Sau cơn mưa.
Gió lành lãng đãng giữa ánh ban mai chiếu xuống ổ sói. Một tốp sói mẹ nuôi con nhởn nhơ quây thành vòng, rồi vừa chụm đầu rỉ tai nhau, vừa nhìn cảnh tượng hiếm khi xuất hiện trên triền núi.
Một con gấu nhỏ toàn thân đen tuyền – trừ nhúm lông trắng ở phần ngực – ngơ ngác đứng thẳng, hai tay buông thõng giữa bầy sói trắng.
Bên cạnh gấu nhỏ, một con sói con bẩn thỉu ngồi nghiêm chỉnh, chẳng qua chốc chốc nó lại ngoái đầu nhìn Thủy Thời và Phù Ly đứng phía sau bầy sói.
Mà Thủy Thời, cậu đang bận thích chí trước bộ dạng sững sờ của gấu con, cứ không ngừng kéo kéo tay Phù Ly mãi.
"Ha ha ha, anh nhìn kìa Phù Ly, nó trông ngố nhỉ, hớ hớ hớ, đen thùi lùi!"
Nói đoạn lại chống nạnh phá lên cười, "Cơ mà em chả có cà sa cho nó trộm!"
Phù Ly không hiểu thái độ phấn khích của bạn đời cho lắm, một con gấu con vắt mũi chưa sạch thôi mà, có phải của hiếm gì đâu nhỉ?
Chẳng qua vừa nhìn đã biết gấu con được mẹ chăm rất khéo, dù mới tỉnh lại từ giấc ngủ đông thì nó cũng mập mạp bụ bẫm vô cùng. Thực ra, sau khi bị lạc mẹ và anh chị em, thằng nhóc này đã vừa tìm mẹ vừa trốn gấu đực. Nào ngờ nó lại tình cờ gặp một con sói nhỏ, chơi với nhau khá hợp, rồi lơ tơ mơ thế nào mà bị người ta dẫn thẳng về ổ sói.
Đứng trước cơ man là sói trắng cao lớn bao vây mình nhưng Gấu Con không hốt hoảng, nghé mới sinh không sợ cọp, nó bé đến mức mẹ chưa kịp dặn nó rằng sói trắng còn đáng sợ hơn cả gấu.
Vậy nên bây giờ Gấu Con chỉ nghệt mặt đứng im trong trạng thái hơi căng thẳng.
Hang ổ của tộc sói trắng được lưu truyền từ đời tổ tiên, được canh giữ nghiêm ngặt hàng ngày, không cho phép các giống loài khác tiến vào. Tuy nhiên Gấu Con là do đích thân Sói Con dẫn về, hơn nữa nó chỉ là một đứa oắt con miệng còn hôi sữa, không có sức uy hiếp nào đáng kể.
Phù Ly vừa nhìn đã biết nó là một con thú non lạc đường bị một thằng oắt con khác lừa về ổ sói. Mà ổ sói là cái chốn gì cơ chứ. Gấu mẹ dù biết con mình ở trên triền núi thì có mười lá gan nó cũng chẳng dám mò lên tìm con.
Phù Ly tiến lên, nhóm sói cái nhường đường. Thế rồi Thủy Thời thấy hắn mỗi tay xách gáy một nhãi con, lao vèo vèo xuống núi, đến dòng sông bên thảm cỏ xa xăm, ném hai đứa nhóc vào lòng sông và ghì chúng xuống tắm rửa cho chúng.
Sói Con ra khỏi mặt nước, trắng tinh. Gấu Con ra khỏi mặt nước, vẫn đen thùi lùi.
Cuối cùng, sói trắng cho phép gấu con lạc đường tạm thời định cư ở biên giới của lãnh địa sói, như vậy nó vừa được bảo kê vừa tiện cho gấu mẹ tìm đến nó.
Nhân lúc rảnh rỗi, Thủy Thời làm kha khá bánh bột ngô rồi hồ hởi xuống núi tìm "yêu quái gấu đen". Gấu Con mê mẩn mùi bánh bột ngô thơm lừng, đến mức hễ nghe tiếng bước chân của Thủy Thời là nó lập tức nhào ra dón, bất luận nó đang làm gì ở đâu.
Có lần đang bắt ấu trùng thiêu thân trong khe núi thì nghe tiếng Thủy Thời, Gấu Con vội rút đầu nhưng không ngờ động tác gấp quá, mắc kẹt...
Hôm đó Thủy Thời được phen cười đau bụng. Gấu Con chổng mông ra ngoài, cố gắng rút đầu ra mà thất bại, may gặp Vua Sói đi tuần trở về dùng bộ vuốt bẩy khe đá cho nó. Gấu Con rên hừ hừ, đoạn vừa chống vách đá mượn lực vừa vận sức, sau đó ngã bịch xuống đất rồi lăn mấy vòng ra rõ xa mới dừng lại được theo quán tính.
Sau khi được cứu, nó loạng choạng chạy về phía Thủy Thời, vùi cái đầu to mềm vào lồng ngực cậu, cọ hồi lâu cho hết sang chấn rồi mới ăn ngấu nghiến một giỏ bánh.
Vua Sói liếc con gấu đần, lại nhìn thằng con nhà mình đang cười trên nỗi đau của gấu khác, cảm thán đúng là mây tầng nào gặp mây tầng đấy.
Hãy xem người anh em của Vua Sói trắng nó đi, người ta là vua của các loài thú trên núi đấy. Rồi lại nhìn người anh em suýt kẹt đầu trong cối đá của thằng con ngu xuẩn nhà nó...
Hầy, thôi kệ, mình về ổ gặp vợ vậy, vợ sắp sinh đến nơi rồi.
Tuy nhiên Thủy Thời lại rất cưng hai đứa oắt ngu ngốc này, thậm chí còn nhờ Phù Ly tranh thủ tìm gấu mẹ trong lúc tuần tra núi. Gấu mẹ thường nuôi con trong khoảng hai năm rồi mới tách nhau ra ở riêng, rời khỏi mẹ quá sớm thì con non không học được kỹ năng sinh tồn hoàn chỉnh. Mỗi giống loài có bí quyết sinh tồn riêng, người khác không thể dạy bù vào được.
Thủy Thời cho hai đứa nhóc ăn xong thì vác gùi vào rừng nhân lúc còn sớm sủa, cậu có rất nhiều việc phải hoàn thành.
Mưa xuân qua đi, vạn vật sống dậy, nấm và rau dại vô cùng tươi tốt.
Xuôi xuống theo sườn núi có một cánh rừng phát triển bên sông, nơi đây không khí ẩm, lại đón ánh mặt trời, là điều kiện thích hợp cho rau dại sinh sôi nảy nở. Do đó, không chỉ mình Thủy Thời đến hái rau mà cả hươu nai hay thỏ chuột cũng tề tựu về rừng, cùng san sẻ những chồi non đầu tiên của mùa xuân.
Thủy Thời lớn lên trong thành thị, thật sự không biết nhiều rau dại, một số kiến thức còn lại khả năng là nhờ có ký ức lao động của Thủy ca nhi. Cây cỏ trong rừng tươi tốt, hết lùm cây này đến lùm cây khác nhú lên giữa thảm lá khô. Thủy Thời chỉ hái rau cần và đọt non của cây bạch chỉ nên không thu hoạch được nhiều.
Mãi đến khi khoác gùi mây lên... Thủy Thời thấy một con thỏ pika chọn cùng bụi cần ta mơn mởn với mình. Nhìn đôi tai tròn tròn của nhóc thỏ, cậu tươi cười tránh sang bên. Thỏ pika ngớ ra chốc lát rồi sột soạt cắn rễ cây và tha rau về hang ổ.
Sau đó, trong lúc Thủy Thời tiếp tục cầm gậy đi mò mẫm thì thỏ pika lại quay trở về. Ban đầu nó chỉ vừa đứng đằng xa quan sát, vừa liếm cái chân bé xíu và giơ lên lau mặt. Cuối cùng thấy Thủy Thời không gây nguy hiểm gì, nó mới tiến lại gần.
Thế rồi Thủy Thời theo chân nó, hái được không ít rau dại mà cậu không biết tên. Nhóc con này thường xuyên ngậm một mớ thực vật nho nhỏ đến khoe với Thủy Thời rồi vọt vào cái ổ trong vách đá của nó.
Thỏ pika là chuyên gia sưu tầm các loại rau cỏ dại chất lượng tốt, chúng sẽ ngắt rau vào mùa xuân khi cây cỏ tươi tốt nhất, kế đó tha về ổ và phơi khô để chuẩn bị cho mùa đông. Chúng không ngủ đông mà vượt qua mùa đông bằng nguồn thức ăn dự trữ phong phú, tương tự loài người.
Khi nhóc thỏ pika tất tả di chuyển giữa rừng cây dưới thảo nguyên và vách đá trên sườn núi một cách không mệt mỏi, Thủy Thời đã học theo sự "chỉ bảo" của nó và tìm ra vô số loại rau giữ nước, trong số đó thậm chí có cả ngồng tỏi dại. Nếm thử, vị cay thơm đã lâu không gặp làm cậu sướng rơn.
Thủy Thời thích chúng lắm, bèn đào cả gốc cây lên, định bụng mang về trồng ở bãi đất trống sau ổ sói cho nó bén rễ, đâm chồi và kết hạt.
Nắng gắt ban trưa dần dịu lại, hơi lạnh theo đó phủ xuống núi rừng. Cái rét mùa đông chưa tan đi hết, đêm về sương giá vẫn treo cao.
Thủy Thời quệt mồ hôi, khoác gùi nặng, ra khỏi rừng.
Ngoài rừng, lác đác trên thảo nguyên rộng lớn là hươu và trâu dềnh dàng gặm cỏ. Bầy đàn bọn nó mới có nhiều con non, chúng vui vẻ chơi đùa trong vòng bảo hộ của cả bầy. Chúng ngây thơ và non nớt, phấn khởi tiêu xài tuổi ấu thơ, đến khi đói bụng lại lọ mọ tìm đến thú mẹ hãy còn gặm cỏ gần kề rồi luồn xuống dưới bụng mẹ bú sữa.
Nắng đỏ cam lợp lên mặt đất, màn trời xanh biếc tiếp giáp đồng cỏ mênh mông, đất và trời hòa thành một thể.
Ngược chiều nắng, ta sẽ thấy mặt trời đỏ hỏn khảm giữa đất trời, và ánh sáng của nó chiếu lên những hạt bụi li ti phiêu diêu trong không khí, chúng có thể là hạt giống lửng lơ hoặc là lông tơ thú vật.
Hòa vào ánh nắng là Phù Ly – cả người phát sáng dịu nhẹ - lặn lội từ trên núi đến. Thân hình cao lớn của hắn rẽ màn bụi-nắng đang nhè nhẹ bay, bước từng bước một tới trước mặt Thủy Thời.
Hắn thả lỏng mặt mày rồi nở nụ cười với nhóc thú cái nhễ nhại mồ hôi. Nhất thời, trái tim Thủy Thời như hẫng nhịp, cậu nhận ra mình yêu đối phương tha thiết làm sao, dẫu bên nhau sớm chiều mà vẫn khó lòng khống chế lòng si mê mãnh liệt của mình. Mỗi sáng sớm mở mắt thấy khuôn mặt đẹp trai không qua mài giũa của Phù Ly là Thủy Thời lại thấy vô cùng hạnh phúc.
Cậu hoàn toàn sẵn lòng ở lại mảnh đất không người, bầu bạn với chàng thú hoang nhà mình từ tuổi trẻ rực rỡ cho đến khi chậm rãi già nua.
Thủy Thời đặt gùi mây xuống, nhào vào lòng người đàn ông. Phù Ly đỡ lấy cậu, cọ cái mũi xinh xẻo của cậu rồi vui vẻ hôn cậu mấy cái. Xong xuôi hắn xách chiếc gùi bằng một tay, tay còn lại vẫn ôm bạn đời, cả hai cùng về ổ sói.
Tuy không thể biểu lộ tình cảm bằng thứ ngôn ngữ làm lòng người xốn xang như Thủy Thời, nhưng Phù Ly có trái tim nhân hậu và thân thể nóng cháy...
Sống trên núi dường như không biết đến thời gian, chớp mắt đã lại đến đêm rằm. Thủy Thời nhìn vầng trăng vằng vặc treo cao, lòng hơi thấp thỏm.
Cậu đã biết quy luật biến hóa cơ thể của Phù Ly: thường là lúc tâm trạng cực kỳ kích động hoặc vào dịp trăng tròn. Thủy Thời cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của những biến hóa ấy, liệu có phải sự thay đổi từ trường giữa trái đất và mặt trăng đã kích thích một số chất nào đó trong cơ thể? Hay là do ánh trăng gây ảnh hưởng tới cơ thể của mỗi tộc anh ấy?
Thủy Thời không tìm được đáp án, chỉ đành hy vọng Phù Ly có thể chống trụ được đêm nay, không hóa thành thân thú vì mất lý trí.
Nhờ sức ảnh hưởng của sự "trưởng thành" cũng như sự vững chắc của tâm lý, dạo gần đây những ngày biến đổi của Phù Ly trôi qua nhẹ nhàng hơn hẳn. Trước kia hắn từng xé rách gân cốt và hoàn toàn hóa sói, trong khi hiện giờ, dưới vòng tay vỗ về của bạn đời, hắn đã có thể chỉ để lộ một số đặc điểm của thú trên cơ thể người là xong.
Một ngày nào đấy, hẳn hắn sẽ hoàn toàn khống chế những lần biến hóa của mình.
Nhưng hôm nay thì Phù Ly vẫn bức bối như cũ. Vì không muốn ru rú trong hang, hắn liền rụt hết móng vuốt rồi cõng bạn đời chạy băng băng trong núi, điều này làm tâm tình của hắn thoải mái hơn.
Mà Thủy Thời cũng thích cảm giác ấy – nằm trên lưng người đàn ông khiến cậu vừa thấy yên tâm, vừa cảm nhận được niềm thích chí bất ngờ của tốc độ. Gió mát mơn man gò má, sao trời dẫn lối, núi non chớp mắt hóa đồng bằng.
Đó là khát vọng bấy lâu nay của Thủy Thời. Cậu luôn ước có một đôi chân khỏe mạnh cho cậu đi nhòe non nước.
Phù Ly vừa chạy vừa khoan khoái ngẩng đầu cất tiếng tru dài về phía mặt trăng. Đàn sói Đông Sơn hùa theo mà tru lớn, âm thanh vang dội khắp dãy núi, cổ kính và bao la.
Thủy Thời nhẹ nhàng vỗ vai Phù Ly với ý đồ trấn an, song lại chợt cảm giác xương sống hắn hơi lồi, theo sau là tiếng xương cốt kêu răng rắc. Chưa kịp hoàn hồn, cậu đã thấy tầm mắt mình mở rộng, khoảng cách giữa mình và mặt đất ngày một cao lên.
Nhìn xuống, cậu lại thấy bên dưới mình không còn là thân người mà là thảm lông dày mềm hơi lấp lánh dưới ánh trăng. Con thú khổng lồ nhảy một cú vững vàng và dài đến mức tưởng như có thể nhảy xuyên một cánh rừng cỡ nhỏ.
Thủy Thời sợ tinh thần của Phù Ly không ổn nên vội vàng ôm cổ sói, la lên, "Phù Ly! Anh không sao chứ Phù Ly?!"
Nhưng con sói khổng lồ lại dừng bước, quay đầu nhìn cậu.
Thủy Thời thấy mảng lông vàng óng kéo dài từ khóe mắt đến vành tai sói đang lập lòe tỏa sáng, khí thế nó uy nghiêm, hàm răng sắc nhọn, trông rất đáng sợ.
Chẳng qua đôi mắt thú vẫn là màu vàng sậm thân quen, vẫn nhìn cậu bằng ánh nhìn dịu dàng, tràn ngập thương mến.
________
Thỏ pika:
Đọt non cây bạch chỉ: