Cố Niên Hoa

Chương 27: Thiên thư định phận [1]




Đoàn quân xuất phát từ rừng mơ chưa đến năm trăm người nên di chuyển rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến đồng bằng, đi thêm một đoạn ngắn nữa thì gặp bờ kênh. Đón chúng tôi là hai mươi chiếc thuyền chiến Mông Đồng loại nhỏ, toàn thân đen tuyền, mái cong phía trên được thay bằng sàn gỗ, đuôi cao vút, mỗi thuyền sẵn hai mươi lăm trạo phu.

Lão già phất tay ra hiệu, cả đoàn người phía sau nhanh chóng xuống ngựa, lần lượt theo các đô trưởng lên thuyền. Lúc này tôi mới thấy trên tay họ đều mang theo một cái vại, nỗi thắc mắc càng lớn nhưng không tiện hỏi. Tôi nhìn xuống lòng kênh đen thăm thẳm, nuốt nước bọt đánh ực một cái. Mãi suy nghĩ rồi kiên quyết chạy đến đây, tôi đã quên mất thế mạnh của họ Trần là thủy chiến, càng quên mất điểm yếu chí mạng của mình: Tôi không biết bơi!

Thuở xưa, lão già đã từng mang tôi quẳng xuống nước rất nhiều lần, lần nào tôi cũng bấu víu loạn xạ khiến lão uống không ít nước, sau đó tôi ôm lão gào như lợn bị chọc tiết, vừa oán trách vừa van xin. Lần cuối cùng, nhân dịp Yết Kiêu theo Hưng Đạo vương đến Yên Bang, lão liền bảo anh dạy tôi, chẳng cần phải thành kình ngư giống anh, chỉ cần tôi rơi xuống nước có thể cầm cự đến lúc có người cứu là được. Anh Cá To mướt mồ hôi hết một ngày bèn quay về quỳ trước thư phòng lão dập đầu nhận tội.

Chẳng trách, nửa năm trước tôi đi tìm lão già mất gần một tháng, khi đi cùng ông Đảm lại chỉ có mấy ngày. Ông lão đi thuyền còn tôi hèn nhát chỉ dám đi đường bộ. Thường ngày, nếu có người đáng tin cậy ở cạnh thì tôi sẽ không lo lắng, nhưng hôm nay đi đánh trận, nhỡ đang giao tranh với địch lại rơi xuống nước báo hại mọi người, biết đâu tôi sẽ thành tội nhân thiên cổ?

Lão già đã lên thuyền, ngoái lại trông thấy tôi vẫn tần ngần đứng trên bờ, ái ngại nhìn tấm ván bắc giữa bờ và thuyền nhấp nhô theo nhịp sóng, lão nén cười thở nhẹ một tiếng toan trở lại đón tôi. Vừa lúc đó Trần Cụ đi sau đã bước lên giữa ván, chìa tay ra vui vẻ cười:

- Để Cụ đỡ cô.

Thường ngày vẫn tự hào làm việc gì cũng giỏi hơn tên sư đệ này nên giờ tôi cảm thấy hơi mất mặt, song không muốn làm chậm trễ hành trình của mọi người, bèn vội nắm lấy tay hắn làm điểm tựa, đi như chạy qua tấm ván. Đến đầu bên kia, tôi chưa kịp tìm chỗ đặt chân, lão già đã nhấc tôi xuống một cách nhẹ nhàng. Tôi theo lão đến mũi thuyền, ngoan ngoãn ngồi trên sập quan sát. Đêm nay trời nhiều mây, trăng mờ, thật thích hợp để làm những việc không quang minh chính đại. Tuy lão già không nói gì, tôi cũng hiểu với nhóm người ít ỏi này, lão sẽ không chọn cách tập kích doanh trại địch để gây tử thương vô nghĩa. Suốt dọc đường đi tôi không thấy Dã Tượng và Địa Lô nên càng chắc mẩm lão có một kế hoạch khác thường.

