu ăn thiếu mặc cũng không quan trọng.

Sinh hoạt thiếu thốn cũng không sao cả.

Chỉ cần có hy vọng, chỉ cần con cháu đời sau có thể một lần nữa xây dựng được một quốc gia yên ổn hòa bình từ nơi phế tích hoang tàn này.

"Đã từng có những phần tử cực đoan ném bom xuống nơi này. Hàng nghìn căn lều tập trung cùng một chỗ, một quả bom ném xuống khiến vô số người tử vong."

"Dù không có lựu đạn, không có bom tấn công, bệnh tật và đói khát cũng là vấn đề khó giải quyết. Từ lâu cơ sở y tế ở đây đã đứng trên bờ vực của sự sụp đổ, vì hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày đều có người chết vì bệnh tật. Người lớn tuổi khó có thể chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Thanh niên ở trong hoàn cảnh này tâm lý cũng vặn vẹo, hiếp dâm phụ nữ. Phụ nữ chỉ có thể gửi gắm hy vọng vào những đứa con, những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, có thể hoàn toàn khỏe mạnh được sao?"

Tiết Định quay đầu nhìn Chúc Thanh Thần.

Mà cô thì không thể nói nổi dù chỉ một câu.

Cô thậm chí như mất toàn bộ sức lực, không có cách nào để giơ máy ảnh lên chụp một bức hình hoàn chỉnh.

Bão cát che kín bầu trời, không thể che kín mắt người.

Là trái tim.

Đó là hy vọng cho tương lai.

Tiết Định và Chúc Thanh Thần cùng nhau ngồi xổm dưới bóng râm của lều vải, kết thúc bữa sáng với sandwich.

Chúc Thanh Thần ăn không nổi, nhưng vẫn cố ép bản thân.

Cô dụi mắt, đứng dậy, trầm mặc hồi lâu mới dồn hết sức lực, mở máy ảnh, bắt đầu đi xung quanh, chụp ảnh.

Có bao nhiêu người sống ở nơi thanh bình ngày ngày đứng trong góc phòng chỉ vì quần áo không đủ mà buồn phiền, vì thức ăn bên ngoài gà vàng hầm hay lẩu cay thập cẩm mà lưỡng lự, vì cuối tuần đi mua sắm hay uống trà chiều mà rầu rĩ, vì ngày hôm nay cãi nhau với người ta mà bật khóc, hay vì ngày mai tươi sáng mà vui vẻ.

Đa sầu đa cảm, hỉ nộ ái ố, tất cả những thứ đó ở nơi này đều là mộng tưởng xa xỉ hão huyền.

Rất nhiều người sống, là vì hưởng lạc, vì khổ trước sướng sau, họ chịu cực khổ, cũng là vì sung sướng về sau.

Bọn họ chưa từng nếm trải thế nào là tuyệt vọng thực sự, bọn họ cho rằng thất tình và thất nghiệp chính là chuyện đau khổ nhất trên đời.

Bọn họ sống quá đơn giản, lại quá phù phiếm.

Nhưng ở chỗ này.

Ở chỗ này, sống chính là khó khăn lớn nhất.

Bao nhiêu người cố gắng cả đời, ôm trong mình hy vọng chỉ muốn sống sót.

Cô thấy người phụ nữ mang thai ngồi xổm xuống, khom người lấy từng vốc nước, khó khăn rửa mặt.

Cái bụng tròn vo giống như quả bóng cao su, có thể ngày sinh sắp tới gần rồi.

Chúc Thanh Thần không biết vì sao cô ấy phải rửa mặt, mặt trời trên đỉnh, nước vấy bùn.

Có lẽ là vì đứa trẻ sắp được sinh ra.

Người phụ nữ kia có lẽ hy vọng rằng khi đứa trẻ mở mắt sẽ nhìn thấy khuôn mặt mẹ thật xinh đẹp, không có gió bụi mệt mỏi, cũng không có chút bẩn thỉu tuyệt vọng.

Máy ảnh dừng lại ở hình ảnh kia.

Vành mắt Chúc Thanh Thần nóng hổi mà chua xót.

Lần đầu tiên trong đời, cô đột nhiên cảm giác được hai mươi lăm năm gia đình bất hạnh, năm năm tình yêu thất bại, thật ra cũng không đáng là gì. Cô cũng chưa từng thiếu ăn thiếu mặc, chưa từng nghĩ ngay cả sống cũng cần có dũng khí to lớn, cô vẫn cứ nghĩ rằng cô đã là người bất hạnh nhất.

Nhưng vào giờ khắc này, rốt cuộc cô cũng nhận ra được chuyện của mình thật nhỏ bé, chuyện trước mắt mới là thảm kịch.

Chiến tranh mang tới thương tích, là đất đai khô cằn, là rừng rậm không còn sót lại chút gì, là nhân dân nghèo khổ hoạn nạn, và những vết thương mãi mãi không thể hàn gắn.

