Tiết đầu tiên của hôm nay là môn Mĩ thuật, cô bộ môn là một người khá dễ tính. Khi bọn tôi lên đến lớp đã qua 1/3 tiết học, cô đang cho lớp tôi vẽ tĩnh vật. Tôi đi trước, lễ phép xin cô vào lớp rồi nhanh chóng về chỗ ngồi. Cô hỏi thăm rồi bắt đầu trêu bốn đứa tôi vài câu đùa nhạt toẹt để xoa dịu tâm trạng của bọn tôi. Gia Bảo và Quốc Khánh trông vẫn còn khá tươi tắn, đùa lại mấy câu với câu, tôi và Nhi lại chẳng lạc quan như thế, chỉ mỉm cười cho qua.
Tôi vừa ngồi xuống, Ngọc ở bên cạnh đã bắt đầu quay sang hóng chuyện:
"Hồi nãy, tao thấy thầy Nam dắt tụi bây từ cổng trường vào thẳng phòng giám thị, có chuyện gì hả?"
"Tao không biết."
Tôi vẫn còn bực bội, hậm hực đáp.
"Là sao? Tụi bây ở trong ấy lâu như thế, sao lại không biết?"
Tôi kể lại tất cả sự việc cho Ngọc nghe, còn nêu lên quan điểm của mình. Nó nghe xong cũng có cùng suy nghĩ với tôi. Cứ như vậy, tôi ôm theo mớ rối bời ở trong lòng bắt tay vào vẽ tranh tĩnh vật.
Ngay sau tiết Mỹ thuật là tiết Toán của thầy Nam. Vừa vào lớp, thầy đã gọi bốn đứa tôi đứng lên, bắt đầu huyên thuyên về "tội trạng" của đám bọn tôi trước mặt cả lớp, không quên bày tỏ ý muốn trách phạt.
Phê bình xong, thầy Nam lại đổi giọng, nói:
"Mấy em tuy đã làm sai nhưng xét thấy có ý hối lỗi cho nên lần này tôi sẽ tha. Mỗi em về chép phạt 100 lần 5 điều Bác dạy, có tiết nộp lại cho tôi. Đây xem như là hình phạt cảnh cáo tất cả, lần sau đừng có vi phạm nữa."
Tôi cảm thấy có chút buồn cười. Thầy ấy tự "vẽ" ra một đống tội trạng cho chúng tôi, mắng chúng tôi, cùng thầy giám thị "kẻ tung người hứng" doạ gọi phụ huynh, xong lại tự cho một hình phạt và nói ra mấy lời đó, xem như cho chúng tôi một "ân huệ".
*****
Áp lực công việc trong suốt thời gian qua cùng với chuyện xảy ra ngày hôm nay khiến tôi càng thêm quyết tâm từ chức lớp phó học tập của mình. Giờ ra chơi buổi chiều hôm ấy, tôi mang dáng vẻ hùng hổ đi tìm thầy Nam. Tôi vốn đã chuẩn bị xong lý do từ trước nhưng lại vì nhát gan nên chần chừ mãi cho đến tận ngày hôm nay. Chuyện xử phạt lần này, tôi sẽ biến nó thành cơ hội để tôi có thể thuận lợi "nghỉ việc".
Đứng trước phòng giáo viên nhìn trước, ngó sau một lúc lâu, đến góc áo của thầy Nam, tôi cũng chẳng nhìn thấy. Tôi sốt ruột đi đi lại lại ở trước cửa, chốc chốc lại nhìn vào bên trong. Có mấy vị giáo viên biết tôi, tốt bụng hỏi xem tôi đến tìm ai. Song, cuối cùng đều chỉ nhận lại câu trả lời giống nhau: "Thầy/cô không thấy, chắc thầy ấy đi đâu rồi", cứ như thể thầy Nam đã hoàn toàn biến mất khỏi ngôi trường này rồi vậy.
Đột nhiên từ phía sau có ai đó vỗ vai tôi, nhỏ giọng nói khẽ bên tai, khiến tôi giật thót:
"Em tính trộm gì trong phòng giáo viên à?"
