Cậu Hai Nhà Họ Bùi

Chương 51: Vở chèo




Lần đầu tiên được đi nhà hát, đã thế còn đi cùng với cậu nữa nên là Lợn cũng chịu khó chải chuốt một tí, giờ tuất mới khởi hành nhưng vừa tới giờ dậu thôi là Lợn đã chuẩn bị tắm rửa sạch sẽ để lên đồ rồi.

Hôm nay còn bày đặt gọi đầu bằng bồ kết nữa chứ, mùi hương bồ kết dìu dịu thoang thoảng không nồng cũng không gắt là thứ mùi thơm êm ái, dân dã, dễ chịu vô cùng.

Hại cậu Hai vừa ngửi đã thích, không muốn rời khỏi người Lợn nửa bước, hai người họ đã dính nay còn dính hơn, cậu khen tóc Lợn đẹp đen huyền, óng mượt, còn có mùi thơm dễ chịu nữa. Cậu rất thích.

Lợn ngượng chín cả mặt ấy chứ, xem ra đầu tư như vậy rất đáng đồng tiền bát gạo. Ôi lời cậu khen sao mà bùi tai dã man ý, cứ vang vang trong đầu Lợn mãi thôi.

Tâm trí trên mây, đến khi xe ngựa dừng chân trước nhà hát Hoa Nhung rồi thì Lợn mới được trả hồn về.

Cậu xuống trước, cái dáng người cao ráo cộng thêm khuôn mặt ưa nhìn của cậu Hai trong chốc lát đã thu hút không ít bóng hồng xung quanh, nhưng cậu chẳng thèm để tâm.

Cậu là cậu chỉ chú ý đến cái đứa lùn trong xe thôi, xe cao quá nó không xuống được, cậu phải bế xốc nó xuống, nó vừa đặt chân xuống thì ánh mắt của những bóng hồng kia lại chuyển mục tiêu sang nó.

Lợn còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thấy cậu Hai lấy từ đâu ra một cái mũ cối lá ụp vào đầu nó, cái mũ này không khác cái mũ chống ong của nó là bao nha, toàn lưới là lưới, che hết cả khuôn mặt nó rồi.

Ôi đây là đi nhà hát chứ có phải đi thu thập tổ ong đâu mà cậu bắt nó đội cái mũ này, trông không khác gì tội nhân bị truy nã cả.

Cái người thấp thấp định lấy tay tháo cái mũ xuống thì đã bị cái người cao cao đó ngăn lại, không quên lườm một cái.

- Không cho tháo xuống.

- Tại sao chứ? Cậu vô lý quá đó.

- Dám cãi cậu?.

Ặc, Lợn đơn giản chỉ là muốn tháo cái mũ khó coi này xuống thôi mà, cậu Hai có cần trưng cái bộ mặt khó ở đó ra vậy không?.

Không tháo thì không tháo, chung quy thì nó vẫn dưới kèo cậu Hai mà.

- Không ạ, ôi em nào dám, mũ của cậu Hai cho em đội vừa đẹp vừa độc lạ, rất là có phong cách nha.

- Điêu à?.

- Dạ không, nào có! Em là em nói rất chi là thật lòng đó nha…

- Ừa, nếu em đã thích đến vậy thì tối nay ngủ cũng đội luôn đi, không cho tháo ra.

- Kìa cậu.

Có người đặt tay sau lưng thong thả đi trước, có người mặt xụ xuống, tiu nghỉu theo sau.

Có người chột dạ, tự hỏi liệu mình làm như vậy có hơi quá đáng? Nhưng khi thấy không con ma nào nhòm ngó Lợn nữa thì mọi tội lỗi khi nãy dường như tan biến hết.

Cậu chỉ là muốn mấy con ong bướm ve vãn bên Lợn tự động biết khó mà rút lui thôi, ai bảo trời sinh Lợn thân là con trai mà lại diễm lệ, động lòng người đến vậy? Lợn là của cậu mà, cậu không giữ thì chỉ có nước mất vợ như chơi.

Tính cậu chiếm hữu cao, cậu biết điều đó.

Chỉ cần nghĩ đến việc có kẻ nào đó dùng ánh mắt khiếm nhã để nhìn Lợn là cậu đã hận không thể móc mắt kẻ đó ra rồi.

Mở màn sân khấu là tiết mục chèo, có hai người ra biểu diễn trước, người nam một thân áo cộc quần dài đang cầm chiếc rìu, thoạt nhìn đã biết anh ta vào vai tiều phu.

Người nữ mặc yếm trắng, tứ thân màu nâu, váy đụp và trên đầu vấn khăn mỏ quạ, đoán không lầm thì nàng ta đang vào vai một cô thôn nữ.

Ban đầu chỉ có tiều phu và thôn nữ, sau đó lại có thêm nhiều nhân vật khác như ông bụt, tiên nữ, người tá điền, phú hộ và vợ phú hộ.

Câu chuyện cũng dễ hiểu như là cô thôn nữ và chàng tiều phu đó ở cùng thôn và họ có cảm tình với nhau nhưng lão phú hộ lại lâm le muốn bắt cô thôn nữ đó về làm vợ lẽ, vì thế nên lão đã hãm hại chàng tiêu phu té xuống vách núi.

Nhưng không ngờ khi chàng chết thì lão cũng không có được nàng, nghe tin chàng chết nàng đã gieo mình xuống sông để cả hai cùng đoàn tụ nơi xuống vàng, may thay tiên nữ hoá phép thành một bà lão để cứu nàng.

Tiên nữ bảo chàng chưa chết mà chỉ bị thương đang nằm bất tỉnh nhân sự ở trong một hang động, nàng nghe theo và xuống vách núi tìm chàng một lần nữa, trên đường đi nàng gặp một ông lão đang khát nước.

Nàng tốt bụng cho ông lão ít nước, nàng không thể ngờ được ông lão là do bụt biến thành để thử lòng nàng.

Ông bụt hoá phép cho nàng nhìn thấy chỗ mà chàng đang nằm bất tỉnh, chẳng mấy chốc nàng đã tìm ra chàng.

Hai người họ cùng nhau bỏ trốn sang thôn khác, không lâu sau đó, lão phú hộ tham lam độc ác bị quả báo, nhà lão cháy sau một đêm, người làm trong nhà chạy loạn hết, vợ bỏ theo trai trẻ.

Kết cục là chàng tiều phu và nàng thôn nữ ăn nên làm ra nhờ nuôi tằm và làm mộc. Còn lão phú hộ tham lam độc ác lại trở thành kẻ ăn mày điên, không nơi nương tựa.

Kết thúc màn biểu diễn, vở chèo đã lấy đi không ít nước mắt người xem, đa phần vì cảm động trước cái tình của họ, sự thủy chung son sắt của nàng ấy. Cái kết rất mãn nhãn người xem khi kẻ ác cuối cùng cũng nhận lấy hậu quả thuộc về mình.

Duy chỉ có Lợn là thương cảm cho lão phú hộ. Lợn ghé vào tai cậu.

- Em thấy cái kết tội cho phú hộ quá cậu ạ?.

- Mắc gì tội?.

- Thì nhà cháy, sản nghiệp tiêu tan, mà bà vợ còn bỏ theo trai nữa, tưởng đâu làm ăn mày đã đến bước đường cùng rồi, vậy mà còn để ông ta bị điên nữa. Em thấy hơi tội.

- Chẳng thấy tội chút nào.

- Sao không tội ạ?.

- Độc ác, tham lam, ngu dốt, không chung thủy.

- Cậu nói cũng có lý.

- Nếu lão ta là người chồng tốt thì vợ lão đã không như vậy, người khác chỉ trách bà vợ bỏ nhà theo trai nhưng cũng quên rằng chính ông chồng cũng có ý định rước thêm vợ lẽ ngay từ đầu, không có lửa thì làm sao có khói.

- Đúng nha, sao tới bây giờ em mới nghĩ ra nhỉ?.

- Nói chung là vật họp theo loài cả thôi, tham thì thâm, ngu thì chết, không thông cảm được.

Cậu Hai hôm nay nói hơi nhiều nha, mà bàn luận về vở chèo khi nãy rất là nghiêm túc luôn. Hiếm lắm mới thấy cậu Hai có một vẻ như vậy, bình thường muốn cậu Hai nói nhiều hơn ba câu cũng khó như lên trời ý.

Lợn là Lợn chỉ thấy cái kết hơi tội cho lão phú hộ ấy thôi, lại chẳng ngờ được cậu Hai lại phản ứng dữ dội đến vậy?. Cậu chỉ đơn giản là bàn luận về vở chèo, hay là muốn mượn vở chèo này để nói đến một chuyện nào khác?.

Đôi lúc, Lợn thấy cậu Hai cũng thật là khó lường. Muốn nắm bắt được tâm tư của cậu, chẳng bao giờ dễ dàng.