Cố Niên Hoa

Chương 17: Khi chén rượu, khi cuộc cờ




Tôi còn nhớ những ngày sống ở Phúc Đường, tôi là một cô bé e dè và nhút nhát. Sư ông Tiêu Dao rất nhân hậu, nhưng vì lạ chỗ lạ người lại thêm không khí trang nghiêm, tôi luôn rụt rè, sợ nói sai, sợ làm bậy, sợ những vị tăng lữ trong tịnh xá không cho tôi ở nữa. Thuở bé ngây ngô nghe mọi người gọi nào Tuệ An, nào Nhã Phong, nào Huệ Tâm, nhiều lúc tôi không biết mình tên gì, không biết có phải họ đang nói đến mình không. Có mấy lần đi loanh quanh lạc đến góc vườn có bức tượng mấy vị Kim Cang gương mặt dữ dằn, tôi sợ đến cuồng chân bỏ chạy, ám ảnh đến trong mơ cũng thấy rồi giật mình tỉnh giấc. Sư ông bảo tôi những vị ấy là Bồ tát, vả lại Phật rất từ bi, chỉ cần tôi nghĩ điều hay, làm việc tốt, Phật sẽ luôn phù hộ cho tôi. Tôi vâng dạ nhưng nửa tin nửa ngờ, đâu biết trên đời có ma có Phật chi không. Chỉ biết vì một điều gì đó mà ngày ngày tôi đều ngóng ra cửa, đợi một người sẽ đến đón tôi như đã hẹn.

Đêm đầu tiên về đến Dưỡng Chân Trang, tôi trằn trọc mãi, hồi lâu bèn mở cửa bước ra sân dạo. Trước phòng tôi là khoảng sân rợp bóng trúc xanh, giữa sân có một mái đình nho nhỏ. Khi ấy, trong đình có một người đang ngồi nhàn nhã tự đánh cờ, mái tóc hơi dài gợn sóng rủ trên gương mặt thuần hậu, thâm trầm, ánh trăng chiếu sáng vạt áo màu lam, chiếu lên sống mũi cao thẳng tắp, sáng lấp lánh trong đôi mắt tĩnh tại như mặt hồ thu. Tôi đã nghĩ, Bồ tát nên có dáng vẻ thế này mới phải.

- Em mơ thấy ác mộng sao? – Quân cờ vẫn cầm trên tay, người ấy hỏi tôi.

Tôi hơi giật mình, lắc lắc đầu.

- Hay là đói bụng?

Vẫn lắc lắc đầu.

Người đặt quân cờ xuống bàn, bước đến bế bổng tôi lên:

- Có chuyện gì, nói ta nghe!

Một cơn gió lạnh vù qua, tôi ôm chặt cổ người, nói khẽ:

- Nhà tiên sinh có nhiều kinh Phật lắm phải không?

- Có. – Người thoáng ngạc nhiên.

- Vậy có mấy ông Kim Cang hùng hùng hổ hổ không? – Tôi rúc sâu hơn vào vòng tay vững chãi ấy.

- Vẫn chưa... - Người bỏ lửng câu nói. – Em sợ mấy bức tượng đó à?

Tôi gật đầu lia lịa.

Có tiếng bật cười, người bế tôi trở vào phòng, đặt lên giường, cẩn thận dém chăn rồi xoa đầu tôi nói khẽ:

- Vậy không có nữa. Ngủ. Ngoan nào!

Tôi nhanh tay nắm lấy vạt áo xanh lam níu lại, tròn xoe mắt nhìn lên. Người đang định rời đi chợt phì cười, đoạn ngồi xuống cạnh bên, lưng tựa vào tường, mắt khép hờ. Tôi sung sướng kéo chăn tận cổ rồi chìm vào giấc ngủ.

Tôi biết đây chính là Thần, là Phật của riêng tôi.

Đêm ấy là đêm tân hôn của lão già và chị.

