Theo kế hoạch ban đầu, sau khi ra khỏi đạo quán, Canh Dã và Biệt Chi định sẽ
đến một nhà hàng chay khá nổi tiếng ở lưng chừng núi Bình Lương để ăn trưa,
sau đó rời khỏi Tây Hoa.
Nhưng kế hoạch không theo kịp thay đổi.
Ngay lúc Biệt Chi còn đang phân vân không biết thứ vừa được dọn lên trước
mặt là món ăn hay là cây cảnh, thì chiếc điện thoại đặt trên chiếc bàn dài có tạo
hình hòn non bộ trong phòng riêng của Canh Dã bỗng đổ chuông.
Canh Dã cầm điện thoại lên, nhìn thấy tên người gọi đến, phản ứng đầu tiên của
anh là hơi nhíu mày.
Đôi đũa của Biệt Chi vô thức dừng lại trên ‘chậu cây cảnh’, như thể không biết
nên hạ xuống như thế nào. Cô liếc nhìn anh với ánh mắt dò hỏi.
“Em ăn trước đi.” Canh Dã đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế gỗ lê trong phòng
riêng, “Anh nghe điện thoại đã.”
“…”
Ánh mắt tò mò của Biệt Chi dõi theo anh.
Canh Dã không rời khỏi phòng, anh vừa nghe điện thoại vừa chậm rãi bước về
phía cửa sổ trong cùng của căn phòng.
Để phù hợp với phong cách ‘mộc mạc’ của chủ nghĩa thuần chay, từ cách trang
trí cho đến vật liệu trong nhà hàng này đều rất giản dị, ví dụ như rèm cửa sổ là
kiểu màn che rất cổ điển, vải lanh màu trắng gạo rũ xuống, khẽ lay động theo
làn gió mát rượi thổi đến từ lưng chừng núi.
Không biết là ai gọi cho Canh Dã, mặc dù vừa nhìn thấy người gọi đến anh có
hơi nhíu mày, nhưng hình như cũng không đến mức chán ghét lắm, ít nhất cũng
đã duy trì cuộc gọi này gần một phút đồng hồ. Trong khoảng thời gian đó anh
hầu như chỉ thỉnh thoảng trả lời cho có lệ.
Cho đến khi gần kết thúc cuộc gọi, Biệt Chi nghe thấy giọng nói trầm thấp pha
chút ngạc nhiên của Canh Dã: “Cô về nước rồi à?”
“…”
Không biết đầu dây bên kia nói gì, Canh Dã nghiêng người, đôi mắt đen láy liếc
nhìn vào trong phòng, “Để cháu hỏi cô ấy đã.”
“….”
“Đúng vậy, cháu lúc nào mà chẳng nghe lời cô ấy.”
“….”
“Không vừa mắt là chuyện của ông ấy, lớn tuổi rồi, cũng nên học cách thích
nghi với luật lệ xã hội đi.”
“….”
“Luật lệ gì à? Thì luật lệ ông ấy không phải mặt trời, không thể nào bắt tất cả
mọi người đều phải xoay quanh ông ấy được.”
“….”
(*Trong tiếng Trung thường dùng我–你 (tôi-bạn) để chỉ mình và đối phương,
không phân biệt ra cô dì chú bác như bên Việt Nam mình, cho nên Biệt Chi
không nhận ra chính xác là Canh Dã đang nói chuyện với ai. Nhưng lúc chuyển
ngữ thì Làn để rõ ra cháu với cô nha, chứ không để bạn với tôi được ^^)
Biệt Chi vừa chớp mắt vừa lắng nghe. Không hiểu sao cô bỗng nhạy bén nhận
ra ở đầu dây bên kia điện thoại hẳn là ‘người nhà’ mà Canh Dã ít muốn nhắc
đến nhất.
Nhưng có vẻ như mối quan hệ với vị này cũng không đến mức quá tệ. Ít nhất là
có thể khiến Canh Dã kiên nhẫn nghe điện thoại hơn một phút mà không cúp
máy.
