Cố Niên Hoa

Chương 36: Ai phàm, ai thánh?[1]




Sau một thời gian sống trong căng thẳng thường nhật và một đêm chiến đấu khốc liệt, tướng sĩ đều đã thấm mệt nên mọi người dựng tạm lán để che sương và thay nhau nghỉ ngơi, những người không ngủ vừa canh gác, vừa dọn dẹp chiến trường. Quan gia, thái tử và mấy thân vương đều vào nghỉ trong Trà điện, riêng lão già tự dựng lán ở cùng với binh sĩ bên ngoài. Tôi băng bó vết thương cho lão già xong liền thiếp đi. Đêm nay không bị làm phiền bởi những nỗi sợ hãi, lo lắng vô cớ nữa nên tôi ngủ rất sâu. Lúc tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao, chim chuyền cành rộn rã, nắng nhảy nhót trên những lộc non mới đâm chồi đón mùa sang.

Lính canh báo với tôi rằng lão già đã vào điện hầu chuyện quan gia và thái tử, thế nên tôi đi tìm mấy anh lính quân Thánh Dực xem có thể giúp được gì cho họ không. Tôi gặp lại rất nhiều gương mặt thân quen, cũng thấy vắng mất vài người. Chúng tôi nhắc tên họ, kể chuyện về họ, ngậm ngùi song không bi lụy, vì chúng tôi sắp đưa họ về nhà, trên mảnh đất mà thanh bình vừa mới trở lại này. Giữa câu chuyện đang rôm rả, Đỗ Ngạc, phó tướng của lão già đến xin gặp riêng tôi.

- Mấy ngày qua chắc mọi người vất vả rồi. Anh không bị thương ở đâu chứ? - Tôi ân cần hỏi.

- Thưa, nhờ phúc của vương gia, tôi vẫn bình an. Kế sách dùng bài sấm dọa giặc của cô Nhã Phong khiến Đỗ Ngạc muôn phần kính phục.

Nói đến đây, anh khẽ cúi đầu, tôi vội xua xua tay.

- Nhã Phong đều học lỏm của tiền nhân và tiên sinh cả, mọi người đừng chê cười nữa.

- Cô Nhã Phong quả là đồ đệ xuất chúng của vương gia. - Đoạn, anh trở nên chân thành, nghiêm túc lạ thường, ôm quyền kính cẩn. - Có một việc cũng chỉ có cô mới giúp được, Đỗ Ngạc cả gan làm phiền.

- Việc của quân Thánh Dực cũng là việc của Nhã Phong. - Tôi nói. - Anh cần gì phải rào trước đón sau?

- Thưa... - Viên phó tướng đột nhiên nhỏ giọng, ngập ngừng. - Dẫu biết việc đang làm có thể khiến vương gia trách tội, thân làm thần tử, tôi vẫn phải liều một phen. Chốc nữa, nếu vương gia có ý muốn dẫn quân đến Hoàng giang đón tôn thất trở về, xin cô lựa lời khuyên giải.

- Tiên sinh muốn đến Hoàng giang sao? - Tôi hỏi.

- Thưa, phải ạ. Lúc chúng tôi còn đóng quân trong thành, vương gia từng dặn riêng tôi, ngay khi quân Thát rút đi, tôi phải tập trung binh lính để chuẩn bị đến hành cung đón mọi người trở về. - Đỗ Ngạc nói liền một mạch, không dám ngẩng lên nhìn tôi.

- Vây, vì sao lại phải ngăn cản tiên sinh?

Tôi hỏi dò, trong lòng lờ mờ đoán ra nỗi khổ tâm của anh ta. Ở Hoàng giang lúc này chỉ có bọn nữ quyến, trẻ nhỏ cùng với thái sư và quốc mẫu. Sau thắng lợi, thanh thế của quân Thánh Dực đang lên rất cao, Hưng Đạo vương còn đang dẫn binh đuổi theo giặc ở mãi nơi xa. Nếu như lão già của tôi dẫn theo quân đội đến hành cung, với từng đó ân oán của hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp gây ra bởi một tay thái sư, ai biết được thái sư có thể trở về Thăng Long để gặp lại hoàng đế hay không.

