Một thời gian dài sau hôm đó, tôi không gặp được Cam Linh thêm lần nào.
Dẫu có nói nhăng nói cuội gì đi nữa, thì sau khi tỉnh rượu tôi đã quên mất bảy phần mười. Cam Linh cũng lặn đi đâu mất tăm, có muốn tình cờ gặp nhau cũng khó. Thử nghĩ mà xem, huyện Năng này có tới ba trăm ngàn người, một người cố ý lánh mặt đi là chuyện dễ như ăn bánh.
Cuối cùng tôi cũng gói lại hộp quà, tôi vẫn chưa nghĩ ra nên lấy thêm món gì, mà bây giờ đi mua Judy thì không còn kịp nữa. Thế nên tôi chỉ kẹp thêm tấm bưu thiếp trống có hình Totoro vào.
Theo lịch trình năm trước thì tôi sẽ đi thăm bà nội Trịnh Ninh Ninh đầu tiên, nhưng đã biết tin bà cụ qua đời nên tôi qua thẳng mộ cô bé luôn.
Ở sát ngoài rìa của huyện Năng có một ngọn núi mọc phồng lên, giống như vết cắn của con muỗi ụp lên mảnh đất bằng, hơi chụm lại, xung quanh trụi lủi không có thứ gì khác. Có một con đường lát bê tông như dải lụa uốn lượn quanh sườn núi chảy xuống, tôi cưỡi xe đi lên dốc, gió lùa qua cái kiếng chắn gió bị Cam Linh đá hư kẽo kẹt kẽo kẹt, hệt như tiếng nghiến răng nghiến lợi.
Đi theo hết con dốc, chạy vòng qua một tấm bia nhòe chữ là bắt gặp một con đường đất bằng phẳng.
Trải dài hai bên con đường đất là chi chít những nấm mộ mọc lên như vết muỗi đốt, cỏ dại mọc chen chúc với rau sam, lan tràn rậm rạp trên mặt đất. Lúc này hãy còn sớm tinh mơ, chưa có người đi thăm mộ, tôi dừng xe bên đường, vừa ôm hộp quà, vừa lấy đôi bao tay chống trượt có đường kẽ trắng từ giỏ xe nhét vào túi quần.
Ngôi mộ nhỏ của Trịnh Ninh Ninh nằm sâu tận bên trong, không biết tôi đã mạo phạm đến bao nhiêu vong linh trên đường đi vào, một số ngôi mộ thì phủ đầy cỏ dại, một số thì được trát xi măng màu xám trắng.
Mộ phần Trịnh Ninh Ninh lấm lem đầy bùn đất và cây bìm bìm, đằng trước cái bao đất nho nhỏ này dựng một tấm bia xi măng, trên đó viết: "Trịnh Ninh Ninh, Nữ, Sinh ngày tám tháng tư năm Mậu Tý, Mất ngày mười tám tháng tư năm Ất Mùi."
Tôi đặt hộp quà xuống, tròng vào bao tay bắt đầu nhổ cỏ trên mộ. Không biết có người nào rảnh rỗi đến đây trước đã lấy xẻng gạt bớt đất đi, để lại vết lõm nứt ra rõ rệt, phần bên trong ẩm ướt, lố nhố vài cọng lá sam.
Tôi nhổ hết đám cỏ dại đi, để lại ngôi mộ trống trải như con gà mái bị vặt lông trong nước sôi, còn sót lại những vết thương đầy lông. Tôi lại xới đất, vỗ nhẹ lên ngôi mộ, rồi ném đám cỏ về hướng có ánh mặt trời, khi nắng chiếu vào là chúng sẽ tự động khô héo.
Trước mộ Trịnh Ninh Ninh, tôi chẳng nghe thấy tiếng gì cả, đáp lại chỉ là khoảng lặng tĩnh mịch và trống rỗng, dường như ngay cả chuyện Trịnh Ninh Ninh có linh thiêng theo dõi tôi từ trên trời cũng là điều xa xỉ. Tôi không thể thốt ra câu nào, đành mở hộp quà, dù thừa biết là không có ai đang nhìn, nhưng tôi vẫn lấy ra từng món giơ ra trước ngôi mộ rồi cất trở lại. Cuối cùng tôi đóng hộp, tháo lớp dây gói để sang một bên, rút tờ khăn giấy lót ở dưới, rồi bật lửa từ cái hộp quẹt.
