Cô Thành Bế

Chương 10: Xóc Tiền




1. Xóc tiền

Phúc Khang công chúa sống cùng Miêu chiêu dung trong Nghi Phượng Các. Lần đầu tiên ta đi vào, công chúa đang chơi xóc tiền cùng ba cô bé xấp xỉ tuổi nàng quanh bàn ngọc trong sảnh, đồng tiền quăng vãi vang tiếng leng keng, ánh mắt các tiểu cô nương nhìn theo lên xuống, nói cười rôm rả.

Hàn thị lĩnh ta vào thấy họ chơi đương vui, bèn ra hiệu ta đừng quấy rầy, khẽ khàng dẫn ta đứng sang một bên, lại đánh mắt về phía ba cô bé bên cạnh công chúa, nhỏ giọng giới thiệu: “Vị lớn tuổi nhất ngồi đối diện công chúa là Phạm cô nương, con gái nuôi của hoàng hậu. Hai vị còn lại là con gái nuôi của Trương mỹ nhân, bên trái là Chu cô nương, bên phải là Từ cô nương. Họ đều là bạn chơi của công chúa.”

Ta cẩn thận ghi nhớ rồi lại nhìn sang công chúa, lúc này đang đến lượt nàng xóc tiền, nàng hí hửng gom những đồng tiền lại, nắm chặt trong lòng bàn tay, hớn hở đề nghị bạn chơi: “Lượt này chúng ta cược thêm ba đồng đi!”

Miêu chiêu dung đứng xem nghe thấy phì cười: “Ở đây thua nhiều nhất là con đó, còn dám thêm tiền cược.”

“Lần này chắc chắn sẽ không thua.” Công chúa bừng bừng tự tin, luôn miệng giục bạn chơi đặt tiền.

Phạm cô nương cười bảo: “Được thôi, ba đồng thì ba đồng, công chúa không được khóc nhè đâu đấy.”

Nói rồi đặt ngay ba đồng tiền lên bàn, Chu cô nương và Từ cô nương cũng lần lượt đặt tiền cược, đều cười nói: “Lại sắp thắng công chúa thêm một ván to rồi, ngài cho bọn tôi biết ngại với chứ?”

Xóc tiền là trò chơi khuê phòng phổ biến của con gái Đại Tống. Người chơi mỗi lượt nắm bốn, năm đồng tiền trong tay, lòng bàn tay hướng lên trên, ngón cái và ngón trỏ kẹp một đồng tiền, những đồng còn lại đặt trong lòng bàn tay xóc, điều chỉnh góc độ vị trí rồi tung đồng tiền kẹp giữa ngón tay lên, lật mu bàn tay thả những đồng tiền còn lại ra, tiếp được đồng tiền rơi xuống rồi thì tung lên lần thứ hai, lần này trong lúc tiền rơi, phải nhanh chóng lật đảo những đồng trên mặt đất, có thể lặp đi lặp lại động tác điều chỉnh thứ tự các mặt sấp ngửa của đồng tiền, giữa chừng phải gom các đồng tiền vào một chỗ mà một tay có thể che hết lại được, ném cú cuối cùng, tay lập tức phải lật lên, đè đồng tiền tung lên xuống, làm tất cả các đồng tiền đều bị che dưới bàn tay, sau đó mời đồng bạn đoán số lượng đồng tiền sấp ngửa, phân thắng thua bằng kết quả đúng sai. Then chốt là ở chỗ động tác ngón tay cần linh hoạt, tốc độ gảy đồng tiền phải nhanh, khiến đồng bạn hoa mắt dẫn đến phán đoán sai lệch.

Trong bốn người, công chúa xem chừng nhỏ tuổi nhất, nghe khẩu khí người bên cạnh, có vẻ như đã thua quen, song lúc này, đối mặt với sự ngờ vực của mẫu thân và bạn chơi, nàng lại không tức giận, cũng chẳng phản bác, chỉ cười tủm tỉm nói “Chờ coi” rồi xóc tiền trong tay, bắt đầu ván chơi.

