Cố Niên Hoa

Chương 29: Những người chinh chiến bấy lâu [1]




Tôi áp tai sát bờ đất để nghe ngóng, tiếng vó ngựa càng lúc càng gần nhưng không quá dồn dập. Tôi đoán đây chỉ là toán quân bọn chúng cử đi do thám các vùng lân cận rồi tình cờ phát hiện ra thuyền của chúng tôi. Đỗ Ngạc nhận lệnh phong tỏa Thăng Long, không hiểu sao hắn lại để lọt số quân này. Chúng tôi có thể thoát đến hành cung với tốc độ hiện tại, nhưng như thế, nếu bọn giặc không tiếp tục đuổi theo mà quay về báo tin rồi kéo đại quân tấn công trong lúc ta chưa chuẩn bị chu toàn, hậu quả sẽ khó lường.

Một vài mũi tên bắt đầu bay đến. Tôi nhìn quân số ít ỏi trên thuyền, cắn môi suy nghĩ hồi lâu, đoạn tháo cái đẫy giữ ấn báu trên vai trao cho Trần Cụ, thản nhiên căn dặn hắn:

- Nghe nói ngươi bơi cũng khá, nếu chẳng may thuyền không trụ được thì cố mà bơi đến hành cung tìm Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, bảo hắn đến chi viện cho ta.

Tên sư đệ chợt cả gan giữ chặt tay tôi, vẻ mặt hiền lành mọi ngày giờ chỉ còn lại nét cố chấp không gì lay chuyển. Hắn mỉm cười:

- Cô Nhã Phong không tin Cụ cũng phải tin thầy chứ! Dẫu gì Cụ cũng là đệ tử được thầy truyền dạy, sao có thể không hiểu tình hình hay để cô mạo hiểm!

Nói rồi, hắn ấn cái đẫy lại vào tay tôi, đoạn cầm lấy cái nỏ lớn, khoát tay ra hiệu cho cả toán quân phía sau cùng lên bờ. Vốn tôi định ở lại tìm cách giết sạch bọn giặc, phần để ấn báu an toàn đến được hành cung, phần để tung tích quân ta không bị lộ, chẳng ngờ rằng Trần Cụ đã đoán được ý này. Trong phút chốc, tôi như thấy ông Đảm, thấy bác Thôi, thấy bốn anh lính quân Thánh Dực Dũng Nghĩa đồng hành với hắn. Tôi vội gọi với theo:

- Trần Cụ!

Dáng người cao cao của gã con trai mới lớn thoáng sững lại, hắn quay đầu nhìn tôi, cười hiền, trong đôi mắt sáng lấp lánh một tia luyến tiếc khó hiểu. Hắn nói liền một mạch:

- Sư phụ nói cô Nhã Phong nấu ăn rất ngon. Cô đến hành cung trước, nếu Cụ có thể gặp lại cô ở đó thì phiền cô nấu cho một bát cháo cá.

Nhìn dáng vẻ này của hắn, cổ họng tôi bỗng dưng nghẹn lại, cố gắng lắm mới nói được mấy từ:

- Ngươi bị lão lừa rồi, cháo là món duy nhất ta không biết nấu.

Trần Cụ thở hắt ra, cười khổ, đoạn hắn đưa chân đạp mạnh, thuyền chúng tôi bị đẩy ra xa bờ. Đám trạo phu lập tức hiểu ý, chèo đi rất nhanh, ngũ binh trên bờ cũng lao nhanh như cắt về phía có tiếng vó ngựa, những mũi tên xé gió bắt đầu lao về phía xa. Vun vút. Vun vút.

- Các anh chèo nhanh lên, nhanh nữa lên! – Tôi quệt đi những giọt nước mắt đã dâng đầy tự lúc nào, thúc giục người trên thuyền.

Không hiểu sao thuyền càng đi xa, tai tôi càng nghe rõ tiếng binh khí và tiếng người la hét. Quai hàm cắn chặt, tôi tự nói thầm hàng trăm lần: "Trần Cụ, ngươi phải đợi ta, không được chết! Cả ngũ binh đó không ai được chết!". Chúng tôi đã đến được tận đây, chúng tôi chỉ vừa mới hẹn với lão già sẽ gặp lại lúc thanh bình, cả tên của bọn họ cùng tôi còn chưa nhớ hết cơ mà...

"Tháng trước vợ bác mới sinh phỏng? Là trai hay gái đấy?"