Tôi vội vàng xoay người, buộc miệng: "Dạ?"
Người vừa dọa tôi ấy chính là thầy Nguyễn Ngọc Hưng, thầy Thể dục của lớp bọn tôi và là chủ nhiệm lớp bên cạnh. Thầy ấy cùng với thầy chủ nhiệm lớp tôi được cho là có mối quan hệ khá phức tạp. Hai thầy ấy là bạn thân và hình như trong ngôi trường này cũng chỉ có thầy Hưng mới có thể chơi thân được với thầy Nam. Đối với các thầy cô khác, từ lớn tuổi hơn hay nhỏ tuổi hơn, thầy Nam đều giữ một thái độ rất chuẩn mực, tôn trọng và có vài phần xa cách nhưng khi ở cùng thầy Hưng, tôi thấy thầy Nam cư xử khá thoải mái và đôi lúc còn thân thiết quá mức.
Sở dĩ nói bọn họ có mối quan hệ phức tạp là vì dù thân thiết như thế nhưng lớp tôi và lớp thầy ấy lại thường xuyên cạnh tranh với nhau, đương nhiên là cạnh tranh lành mạnh. Hai thầy chủ nhiệm thường xuyên đem đám học sinh lớp mình ra so kè ở đủ mọi phương diện và đa phần đều là do thầy Hưng khơi mào. Chuyên cần, ngoan ngoãn hay chuyện học hành lớp tôi có thể không bằng bên ấy nhưng về mấy mảng phong trào hay thứ gì không liên quan đến việc học và chăm ngoan, lớp tôi vẫn có thể dễ dàng "ngang cơ" hoặc "nhỉnh" hơn bọn họ.
Tôi nhỏ giọng, nói:
"Em đến tìm thầy chủ nhiệm của bọn em ạ."
Thầy ấy cũng bắt chước tôi, nhỏ giọng nói:
"Nói nhỏ chuyện này cho em nghe nhé. Thầy chủ nhiệm của bọn em thường không thích đến phòng giáo viên đâu. Cậu ấy bảo nhiều người, ngột ngạt nên khi không có việc gì sẽ trốn đến góc nào đó ngồi một mình."
Dừng một chút, thầy ấy lại nói tiếp:
"Nếu em có chuyện gấp muốn gặp thầy Nam thì đợi tôi một tí..."
Thầy Hưng nhìn trái ngó phải rồi, hạ giọng, nói nhỏ vào tai tôi mấy lời rồi nháy mắt, cười vui vẻ nói:
"Em cứ đi theo như những gì tôi nói, thầy của em chắc đang ở đấy đấy. Bí mật nhé!"
Tôi gật đầu cảm ơn thầy ấy rồi nhanh chóng rời khỏi đó.
***
Tôi mò mẫm đi theo chỉ dẫn của thầy Hưng, nhanh nhẹn băng qua sân trường đông nghịt người, đến con đường nhỏ bên cạnh phòng hội trường. Trong đầu tôi lúc này hoàn toàn chỉ nghĩ khi gặp thầy Nam thì nên nói gì, làm gì, chỉ dựa theo cảm giác mà đi về phía trước. Đi được một lúc lâu, tôi lại giẫm phải mũi giày của ai đó, là một đôi giày da màu nâu đen trông khá đắt tiền. Thấy vậy, tôi vội vàng rụt chân lại, cúi đầu, xin lỗi:
"Em xin lỗi. Em không cố ý đâu ạ. Em thật sự xin lỗi thầy."
"Được rồi, ngẩng đầu lên đi. Em là con gà à?"
Giọng nói của người kia có chút quen thuộc. Tôi sững người, sau lại ngẩng lên đối diện với người vừa bị tôi giẫm phải. Trùng hợp thật, người muốn gặp lại tự tìm đến rồi!
"Em xin lỗi thầy Nam."
Tôi lại cúi đầu, xin lỗi thầy ấy.
