Lê Ngọc-Trinh, xuất thân đệ tử danh gia. Ái đồ Khất đại phu. Được sư phụ sai xuất hiện giúp Trần Năng thống nhất ba mươi sáu động Nam Mê-Linh. Thay sư phụ quản trị các trang ấp của Lê Đạo-Sinh. Dùng nhân nghĩa cai trị dân. Được dân chúng kính yêu, tôn là Tiên cô giáng phúc. Theo quân tòng chinh Trung-nguyên, trấn giữ hậu quân. Dùng y đạo cứu trị cho dân. Khắp vùng đóng quân, người người yêu mến. Lệnh khởi binh ban ra, điều động tráng đinh, một đêm đánh chiếm bốn thành, chiếm lại hai mươi ba trang ấp trong tay giặc. Sắc phong Đại từ chí nhu công chúa. Tính thích ngao du, trị bệnh trăm họ, không muốn hưởng lộc trang ấp. Thuận theo ý, không phong thực ấp. Trao ấn Chinh-thảo đại tướng quân. Phó thống lĩnh đạo quân Quế-lâm. (Bà này là thầy thuốc, quá hiền lành, thì tuy có tài, cũng chỉ có thể làm phó thôi. Làm chánh thì giết giặc sao được. Chức của bà tương đương với ngày nay là Phó Tư-lệnh quân đoàn).
– Lê Thị-Lan, xuất thân đệ tử danh gia. Được sư phụ sai đem thư vào yết kiến Đào Thế-Kiệt. Giữa đường gặp Hoàng Đức-Phi. Khảng khái dạy bảo, chí khí được tỏ, tài năng đã phát. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh tráng đinh đánh chiếm hai thành, bốn trang ấp. Áp bức giặc đầu hàng, khiến máu không đổ, lương tiền không mất. Sắc phong Nhu-mẫn công chúa. Lĩnh ấn Trấn-tây tướng quân. Phó thống lĩnh đaọ binh Hán-trung. (Bà này đúng là nhu, là mẫn. Vì bà quá hiền. Chức của bà tương đương với ngày nay là Phó tư lệnh quân đoàn).
– Phật-Nguyệt, được Lĩnh-nam thần kiếm Nguyễn Phan thu nhận làm đệ tử. Kiếm thuật thần thông. Tính tình nhu thuận, hiền hòa. Văn đã giỏi. Mà tài dùng binh sớm phát. Trận đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, làm Đô-đốc, thắng thủy quân Thục. Trước sân rồng Quang-Vũ, dùng kiếm thuật trấn áp quần hùng Trung-nguyên. Đánh bại Thái-sơn thần kiếm Hoài-nam vương. Khéo ở chỗ, thắng không kiêu, khiến Hoài-nam vương trở thành bạn tốt của Lĩnh-Nam. Hiện trấn thủ hồ Động-đình, nhiệm vụ trọng yếu. Sắc phong Phật-Nguyệt công chúa. Lĩnh ấn Chinh-bắc đại tướng quân. Vì sớm giác ngộ đạo Phật, bỏ ra ngoài công danh, từ khước hưởng lộc thực ấp. Đạo hạnh thực đáng kính, đáng khen. (Bà này là một trong 12 nữ đại công thần thời Lĩnh-Nam. Tên bà không những được ghi vào sử Việt mà được ghi vào sử Trung-quốc. Bà lĩnh trọng trách tổng trấn khu hồ Động-đình, Trường-sa, tức biên giới Lĩnh-Nam với Hán. Di tích về bà hiện còn rất nhiều : Tại chùa Kiến-quốc thuộc Trường-sa, tại ngôi chùa trên núi Thiên-đài trong ngọn núi Ngũ-lĩnh. Bà là một nữ tướng gây kinh hoàng cho triều Hán nhất).