"Thằng cu kháu lắm! Đợi nó lớn tôi sẽ xin vương gia cho nó gia nhập quân Thánh Dực!"

"Tôi cũng vừa lấy vợ, xem ra vài năm nữa, quân doanh sẽ đông đúc lắm!"

Tiếng cười nói vui vẻ của mọi người cứ vang lên bên tai khiến lòng tôi thắt lại từng cơn. Con sông thơ mộng hôm nào trên đường đến hội thề Đồng Cổ tôi còn thích thú dừng chân ngắm nhìn giờ bỗng dài ra thăm thẳm như trêu chọc, hết cong về mạn phải lại ngoặt về mạn trái, mãi mà bóng hành cung vẫn chẳng thấy đâu. Âm phù của lão già bị tôi nắm trong tay đến nóng sực, tôi không ngừng cầu khẩn để mình được gặp Quang Khải ngay khi đến Thiên Trường, nếu không, Trần Cụ và mọi người làm sao đợi được.

Đến khi thuyền qua một khúc quanh, từ triền đồi gần đó bỗng hiện lên ánh lửa lập lòe. Thấy những đốm lửa di chuyển rất thong dong như người đang đi tuần tra, tôi vội ra lệnh cho trạo phu chèo đến gần. Dưới ánh trăng hạ tuần, gương mặt của kẻ dẫn đầu hiện ra khiến tôi mừng suýt khóc. Tôi chộp lấy một mũi tên, xé vạt áo bịt phần đầu nhọn rồi bắn về phía hắn. Mũi tên bay vút qua mặt tên dẫn đầu, quân lính lập tức lao về phía chúng tôi. Thuyền nhanh chóng cập bến, tôi giương cao quân kỳ Thánh Dực vẫy liên hồi, miệng thét to:

- Khải! Khải! Trần Quang Khải! Là ta đây!

- Phong! – Quang Khải lập tức nhận ra tôi, quả nhiên là huynh đệ tốt!

Nhanh như sóc, tôi vứt cây cờ sang bên, nhảy lên bờ rồi chạy về phía hắn. Quang Khải cũng thúc ngựa phóng đến chỗ tôi. Hắn vừa xuống ngựa, chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau, xúc động khôn cùng:

- Phong, sao ngươi lại đến đây? Ngươi có bị thương ở đâu không? – Hắn luôn miệng hỏi. – Tiên sinh của ngươi đâu?

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, đoạn gấp gáp bảo hắn:

- Ta cùng sư đệ đến tìm ngươi thì gặp quân Thát ở ngã ba sông, ngươi mau đến tiếp viện! Chúng chưa đến một trăm người! Mau lên không thì muộn mất!

Quang Khải mở to mắt kinh ngạc rồi phản ứng rất nhanh:

- Được, ta sẽ đi ngay!

Hắn đẩy tôi cho một anh lính đứng gần đó rồi lập tức lên ngựa, dẫn quân chạy về hướng tôi vừa chỉ. Anh lính lúng túng giây lâu rồi nhảy xuống, nhường ngựa cho tôi. Tôi gật đầu cảm ơn anh ta:

- Nhờ anh đưa mọi người trên thuyền về hành cung trước!

Nói đoạn, tôi thúc ngựa đuổi theo, cố gắng bắt kịp Quang Khải. Dẫn đầu đoàn quân, tên bằng hữu của tôi hôm nay bỗng cao lớn, oai phong lạ thường, khiến tôi phần nào thấy an tâm. Trong chớp mắt, ngã ba sông đã hiện ra phía trước, từ xa đã có thể ngửi được mùi máu tanh nồng. Tim tôi như thắt lại, tôi vụt chạy lên.

- Phong! Cẩn thận! – Khải kêu lên, vội đuổi theo tôi.

Đón tôi không phải cảnh giao tranh đang hồi sinh tử mà là chiến địa lặng lẽ đến đáng sợ. Những tàn cây lớn in lên nền trời đêm một màu đen thăm thẳm, bốn bề chỉ có gió xạc xào, rờn rợn. Tay run run, tôi cầm lấy cây đuốc của một người đứng gần đó, đưa về trước. Ánh lửa soi rõ những xác người. Quân Đại Việt và quân Thát nằm lẫn vào nhau, chồng lên nhau. Số lượng người Thát gần như gấp hai lần.

- Trần Cụ! – Tôi khe khẽ gọi. – Trần Cụ, ngươi ở đâu?

Không có tiếng đáp lại. Quang Khải đứng phía sau tôi, ra lệnh cho binh lính:

- Lục soát xung quanh xem có tên giặc nào chạy thoát không. Đưa những người còn sống về chữa trị.

Sĩ tốt lập tức tản ra, tôi cũng theo họ đến gần. Quang Khải nắm khuỷu tay tôi giữ lại song tôi gạt hắn ra để tiến lên.

- Trần Cụ! – Tôi lớn tiếng hơn, vẫn không có ai đáp lại.

Chân tôi vấp phải thứ gì đó, suýt nữa thì té sấp, có tiếng rên khe khẽ vang lên. Tôi vội cúi xuống thật sát để xem, dưới một cái xác lật úp, trên lưng có cắm một mũi tên, một bàn tay đẫm máu yếu ớt cố giơ cao. Tôi đẩy cái xác phía trên ra, gương mặt hồ hởi của anh lính sáng nay khoe mình vừa vui duyên mới giờ đã trắng bệt, lạnh ngắt. Bên dưới, anh lính lớn tuổi hơn vừa có con trai tháng trước gọi tên tôi trong khó nhọc:

- Cô Nhã Phong... vương gia...

Tôi vội vã đỡ đầu anh ta dậy, vui buồn lẫn lộn:

- May quá! Anh còn sống! Cố lên một chút, tôi đưa anh đi trị thương ngay!

- Chúng tôi giết sạch... giết sạch rồi... không cần đuổi... - Tay anh huơ huơ hệt như bác Thôi hôm trước tự hào khoe mình giết được những ba mươi tên giặc. - Cậu ấy... cậu ấy... - Đoạn, anh chỉ vào người vừa có vợ kia. – Đỡ tên cho tôi... cậu ấy nói tôi còn phải nuôi con... trên còn có mẹ già...

Tôi gật đầu liên tục, nước mắt tuôn ướt mặt, thận trọng đưa anh ta cho binh sĩ của Quang Khải. Tôi nhìn sang anh lính trẻ nọ giờ đã thành cái xác không hồn, gương mặt anh thanh thản lạ lùng, tay vẫn nắm chặt thanh đao đẫm máu giặc. Tay kia, dường như anh ta đang cố lấy ra vật gì từ ngực áo. Tôi liền kéo ra xem thử, đoạn đưa tay che miệng để ngăn mình khỏi nấc lên.

- Phong, sao vậy? – Quang Khải lo lắng hỏi tôi.

Tôi đưa cho Khải xem chiếc yếm màu đào có đóa hoa nhỏ rất duyên, kỷ vật của đôi vợ chồng son trẻ. Tôi có thể tưởng ra, người lính này đã nhìn thấy bóng dáng yêu kiều kia trong hình sông thế núi mà chiến đấu đến giây phút sau cùng. Lúc tiễn chồng đi, người vợ ấy có nghĩ đến sinh ly tử biệt không? Tình nước nặng, hay tình nhà nặng? Tôi lắc mạnh đầu để xua đi muôn vàn câu hỏi không hồi kết. Nhìn sang bên, Quang Khải cũng như tôi, nắm chặt cái yếm trong tay đến khi nhàu nát, mắt vằn lên những tia máu đỏ ngầu.

- Trần Cụ! Trần Cụ! – Tôi tiếp tục kiếm tìm, giọng lạc hẳn đi.

Lại cầm đuốc soi thật kỹ từng gương mặt, tôi không ngừng hồi tưởng bao nhiêu lần gặp nhau, Trần Cụ luôn là người đầu tiên lên tiếng chào tôi, chạy đến mừng tôi. Vậy còn lần này, ngươi đang ở đâu sao không ra đây? Có phải đã đuổi theo giặc Thát nên chưa kịp quay lại không? Có phải ngươi vẫn còn sống không? Lão già đã lệnh cho ngươi phải bảo vệ ấn nội mật an toàn đến hành cung, ấn vẫn chưa được trao lại cho hoàng đế, ngươi không được trốn tránh nhiệm vụ!

Tôi đi mãi, tìm mãi, Trần Cụ vẫn chẳng thấy tăm hơi. Nếu lúc đó không phải là Trần Cụ tranh đường vào cửa tử với tôi thì có lẽ bây giờ, Quang Khải mới là kẻ đang đốt đuốc đi tìm tôi giữa những xác người kia.

Chỉ còn lại một thi thể cuối cùng đang tựa gốc cây xa nhất, vai cắm một mũi tên, đầu ngoẻo sang một bên làm tóc che kín mặt. Tôi chậm chạp ngồi xuống bên cạnh, không rõ mình có muốn tìm thấy tên sư đệ hay không. Nếu như không có mặt trong số này, biết đâu hắn hãy còn sống, biết đâu hắn đã quay về báo tin lại cho lão già...

Hít sâu đến mấy lần, ngón tay tôi run run vén những lọn tóc bết máu đang rũ trên mặt người nọ, đoạn thét toáng lên:

- Quang Khải! Quang Khải!

Quang Khải nhanh chóng chạy đến. Một tay đặt lên vai tôi như trấn an, hắn ngồi xuống, ngón tay đặt lên mũi, lên cổ Trần Cụ để xem xét.

- Người đâu! – Hắn gọi binh lính đến. – Cậu ta vẫn còn thở, mau!

Binh sĩ thận trọng đỡ Trần Cụ mang về chữa trị. Tôi mất một lúc mới ngấm được sự thật này, thở hắt ra nhẹ nhõm, song vẫn ngồi bất động. Quang Khải ôm chặt vai tôi kéo dậy:

- Ngươi đừng lo, Phong, mạch vẫn còn rõ lắm, chúng ta sẽ cứu được hắn thôi!

Ánh mắt tôi lướt qua những người đang nằm dưới đất. Tôi rít qua kẽ răng:

- Khải, ta muốn về Cổ Mai. Lẽ ra ta không nên đến đây! Ta...

- Phong! Bình tĩnh lại, có ta đây! – Khải siết vai tôi đến đau nhói. – Tiên sinh của ngươi muốn ngươi đến đây ắt cũng hy vọng ngươi được bình an. Trần Cụ chưa chết, anh lính lúc nãy chưa chết, ngươi còn có ta đây...

Bất giác, tôi vòng tay ôm chặt tên bằng hữu đầu tiên của mình:

- Quang Khải, ngươi không được chết. Ta không bảo vệ được chiến hữu của mình, giờ chỉ còn mỗi ngươi thôi! Ngươi không được chết! Hứa với ta đi!

- Phong...

- Hứa với ta đi! – Tôi nằng nặc.

- Ta hứa! Ta hứa với ngươi, ta sẽ không chết! – Quang Khải vỗ vỗ vai tôi như dỗ trẻ con.

"Ta hứa, ta sẽ không chết." Cách đây rất lâu, cũng có một người nói với tôi hệt như thế.

Người cũng không được chết! Nhất là người, không được chết!

***

Quang Khải là con trai cưng của hoàng đế, thế mà hắn đích thân đưa chúng tôi về lại hành cung vẫn không tránh khỏi một hồi thẩm vấn gắt gao theo lệnh của quốc mẫu, từ tra xét thân phận của tôi, lý do tôi không cùng di tản với hoàng thất mà đợi tận bây giờ, đến việc nửa đêm Quang Khải tự ý dẫn thân binh đi tuần quanh hành cung vì vốn đây không phải là việc một hoàng tử nên làm. Quang Khải ra mặt giải quyết hết những việc này. Đứng sau lưng hắn, tôi chua chát cười thầm, cũng may toán binh của Chiêu Minh vương phủ không phải tham chiến, nếu không chẳng biết hậu quả sẽ thế nào.

Lằng nhằng như thế nên đến khi tôi được xếp cho một căn phòng để nghỉ ngơi, đêm đã qua một nửa, tâm trạng kích động của tôi cũng dần lắng xuống. Thay xong một bộ y phục sạch sẽ, tôi nghe tiếng gọi dịu dàng ở bên ngoài.

- Chị Nhã Phong đã ngủ chưa? Phụng Dương vào có được không?

- Công chúa Phụng Dương! – Tôi reo lên rồi vội vàng mở cửa.

Khi nhìn thấy gương mặt non nớt mà đoan trang cao quý kia, động tác của tôi liền sững lại, tự thẹn mình quá quê mùa, thô lỗ.

- Bây giờ phải gọi công chúa là Chiêu Minh vương phi mới phải. – Tôi cười cười, tránh sang một bên để Phụng Dương vào phòng.

Cô nữ tì đi theo nàng nhanh nhẹn mang đặt lên bàn một bát cháo rồi lễ phép lui ra. Phụng Dương bảo tôi, giọng ngọt như mật ong rừng:

- Chị ăn ngay cho nóng.

Hương gạo mới, mùi thịt cá quả thơm lựng quyện với mùi tiêu cay nồng khiến bụng tôi sôi réo. Toan đưa một thìa vào miệng, một giọng nói lại vang lên bên tai tôi: "Nếu Cụ có thể gặp lại cô ở đó thì phiền cô nấu cho một bát cháo cá". Tôi luyến tiếc đặt lại cái thìa vào bát, ngần ngừ hỏi Phụng Dương:

- Thật ngại quá, khuya rồi mà vương phi còn cất công chuẩn bị cho tôi. Nhưng tên sư đệ của tôi đang bị thương nặng, hắn lại rất thèm món này, không biết tôi có thể mang sang cho hắn không?

Công chúa bật cười, khóe mắt cong cong dịu dàng khôn tả:

- Phụng Dương đã đưa một bát sang đấy rồi, nghe ngự y nói vết thương của người tên Trần Cụ cũng không nghiêm trọng lắm, chỉ bị mất máu nhiều, nghỉ ngơi tẩm bổ là khỏi. Chị Nhã Phong cứ yên tâm dùng đi.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi xì xụp xơi hết bát cháo vừa thơm vừa ngon. Trong thoáng chốc, tôi cảm thấy đố kỵ với Quang Khải vô cùng. Tôi thật rất muốn, rất muốn lấy một người vợ giống Phụng Dương. Nghĩ đến đây, chuyện cũ ùa về, tôi lại áy náy nhìn công chúa:

- Tôi xin lỗi, hôn lễ của hai người tôi không đến dự được, lỡ mất rượu mừng của vương phi...

Nụ cười ngọt ngào của công chúa vẫn không lay chuyển, nàng từ tốn bảo tôi:

- Phụng Dương đã được Hưng Ninh vương chúc mừng rồi. Chị Nhã Phong là hồng nhan tri kỷ của Chiêu Minh vương, đã làm chủ hôn cho vương gia và Nguyệt Nhi, sao có thể uống rượu tân hôn của vương gia và Phụng Dương được nữa. Đây là chuyện thiên kinh địa nghĩa, lẽ nào Phụng Dương lại không hiểu chuyện mà hờn trách chị!

Tôi cúi mặt nhìn bát cháo, tay khua khua cái thìa một cách vô nghĩa:

- Vương phi hiểu lầm rồi. Tôi đúng là tri kỷ của Chiêu Minh vương nhưng hắn không xem tôi là hồng nhan đâu. – Dừng một thoáng, tôi bỗng dưng muốn hỏi rất thật lòng. – Lâu nay, vương đối xử với nàng có tốt không?

Công chúa lại nhoẻn cười, tôi cúi đầu, đưa tay xoa trán, tự bảo mình: "Phong ơi Phong, huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục. Dẫu gì Phụng Dương cũng là chính thất cưới gả đường hoàng của Quang Khải, mày không được nghĩ lung tung".

- Vương gia rất chu đáo, cuộc sống của ta rất tốt. Hay là kết thúc trận chiến này, mời Hưng Ninh vương và chị Nhã Phong đến Độc Lập làm khách để Phụng Dương có dịp đón tiếp hai người? – Công chúa vui vẻ nói.

- Được! Tôi nhất định sẽ mời tiên sinh cùng đến! – Tôi không do dự nhận lời ngay.

Chuyện trò thêm đôi câu, Phụng Dương rời đi để tôi ngủ một chút trước khi trời sáng. Bóng dáng mảnh mai vừa khuất cuối dãy nhà, tôi liền lớn tiếng hỏi bâng quơ:

- Có mang rượu phần ta không đấy?

Quang Khải từ xó xỉnh nào đó lập tức xuất hiện, tay đong đưa bình rượu quý. Hắn khoác vai tôi kéo về phía bờ sông, vừa đi vừa không quên nhắc chuyện xưa:

- Không cho ngươi uống nữa kẻo lão già nhà ngươi đến tận đây hỏi tội. Thân binh của Chiêu Minh vương phủ chống không lại Thánh Dực quân đâu!

- Vương phi của ngươi vừa bảo ta ngủ sớm cho lại sức thì ngươi lại kéo đi, đúng là đồ vô lương tâm! – Tôi nhăn nhó bảo hắn.

