Cố Niên Hoa

Chương 13: Tuyết ban mai lâu dài chi đó




Dưỡng Chân Trang ngày thường nếu không có lũ trẻ là một nơi tương đối buồn chán, tôi tự tìm niềm vui cho mình mãi cũng thành quen, những trò nghịch phá mọi người càng lúc càng phong phú. Ví dụ như bây giờ, mùa đông, không gì vui hơn trò câu cá.

- Anh Nam, bên phải của anh, dưới đám lá ấy!

- Lá nào? – Nguyễn Nam nhìn sang phải.

- Lá sen.

Thân hình cao lớn bỗng như hóa đá, hắn hỏi lại tương đối dịu dàng:

- Nhã Phong, theo như tôi biết thì trong hồ sen không thể có lá tre được!

- Cái lá sen hình tròn ấy!

Hắn khẽ thở dài rồi lội nước đi về góc hồ bên phải, lật mấy phiến lá to đùng lên cũng không tìm được mảnh vỏ hạt dưa nào.

- Tôi không thấy! – Hắn kêu to.

- Giời ạ! Cái lá sen hình tròn màu xanh lục kia kìa!

Tôi biết "con cá" dưới hồ đang phát hỏa trong lòng còn ngoài da thì lạnh cóng. Ai bảo hắn đột ngột đến sau lưng trong lúc tôi đang mải làm thơ, báo hại tôi giật mình hất cả đống vỏ hạt dưa xuống hồ. Tôi giả vờ mếu máo sợ làm chết cá lão già sẽ phạt, toan xắn quần lội xuống vớt thì tên thầy thuốc kia đã nhanh chóng lao xuống trước, bảo chân tôi mới lành không thể ngâm nước được. Đã nửa canh giờ trôi qua, tôi nhìn hắn lội bì bõm vớt cho kỳ sạch mà phải cố nén để khỏi bật cười, khổ không sao tả xiết.

- Thấy rồi! – Nguyễn Nam lật một phiến lá lớn, bên dưới là cả cụm vỏ bị mắc lại, hắn toan đưa tay vớt.

Tõm! Viên đá trên tay tôi rơi đúng vào giữa, đám hạt dưa lại tản ra bốn phía.

- Xin lỗi, tôi trượt tay! – Tôi đứng trên thành hồ bên này nói vọng sang.

Nếu tôi là con cá dưới hồ kia, có lẽ tôi sẽ phóng lên bờ nhai luôn người đang câu cá.

Ngồi mãi ngoài trời cũng thấy lạnh, tôi chưa biết tìm cớ nào để vào trong thì gia nhân đến báo:

- Cô Phong, có ông phủ Kiệm ở làng Keo mang lễ vật sang, cô ra nhận giúp!

Quả nhiên ở hiền sẽ gặp lành, tôi hăm hở đi ngay.

Trước đây tôi có hỏi lão già, do sinh ở làng Keo nên thân mẫu ông bá phủ đặt tên là Kiệm hay do nhờ có ông Kiệm mà làng ấy mới đổi tên Keo, lão chỉ cười không đáp. Người bên làng ấy mỗi lần sang đây lễ Phật đều sẵn tiện than vãn một hồi, nào là ông ta trả công cho nhân đinh thì ít ỏi, bán lại ruộng cho người khác thì tận mười quan một diện, gấp đôi giá của triều đình, quanh năm không bao giờ thấy làm phước hay giúp đỡ một ai, cả bữa cơm chính mình ăn cũng cực kỳ kham khổ, người thân bị ốm cũng ngại chi tiền cho thầy thuốc, chỉ lấy việc mở rương đếm châu báu mỗi ngày làm lạc thú. Một kẻ như thế, hôm nay lại mang đến đây bốn đôi bò, hai xe gạo và một rương vàng làm ai nấy đổ mồ hôi lạnh. Tôi không giấu được tò mò bèn lẻn vào căn phòng nhỏ phía sau bàn thờ Phật nghe xem ông ta đang khấn vái những gì.



- Nam mô a di đà Phật! Xưa nay Kiệm con không cho ai được một đồng, nay lại chi rất nhiều của cải cho quân đội, lòng xót dạ đau. Mong Phật chứng cho tấm lòng con mà phù hộ con bình yên qua khỏi nạn này, xóm làng xung quanh có cháy rụi thì cái thân con vẫn ấm êm, bạc vàng không sứt mẻ, kho thóc nguyên lành, sau chiến tranh sẽ tăng được giá, một vốn bốn lời.

