Hai hôm sau Hồng Phong cũng không nói chuyện với Ngân Hà. Ngân Hà thực sự rất thắc mắc, cô cũng cố gắng kiểm điểm lại xem đêm trung thu đó rốt cuộc cô đã nói những điều gì khiến thằng bé giận. Nhưng nghĩ mãi rồi vẫn khong thể nghĩ ra, nên hai hôm sau cô quyết định gõ cửa phòng thằng bé.
“Chị hỏi em có chuyện gì?”. Thằng bé giương mắt nhìn cô, vẻ mặt lạnh lùng.
“À…, chị…, chị có thể vào trong nói chuyện một chút không?”. Thái độ của Hồng Phong khiến Ngân Hà cũng bất chợt thấy ngại ngùng.
“Chị vào đi!”. Vẫn giọng nói lạnh lùng, thằng bé mở toang cửa rồi bỏ vào bên trong. Ngân Hà bước vào theo nó thẽ thọt như một kẻ phạm tội, mà tội gì chính cô cũng chưa biết.
Trong căn phòng mọi thứ ngăn nắp, chỉ duy có một đống lộn xộn sách vở trên sàn, trên giường là vài ba bộ quần áo đã được gập gọn ghẽ và một chiếc ba lô hơi sờn bạc để bên cạnh.
“Em định đi đâu sao?”. Ngân Hà ngạc nhiên, thằng bé có việc đi đâu xa, hay là thằng bé giận cô đến độ bỏ đi xa?
“Vâng”. Chỉ một câu trả lời cụt lủn.
“Em đi đâu vậy? Liệu có quay về nữa không?”. Ngân Hà thật sự thấy hơi lo lắng. Nếu thằng bé có việc đi đâu xa cô cũng thấy bình thường, nhưng nếu thằng bé vì giận cô mà bỏ đi thì cô sẽ ân hận lắm đấy.
“Việc em đi đâu hay liệu em có quay về không có quan trọng với chị không?”. Thằng bé nhìn Ngân Hà chằm chằm, ánh nhìn ấy sao quen thuộc thế, giống như con nhím đang xù lông phòng thủ, giống ánh nhìn của chàng trai mười bảy tuổi năm ấy.
“À…cũng quan trọng lắm chứ. Có phải hôm nọ em đã nhận làm em của chị?”
Thằng bé nhìn Ngân Hà một lúc, xong rồi quay đi tiếp tục công việc dọn dẹp còn đang dở dang.
“Em nghĩ lại rồi. Em không muốn làm em trai của chị!”. Chất giọng và thái độ vẫn lạnh lùng khiến Ngân Hà lúng túng.
“Phong này, có phải… có phải hôm vừa rồi chị đã làm gì làm em giận không? Mặc dù chị thật sự không biết mình đã làm gì khiến em giận nhưng chị vẫn muốn xin lỗi em. Chị không cố ý. Em thế này khiến chị rất buồn”
“Chị không làm gì cả”. Trên gương mặt thanh tú đã mang chút trưởng thành có chút gì hơi lay động trong chốc lát, rồi rất nhanh trở lại lạnh như nước. “Em hiện tại muốn ngừng gặp chị một thời gian, em cần suy nghĩ một số chuyện”
“Là chuyện gì, có thể nói với chị được không? Có phải em nói muốn ngừng gặp chị nên mới chuẩn bị quần áo để rời đi không? Chị làm sai chuyện gì em cứ nói, chị không muốn vì chị mà em một lần nữa lại không có nhà”
Thằng bé ngừng dọn dẹp. Hình như câu nói của Ngân Hà có gì đó khiến nó xúc động. Nó ngẩng lên nhìn thẳng vào cô, lúc này bao nét lo lắng trong lòng đều hiện lên gương mặt cô.
“Chị có thể ở mãi bên em?”
“Chị…”. Ngân Hà lúng túng.
“Hay chị có thể ở lại đây đến khi em học xong phổ thông? Chị có thể cùng quay về Hà Nội lúc em ra Hà Nội không?”
“Chị…”
“Hay là chị hãy đừng lấy chồng vội cho đến khi em trưởng thành!”
“Chị…”
“Thấy chưa, chị chẳng làm được cái gì cả…”. Giọng thằng bé đầy thất vọng, nó quay mặt đi tiếp tục làm công việc của nó.
Cuộc nói chuyện với Hồng Phong quả tình kỳ quái lắm, Ngân Hà thật sự không thể hiểu nổi thằng bé đang nghĩ gì. Nhưng cô cũng thấy yên lòng hơn khi hôm sau qua các cô nhà bếp biết nó lên thị trấn ôn tập. Không biết động lực gì lớn đến độ khiến thằng bé ngay lập tức muốn lao đầu vào học, khác hẳn với nó trước đây. Cả viện trưởng cũng ngạc nhiên lắm trước sự thay đổi lớn của thằng bé.