Khi tôi lại một lần nữa ngẩng đầu lên nhìn thầy Nam, đã thấy thầy ấy cong môi cười nhẹ, còn bắt đầu trêu tôi:
"Em giẫm lên giày tôi ba lần rồi à? Sao xin lỗi đến tận ba lần lận thế."
Tôi chẳng biết phải đáp như thế nào. Không khí giữa hai người bọn tôi thoáng chốc lại đột nhiên rơi vào yên tĩnh.
Mấy giây ngắn ngủi trơ mắt nhìn nhau ấy của bọn tôi cuối cùng cũng bị giọng nói trầm ấm đầy lịch thiệp của thầy Nam phá vỡ:
"Xin lỗi, tôi muốn về phòng giáo viên, em có thể nhường đường được không?"
Tôi buộc miệng đáp:
"Không ạ!"
Thầy ấy khẽ nhướn mày, nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.
Thôi chết rồi! Mỗi khi căng thẳng miệng tôi đều nhanh hơn não như thế! Thầy ấy vốn đã có thành kiến với tôi, nay tôi lại đáp thế kia thì xong thật rồi!
Mặc cho nội tâm đang không ngừng gào thét, run rẩy, tôi vẫn cố giữ bình tĩnh, nhẹ giọng nói:
"Thật ra em có chuyện muốn nói với thầy ạ."
Tôi còn chẳng dám nhìn thẳng vào thầy Nam, chỉ có thể nhìn sang khoảng trống đường đi bên cạnh.
Thầy ấy chậm rãi xoay người nhìn theo ánh mắt của tôi, xong lại như hiểu ra điều gì, chỉ tay sang phía ấy, hỏi:
"À, em muốn tôi nhường đường à?
Vừa nói dứt câu, thầy ấy nhẹ nhàng bước sang một bên chừa chỗ cho tôi đi.
Tôi cố gắng nén lại sự căng thẳng trong lòng, hít thật sâu, lấy dũng khí, dùng một hơi nói hết những lời trong lòng:
"Thưa thầy, em muốn xin từ chức. Em tự thấy mình không đủ khả năng để làm lớp phó học tập nữa. Từ khi bắt đầu làm đến bây giờ, em đã rất nhiều lần mắc lỗi. Có lẽ có nhiều bạn bất mãn với em lắm nhưng do cũng học chung với nhau ba năm rồi nên hơi khó nói. Thầy có thể đổi bạn khác làm thay em được không ạ?"
"Sai thì sửa. Em cứ làm đi, tôi thấy em làm được mà."
Thầy Nam dửng dưng đáp.
"Tuần trước, thầy mới la em vì không nhắc giáo viên kí sổ đầu bài. Còn có mấy hôm trước, em viết báo bài thiếu nên cả lớp bị đứng và bị cô Quyên ghi vào sổ, em bị thầy phạt trực nhật một mình suốt ba ngày liền. Sáng nay, em cũng vừa mới phạm lỗi, còn bị thầy mắng trước lớp, suýt thì mời phụ huynh. Em cảm thấy em thật sự không phù hợp với trọng trách mà thầy đã giao đâu ạ."
Tôi càng nói càng hăng, không vấp, không ngừng chỗ nào, cứ thế nói một mạch.
"Em đây là đang nhắc khéo tôi sao?"
Thầy ấy nhướn một bên mày, mỉm cười, đầy hàm ý hỏi.
"Dạ?"
"Nhắc tôi nếu muốn em làm lớp phó thì không được mắng và phạt em nữa?"
"Không... không phải đâu ạ."
Tôi sợ hãi, lắp bắp đáp.
Dừng lại một chút, tôi lại nhỏ giọng nói:
"Em chỉ là...chỉ là không muốn làm nữa thôi. Thường bị mắng, không chỉ chịu sức ép từ giáo viên mà còn từ các bạn cùng lớp, chỉ vì muốn làm tốt việc của mình để không bị la thôi cũng bị các bạn ghét. Em còn liên tiếp gây chuyện, làm ảnh hưởng không chỉ mình em mà còn đến cả lớp và đến cả... thầy nữa."