Tí nữa tôi đã bật cười sằng sặc. Nhớ lại trước đây, tôi cũng không ít lần nghe đượcnhững lời cầu khẩn đầy toan tính hơn thua, nào là so bì lễ vật, nào tranh phầnbuôn may bán đắt. Hóa ra cũng có khi lúc quỳ dưới chân Phật là lúc lòng người sân si hơn cả.

Đợi ông ta khấn vái xong, tôi đĩnh đạc ra tiễn khách:

- Ông bá thật có lòng, con thay mặt thầy Tuệ Trung cảm ơn ông ạ!

- Không có gì! Không có gì! Chỉ là chút lòng thành... Nhưng mà, đúng là Phật ở Dưỡng Chân Trang linh lắm phải không? – Ông ta có vẻ vẫn chưa yên tâm.

- Con nghe mọi người đến đây khấn vái đều được như ý cả. Có điều...

- Làm sao? Có vấn đề gì? – Ông ta sốt ruột.

- Có điều mọi người đến đây đều là Phật tử quen mặt, ông bá mới đến có một lần, con sợ hôm nay đông người quá, Phật không nhớ nổi...

Ông ta ngẩn ra một lát rồi tặc lưỡi:

- Vậy, vài hôm nữa ta lại đến cho chắc nhỉ?

Tôi cười giả lả:

- Vâng, tốt nhất là ông đến thêm ba bốn lần nữa cho vững dạ!

Bóng ông bá đã khuất xa tầm mắt, tôi nghe tiếng vỗ tay lộp bộp sau lưng:

- Em buôn thần bán thánh như thế không sợ Hưng Ninh vương trách phạt sao? – Nguyễn Nam đã thay quần áo chỉnh tề tự lúc nào.

- Anh thì biết cái gì, nếu lão ở đây chắc chắn sẽ làm như thế! – Tôi nhếch mép cười, đưa tay dắt một đôi bò rồi ra hiệu cho mọi người mang số lễ vật vào trong. – Đi với Phật mới mặc cà sa, còn đi với cái lão bần tiện này, quấn lá chuối cũng xa xỉ quá rồi.

Nguyễn Nam cũng đưa tay dắt một đôi bò, sải bước đến cạnh tôi:

- Đã khinh ông ta như thế, em còn nhận lễ vật làm gì?

- Có phải anh ngâm nước lâu quá nên phát sốt rồi không, ông ta giàu trên xương máu người dân, đây lại là lúc cần tiền, cần lương thực, tôi chưa lừa ông ta mang cả gia tài đến đã là từ bi đức độ đủ xây chín bậc phù đồ!

Không biết tên thầy thuốc kia nghĩ gì mà bật cười khùng khục, lát sau lấy đâu ra một búp sen nho nhỏ phớt hồng đưa cho tôi:

- Tặng em này.

Tôi chưa kịp phản ứng đã bị hắn ụp cái lá sen màu vàng nhạt lên đầu:

- Tôi tìm mãi mới được một cái lá sen không tròn lắm, không phải màu lục đấy.

***

Thần Phật sống ở Dưỡng Chân Trang quả nhiên linh hiển, tôi vừa nghịch ngu ban chiều thì quả báo đến liền tức khắc. Ngâm nước nửa ngày trời, Nguyễn Nam lăn ra ốm, chị cả bắt tôi chăm sóc hắn. Cái tên này rõ ràng là bày trò, chỉ hắt hơi vài tiếng, người âm ấm mà hắn đã nằm bẹp dí, than thở miệng đắng cổ rát, vòi ăn cháo do tôi nấu. Khốn nỗi, lão già có ăn cháo bao giờ, tôi không biết nấu nên đánh vật trong bếp đến khi trời tối.

- Ngươi còn sống không? Dậy ăn cháo này! – Tôi lay tên thầy thuốc đang say ngủ.

- Em không dịu dàng với người ốm được sao? Ban chiều còn gọi tôi là "anh" nghe ngọt lắm cơ mà? – Hắn làu bàu.

- Muốn dụ ngươi xuống nước nên mới gọi thế. Đồ háo sắc, thấy gái đẹp là tít mắt! – Tôi dúi bát cháo vào tay hắn.

- Thì cũng tại người ta xinh nên giờ tôi mới khổ sở như vầy! – Hắn nhìn chăm chăm vào bát cháo hành, đưa muôi lên miệng thổi. – Chà, ngon quá! Tôi cứ tưởng em không biết nấu ăn...?!



Tôi nằm dài ra bàn, che miệng ngáp:

- Trên đời này chỉ có việc Trần Nhã Phong ta không muốn làm, không có việc ta không làm được.