Hồng Phong đi học đến cuối tuần mới về, nó vẫn nói chuyện với Ngân Hà nhưng không còn tự nhiên như xưa. Ngân Hà có cảm giác thằng bé vẫn rất muốn gần gũi cô, chỉ không hiểu vì lý do gì nó như muốn xây một bức tường giữa cô và nó. Vì cuối tuần mới về nên hôm khai trường học mới nó cũng không tham gia được. Ngân Hà cũng dần quen với sự vắng mặt của nó, cũng dần quen với bức tường vô hình mà nó tự mình xây lên.
Từ khi ngôi trường mới đi vào hoạt động Ngân Hà thật sự bận lu bu. Cô không có thời gian ngắm cảnh, nghỉ ngơi, không có thời gian làm thêm, thậm chí việc liên lạc về với gia đình cũng trở nên hiếm hoi. Mặc dù viện trưởng Đình Mạnh đã ra sức tuyển dụng nhưng thật sự cũng có ít người tham gia ứng tuyển lắm, hoặc có ứng tuyển và trúng tuyển nhưng khi đến tận nơi nhìn tận mắt cuộc sống ở đây hoặc trực tiếp gặp bọn trẻ thì liền từ bỏ. Thực sự cũng không thể trách họ được. Ngay cả với cô việc ở lại đây cũng là tạm thời chứ không thể lâu dài. Ngân Hà cùng mấy cô y tá thay nhau đứng lớp. Trường thì cao rộng nhưng thực tế chỉ có năm lớp hoạt động do thiếu giáo viên cũng như chưa vận động được lũ trẻ trong vùng đến trường. Từ khi trường học vận hành cũng là lúc Ngân Hà ít có thời gian sang bên khu bệnh viện vì hầu hết thời gian trong ngày đều dành đứng lớp, buổi trưa vào bếp nấu nướng cho lũ trẻ, chiều về lại cùng các nhân viên khác tăng gia trồng rau nuôi gà. Dần dà cuộc sống nơi núi đồi này đã ngấm dần vào con người cô lúc nào không hay, khiến cô đắm chìm vào công việc quên cả thời gian. Thế mà thấm thoắt mấy tháng đã qua, thu qua đông đã tới gõ cửa từ bao giờ. Cái rét nơi đây không cắt da cắt thịt như ngoài Bắc nhưng vì địa thế núi rừng, vì dân cư thưa thớt nên cái lạnh ở Nam Đô cũng khiến cho người ta rùng mình. Vì không chuẩn bị cho việc ở lại nên Ngân Hà dường như rất thiếu thốn quần áo cho mùa đông. Cô cũng lười ra phố mua sắm nên ai trong viện mang cho mượn cái chăn cái áo nào cô đều lấy hết, lắm lúc nhìn bản thân trong gương Ngân Hà thấy thật buồn cười. Cô trước giờ không phải là người quá chú trọng đến ngoại hình, nhưng trước giờ cô đều ăn mặc vừa đủ lịch sự để phục vụ công việc và vừa mắt mọi người, nhưng trở nên tuềnh toàng xuề xòa thế này thì chưa bao giờ. Lắm lúc các cô nhà bếp còn trêu trọc bảo cô nếu chỉ nhìn thoáng qua lại tưởng đang nhìn bà thím nào. Ngân Hà cũng không suy nghĩ nhiều về điều đó. Ở nơi khó khăn heo hút này có đủ cái ăn cái mặc đã là một điều hạnh phúc. Nhìn lũ trẻ thiếu thốn, nhìn cuộc sống chật vật của bố mẹ chúng khiến cô thấy bản thân có tội khi tiêu xài hoang phí. Trời lạnh và tối nhanh, thỉnh thoảng những cơn mưa rét buốt khiến việc đi lại giữa thị trấn bên và Nam Đô trở nên khó khăn hơn, vì thế mà Hồng Phong cũng thưa về hơn. Hôm nay ngày cuối tuần, bọn trẻ không đến lớp mà sẽ ở nhà phụ việc giúp bố mẹ chúng. Ngân Hà được một ngày không đứng lớp thì lại cầm cuốc ra mảnh vườn phía sau trường làm cỏ rau. Từ mảnh vườn với bệnh vện nối với nhau bằng một lối đi gạch mấy chục mét, có thể nhìn thấy bên kia bệnh viện mấy bác tạp vụ đang đi lại hối hả, vội vã thu dọn gì đó trong căng tin và nhà kho. Một lúc sau cô Lan từ bên đó đi về phía khu trường học, đi vội vã đến độ suýt không nghe thấy tiếng chào của Ngân Hà.
“Cô Lan, sắp có lễ hội à mà bên bệnh viện cháu thấy hối hả thế?”
“Ngân Hà à! Đúng rồi, sắp có việc lớn. Mà trong kho trường học có phải còn dư mấy chiếc bàn chưa dùng đến đúng không cháu?”
“Vâng đúng rồi, cô có cần cháu phụ mang sang đó không?”
“Ồ không cần đâu, cô sang kiểm tra rồi mấy hôm nữa nhờ mấy anh bảo vệ mang sang”. Cô Lan toan cất bước đi.
“Lễ hội gì vậy cô? Mà sao hôm nọ họp với viện trưởng cháu có thấy triển khai gì đâu?”
“Triển khai thế nào được”. Cô Lan thu lại bước chân, khuôn mặt trong chốc lát đã ngời lên niềm hạnh phúc. “Ông ấy cho con bé tổ chức cưới rồi. Hơi muộn nhưng cuối cùng vẫn được thông báo với những người chứng kiến nó lớn lên đã là một điều hạnh phúc. Cuối tuần sau tổ chức, giờ cô và bên phục vụ đang kiểm kê đồ đạc, lên kế hoạch, ông ấy đã giao hết cho cô lo toan”
Tin tức cô Lan đưa đến như sét đánh ngang qua bầu trời, nổ đùng đoàng bên tai Ngân Hà khiến cô không kịp phản ứng, đứng nhìn cô ấy trân trân.
“Cháu làm tiếp đi nhé, cô cũng đang dở việc!”.
Tiếng cô Lan đã xé ngang giây phút ngây ngốc của Ngân Hà, khiến cô lúng túng.
“Vâng, cô làm việc tiếp đi ạ!”
Bóng cô Lan bước đi chìm dần chìm dần vào mấy dãy nhà, mờ mờ, nhòe đục. Đã mấy tháng qua, cô đã tưởng mình đã quên sạch mọi chuyện, nhưng giờ khi những tin tức ấy vừa đến trái tim Ngân Hà vẫn như bị bóp nghẹn, một bàn tay vô hình nào đó như đang nén chặt lấy trái tim cô sít sao, chặt chẽ. Vậy là họ sắp cưới nhau rồi ư? Vậy là viện trưởng cuối cùng đã đồng ý để hai người đó cưới nhau. Giờ hẳn cái thai trong bụng cô ấy đã lớn. Họ cưới nhau cũng phải, rốt cuộc cô đã chuẩn bị cho sự ra rìa của mình từ lâu lắm, chỉ có điều hôm nay khi mọi chuyện đột nhiên ập đến khiến cô không khỏi choáng váng. Rõ ràng cô còn yêu anh lắm, bằng chứng là khi nghe đến tin đám cưới anh trái tim cô thấy đau đớn lắm! Đám cưới của anh có nghĩa chính là thời khắc cô phải rời xa anh mãi mãi, quên anh một cách triệt để. Có một thứ gì nghẹn ngào trong cổ họng mà không thể thốt ra. Có một thứ gì đó nóng hổi chờ chực trên mi mà không dám lăn xuống. Rốt cuộc tình yêu là gì mà khiến cho con người ta đau khổ đến thế?
“Chị sao vậy?”. Bóng người nhỏ bé phía sau kịp thời lao đến đỡ lấy khi cơ thể Ngân Hà đang chuẩn bị khụy xuống kèm theo là một giọng nói lo lắng vô cùng.
“Chị… chị không sao!”. Ngân Hà phều phào xua tay, cố gắng tì cả cơ thể vào chiếc cán cuốc đang chống dưới đất.
“Thế này rồi mà còn nói không sao, chị vào kia nghỉ đi!”. Nói rồi Hồng Phong hai tay dìu Ngân Hà về phía chiếc ghế đá gần tán cây to gần đấy. Mùa đông những tán cây thưa thớt lá, nhưng cũng đủ che đi bóng nắng còn hanh hao khô rát.
“Em về từ bao giờ? Về vào ngày chủ nhật thế này lại đi luôn thì mệt lắm”. Ngân Hà vẫn cố nở nụ cười trên đôi môi đã tái nhợt.
“Lo cho chị trước đi đã, việc của em em khắc tự biết sắp xếp”. Đôi mắt kiên định nhìn Ngân Hà, chiếc mặt non choẹt đang cố tỏ ra vẻ người lớn.
“Chị không sao đâu, chắc tại sáng nay phơi nắng hơi lâu. Chị cứ chủ quan nghĩ nắng mùa đông không gắt”.
“Chị xem chị là người lớn kiểu gì mà không chăm sóc nổi bản thân, vậy mà còn kêu người khác là con nít”
Ngân Hà nhoẻn miệng cười, không muốn đôi co nhiều với thằng bé. Thực sự giờ cô đang thấy mệt lắm nên không muốn đôi co với một ai hết. Tâm trạng cô nặng nề lắm nên không có hơi sức đâu mà để ý đến những thái độ bất thường, hay lời nói khác thường của người khác.
“Có chuyện gì với chị đúng không? Em chưa bao giờ thấy chị thế này trước đây”
Ngân Hà nở nụ cười buồn, lắc lắc đầu, nhưng thật sự lời nói của Hồng Phong khiến nỗi đau trong lòng cô càng thêm đau nhói. Hai giọt nước mắt được dịp rơi ra, lăn dài trên má rồi rụng xuống mu bàn tay bỏng rẫy. Ngân Hà ngượng ngùng quay mặt đi.