"Tịch mịch không đình xuân dục vãn
Lê hoa mãn địa bất khai môn." (1)
... ......
Từ dạo đến kinh thành, đêm nào ta cũng mơ thấy ác mộng.
Chỉ cần ta vừa chợp mắt, tức khắc sẽ nhìn thấy vẻ mặt điên loạn của Tô Thương Ngọc, nghe thấy tiếng cười ghê rợn của chàng ta. Vết cắn trên vai đã lành mài từ lâu, lại bất chợt nhói đau.
Cứ thế, ta không có đêm nào được ngủ yên ổn. Những hồi ức kiếp trước kiếp này đan xen quấn lấy ta, bám theo ta như hồn ma bóng quế trong những cơn mộng mị chập chờn. Ta càng muốn chạy thoát, lại càng không thể tránh khỏi, giống như thiêu thân mắc vào mạng nhện, vùng vẫy trong vô vọng.
Chỉ mấy tháng qua, ta đã gầy đi trông thấy, thần sắc nhợt nhạt như người sắp chết. Lúc này, mùa đông lại đến. Ta từ nhỏ sinh trưởng ở phương Nam ấm áp, lần đầu trải nghiệm cái giá rét tê buốt của phương Bắc, lại thêm tâm trạng u uất, liền bệnh một trận liệt giường.
Từ nhỏ, ta đã khỏe mạnh, chưa từng sinh bệnh nặng. Bây giờ nằm trên giường uống thuốc qua ngày, ta mới hiểu được chút cảm giác của người bệnh trường kỳ quanh năm như công tử.
Lại quên mất, không phải công tử nữa, mà là Tô Thương Ngọc.
Gọi chàng ta là "công tử" bao nhiêu năm, nhất thời ta vẫn chưa sửa được, thi thoảng lại mơ mơ màng màng ngỡ như mình còn đang ở Dương Châu, còn là một tiểu nha hoàn trong Lang Hoàn viện, ngày ngày thắp đèn chờ công tử gia quay về.
Quả thực là một ngày làm nô tỳ, cả đời vẫn khó bỏ được nô tính. Cho dù đã trở thành quận chúa, ta vẫn không thể học được phong thái an nhàn vô ưu vô lo của tỷ tỷ.
Có lẽ, đơn thuần cũng là một loại may mắn. Mà ta, từ khi sinh ra đời, đã không có can hệ gì với hai chữ may mắn ấy.
Ngày thứ ba ta bệnh, tỷ tỷ đến thăm ta, mang theo một phong thư, hí hửng nói:
"Biểu... Không không, là Tô công tử nhờ người gửi cho muội đó. Muội phải mau mau khỏi bệnh, kẻo huynh ấy biết được, lại lo lắng."
Ta nghe thấy ba chữ "Tô công tử", toàn thân thoáng run lên một cái, đoạn, chỉ cúi đầu "cảm ơn" một tiếng, sau đó, như thường lệ, ta hờ hững ném phong thư vào cái tráp đã đầy ắp thư, chẳng màng liếc mắt nhìn một cái.
Từ ngày ta rời Dương Châu, Tô Thương Ngọc vẫn đều đặn sai người gửi thư đến kinh thành cho ta, hằng tháng đều có, đôi khi còn gửi thêm mấy món trang sức nho nhỏ như trâm cài hoa tai, tất cả đều bị ta ném vào tráp, chưa từng chạm tới một lần, cũng chưa từng hồi âm lấy một dòng. Họ Tô kia lại dường như không hề nản lòng, vẫn đều đặn gửi thư.
Ta biết, chàng ta chỉ đang diễn cho phụ vương xem.
Đáng tiếc là, kiếp này, ta không có hứng thú diễn cùng chàng ta vở kịch ấy nữa.
Bây giờ, mỗi lần nhớ tới người đó, trong lòng ta chỉ còn lại sợ hãi. Chút hồi ức đẹp đẽ cũng đã bị phá nát, chỉ còn lại ký ức kinh hoàng mà ta không hề muốn hồi tưởng lại.
Tỷ tỷ thấy vậy, ngập ngừng hỏi:
"Muội không mở ra xem sao?"