Đoàn quân hôm nay không mặc giáp mà y phục đen tuyền để lẫn vào đêm tối. Lão già ngồi ở mũi thuyền trông ra, dáng người lão rất cao lại thêm tư thế trầm tĩnh vững vàng, thành thử lúc này trông như một vị chiến thần, ai nấy đều tin tưởng. Nhớ đến mệnh lệnh lạnh lùng nọ của lão, lòng chợt đau nhói, tôi liền buộc mình không được nghĩ lung tung lúc này.

Thuyền đi xuôi gió, lướt như bay, từ kênh nhỏ đã ra giữa dòng Lô giang, đi vòng sang phía đông Thăng Long. Tiếng mái chèo khua nước êm như ru, trước mắt là gương mặt điềm nhiên tĩnh tại của lão già, tôi bỗng nhớ đến những lúc thong thả dạo chơi ngày trước, thả thuyền dọc các thôn làng, lão đánh đàn, tôi thổi sáo, mệt thì dừng lại ăn món ngon, uống chè mát, mua sản vật chất đầy thuyền, vui vẻ bao nhiêu! Tôi hít một hơi để gió mát lạnh căng đầy lồng ngực, mắt nhắm hờ, lẩm nhẩm trong đầu bài thơ lão đã làm trong một lần rong chơi như thế:

"Hồ hải sơ tâm vị thuỷ ma,

Quang âm như tiễn hựu như thoa.

Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,

Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa.

Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,

Vãn hoành đoản địch lộng yên ba..." [2]

Tôi vừa nhớ đến đây, thật trùng hợp, giữa dòng đêm thanh vắng bỗng vút cao tiếng sáo. Tôi hoảng hốt mở choàng mắt, lão đã đứng lên từ bao giờ, tay đang cầm cây sáo ngọc của tôi, thổi từng hơi dài dứt khoát. Bốn bề vang lên tiếng rít và tiếng đập cánh mạnh mẽ. Từ những tán cây lớn hai bên bờ, những bóng hùng ưng vun vút lao ra, sải cánh rợp trời, tiến thẳng về phía kinh thành, khí thế như đang xông trận.

Vừa hay đến ngã tư sông, đoàn thuyền cũng nhanh chóng tản ra theo các nhánh. Thuyền chúng tôi tiếp tục đi thẳng, lướt nhanh về hướng bộ đầu Triều Đông. Lão già vẫn đứng ở mũi thuyền, thổi sáo điều khiển đội quân đang thống trị bầu trời, đôi mắt không còn nhu hòa như vừa nãy mà ánh lên những tia sáng sắc lạnh. Càng đi, tôi càng nghe rõ một âm thanh khác, là tiếng voi rống, vọng đến từ những khu rừng bao quanh Thăng Long. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, đưa âm thanh đi rất xa, tôi nghĩ cả người ở nơi sâu nhất trong cung cấm cũng phải nghe thấy mà hoảng sợ.



Bộ đầu Triều Đông là bãi bồi rất rộng nằm bên trái điện Kính Thiên, xưa nay vẫn là nơi đỗ chiến thuyền của triều đình. Tôi nghe nói rất nhiều năm trước đây, nhà vua đã cho xây điện Phong Thủy để trú chân trước khi về kinh sư. Mỗi khi vua đến hoặc đi, bá quan đều đến nghênh đón hoặc tiễn đưa đều dân trầu cau, mời trà, nên còn có một tên gọi rất tao nhã là "Trà điện". Trần Cụ nói, Trà điện ấy bây giờ đang là nơi bọn Thát đang đóng doanh. Bọn chúng e ngại không dám vào Tử Cấm thành vì sợ có mai phục, liền hạ trại ngay bến sông cho tiện việc tiến lùi.

Khi bến thuyền đã hiện ra trong tầm mắt, tôi nghe ra trong tiếng voi rống đinh tai còn có tiếng ngựa hí hoảng loạn và tiếng người láo nháo. Đội hùng ưng của chúng tôi chọc giận những người anh em khác họ của bọn chúng, tạo thành một cuộc hỗn chiến khác trên không. Bọn Thát rất giỏi huấn luyện chim ưng, giống của chúng lại vừa to vừa khỏe hơn đáng kể, nhưng những anh hùng do Dã Tượng một tay nuôi dưỡng không hề nao núng, chiến đấu rất quật cường, bị thương vẫn kiên quyết tiến lên.