- Nếu không sợ ngươi chất chứa tâm sự trong lòng mà khó ngủ, giờ này bản vương đã chăn êm nệm ấm với hai người vợ xinh đẹp rồi. – Quang Khải không nể nang gì.

- Bảo người mang cho ta một ấm chè Mạn Hảo[2] ngay, trời lạnh cắt da thế này ai mà chịu được! – Tôi nói như ra lệnh.

- Đợi vài năm nữa ta được thống lĩnh một đội quân tương đương Thánh Dực, ta nhất định bắt ngươi uống với ta, không say không cho về!

Quang Khải nghêu ngao chỉ trời chỉ đất, không quan tâm gì đến thân phận hay quy củ. Tôi biết hắn rất uất ức vì không được ra trận tự tay giết giặc, liền nhiệt tình an ủi:

- Được! Ngươi vừa lĩnh quân phù là ta sẽ lập tức mua hết rượu ngon ở Thăng Long đến chúc mừng ngay.

Trăng lên giữa cây cầu bắt qua sông, mặt nước êm đềm soi rõ bóng. Tôi chợt nói bâng quơ:

- Ngươi nói xem trận chiến này có kịp kết thúc trước năm mới không để ta còn ăn tết? Năm trước, lão già ở Hồng Lộ không về, giao thừa của ta đã chán ngắt rồi.

- Này! – Quang Khải không đáp mà gọi tôi. – Nếu có một ngày chẳng may ngươi trở thành thê thiếp của Hưng Ninh vương thật, lẽ nào mỗi lần gặp, ta phải kính ngươi là chị dâu?

- Ha ha ha. – Tôi cười thành tiếng. – Ngươi say rồi, bắt đầu nói nhảm rồi.

- Không thể được, khi ấy ta bắt lão già nhà ngươi phải làm bằng hữu ngang hàng với ta mới đúng. – Hắn vẫn lè nhè.

- Phụng Dương nhà ngươi mới mời ta và lão đến thái ấp của ngươi làm khách đấy. Chừng đó tha hồ mà kết giao, ta xem hai người cũng hợp tính. – Tôi mặc kệ hắn, chẳng thèm cải chính nữa. – Ta mà có phúc được cô vợ như công chúa, ta nhất định nâng niu nàng ấy như trứng mỏng.

- Trứng mỏng? – Quang Khải cười dài. – Ta đã bao giờ dám làm quả trứng của ngươi phật ý đâu?

- Ngươi lúc nào cũng dính lấy cô đào hát, chưa cần làm gì cũng đủ để nàng ấy chạnh lòng rồi.

- Đào hát? Ờ, phải! Đằng nào con của Nguyệt Nhi cũng không thể có địa vị như con của Phụng Dương nên ta muốn nàng ấy sinh trước, để ta dành nhiều thời gian cho nó một chút xem như bù đắp.

- Mới tí tuổi đầu vắt mũi chưa sạch mà đã tính chuyện sinh con! – Tôi trêu hắn. – Khi nào tự giác tắm thơm thì mới làm thầy người ta được!

Gió từ sông Hoàng thổi lên lồng lộng, chúng tôi ngồi tựa lưng nhau trên cầu bến, nói hết chuyện này sang chuyện nọ. Chỉ mới đầu năm nay, bọn tôi còn là những đứa trẻ hồn nhiên đánh nhau ở quán rượu rồi cùng uống say túy lúy, giờ trong mắt ai cũng đượm vẻ muộn phiền vì vận nước lẫn chuyện nhà.

Không biết khi cơn binh lửa này chấm dứt, bọn tôi còn dịp nào ngồi cạnh nhau không?

[1] Mượn câu trong Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), bản dịch của Đoàn Thị Điểm:

"Những người chinh chiến bấy lâu

Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây."

("Cổ lai chinh chiến nhân

Tính mệnh khinh như thảo.")

[2] Trà Mạn Hảo: Danh trà quý, đắt tiền, chế biến từ giống trà shan tuyết cổ thụ, xưa chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc mà ngày nay đã thất truyền. Mạn Hảo là một địa danh trước thuộc Đại Việt. Từ thời vua Tự Đức, sau hiệp ước Pháp – Thanh ký năm 1885 mới thuộc Vân Nam Trung Quốc.

Ca dao thế kỷ 19 có câu:

"Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thuý Kiều."