Tiết Định đứng trên cát với cô, dưới ánh mặt trời gay gắt, anh hỏi cô: "Chúc Thanh Thần, là cùng nhau về nước, yên ổn sinh hoạt, hay là ở lại, tiếp tục chứng kiến những thảm kịch nhân gian, làm những việc có lẽ là tốn công vô ích, nhưng sẽ làm cho trái tim cảm thấy dễ chịu hơn chút ít?"

Chúc Thanh Thần quay đầu nhìn anh.

Anh nói: "An nhàn và trách nhiệm, chúng ta chỉ có thể chọn một."

Cô nhìn anh một lát mới hỏi lại: "Nếu như em trở về, liệu anh có sẵn sàng cam tâm tình nguyện, theo em về nước không?"

Anh gật đầu.

Là một sự đánh cược.

Dưới ánh nắng chói chang, rốt cuộc nữ chiến sĩ của anh cũng nở nụ cười.

Cô nói: "Tiết Định, tên khốn nhà anh, rõ ràng anh biết em sẽ ở lại, đúng không?"

Nếu không... sẽ không đưa cô đến nơi quá nhiều thảm kịch này.

Nếu không... sẽ không nói với cô nhiều đạo lý như vậy.

Tiết Định khẽ cười, anh nhìn cô, "Vậy em chọn ở lại hay rời đi?"

Cô mạnh mẽ siết lấy máy ảnh, đầu ngón tay trắng bệch.

"Anh có gan ở lại, tại sao em phải nhát gan sợ phiền phức mà rời đi? Anh cho rằng trên thế giới chỉ có mình anh vĩ đại, một mình anh vô tư thôi sao?"

Cho dù vành mắt nóng hổi, cô vẫn cất tiếng cười ha ha, đứng trong bão cát ngông cuồng nhìn anh.

"Em muốn ở lại."

Không phải bởi vì vĩ đại, cũng không phải vô tư.

Cô chợt nhớ lại lúc tốt nghiệp trung học, khi cô lựa chọn theo nghề nhiếp ảnh, Khương Du là người phản đối. Trong mắt mẹ, nhiếp ảnh chính là đi vào phòng thu, cả ngày chạy quanh, nhìn khách hàng cười nói rồi chụp ảnh.

Có thể cô không thể khiến cho mẹ hiểu được, nhưng cô rất thích việc chỉ ấn một cái đã có thể dừng lại hình ảnh đó trong nháy mắt.

Lúc đó, cô đã từng là một cô công chúa nhỏ không buồn không lo, khi đó không biết người bố tàn nhẫn, không biết người mẹ cố chấp.

Nếu như có thể dừng lại hình ảnh vào lúc đó, thật là tốt.

Sau này, khi cô hiểu ai rồi cũng sẽ già đi, vẻ đẹp của Khương Du sẽ bị tuổi tác thay thế.

Nếu như có thể, cô hy vọng có thể đóng băng vẻ đẹp tuổi xuân của mẹ.

Có qua nhiều vẻ đẹp thoáng qua trong cuộc sống, nếu như có thể lưu lại dù trong nháy mắt, vậy cũng tốt.

Có thể những lời này quá trừu tượng, cô không nói, Khương Du cũng không thể nào hiểu được.

Cho đến ngày hôm nay.

Chúc Thanh Thần mới phát hiện, con đường nhiếp ảnh này, không chỉ có thể lưu lại những thời điểm đẹp đẽ. Cô còn có thể dùng máy ảnh để nắm bắt vẻ đẹp cuộc sống, nắm bắt những phút giây hạnh phúc, cũng có thể dùng nó để thu lại những hình ảnh đau xót, phóng to những điều chưa ai biết lên.

Cô chỉ có một đôi mắt, một trái tim, tiếng nói của cô quá yếu ớt, không đủ để khiến cả thế giới có thể nghe được.

Nhưng khi cô giơ máy ảnh lên.

Khi cô ấn nút chụp.

Mọi người trên thế giới có thể tồn tại cùng cô.

Cô có thể tồn tại cùng mọi người trên thế giới.

Đó không phải là lòng thương người hay vô tư, đó là tự dấn thân vào đau khổ, từ rung động và đau xót thể hiện cảm xúc con người.

Người mà cô yêu là một chiến binh không súng.

Kể từ bây giờ, hãy để cô trở thành súng của anh.

Cô lấy máy ảnh làm vũ khí, cùng anh đứng ở nơi này, đứng ở Jordan, đứng ở Jerusalem, đứng ở mỗi nơi buồn thương hay vui vẻ như lời anh nói.

"Tiết Định." Cô khẽ gọi tên của anh, đặt máy ảnh vào tay anh, "Chụp ảnh giúp em."

Lưu lại hình ảnh của em ở nơi này.

Hãy cho em tồn tại cùng họ.