Chuỗi Án Mạng A.B.C

Chương 13




Những cuộc họp!

Hầu hết ký ức của tôi về vụ A B C đều liên quan đến họp hành.

Họp ở Scotland Yard. Ở nhà của Poirot. Họp chính thức. Họp không chính thức.

Còn cuộc họp này là để quyết định liệu nên hay không nên công bố trên báo chí những bằng chứng liên quan đến hai lá thư nặc danh.

Vụ giết người ở Bexhill gây chú ý hơn vụ ở Andover.

Đương nhiên có nhiều yếu tố khiến nó nổi tiếng hơn. Trước hết vì nạn nhân là một cô gái trẻ đẹp. Ngoài ra, vụ này diễn ra ở một khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng.

Tất cả chi tiết của vụ án được đưa tin đầy đủ và được xào đi xào lại lại hàng ngày mà không thêm bớt gì mấy. Quyển thông tin đường sắt A B C cũng được chú ý không kém. Giả thiết được đưa ra nhiều là quyển đó được tên sát nhân mua ở địa phương và là một manh mối giá trị để tìm ra nhận dạng của hắn. Quyển sách cũng có thể chứng minh rằng hắn ta đến nơi gây án bằng tàu và có ý định rời nơi đó để đi Luân Đôn.

Quyển thông tin đường sắt không hề được nhắc đến trong các bản báo cáo sơ sài của vụ Andover thế nên hiện tại trong mắt công chúng dường như không hề có mối liên kết giữa hai vụ án.

Phó đội trưởng điều tra hình sự nói: “Chúng ta phải đưa ra một cách giải quyết. Chỉ có điều là cách nào sẽ mang lại kết quả tốt nhất? Chúng ta có nên công bố bằng chứng cho công chúng biết nhằm tranh thủ sự cộng tác của họ vì dù sao đó sẽ là sự cộng tác của vài triệu người để tìm ra kẻ điên cuồng...”

Bác sĩ Thompson xen vào: “Hắn sẽ không giống một thằng điên đâu”.

“... tìm những nơi bán quyển A B C và đại loại vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ có lợi thế nếu làm việc trong bóng tối - nghĩa là không để cho hắn biết chúng ta đang làm gì, nhưng thực tế hắn biết rất rõ những thứ chúng ta biết. Hắn cố tình để chúng ta chú ý đến hắn thông qua các bức thư đó. Ờ, Crome, ý anh thì sao?”

“Tôi nghĩ thế này, thưa ông. Nếu mình công bố thì có nghĩa là mình tham gia trò chơi của A B C. Đó là điều hắn muốn - công khai - tiếng tăm. Đó là điều hắn đang theo đuổi. Tôi nói vậy có đúng không bác sĩ? Hắn muốn gây sự chú ý”.

Thompson gật đầu.

Phó đội trưởng điều tra hình sự thận trọng nói:

“Thế là ông đồng ý với ý kiến ngăn cản hắn. Không cho hắn công khai như hắn thèm muốn. Còn ông thì sao, ông Poirot?”

Poirot im lặng một lát. Khi nói ông lựa từng từ rất kỹ càng.

“Thật khó cho tôi quá, ông Lionel à. Như ông biết đấy, tôi là người mà hắn quan tâm. Hắn gửi cho tôi thư thách đố. Nếu tôi nói: ‘Ém nhẹm chứng cứ - không công khai nó’, người ta có không nghĩ rằng tôi tự cao tự đại mà nói vậy đâu? Mà họ nghĩ rằng tôi sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình? Khó thật! Nói thẳng - kể hết - cũng có cái lợi của nó. Ít ra, cũng là một lời cảnh báo... Mặt khác, tôi cũng nghĩ như thanh tra Crome rằng đó là điều tên sát nhân muốn chúng ta làm”.

“Hừm!” Phó đội trưởng điều tra hình sự vừa nói vừa xoa cằm. Ông nhìn qua bác sĩ Thompson. “Giả sử chúng ta không để tên điên đó thỏa mãn mong muốn được công chúng biết đến. Hắn sẽ làm gì?”