Mọi người chăm chú nhìn, thấy động tác ném, gảy của nàng đều qua quít tầm tầm, tốc độ cũng không nhanh, dần cười rộ: “Cứ tưởng công chúa có tuyệt chiêu gì chứ…”

“Xong!” Công chúa bỗng hô khẽ một tiếng, ném cú cuối cùng, sau khi đè đồng tiền xuống, hai tay đồng thời che lên trên đồng tiền, động tác quá mạnh làm thân mình cũng đổ về trước như bổ nhào qua, hoàn toàn phá hủy tư thế ngồi tao nhã mới rồi.

Mọi người bật cười, trong sảnh tiếng cười vang vọng. Công chúa cũng không tức, vẫn đè chặt đồng tiền, nhìn các bạn chơi, nghiêm túc thúc giục: “Mau đoán đi!”

“Ôi, nãy chỉ mải cười, cú cuối cùng không kịp nhìn kỹ.” Phạm cô nương cười nói, “Hình như là hai ngửa ba sấp?”
Loading...


Chu cô nương tiếp lời, đoán: “Là ba ngửa hai sấp.”

Từ cô nương lại nghĩ khác: “Nhất định là có bốn ngửa, có mỗi đồng cuối cùng là tôi thấy không rõ.”

“Vậy rốt cuộc là gì?” Công chúa truy vấn.

Từ cô nương ngẫm nghĩ rồi đáp: “Tôi đoán là bốn ngửa một sấp đi.”

Hai mắt công chúa rực sáng, khóe miệng khẽ nhếch thành một nụ cười đắc ý có phần kiềm chế, nhưng không công bố kết quả ngay mà quay đầu lại nhìn mọi người trong sảnh: “Các ngươi thì sao? Đoán trúng có thưởng.”

Mọi người cũng mỉm cười thuận thế phỏng đoán, có người cùng đáp án với ba cô nương, cũng có người nói bốn sấp một ngửa hoặc ngửa hết sấp hết, cơ hồ đoán mọi kết quả có thể xuất hiện.

Ta một mực không lên tiếng, nhưng sau cùng ánh mắt nàng lại đậu lên người ta.

“A, Hoài Cát,” nàng bất ngờ gọi tên ta, giọng rất đỗi tự nhiên, như thể hai ta đã quen biết từ lâu, “Huynh tới rồi!”

Ta tiến lên vài bước, bái kiến công chúa đồng thời vấn an ba vị cô nương.

“Bình thân bình thân.” Công chúa cười chúm chím, đây là lần đầu tiên ta nghe quý nhân trong cung nói hai chữ cứng nhẳng đó nghe khoan khoái như vậy, “Hoài Cát, huynh cũng đoán đi.”

Ta cũng không nhìn kỹ được động tác gảy tiền cuối cùng của nàng nên không có khái niệm rõ ràng gì về những đồng tiền sấp ngửa dưới bàn tay nàng, nhưng để ý thấy hai tay nàng che tiền lúc này không đặt song song ngang hàng mà là tay này phủ lên tay kia, mu bàn tay bên trên hơi khum khum.

Thế nên, ta ra một đáp án khác với mọi người: “Thần không biết cụ thể số đồng tiền sấp ngửa ra sao, chỉ biết trong đó có một đồng chắc chắn không sấp cũng không ngửa.”

“Ô,” nàng ngạc nhiên hỏi, “Sao huynh biết?”

Nàng buông tay ra, giữa hổ khẩu bàn tay bên dưới kẹp một đồng tiền đứng thẳng, không sấp cũng không ngửa.

Ta mỉm cười đáp: “Thần cũng đoán ạ.”

Nàng không hỏi tiếp nữa, cười hoan hỉ xòe tay với các cô nương: “Mấy người đoán sai cả rồi, đưa tiền đây!”

Miêu chiêu dung cố ý quở nàng: “Nào có cái lý kẹp tiền giữa hai tay thế chứ! Con phá quy tắc thì đã đành, còn không biết ngại đòi tiền các cô nương.”

Phạm cô nương cũng hùa theo: “Đúng vậy, tiền này không đưa công chúa được.”

Nói đoạn làm bộ muốn lấy lại tiền cược, công chúa quýnh lên, nhào qua thò hai tay hết tóm lại quơ, vừa cướp tiền vừa cười: “Bỏ xuống bỏ xuống! Tất cả là của ta!”

Mọi người cũng chỉ trêu chọc nàng, cuối cùng đều để nàng vơ hết tiền vào tay.

Công chúa gom đống tiền lại trước mặt mình, vô cùng hài lòng ngắm nghía gật gù, sau đó quay sang nói với ta: “Hoài Cát, số tiền này thưởng cho huynh.”

Ta cụp mắt: “Vừa rồi thần chỉ đoán trúng một đồng, không trúng được hết, không nên được thưởng tiền.”

Nàng ngẫm nghĩ rồi đồng tình: “Cũng phải.” đoạn đẩy tiền về phía đồng bạn, cười: “Vậy mấy người chia nhau đi, ta không chơi nữa.” ngay sau đó đứng lên, tung tăng chạy lại gần ta, “Huynh đi theo ta, ta có lời muốn hỏi huynh.”

Nói rồi tự ra ngoài trước, ta còn chưa cất bước đã có bốn, năm nội nhân định theo gót, công chúa dừng chân quay đầu lại, ra lệnh cho họ: “Không ai được di chuyển! Chỉ Hoài Cát theo ta.”

Đám cung nhân nhìn nhau, công chúa chẳng buồn để ý, xoay người kéo tay ta: “Đi thôi.”

Ta hơi xấu hổ, muốn rụt tay về, lại sợ làm vậy với nàng là thất lễ. Còn đang do dự, đã bị nàng kéo ra khỏi cửa gác.

Nàng kéo ta ra tới tận bờ Dao Tân Trì ở Hậu uyển mới dừng lại, hai con ngươi trong vắt, tò mò hỏi ta: “Ban tiệp dư là ai?”

Câu hỏi đột ngột này làm ta ngớ ra mất một chốc mới ý thức được là có liên quan tới khi trước ta biện giải cho nàng, không khỏi rộ cười: “Chuyện thuyền quyên hiền đức công chúa từng nghe không có người này à?”

“Không có.” Nàng lắc đầu, “Sau đó ta có hỏi tỷ tỷ nhưng bà cũng không rõ. Hỏi nương nương, nương nương lại nói cả đời này ta cũng sẽ không gặp phải tình huống như Ban tiệp dư, thế nên không cần phải biết. Cuối cùng ta hỏi cha, cha hỏi ngược lại ta: ‘Hôm qua kể chuyện Ngụy quốc đại trưởng công chúa (*) cho con nghe đã nhớ được chưa? Viết lại cho cha xem trước đã.’”

Ngụy quốc đại trưởng công chúa là con gái vua Thái Tông, cô ruột của kim thượng, bà trẻ của Phúc Khang công chúa, hiền lương thục đức, chưa từng thấy có bất kỳ chỉ trích nào về bà, là chuẩn mực nữ tử quốc triều mà các văn thần thường hay tán tụng, những câu chuyện miêu tả bà hiếu thuận, hiền hòa, minh đức, nhân từ ra sao theo đó cũng vô cùng phong phú như một lẽ tất yếu.

(*) Thời Đường, Tống, Minh, cô ruột của Hoàng đế phong là Đại trưởng công chúa, chị em gái của Hoàng đế phong là Trưởng công chúa còn con gái Hoàng đế thì phong là Công chúa; phong hiệu của các công chúa cũng thường xuất hiện tên các tiểu quốc thời cổ, việc gia phong quốc hiệu như vậy cũng được xem là cao hơn các phong hiệu khác.

“Thế công chúa có viết không?” Ta hỏi.

Chẳng ngờ nàng lại đáp rất quả quyết: “Có chứ.”

Thấy đáp án hiển nhiên nằm ngoài dự liệu của ta, nàng cười đắc ý: “Ta viết có mấy chữ thôi: Ngụy quốc đại trưởng công chúa rất tốt, cực tốt, vô cùng tốt.”

Ta không nói gì, gian nan đè nén dục vọng muốn cười xuống dưới lễ nghi đại nội.

Nàng chạy lên ngồi xuống bậc thang cầu bạch ngọc bên hồ để ánh mắt có thể ngang tầm với ta, lại giục: “Mau kể chuyện Ban tiệp dư cho ta nghe đi.”

Ta lưỡng lự đôi lát, cuối cùng vẫn chậm rãi kể cho nàng một vài chuyện về Ban tiếp dư, về tài đức của bà, chuyện bà từ chối ngồi ngự liễn cùng vua, chuyện bà bị thất sủng, về hai bài thơ “Oán ca hành” và “Trường Tín Cung oán”, cũng đề cập chút ít đến Triệu Phi Yến.

“Thì ra là vậy,” Nghe xong, nàng suy tư gật đầu, lại bỗng như bừng tỉnh đại ngộ: “Huynh nói Trương nương tử là Triệu Phi Yến thật không sai!”

Ta cả kinh, lại không biết phải giải thích thế nào với nàng về chỗ không thích đáng ở đây, chỉ đành nhỏ giọng nói: “Công chúa, cẩn trọng ngôn từ.”

Nàng cười toe, không bưng miệng, lộ ra hàm răng như ngọc, đều tăm tắp, nom rất đáng yêu.

Khác hẳn những cung nữ mà thỉnh thoảng ta được tiếp xúc, lễ nghi giáo hóa dường như chẳng để lại bao nhiêu dấu tích nơi nàng, yên bình ngồi giữa phù dung Thái Dịch liễu Vị Ương (*), nàng hưởng thụ tự do được thoải mái thể hiện hỉ nộ ái ố.

(*) “Thái Dịch phù dung Vị Ương liễu” vốn là một câu thơ trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị kể về mối tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, Thái Dịch và Vị Ương là tên hồ và cung trong cung Hán, ở đây chỉ cung cấm nói chung.

“Hoài Cát, huynh kể chuyện cả buổi thế có khát không?” Thình lình, công chúa hỏi.

“Thần không khát… Công chúa muốn uống nước ạ?” Ta lập tức đứng thẳng dậy, định quay về lấy nước.

“Đừng đi đừng đi!” Nàng vội ngăn ta lại, “Tội gì chúng ta phải tự lấy.”

Ta nhìn trái nhìn phải, thấy chung quanh cũng không có ai khác.

Nàng đá lông nheo với ta, miệng vẫn cong cong song chừng như có thâm ý khác.

Ta còn đang suy đoán ý nàng, nàng đã đứng dậy xoay người chạy lên cầu, chạy đến giữa cầu rồi, lại bày tư thế muốn trèo qua lan can.

Ta lập tức đi qua muốn cản nàng, nào ngờ trong nháy mắt, có ba, bốn người như chui lên từ đất bằng, xông tới kéo nàng rời khỏi lan can trước ta.

Sau đó không ngừng có người chạy đến, người cầm quần áo người mang khăn lược, người lấy quà bánh, người bưng hoa quả tươi… Tất nhiên, không thể thiếu liêu tử (*) bưng ấm nước chung trà.

(*) Thời Tống, tôi tớ lo việc trà bánh được gọi là “liêu tử”.

Thì ra đây chính là cảnh tượng khi công chúa ra ngoài. Trước đó họ nấp ở nơi công chúa không nhìn thấy.

Công chúa đứng vững lại, thong dong xoay người, nhướng mày chỉ vào trà nước rồi cười với ta. Lần này, thần sắc có phần cô quạnh bất đắc dĩ.