***

Lão già nhà tôi có một loại uy lực rất đặc biệt, không cần lớn tiếng nặng lời, chỉ cần nét mặt vốn luôn thư thái hơi nghiêm lại, người đối diện đã cảm thấy bất an. Lão có nhiều nguyên tắc, bù lại, luôn sẵn lòng dạy bảo và giúp đỡ mọi người. Vì thế gia nhân trong phủ tuyệt đối kính trọng và vâng lời, xem thư phòng của lão như thánh địa. Lần đầu tôi đặt chân đến là lúc tôi được bác Dương làm cho một mẻ kẹo lạc thơm lừng, mang đi tìm lão. Tay tôi vừa chạm chốt cửa, hai chị bếp và bốn anh lính đang đứng gần đó đã đồng loạt kêu lên:

- Cô ơi, không được!

Bên trong vọng ra tiếng nói nhẹ nhàng:

- Phong hả? Vào đây.

Cả khoảng sân như hóa đá, khi tôi đã vào trong và đóng cửa lại rồi, mồm của sáu người kia vẫn chưa khép lại.



Đến giờ nghĩ lại chuyện hôm ấy tôi vẫn thấy buồn cười. Từ đó, tôi không chỉ là cô bé mấy tuổi đầu mà là một người rất có tiếng nói ở Dưỡng Chân Trang, tôi nghĩ chính là bởi sự đặc cách ấy chứ không phải vì tôi là em của chị.

- Nhã Phong, em ra đây đi! – Tiếng Nguyễn Nam từ bên ngoài vọng đến.

- Dừng! – Tôi trỏ bậu cửa thư phòng, không cho hắn đặt chân xuống. – Có chuyện gì mà mới sáng đã inh ỏi thế?

Bàn chân vẫn lơ lửng trên không, tên lang băm bảo:

- Cụ ông Thiên Thai của em đã xuống núi rồi, mau ra đón!

Tôi mừng rỡ đặt chiếc khăn lau trên tay lên bàn, đóng cửa phòng rồi theo hắn ra ngoài.

Tôi ra đến nơi, anh Thân đang đỡ ông cụ Lý Đảm xuống từ xe ngựa. Đợi ông chống nạng đứng thẳng rồi, tôi lễ phép chào:

- Ông đi đường có mệt không ạ, mọi người ai cũng mong ông quá!

Trông ông Đảm hôm nay hồng hào hơn trước, gương mặt vốn khắc khổ cũng giãn ra, giao lĩnh đai lưng tươm tất, có dáng vẻ của một người đàn ông từng thanh gươm yên ngựa, mái tóc bới gọn gàng làm ông trẻ hơn gần mươi tuổi so với lần đầu tôi gặp. Ông vui vẻ nhìn tôi, định nói gì đó chợt bàng hoàng, nụ cười nửa miệng bỗng vụt tắt. Tôi hơi bối rối, sợ mình dọn dẹp từ sáng quần áo lôi thôi liền nhìn xuống, rõ ràng là bộ áo lam trắng có thêu đóa mộc lan rất nhã nhặn. Nhìn sang bên cạnh, Nguyễn Nam cũng rất bình thường, có phần tuấn tú. Anh Thân giao xe ngựa lại cho lính canh rồi bước đến thưa:

- Chắc đường xa, cụ mệt. Tôi xin phép đưa cụ về phòng nghỉ nhé!

Ông gật đầu rồi chống nạng đi từng bước. Nguyễn Nam nhanh nhảu định chạy đến dìu, tôi liền ngăn lại, lắc đầu ra hiệu. Đối với những người như ông, tự tôn là điều quan trọng hơn sinh mạng. Bọn tôi lặng lẽ theo sau, đến khoảng sân trước phòng tôi, ông bỗng dừng chân, đôi mắt xa xăm lại càng mênh mông. Tôi nhìn theo hướng mắt ông, chỉ thấy đôi bướm trắng chập chờn ẩn hiện trong khóm trúc xanh, nhìn kỹ hóa ra là hai đóa mộc lan phơn phớt hồng ở đầu cành đang rung rung trong gió. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi chợt hiểu ra, không phải do tôi mà bởi đóa hoa trên trang phục tôi đang mặc. Đóa hoa này lại thêu theo mẫu trên chiếc khăn tay thêu dở mà hoàng hậu Thuận Thiên – u của lão già – để lại. Tôi nhớ trong câu chuyện hôm trước, ông cũng từng nhắc đến bà ấy, có lẽ nào...?