Bác sĩ lập tức trả lời: “Gây thêm một án mạng nữa. Buộc chúng ta phải ra tay”.

“Còn nếu chúng ta tung tin trên các báo thì hắn sẽ phản ứng thế nào?”

“Câu trả lời vẫn thế. Một cách thì anh làm cho hắn càng hoang tưởng hơn còn một cách thì anh ngăn cản nó. Kết quả vẫn thế. Hắn vẫn lại gây án thôi”.

“Ông nghĩ sao, ông Poirot?”

“Tôi đồng ý với bác sĩ Thompson”.

“Tình thế tiến thoái lưỡng nan nhỉ? Ông nghĩ thằng điên này định gây ra bao nhiêu vụ án mạng?”

Bác sĩ Thompson nhìn về phía Poirot.

Ông hào hứng nói: “Có vẻ như là từ A tới Z”.

Rồi ông tiếp: “Đương nhiên hắn sẽ không làm được thế. Không đời nào. Chúng ta sẽ tóm hắn sớm thôi. Rất muốn biết hắn sẽ làm thế nào với chữ cái X đây”. Ông nói với vẻ có lỗi vì đã suy đoán một cách vui vẻ vô tư thế. “Nhưng chúng ta sẽ tóm được hắn sớm thôi. G hoặc H gì đó”.

Phó đội trưởng đấm tay xuống bàn.

“Trời ơi, ý ông là chúng ta sẽ có thêm nhiều vụ giết người nữa sao?”

Thanh tra Crome lên tiếng: “Không nhiều thế đâu, thưa sếp. Tin tôi đi”.

Anh ta nói một cách tự tin.

Poirot hỏi: “Thế anh đoán là chữ cái nào, anh thanh tra?”

Giọng ông có vẻ mỉa mai. Tôi cảm thấy Crome nhìn ông vừa ghen ghét vừa kẻ cả như thường lệ.

“Có thể tóm hắn vụ sau thôi, thưa ông Poirot. Bằng mọi giá, tôi đảm bảo sẽ bắt hắn trước khi hắn tới được chữ F”.

Anh ta quay sang phó đội trưởng điều tra hình sự.

“Tôi nghĩ tôi nắm được tâm lý vụ án khá rõ ràng. Bác sĩ Thompson vui lòng chỉnh tôi nếu có gì sai. Tôi cho rằng cứ sau mỗi vụ A B C gây ra thì sự tự tin của hắn lại tăng lên 100%. Mỗi lần hắn cảm thấy ‘Ta thông minh - họ không bắt được ta đâu!’ hắn càng trở nên tự cao tự đại hơn dẫn đến việc hắn trở nên bất cẩn. Hắn cường điệu sự thông minh của hắn và càng thấy kẻ khác thật ngu ngốc. Chẳng mấy chốc mà hắn không thèm đề phòng nữa. Đúng thế không, bác sĩ?”

Thompson gật đầu.

“Thường là thế. Theo cách nói bình dân thì vậy là quá chuẩn. Ông biết rõ những chuyện như thế đó rồi, ông Poirot ạ. Đúng không nào?”

Tôi nghĩ Crome không thích khi Thompson kéo cả Poirot vào. Anh ta cho rằng anh ta và chỉ mình anh ta thôi là chuyên gia trong vấn đề này.

“Đúng như thanh tra Crome nói”, Poirot đồng tình. “Bệnh hoang tưởng”, ông bác sĩ lẩm bẩm.

Poirot quay sang Crome.

“Có vật chứng nào đáng chú ý ở vụ Bexhill không?”

“Không có gì rõ ràng cả. Một phục vụ bàn ở Splendiđe, Eastbourne, nhận ra tấm ảnh của nạn nhân và cho hay cô gái này đã ăn tối với một người đàn ông trung niên có đeo kính vào chiều tối ngày 24. Bức ảnh cũng được người ở nhà nghỉ Scarlet Runner nằm ở đoạn giữa Bexhill và Luân Đôn nhận ra. Họ nói cô gái ở đó vào khoảng 9 giờ tối ngày 24 với một người đàn ông trông như sĩ quan hải quân. Có thể không phải cả hai đều đúng nhưng có lẽ một trong hai người đúng. Đương nhiên có nhiều người khai báo nhận dạng của nạn nhân nữa nhưng hầu hết không giúp ích được mấy. Chúng ta vẫn chưa tìm ra dấu vết của A B C”.

