Cổ Cầm Dị Truyện

Cổ Cầm Dị Truyện - Chương 3




Chân bước khỏi lầu, nhìn hoa lê tàn rơi lất phất trong gió. Trên bậc thang còn vương vài cánh hoa Hải Đường, có sắc hồng như son, có cánh trắng tựa tuyết, nổi bật trên nền khóm lá xanh um dày đặc, tạo thành những đóa hoa màu chu sa kiều diễm ướt át.



Ân Nhược Dương đang bước xuống bậc thềm thì gặp phải Liễu Xuân Nùng đang chạy từ cửa tròn bên trái, sắc mặt nàng hơi nhợt nhạt. Hai người đối diện liền đồng thời đứng lại. Hắn ở trên bậc, nàng đứng ở hành lang, ở giữa là bụi hoa Hải Đường màu chu sa.



Liễu Xuân Nùng cất tiếng nhỏ nhẹ: “Ân đại ca.”



Ngón tay của Ân Nhược Dương sít chặt lại, lòng bàn tay trở nên ẩm ướt.”Liễu tiểu thư.”



Sau hai câu chào giản đơn, mọi thứ lại trở nên yên lặng. Chỉ có hương thơm Hải Đường vẫn nương theo gió lan tỏa trong không gian, nhẹ nhàng lướt quanh hai người.



Khoảng chừng im lặng một lát, tiểu nha hoàn Lục Nhi đã vội vã chạy đến.”Tiểu thư, phu nhân nói không được đi chính là không được đi. Dù người có buồn bực ra sao cũng thế......” Đang nói chợt nàng nghiêng người nhìn thấy Ân Nhược Dương đang đứng ở trên, liền im lặng vội vàng thi lễ: “Ân công tử.”



Ân Nhược Dương khẽ gật đầu, rồi nói.”Liễu tiểu thư, ta còn có chút việc, xin phép đi trước.”



Bước xuống bậc thềm, Ân Nhược Dương vội chạy ra ngoài đình như đang cố trốn tránh một điều gì đó. Khi hắn quay đầu lại nhìn qua ô cửa sổ bên cạnh cánh hoa mai trên vách tường vôi trắng, Liễu Xuân Nùng vẫn đứng yên ở hành lang ấy, nàng đang ngẩn ngơ nhìn đôi bướm sắc đang bay lượn lờ quanh khóm hoa.



Cách hoa, người xa, chân trời gần.*



*Cách nhau một luống hoa mà sao cảm thấy nàng thật xa xôi, chân trời còn gần hơn.



***



Dương Châu, Sấu Tây Hồ, đêm rằm mười lăm.



“Thiên hạ tam phân minh nguyệt dạ, nhị phân vô lại thị Dương Châu.”* Mà nơi ngắm trăng rằm Dương Châu tốt nhất là ở trên cầu Nhị Thập Tứ.



*Tạm dịch: “Ba phần trăng sáng soi trần thế, Hai phần dành chiếu khắp Dương Châu.”





Nguồn gốc tên của cầu Nhị Thập Tứ vốn vào thời Tùy, tương truyền năm đó Tùy Dương đế từng để hai mươi tư cung nữ thổi tiêu trong đêm Trăng sáng, vì thế nên cầu mới có tên này. Trong tập thơ thời Đường, đại thi hào (1) Đỗ Mục đã ngâm hai câu thơ: “Nhị thập tứ kiều minh nguyệt dạ, ngọc nhân hà xử giáo xuy tiêu”*. Từ đó khiến danh tiếng cầu Nhị Thập Tứ vang xa thiên hạ, trở thành một trong những nơi ngắm trăng tốt nhất trong nước.



*Tạm dịch: Cầu Nhị Thập Tứ đêm trăng sáng; Người ngọc nơi đâu dạy âm tiêu



Đêm hôm ấy, Trác Dật Phi đúng hẹn mang theo cầm đến cầu Nhị Thập Tứ. Trên đầu cầu, Ân Nhược Dương và đám bạn bè đã đứng chờ hắn.



“Ủa, Dật Phi, không phải nghe nói huynh sẽ dẫn biểu muội đến sao?” Một vị Trần công tử hỏi.



“Cô không đồng ý!”



“Tiếc thật, sớm nghe danh biểu muội của huynh nhan sắc tú lệ tuyệt trần. Cứ tưởng rằng tối nay có thể được gặp mỹ nhân tao nhã ấy.” Một vị khác Chu công tử tiếc nuối gõ cây quạt trong tay.



“Ai bảo hôm hội Đạp thanh lúc đầu xuân ấy huynh không đến. Biểu muội Liễu gia vừa xuống xe ngựa, ngay cả cành liễu xuân sắc cũng không bằng hình bóng thướt tha tinh xảo của nàng. Đúng là nét mày mỹ nhân thắng cảnh xuân.”



“Huynh cũng đừng chọc ta, có biết rằng vì chuyện này mà ta đã tiếc hận rất nhiều không?”