Ngay lúc Biệt Chi đang miên man suy nghĩ, chàng trai đứng bên cửa sổ đã kết
thúc cuộc gọi bằng một tiếng khịt mũi lạnh lùng đầy khinh thường.
Canh Dã sải bước đi tới, mí mắt hơi cụp xuống, vẻ mặt có chút uể oải lại bực
bội quay lại bàn ăn.
“Cô Út của anh về nước rồi, trùng hợp là cũng đang ở Tây Hoa.”
Ngón tay thon dài của anh khẽ cong lên, gõ nhẹ lên mặt bàn gỗ lê, giọng nói
chậm rãi pha chút gì đó không chắc chắn: “Bà ấy muốn mời em đi uống trà
chiều, em có muốn đi không?”
Biệt Chi hơi ngẩn người: “Chỉ có em với bà ấy thôi sao?”
Bả vai của cô gái hơi thẳng lên, giống như một chú mèo con cảnh giác lặng lẽ
ưỡn thẳng lưng.
Nhận ra điều này, sắc mặt Canh Dã hơi dịu lại, nụ cười nhạt nhẽo thoáng qua
trong đôi mắt đen láy sâu thẳm: “Làm sao có chuyện đó được, nếu em muốn đi,
dĩ nhiên anh sẽ đi cùng em.”
Biệt Chi thở phào nhẹ nhõm.
Canh Dã nói thêm: “Nếu như em không muốn đi, vậy thì anh sẽ từ chối bà ấy.”
Biệt Chi do dự hỏi lại: “Vậy anh muốn em đi không?”
Cô biết quan hệ của Canh Dã với người nhà rất căng thẳng, chỉ từ những lời nói
úp mở của Canh Dã trước đây cộng thêm với những gì Kỳ Diệc Dương nói hôm
nọ cũng đủ để cho Biệt Chi đoán được phần nào nguyên do.
Cô không muốn bản thân trở thành một cây cầu nối, để rồi những kẻ mà anh
không muốn tiếp xúc từng làm tổn thương hay phụ bạc anh có thể lấy cô ra để
viện cớ ép buộc tiếp cận anh.
Mà cho dù Biệt Chi không nói ra suy nghĩ này thì Canh Dã cũng có thể hiểu
được đại khái sau khi hai người nhìn nhau giây lát.
Chàng trai cụp mắt xuống, cười khẽ.
Cũng lạ thật, những cảm xúc tiêu cực khó kiềm chế khi nhắc đến ông nội và
những người khác trong nhà họ Canh cùng Canh Nhữ Lan lại dễ dàng tan biến
chỉ dưới một ánh mắt của cô.
Anh bất giác vòng qua bàn dài, tiến về phía chiếc ghế bành của cô gái.
Trước khi cô kịp đứng dậy, anh đã quỳ xuống trước mặt cô.
“Vốn dĩ anh cảm thấy không cần thiết phải để em đi gặp bất kỳ người nào trong
nhà họ Canh, dù sao sau này cũng không còn liên lạc gì nhiều.” Canh Dã khựng
lại, hàng mi dài cụp xuống, “Nhưng mà cô Út bảo là, người yêu đương nghiêm
túc thì phải gặp gỡ phụ huynh. Nếu anh không đưa em đi gặp ai trong nhà, hẳn
sẽ bị nói là không đủ thành ý.”
Biệt Chi nghe vậy bật cười: “Từ bao giờ anh lại để tâm đến chuyện người khác
nghĩ gì thế?”
“Chuyện liên quan đến em, anh đương nhiên phải để tâm.” Canh Dã không cần
suy nghĩ, buột miệng đáp.
Biệt Chi khựng người, cúi đầu mỉm cười: “Canh Dã, anh càng ngày càng dẻo
miệng rồi đấy.”
“? Đây mà đã gọi là dẻo miệng á?”
Canh Dã nhíu mày, tay chống lên thành ghế của cô, bất chợt đứng thẳng người
dậy từ tư thế nửa quỳ, hệt như một con báo nhanh nhẹn và xảo quyệt, nhưng
không phải lao vào săn mồi mà chỉ nhẹ nhàng đặt lên môi cô một nụ hôn, “Đi
không?”