– Trần Năng, có chí phục quốc thời thơ ấu. Được đệ nhất danh nhân thu làm đồ đệ. Võ công vô địch thiên hạ. Tính khí cương trực, khảng khái. Biết hóa giải cừu thù, trao quyền thống lĩnh Lôi-sơn cho Đinh Hồng-Thanh. Tòng chinh Trung-nguyên, đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, vào Thành-đô. Lui về đánh chiếm chín quận Kinh-châu từ tay Hán. Xứng tài đại tướng quân. Sắc phong Yên-lãng công chúa. Ăn lộc vùng Toàn-liệt, Thượng-hồng. Xét tài trí, lĩnh Long-nhượng đại tướng quân, quản lĩnh Trung-quân, đóng tại Mê-linh. Chồng là Hùng Bảo, chí khí khác thường, thâm trầm, hào phóng. Suốt mấy năm trấn giữ binh quyền Lục-hải, tổ chức thao luyện binh mã. Giữ bờ cõi không bị trộm cướp. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh đạo quân Lục-hải, đánh chiếm toàn bờ biển vùng Giao-chỉ. Tiến về vây Long-biên. Có công đầu tại Long-biên. Thuận thế đem quân đánh Ký-hợp, Luy-lâu. Uy dũng nhất thế. Sắc phong Vũ-kị đại tướng quân, thống lĩnh Ngự-lâm quân. Tước Thượng-hồng công.
(Ông bà này giữ chức vụ nhỏ nhưng tín cẩn. Bà làm Tư-lệnh lực lượng trừ bị quốc gia. Ông là Tư-lệnh lực lượng phòng vệ phủ Tổng-thống. Đây là cặp vợ chồng thuận hòa với nhau nhất. Bà thì ồn ào, vui vẻ, li lắc. Ông thì thâm trẫm. Về đời Trần, nhân công chúa Thủy-Tiên, dưỡng nữ của Hưng-Đạo vương được gả cho danh tướng Phạm Ngũ Lão... Hai vị có hành trạng giống Trần Năng, Hùng Bảo, nên thế truyền hai vị tái đầu thai).
– Trần Quốc, mồ côi từ nhỏ. Xuất thân đệ tử danh gia. Tự luyện thành bản lĩnh hơn Giao-long. Tuổi mười bảy làm Đô đốc, đánh chiếm Độ-khẩu, Mỹ-cơ. Sau trợ chiến Trưng Nhị, đánh chiếm suốt giải đông Ích-châu. Trận chiến Trường-an, chỉ huy thủy quân đánh chiếm Vị-nam, khiến Quang-Vũ kinh hồn bạt vía. Lệnh khởi nghĩa ban ra, kéo thủy quân trấn nhậm bắc Nam-hải. Sắc phong Gia-Hưng công chúa. Ăn lộc vùng Hoàng-xá, Gia-hưng. Lĩnh ấn Đô-đốc, chưởng quản thủy quân trấn bắc Nam-hải. (Tương đương với ngày nay là Tư-lệnh hải quân. Bà này là một tướng hét ra lửa, mửa ra khói thời Lĩnh-Nam).
– Trần-gia tam-nương, xuất thân danh gia đệ tử. Ba chị em lập chiến khu chống Hán. Khi tòng chinh Trung-nguyên, đánh chiếm Kiếm-các, Dương-bình quan. Lệnh khởi nghĩa ban ra, đem hai ngàn tráng đinh, đánh chiếm bảy đồn từ Bình-xuyên tới Cổ-loa. Đoạt cố đô Cổ-loa từ tay giặc trở về. Sắc phong Hồng-Nương làm An-Bình công chúa. Thanh-Nương làm Bình-Xuyên công chúa. Đạm-Nương làm Quất-Lưu công chúa. Ăn lộc các vùng này. Giao lĩnh ấn thống lĩnh kị binh Lĩnh-Nam. (Tương đương với ngày nay là Tư-lệnh thiết giáp binh).
– Nguyễn Quý-Lan, xuất thân Tản-viên. Văn mô, vũ lược. Lệnh khởi binh ban ra, bày mưu cho Tượng-quận vương, đánh chiếm Tượng-quận từ tay người Hán. Tổ chức cai trị hoàn hảo. Sắc phong Liên-Sơn công chúa. Lĩnh Lễ bộ thượng thư. (Tương đương với ngày nay là Bộ trưởng bộ Văn-hóa giáo dục.
– Đào Phương-Dung, xuất thân giòng dõi trung lương. Văn võ song toàn. Ấu thời được phụ thân luyện chí phục quốc. Lệnh khởi binh ban ra. Chỉ huy hai ngàn tráng đinh trang Hiển-minh, chiếm lĩnh tám đồn phía nam Luy-lâu, không đổ một giọt máu, không tốn một mũi tên. Khi giặc cố thủ Long-biên, theo thân phụ đánh thành. Thân đi trước tướng sĩ. Vào được thành, chỉ huy binh tướng tiếp thu. Giặc đánh Ký-hợp, Nam-thành vương tuẫn quốc, lại theo phụ thân đánh giặc. Phá tan quân giặc ở Ký-hợp. Uy vũ khiến ba quân kính phục. Sắc phong Đăng-Châu công chúa. Ăn lộc vùng Đăng-châu. Lĩnh ấn Trấn-nam đại tướng quân. Thống lĩnh đạo binh Giao-chỉ. (Tương đương với ngày nay là Tư-lệnh quân đoàn. Bà là một trong các nữ đại tướng hét ra lửa, mửa ra khói thời Lĩnh-Nam).
– Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, xuất thân giòng dõi trung lương. Văn võ kiêm toàn. Giỏi thủy tính. Khi lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh tráng đinh Đào, Đinh trang, đánh chiếm hai huyện, ba thành của giặc trong hai ngày. Không tốn một giọt máu, một mũi tên. Theo Đào vương bắc chinh, cứu viện Giao-chỉ. Công hãm Luy-lâu. Sắc phong Đinh Bạch-Nương làm Tam-Sơn công chúa. Đinh Tĩnh-Nương làm Quân-Sơn công chúa. Chị làm Đô-đốc thống lĩnh thủy quân hồ Động-đình, vùng Trường-sa. Em làm phó. (Hai bà này là hai nữ tướng can trường, cương quyết bậc nhất thời Lĩnh-Nam. Sử Hán liệt hai bà là hai nữ tướng khạc ra lửa).
– Trần Thị Phương-Chi, tính thích ngao du sơn thủy, không thích công danh. Sớm ngộ đạo Bồ-đề. Được Bồ tát Tăng-Giả Nan-Đà cho thụ giới Tỳ kheo ni. Kính dâng tôn hiệu Lĩnh-nam Bồ-tát.
– Trần Thị Vĩnh-Huy, đệ bát Thái-bảo phái Sài-sơn. Văn mô, vũ lược. Lệnh khởi binh ban ra. Suất lĩnh đệ tử đánh từ Vân-hà đến Long-biên. Hợp quân vây đánh Long-biên. Sắc phong công chúa Vĩnh-Huy. Lĩnh Thượng-thư bộ lại. (Tương đương với ngày nay là bộ trưởng bộ Nội-vụ).
– Vương Sa-Giang, xuất thân cành vàng lá ngọc, đệ tử danh gia. Võ công tuyệt thế, sớm nổi tiếng Thiên sơn cầm tiên. Văn tài lỗi lạc. Nhan sắc khó tìm. Vì giữ lời hứa đánh cuộc với Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, đem thân thể ngọc ngà sang giúp Lĩnh-Nam. Tài đã trọng, đức càng thêm kính. Sắc phong Lĩnh-nam công chúa. Truyền theo Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, tiếp giúp Lĩnh-Nam. (Bà là một nhân vật lịch sử. Hiện ngoại ô huyện Phong-đô tỉnh Tứ-xuyên có đền thờ bà. Trong những năm làm việc cho Liên-hiệp các viện bào chế châu Âu (Coopérative Européenne Pharmaçeurtique= CEP, 1977-1999) trước sau tôi vào Tứ-xuyên 4 lần. Lần nào tôi cũng đến đền thờ bà dâng lễ và xin... xâm. Linh ứng kỳ lạ).
– Nguyễn Giao-Chi, xuất thân giòng dõi trung lương, đệ tử danh gia. Tài âm nhạc không thua Trương Chi. Bàn tay tiên hóa phép được những món ăn tuyệt thế. Ôn nhu, văn nhã. Thế mà một tay điều khiển Mai-động ngũ hùng, đội Giao-long binh đánh úp Độ-khẩu. Sau đó đánh Hán-nguyên, Mỹ-cơ. Lại theo đạo Kinh-châu giúp Trưng Nhị đánh úp Quảng-an. Dự trận Trường-an, ra sức đánh Vị-nam trong đêm. Hiện đã kết hôn với Đô Dương, xin đứng ngoài vòng danh lợi. Thuận theo ý muốn. Sắc phong làm Hòa-Huệ công chúa. Ban cho hiệu Mai-Động tiên tử.