Nhóm người bảy miệng tám lời bày tỏ sự hâm mộ diễm phúc của Trác Dật Phi. Hắn cũng chỉ mỉm cười đáp lại. Cuối cùng Ân Nhược Dương bước ra chấm dứt cuộc đối thoại này: “Được rồi, mọi người cùng đến ngắm trăng đi. Nhìn xem, mặt trăng sắp lên cao rồi.”



Trăng tròn vành vạch, treo cao trên đầu tòa điện ngọc. Ánh sáng bạc sáng tỏ ngàn trượng, tán đều hào quang trên không. Sao Nam Đẩu chuyển dần sang tối, làn sương mờ lượn lờ trông thanh u. Bóng trăng ngọc rọi xuống mặt hồ trong vắt tựa như viên dạ minh châu của nhân gian.



Thanh cảnh trước mắt dài vô tận, phủ thêm lớp sáng của trăng vàng. Trác Dật Phi cảm thấy phàm tâm đều được gọt rửa sạch sẽ, quên sạch chuyện nhân thế. Hắn mở hộp đựng cầm, lấy cây cầm “Bụi Bát Bảo” còn phủ mùi nước sơn ra.



Trong quá trình chế tác cầm, vì để cho âm cầm vang thật trong đến độ hoàn hảo, gíup tiếng đàn mượt mà hài hòa, nên toàn thân cây đàn cổ này đều phải luôn được bôi nước sơn. Lấy sừng hươu nghiền nát thành bột phấn làm mồi cho nước sơn, khuấy đều sơn sống thật nhuyễn rồi phết lên thân cầm. Sau đó đem hong khô rồi mài đều, trải qua vài lần lặp lại trình tự như vậy cho đến khi lớp sơn đạt độ dày vừa phải mới ngừng. Hơn nữa “Bụi Bát Bảo” không chỉ dùng mỗi phấn sừng hươu, mà còn hòa thêm các bột phấn hoàng kim, bạc trắng, ngọc thạch, trân châu, mã não, san hô và xác sò. Dùng loại nước sơn bụi này để chế tác cầm, màu nước sơn như bầu trời đầy sao, trong sáng và thuần khiết, âm sắc vang trong như tiếng ngọc. Dây đàn được dùng bằng tơ tằm, khiến cho tiếng đàn thêm mượt mà, đậm đà phong cách cổ xưa, thanh nhã.



Trác Dật Phi ôm cầm trong tay, bước thong thả đến vườn Thược Dược bên cạnh cầu ngồi xuống. Điều phối lại dây cầm, vỗ nhẹ dây cung, khảy thử vài tiếng âm vang cũng đủ khiến du khách mới thoáng nghe liền biết ngay là cầm tốt, nức nở khen không ngừng. Hắn vừa định khảy ra một khúc《 Tiêu Tương Thủy Vân 》thì bỗng nghe thấy phía bên kia hồ có tiếng đàn ngân. Tiếng đàn chỉ vẻn vẹn một điệu lướt nhẹ như mây bay liễu lướt, vang động giữa khung trời.




Ngay cả một người am hiểu về cầm như Trác Dật Phi, cũng chưa bao giờ nghe qua tiếng đàn thánh thót như tiên nhạc như thế. Hắn lập tức ngưng khảy đàn, không dám tiếp tục múa rìa*. Hắn đứng dậy ngoái người trông về phía mặt hồ xa xa. Chỉ thấy ở nơi sâu trong hồ, có một chiếc thuyền hình lá nhỏ lướt nhẹ giữa trung tâm. Bên trong có bóng người đang ngồi, đưa lưng về phía cầu Nhị Thập Tứ.



*Múa rìa qua mắt thợ



Tiếng đàn du dương nhưng lặng lẽ, tựa như giọng nói ngọt ngào thủ thỉ bên tai, đến cả dây cầm cũng thành hoài niệm. Trong đêm trăng sáng, một khúc nhạc như âm thanh thiên nhiên dấy lên. Du khách trên cầu Nhị Thập Tứ đều cảm thấy tâm hồn sảng khoái, như si như say, quên vật quên người.



Kết thúc một khúc nhạc, dư âm vẫn văng vẳng trong không gian.



Trác Dật Phi thán phục trình độ cầm kỹ tuyệt diệu của người ngồi trên thuyền kia. Hắn muốn vượt hồ đến gặp mặt người đó để xin thỉnh giáo một ít. Tiếc rằng các con thuyền nhỏ để cung ứng cho du khách ở bên hồ đều được người khác thuê hết rồi. Mà những con thuyền nhỏ kia vốn đang phân tán khắp hồ, sau khi nghe một bản nhạc du dương, đều chuyển sang lướt đến gần chiếc thuyền lá nhỏ đang đậu ở nơi sâu trong hồ. Hiển nhiên tất cả đều đang muốn nhìn xem mặt vị cao nhân nào đã tấu lên một khúc diệu âm như thế.