Phó đội trưởng điều tra hình sự nói: “Ừm, có vẻ anh đã làm mọi cách rồi Crome ạ. Ông nghĩ sao, ông Poirot? Việc điều tra có giúp ông tìm ra manh mối nào không?”

Poirot chậm rãi đáp:

“Tôi thấy là có một manh mối rất quan trọng - đó là tìm ra được động cơ”.

“Chẳng phải việc đó rõ ràng rồi ư? Hội chứng bảng chữ cái. Có phải ông dùng thuật ngữ đó không, bác sĩ?”

“Ça, oui”, [1] Poirot nói. “Đó là hội chứng bảng chữ cái. Nhưng sao lại là hội chứng bảng chữ cái? Một tên điên nói riêng luôn có một lý do phạm tội rất lớn”.

“Nào, nào, ông Poirot”, Crome nói. “Lấy vụ Stoneman năm 1929 làm ví dụ nhé. Hắn ta kết thúc bằng cách giết bất kỳ ai khiến hắn khó chịu dù là ở mức độ nhỏ nhất”.

Poirot quay sang anh ta.

“Đúng thế. Nhưng nếu ông là nhân vật có tầm cỡ hay quan trọng, nhất thiết ông không nên bực mình chút nào. Nếu có con ruồi cứ liên tục đậu trên trán ông, khiến ông bực mình vì nó làm ông nhột - ông sẽ làm gì? Ông sẽ cố gắng giết con ruồi đó. Ông không chút mảy may băn khoăn về nó. Ông là người quan trọng - con ruồi chẳng là gì. Ông giết con ruồi và ông hết bị quấy rầy. Đối với ông, hành động đó là đúng đắn và chính đáng. Một lý do khác khiến ông giết con ruồi là nếu ông quá sạch sẽ. Con ruồi đó là nguồn nguy hiểm tiềm ẩn đối với cộng đồng - con ruồi phải bị loại bỏ. Đó là cách nghĩ của tên tội phạm bị rối loạn tâm thần. Nhưng bây giờ hãy xem xét vụ án này - nếu nạn nhân được chọn theo bảng chữ cái thì không phải họ bị giết vì là nguồn gây khó chịu cho bản thân tên giết người. Có quá nhiều sự trùng hợp nên không thể kết hợp hai làm một được”.

Bác sĩ Thompson phát biểu: “Nói thế cũng có lý. Tôi nhớ có một vụ ông chồng của một người phụ nữ bị kết án tử hình. Thế là bà ta bắt đầu giết từng thành viên trong hội đồng xét xử đó. Cũng mất khá nhiều thời gian người ta mới xâu chuỗi được vụ án. Mấy vụ đó rối rắm lắm. Nhưng như ông Poirot nói, vụ này thì khác vì tên sát nhân gây án ngẫu nhiên. Không phải hắn giết người đang cản trở hắn (mặc dù không quan trọng lắm) hay giết người theo lý lẽ của hắn. Hắn giết tu sĩ, hay cảnh sát hay gái điếm bởi vì hắn tin rằng họ đáng bị trừ khử. Theo tôi thì hai lý do trên đều không thể áp dụng vào vụ án này. Không thể liên kết vụ bà Ascher và Betty Barnard vì họ có cùng giai cấp. Đương nhiên, có khả năng đây là một vụ liên quan đến hội chứng giới tính. Cả hai nạn nhân đều là nữ. Đương nhiên, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn hơn sau vụ tiếp theo...”

“Trời ơi, cái ông Thompson này, đừng có luôn mồm nói đến vụ tiếp theo thế”, Lionel bực mình nói. “Chúng ta sẽ làm hết mình để ngăn cản vụ tiếp theo”.

Bác sĩ Thompson im lặng và hỉ mũi thật mạnh.

Tiếng hỉ mũi như muốn nói: “Cứ làm theo cách của ông đi. Nếu ông không đối mặt với sự thật...”