Tôi cứ như vậy ở trước mặt người thầy chủ nhiệm mà vài giờ trước tôi còn ghét cay ghét đắng phơi bày hết suy nghĩ trong lòng. Nói xong, tôi lại tiếp tục cúi đầu, không dám nhìn thầy Nam, nài nỉ:
"Em rất vụng về, lại thường hay gây chuyện... nên em... em nghĩ mình không đảm nhận nổi chức lớp phó học tập này đâu thầy. Xin thầy đổi bạn khác phù hợp hơn để cùng lớp trưởng dẫn dắt lớp ạ."
Tùng! Tùng! Tùng!
Tiếng trống báo hiệu kết thúc giờ ra chơi vang lên cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi.
"Được rồi. Ngày mai có tiết, tôi sẽ hỏi ý kiến các bạn rồi sẽ quyết định sau. Em về lớp trước đi."
Tôi không nhìn thầy Nam, cũng chẳng thể biết được biểu cảm lúc này của thầy ấy là gì. Nhưng chẳng biết có phải do tôi đang mong chờ có thứ gì đó có thể an ủi trái tim đang không ngừng run rẩy của mình không, đột nhiên tôi lại cảm thấy giọng nói lạnh nhạt ngày thường của thầy Nam lại đột nhiên nhẹ nhàng và ấm áp đến thế.
Là ảo giác thôi! Đối với tôi, thầy ấy đích thị là nhân vật "cáo xấu xa" trong câu truyện ngụ ngôn lúc nhỏ mẹ hay kể.
Tôi ỉu xìu đáp một tiếng "dạ" rồi nhanh chóng chạy về lớp. Thầy ấy nói như vậy là tôi vẫn còn hy vọng mà đúng không?
*****
Tôi đem chuyện của mình nói cho đám bạn chơi thân, cùng bọn nó bàn xem nên chuyển trách nhiệm nặng nề này cho ai thì hợp lí.
Lớp trưởng đẩy nhẹ gọng kính, nói:
"Hay mày lên nói với cả lớp đi, hỏi ý kiến của chúng nó trước đã."
Tôi lo lắng hỏi:
"Lỡ may chúng nó không chịu thì sao?"
Ngọc Anh vẫn giữ nét mặt nghiêm túc, chầm chậm "giác ngộ" cho tôi:
"Dù sao thì ngày mai thầy Nam cũng lấy ý kiến của bọn nó. Thay vì vậy, sao mày lại không đi trước một bước, chủ động bàn bạc với mọi người xem sao, như vậy sẽ có lợi hơn cho mày."
***
Tiết học cuối cùng của buổi chiều kết thúc, ngay khi giáo viên vừa ra khỏi lớp, tôi đã nhanh nhẹn bước lên "thưa chuyện" với mọi người, để báo bài cho Ngọc Anh viết giúp. Tôi có hơi hồi hộp, đứng trên bục giảng tuy vẫn ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố nhưng hai tay đã siết chặt lại, lòng bàn tay rin rít toàn mồ hôi:
"Lúc ra chơi, tao có xin thầy Nam không làm lớp phó học tập nữa."
"Tụi bây cũng thấy rồi đó, tao toàn gây chuyện thôi. Ngày mai thầy Nam sẽ lấy ý kiến, tụi mày có ai muốn làm không, cho lớp biết để mai tiện ủng hộ luôn."
Một cậu bạn ở dưới nói vọng lên:
"Mày làm đi. Sao phải đổi chi cho mất công vậy?"
Tôi im lặng, dùng ánh mắt sắc như dao lườm cậu ta.
"Mọi người ai muốn làm cứ nói ra đi nhé, đừng có sợ tao buồn hay lớp dị nghị gì. Tao mong còn không kịp đó."
Tôi cố khích lệ mọi người.
Khi tôi vừa dứt lời, cô bạn xinh xắn tên Diệp Lan ngồi ở dãy bàn thứ tư, nói vọng lên:
"Hay là để Tường Vi làm đi."