Suốt cả ngày, ông Đảm cáo lỗi không được khỏe, ở mãi trong phòng chẳng gặp ai. Đến chập choạng tối, tôi thấy ông ngồi ở mái đình giữa sân uống rượu một mình, mặt buồn rười rượi, bóng lưng hơi gù dưới hoàng hôn mang một vẻ cô độc đến thê lương. Tôi rất muốn đến uống với ông, tiện thể hỏi những điều muốn hỏi nhưng nghĩ đến trận ốm hôm uống cùng Quang Khải lại không dám liều nữa, bèn nghĩ ra một cách. Tôi xuống bếp làm một đĩa lòng gà xào chua ngọt to đùng, bưng đến gõ cửa phòng Nguyễn Nam.

Đúng như lão già từng nhận xét, tôi chưa bao giờ thất bại trong những vấn đề liên quan đến ẩm thực. Một canh giờ chén tạc chén thù nói chuyện trên trời dưới biển, ông Đảm đã say bí tỉ còn Nguyễn Nam cũng ngà ngà. Tôi ngồi cạnh bên xơi chè, thỉnh thoảng gắp một miếng lòng bỏ vào mồm, tự thán phục bản thân. Đêm nay trăng sáng, trời lành lạnh, gió hiu hiu, bóng lá trúc in lên vách đung đưa rờn rợn. Ngày xưa tôi cũng hay cùng lão già ngồi ở nơi này, có khi đánh cờ, có khi đàn hát. Nhớ đến đây, tôi bèn rút cây sáo trúc vừa nhờ anh Thân làm mấy hôm trước đưa lên miệng thổi bài Cẩm sắt của ông Nghĩa Sơn thời Đường:

"Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền

Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,

Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.

Thử tình khả đãi thành truy ức,

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên."

(Năm chục dây đàn gấm tuyệt vời

Mỗi dây mỗi trục nhớ xuân thời

Trang Chu tỉnh mộng còn ngờ bướm

Thục Đế lòng xuân cuốc gọi trời

Trăng sáng biển xanh châu rướm lệ

Lam Điền nắng ấm ngọc thành hơi

Tình này ý ấy hoài ghi nhớ

Sao lúc bấy giờ lại để lơi?)

Tiếng sáo tôi vừa dứt, tâm trạng mới hồ hởi được đôi chút của ông cụ đã biến mất hoàn toàn. Ông đưa chén rượu lên uống cạn, tự nói một mình:

- Nàng ấy thích bài này lắm.

- Nàng ấy...? – Tên thầy thuốc chưa kịp hỏi trọn câu đã bị tôi đưa tay bịt miệng.

Tôi lôi hắn đứng dậy, kéo ra khỏi đình:

- Nguyễn Nam say rồi, cháu đưa hắn về phòng rồi quay lại ngay, ông chờ tí ạ!

Khỉ gió cái tên thầy thuốc có vẻ thư sinh mà nặng ra trò, hắn cứ ì ra đó, không chịu bước đi một bước báo hại tôi đỡ đến mệt bở hơi tai. Khi chúng tôi đã rẽ qua góc khuất, tôi định buông tay để hắn ngã xuống đất cho bõ ghét, không ngờ hắn đột nhiên tỉnh táo vô cùng, quay người lại dồn tôi lùi đến chân tường. Nguyễn Nam ghé sát mặt tôi, hơi rượu phả ra nồng nặc:

- Qua cầu rút ván. - Mặt hắn câng câng, đôi mắt sâu thăm thẳm cứ nhìn xoáy vào tôi, nhìn đến mức tôi thấy nóng ran hai bên má.



- Chuyện nhà của bọn ta, ngươi ở đó làm gì? – Tôi muốn đẩy hắn ra nhưng không đủ sức.

- Tôi vì ai mà say thế này, phải có bù đắp chứ! – Hắn lè nhè.

- Ngươi muốn bù... - Ba chữ "đắp thế nào" nghẹn lại vì có vật gì đó đã chặn ở bờ môi.

Ấm ấm. Mềm mềm. Ướt ướt.

Cái đồ... đồ... đồ... đồ... đồ lang băm khốn kiếp!

Tôi ngượng chín người, vung tay tát mạnh thì hắn đã nhanh nhẹn lùi lại phía sau, còn to gan đưa lưỡi liếm nhẹ môi dưới, nhếch mép cười cợt nhã.

- Lần này lấy rẻ vậy thôi, lần sau giá cao hơn nhé, Nhã Phong!

Nói rồi, nháy mắt một cái, chạy về phòng mất hút.

Rẻ? Rẻ cái tiên sư nhà hắn ấy! Cướp đoạt nụ hôn đầu của thiếu nữ nhà lành, chiếu theo luật đáng đem đi hoạn, cạo đầu bôi vôi, lột da rút gân, băm vằm tùng xẻo!

Tôi đưa tay áo lau đến khi môi bỏng rát. Rõ ràng là mùa đông mà người tôi nóng bừng bừng, đứng chôn chân một chỗ mãi một lúc lâu. Tới chừng chợt nhớ ra việc phải làm, tôi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm ông Đảm.

Nguyễn Nam chỉ uống cầm chừng, còn ông bị bọn tôi chuốc thật, rất say. Khi tôi quay lại, ông đang khập khiễng tựa tay vịn của mái đình mà đến gần một nhánh mộc lan. Trời trở gió to hơn, tiếng ông đẫm hơi men, bảng lảng trong sương lạnh:

"Động Đình ba lãnh hiểu xâm vân,

Nhật nhật chinh phàm tống viễn nhân.

Kỷ độ mộc lan chu thượng vọng,

Bất tri nguyên thị thử hoa thân."

(Có nghĩa là:

"Động Đình buổi sớm sóng lạnh muốn trùm lên cả mây mù

Ngày ngày những cánh buồm đưa tiễn khách đi xa

Mấy độ lên thuyền mộc lan trông ngóng khách

Có biết đâu rằng mình cũng làm thân đưa khách như thuyền")

Tôi đưa tay định đỡ ông, ông quay lại, đưa mắt nhìn tôi một lượt:

- Nàng vẫn nhớ sao? – Đôi mắt già nua mờ mịt, nheo nheo. – Ta không biết...

Ông gục xuống bên cột đình, tôi cố đỡ ông ngồi lên ghế. Ông run run nắm chặt tay tôi.

- Cháu là Phong ông ạ. Ông nhớ công chúa Thuận Thiên lắm phải không? – Tôi không biết nên gọi là phu nhân hay hoàng hậu cho phải phép, chợt nhớ ra với họ Lý, bà ấy mãi mãi là thiên chi kiêu nữ.

- Phong? – Ông lại nhìn tôi rồi nhìn đóa hoa thêu trên áo, đoạn trầm tư. – Cháu giống nàng ấy lắm...

Hóa ra, ông Đảm quý lão già và chịu xuống núi giúp tôi đều không phải do bọn tôi tài giỏi hay có nhân phẩm hơn người. Bây giờ nghĩ lại, sự hiểu chuyện của tôi do lão già truyền cho, còn lão lại được công chúa Thuận Thiên nuôi dưỡng. Ông Đảm gặp bọn tôi, bảo bọn tôi giống nhau, chẳng qua vì ông luôn nghĩ đến một người. Rốt cuộc nỗi ám ảnh này đã dày vò ông đến mực nào để sau từng đó năm, ông nhìn một con bé chẳng có chút nữ tính nào như tôi lại có thể nghĩ đến vị công chúa lá ngọc cành vàng nổi tiếng hiền thục đoan trang ngày đó?

- Ta cứ nghĩ đợi nàng ấy lớn hơn một chút rồi mang cau trầu dạm hỏi, không ngờ... Họ Lý mất giang sơn, còn ta mất nàng, đều vì cái bọn họ Trần... họ Trần khốn kiếp!

"Ông ơi, họ Trần cũng có người này người khác", tôi nghĩ nhưng không dám nói lý lẽ với người say, chỉ im lặng ngồi bên cạnh, giúp ông kéo lại áo choàng.

- Trần Liễu... Trần Cảnh... Nàng ấy có hạnh phúc không? Có bao giờ hạnh phúc không? – Ông siết tay thành nắm, đấm mạnh lên mặt bàn đá, đôi mắt đỏ ngầu. .

========== Truyện vừa hoàn thành ==========
1. Bổn Vương Muốn Thanh Tịnh
2. Phong Cách Yêu Thầm Của Nhà Giàu Mới Nổi
3. Tôi Được Người Trong Lòng Của Kẻ Thứ Ba Bao Nuôi
4. Trùng Sinh Để Gặp Người
=====================================

Sống đến bây giờ, tôi chưa từng thấy một người đàn ông từng trải như thế rơi lệ nên bối rối không biết phải làm gì, chỉ đành vuốt nhẹ lưng ông để ông bình tĩnh lại:

- Cháu tin là công chúa đã từng hạnh phúc ông ạ. Thân phụ của tiên sinh nhà cháu và quan gia đều là người tốt...