Thuyền của chúng tôi tiến càng lúc càng gần. "Phập" một tiếng, những mũi tên bắt đầu được bắn lên, có vài con ưng rơi xuống, bọn Thát bắt đầu hành động. Tôi thấy rất xót xa, liền bước đến chỗ lão già thì tay lão đã nhanh chóng đưa tay ra phía sau, che mắt tôi lại. Toan hỏi lão đang làm gì, bỗng tôi lập tức nghĩ ra một việc, nghe tim đánh "thịch" một cái. Tôi run run cầm lấy bàn tay lão đang bịt mắt mình, khẽ khàng gỡ xuống, chầm chậm nhìn về phía bờ sông.

- Ông Lý Đảm...! – Ở phía sau tôi, Trần Cụ không ngăn được nỗi xúc động.

Tôi như thấy lại bóng dáng của ông sừng sững giữa trời chiều hôm ấy, gương mặt phong sương đượm ý vui vẻ, hất hàm bảo tôi: "Nhóc con thấy rõ chưa, ông đây vẫn còn hữu dụng, ông đây là một đại anh hùng!". Đại anh hùng của tôi đang bị bọn chúng treo lên một cây cột cao vươn ra mép sông, chơi vơi, rã rượi. Trên gương mặt khô quắt đã lúc nhúc giòi bọ, đôi mắt vẫn mở trừng trừng, vô hồn nhưng sáng quắc. Hai mũi tên vẫn cắm sâu vào ngực ông, quần áo ngang dọc vết chém, cái chân cụt lơ lửng, chỉ có sống lưng vẫn thẳng như tre. Tôi đưa tay che miệng, nửa giận run người, nửa đau chết lặng. Phía sau tôi, quân sĩ và trạo phu nghiến răng ken két.

Giờ này khắc này, tôi thật chỉ muốn nhảy lên bờ, đâm từng nhát từng nhát vào tim bọn xâm lăng để lót đường ông xuống suối vàng. Nghĩ thế, tôi đã nắm chặt thanh kiếm từ lúc nào, đưa tay quệt nước mắt, vô thức bước từng bước đến gần mũi thuyền hơn một chút. Bỗng vai tôi bị một bàn tay to lớn chộp lấy, lão già kéo tôi ném trở vào trong thuyền. Cơn đau làm tôi chợt tỉnh, lại nhìn sang lão. Mặt lão vẫn hướng về phía cái xác nên tôi không nhìn được, không rõ lão đang nghĩ gì. Đoạn, lão chậm rãi ra lệnh:

- Chèo về hướng tây, mang rượu và cung!

Ngay lập tức, mũi thuyền rẽ sang hướng khác. Trần Cụ nhanh chóng dâng đến một cây cung rất to, to hơn hẳn thứ của đội cung binh vẫn dùng, một mũi tên dài tương ứng và một vại rượu hoàng hoa. Tôi chỉ biết ngồi ngây ra nhìn. Bỗng nhiên lão đến trước mặt tôi, nhẹ giọng bảo:

- Đưa chuỗi hạt cho ta.

Tôi ngẩn người một lúc mới nhớ đến tràng hạt của ông Đảm vẫn đeo bên người, vội giơ tay lên, chưa kịp gỡ ra thì động tác của lão đã nhanh hơn, đoạn lão quấn nó vào tay mình. Ngay sau đó, lão cởi một bên tay áo để tiện hoạt động, văn thân lại hiện rõ ràng trên bờ vai và cánh tay rắn chắc. Một tay lão cầm mũi tên, tay còn lại lấy từ trong ngực áo ra một vật khiến tôi sững sờ: là chiếc khăn mộc lan thêu dang dở mà công chúa Thuận Thiên để lại, lâu nay lão vẫn cất giữ như báu vật. Lão nhìn nó một lần rồi nhanh chóng quấn chặt vào đầu mũi tên.