Phó đội trưởng điều tra hình sự quay sang Poirot.

“Tôi hiểu ý ông, nhưng tôi cũng chưa hoàn toàn rõ hết”.

“Tôi tự hỏi tên giết người đang suy tính gì?” Poirot đáp. “Theo như trong thư của hắn, hắn giết vì mục đích tiêu khiển - để cho vui. Có đúng vậy không? Và dù đúng là vây thì hắn dựa trên nguyên tắc nào để chọn nạn nhân ngoài việc dùng bảng chữ cái? Nếu hắn giết để giải trí thôi thì hắn sẽ không công khai sự việc vì nếu hắn không công khai thì hắn có thể giết mà không bị trừng trị. Nhưng không phải thế, như chúng ta đều đồng tình, hắn muốn gây sự chú ý với công chúng để khẳng định cá tính của hắn. Cá tính của hắn bị dồn nén như thế nào mà người ta có thể thấy được mối liên hệ của hai nạn nhân bấy nay hắn chọn? Ý cuối cùng: Động cơ của hắn có phải nhắm đến sự thù ghét cá nhân tôi, Hercule Poirot? Có phải hắn thách thức tôi trước công chúng vì có lần nào đó trong sự nghiệp tôi đã đánh bại hắn (mà chính tôi cũng không hay biết gì) chăng? Hay sự thù oán của hắn không liên quan đến riêng ai - mà nhắm vào một người nước ngoài nào đó? Và nếu như thế thì điều gì đã khiến hắn làm thế? Hắn đã bị người nước ngoài gây tổn thương gì?”

“Tất cả các câu hỏi trên đều đáng suy nghĩ”, bác sĩ Thompson nói.

Thanh tra Crome đằng hắng.

“Ồ, thế à? Tại thời điểm này thì có lẽ hơi khó trả lời”.

“Dù sao, anh bạn à,” Poirot nói và nhìn thẳng Crome, “cách giải quyết nằm trong những câu hỏi đó. Nếu chúng ta biết chính xác lý do - đối với chúng ta có lẽ kỳ quái - nhưng hợp lý đối với hắn - tại sao tên điên ấy gây ra những vụ án này, có lẽ chúng ta sẽ biết nạn nhân tiếp theo có thể là ai”.

Crome lắc đầu.

“Theo tôi nghĩ thì hắn tình cờ chọn họ thôi”.

“Một tên sát nhân hào hiệp”, Poirot nói.

“Ông bảo sao cơ?”

“Tôi nói - một tên sát nhân hào hiệp! Franz Ascher đáng lẽ đã bị bắt vì giết vợ - Donald Fraser đáng lẽ đã bị bắt vì giết Betty Barnard - nếu không nhờ có lá thư cảnh báo A B C. Vậy thì, hắn có nhân từ đến độ không muốn để cho kẻ khác phải chịu khổ vì những thứ họ không làm?”

“Tôi còn biết những vụ lạ lùng hơn thế”, bác sĩ Thompson nói. “Tôi từng chứng kiến những gã giết sáu bảy nạn nhân nát bét hết vì trước đó một trong những nạn nhân không chết ngay nên phải chịu đau đớn. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ đó không phải là lý do của gã này. Hắn muốn người ta công nhận những vụ án này do hắn gây ra vì thanh danh và vinh quang của hắn. Chỉ có giải thích như thế mới hợp lý thôi”.

“Vậy là chúng ta vẫn chưa quyết định được có nên đưa sự việc ra công chúng không”, phó đội trưởng nói.

“Thưa ông, tôi muốn đề xuất”, Crome lên tiếng. “Tại sao chúng ta không đợi đến khi nhận được lá thư tiếp theo? Lúc đó công bố nó trên các số báo đặc biệt, ví dụ thế. Nó sẽ gây hoang mang ở thành phố được nêu tên, nhưng sẽ giúp những ai có tên bắt đầu với chữ cái C cẩn thận hơn và thử thách nhuệ khí của A B C. Hắn sẽ quyết chí thành công. Và đó là lúc chúng ta tóm hắn”.

Chúng tôi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cả.