Ta cười, hỏi lại:
"Có gì đáng để xem chứ?"
Tỷ tỷ có vẻ không hiểu, thở dài nói:
"Ta thấy Tô công tử rất yêu thương muội. Cho dù ta không thông minh, nhưng từ lúc còn ở Tô phủ, ta đã cảm nhận được huynh ấy đối với muội khác với tất thảy mọi người, bao gồm cả ta. Còn nhớ đêm Thất tịch muội giả chữ viết của Tô công tử hẹn ta ra ngoài không? Lúc đó, khi huynh ấy nhìn thấy ta, trong mắt hiện rõ vẻ thất vọng. Rõ ràng là rất tức giận, lại vẫn lên tiếng nhờ ta đừng nói lại chuyện đó với phu nhân, sợ rằng muội sẽ gặp phiền phức... Ta cứ nghĩ, hôm ấy trở về Tô công tử nhất định sẽ trách phạt muội, nào ngờ muội lại chưa từng chịu chút khổ nào... Lung nhi, đến cả kẻ ngốc như ta cũng biết huynh ấy yêu muội. Muội thật sự không có chút tình cảm nào với Tô công tử sao?"
Ta đưa mắt nhìn tuyết rơi ngày càng dày thêm ở ngoài song cửa, cười khẽ, đáp:
"Có, đương nhiên là có. Chẳng qua là, tình cảm của con người đều sẽ thay đổi theo thời gian. Có tình cảm ngày càng đậm sâu thêm, cũng có tình cảm ngày càng vơi nhạt đi, rốt cuộc cạn kiệt. Tất cả những thứ này, đều không do chúng ta tự chủ."
Tuyết vẫn rơi.
Đến trời tối, bên ngoài đã đóng một lớp tuyết dày. Ta nằm trên giường, hơn nửa đêm mới có thể chợp mắt.
Đêm đó, ta bất chợt mơ thấy những hình ảnh của kiếp trước. Trong giấc mộng, cũng có một mảnh tuyết trắng xóa. Ta lẽo đẽo bước theo phía sau công tử, cẩn thận vươn ô che cho chàng. Bất thình lình, một cơn gió tuyết thổi qua, ta giật mình bước hụt chân, lảo đảo suýt ngã. Ô rơi xuống tuyết, ta lại ngã vào vòng tay ấm áp của công tử. Ta nhìn thấy tuyết không ngừng rơi xuống đầu tóc chàng, suối tóc đen nhánh nhanh chóng biến thành trắng xóa, liền hoảng hốt muốn khom xuống nhặt ô lên.
Lúc đó, công tử lại nhìn ta, cười nói:
"Sương tuyết phủ đầy tóc, cũng xem như cùng nhau bạc đầu. Như thế này, cũng không tệ."
Ta ngẩng đầu, không thấy một trời tuyết rơi, chỉ thấy đôi mắt chàng cong cong ấm áp.
Sương tuyết phủ đầy tóc, cũng xem như cùng nhau bạc đầu.
Đáng tiếc là, đầu chưa bạc, duyên đã đứt, tình đã dứt.
Chỉ một giấc mộng hư, tỉnh dậy đã thấy gối ướt đẫm.
Ta thầm nghĩ, có lẽ là tuyết đọng trên mái nhà tan thành nước rồi theo kẽ hở chảy xuống mà thôi.
Sáng hôm ấy, phụ vương đến thăm ta. Người luôn rất bận rộn, mãi đến hôm nay mới có chút thời gian ở vương phủ, liền tới xem ta bệnh thế nào.
Ta nhân dịp này, xin phụ vương cho phép lên Bạch Mã tự tĩnh dưỡng ít hôm.
Phụ vương nghe vậy, liền kinh ngạc hỏi:
"Lung nhi, sao đang yên đang lành lại muốn lên chùa ở? Bệnh của con chưa khỏi, không ở trong phủ nghỉ ngơi, còn muốn đi đâu?"
Ta cười cười, đáp:
"Nữ nhi có một giấc mơ, trong mơ có tiếng nói dẫn đường, bảo rằng lên Bạch Mã tự đọc kinh ăn chay vài hôm, bệnh sẽ không chữa mà tự khỏi."
Phụ vương trầm ngâm hồi lâu, rốt cuộc xoa đầu ta, nói:
"Thôi được, phụ vương sẽ cho người hộ tống con lên Bạch Mã tự. Ta đang có chút việc bận, không thể đi theo con, ba tháng sau ta sẽ đến đón con về, được không?"
Ta gật gật đầu, dạ một tiếng.
Vào tiết Đông chí, ta cùng với hai nha hoàn Ngân Bích, Kim Xuyến và bốn thị vệ lên đường đến Bạch Mã tự ở ngoại thành đế đô. Lúc thu dọn hành lý, Ngân Bích nhìn cây đàn tranh ở góc phòng, chợt hỏi:
"Quận chúa, chúng ta không mang vật này theo sao?"
Cây đàn này là mấy năm trước Tô Thương Ngọc tự tay làm cho ta, xem như quà mừng sinh thần. Lúc rời Dương Châu, ta đã cố ý bỏ lại, không hiểu vì sao lại vẫn có người mang theo đến kinh thành.
Ta thoáng ngẩn ra, rồi lại lắc lắc đầu, cười nhẹ bảo:
"Không, không cần mang theo."
Có lẽ là Ngân Bích bị lãng tai, ta rõ ràng đã bảo không cần mang, đến lúc lên xe ngựa, lại thấy cây đàn vẫn chễm chệ nằm ở một góc xe. Ta cũng không thể mở cửa ném nó xuống, liền mặc kệ.
Bạch Mã tự không cách xa nội thành cho lắm, chỉ là đường núi vòng vèo khó đi, đến sẫm tối ta mới đến nơi. Không rõ phụ vương đã nói gì với phương trượng trong chùa, chỉ biết ta vừa tới đã được đưa đến một thiền viện yên tĩnh tách biệt với bên ngoài, tuy nói rằng Phật môn thanh tịnh giản dị, nhưng cũng được ăn no mặc ấm, không phải chịu khổ gì.
Từ đó, ta bắt đầu cuộc sống của một người học Phật. Ta không ngại khó, không ngại khổ, ngày ngày đều chuyên tâm tụng kinh gõ mõ, mỗi buổi đều chăm chỉ đi nghe vị sư trụ trì thuyết giảng, chưa hề vắng mặt ngày nào.
Vốn dĩ, ta muốn về quê cũ, gả cho một nông phu, sống một đời bình yên. Bây giờ, trinh tiết đã bị người kia vấy bẩn, ta cũng không còn thiết đến xuất giá thành thân nữa, chỉ muốn tìm một chốn bình lặng nương náu cả đời. Vì vậy, ta tìm đến Phật pháp. Ta nghĩ rằng, chỉ cần ta có thể đạt đến cảnh giới tứ đại giai không, tham tường nhân quả, nhìn thấu sáu cõi, tự nhiên sẽ không còn bị quá khứ trói buộc nữa, thoát khỏi cơn ác mộng kéo dài dai dẳng hai kiếp người.
Nào ngờ, bất kể ta đọc bao nhiêu kinh thư, lần bao nhiêu tràng hạt, mỗi đêm đều không ngừng bị ác mộng quấy nhiễu.
Một đêm nọ, khi ta đang trằn trọc không yên trên giường, chợt nghe thấy tiếng đàn từ xa vẳng lại, cầm âm ôn hòa êm dịu, như dòng nước ấm chảy vào lòng người, khiến bao ưu phiền trĩu nặng bỗng chốc tan biến.
Ta lắng tai nghe hồi lâu, không nén được hiếu kỳ, liền khoác áo đứng dậy, lần theo tiếng đàn mà bước đi.
Bấy giờ, trời đã bớt lạnh, tuyết chỉ còn lác đác, ta chỉ khoác một lớp áo lông, cứ thế dò dẫm trong đêm. Cuối cùng, ta đi đến một đình viện quạnh vắng.
Một đình viện rợp bóng lê hoa.
... ......
*Chú thích:
(1)Trích bài "Xuân oán" của Lưu Phương Bình, Trần Trọng Kim dịch thơ:
Sân không vắng vẻ tàn xuân
Hoa lê đầy đất mấy lần cửa sân