Cố Niên Hoa

Chương 5: Chuyện cũ họ trần




"Phật Phật Phật bất khả kiến

Tâm tâm tâm bất khả thuyết.

Nhược Tâm sinh thì thị Phật sinh

Nhược Phật diệt thì thị Tâm diệt.

Diệt Tâm tồn Phật thị xứ vô

Diệt Phật tồn Tâm hà thì yết..."[1]

- Em không chép kinh Phật, lại đi chép thơ của ta để làm gì?

Tôi ôm trán nhăn nhó, nhìn lên lão già đang nhịp nhịp cây quạt vừa gõ tôi một cú đau điếng:

- Tiên sinh, thơ của người có biết bao nhiêu giác ngộ, em chép thơ người là học hỏi mà!

- Em đang bị phạt. Thơ của ta thì ngắn hơn kinh Phật. – Lão vừa nói vừa đi lại chỗ kệ sách, nhìn nhìn một lúc rồi đưa tay rút ra một quyển.

- Tiên sinh, em đói bụng rồi. – Tôi tiu nghỉu. – Từ lúc về nhà đến giờ em chưa được ăn gì cả, đã phải chép đến gãy cả tay. – Vẫy vẫy cánh tay mềm oặt, tôi làm ra vẻ sắp chết đến nơi.

Lão già vẫn không mảy may ngoái đầu lại nhìn tôi, mang quyển sách vừa tìm được đi thẳng ra cửa.

- Đợi ta một chút, sắp được ăn rồi.

Tôi thở dài não nuột, gục xuống bàn. Nhìn lên tường, bức tranh vẽ đóa mộc lan khẽ lay như trêu tức. Một ý nghĩ quái đản nảy ra trong đầu tôi: "Không biết mộc lan ăn vào có sao không?".

Sở dĩ bây giờ tôi phải ở đây chép phạt, là vì nhân lúc lão già vắng nhà mấy hôm, tôi đã lén chạy ra ngoài. Thật ra lén ra ngoài không phải vấn đề, nhưng không kịp trở về nhà trước lão lại là vấn đề. Sáng nay lúc tôi về đến cửa đã thấy kiệu của lão ở trong sân, chỉ có thể ngoan ngoãn đi thú tội.

Sở dĩ mấy hôm trước tôi phải lẻn ra ngoài, vì tôi nhận được thư của Quang Khải nhờ một đứa trẻ đưa đến phủ. Hắn ta muốn nhờ tôi làm chứng cho lễ cưới của hắn và Nguyệt Nhi.

Quang Khải vốn là hoàng tử yêu quý của quan gia, việc hôn nhân dĩ nhiên phải tìm được nơi xứng đáng. Nguyệt Nhi lại là đào hát, dù cho quan gia có rộng lượng phóng khoáng đến thế nào cũng không thể chấp nhận cô ả làm chính thất. Hoàng tử nạp thiếp vốn không cần nghi lễ cầu kỳ, nhưng Quang Khải vốn là người có tình có nghĩa, cha của Nguyệt Nhi lại vừa mới qua đời, hắn không muốn cô ả chịu ấm ức quá nhiều, nên kiên quyết tổ chức một lễ cưới đầy đủ trình tự, chỉ khác là, chứng hôn chỉ có mình tôi.



Lúc mới nghe chuyện này, tôi thấy vô cùng cảm động, cũng rất nể phục, đã buông ra một câu:

- Hưng Đạo Vương nhiều năm trước đây dám xông vào dinh Nhân Đạo Vương để giành lấy công chúa Thiên Thành, hôm nay Chiêu Minh Vương ngươi lại dám tự định đoạt hôn nhân với một thường dân. So với lão già nhà ta, ngươi và Hưng Đạo Vương mới thật giống anh em cùng một mẹ sinh ra.

Ánh nhìn sắc lẹm của Quang Khải cho tôi biết mình đã nói sai rồi.

Lão già nhà tôi là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu và công chúa Thuận Thiên. An Sinh Vương lại là anh trai của quan gia. Những việc xảy ra sau này, tôi không dám hỏi lão, chỉ dám nhân lúc lão vắng mặt mà hỏi bác Dương và những người lớn tuổi ở Dưỡng Chân Trang. Nghe bảo khi tôi còn chưa sinh ra đời thì hoàng cung xảy ra biến cố. Hoàng hậu lúc đó là công chúa Chiêu Hoàng – em gái của công chúa Thuận Thiên – không sinh được con, công chúa Thuận Thiên lại đang mang bầu Tĩnh Quốc Vương Khang, bị ép gả cho quan gia, trở thành hoàng hậu, sinh được ba người con nữa, Quang Khải là một trong số đó. Cho nên, Quang Khải chính là em trai cùng mẹ của lão già, còn Hưng Đạo Vương lại là em cùng cha với lão già, là anh em chú bác với Quang Khải.