Đang lúc các thuyền kia sắp đến gần chiếc thuyền lá nhỏ kia, đột nhiên người trên thuyền đứng bật dậy, mở miệng nói gấp một câu gì đó không nghe rõ. Sau đó hắn nhảy ùm xuống hồ, bọt nước văng tóe lên.



Hắn vừa rơi xuống nước, cơ thể tựa như đang mang một quả cân nặng mà chìm sâu xuống tận đáy hồ. Bất luận là người trên thuyền hay người trên bờ đều cảm thấy sự việc vô cùng kỳ dị. Lập tức đều hô to: “Cứu người, mau cứu người.”



Có người lớn tiếng kêu gọi, Ân Nhược Dương đã nhanh chóng bước ra nhảy xuống hồ đầu tiên. Ngay sau đó cũng có mấy người lặn giỏi cũng theo hắn xuống nước cứu người. Dựa theo ánh sáng của mặt trăng, bọn họ lặn tìm ở phía dưới rất lâu, mãi mới kéo được người chết chìm kia lên mặt hồ. Họ đặt người kia nằm bên bờ hồ, Ân Nhược Dương đưa tay kiểm tra hơi thở, lắc đầu thở dài: “Muộn rồi.”



Trác Dật Phi cũng chen vào trong đám đông nhìn thử, hắn lắp bắp kinh hãi: “Là hắn!”




Người chết đuối ấy chính là người đàn ông trung niên đã đến quý phủ của hắn vào sáng nay. Vừa hết kinh ngạc, Trạc Dật Phi lại bắt đầu trầm tư.



Một khúc nhạc tiên như thế lại do chính một gã hán tử thô kệch, chưa từng học hỏi văn hóa Huân Đào tạo ra ư? Hắn cũng là người trung niên đến mang cây cầm câm rời đi lúc ban sáng sao? Nhưng tại sao sau khi hắn khảy một khúc đàn kia liền nhảy hồ tự vẫn?



Đám người vây xem cũng đều tỏ vẻ kinh ngạc:



“Người này khi nãy đang đàn rất hay, tại sao sau khi khảy xong một khúc liền lao xuống tự sát vậy?”




“Chẳng lẽ trong lòng có chuyện u uất cho nên chạy tới hồ này để khảy ra một khúc nhạc cuối đời rồi tự sát.”



Có người nghe hiểu tiếng cầm phản bác lại: “Nói bậy, tiếng đàn khi nãy du dương nhẹ nhàng như lời tâm tình của cô gái, không hề có chút tang thương nào sao có thể nói là một khúc nhạc cuối đời.”



“Hắn tuyệt đối không phải muốn nhảy xuống hồ tự sát. Khi nãy ta ở khá gần nghe được hắn nói một câu: Thật đẹp quá! Ta đến đây.” Có người đậu thuyền sát gần thuyền người nọ, thuật lại cho mọi người nghe lời nói của hắn.



“Thật đẹp quá! Ta đến đây. Nghĩa là sao?”



“Ngươi muốn biết thì đi mà hỏi hắn.”



“Chẳng lẽ người này cũng uống rượu say khướt, giống Lí Thái Bạch nhìn thấy bóng trăng dưới hồ mà mê mẩn liền đâm đầu lao xuống hồ để chạm vào ánh trăng.”



Mỗi người một câu, nhiều người nhiều ý mà bàn luận xôn xao. Có một con thuyền nhỏ khác cập bờ, kéo theo con thuyền của người trung niên khi nãy. Đám người liền vây tới ngó xem trên thuyền kia có những món vật nào. Cơ mà ngoại trừ cây cầm ra, họ đều không tìm thấy bất cứ thứ gì khác.



Trác Dật Phi tuy cũng suy đoán mơ hồ, nhưng chỉ đến khi nhìn thấy tận mắt cây cầm quen thuộc, nội tâm hắn liền chấn động. Quả nhiên...... Là cây đàn câm này. Không ngờ nó có thể ngay giữa Sấu Tây Hồ trong đêm trăng rằm mà tạo ra một khúc nhạc tuyệt diệu như nhạc tiên.



Có người nhiều chuyện bước xuống thuyền cầm cây cầm kia, vừa nói vừa tiện tay khảy nhẹ dây đàn: “Cây cầm này vừa nhìn liền biết ngay là cầm thượng hạng. Lúc nãy còn tạo ra tiếng nhạc du dương như......”



Hắn đang nói dở bỗng im bặt lại, bởi vì cây đàn ấy không hề vang lên tiếng nào cho dù dây vẫn đang rung. Hắn giật mình kinh ngạc, ngón tay khảy mạnh hơn một chút. Kết quả vẫn vậy, cây đàn không phát ra tiếng.



Người vây xung quanh đều ngạc nhiên. Lúc nãy cây cầm này đã tấu cho mọi người nghe một bản nhạc du dương tuyệt vời. Bên trong thuyền nhỏ đó cũng chỉ có một người một cầm, nay người kia đột nhiên chết đuối, cầm đột nhiên câm lặng. Chuyện này rốt cuộc là sao vậy?



Chú thích:



(1) Đại thi hào: Nhà thơ lớn