Đoạn, lão cầm cả bình rượu và cung, tên, chống tay nhảy lên sàn gỗ trên mái thuyền, tôi không hiểu gì nhưng cũng vội vã trèo theo. Trên này lồng lộng gió, tôi chật vật lắm mới đứng vững được nhưng giờ lại chẳng thấy sợ hãi chút nào. Lão gỡ nút bình rượu, giơ nó về phía ông Đảm như đang nói một tiếng "Mời!", rồi đổ lên chiếc khăn đến khi ướt đẫm, rượu rơi tí tách trên sàn, buồn như nước mắt cố nhân.

Lão trầm ngâm một lúc như chờ đợi điều gì, rồi, lão chầm chậm đặt mũi tên lên cánh cung cong vút, dùng hết sức kéo dây cung, gân nổi rõ trên cánh tay, mắt sáng quắc nhắm thẳng mục tiêu, hàm nghiến chặt. Cả đời tôi chưa từng thấy dáng vẻ dũng mãnh này của lão nên cứ đứng ngẩn ra. Tôi ngỡ lão định bắn đứt sợi dây đang cột xác ông Đảm để sau đó quân ta tìm cách vớt lên, nhưng khi nhìn lại phía bờ sông, thấy chậu lửa đặt gần đó, thẳng hàng từ vị trí của chúng tôi đến nơi treo xác, tôi chợt hiểu ra mệnh lệnh đổi hướng thuyền ban nãy.

"Vút!"

Mũi tên xé gió lao đi, vụt qua chậu lửa, mảnh khăn thấm rượu bén lửa bùng cháy rồi cắm phập vào cái xác, cháy lan qua quần áo. Độc túc tráng sĩ của tôi trong phút chốc biến thành ngọn lửa cháy rừng rực giữa trời đêm. Tôi đứng sau lão, xúc động nghẹn ngào. Bất thình lình, lão cầm bình rượu hãy còn đầy một nửa ném thẳng lên cao, vung cây cung to đập thật mạnh, bình rượu vỡ giòn giữa không trung, hơi men bay ngào ngạt làm mắt tôi cay xè.

Ngọn lửa ấy là hiệu lệnh, ngay lập tức, từ bốn phía, những mũi tên lửa bắn đến, cắm vào những ụ cỏ khô tẩm dầu bọc trong vải đen ai đặt sẵn dọc bờ sông, lửa bốc lên ngùn ngụt khiến quân Thát không cách nào tiến ra để đánh trả. Lửa soi sáng mái lều của bọn chúng, nhìn rõ cảnh tượng người đuổi, ngựa chạy khắp nơi, hỗn loạn bát nháo. Lão già đã cầm tràng hạt trên tay từ lúc nào, ánh mắt không chút cảm xúc, chắp tay bắt đầu trì chú Lăng Nghiêm.

Giọng lão vang như tiếng chuông đồng, đầy uy lực, vọng khắp dòng sông Lô. Chỉ sau câu đầu tiên, từ bốn phía Thăng Long, tiếng trì chú đồng thanh rộ lên, âm vang khác thường, nghe như như tiếng sấm từ trời cao giáng xuống. Tôi chợt hiểu ra tác dụng của mấy chiếc vại nọ, lại sững sờ nhìn người đang đứng trước mặt mình, gai ốc nổi khắp người. Tôi đã quen nhìn dáng vẻ thư sinh nho nhã của lão mà quên mất việc vì sao lão chỉ là một nửa thiền sư lại có thể làm chư tăng nể phục. Chú Lăng Nghiêm là thần chú uy lực nhất của nhà Phật, tụng lên có thể khiến quỷ thần hồn xiêu phách tán, người nào có tâm ma, đạo hạnh không vững cũng tự thấy khiếp đảm rã rời. Đằng xa, trong tiếng voi rống, tiếng chim ưng quang quác, tiếng ngựa hí và lời chú rền rĩ, xác ông Đảm vẫn cháy rừng rực như ngọn lửa Niết bàn, thiêu đốt mọi thứ ô trọc, nhơ bẩn. Nước mắt tôi cứ thế lăn dài.