Nói xong, cô ấy liền quay sang cô bạn xinh đẹp bên cạnh, cười sởi lởi.
Tường Vi? Chẳng phải là Nữ Thần của tôi sao? Nếu cậu ấy có thể làm thì tốt rồi. Tôi hướng ánh mắt khẩn thiết nhìn đến chỗ của Nữ Thần. Cậu ấy không nói gì, chỉ khẽ mỉm cười ngại ngùng. Những cô gái ngồi xung quanh Tường Vi không ngừng khích lệ cô bạn, có mấy bạn nam cũng hò reo cổ vũ.
Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, Tường Vi cũng chấp nhận.
Cứ như thế, tôi thành công ném nỗi muộn phiền lớn nhất mỗi ngày đến lớp của mình ra ngoài cửa sổ nhờ có Nữ Thần.
****
Nói về Tường Vi, cô ấy chỉ mới đến lớp tôi vào đầu năm ngoái, là một học sinh chuyển trường. Tường Vi rất xinh đẹp, là kiểu đẹp mềm mại và tinh khôi của một bông hoa tuyết. Từng đường nét trên khuôn mặt của cô bạn đều là sự gọt đẽo đầy tinh tế của thượng đế. Hệt như một búp bê sứ đẹp đẽ và quý giá, Vi luôn mang đến cho người khác cảm giác cần được yêu thương và bảo vệ.
Là con gái của thủ đô, từng cử chỉ, lời nói của Vi luôn toát ra vẻ thanh lịch, duyên dáng của vùng đất nghìn năm văn hiến. Tôi cực kì thích nghe giọng bắc, vì cái nội lực ẩn trong giọng nói của họ rất khác so với sự nhẹ nhàng ở giọng miền Nam bọn tôi. Giọng của Vi chính là giọng con gái miền Bắc hay nhất mà tôi từng nghe thấy.
Khi ở cùng với đám bạn thân của mình, tôi thường gọi Vi là "Nữ Thần", không phải chỉ vì Vi xinh đẹp mà còn là vì tính cách của cô ấy. Hơn nữa, tôi gọi như vậy còn vì có ý muốn trêu Quân Phương.
Tháng 3 năm ngoái, Quân Phương có trận đấu bóng rổ với trường D. Chơi được nửa trận, cậu ta bị đám bên ấy chơi xấu, chấn thương ở chân, nằm trên sân, không đứng lên nổi. Khi ấy, tôi thật chỉ muốn ngay lập tức lao vào sân với Phương. Vậy mà lại có người nhanh hơn cả tôi, chớp mắt đã ở trên sân, bên cạnh Quân Phương quan tâm, chăm sóc. Đôi mày thanh tú nhíu chặt, vẻ mặt lo lắng, sợ hãi và ánh mắt dịu dàng của Tường Vi chưa bao giờ rời khỏi gương mặt đang nhăn nhó vì đau của Quân Phương.
Một khoảng thời gian sau đó, bắt đầu rộ lên tin đồn hai bọn họ là một cặp. Người trong cuộc không phủ nhận nhưng cũng chẳng thừa nhận khiến mọi người cứ bàn tán mãi, chỉ có hai người bọn họ và đám bọn tôi biết rõ giữa Vi và Phương thật sự chẳng có gì cả. Tuy vậy, tôi vẫn luôn âm thầm "đẩy thuyền" cho cậu bạn thân đến với Nữ Thần của mình.
Tuy là bạn học cùng lớp nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với Tường Vi. Tại sao ư? Bởi vì thứ gọi là "khác biệt đẳng cấp". Cậu ấy rất xinh đẹp, tôi lại chẳng xinh, khuôn mặt cũng gọi là dễ nhìn nếu không muốn nói là quá đỗi bình thường.
Từ trước đến giờ, tôi nghĩ bản thân chỉ cần chăm chỉ học hành, đạt được thành tích cao để có cái cho mẹ tôi đem đi khoe với mọi người là được cho nên chẳng chăm chút mấy cho ngoại hình và cũng chẳng biết cách để chăm.
Từ vẻ bên ngoài cho đến cốt cách bên trong, Tường Vi luôn toát ra khí chất của một cô tiểu thư thanh lịch, giàu có. Chẳng bù cho tôi, chỉ có thể dùng một từ để diễn tả: "phèn".
****
Tối hôm ấy, nằm trên giường lăn qua lộn lại, suy nghĩ về chuyện sắp được rời khỏi thứ trọng trách nặng nề kia, tôi phấn khích đến mức chẳng thể nào ngủ được. Chỉ ngày mai thôi, tôi có thể về lại với dáng vẻ của một học sinh tự do, tự tại rồi, sao lại có thể không vui được chứ?
Kết quả là sáng hôm sau, tôi mang theo hai quầng mắt thâm đen như gấu trúc cùng khuôn mặt phờ phạc nhưng lại thấp thoáng vẻ yêu đời đến lớp.
Cuối cùng cũng đến tiết của thầy Nam. Thầy ấy vẫn bước vào lớp với khuôn mặt lạnh tanh, không cảm xúc, lướt nhanh qua tôi, đến bàn giáo viên ở giữa lớp. Thầy cẩn thận dùng chiếc khăn được bọn tôi chuẩn bị sẵn lau qua mặt bàn một lần rồi mới đặt chiếc cặp táp màu đen của mình xuống.
Lớp trưởng theo thói quen, hô to:
"Chúng em chào thầy ạ."
Thầy Nam khẽ đảo đôi mắt cáo hẹp dài của mình quanh lớp, xong lại đưa tay ra hiệu cho bọn tôi ngồi xuống, đặt cuốn sách giáo khoa lên bàn, bắt đầu vào buổi học. 70 phút cứ chầm chậm trôi qua như thế. Cả buổi học, tôi chẳng thể nào tập trung vào bài giảng, lòng hệt như lửa đốt, ánh mắt dán chặt trên người thầy chủ nhiệm. Mọi cử chỉ, hành động dù nhỏ nhất của thầy ấy đều được tôi chú tâm quan sát tỉ mỉ, như thể sợ rằng nếu tôi lơ là một chút là thầy ấy liền chuồn mất, không giải quyết chuyện của tôi nữa vậy.
Mãi cho đến khi còn 10 phút trước khi hết giờ học, thầy ấy mới chậm rãi gấp sách, đứng trên bục giảng, giọng điệu đều đều, nói với chúng tôi:
"Hôm qua, bạn Vân Anh có đến xin tôi cho thôi không làm lớp phó học tập nữa, vì bạn cảm thấy không phù hợp với nó. Các em có ý kiến gì về việc này không?"
Không một ai lên tiếng. Đám người hôm qua còn hăng hái hứa giúp tôi, hôm nay khi bị thầy ấy hỏi đến đều im như thóc. Đúng là bọn nhát gan!
Thầy Nam nói tiếp, phá vỡ bầu không khí yên lặng đến kì cục này:
"Có lẽ vì là bạn học của nhau nên các em khó nói trực tiếp được. Vậy thì chúng ta bỏ phiếu đi, mỗi bạn một phiếu, không cần ghi tên của mình, chỉ cần ghi tên của người muốn bầu là được và không được để phiếu trống. Nếu các em muốn bầu cho chính mình thì cứ việc ghi tên của các em. Nhớ ghi nắn nót, không đọc được xem như phiếu trống."
Cả lớp tôi vừa giây trước còn lặng như tờ, giây sau đã náo nhiệt như một phiên chợ Tết. Không khí bỗng chốc được lấp đầy bằng mấy câu như này:
"Mày bầu cho ai thế?"
"Bầu cho tao, bầu cho tao, bầu cho tao nè."
"Rồi ghi tên ai giờ?"
"Thôi ghi đại đi mấy đứa này. Lằng nhằng, nhức đầu!"
"Tao tự bầu cho tao, haha."
Rầm.
Cả lớp tôi vừa ồn ào được một chút đã ngay lập tức im bặt vì tiếng đập bàn của thầy Nam.
"Không ồn ào, không trao đổi. Viết nhanh lên!"
Vài phút sau đó, lớp trưởng Ngọc Anh theo lệnh của thầy Nam thu lại phiếu bầu của mọi người. Thầy ấy còn gọi thêm cả tổ trưởng tổ 1 lên phụ lớp trưởng kiểm phiếu.
Ngọc Anh đứng cạnh bàn giáo viên vừa mở phiếu, vừa đọc to tên được viết trong đấy. Đằng sau, bạn tổ trưởng giúp thống kê và ghi lại lên bảng.
"Phiếu thứ nhất, Tường Vi."
"Phiếu thứ hai... Tường Vi."
Phiếu thứ 11 cũng vẫn là Tường Vi. Phía sau truyền lên mấy tiếng ồn ào của bọn con gái, tôi mừng thầm trong lòng vì kết quả đang chuyển biến theo hướng tôi mong muốn.
"Phiếu thứ 12 là... Vân Anh."
Gì chứ? Đứa nào lại ghi tên tôi thế kia? Rõ ràng hôm qua đã bảo là ghi tên Tường Vi rồi cơ mà.
Sau đó, phiếu của tôi xuất hiện ngày càng nhiều, có thể so ngang với cả số phiếu của Nữ thần.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm ấy chính là hai bọn tôi bằng phiếu. Tôi sốc đến chẳng biết phải bày ra biểu cảm gì trong tình huống này. Giấc mơ thoát khỏi cái chức vụ đáng chết này cuối cùng lại vì 21 lá phiếu của 21 con người độc ác nào đó mà sắp tiêu tan cả. Tôi hận không thể băm họ ra thành trăm mảnh cho hả giận.
"Hai bạn bằng phiếu, như vậy... thì phải làm sao đây thầy?"
Lớp trưởng quay sang, lễ phép hỏi thầy Nam.
Không để bọn tôi đợi lâu, thầy Nam bình thản đáp ngay:
"Vậy thì cả hai em cùng làm đi, có thể giúp đỡ lẫn nhau."
Dừng một chút, thầy ấy lại hướng ánh mắt về chỗ tôi, người vẫn đang không tin vào hiện thực tàn khốc này nói tiếp:
"Như vậy thoả đáng rồi nhỉ?"
Ngọc khẽ đẩy vai tôi, nhỏ giọng nhắc nhở:
"Thầy Nam hỏi mày kìa."
Tôi như người bệnh vừa bị rút đi ống thở, không giấu được vẻ mặt ủ rũ, ấp úng đáp:
"Hay... hay cứ để bạn Vi làm đi ạ. Thật ra em... em..."
Thầy Nam vẫn nhìn chăm chăm vào tôi, nhướn mày, lạnh giọng nói:
"Em không thể vì 21 bạn đã tin tưởng bầu cho em mà tiếp tục cố gắng sao? Em thật sự muốn phụ lòng các bạn à?"
Tôi chỉ không muốn làm lớp phó nữa thôi mà, có phải muốn lên trời đâu, sao lại khó thực hiện thế chứ?
Trước mấy lời tấn công của thầy Nam, tôi chỉ có thể tuân theo số phận của mình, ỉu xìu đáp:
"Dạ, em sẽ cố gắng."
Giấc mơ trở về với cuộc sống bình thường, tự do, tự tại bỗng chốc vỡ tan. Tôi chợt có một ý tưởng điên rồ, nếu tôi có được chức vụ này nhờ học giỏi vậy tôi chỉ cần học dở đi thì sẽ không phải làm nữa đúng không? Tôi đúng là thiên tài!
Nhưng nếu tôi học dở, mẹ tôi sẽ đánh chết tôi. Đến lúc đó, không còn mạng để đi học nữa thì có làm lớp phó hay không cũng chẳng quan trọng nữa. Tôi quả thật là đứa trẻ đáng thương!
(☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 4 ♥ ☚(*'∀`☚)