Có Thương Cậu Không

Chương 29: Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền




Sáng sớm trời vẫn còn chưa tỏ, một chiếc xe thổ mộ "lọc cọc" lắc lư chạy trên đường đất hướng thẳng về chợ huyện. Ngọc Diệp hơi buồn ngủ, cắn một miếng me dốt chua lè, khăn vải bên cạnh đã có một núi nho nhỏ hạt me.

Thường ngồi phía trước cùng với người xà ích đã lớn tuổi, câu được câu chăng với ông.

"Hổm rày nắng nóng quá chừng, tối cũng đứng gió, tui ngủ nghê không được gì hết."

"Con thấy chắc cũng sắp tới mùa mưa rồi, ráng chút xíu nữa là đỡ hơn à."

"Ừ, mà mùa mưa thì đưa đón khách lại khó chứ. Coi bộ sao cũng khổ hết ha ha ha."

Lão xà ích vui vẻ than vãn về nhân sinh, Thường cũng nhịn không được mà cười theo, đoạn cậu hỏi:

"Sau này con ông cũng theo nghề này luôn mà, đúng không?"

"Tui không con không cái, tới đời tui chắc không còn ai để truyền nghề đâu." - Lão xà ích đáp, tay vẫn thuần thục điều khiển ngựa chạy về phía trước.

"À..."

Thường gật gật đầu tỏ ý đã hiểu, lão xà ích liếc nhìn cậu một cái, chợt lão lên tiếng:

"Mà nếu có, tui cũng không để nó theo cái nghề này đâu."

"Dạ?" - Thường quay sang khó hiểu nhìn lão.

Lão chầm chậm nói:

"Khổ lắm chứ sung sướng gì. Mấy người trong nghề với tui được mấy bữa ở cạnh vợ con. Mà kể cũng ngộ, cái nghề mình phải rong ruổi như vậy, con cái mình học hành đàng hoàng thì không để nó học, cứ vừa biết được vài chữ là lôi nó theo dạy nghề. Tui từng nghĩ nếu tui có con, nhất định phải cho nó học hành đến nơi đến chốn, rồi sau đó cái việc nó muốn theo nghề tui hay không là do nó. Nhưng ít ra thì lúc đó nó có nhiều sự lựa chọn hơn."

Thường cảm thấy lời lão nói rất đúng. Mấy hôm nay khi đi học, cậu đã được nghe thầy Danh kể về cái chuyện thầy đi du học trời tây thế nào. Thầy nói xứ người cũng không khác xứ ta là mấy, có hào nhoáng cũng có tối tăm.

Thầy từng gặp một cô gái có gương mặt sáng bừng, nhà cô cũng nghèo rớt mồng tơi, váy áo cô mặc đều là mẹ cô xin vải vụn từ hàng xóm ghép thành.

Mỗi ngày cô đều vừa học vừa làm, buổi tối nhà thiếu sáng, cô liền xin sang ké chuồng gà nhà hàng xóm, hứa học xong sẽ dọn dẹp sạch sẽ cho họ mà không cần lấy tiền. Cuối cùng nhờ chăm chỉ, cô liên tục đạt hạng nhất trong các kỳ thi, hiệu trưởng rất lấy làm tự hào, cùng các thầy cô khác góp tiền giúp cô tiếp tục học tiếp lên trên.

Thường nghe thầy kể sau này cô gái đó cũng trở thành giáo viên, thường xuyên được mời đến phát biểu ở rất nhiều nơi. Thầy nói nếu cô ấy không tự mình phấn đấu, vẫn chấp nhận cuốc đất, cho gia súc ăn mỗi ngày thì giờ này thứ mặc trên người cô hẳn vẫn là váy áo vá chùm vá đụp thay vì bộ đồ nền nã cùng thứ trang sức chói mắt người khác.

"Vậy tại sao ông không lấy vợ? Do không có ai ưng ý à?" - Thường tò mò hỏi lão.

Lão cười cười, cái đầu lấm chấm bạc khiến lão trông càng già nua, thở dài đáp:

"Hồi tui bằng cậu, tui có để ý cô kia, lúc đó tui đã làm nghề này rồi, cổ là khách của tui."

Thường nghe lão nói, dường như lờ mờ đoán được lý do, cậu yên lặng nghe lão kể tiếp:

"Nhà cổ giàu lắm, cứ cách mười bữa nửa tháng lại mướn xe tui chở lên chợ huyện chơi. Có mấy bữa trời mưa, cổ còn lo lắng hỏi han tui, có khi còn mua đồ cho tui ăn nữa." - Lão híp mắt cười, gương mặt rõ hạnh phúc - "Hầy, người gì đâu vừa hiền lành vừa xinh đẹp."

"Người ta như vậy mà ông còn dám mơ sao? Cóc ghẻ muốn ăn thịt thiên nga sao?"

Ngọc Diệp từ nãy đến giờ vẫn nghe lão nói, cuối cùng không nhịn được bật cười, cất giọng nói. Lão xà ích cũng không nổi giận, lão cất tiếng đáp lại:

"Mợ ba nói phải, tui cũng tự chửi mình mấy lần, mà cứ mỗi lần nhìn thấy cổ là lại chết mê chết mệt... ha ha ha."

"Rồi sau đó thế nào?" - Ngọc Diệp hỏi.

"Thì người ta đi lấy chồng, tui còn được vinh hạnh nằm trong đoàn đưa dâu, hoành tráng phải biết." - Lão lớn giọng nói, nghe như thể tự hào lắm - "Mười chiếc xe thổ mộ trang trí lộng lẫy, chở đầy sính lễ, rình rình rang rang khắp một cõi. Hồi đó cứ đoàn đưa dâu đi đến đâu là người ta đều trầm trồ cả lên, đến tui cũng cảm thấy như được dát vàng lên mặt."

Ngọc Diệp trề môi, Thường nhìn sườn mặt già nua của lão, cất giọng hỏi:

"Vậy cổ đi lấy chồng rồi, ông vẫn không thương ai khác à?"

Lần này lão xà ích bỗng im lặng một lúc lâu, Thường sợ mình lỡ chọt trúng chỗ đau của người ta, lo lắng định mở miệng xin lỗi.

"Ừ, cứ nghĩ quên được, nhưng cứ mỗi lần dòm cái hộp đựng vòng cẩm thạch mà mãi mới tích góp đủ, tui lại nhớ cổ. Có lẽ vì chưa tặng được nên lòng cứ day dứt."

"Vậy sao ông không bán cái vòng đó đi cho rồi, vừa có tiền xài vừa khỏi thấy day dứt nữa."

Ngọc Diệp mỉa mai hỏi, Thường cũng tò mò nhìn lão, nhưng cuối cùng cả hai chỉ nghe một tiếng thở dài rồi thôi. Thường cảm thấy bồi hồi, bởi tuồng như nó gợi nhớ cậu về đêm hôm đó.

Chợ huyện lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp, người xe qua lại như mắc cửi. Thường đi phía sau giúp Ngọc Diệp xách đồ, hai người cùng nhau hòa vào dòng người dạo quanh đường phố, nghe người ta rao hàng, trả giá, bàn tán chuyện đời.

Mấy hôm trước Thường đã báo chuyện thuốc của cậu ba Quý hết, xin cùng cô chủ ra ngoài một bữa để lên chợ huyện lấy thêm thuốc mới về. Ngọc Diệp ở nhà tù túng, cái dịp này vừa đúng ý cô, dành hẳn cả ngày để rong ruổi, hít thở chút không khí tự do ngắn ngủi.

Bên đường hàng quán cái gì cũng có bán. Từ những tiệm bán vải đủ loại giá cả, cạnh đó là một hàng trang sức bình dân khiến nhiều thiếu nữ thích thú vây quanh. Ngọc Diệp cũng không do dự mà sà vào chọn lựa, Thường ngoan ngoãn đứng sau lưng cô chờ đợi.

Trời hôm nay không nắng lắm, đoán chừng có lẽ đúng như lời cậu nói, chẳng mấy mà tới mùa mưa. Thường nhìn các cô gái vui vẻ chọn lựa vài món đồ ưng ý, nhưng cô chủ cậu thì có vẻ không vừa mắt được cái nào.

Nghĩ cũng phải, trước đây nếu Ngọc Diệp muốn mua trang sức, nhất định đều đến những cửa tiệm lớn nhất, thậm chí hàng tháng cô còn nhận được mẫu thiết kế gửi về tận nhà. Nhưng bây giờ tiền tiêu vặt đều bị cắt chỉ còn chút ít, mà mỗi lần mở lời xin thêm từ bà Kim Tuyến, dù bà có cho cũng phải móc mỉa chửi mắng hai ba câu mới chịu được. Sau này trừ khi bị bà đột nhiên đến tìm, nếu không Ngọc Diệp cũng chẳng bao giờ chủ động giao tiếp với bà nữa, tiêu xài cũng dè xẻng dần.

Trong đống đồ trưng bày lộn xộn, Thường trông thấy một cặp nhẫn bằng ngọc mã não đỏ đựng trong chiếc hộp gấm rẻ tiền, như có gì đó thôi thúc, cậu thò tay cầm lấy nó ngắm nghía.

Giữa đám phụ nữ lại có một tên đàn ông nghèo nàn ló vào, hiển nhiên liền khiến tất cả chú ý. Ngọc Diệp cũng khó hiểu nhìn cậu mà hỏi:

"Sao vậy? Mày muốn mua cái này à?"

Người bán hàng đã nhiều năm kinh nghiệm, không thèm quan tâm ngoại hình rách rưới của khách đến, lập tức vui vẻ giới thiệu:

"Ây da, cậu có mắt nhìn quá, đồ này tuy không quý bằng mã não thật trong cửa tiệm lớn, nhưng cũng giống đến bảy tám phần, giờ chỉ còn mỗi hai chiếc này thôi."

"Vậy à?"

Thường gật gật đầu, cậu cảm thấy dù là hàng giả nhưng quả không khác hàng thật là bao, nhẫn trơn đơn giản không cầu kỳ, chỉ có điều vì chuyên bán cho phụ nữ nên kích thước có hơi nhỏ.

"Mày để ý con gái nhà ai à?" - Ngọc Diệp tò mò hỏi.

"Dạ?" - Thường dời mắt khỏi hai chiếc nhẫn, vội lắc lắc đầu bối rối nói - "Thưa cô, không có, con chỉ coi chút chơi thôi."

Thường đặt hộp nhẫn trở về chỗ cũ, lập tức có người khác cầm lấy, cậu ngó theo mà tiếc hùi hụi.

"Nè, biết lịch sự không đó, tui còn chưa nói là không mua mà?"

Ngọc Diệp đột nhiên lớn giọng nói với người vừa cầm hộp nhẫn, cô gái kia bị nói không khỏi giật mình, đỏ mặt nhìn lại cô, lắp bắp đáp:

"Chị nói gì vậy? Người hầu chị đã bỏ xuống rồi mà."

"Bỏ xuống chứ có nói là không mua đâu. Trả lại đây!" - Ngọc Diệp ngang nhiên xòe tay đòi.

Cô gái kia xem chừng còn nhỏ, chắc chưa tới mười tám, so với Ngọc Diệp tất nhiên không làm lại, chỉ đành hậm hực đặt mạnh hộp nhẫn trở về rồi quay người bỏ đi.

Người bán hàng thấy tự dưng bị mất khách, biểu cảm trở nên khó xử, cố giữ bình tĩnh nói:

"Vậy cô đây lấy hai chiếc nhẫn này luôn đúng không? Để tui gói lại giúp cô."

"Gói lại đi."

Ngọc Diệp không do dự đồng ý, cô không lựa thêm gì cả, chờ nhận được hàng, trả tiền rồi đi luôn.

Chẳng mấy chốc mà hết một ngày, tà dương lặng lẽ phủ xuống màu đỏ rực rỡ đượm buồn. Ngọc Diệp tranh thủ vẫn chưa đến giờ hẹn lão xà ích đến đón, kéo Thường qua chỗ gánh tàu hủ nước đường mua hai phần.

Thường được chia cho một chén, gật đầu nói tiếng "cảm ơn", tựa vào vách tường cúi đầu ăn.

"Thiệt không để ý ai à?"

Ăn được non nửa, bỗng nhiên Ngọc Diệp bất ngờ cất giọng hỏi, Thường suýt sặc, rối rít lắc đầu trả lời:

"Không có mà? Con chỉ thấy nó đẹp thôi."

Ngọc Diệp nghi hoặc nhìn Thường rất lâu, như thể cố tìm không một chút gian dối trong mắt cậu. Thường bị cô nhìn mà căng thẳng, may thay có vẻ không tìm ra được gì, Ngọc Diệp lại cúi đầu ăn tiếp, Thường lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.

Đúng giờ xe ngựa đến điểm hẹn đón hai người. Ngọc Diệp lên xe trước, sau đó Thường mới trèo lên sau.

"Thường, cầm lấy."

Cậu vừa yên vị, Ngọc Diệp phía sau gọi một tiếng rồi thảy luôn chiếc hộp qua. Thường suýt nữa không bắt được, lúc nhìn rõ vật trong tay, tim cậu đập "thình thịch", ngẩn người nhìn cô.

"Thích thì lấy đi. Lỡ sau này có người để ý còn xài được."