- Thưa... Đỗ Ngạc và toàn thể binh sĩ một lòng yêu kính vương gia, cũng tin vào tấm lòng tận trung xả thân báo quốc của vương, nhất là sau trận thảm chiến ở Bình Lệ Nguyên. - Anh lính chiến hiên ngang trên lưng ngựa giờ đây lúng túng như gà mắc tóc, thận trọng nói từng lời một. - Thế nhưng việc đến Hoàng giang lại là việc nhà. Đỗ Ngạc vì vương gia có thể bỏ mạng quèn này. Nhưng Đỗ Ngạc không cam lòng nhìn cả đời sáng suốt tận tụy của vương gia bị vết nhơ vì chuyện không cách nào thay đổi được của người đời trước. Hơn nữa, vương gia có nhà của vương gia, hàng nghìn quân Thánh Dực cũng có nhà của họ. Khó khăn lắm họ mới sống sót đến giờ này, chỉ vừa kịp vui mừng mà năm mới lại sắp sang...

Tôi nhìn Đỗ Ngạc, trong lòng cũng rối bời vì bản thân tôi không đoán được ý định thực sự của lão già, nhất là những việc liên quan đến thân phụ của lão, không dám tùy tiện phán xét việc anh nói có khả năng xảy ra không. Tôi nên trách anh vì đã đem những toan tính cơ mật của lão đi kể với người khác, nên cảm ơn anh vì đã suy nghĩ thấu đáo cho an nguy của tất cả mọi người, hay nên phủ nhận mọi thứ, rằng đó chỉ là do anh suy diễn lung tung?



- Tại sao anh lại nói những điều này với ta? - Tôi hỏi luôn điều bất chợt nảy ra trong đầu. - Ra lệnh được cho vương gia của mọi người nên là quan gia hay thái tử mới đúng.

Đỗ Ngạc vừa nghe tôi hỏi, lập tức quỳ một chân xuống, quả quyết thưa:

- Trời đất chứng giám, tôi kính trọng vương như cha như anh, tuyệt không có ý phản nghịch hay mưu hại. Sở dĩ tôi thưa chuyện với cô Nhã Phong vì... - Ngập ngừng một quãng, anh nói tiếp. - Năm trước, khi còn ở Hồng Lộ, vương bị thương nặng, mất máu rất nhiều, thế mà trước khi thiếp đi, vương vẫn dặn đi dặn lại thuộc hạ không được báo tin về Yên Bang, nhất là không được để cô biết, sợ cô lo lắng. Chỉ có người nhà mới có thể quản chuyện nhà, Đỗ Ngạc biết việc này chỉ lời cô Nhã Phong mới có thể khiến vương hồi tâm chuyển ý.

Tôi lặng người, suy nghĩ rất lung. Lão già của tôi tuy tùy hứng nhưng lại rất tỉnh táo, thận trọng. Lão không cần nghĩ cũng thừa biết dù có thể giết Trần Thủ Độ, nhưng hậu quả về sau sẽ rất nặng nề, không chỉ hại bản thân mà còn liên lụy cả Hưng Đạo vương, Vũ Thành vương và công chúa Thiều. Tôi hiểu vì tôi đã nhiều lần suy xét thiệt hơn khi muốn thực hiện tâm nguyện cuối cùng của cụ Đảm. Thế nhưng, tôi càng biết ngọn lửa âm ỉ trong lòng lão suốt bấy nhiêu năm đang bùng lên dữ dội, nhất là sau trận chiến này, khi lão và Tĩnh Quốc vương có thể ngồi cùng một mâm cơm, chia nhau sinh tử giữa chiến trường, mà lại không thể gọi nhau một tiếng anh - em.