Chàng trai ghì chặt hai bên thành ghế, nhốt cả người cô trong lòng ghế, khom
người, đôi mắt đen láy hơi cụp xuống.
Thẻ gỗ cầu duyên không cất vào lại trong áo mà lúc này đang buông thõng trên
cổ anh, lắc lư theo dư âm của động tác vừa rồi.
Hệt như một loại mê hoặc.
“…Đi.”
Lời nói buột miệng thốt ra.
Sau khi hoàn hồn, chính Biệt Chi cũng thấy bất ngờ.
Do ảnh hưởng từ gia đình nên xưa nay cô rất ngại ngùng với những cuộc gặp gỡ
kiểu cách giữa bề trên và con cháu —
Trước khi buột miệng đồng ý, chính Biệt Chi cũng không ngờ bản thân lại chấp
nhận.
Nghĩ ngợi vài giây, Biệt Chi lại cảm thấy thoải mái hơn một chút. Yêu một
người có lẽ là như thế, sẽ làm những hành động trong vô thức, dù cho có trái
với bản tính thì cũng muốn hiểu anh ấy hơn, hiểu càng nhiều càng tốt.
Lần này động tác của Canh Dã đã dịu dàng hơn, muốn rời đi nhưng lại không
nỡ, lưu luyến hôn lên môi cô: “Được, ăn cơm xong anh đưa em đi.”
–
Có một khoảng thời gian Biệt Chi đã từng ngây thơ cho rằng sau khi xuống
khỏi chiếc bàn phẫu thuật lạnh lẽo kia, cuộc sống của cô sẽ không còn bất kỳ
sóng gió nào có thể khiến cô nảy sinh cảm xúc căng thẳng tương tự nữa.
Cho đến khi hiện thực tát vào mặt cô một cái rõ đau.
“… Sao tay em lại lạnh thế này?”
Đến bãi đậu xe của câu lạc bộ tư nhân mà Canh Nhữ Lan đưa địa chỉ, lúc đợi
Biệt Chi xuống xe, Canh Dã nắm lấy tay cô mới chợt nhận ra điều này.
Chàng trai nghiêng đầu nhìn vài giây, đột nhiên bật cười: “Chi Chi, chẳng lẽ em
đang căng thẳng à?”
“Đâu có.” Biệt Chi cứng đờ mặt, cãi bướng, “Tại trời lạnh quá thôi.”
Canh Dã không nỡ vạch trần cô, chỉ vui vẻ cúi đầu cười.
Anh cởi cúc áo khoác mở áo khoác ra, dưới ánh mắt khó hiểu của Biệt Chi,
Canh Dã nắm lấy cổ tay cô kéo về phía mình rồi nhét bàn tay lạnh ngắt kia vào
trong áo khoác.
Chạm vào lớp áo len mềm mại, đầu ngón tay Biệt Chi gần như có thể cảm nhận
được vòng eo rắn chắc của anh.
“…!”
Cô giật bắn người, gương mặt lập tức đỏ bừng.
“Canh Dã.” Biệt Chi khẽ cắn răng, hạ giọng, “Đang ở chỗ đông người,
anh….chú ý ảnh hưởng một chút.”
Chàng trai uể oải liếc nhìn cô: “Anh ủ ấm tay cho bạn gái mình thì có gì đâu
phải chú ý ảnh hưởng.”
Nói rồi, anh dùng bàn tay còn lại ôm lấy eo cô, kéo cô sát lại.
Chiếc áo khoác dài bị mở ra, cuối cùng anh ôm trọn cô gái trước mặt vào lòng.
Qua lớp áo len mỏng, Biệt Chi có thể cảm nhận được từng đường cong cơ bắp
săn chắc trên ngực và bụng anh.
Canh Dã cúi đầu, nhẹ nhàng tựa cằm vào đỉnh đầu cô, như cây hợp hoan quấn
quýt thân mật, giọng anh khàn khàn nhưng lại đầy vui vẻ: “Như vậy còn thấy
lạnh nữa không?”
Biệt Chi đỏ mặt: “…”
Muốn tự bốc cháy luôn rồi, cảm ơn.
Đợi ở dưới sảnh của câu lạc bộ tư nhân kia hai phút, đến khi trợ lý riêng của
Canh Nhữ Lan đích thân xuống đón họ, Biệt Chi và Canh Dã mới đi theo sau vị
trợ lý đó cùng nhau bước vào thang máy của câu lạc bộ.
Trợ lý quẹt thẻ, ấn tầng, sau đó im lặng như không tồn tại đứng ở một góc.
Trong khoang thang máy đang từ từ đi lên, không gian yên tĩnh đến mức dường
như có thể nghe thấy tiếng tim đập.
Canh Dã nắm tay Biệt Chi, khẽ cào nhẹ lòng bàn tay cô: “Đừng căng thẳng.”
“Ừm.”
Như là muốn Biệt Chi yên tâm, Canh Dã suy nghĩ một lúc lâu, cho đến khi cửa
thang máy mở ra, trợ lý dẫn đầu bước ra trước, giẫm lên tấm thảm mềm mại
được trải trên hành lang dài bên ngoài.
Canh Dã nghiêng người ghé vào tai Biệt Chi thì thầm: “Cô Út của anh không
giống với những người khác trong nhà họ Canh đâu, em đừng lo lắng.”
Biệt Chi cũng cảm nhận được điều đó.
Cô đoán nếu hôm nay đổi lại là người khác trong nhà họ Canh gửi lời mời này,
chắc chắn Canh Dã sẽ không hỏi ý kiến của cô —— à không, thậm chí có khả
năng anh sẽ không bắt máy luôn ấy chứ.
Vì thế Biệt Chi cũng có chút tò mò, bèn hạ thấp giọng hỏi: “Khác ở điểm nào?”
Canh Dã ngẫm nghĩ, sau đó nhếch môi nở một nụ cười lạnh lùng đầy mỉa mai:
“Bà ấy biết nói tiếng người.”
Biệt Chi: “?”
Trợ lý: “…”
Canh Nhữ Lan vốn dĩ vừa đi đến cửa, đang được trợ lý đẩy cửa phòng trà ra, lúc
này cũng: “…”
Một phút sau.
Bên trong phòng trà riêng của câu lạc bộ chỉ còn lại ba người, Canh Nhữ Lan
ngồi cách bàn trà nhìn chàng trai phía đối diện, cười khẩy nói: “Cô, biết, nói,
tiếng, người?”
Hình như trong phòng trà có bật lò sưởi, hơi nóng lan tỏa khắp phòng, khiến
con người cũng trở nên lười biếng.
Canh Dã dựa vào ghế sofa, hai chân dài vắt chéo một cách tùy ý, mí mắt anh
hơi rũ xuống, giọng điệu càng thêm uể oải: “Hiểu ý chính là được rồi.”
“Ý chính của cháu là đang khen cô hay đang mắng cô đây?” Canh Nhữ Lan vẫn
không chịu buông tha cho anh.
Canh Dã nhướng mắt: “Cô bảo cháu đưa Chi Chi tới đây, chẳng lẽ là để dạy
Ngữ Văn cho cháu à?”
Ý tứ ‘còn nói nữa là cháu đi đấy’ tuy nhạt nhẽo nhưng lại được thể hiện rất rõ
ràng.
Canh Nhữ Lan dường như bị chọc cười, quay sang nói với Biệt Chi: “Sao cháu
chịu được cái tính chó má mà kiên nhẫn này của nó hay vậy?”
Canh Dã cau mày: “Cô còn muốn bôi xấu cháu nữa à?”
Không đợi Canh Nhữ Lan lên tiếng, anh khẽ cười một tiếng, quay mặt sang
hướng khác: “Cô cũng chẳng nghĩ xem là cách cháu đối xử với cô ấy làm sao
giống cách cháu đối xử với mọi người được?”