Lúc đầu khi cố tìm hiểu những việc này, tôi đã phải ghi ghi chép chép cho đỡ nhầm. Càng tìm hiểu càng thấy rối rắm, tôi lại nghĩ chẳng đời nào mình gặp nhiều tôn thất như thế, nên đã bỏ qua. Cuối cùng chỉ còn nhớ được câu chuyện giữa hai anh em quan gia, vì nó liên quan trực tiếp đến lão già.

Lão già đối với quan gia không có oán giận, thậm chí còn có nhiều phần kính trọng, chỉ là không thể thân thiết được. Đối với những người em cùng mẹ khác cha, tôi nghĩ lão cũng âm thầm quan tâm, nhưng không gần gũi, vì tôi biết Quang Khải lại là nhờ một vụ đánh nhau ở Tiên Lễ. Lão biết được tôi kết bạn với hắn cũng không ngăn cản, không bảo đề phòng, có khi nào là muốn mượn cơ hội này hóa giải mối bất hòa giữa hai nhánh huyết mạch họ Trần hay không, tôi chẳng rõ.

Chỉ biết bây giờ hẳn chưa phải thời cơ.

Lễ cưới chỉ có ba người, nhưng rất nghiêm trang trước hương hồn cha của Nguyệt Nhi. Tôi hỏi Quang Khải sao không bảo gia nhân giúp hắn chuẩn bị, hắn đáp:

- Chiêu Minh Vương rồi sẽ phải lấy một vị công chúa tiểu thư. Lễ cưới này là của Quang Khải muốn cho Nguyệt Nhi một chút rỡ ràng.

Tôi thực sự cảm động bởi lòng chân thành của tên hoàng tử trẻ tuổi này.

Lúc Nguyệt Nhi bước vào trong trang phục cô dâu, tôi nghĩ mình hiểu được tại sao Quang Khải lại si mê ả ta đến thế. Xinh đẹp dịu dàng, lại có một chút lúng liếng đa tình của kẻ hát xướng, không đoan trang khuôn phép đến nhàm chán như những vị tiểu thư khuê các. Ả ta lại có cái nét yếu đuối để người khác muốn chở che, không có vẻ quyền uy hoặc anh khí ngang với nam nhi như những cô công chúa họ Trần vốn tinh thông võ nghệ.

Tôi không ưa ả, nhưng nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của ả lúc đó, tôi cũng thấy động lòng.

Trước lúc Quang Khải đưa Nguyệt Nhi về phủ, hắn không quên cảm ơn tôi:

- Lúc kết giao đã hứa sau này sẽ giúp người hết lòng, không ngờ chưa gì lại phải nhờ ngươi đến lần thứ ba.

Bỗng dung trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ:

- Nếu ngươi muốn tạ ơn thì giúp ta tìm tung tích của một cung nhân họ Lý.

Nét mặt Quang Khải chợt đông cứng lại.

- Người này có quan hệ thế nào với ngươi?

- Ta có một người bạn ở Dưỡng Chân Trang, trước kia có quen biết với cô cung nhân này, nhưng rồi bặt vô âm tín. Khi ta đi về hướng Thăng Long, người ấy có nhờ ta nghe ngóng giúp.

Sau đó, Quang Khải có ngập ngừng ý rằng tìm tung tích người họ Lý ở thời này rất khó, tôi cũng trả lời qua quýt, rằng tiện thì nhờ hắn giúp, nếu không được cũng chẳng có gì quan trọng.

Trong những năm qua, mỗi khi nghĩ đến việc này tôi đều có cảm giác do dự, nửa muốn tìm hiểu lại nửa muốn gạt đi, sợ rằng khi biết được thêm điều gì đó, cuộc sống hạnh phúc yên ổn mà tôi đang có bây giờ sẽ tan biến hết. Tôi biết rõ suy nghĩ này là ích kỷ, nhưng chỉ cần mỗi ngày được đọc sách chép kinh bên cạnh lão già, tôi đã không mong gì hơn nữa. Cuộc sống của lão đã đủ những biến cố rồi, không cần thiết có thêm việc do tôi mang đến.

Sáng nay khi trở về, tôi thành thật thú nhận mọi chuyện với lão già, trừ việc nhờ Quang Khải tìm người. Mỗi lúc kể chuyện, tôi chẳng bao giờ kể được một cách khách quan, mà luôn phải nhận xét vài câu:

- Ả đào hát Nguyệt Nhi xem như hạnh phúc hơn người, được một hoàng tử như Quang Khải yêu thương.

- Em thực sự cho rằng lễ cưới này của Quang Khải chỉ là vì tình yêu? – Lão già điềm nhiên hỏi.

- Tiên sinh, ý người là sao? – Tôi ngơ ngác.



- Quang Khải là người thế nào, có thể chịu được việc để người ta sắp đặt hôn nhân của mình mà không có chút phản kháng nào ư?

Tôi im lặng.

- Lẽ nào từng ấy năm qua, cậu ta chỉ có mình em là bạn hữu, nên mới phải nhờ em làm chứng hôn?

Tôi ngơ ngác một lúc rồi chợt hiểu ra:

- Hắn cảm thấy có lỗi với người vì chuyện năm xưa, nên muốn mượn chuyện này và thông qua em để bày tỏ thái độ phản đối những cuộc hôn nhân chính trị sao?

Phát hiện này làm tôi bần thần mất một lúc lâu, cho đến khi lão già lên tiếng:

- Cũng không hẳn là có lỗi, chỉ là không biết nên đối mặt với nhau bằng cách nào thôi. Hơn nữa... lúc cha ta qua đời, khắp nơi có lời đồn rằng An Sinh Vương vẫn còn ghi hận, dặn dò Quốc Tuấn nhất định phải thay mình đoạt giang sơn. Chính vì thế, đến bây giờ ta và Quốc Tuấn cùng với các con của quan gia vẫn chưa thể hòa thuận với nhau.

- Có chuyện này nữa sao? – Tôi kinh ngạc đến há hốc mồm. – Sao lại như vậy được?! Những năm qua Hưng Đạo Vương không chỉ nhất mực trung thành mà còn có bao nhiêu công lao hiển hách, người người xưng tụng...

Lão già nở một nụ cười nhạt:

- Em nghĩ giữa lúc sắp lâm chung của một vương gia, những lời ông ấy trăn trối với con mình, nhất là những điều phản nghịch như vậy, có thể để người ngoài nghe thấy được à?!

Tôi đưa tay che miệng.

Cốc. Cây quạt trên tay lão lại gõ nhẹ lên trán tôi, và hai chữ "chép phạt" tiếp theo của lão khiến tôi quên sạch những điều phức tạp đang làm tôi rối trí từ nãy đến giờ:

***

Lúc nhỏ tôi cứ nghĩ người tu hành rất lương thiện, và nghĩ người khác đều lương thiện. Từ khi đi theo lão già, tôi mới biết, "tu" nghĩa là rèn luyện chính bản tính của mình, nhưng vẫn phải mở to mắt để nhìn thấu tâm tư, cả tốt đẹp lẫn xấu xa của người đời, chứ không phải gặp ai cũng xem là Bồ tát.

Lúc này, nghĩ lại những gì lão nói, tôi nhớ ra gương mặt Quang Khải lúc ấy, không hẳn là hạnh phúc đến vỡ òa giống Nguyệt Nhi, mà có mấy phần đắc thắng, vì đã tự mình cưới được người mình chọn. Lễ cưới này, tuy có tình yêu và cũng để làm Nguyệt Nhi hạnh phúc, nhưng phần nhiều là để thỏa mãn tự tôn của hắn.

Xem ra tôi vẫn còn quá non nớt so với một vị hoàng tử cùng tuổi với mình, nói gì đến những người đã lọc lõi ngoài kia. Tôi có thể yên ổn đi từ Yên Bang lên Hồng Lộ, chẳng qua vì lão già luôn cử người âm thầm bảo vệ cho tôi. Tôi biết từ lâu nhưng đều giả vờ như không biết, giả vờ như mình rất bản lĩnh có thể một mình ngao du thiên hạ.

Quyển kinh Phật đã chép xong, tôi vẫn không thấy bóng dáng lão già quay lại. Sáng nay hình như có khách đến tìm lão, là người ở kinh đô, tôi đoán thế vì tuy chỉ có ít tùy tùng đi theo, trang phục lại giản dị nhưng phong thái lại rất quy củ, không giống những nữ tì ở phủ quan lại mà tôi từng gặp. Tôi đói đến mệt lả người, nên không đợi lão nữa mà chạy xuống bếp tìm bác Dương. Băng qua sân, ngang qua phòng khách, lão già vừa mở cửa bước ra, đi cạnh bên là một cô gái nhỏ chừng mười bốn mười lăm tuổi.