Nếu là tôi của một năm trước, chỉ cần đó là điều lão muốn làm, ắt tôi sẽ không mảy may suy nghĩ mà cùng tiến cùng lùi với lão. Nhưng tôi của bây giờ đã nhìn qua nhiều cảnh máu chảy đầu rơi, đã biết hai tiếng "thanh bình" đắt giá đến mực nào, tôi không biết nếu thanh bình ấy bị khuấy động bởi chính lão già mà tôi xem trọng hơn cả sinh mạng mình, tôi sẽ làm gì. Tôi càng không biết nếu trông thấy lão già của tôi phẫn uất đến mức bất chấp hậu quả mà làm ra việc tày đình, tôi có còn giữ được chút nào lý trí để nghĩ đến người khác hay không. Thoạt nhiên tôi thấy mình hoàn toàn hiểu được nỗi khổ tâm của viên phó tướng lúc này.

- Cảm ơn anh, Đỗ Ngạc. - Hồi lâu, tôi nâng anh dậy, dịu dàng nói. - Vương gia thật may mắn vì có viên cận tướng trung thành, thấu đáo như anh. Nhưng lần này, anh đã nghĩ nhiều rồi.

- Cô Nhã Phong...? - Đỗ Ngạc ngơ ngác nhìn tôi.

- Trước trận chiến, Nhã Phong vẫn còn ở Hoàng giang, nên vương gia muốn đến đón ta đấy thôi. Giờ Nhã Phong đến Thăng Long rồi, ta nghĩ người cũng không cần đi nữa. Còn... nếu như như đó là lệnh của quan gia, thì chúng ta đâu có cách nào thoái thác, anh nói có đúng không?

Đỗ Ngạc im lặng không đáp, tôi thiết tha nói tiếp:

- Trong lòng Hưng Ninh vương không chỉ có Đại Việt, không chỉ có Nhã Phong, mà còn có các anh, nghĩ cho gia quyến của các anh, thương tiếc sinh mạng của các anh. Điều này, ta tin anh hiểu rõ hơn ta. - Tôi mỉm cười với anh. - Vương gia sẽ không làm gì khiến mọi người thất vọng đâu.

- Đỗ Ngạc hiểu rồi. - Viên phó tướng ôm quyền, cúi đầu đáp. - Là thuộc hạ đã đa đoan.

Tôi nói thế để trấn an Đỗ Ngạc cũng như trấn an chính mình. Người ẩn nhẫn như Khâm Minh đại vương từng dấy binh nổi loạn ở sông Cái, người mực thước quy củ như Hưng Đạo vương từng nửa đêm trèo tường cướp dâu. Thế thì người ngẫu hứng, quái gở như Hưng Ninh vương - con trai của Khâm Minh đại vương, anh trai của Hưng Đạo vương - có thể gây ra họa gì? Tôi đoán không chỉ Đỗ Ngạc lo âu mà những người biết chuyện năm xưa đều ít nhiều nghi kỵ. Nghĩ lại thái độ trước giờ của lão già đối với quan gia, với thái sư, nhớ đến ánh mắt xa xăm của lão khi nhìn về Thăng Long khiến tôi nhất quyết động viên lão xuất binh, tôi càng thấy những gì Đỗ Ngạc nói không hẳn là vô căn cứ.

Tôi ra ngồi trên mỏm đá cạnh bờ sông hóng mát để đợi lão già về. Nước sông hôm nay không đục phù sa, song vẫn nhờ nhờ màu đỏ của máu. Tôi ngửa mặt nhìn trời, bỗng dưng, trời tối sầm lại.

Tôi kéo tấm áo choàng phủ lên mặt mình xuống, toan càu nhàu lão mấy câu, hóa ra người vừa đến là Quang Khải. Tôi vứt áo lại cho hắn, bảo:

- Thế nào? Ngươi đi gặp quan gia đã bẩm đủ công trạng của ông đây rồi chứ?

- Công lao của ngươi thì để tiên sinh nhà ngươi lo, bản vương lo làm gì? - Tên Chiêu Minh vương đáp. - Giờ ta phải đi đón hai người vợ đẹp của ta đây, không rỗi hơi đôi co với nhóc con nữa.

Tôi giật mình, đứng phắt dậy, hỏi dồn:

- Ngươi đi Hoàng giang á? Là lệnh của quan gia phỏng?