Ông ơi, cháu đưa lão già đến tiễn ông, lão trả kỷ vật của công chúa cho ông, bọn cháu cho quân Thát biết giang sơn Đại Việt ta một khi xâm phạm nhất định phải bị trừng phạt, ông hãy an tâm mà nhắm mắt!

Khi lão già đọc đến những câu chú cuối cùng, từ trên cao, một quả cầu lửa rơi xuống giữa doanh trại giặc. Chiếc máy bắn đá của tôi đã có đất dụng võ! Lúc quả cầu rơi xuống thấp tôi mới nhìn rõ, đó là xác của một con sói lớn đang bốc cháy. Truyền thuyết kể lại, sói là tổ tiên của người Nguyên. Xác con vật linh thiêng vừa chạm đất thì bài chú cũng vừa hết, tiếng voi liền ngưng bặt, bốn bề lại rơi vào im lặng, lũ chim ưng đồng loạt rút đi, nhanh như thể mọi việc vừa xảy ra chỉ là một cơn ác mộng. Tiếng kêu la hoảng loạn của bọn giặc bấy giờ mới vang lên rõ ràng khắp bến sông.

Thuyền của chúng tôi nhân lúc đám lửa dọc bờ vẫn chưa tắt nhanh chóng chèo lui. Sợi dây treo ông Đảm bị lửa làm đứt, đại anh hùng của tôi cuối cùng rơi xuống lòng sông, trở về với cát bụi, kết thúc cuộc đời dài như giấc mộng, nhẹ nhàng như chiếc lông ngỗng nghiêng chao.

Thuyền đã lùi xa, lão già vẫn đứng yên, đầu khẽ cúi, mắt nhắm hờ. Hồi lâu, lão chầm chậm mở mắt, quấn lại tràng hạt vào cổ tay mình. Đoạn, lão quay người về phía tôi đang đứng, đôi mắt trở về vẻ trầm tĩnh trước nay. Tôi nhìn lão rất lâu mới tiến lên một bước, đưa tay chỉnh lại áo lão cho chỉnh tề như mọi ngày. Rồi, tôi cứ thế kiễng chân choàng tay lên cổ ôm chầm lấy lão, tay vuốt nhẹ tóc trên gáy lão, lòng khe khẽ run rẩy chẳng hiểu vì sao. Lão lặng đi trong chốc lát rồi cũng vòng một tay đỡ lưng tôi, kéo tôi sát vào lòng, gió sông vẫn lồng lộng thổi, chúng tôi cứ đứng như vậy trên nóc thuyền, nhìn Thăng Long dần khuất phía chân trời.

***

Khi chúng tôi xuống khoang dưới gặp lại mọi người, tôi trông thấy một gương mặt quen thuộc đã lâu không gặp:

- Anh Yết Kiêu! – Tôi chạy đến chỗ người đang ngồi lau khô tóc.

Thấy lão già, anh vội đứng lên hành lễ, lão nâng tay anh dậy, dúi cho một bình rượu uống cho ấm người rồi ân cần dặn dò binh sĩ:



- Trời đông nước lạnh, lấy thêm áo khoác cho cậu ta kẻo ốm.

- Hóa ra ngọn lửa thiêng cháy dọc bờ sông ban nãy là kiệt tác của anh. – Trần Cụ vội đưa đến một tấm áo choàng, giọng không giấu vẻ thán phục. – Có thể tiếp cận mà bọn Thát không hay biết gì, thật tài hoa, thật quả cảm!

Cá To đón lấy áo choàng, cúi đầu cảm tạ lão già, đoạn nhìn tôi cười cười đáp:

- Cậu quá lời rồi! So với năm xưa dạy cô Nhã Phong tập bơi, việc lẻn vào doanh trại địch vẫn an toàn chán ạ!

Tôi há hốc mồm nhìn anh ta, quay sang định mách lão già đã nghe tiếng lão cười sảng khoái, giận không để đâu cho hết, hậm hực giậm chân bước ra mũi thuyền ngồi một mình. Trần Cụ hồn nhiên kêu lớn:

- Cô Nhã Phong cẩn thận khéo rơi xuống nước!

