Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 47: Mạnh dạn đưa ra yêu cầu của bạn




Ngô Nại, nữ, 15 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi thường xuyên than thở mình thật khổ. Năm nay tôi mười lăm tuổi, đang học lớp chín. Tôi từng có những năm tháng ấu thơ hạnh phúc. Lúc đó, tôi là một đứa con gái thích làm nũng; anh cả và anh hai của tôi rất thích bế tôi đi chơi khắp mọi nơi. Còn nhớ có một lần, hai anh tôi cùng với một đám trẻ con chạy lên sườn dốc chơi đánh cầu. Ngồi nhìn mọi người chơi chán, tôi liền một mính chạy lung tung trên sườn dốc rồi không may ngã lăn xuống sườn dốc. Sợ quá, tôi khó ầm lên, các anh vội vàng bế tôi lên, thế nhưng tôi rất giận vì ban nãy họ đã bỏ tôi ngồi một mình, thế nên cứ khóc cho đến khi khàn đặc cả tiếng. Cuối cùng, hai anh tôi bị bố mẹ mắng cho một trận nên thân.

Lúc sinh tôi, bố mẹ tôi đã bốn mươi tuổi rồi, vì thế hai anh đều lớn hơn tôi nhiều. Có người nói hai anh cứ như chú của tôi vậy. Cũng chính vì lẽ đó mà khi còn nhỏ, ở nhà tôi vẫn được mọi người chiều chuộng như một cô công chúa bé nhỏ.

Vài năm sau, anh cả tôi xa nhà đi học đại học ở tận Bắc Kinh xa xôi. Không lâu sau, anh hai cũng thi đỗ vào một trường trung cấp ở nơi khác. Trong nhà bỗng chốc trở nên vô cùng yên ắng, khiến tôi cảm thấy không thể quen được. Mặc dù vậy, gia đình tôi vẫn rất hạnh phúc. Mỗi khi đến kì nghỉ là hai anh lại về nhà đoàn tụ. Hai anh ngồi trên giường nói chuyện với mẹ, tôi tinh nghịch chạy qua chạy lại, hai anh chỉ xoa đầu tôi và cười rất tươi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, nhưng ai nấy đều cảm thấy rất hạnh phúc.

Biến cố trong gia đình xuất phát từ anh hai tôi. Người anh hai sống nội tâm của tôi gặp phải mâu thuẫn ở trường nên mắc bệnh tâm thần phân liệt, phải về nhà dưỡng bệnh. Chuyện này đã gây ra một cú sốc lớn cho gia đình tôi. Bố mẹ tôi vì quá lo lắng mà già đi rất nhiều; từ một con bé chỉ biết làm nũng, tôi đã trở thành một đứa con gái đã biết giúp đỡ bố mẹ. Cả nhà đều lo lắng cho anh hai. Lúc đó, người anh cả chuẩn bị tốt nghiệp đại học chính là trụ cột của cả gia đình. Tôi rất hy vọng anh tôi có thể về đây công tác, giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng, dù sao thì bố mẹ tôi cũng đã lớn tuổi rồi.

Nhưng cuối cùng, tôi vô cùng thất vọng khi biết anh cả quyết định ở lại Bắc Kinh làm việc. Anh yêu một chị học cùng trường, chính là chị dâu của tôi bây giờ. Chị dâu muốn ở lại Bắc Kinh, thế nên cả hai ở lại đó, không về quê nữa. Bố mẹ tôi chẳng hề trách móc gì anh cả, còn nói anh cả tôi làm vậy là đúng, còn trẻ nên lấy sự nghiệp làm trọng. Nhưng tôi lại thầm cảm thấy rất thất vọng về anh cả. Tục ngữ có câu “Lấy vợ quên mẹ”, tôi cảm thấy câu này quả không sai.

Anh cả tôi với ổn định ở Bắc Kinh, thu nhập cũng không cao, nhưng anh vẫn gửi tiền về nhà đều đặn. Bố mẹ tôi không nỡ tiêu tiền của anh cả, thế nên đã đem gửi hết vào ngân hàng, sẽ gửi cho anh cả khi anh cưới vợ. Cả nhà tôi sống hết sức tiết kiệm. Bệnh của anh hai ngày càng nặng khiến bố mẹ tôi rất buồn; những phiền muộn trong cuộc sống làm cho bố mẹ già đi nhiều. Tôi cảm thấy gia đình tôi thật quá bất hạnh, tôi cũng ít khi cảm thấy nhẹ nhõm, thành tích học tập cũng vì thế mà vị ảnh hưởng.

Anh trai tôi làm đám cưới ở Bắc Kinh. Đám cưới của anh có rất ít người đến dự. Anh cùng chị dâu mở một công ty riêng, cả hai đều rất bận rộn. Hai anh chị kết hôn đã mấy năm mà chưa dám sinh con, chị dâu nói hai anh chị ngày nào cũng như đi đánh trận, làm sao mà mang con theo được. Bố mẹ tôi rất áy náy, thấy có lỗi với hai anh chị; nếu không phải vì anh hai mắc bệnh thì ông bà đã có thể lên chăm cháu cho anh chị rồi. Thực ra cách nghĩ của tôi khác với bố mẹ. Tôi thấy bố mẹ đã già rồi, cả đời cực khổ, bây giờ con cái đã trưởng thành, bố mẹ nên được nghỉ ngơi, hưởng phúc mới phải. Thế nhưng anh hai tôi…

Công xưởng nơi bố mẹ tôi làm việc trước đây làm ăn ngày một xuống dốc, lương hưu của bố mẹ ngày càng ít đi. Chi tiêu trong nhà rất tốn kém, anh hai hiện nay không thể làm việc, lại còn phải chữa bệnh; tôi cũng đang đi học. Tôi cảm thấy nếp nhăn hằn trên trán bố mẹ ngày càng sâu hơn, ngày nào bố mẹ cũng buồn phiền vì chuyện tiền bạc. Tôi rất muốn mính có thể đi làm ngay lập tức để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Đáng tiếc là hiện giờ tôi chưa thể làm được. Bố tôi vì muốn kiếm thêm chút tiền nên đã đến làm thuê cho một xưởng sửa chữa ô tô. Nhưng mới đi làm được một tháng thì bố tôi phát bệnh vì làm việc quá sức. Nhìn hoàn cảnh gia đình quá thê thảm, tôi bèn nén nước mắt viết thư cho anh cả và chị dâu, hy vọng anh chị có thể tranh thủ thời gian về thăm nhà và giúp đỡ bố mẹ được phần nào.

Rất lâu sau đó, tôi mới nhận được thư của chị dâu. Trong thư có viết, công ty của anh chị ấy hiện giờ làm ăn không được tốt, nợ nần đầm đìa, vô cùng khó khăn, vì thế anh chị không thể giúp đỡ nhiều cho gia đình, cũng không có thời gian về thăm nhà. Tôi xem qua rồi xé nát bức thư. Trong lòng tôi bỗng nhiên cảm thấy nguội lạnh, gia đình hạnh phúc năm nào giờ đã không còn nữa.

Tôi cũng sắp tốt nghiệp rồi. Tôi không muốn học tiếp lên trung học, kinh tế gia đình không cho phép tôi học lên cao. Tôi cũng từng nghĩ sẽ thi vào một trường trung cấp để có thể sớm đi làm giúp đỡ bố mẹ; nhưng nghe các thầy cô giáo nói, học trung cấp ra rất khó xin việc, ngay cả sinh viên chính quy của các trường đại học cũng còn khó xin được việc. Tôi nhẩm tính, cho dù tôi có học đến thạc sĩ thì cũng phải mất đến mười năm nữa mới có thể tốt nghiệp được. Mười năm ấy đối với tôi là một khoảng thời gian quá dài!

Mặc dù rất giận anh cả nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến anh, trông ngóng anh quay về. Tối đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi đeo ba lô về nhà, còn đưa cho bố mẹ tôi rất nhiều tiền… Thế nhưng, sau khi tôi tỉnh lại, tất cả đều tan biến hết!

Tôi không biết bản thân mình nên làm gì. Mặc dù bố mẹ không cho phép tôi lo lắng về những chuyện trong nhà, nhưng tôi đã mười lăm tuổi rồi, tại sao không thể lo lắng cho gia đình cơ chứ?

Chat room

Với hoàn cảnh gia đình của Ngô Nại hiện giờ, chỉ có bản thân cô bé và người anh cả mới có đủ sức để thay đổi. Cô bé Ngô Nại mới mười lăm tuổi đã biết có trách nhiệm với bố mẹ và gia đình như vậy thật khiến người khác phải cảm động! Thế nhưng, xét cho cùng thì khả năng của Ngô Nại có hạn; cho dù cô bé có cố gắng hết sức thì kết quả cũng không mấy khả quan!

Ngô Nại nên một lần nữa cầu cứu anh cả. Có thể bức thư lần trước là ý kiến cá nhân chị dâu của bạn chứ anh cả bạn hoàn toàn không biết gì. Có khi nào Ngô Nại đã hiểu nhầm anh cả mình? Còn một điểm mà Ngô Nại phải hiểu, đó là cho dù xét về tình hay về lí thì anh cả của bạn cũng phải có một phần trách nhiệm không thể chối bỏ với gia đình bạn. Xét về tình, anh cả là do bố mẹ bạn nuôi dưỡng, thế nên bây giờ khi anh cả đã trưởng thành, cần phải có tấm lòng hiếu thảo, phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Còn xét về lí, “Luật hôn nhân” của nước ta có quy định con cái trưởng thành phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ. Nếu như bố mẹ mất sức lao động, anh em trong đường phải có trách nhiệm nuôi dưỡng các em chưa đủ tuổi vị thành niên trong nhà. Xét tình hình của anh bạn hiện giờ, mặc dù công ty làm ăn khó khăn, nhưng anh bạn vẫn có khả năng hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Chính vì thế mà Ngô Nại cứ thẳng thắn đưa ra yêu cầu đối với anh cả!

Cho dù là có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn mong Ngô Nại có thể hoàn thành được việc học tập của mình!