- Là nhờ ơn Hưng Ninh vương của ngươi. - Quang Khải trỏ tay về phía sau, lão già nhà tôi đang vừa đi vừa trò chuyện với mấy vị tướng quân khác. - Phụ hoàng bảo ông ta đi, nhưng ông ta đổ cho vết thương trên lưng, lại đoan chắc ta nóng lòng gặp lại thê thiếp nên đẩy ta vào nhận mệnh.

- Quan gia, và thái tử... - Tôi dè dặt. -... có nói gì không?

- Đâu chỉ có hai người họ, mà tất thảy những người có mặt đều hiểu rất nhanh. - Quang Khải bật cười, dí ngón tay vào trán tôi. - Bọn họ nghĩ gì mà có thể xem ngươi là mỹ nhân cản bước anh hùng nhỉ?



Tôi ngơ ngác nhìn về phía lão già, đột nhiên chợt hiểu ra thái độ là lạ của lão từ lúc gặp lại nhau. Quan gia ra lệnh cho lão đi Hoàng giang chắc ít nhiều muốn dò xét tâm tư của lão. Tỏ ra quyến luyến với giai nhân lại là cách nhanh nhất để dập tắt sự đề phòng của mọi người về tài thao lược vừa hiển lộ. Trong lòng tôi nửa mừng vui, nửa hụt hẫng vô cớ.

- Từ tối qua đến giờ ngươi nhìn ông ta chưa đủ sao? - Quang Khải cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. - Giờ bản vương lên đường, lúc quay lại Thăng Long chắc các người đã về Yên Bang rồi, ngươi còn không mau khóc lóc tiễn đưa?

Tôi bật cười trước dáng vẻ trách móc của tên bằng hữu. Lại nghĩ, chục ngày qua, tôi đã quen đôi co với hắn từ sáng đến tối, thế mà giờ chắc còn rất lâu mới gặp lại nhau, cả hắn và Nhật Duật, bỗng dưng lại thấy buồn. Hóa ra việc hợp - tan ở đời vốn liên tục hoán đổi cho nhau như thế, khi đoàn tụ với người này cũng là lúc từ biệt với người kia. Tôi hít sâu, mỉm cười thật tươi rồi bước đến ôm chặt Quang Khải.

- Lên đường bình an. - Tôi nói. - Ngươi đừng quên đã mời ta đến thái ấp Độc Lập làm khách, ăn Tết xong là phải đưa thiệp mời đến ngay, mời Tĩnh Quốc vương, mời cả Nhật Duật đến chơi với ta. Nếu không ta sẽ mách Phụng Dương rằng ngươi lén xem sách làm sao để sinh con...

Tôi chưa nói dứt câu, cái vỗ vai trìu mến của hắn đã trở thành những cú đấm mạnh ra trò vào lưng tôi. Tôi thích chí cười ngặt nghẽo, Quang Khải thở dài, nói nhỏ:

- Hưng Ninh vương quả là bậc chân tu đáng kính, có thể giữ ngươi bên cạnh bấy lâu, hy sinh thân mình trừ hại cho dân. - Đoạn, hắn buông tôi ra, chân thành nói. - Giặc tan rồi, giờ không ai cần ngươi liều mạng nữa, làm gì cũng phải suy nghĩ trước sau, rõ chưa?

- Nói nhiều phết. - Tôi cười cười. - Ngươi càng lúc càng giống bác Dương của ta rồi.

Tên hoàng tử trẻ tuổi lườm tôi cháy da rồi sải bước một mạch lên thuyền. Trạo phu nhổ neo, từ từ tách bến. Tôi vội vàng leo lên mỏm đá, gọi với theo:

- Chiêu Minh vương, ngươi vẫn còn nợ ta hai xe quýt lúc ở Tiên Lễ, đừng có quên đấy!

Khi thuyền của Quang Khải đã xa khuất tầm mắt, tôi lững thững trở về lán, thấy lão già đang ngồi phía trước lau cây cung vấy máu, khóe miệng vẫn chưa tắt nụ cười. Tôi thừa biết lão đã nghe thấy cuộc chuyện trò lúc nãy của bọn tôi, cũng thừa biết lão đang thầm chế giễu mấy chữ "hồng nhan họa thủy" mà mọi người hiểu lầm. Mặc kệ, dù gì việc có thể khiến người ta nghĩ sai cũng chứng minh rằng tôi đúng là một đại mỹ nhân. Tôi ngồi xuống cạnh lão, tì cằm lên gối, nghiêng đầu nhìn cánh cung trên tay lão.