- Tốt? – Ông chợt bật cười. – Chúng tốt như thế, sao nàng ấy vẫn không quên quách cái thân khốn nạn của ta đi... Ai cũng biết ta đã bị chôn sống từ lâu rồi cơ mà, nàng ấy còn vương vấn làm gì?

Những điều vừa nghe làm tai tôi cứ ong ong. Tôi không biết nhiều lắm về chuyện trưởng bối của lão già, vì sợ lão buồn nên không dám hỏi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng rằng năm đó, tôn thất còn sót lại của triều Lý đã lập mưu mời quan gia đến buổi lễ tế tổ tiên, ngờ đâu chính họ sa vào cái bẫy do mình đào sẵn, hàng chục người đã bị chôn vùi trong đó. Lẽ nào...

- Chân của ông... là do lần đó ạ? – Tôi đánh bạo hỏi.

- Lần đó. Lần đó! – Ông Lý Đảm gằn từng tiếng một. – Có kẻ nào ngu ngốc tự đặt bẫy rồi lại giẫm lên không? Bọn chúng tất thảy đều dối trá!

- May là ông thoát được... - Tôi cố tìm cách an ủi, không còn phân biệt được đúng sai.



- Khi sức khỏe phục hồi, ta cứ nghĩ nàng ấy đã an phận nên đành im lặng sống chui sống nhủi bấy lâu nay. Sao ta lại không biết nàng vẫn nhớ ta? – Ông lớn tiếng hơn, tôi hoảng hốt nhìn xung quanh xem có ai đang ở gần không. – Mộc lan! Mộc lan! Là ta hèn nhát, bất tài, nhụt chí... Ta phải sớm đưa nàng bỏ trốn đi mới phải!

Tiếng ông ai oán như thể một con thú rừng bị trọng thương. Không biết vì sương hay vì hơi rượu, tôi thấy mắt cay xè. Bấy lâu nay tôi cứ ngỡ lão già thích mộc lan vì đó là chứng nhân cho tình cảm giữa Yên Sinh vương và công chúa Thuận Thiên, đến khi công chúa bị bắt gả cho quan gia, chỉ còn lại cảnh này, vật này để nhớ nhung. Có lẽ lão cũng như tôi, không ngờ được rằng loài hoa tao nhã kia ghi dấu một mối tình câm, không ngờ rằng hai lần sang sông, vị công chúa mệnh bạc của Lý triều chưa một lần hạnh phúc.

- Là ta hèn nhát... Trần Thừa muốn con trai hắn lấy nàng để đảm bảo quyền lực không rơi vào gia tộc khác. Mà thằng Liễu... thằng Liễu có viên ngọc quý trong tay không biết giữ.

Ông với tay lấy bình rượu, tôi liền cầm lên toan để ra phía xa hơn.

- Yên Sinh vương hẳn cũng lực bất tòng tâm, không chống lại được lệnh của Thái sư...

- Đợi gì đến trò hoán vợ đổi chồng của Trần Thủ Độ! – Ông chua chát bật cười. – Thằng Liễu đang làm Hiển hoàng mà bị giáng chức, chẳng phải vì nó nổi máu tà dâm đi cưỡng hiếp cung nữ tên Lý Cát sao?

Bình rượu trên tay tôi rơi xuống đất vỡ giòn.

Lý Cát, là tên của dì tôi.

"Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên"

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn ý thơ này tả tiếng đàn của Thúy Kiều lúc gặp lại Kim Trọng sau 15 năm lưu lạc:

"Phím đàn dìu dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa

Khúc đâu đầm ấm dương hoà

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao"

Nghĩa Sơn: Tự của Lý Thương Ẩn (813 – 858), một trong những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc thời Vãn Đường, cùng Đỗ Mục được gọi là Tiểu Lý Đỗ, so sánh với cặp Lý Bạch - Đỗ Phủ trước đó.

(Nguồn:)

Mộc lan hoa, thơ Lý Thương Ẩn.