Nguyễn Nam không đáp lại, chỉ cặm cụi ăn, ăn được vài miếng lại xuýt xoa:

- Ngon thật đấy! – Rồi bỗng như nhớ ra điều gì, hắn bỗng ngậm ngùi. – Hồi u tôi còn sống, ngày nào tôi cũng được ăn ngon thế này...

Tôi giương đôi mắt đang long lanh nước vì buồn ngủ nhìn hắn hồi lâu rồi nói rất ngọt ngào:

- Để u ngồi đợi mày ăn lâu là bất hiếu lắm đấy con giai ạ!

Kẻ đang ốm kia dường như mắc nghẹn. Tôi mang bát thuốc đến đưa cho hắn rồi mang khay và bát cháo ra ngoài, mặc kệ hắn có uống thuốc ngoan ngoãn hay không.

Tôi rửa xong cái bát mà Nguyễn Nam đã dùng thì liền thổi lửa đun nóng lại phần cháo còn trên bếp, múc một bát to để lên khay rồi mang ra sân, nhìn qua lại không thấy ai mới vào điện Phật chính, bước đến bàn thờ đặt giữa điện, giở tấm nhiễu che bức tường phía sau tượng Phật ra, đẩy nhẹ bức vách rồi nhanh chóng chui vào phía trong mật thất. Cầm lấy cây đuốc đặt ở góc tường, tôi đi xuống một đoạn cầu thang hẹp, đến một phòng giam nơi có người đã ở rất lâu. Người đó ngồi xoay mặt vào trong, tóc xõa dài, bộ áo vương gia xưa kia đã bạc màu, biết có người đến cũng không quay lại.

- Nghe Hưng Ninh vương nói lúc nhỏ ngài rất thích ăn cháo trứng, tôi mang đến một ít, ngài ăn cho nóng.

Bờ vai người kia khẽ động, hắn cười lạnh:

- Nếu anh trai ta nghĩ đến tình thân đã không giam ta ở nơi này, càng không theo hầu tên vua đó!

Tôi đến khổ với tên Trần Doãn cứng đầu này, lần nào tôi đến hắn cũng chỉ nói được mấy câu.

- Có tù nhân nào sung sướng như ngài không? Cơm bưng nước rót, kẻ hầu người hạ. Chỉ sợ sắp tới giặc Thát tràn sang, chẳng ai còn tâm trí mà nhớ đến cái phòng giam này, ngài có chết rục cũng không ai biết! – Tôi hăm dọa. – Ngài muốn sống thì mau hối cãi, hợp tác với anh và em trai ngài chống giặc kìa.

Vũ Thành vương nghe đến đây thì hơi xoay mặt lại để lộ sống mũi cao thẳng tắp, giọng nói vẫn trầm trầm:

- Giặc Thát tràn qua? Rất tốt! Cứ để bọn chúng giẫm đạp lẫn nhau mà chết cả đi!

Quỷ tha ma bắt cái tên vương gia vừa ngu vừa hèn! Tôi đưa chân toan đạp đổ bát cháo cho kẻ kia đói lả để không còn sức già mồm, song lại nghĩ dẫu gì hắn cũng là đứa em ruột thịt mà lão già từng thương yêu, tôi đành đạp lên song cửa nhà giam rồi hậm hực bỏ đi.

***

Mấy hôm sau, lão già cho phu dịch chạy trạm mang thư khẩn báo về, tôi nhận thư liền đi tìm chị. Khi tôi mở cửa phòng, chị đang đốt dở thứ gì đó trong chậu đồng, thấy tôi thì cuống cuồng dập lửa rồi giấu mảnh giấy chưa cháy vào dưới gối. Chị tròn mắt nhìn tôi một lúc, vẻ lúng túng hiện rõ trên gương mặt, tôi tìm chuyện nói tránh đi:

- Có thư của tiên sinh, em mang vào chị em mình cùng đọc.

Chị tôi khẽ thở phào rồi chỉ vào đĩa bánh đặt trên bàn. Tôi bốc một cái bỏ vào mồm, thong thả giở thư, lão già bảo bọn tôi phải nhanh chóng mang số quân lương góp được chia thành những phần nhỏ đưa đến các trạm gần Thăng Long, gửi nhờ vào các chùa ở đó. Gửi kèm thư của lão còn có một bức thư của Trần Cụ ghi rõ cách chế tạo và sử dụng nỏ. Tôi chợt thấy nhẹ nhõm, hắn đã đến bên cạnh lão rồi.

Việc chế tạo và huấn luyện cho quân lính cách sử dụng nỏ nhanh chóng được tiến hành. Tôi từng nghe lão kể rằng cách đây rất lâu, có ông vua tên Thục Phán đã được rùa thần ban móng để làm nỏ Liên Châu mà tiêu diệt giặc. Lâu dần, cung tên trở nên phổ biến hơn, tôi đoán là do dễ sử dụng hơn, nên tôi không còn thấy mấy người dùng nỏ nữa cho đến khi gặp Trần Cụ. Trong thư hắn bảo ở gần Yên Bang có một người hắn từng nhận làm thầy, nếu tôi mời được người này về giúp thì có thể hoàn thành một số lượng lớn vũ khí trong thời gian rất ngắn. Chỉ có điều, người này tính tình quái lạ, ít ai trò chuyện được quá ba câu. Tôi nghe thế càng tò mò hơn, không cần biết có giúp được gì cho quân đội hay không cũng muốn gặp thử một lần.

Sáng hôm sau, tôi hăm hở nhắm hướng núi Thiên Thai mà đi, mất hai ngày cũng đến được ngôi chùa trên đỉnh núi. Chùa rộng trăm gian, nghe nói trước đây là hành cung của họ Lý, sau này khi họ Trần trị vì thì bị bỏ phế chẳng ai lui tới nữa. Xung quanh chùa có một vườn cây, vào mùa xuân sẽ hồng rực những chùm hoa đào lớn. Tôi vào chính điện thắp một nén nhang rồi bước ra sân dạo, đi đến cuối vườn mới thấy một người đang loay hoay đẽo đá. Ông ta tuổi quá lục tuần, tóc đã bạc trắng, lưng còng, lại mất một chân, gương mặt khắc khổ có phần đáng sợ.

Ông ta biết có người đến cũng không nhìn lấy một lần, cứ chăm chú vào công việc. Tôi ngồi xổm xuống cạnh bên nhìn ông ta khắc. Cái đầu rồng dần hiện ra sau mỗi nhát dao, bàn tay điêu luyện khác hẳn lúc lão già chật vật mãi mới đẽo được cây sáo ngọc cho tôi. Cho đến khi ông ta đưa thành phẩm lên ngắm nghía, tôi mới giơ tay chỉ vào một điểm trên bức tượng:

- Đẹp quá, nhưng cái vảy này hơi nhỏ hơn những cái khác rồi ông ạ!

Cuối cùng ông ta cũng chịu nhìn tôi một cái, đoạn lại nhìn chỗ vảy rồng tôi vừa chỉ, đưa dao sửa lại. Tôi ngồi thêm một lúc thì đói bụng, đứng dậy co duỗi chân một hồi rồi nhìn về phía sau chùa, hỏi ông ta:

- Ông để thịt ở chỗ nào, cháu nấu cơm ông cháu mình cùng ăn nhé!

Ông ta sững người một lúc rồi đặt bức tượng xuống, chống gậy đứng lên, tôi chạy đến đỡ, ông ta không đẩy ra mà cùng tôi bước thấp bước cao đi về phía bếp.



Đến khi đã ăn xong bữa cơm có thịt kho, canh rau ngon lành của tôi, ông ta mới lên tiếng hỏi:

- Nhóc con, tên gì?

Tôi đặt bát canh uống dở xuống bàn, lễ phép thưa:

- Câu này ông hỏi cháu nên không được tính là câu thứ ba đâu, cháu tên Phong ạ!

Rõ ràng trong thư tên Thích Đối Xứng đã nói không ai có thể trò chuyện được với ông già này quá ba câu nên tôi mới cố im lặng đến giờ đấy chứ!

Không ngờ ông lão có gương mặt khó đăm đăm ấy bật cười, hất hàm về phía tôi bảo:

- Xuống núi đi, mặt trời sắp lặn.

Tôi hốt hoảng đứng dậy:

- Cháu đã nói câu lúc nãy không tính mà, câu này cũng không tính, cháu mới nói hai câu sao đã bị ông đuổi đi rồi?! – Mắt tôi hoe hoe đỏ vì tức.

- Nhóc con! – Ông lão phì cười. – Khóc to lên. Để xem một đứa được cả Trần Tung và Trần Cụ tín nhiệm mà cho biết nơi ở của ta có thể mít ướt thế nào.

"Tuyết ban mai lâu dài chi đó,

Thân người đời nào có bao lâu,

Nhộn nhàng trong cuộc bể dâu,

Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây."

(Sám thảo lư)

Diện: Mẫu, theo cách gọi dưới thời Trần.

Ca dao:

"Dù xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người"