- Đói bụng chưa? - Lão hỏi.

- Lúc nãy em có ăn tạm ít lương khô, không đói ạ. - Tôi đáp. - Tiên sinh đi gặp quan gia sớm thế, đã ăn gì chưa?

- Ăn một ít rồi. - Lão thở hắt ra, đưa cây cung lên soi dưới ánh nắng. - Đợi nay mai chuẩn bị xong xuôi, quan gia sẽ chính thức hồi cung. Ngay sau lễ chầu, chúng ta xuất phát về lại Yên Bang, chắc sẽ kịp đón giao thừa.

- Tiên sinh, sư ông đang ở Dưỡng Chân trang, năm nay chúng ta giữ sư ông ở lại cho vui nhé!

- Sư phụ không ưa chỗ náo nhiệt đâu. - Lão nhướn mày. - Nhưng em cứ hỏi thử xem, biết đâu lại được thêm một phong bao mừng tuổi.

Tôi bĩu môi rồi lại bật cười. Giờ này chắc là chị tôi, anh Thân và mọi người đang tất bật quét dọn, nấu nướng, đợi bọn tôi về. Có thể cùng nhau đón Tết ở nhà thật là tốt! Nhìn quanh quất chẳng thấy anh lính nào đang lai vãng, tôi bèn hỏi lão:

- Sao tiên sinh không muốn đi Hoàng giang?

Lão dừng tay, nhìn tôi một lúc lâu. Đoạn, lão nhếch mép cười, tự nói với chính mình:

- Thật không ngờ cuối cùng cậu ấy lại tìm em.

- Như thế anh ấy mới có thể vẹn toàn cả "trung" và "nghĩa", tiên sinh đừng trách...

Tôi định đỡ lời cho Đỗ Ngạc, song lại tự thấy dư thừa vì tình cảm chủ - tớ giữa họ qua bấy nhiêu năm chẳng cần tôi phải bình phẩm. Tôi muốn dò hỏi tiếp lại thôi, vừa sợ mình không biết gì cả lại sợ mình biết quá nhiều.



- Ta định đi đón em. Nhưng em vừa tài giỏi vừa ngu ngốc hơn ta nghĩ, tự mình gióng trống thổi kèn tiến thẳng đến Thăng Long rồi. Ta còn đi làm gì? - Lão nói hệt như những gì tôi đã giải thích với viên phó tướng.

- Tiên sinh nói vậy em sẽ tin là thật, sẽ vui lắm đấy. - Tôi dẩu môi.

- Ít nhiều cũng thật chứ! Bỏ mặc em bơi từ hành cung về Yên Bang thì đánh giá em quá cao rồi. - Lão ấn cây cung vào tay tôi rồi đứng dậy, bước vào trong lán.

- Vậy, phần không thật là thế nào? - Tôi lẽo đẽo theo sau lão.

Lão già ung dung ngồi xuống, tự rót cho mình một chén trà. Tôi đi lấy hộp thuốc rồi bước đến sau lưng lão, kéo áo để lộ lớp băng đã ướt vì máu vẫn còn rỉ mãi. Tôi xuýt xoa, thấy buốt như thể chính mình bị thương, thận trọng từng chút sợ làm lão đau thêm. Mọi người kể lại khi giao tranh, thái tử có lúc bị ngã và suýt bị giặc chém, may nhờ lão kéo sang một bên nên tránh kịp, nhưng lão lại bị mũi nhọn của thanh đao chém trúng lưng. Cùng sinh ra từ gốc rễ họ Trần, nhưng chỉ vì một sự lựa chọn ban đầu của thái sư mà một nhánh đời đời làm vua, hưởng mọi vinh hoa xưng tụng của vạn dân, nhánh còn lại đời đời chỉ có thể làm thần, đổi nhà, đổi mạng lấy nước cho vua. Cả một kiếp làm quan văn, quan võ của lão già nhà tôi, trung thành đến vậy mà cũng bi ai đến vậy. Tôi nhìn mãi tấm lưng của lão, không chỉ có vết thương mới đây mà còn những vết sẹo dài trên bả vai, được khéo léo che giấu bằng những hình xăm thủy quái.