Bấy giờ, cả binh sĩ và trạo phu đều không nể mặt, tiếng cười vang vọng cả khoang thuyền. Cười chán, mọi người lại lao xao nói về hành động vừa qua:

- Kế của vương gia hay thật, tôi cược là bọn Thát sợ đến vãi ra quần! – Một anh đô trưởng hồ hởi lên tiếng.

- Đừng nói là bọn giặc làm nhiều việc ác, cả tôi nghe tiếng vương trì chú cũng sởn gai ốc, cứ tưởng thần linh trách phạt! – Anh lính khác phụ họa theo.

- Vương gia của chúng ta quả chẳng phải người phàm, chỉ một bài chú cũng có thể gọi về hồn thiêng sông núi!

- Mấy hôm nay chúng đã thiếu lương thực, bị trúng độc của cô Nhã Phong, lúc nãy còn bị dọa thế này, hẳn là không đánh cũng tự rã rồi! – Mọi người nhao nhao bàn tán.

- Cho bọn chúng biết sông núi nước Nam là của vua Nam, biên giới đất ta chỉ có đến được mà không về được!

"Đến được không về được! Đến được không về được!" Tôi như nhìn thấy cảnh hôm nọ, ông Đảm cưỡi ngựa đi trước, hai cậu Nhất, Nhị lững thững theo sau, vừa đi vừa nghêu ngao, bất giác mỉm cười, trong lòng thanh thản lạ thường.

Trời bắt đầu hửng sáng, chúng tôi về lại ngã tư sông hội ngộ với mọi người. Hai mươi chiến thuyền đều về đủ, chuyến này không tổn một binh một tốt đã dọa được quân giặc sợ mất hồn, thật đáng để uống một trận thật say!

Một chiếc thuyền cập sát thuyền của bọn tôi, Dã Tượng và Địa Lô nhanh nhẹn nhảy sang, đến trước mặt lão già phục mệnh. Lão đấm đấm lên ngực từng người thay cho lời động viên. Tôi nhìn họ, chợt hiểu ra:

- Tiếng voi rống lúc nãy là do quân của anh giả, đúng không? Không lý nào một đàn voi đông đúc như thế có thể bao vây Thăng Long mà không gây chú ý!

Anh Voi Lớn cười có vẻ thẹn vì bị bắt quả tang, đoạn anh nhìn Cá To rồi quay sang lão, lễ phép thưa:

- Bẩm vương, không biết kế hoạch tiếp theo sẽ thế nào?

Lão cười hiền, nói nhỏ vừa đủ cho mấy người nghe thấy:

- Số quân Thánh Dực còn lại ở Cổ Mai đã chia nhau đến các núi gần Thăng Long, hai ngày sắp tới cứ đúng nửa đêm giờ Tý sẽ hành quân tập trận, dùng thêm bù nhìn để chúng không biết quân số thực của ta. Hai cậu có thể đến chỗ Quốc Tuấn, bảo chú ấy bàn bạc với bệ hạ, tìm thời cơ mà phản công cho kịp lúc.

Tôi đứng cạnh nghe chuyện, bỗng thấy âm mưu tôi đã dùng ở Cổ Sở vừa thô thiển vừa tự hại mình, thầm than một tiếng. Lão già quay sang nhìn tôi, bảo:

- Chúng ta rút thôi, hết việc rồi.

Tôi ngơ ngác:

- Sao ạ?



Lão cười cười nửa đùa nửa thật:

- Ta là quan văn, những việc quan văn làm được chỉ có bấy nhiêu. Còn lại để chú em võ tướng giỏi giang của ta làm tiếp vậy!

Khi nói những lời này, ánh mắt lão vẫn đau đáu nhìn về hướng Thăng Long.

[1] Mượn chữ trong câu đối khắc ở Đền Hùng:

"Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ

Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn."

Nghĩa là:

"Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, non sông Bách Việt đã có tổ

Núi sáng linh thiêng, cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn."

[2] Trích bài Giang hồ tự thích II của Tuệ Trung Thượng sĩ.

Dịch nghĩa:

"Tấm lòng hồ hải trước đây chưa từng tiêu mòn,

Bóng quang âm vun vút như tên lại như thoi.

Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ,

Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào.

Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông,

Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng."