Chỉ Là Anh Giấu Đi

Chương 6




Rồi Duy Thanh cũng vào lớp năm và anh vẫn ngồi sau lưng Mỹ Hạnh. Mọi chuyện vẫn như vậy, Duy Thanh càng ngày lớn hơn, học võ giỏi hơn, cao thêm vài cm và trợ giúp các anh chị em trong nhà nhiều hơn.

Năm nay không chỉ là một năm đặc biệt với Duy Thanh, mà còn đặc biệt đối với cả cô nhi viện. Cả nhà anh chào đón thêm một thành viên mới và đó chính là Minh Dũng, cái tên được má Ba tâm đắc đặt cho.

Duy Thanh vẫn đi bộ tới trường, mặc dù anh được má cấp cho một chiếc xe đạp cũ. Không như Sún, anh biết đi xe đạp từ nhỏ kia. Anh được anh Duy Nhân với chị Út chỉ dạy và chỉ trong một thời gian ngắn là anh có thể đạp quanh trên bãi cỏ.

Cũng vì chuyện đạp xe mà anh lại bị Sún cắn mấy cái ngay cánh tay. Anh chỉ muốn đùa với cô thôi, nhưng không ngờ cô lại hung dữ như vậy. Xem ra, anh nghĩ ngay từ bé, Sún đã hung dữ rồi. Có khi còn hung dữ lúc còn ở trong bụng mẹ kia.

Duy Thanh vẫn tâm sự với má Ba đủ điều, vẫn hằng đêm ngồi cùng với con Ki Đực nhìn má và vẫn mong má đừng có già đi, mặc dù anh đã thấy má có tóc bạc, mà anh biết khi ai đó có tóc bạc thì chứng tỏ người ta đã già.

Những lúc má Ba mắc ẵm Minh Dũng và không đi kinh được, thì anh ngồi cùng với má chơi với Minh Dũng và ru cho cậu nhỏ ngủ. Những em bé như Minh Dũng, khi còn nhỏ sẽ được ngủ trong phòng với má Ba, vì chỉ có má mới biết cách chăm sóc trẻ nhỏ. Phần khác thì nửa đêm mấy bé hay bật dậy, má sợ mấy anh chị mất ngủ, nên má để ru mấy bé ở luôn phòng mình cho tiện.

Thời gian như vậy cứ tiếp tục trôi. Trung thu, noel, cuối năm rồi lại tới Tết. Nghỉ Tết xong, anh cùng các anh chị em đi học lại. Ngày đầu tiên của năm mới đi học, anh thường nghe mọi người bảo không nên nói chuyện xui xẻo hay xấu xa, vậy mà anh tiếp tục bị Sún đè đầu ra vòi tiền như năm ngoái. Người ta bảo đầu năm bị đòi tiền thì cả năm cũng sẽ bị đòi tiền.

“Tiền lì xì của Sún đâu?” Mỹ Hạnh chìa tay ra.

Duy Thanh ngước mắt lên. “Lu đâu có tiền.”

“Ủa Lu không được lì xì à?” Mỹ Hạnh vẫn hỏi, mặc dù cô biết anh sẽ trả lời như năm ngoái.

Duy Thanh gãi đầu. “Lu đưa hết cho má rồi.”

Mỹ Hạnh rút tay lại rồi móc ra một phong bao màu đỏ. “Sún lì xì cho Lu nè.”

Duy Thanh mỉm cười. “Cảm ơn Sún.” Anh đưa tay ra. “Sún cắn đi.” Năm ngoái anh cũng bị Sún đè ra cắn, xem cái “cắn” như là tiền lì xì.

Vậy là dấu răng in hằn trên cánh tay của Duy Thanh. Cắn xong, Mỹ Hanh khẽ cười xoa đầu anh, như cái cách cô xoa đầu con Lu ở nhà.

Khánh Long ở bàn bên thấy vậy nên liền chọc. “Ê Thanh, tao đấm mày thay cho cắn được không?”

“Bạn đánh Lu, mình sẽ mách cô đó.” Mỹ Hạnh liếc mắt qua hù họa.

Khánh Long nuốt nước bọt. “Long đùa mà.”

Văn Hàn bật cười. “Hạnh thích thằng Thanh kìa.”

Mỹ Hạnh bặm môi lại rồi giơ nắm đấm lên. “Thì sao? Đấm cho một phát giờ.”

Văn Hàn trả treo lại. “Bạn đánh mình, mình mách cô đó.”

“Kệ bạn.” Mỹ Hạnh nói lớn.

Ở lớp, Mỹ Hạnh giống như “chị đại”, ai cô cũng có thể ăn hiếp và hù được. Chỉ có Khánh Long là không sợ cô, thậm chí còn dám bắt nạn lại. Nhưng đó là chuyện hồi lớp ba, lúc Mỹ Hạnh chưa chơi với Duy Thanh kia. Giờ thì Khánh Long sợ Mỹ Hạnh cũng là vì có thằng ngồi sau, lúc nào nó cũng bảo vệ cho cô cả. Mà Khánh Long với thằng ngồi sau lại là bạn thân của nhau nên vì tình bạn, anh đành để bị ai đó hù. Cũng có thể cả lớp nhún nhường Mỹ Hạnh cũng bởi vì thằng ngồi sau đó. Cái bản mặt của nó khiến ai nấy đều chả dám bắt chuyện, nhất là cái đầu đinh bặm trợn.

Chưa vui được bao lâu thì Duy Thanh lại đón nhận một chuyện buồn. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh chứng kiến một vụ chia ly buồn bã. Bé Bơ của anh được người ta nhận nuôi, nên bé Bơ từ giờ sẽ không còn ở với anh và mấy anh chị em nữa.

Thật ra từ xưa đến giờ, cô nhi viện vẫn phối hợp cùng với chính quyền trong chương trình nhận làm con nuôi. Có bé được nhận khi chỉ mới ba, bốn tuổi. Cũng có bé khi đã bảy, tám tuổi mới được gia đình người ta nhận. Rời xa cô nhi viện, xem như đó là một chuyện buồn, nhưng việc rời xa và tới một mái ấm tốt hơn thì đó cũng là điều nên vui cho các bé. Từ lúc Duy Thanh còn nhỏ thì đã có những cuộc chia ly như thế này, chẳng qua khi đó anh chưa nhận thức được nên mới không biết. Giờ khi lớn rồi thì anh mới thấy đau đáu trong người như thế nào.

Sáng hôm sau đi học, Duy Thanh buồn bã ngồi trong lớp và nhớ lại những kỷ niệm với bé Bơ. Năm nay bé Bơ mới chỉ lên năm, nên giữa anh và bé Bơ cũng chả có nhiều chuyện vui. Chủ yếu là việc cùng nhau ăn và cùng nhau đi ngủ. Rồi những lúc anh ngồi giữ bé cho mấy anh chị, hoặc má Ba đi làm chuyện gì đó.

Buồn về bé Bơ một, thì Duy Thanh buồn về mình đến mười. Anh sợ mình cũng sẽ như bé Bơ, bị đem cho người khác và không còn được ở với má nữa. Anh không thích, anh chỉ muốn làm con của má thôi và anh chỉ muốn má là ba mẹ của mình thôi. Anh không cần gì hết, không cần giàu sang, phú quý, cũng không cần xe đạp mới hay tivi to, anh chỉ cần như vậy, chỉ cần má là đủ.

Mỹ Hạnh thấy mặt Duy Thanh buồn hiu nên tự nhiên cô cũng buồn theo. Giờ ra chơi, cô lo lắng quay xuống hỏi. “Sao Lu buồn vậy? Lu có chuyện gì à?”

Duy Thanh ngước mắt lên nhìn. “Hôm qua bé Bơ của nhà Lu được người ta tới nhận nuôi. Lu và mấy anh chị từ nay không được gặp bé Bơ nữa.”

Mỹ Hạnh muốn an ủi. “Thôi Lu đừng buồn nữa. Biết đâu sau này Lu được gặp lại bé Bơ thì sao. Hoặc bé Bơ sẽ về nhà thăm Lu với mọi người.”

Trò chuyện với Mỹ Hạnh một hồi nhưng Duy Thanh vẫn còn thấy buồn.

Tối đó, Duy Thanh lại lẳng lặng đi sang phòng má. Anh thấy má đang ẵm Minh Dũng trên tay. “Má.”

“Sao vậy con?” Bà thấy cu cậu mặt buồn như mất sổ gạo.

Anh ngồi xuống đối diện với bà. “Má đừng bỏ con nha.” Anh sợ mình bị cho làm con nuôi.

Má Ba như hiểu ra. Bà khẽ cười. “Ngốc này. Má sẽ không bao giờ bỏ con đâu.”

“Thật hả má?” Duy Thanh đứng dậy đi tới, rồi ôm chằm lấy má từ phía sau. “Má đừng cho con cho ai đó nha.”

“Con buồn vì chuyện bé Bơ hả?” Bà đoán.

“Dạ.” Anh đáp.

Bà an ủi cu cậu. “Bé Bơ bị bệnh. Má không đủ tiền để chữa cho bé Bơ. Giờ ba mẹ mới của bé Bơ có thể đưa bé sang nước ngoài chữa bệnh. Sau này bé Bơ khỏe, bé lại về đây thăm con với mấy anh chị em.”

Duy Thanh chợt nhận ra. “Má ơi.”

“Má nghe.” Bà mỉm cười.

“Nếu con bị bệnh thì má đừng cho con nha.” Duy Thanh nghĩ nếu anh bị bệnh và má không có tiền chữa thì anh cũng muốn ở bên má.

Bà thật sự cảm động vì cu cậu. “Má sẽ không bỏ con đâu. Má hứa mà.”

“Thật hả má?” Duy Thanh muốn hỏi lại cho chắc.

“Thật.” Bà hôn lên má cu cậu. “Tôi chỉ sợ anh sau này bỏ tôi đi theo gái thôi.”

Anh mỉm cười. “Con không bỏ má đâu.” Lúc này anh vẫn hiểu ý má Ba nói là gì, vì sau này anh cũng như bao ai khác, luôn chạy theo tiếng gọi của con tim.

Bà bĩu môi. “Bây giờ anh nói vậy thôi, chứ lớn lên thấy gái, cái bỏ tôi liền.”

“Dạ không có đâu.” Anh khẳng định.

Rồi Duy Thanh cũng bước vào những ngày cuối của lớp năm. Sau những ngày này, anh sẽ nghỉ hè và bước vào lớp sáu. Trong những năm học cấp một, không như Mỹ Hạnh, Duy Thanh lúc nào cũng chỉ đạt học sinh tiên tiến. Mỹ Hạnh thì lúc nào cũng xuất sắc và nằm trong “top ba” học sinh giỏi của cả lớp. Đến nỗi những lần xếp hạng “vở sạch, chữ đẹp” thì Duy Thanh cũng chả có khi nào đạt loại A. Vở của anh như một cái sở thú với đủ loài động vật nhảy múa trong đó. Người ta hết bảo “giun” thì lại bảo “mèo cào”, rồi “rồng rắn lên mây”, đủ các hình thức để diễn đạt về nét chữ của anh.

Mỹ Hạnh ngồi trầm ngâm một hồi thì cũng quay xuống nhìn Duy Thanh. Hôm nay là bữa học cuối cùng của cô và anh. Sau buổi học này, sẽ đến lễ bế giảng và mọi người sẽ chính thức chia tay.

Cô nói. “Lên cấp hai, Lu sẽ học trường nào?”

Duy Thanh đáp. “Lu cũng không biết nữa. Má cho Lu học trường nào thì Lu sẽ học trường đó.”

“Lu có định...” Cô ngập ngừng.

“Thế Sún định học trường nào?” Anh hỏi lại.

Cô khẽ cười. “Sún sẽ học trường H. Trường đó gần nhà Sún.”

Duy Thanh ngẫm nghĩ giây lát. “Trường H. Vậy để Lu về nhà nói với Má.”

“Thật hả?” Cô khẽ cười.

“Mình cũng học trường H.” Khánh Long ngồi bên nói theo.

Duy Thanh hớn hở. “Vậy là tụi mình lại học chung với nhau rồi.”

Văn Hàn cũng chem lời vào. “Cùng trường nhưng chắc gì cùng lớp.”

Duy Thanh gãi đầu. “Ờ ha.”

“Làm sao để được học chung lớp với nhau?” Khánh Long thắc mắc.

Mỹ Hạnh đáp. “Hình như là do nhà trường sắp. Nhưng nếu xin thì chắc được, Hạnh nghĩ vậy.”

“Tôi thấy có khó gì đâu. Nếu khác lớp thì mọi người vẫn học chung trường mà. Ra chơi đi tìm nhau thôi.” Văn Hàn gợi ý.

“Vậy thì Lu sẽ đi tìm mọi người.” Duy Thanh khẽ cười.

Mỹ Hạnh to mò muốn biết chắc. “Vậy Lu có đi tìm Sún không?”

Duy Thanh thản nhiên đáp. “Có chứ. Nếu Lu không đi tìm Sún, thì xem như Lu không muốn chơi với Sún nữa.”

Nếu Lu không đi tìm Sún, thì Sún sẽ đi tìm Lu, Mỹ Hạnh nghĩ thầm trong đầu.

Và rồi lễ bế giảng cũng diễn ra. Sáng hôm đó, Duy Thanh bỗng nhiên đau bụng nên đành ở nhà và bỏ quên lời hứa với Mỹ Hạnh. Với lại mỗi năm bế giảng, chỉ có những học sinh giỏi và xuất sắc thì mới lên bục nhận thưởng do nhà trường phát. Những học sinh tiên tiến như anh và các học sinh trung bình, yếu thì không được, mọi người chỉ nhận được giấy khen và giấy chứng nhận “cháu ngoan bác Hồ” mà thôi.

Thế là Mỹ Hạnh cứ đứng ngóng Duy Thanh mãi nhưng không thấy. Hôm nay cô định tặng Duy Thanh một cuốn sổ tay, trong đó hướng dẫn đường đi đến nhà cô. Mỹ Hạnh sợ nếu Duy Thanh với mình không học chung một trường, thì anh có thể tìm đến nhà cô chơi. Cô thật sự thích chơi với anh và cô không muốn đánh mất tình bạn này.

Chờ mãi không thấy, Mỹ Hạnh cuối cùng cũng phải đi về với mẹ. Ôm cả một đống phần thưởng trên tay nhưng cô lại chả thấy vui chút nào. Duy Thanh của cô không đến, đồng nghĩa với việc cuốn sổ tay vẫn còn đây và anh sẽ không biết nhà cô mà tới. Mà cô cũng chẳng biết nhà anh ở đâu cả. Có lúc cô hỏi, anh chỉ bảo nhà anh ở gần cái chùa và gần cái hồ lớn. Cô hỏi lại mẹ và mẹ tự nhiên lại cấm cô đi tới đó. Bà sợ cô gặp phải nguy hiểm khi tới cái hồ.

Rồi Mỹ Hạnh cũng bước vào kỳ nghỉ hè và cô lại đón nhận một tin buồn khác. Con Lu nhà cô đột nhiên đi mất và cũng giống như Duy Thanh, con Lu không bao giờ quay trở lại. Năm đó cả Duy Thanh và con Lu đều bỏ rơi cô, mà nhiều năm sau này khi nghĩ lại, cô mới nhận ra đó như là một cái điềm báo trước cho tương lai của mình.

Phải chăng, tất cả mọi việc đều do duyên số.