Ngọn lửa từ từ bốc lên trước mặt, tôi ngồi xổm cách xa một chút, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bị lửa hơ nóng bừng lên.
Tôi tiện tay rút nhúm rau sam từ trong đống cỏ dại, lột nhẹ phần thân màu đỏ của nó ra một lớp để làm vòng cổ, đan thêm vào với mấy cọng cỏ nữa, và cuối cùng là điểm xuyết thêm cho thành phẩm bằng hai mảnh lá hơi nhô ra ngoài.
Sau đó tôi ném chiếc vòng vào lửa, rồi nhìn tất cả hóa thành tro tàn, không còn tia lửa dư thừa nào nữa.
Mặt trời đã lên cao, ánh nắng gay gắt ghim vào lưng tôi, hệt như đứng gần cái bàn ủi thật lớn đang cắm điện tỏa hơi nóng rẫy. Tôi đứng dậy, cuốn đôi bao tay trắng đã lấm bẩn như cuốn lại đôi vớ.
Lại lần nữa đắc tội các vong linh trên đường ra, cuối cùng tôi cũng đến được chỗ cái xe đạp diện, mở giỏ xe ném bao tay vào.
Giỏ xe bỗng dưng có thêm một cái bao ni lông màu đen, bên trong lại có năm sáu cây bắp xanh mát cả mắt, còn vương những sợi râu tơ vàng mượt hẳn hoi!
Lúc tôi tới bên kia triền núi thì đúng là có mảnh ruộng bắp lớn thật, tuy bây giờ còn chưa tới mùa thu hoạch, nhưng có một số giống bắp ăn mềm chứ không phải dẻo, vào thời tiết này có vài nơi đã bắt đầu mướn người tới bẻ bắp.
Nhưng vấn đề là kẻ nào lại ăn không ngồi rồi đến mức nhét bắp vào cái xe chỏng chơ giữa mấy ngôi mộ chứ? Kiểu gì cũng không thể là đám trẻ nào đó trộm bắp xong chơi trò khôn lỏi giấu vào giỏ xe của tôi phải không?
Bốn phía là đồng không mông quạnh, tôi lo lắng xách cái bao lên, ở dưới đáy cái bao là một ít đất ẩm.
Tôi leo lên xe, lướt qua triền núi, rồi ngừng lại khi đi ngang mảnh ruộng bắp kia. Tôi thấy mấy bóng người bẻ bắp thấp thoáng, nhưng tất cả đều đang đi về hướng nhà nghỉ, giờ này hẳn là chủ nhà đang lo cơm nước. Mấy cây bắp xào xạc nghiêng tới ngả lui, hệt như bị cơn gió thổi qua, nhưng chỉ thoáng qua một lát là lại biến mất.
Tôi vốn đang định đi tiếp, nhưng lại chợt thấy ở rìa ngoài bờ ruộng có cục gạch đỏ cũ kỹ đè trên chồng bao ni lông đen để tránh bay mất, rồi còn có thêm chồng bao nhựa kề bên nữa.
Thế là tôi lại tấp xe ven đường rồi tiến vào ruộng bắp.
Đập vào mắt là cảnh tượng bạt ngàn những cây bắp ngoi lên từ mặt đất, phá bỏ lớp màng ni lông trong quá trình ươm trồng ban đầu. Thân hình chúng lấm tấm đầy những giọt nước, đan vào nhau trùng trùng điệp điệp, bản lá vừa rộng vừa sắc, phải cẩn thận né tránh lúc đi ngang qua. Trên bờ ruộng có vài cái bao tay nằm vung vãi, sâu bên trong có hai cái kệ sắt cố định những bao tải đựng bắp lớn mới đầy một nửa, trên kệ treo lủng lẳng một cây kéo đã hoen rỉ.
Tôi tiếp tục bước vào, mảnh ruộng này vừa lớn vừa tươi tốt rợp trời, ánh nắng không chạm nổi đến mặt đất. Hơi nóng len lỏi qua kẽ lá, truyền xuống tầng dưới, giống cái nhà kính tự nhiên cỡ lớn, nuôi dưỡng đám cỏ dại non mới nhú dưới đất. Bốn phía cực kỳ oi bức, nhưng thường có những cơn gió không biết từ đâu tới đến xua tan bầu không khí nồng nực kia, mang đến sự mát mẻ trong thoáng chốc.
Đi thêm vài chục bước, cuối cùng tôi cũng nghe được tiếng dùng bữa của những người phụ nữ bẻ bắp mướn, ngửi được mùi đồ ăn thoang thoảng, chắc chắn là bàn cơm có món thịt ba chỉ, dưa chua kèm với khoai tây, lại còn có thêm mấy cái bánh bao ngọt mới ra lò, trắng trẻo mập mạp không tì vết.
Lúc này tôi mới bừng tỉnh.
Tôi đang làm gì thế này? Không dưng tự nhiên lại chui vào ruộng bắp, chẳng lẽ tôi muốn mua bắp non à? Lẽ nào tôi đang cố tìm ra chủ nhân của bao bắp kia sao? Nhưng nếu nói theo phong tục của dân huyện Năng thì số lượng bốn năm cây bắp kia chẳng đáng là bao, ông chủ nơi này nhất định sẽ cười tôi sằng sặc, khoát tay: "Lúc này mới có ra nhiêu đây trái mà chôm chỉa gì hả cô, tôi cho cô thêm mấy trái nữa đem về nhà ăn luôn nè!"
Tôi gióng trống khua chiêng chạy vào, bị sương sớm và mồ hôi thấm ướt sũng cả quần áo, rồi bị hơi nóng hun đến hoa mắt chóng mặt chỉ là vì mấy cây bắp này thôi sao?
Nhưng linh tính vẫn cứ mách bảo tôi rằng, nhất định là có người cố ý mang bao bắp vượt qua triền núi rồi bỏ vào giỏ xe tôi.
Câu trả lời lập tức hiện ra trước mắt.
Không quá hai bước nữa là tôi đã nhìn thấy Cam Linh. Cô ta đang uống nước từ cái chén, tay kia còn cầm một cây bắp.
Đương nhiên là động tĩnh của tôi không gạt nổi cô ta, lúc tôi phát hiện ra Cam Linh thì cô ta cũng liếc qua phía này, từ tốn uống nước, cắn cây bắp, mút nước trên đó, rồi vứt lõi sang một bên.
Tôi chẳng khách sáo gì cả, hỏi thẳng thừng: "Cô đưa bắp cho tôi phải không?"
Cam Linh uống hết chén nước, đặt nó xuống, để hai cánh tay trên đầu gối. Cái áo hoodie muôn thưở đã bị đổi đi, thay vào là chiếc áo thun sát nách trắng, sau lưng đẫm mồ hôi, tôi còn thấy được lớp áo ngực thể thao đen bên dưới. Mồ hôi từ cổ cô ta nhỏ xuống, làm ướt mớ tóc bù xù sau gáy.
"Tôi thấy cô đến thăm mộ." Giọng Cam Linh khàn khàn, chầm chậm lấy tay lau mồ hôi trên cổ, ánh mắt nhìn về nơi khác.
"Cô làm ở đây sao?"
"Làm thời vụ thôi, chỉ có hai ngày, hết hôm nay là không làm nữa."
"Tại sao lại đưa bắp cho tôi? Tính đổi chiến thuật à? Làm việc tốt mà không muốn để người khác biết, cô định..." Tôi đang muốn mỉa mai cô ta, nhưng Cam Linh chỉ thờ ơ lướt qua, như thể tôi đang lép bép thứ ngôn ngữ lạ hoắc nào đó mà cô ta không hiểu được.
Tôi chỉ có thể vội vàng tỏ thái độ: "Cô có làm thế nào thì tôi sẽ không nói ra đâu."
Cam Linh đứng dậy, đột ngột bẻ một trái bắp gần bên, ngang ngược tước đi phần lá liền với cùi, lại bẻ đôi nó ra, bỏ thêm lớp vỏ ngoài cùng nữa, để lộ lớp thịt trắng sữa bên trong.
"Người ở đây nói mỗi năm có mấy trăm người đi qua chỗ này đưa tang, cô ta không nhớ việc xảy ra bảy năm trước. Tôi đã đi hỏi thăm từng nhà gần trường Cây Mận, đến luôn Sở Cảnh Sát, hỏi hàng xóm, rồi thăm dò trường cấp hai cấp ba để tìm bạn học cũ của Ninh Ninh... Hình như cả thế giới này chỉ còn mình tôi và cô còn nhớ rằng có một đứa nhỏ tên là Trịnh Ninh Ninh..."
Có lẽ bởi vì tiết trời quá độ nóng bức, lời nói của Cam Linh cũng bị phơi ra, hóa mềm đi, trở nên yếu đuối.
