Chỉ Thắm Tơ Đào

Chương 1: Hôn sự




Cha tôi là một gian thần.

Là kiểu gian thần một tay che trời ấy.

Nghe dân trong thành nói vậy thôi chứ tôi nào biết gian thần ra sao đâu. Là lấm la lấm lét? Hay đa mưu túc trí? Mấy kiểu như vầy chả giống cha tôi gì cả.

Trong mắt tôi, ông là một người cha hết sức bình thường. Ông dạy tôi đọc sách viết chữ, bế tôi trong lòng, nắm tay mẹ tôi đi dạo phố và ngắm hoa đăng. Mỗi khi tôi hư, ông sẽ cầm roi khẻ tay tôi. Ông giống như bao người cha khác được viết trong tiểu thuyết vậy.

Dân chúng hay nói, vị trên cao kia kiêng kỵ nhà tôi ghê lắm, còn nói nhà tôi rồi sẽ có kết cục chả hay ho gì. Song, ba cái lời này đúng hay không thì phải xem lại, tại vì trâu buộc thường ghét trâu ăn mà.

Về chuyện rốt cuộc nhà tôi có đang trong tình thế nguy khốn hay không, tôi cũng chả rõ nữa.

Suốt mười sáu năm sống trên đời, tôi chẳng gặp vấn đề to tát gì sất. Mọi thứ đều có cha mẹ lo liệu cho cả rồi.

Tuy chỉ có một đứa con là tôi nhưng cha mẹ chả dạy đạo lý lăn lộn trong chốn quan trường gì cho tôi cả. Bởi vì cha mẹ không định để tôi lặn ngụp trong đó. Theo lời của hai người thì nhiệm vụ của tôi là thừa kế gia sản. Có tiền mua tiên cũng được. Tôi sau này sẽ sống nhàn hạ vui sướng. Còn chốn quan trường lao lực nhiều mà chẳng được bao nhiêu kia, hai người tính kén một chàng rể rồi để chàng ta ra làm quan là được.

Tôi vẫn tưởng cha mẹ chỉ nói chơi vậy thôi. Vì mấy năm gần đây cha tôi có ý xin nghỉ hưu, đưa cả nhà về quê dưỡng lão.

Ai dè tới yết bảng năm nay, cha tôi lại kén một chàng Thám Hoa về làm con rể thiệt.



Vừa bước vào thư phòng, tôi lập tức nghe ông nói:

- Nhất Nhất, cha mới kén được một Thám Hoa Lang làm chồng của con đó!

Tên tôi là Vạn Y, chữ ‘Y’ trong câu ‘đảo ảnh nhập thanh y’*. Tên thân mật là ‘Nhất Nhất’.

Tôi hơi sửng sốt:

- Sao ạ?

Cha tôi vui mừng ra mặt, vô cùng hớn hở nói:

- Hôm nay cha vừa liếc mắt đã thấy một cậu trai phơi phới trong đám sĩ tử đứng xem bảng. Hỏi ra thì biết cậu ta trúng Thám Hoa! Xem ánh mắt hẳn đó là kẻ tham vọng, áo quần trên người nom khá xuềnh xoàng, hợp làm con rể nhà ta lắm!

Mẹ tôi từ nhà sau đi đến. Thế là hai người hồn nhiên như ở chốn không người bàn luận xem chàng Thám Hoa Lang ấy dung mạo được không, tính cách thế nào, gia cảnh ra sao.

- Dung mạo được không? Điển trai không?

- Vô cùng tuấn tú, chắc chắn không làm ảnh hưởng nhan sắc nhà ta!

- Có chắc cậu ta chưa từng kết hôn không? Không có con cái gì cả chứ?

- Chưa từng! Chưa từng! Không có! Không có!

  ......

- Gia cảnh ra sao? Song thân qua đời cả rồi hả?

- Phải! Phải!



- Tốt lắm. Chọn tới chọn lui, cuối cùng chọn được người thích hợp rồi!

Tôi hơi cạn lời, nói:

- Cha, mẹ, người ta chắc gì đã bằng lòng đấy.

Hai người họ chẳng hề lo lắng, đáp:

- Con gái nhà chúng ta tốt thế này, sao cậu ta không ưng chứ?

Tôi lại không thể vô tư hồn nhiên như cha mẹ. Với nữ tử mà nói, kết hôn chẳng khác gì một canh bạc. Nếu cược thắng, đương nhiên là vui mừng khôn xiết. Nhưng nếu cược thua, đó là dù muốn cũng chẳng bỏ được, đau khổ cả cuộc đời. Tỷ suất cược thua này còn cao hơn tỷ suất cược thua của tất cả sòng bạc trong kinh thành cơ đấy! Tôi không có gia cảnh bần hàn, tội tình chi phải kết hôn vội vã dữ vậy chứ?

Lại nói kiểu công tử xuất thân bần hàn, nhiều năm dùi mài kinh sử mới trúng cử này là kiểu phu quân không được hoan nghênh nhất trong tiểu thuyết đấy. Lý do thì có mấy điểm như sau:

Thứ nhất, với một người đèn sách nhiều năm, nếu gia đình có của cải dư dả thì còn ổn, còn nếu gia cảnh bần hàn thì trong nhà thường có bóng dáng người vợ quán xuyến hết thảy, sinh con dưỡng cái, lo liệu chi phí ăn học. Trúng cử rồi, thư sinh nhà nghèo không vừa mắt người vợ tào khang nữa, cố tình giấu giếm chuyện mình đã thành thân, đến kinh thành dụ dỗ tiểu thư con nhà quan lại quyền quý hòng mượn bàn đạp mà bước lên mây xanh. Đến lúc người vợ tào khang của hắn dẫn theo con trai con gái tìm đến cửa, mấy tiểu thư nhà quan lại quyền quý chẳng hay biết gì kia lại bị chụp cho cái mũ là kẻ ác. Chuyện như thế biết tìm ai đòi công lý đây?

Thứ hai, bởi vì gia cảnh bần hàn, từ nhỏ thường bị khinh thị nên họ rất mẫn cảm, luôn để ý tới lời nói hành động của người khác. Mấy kẻ cực đoan còn nghĩ người ta đang cười cợt mình, dần dà tích tụ uất hận trong lòng.

Thứ ba, cho dù không giống như hai trường hợp trước, người vì thăng quan mà có thể kết hôn với tiểu thư họ Vương thì cũng có thể đính ước với thiên kim họ Lý. Một khi có lựa chọn tốt hơn, hắn sẽ không ngần ngại mà rũ bỏ vợ con chạy theo tiền đồ danh vọng!

Dù tôi làm lơ mọi băn khoăn, bằng lòng kết hôn thì người ta chưa chắc đã ưng thuận! Trong tiểu thuyết cũng viết, kiểu đàn ông này có lòng tự tôn cao ghê lắm. Nếu ở rể tức là phải vào cửa nhà tôi, sau này con cái cũng mang họ của tôi. Đàn ông bình thường sao thoải mái đồng ý cho được. Thêm nữa, kiểu ở rể này lúc ra làm quan sẽ bị nhóm thanh quan trào phúng. Người ta là Thám Hoa Lang, chẳng cần dựa thế nhà tôi thì từ từ đứng vững trong triều được, hà cớ chi phải chịu mấy thứ này chứ?

- Nhất Nhất đừng lo, cứ giao hết cho cha. Cha nhất định sẽ khiến Thẩm Tề kia cam tâm tình nguyện!

Không biết Thám Hoa Lang Thẩm Tề này lọt vào mắt xanh của cha tôi là may mắn hay bất hạnh nữa…

Thôi kệ, về phòng đọc tiểu thuyết thôi, đến đâu tính đến đấy.

Đúng vậy, đọc tiểu thuyết là niềm yêu thích bậc nhất của tôi.

Ở bốn tiệm sách lớn nhất kinh thành, nơi nào cũng có phòng đọc dành riêng cho tôi. Gu đọc sách của tôi vô cùng bình thường, thể loại nào cũng đọc, mà đọc nhiều nhất là tiểu thuyết tình yêu lãng mạn. Tôi còn là thành viên kỳ cựu của Thanh Phong Thư Hội. Bọn tôi chẳng phân biệt tuổi tác hay thân phận, thảo luận với nhau đủ loại sách. Họ là cánh cửa sổ cho tôi nhìn ra thế giới ngoài bức tường đỏ chốn kinh đô.

Tôi mong sao một ngày nào đó tôi sẽ bước ra khỏi nơi mình đã sống trong suốt mười sáu năm, ngắm nhìn một nơi rộng lớn hơn.

Nhưng nếu kết hôn rồi tôi e mình chẳng còn cơ hội như vậy nữa.



Nghĩ vậy, tôi thấy không thể ngồi yên chờ đợi mãi được, bèn bảo hầu gái thân cận Tuyết Yên ra ngoài hỏi thăm Thám Hoa Lang nọ, đặc biệt là phải nghe ngóng xem dáng dấp chàng ta trông ra sao.

Tuyết Yên quay về rất nhanh.

- Sao? Mặt mũi thế nào?

- Dạ là người ưu tú đa tài, ngọc thụ lâm phong, phong lưu phóng khoáng ạ!

Ồ, tuyệt đấy.

- Dáng dấp ra sao?

- Người cao bảy thước, cao ráo tuấn tú lắm ạ!

Ờ, cũng được đấy.

- Còn tài hoa thì sao?

- Dạ là học thức uyên bác ạ!

Ừ, thế thì tuyệt thật.

Nghe xong, tôi im lặng suy nghĩ một hồi. Tuyết Yên hơi nghi hoặc, hỏi:

- Sao chị không hỏi nhân phẩm của người ta?

- Hỏi làm gì?

Tuyết Yên rất kinh ngạc.

- Lúc chọn phu quân, quan trọng nhất là nhân phẩm còn gì ạ?

Tôi đáp:

- Không nhất thiết như thế. Nếu nhà bình thường hẳn sẽ xem xét nhân phẩm. Nhưng chúng ta là nhà của gian thần cơ mà. Chọn người có nhân phẩm không tốt mới bình thường!

Tuyết Yên có vẻ vẫn chưa hiểu, thôi, đều là em gái nhỏ còn mơ mộng với hôn nhân ấy mà.

Tôi thức thời đổi giọng hỏi:

- Vậy nhân phẩm của Thẩm Tề đó như nào?

- Cô nương, chị qua loa ghê luôn!

Đấy xem đi, tôi bó tay.

Tuyết Yên nói tiếp:

- Nghe bạn cùng trường nói Thẩm Tề là kẻ vị kỷ, chỉ biết chăm lo lợi ích của mình, là mầm mống của tham quan đấy ạ!

- Tham quan hả, hợp với cha chị quá còn gì?

Tôi thầm nghĩ, ‘bảo sao cha tôi liếc mắt một cái đã chọn chàng ta.’

Tuyết Yên không hiểu, tôi chưa từng kỳ vọng phu quân tương lai mình là người có nhân phẩm tốt.

Thì người có nhân phẩm tốt sẽ chướng mắt nhà gian thần như nhà tôi đấy còn gì?

Tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất là phu quân tương lai phải đẹp trai. Như vậy mỗi ngày gặp mặt chàng ta, tôi sẽ không thấy chán, chưa kể tới lúc ân ái còn được lời nữa. Giả mà phu thê không hoà hợp, được ngắm trai đẹp coi cũng không lỗ. Nếu không sống được với nhau thì ly hôn rồi tìm một người mới thôi. Rốt cuộc tôi là con gái gian thần, nếu chỉ có một đời chồng thì có lỗi với cái danh tiếng khiến người ta khiếp sợ của cha tôi quá.

Tính ra Thẩm Tề này khá đẹp trai, kết hôn rồi tôi vẫn có thể ở nhà mình, chẳng cần hầu hạ cha mẹ chồng gì cả, vậy thì lấy chồng cũng được đấy nhỉ?

- --------------------

*Nguyên văn: đảo ảnh nhật thanh y (倒影入清漪). Tạm chuyển ngữ là “ảnh ngược hắt bóng sóng lăn tăn”. Chữ Y trong tên nữ chính nghĩa là “sóng lăn tăn”.