Cách đây không lâu, trước khi đến được Hội thề Đồng Cổ, tôi từng có dịp gặp cô ấy.

Lần đó, tôi đang say sưa thưởng thức món phi cầu Sài [2]ở một quán ăn lớn thì nghe tiếng ồn ào ở bàn bên cạnh. Một vị tôn thất đang lớn tiếng cho rằng chủ quán coi thường mình, đòi đánh nhau để giải quyết[3]. Chủ quán tầm ba mươi tuổi, vóc người cao lớn khỏe mạnh nhưng trông rất ôn hòa, luôn miệng xin lỗi và mong được bỏ qua để anh ta tiếp tục làm ăn. Vị tôn thất kia không đồng ý, thái độ rất hiếu chiến. Tôi trông thấy bất bình, nhưng nghĩ đến đêm ngủ trong nhà lao Tiên Lễ, lại thôi ý định xen vào chuyện người ta.

Đúng lúc ấy, một giọng nói nhỏ nhẹ, thanh như tiếng chuông đồng cất lên:

- Đức ông, xin bỏ qua cho chủ quán lần này.

Người bước đến là một thiếu nữ, dung mạo đoan trang, không quá xinh đẹp nhưng thần thái rất ung dung, khiến tôi thấy tự xấu hổ vì mình lớn tuổi hơn nhưng lại không được nửa phần thanh nhã như cô ấy.

Vị tôn thất giật mình nhận ra thiếu nữ ấy là ai, định gọi tên thì thiếu nữ đã đưa tay ra hiệu im lặng. Nàng mỉm cười dịu dàng nhưng ánh mắt rất nghiêm khắc:

- Chuyện hôm nay chỉ có ta và ngài biết, được không?

Chỉ với hai câu nói và một ánh mắt đã dẹp tan được cuộc xung đột không đáng có, tôi thực sự bị ấn tượng và tò mò về thân phận của cô gái này. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt của nàng khi ấy, nửa thân thiện, nửa lạnh lùng, không quá xinh đẹp nhưng lại thu hút lạ kỳ.



Không ngờ hôm nay, những điều tôi thắc mắc lại được giải đáp tại An phủ sứ của lão già. Tôi bước đến trước mặt hai người, khẽ gật đầu chào, bất ngờ hơn cả là cô gái ấy nhận ra tôi:

- À, ta đã gặp chị một lần ở quán ăn hôm trước. – Nàng nói câu này kèm một cái nháy mắt tinh nghịch, như nhắc tôi giữ im lặng về câu chuyện không mấy đáng tự hào kia.

Tôi chưa biết nên xưng hô thế nào, chỉ có thể gật đầu đáp lại. Ngay lúc ấy, lão già lên tiếng giới thiệu:

- Phong, đây là công chúa Phụng Dương, con gái của Tướng quốc Thái sư, con nuôi của quan gia, sắp trở thành vương phi của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đấy.

Tôi bật cười, cảm thấy nhân duyên thật là kỳ diệu. Ở Tiên Lễ, tôi kết giao với Quang Khải nhờ một vụ ẩu đả. Đến Đồng Cổ, tôi lại quen vương phi tương lai của hắn nhờ một vụ xung đột khác.

Vương phi của Quang Khải...

Mà khoan... Quang Khải vừa mới cưới vợ mà?!

[1] Dịch nghĩa:

"Phật, Phật, Phật không thể thấy được

Tâm, tâm, tâm không thể nói được.

Khi Tâm sinh thì Phật sinh

Khi Phật diệt thì Tâm diệt.

Không có chỗ nào diệt Tâm mà còn Phật

Diệt Phật mà còn Tâm thì bao giờ cho hết..."

(Phật tâm ca – Tuệ Trung Thượng Sĩ, Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977)

[2] Con phi là một loại hải sản vừa sống ở nước mặn, vừa sống ở nước lợ, trông giống con trai biển, nhưng vỏ mỏng hơn. Phi cầu Sài là đặc sản vùng sông Trà, ranh giới giữa hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa hiện nay, trong thời phong kiến được xem là món quý dâng lên vua chúa.

[3] "Bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm." (Trích Đại Việt Sử ký Toàn thư)