- Nếu như quân đội của ta bao vây tứ phía, hệt như cảnh ngày xưa ông ta vây chặt một thiếu phụ và mấy đứa trẻ trong tinh xá... - Đột nhiên, lão nói rất khẽ. Tôi ngồi phía sau nên không nhìn thấy gương mặt lão lúc này. - Ta chỉ định hỏi thử xem suốt từng ấy năm, đã có lần nào ông ta thấy ác mộng chưa?

Tôi biết, "ông ta" mà lão già đang nói đến chính là thái sư Trần Thủ Độ. Tôi cũng từng bị giặc vây khốn trong chùa, cũng vừa mới muốn phanh thây kẻ ác thành trăm mảnh cho hả giận... Trong phút chốc, tôi bỗng thấy người đàn ông cao lớn đang ngồi trước mặt mình bơ vơ và lạc lõng như một đứa trẻ. Tôi không dám tin một thiền sư đắc đạo nổi danh khắp bốn phương có thể ngây thơ và cố chấp đến mức chỉ muốn nghe một kẻ chuyện gì cũng dám làm như thái sư nói một câu hối lỗi. Nhưng ngoài việc ép ông ta tạ lỗi với vong linh của Khâm Minh đại vương và công chúa Thuận Thiên ra, lão còn có thể làm gì khác nữa, để quá khứ ngủ yên? Ấy thế mà cả một việc ấu trĩ giản đơn nhường vậy, cuối cùng lão già của tôi vẫn chọn không làm.

Bóng lưng của lão trước nay luôn cô độc nhưng vững chãi, khiến tôi cảm thấy yên tâm và tin tưởng mà trú ẩn phía sau. Giờ khắc này, tôi lại đột nhiên muốn ôm chặt tấm lưng ấy, nói với lão rằng dù lão có chấp nhặt, vô lý đến mực nào, lão vẫn luôn có tôi ở cạnh, muốn làm gì cho thỏa ý thì cứ làm đi, chỉ cần lão đừng đau lòng nữa...

Lão chỉ nói bấy nhiêu rồi lại trầm ngâm tự thưởng trà. Tôi len lén đưa tay chùi khóe mắt, đoạn tiếp tục lau vết thương, bôi thuốc rồi quấn băng lại cho lão, vừa làm vừa thổi nhẹ cho lão đỡ xót. Trong phòng chỉ còn lại mùi thuốc và hương trầm thoang thoảng. Mãi đến khi đã băng bó xong, tôi khoác áo lại cho lão rồi lại ngồi yên lặng phía sau, mân mê hộp thuốc.

- Em nghe Quang Khải nói, hôm nay là lệnh của quan gia nhưng tiên sinh vẫn từ chối. - Giây lâu, tôi ngẩng mặt lên, cố nói bằng giọng bình thản nhất như đang kể chuyện của ai.

- Vì... - Lão ngập ngừng. - Hôm qua em nói, "chúng ta về nhà, nhé".

Tôi ngớ người, nhìn chăm chăm vào gáy lão, thật lâu sau lão vẫn không quay đầu lại. Trong lòng tôi như vỡ ra điều gì đó, lại càng mông lung một điều gì đó. Tôi tự trách mình dạo này sao mà mau nước mắt, chỉ một câu nói cũng có thể khiến tôi khóc. Nhưng như thế cũng tốt! Lần đầu tiên trong đời tôi thấy may mắn vì mình không phải là một đại trượng phu như tôi vẫn tự xưng.

- Phong! - Lão càu nhàu. - Em học ở đâu trò trị thương bằng cách dụi đầu vào vết thương đang rỉ máu của bệnh nhân thế?

- Em là lang băm. Mấy trò này đâu cần ai dạy! - Lão không thấy tôi tít mắt cười.

[1] Tuệ Trung thượng sĩ có bài thơ Phàm thánh bất dị (Phàm và thánh chẳng khác nhau).