Nhưng hẳn đó là ảo giác của tôi rồi, chẳng mấy chốc giọng Cam Linh đanh lại, dúi trái bắp vào tay tôi, muốn tôi nếm thử vị ngọt lành bên trong. Tôi nắm trái bắp mãi không động đậy gì, Cam Linh nói: "Chuyện xảy ra đến tình trạng thế này là tôi xứng đáng. Là tôi tự làm tự chịu. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc đâu, tôi sẽ nghĩ ra thêm cách khác."
"Tôi sẽ không nói cho cô bất cứ điều gì đâu." Tôi không biết phải làm gì, đành bấu víu thật chặt lấy thứ mà tôi muốn giữ gìn, co người núp sau tấm khiên để tránh tất cả đòn tấn công.
"Tôi không vội, sớm muộn gì cô cũng sẽ nói ra thôi."
Tôi còn tưởng rằng Cam Linh đã bí lối nên làm bộ đáng thương trước mặt tôi, nhưng cô ta vẫn cứ lì lợm ngang bướng như xưa. Cô ta chỉ là thay đổi cách nói để thể hiện quyết tâm của mình, xét cho cùng là vẫn muốn cạy miệng tôi ra bất kì thông tin gì có quan hệ đến tên sát nhân. Cô ta đang trên hành trình báo thù, còn tôi thì dẫn cô ta vòng lại nơi khởi điểm, thế nào mà cô ta lại chẳng đấu với tôi đến cùng cho được.
Tôi đặt trái bắp xuống rồi bỏ đi, cúi đầu tránh đám lá cây lòa xòa đâm xước khuôn mặt và đôi mắt. Quần áo tôi cọ qua những cành lá vang lên tiếng sột soạt, nhưng vẫn không cách nào át đi tiếng nói trầm thấp của Cam Linh: "Cô giáo Tiểu Khương, có rất nhiều cách để tìm ra tên đó, ví dụ như kiếm số điện thoại của cha mẹ bạn học Ninh Ninh từ chỗ cô, hoặc là đi tra hỏi đám nhỏ, nhất định là đám nhỏ sẽ nhớ thứ gì đó..."
Nếu cô ta dám làm như vậy thì tôi quyết sống mái với cô ta.
Người điên thì không cần điên đến nước này, nếu liên lụy những đứa nhỏ kia thì tôi sẽ cùng Cam Linh cá chết lưới rách.
"Cô dám hả?" Tôi vòng trở lại.
"Cô Tiểu Khương... nếu Ninh Ninh vẫn còn sống thì cũng sẽ lớn như vậy."
Lúc bị tôi nắm cổ áo, Cam Linh nhìn tôi một cách bình tĩnh và u sầu với đôi lông mày cụp xuống.
"Tôi chỉ muốn cho tên giết người gặp quả báo thôi, tại sao lại khó thế này chứ?"
Tôi hơi hé miệng, muốn nói rằng thủ phạm đã bị kết án, bị trừng trị theo pháp luật, nhưng mà câu nói đã chực chờ bên khóe môi vẫn không thể thành lời. Cuối cùng tôi tự sụp đổ, buông Cam Linh ra, bịt lỗ tai quay đi.
Cam Linh đứng đằng sau, giọng nói vẫn bình lặng như nước, từng câu từng chữ vang lên rõ ràng, tựa như đang đọc thuộc lòng:
"Hình phạt đó có lẽ là cái giá hắn đáng trả cho việc giết con nít theo quan điểm của pháp luật... Nhưng có bao nhiêu người... lẽ ra, lẽ ra phải được sống khỏe mạnh..."
Tôi hấp tấp rời đi, nhưng dường như lại nghe được tiếng khóc trầm trầm, tiếng nói cũng nức nở theo:
"Tôi đã sắp kiếm đủ... kiếm đủ tiền đưa Ninh Ninh đi..."
Khi quay mặt lại là cả một rừng toàn là lá bắp um tùm che khuất tầm mắt, tôi đẩy bừa chúng ra, đầu ngón tay nhói lên, dòng máu từ từ rỉ ra như cái mạng nhện mỏng.
Cam Linh đưa lưng về phía tôi, cúi đầu đi về hướng rừng bắp xanh mướt bên kia, hàng lá mỏng mà rộng chồng lên nhau, tách ra rồi khép lại, giấu cô ta vào trong. Chỉ còn những ngọn gió đung đưa qua lại, những người phụ nữ kia cũng đã ăn trưa xong, lục tục chui vào trong đất.
Mà tôi chỉ có thể rút lui một cách thảm hại, bước lùi về đằng sau, bị lá bắp cứa xước mặt.
—
Ed:
Thật ra thì mình đọc cả 20 chương đầu truyện rất là ẩu, QT mà, chỗ nào không hiểu được là lướt qua luôn, đâu có thấm được gì nhèo =)) Đụng tới chương 21 phải mua raw thì cũng băn khoăn dữ lắm, hình như đề tài truyện này hơi lạ lạ, tới giờ vẫn buồn ngủ thấy mồ, 1 bà thì du diên không thấy chân trời, 1 bà thì nhát quá nhát, hai bà này thích nhao được hả, sao quý dzị độc giả chịu được dzậy... này nọ. Nhưng bình luận nhiều chỗ khen hết nước, với lại tác giả này có bộ Nhảy sông cũng khá ổn nên mình mới chơi liều haha. Mua xong thì vẫn cái nết lướt lướt ha, vẫn đọc gà gật ha, may sao tới chương này Cam Linh gõ chuông cái boong 1 phát bên tai làm cái đứa mơ ngủ này tỉnh cả hồn =)))
Từ những chương trước tới giờ Cam Linh như một con sói cô độc, ngang ngạnh chỉ khư khư làm theo ý bản thân, thậm chí cũng gần như là không thấy cô ấy thể hiện tình cảm gì với chính Ninh Ninh, làm mình cảm thấy kì lạ và khó chịu, thắc mắc những câu hỏi y như Tiểu Hồi, tại sao bỏ đi biền biệt không thèm trở về, rồi bây giờ làm ầm ĩ khư khư đòi trả thù. Cứ tưởng rằng Cam Linh chỉ để ý đến bản thân và mục đích của mình, thế nhưng thấy Tiểu Hồi đi thăm mộ thì âm thầm để lại những trái bắp kia, điều này thật sự làm mình bất ngờ. Dù rằng đã biết Cam Linh vẫn còn mặt tử tế, vẫn còn tỉnh táo phân biệt đúng sai, như giúp Tiểu Hồi kéo áo lên, dẫn Tiểu Hồi về nhà, đặc biệt là không bức cung Tiểu Hồi bằng vũ lực, nhưng chi tiết này vẫn để lại ấn tượng thật sâu với mình. Không có lý do gì cụ thể, chỉ là rất thích mà thôi. Cam Linh thấy Tiểu Hồi lúc nào, rồi sang đó lúc nào? Cô ấy nghĩ gì khi thấy Tiểu Hồi đến đây vậy? Tại sao lại đưa bắp cho Tiểu Hồi làm gì? Càng nghĩ mình càng cảm thấy tò mò về Cam Linh. Và rồi đến gần cuối chương, lại lần nữa thấy được hàng nước mắt nóng hổi, nghe được tình cảm giấu kín của Cam Linh, thì dường như lòng mình đã mềm đi rồi, không còn mãi chăm chăm vào cái điên rồ ngang ngạnh của Cam Linh nữa.
Vậy nên, những chương ấn tượng sâu sắc với mình sẽ được đánh dấu bằng thanh dọc (|) kế số chương nhé, cũng không có gì khác mấy, các bạn xem cứ như chương bình thường ;)
Btw, chương này là chương 22, cũng là ngày giỗ của Ninh Ninh trong truyện, 22/5.
Bình luận Tấn Giang hôm nay cũng rất tâm trạng:
ID Không ăn tỏi — 20/02/2023:
Lòng tôi buồn quá đi
ID Tùng tùng tạch tạch — 17/01/2023:
Cô ấy sắp kiếm đủ tiền đưa Ninh Ninh đi... haizz... lần đầu thấy cô ấy dỡ xuống hàng rào nội tâm của mình
ID Đậu phộng là loại cây gì — 11/12/2022:
Cay đắng thay, trên thế giới này chỉ còn Cam Linh và Khương Tiểu Hồi nhớ về Trịnh Ninh Ninh. Cam Linh sắp tiết kiệm đủ khoản tiền để đón con gái về, lại bất ngờ nhận tin cô bé đã bị giết tận bảy năm trước, đau đớn biết chừng nào. Tôi nhớ đến trong bộ phim "Những bác sĩ tài hoa" (Hospital Playlist) có một người mẹ, khi con gái qua đời thì cô ấy hay đến tặng đồ ăn, hay trò chuyện với mấy bác sĩ, hộ sĩ, bởi vì con gái cô ấy sinh ra ở đây, chỉ còn những người này có thể trò chuyện về con gái cô ấy.
ID laobai — 13/11/2022:
Thật sự là buồn quá đi, đứa nhỏ thì khuyết thiếu tình yêu của mẹ, tính cách lầm lì quái gở, còn người mẹ thì bôn ba ngược xuôi khắp nơi kiếm tiền, thật cực khổ mới có hi vọng tươi sáng bên nhau nhưng bị tên khốn kia đập tan tất thảy. Con gái bị chết oan, làm người mẹ hóa điên hóa rồ. May thay, đây chỉ là câu chuyện, có thể được tác giả điều khiển, viết nên một kết cục nhẹ nhàng hơn. Mà nếu đây là đời thật thì, than ôi, đau đớn làm sao, khóc khóc một lúc thì tôi chợt nhận ra, thì ra cuộc sống chính là hi vọng, tôi đã hiểu rồi.
ID Nhất Xuyên Nhất (一川一) 08/08/2022:
Hy vọng về cuộc sống đã bị đánh vỡ, và rồi chỉ còn cảm giác tội lỗi đè nặng lên vai cô ấy.
ID Tiêu Tiêu — 03/08/2022:
Đau quá đi... Mấy năm nay Cam Linh bươn chải kiếm tiền nơi xa xứ, quan hệ với mẹ chồng vốn đã không tốt, sau khi cô ấy đi thì bà ấy nói với người ngoài là Cam Linh đã chết. Nhìn tình hình này thì cả hai người đã từ nhau triệt để rồi, thậm chí không ai báo tin cô bé mất cho Cam Linh. Đến khi cô ấy kiếm đủ tiền đưa Ninh Ninh đi thì mới phát hiện cô bé đã chết từ mấy năm trước, biết bao nhiêu là khổ sở đây.
ID Đảo bạch không phải là Bạch Đảo — 02/07/2022:
Giấc mơ dày công vun đắp phút chốc đã vụn vỡ tan tành, nên có thể hiểu được tại sao cô ấy lại hận sâu nhường vậy.
ID Trương Lão Lục — 08/06/2022:
Tôi đang nghĩ, nếu Khương Tiểu Hồi không còn nhớ rõ Ninh Ninh thì có khi nào Cam Linh sẽ hoài nghi chính mình đến hóa rồ không? Khi lãng quên đồng nghĩa với sự biến mất, chỉ còn bản thân nhớ về một người không có trong trí nhớ của tất cả người xung quanh, liệu cô ấy có phân vân về sự tồn tại của Ninh Ninh không?
Đối với Cam Linh, gặp được Khương Tiểu Hồi tựanhư người sắp chết đuối bắt được tấm ván gỗ khi trôi nổi trên biển, còn vớiKhương Tiểu Hồi, thì Cam Linh là đầu mối cởi bỏ khúc mắc cũ vẫn luôn dằn vặttrong lòng.
ID Cá trong chậu — 07/06/2022:
Nước mắt tràn bờ mi...
Cam Linh thật sự là không còn cách nào khác, cô giáo Khương không chịu nói, Cam Linh vẫn không chịu bỏ cuộc. Cô ấy thử hết mọi cách có thể, đến khi nhận ra lùng sục tin tức khó khăn như vậy thì dồn tất thảy những gì mình có vào trận đánh lâu dài này. Không có ai đứng cùng chiến tuyến với Cam Linh, người nhớ được Ninh Ninh vốn dĩ đã ít ỏi, bà nội Ninh Ninh vừa qua đời, tức là đã mất đi thêm một người nữa. Bản án bảy năm cho tên sát nhân là giả thiết do cốt truyện yêu cầu, nhưng khi đặt vào câu chuyện lại càng tăng thêm sự nhức nhối xót xa nữa — thử nghĩ mà xem, tên kia giết một đứa nhỏ thì chỉ bị ngồi tù bảy năm, ngắn đến độ mẹ cô bé còn chưa kịp kiếm đủ tiền đưa cô bé đi...
Từ khi truyện này nhắc đến Cam Linh, thì cô ấy luôn hành động rất nhanh nhẹn, gọn gàng, phong cách quả quyết, đầy thuyết phục, nhưng mà, cô ấy cũng không thể làm được gì trong tình huống như vậy.