– Tây-vu tiên-tử, tuổi quá sáu mươi, thay Hồ Đề thống lĩnh Tây-vu. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh đệ tử Tây-vu, đánh chiếm huyện Tây-vu, gồm hai thành, mười đồn trong ba ngày. Hợp hàng binh, với đệ tử có sẵn, lập thành quân đoàn Tây-vu. Tài thực đáng trọng, đức càng đáng kính. Sắc phong Thiên-Sớ công chúa. Ăn lộc suốt vùng núi Thiên-sớ. Thống lĩnh quân đoàn Tây-vu.
– Lục Phong-Nữ, tính tình nhu thuận, hiền hòa. Tuổi chưa quá mười tám, theo quân đánh Trung-nguyên. Trận Xuyên-khẩu, Bạch-đế ra tài, kinh tâm anh hùng đất Bắc. Trận Trường-an, xung vào muôn nghìn tên, đánh Quang-Vũ, và hai mươi lăm vạn quân, bỏ thành chạy. Sắc phong Thiên-Phong lục công chúa. Truyền lĩnh chức đại tướng quân, theo sáu đạo Lĩnh-Nam phòng vệ đất nước.
– Ngũ-Long công chúa, khôn ngoan, sắc sảo. Tuổi chưa quá mười tám. Theo quân tòng chinh Trung-nguyên. Một trận Độ-khẩu, khiến anh hùng Trung-nguyên kinh hồn. Sau đó theo quân đánh Hán-nguyên, vào Thành-đô. Sắc phong Ngũ-Long công chúa. Truyền lĩnh ấn đại tướng quân. Trấn nhậm Bắc Lĩnh-Nam.
– Hoàng Thiều-Hoa, mồ côi từ nhỏ, phải đi chăn trâu. Bị đánh đập khổ sở. Được Đào hầu Cửu-chân đem về nuôi dạy. Văn, võ toàn tài. Ôn nhu, hiếu thuận, sắc nước hương trời. Đào hầu bị Thái thú Nhâm Diên làm cho tan nhà nát cửa. Bị phản đồ Trịnh Quang vu oan. Can đảm chịu đựng. Được Lĩnh-nam công tuyển làm phu nhân. Vẫn không quên chí phục quốc. Dùng uy Lĩnh-nam công phu nhân, che chở cho Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương-Dung, Vũ Trinh-Thục phục quốc. Sát bên cạnh Lĩnh-nam công, giết bọn quan Hán tham ô, cứu người Việt gặp khốn khổ. Lại khi tòng chinh Trung-nguyên, không nghĩ mình là vương phi, cầm quyền đại tướng đánh Độ-khẩu, Hán-nguyên, Phổ-khách, vào Thành-đô. Lĩnh-nam vương bị Quang-Vũ phản. Cầm quyền đại tướng quân đánh Hán. Trận Trường-an kinh tâm động phách Hán đế. Lịnh khởi binh ban ra. Hăm hở cầm quân đánh chiếm Luy-lâu, Long-biên. Công trạng đối với Lĩnh-Nam vào bậc nhất. Nay theo Thái thượng hoàng Trần Tự-Sơn vân du mây nước. Kính dâng tôn hiệu:
Minh từ, chí nhu,
Ôn huệ, thuần chính,
Hoàng thái hậu.
Trưng Đế truyền phong các anh hùng:
– Cao Cảnh-Minh, thần tiễn vang thiên hạ. Võ công, hiệp nghĩa khắp Lĩnh-Nam, Trung-nguyên, không ai mà không nghe danh. Tuổi cao, lòng son đối với xã tắc vẫn sáng chói. Đánh Võ-đô, dùng hiệp nghĩa tha anh hùng. Chiếm Dương-bình quan, trổ tài thần tiễn. Tính thích ngao du sơn thủy, chẳng ham công danh. Sắc phong Nhân-hiệp nghĩa dũng quốc công.
– Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Thần tiễn kinh nhân. Chế được nỏ thần. Xuất chiến Trường-an. Bắn chết hơn ngàn tướng Hán, bắn ngã mấy vạn binh giặc. Hùng khí Cao-cảnh hầu sống lại. Sắc phong Cao-cảnh công. Lĩnh ấn đại tướng quân. Thống lĩnh Thần-nỏ Lĩnh-Nam. (Như vậy chức ông cụ này tương đương với ngày nay là Tư-lệnh pháo binh).
– Cao Cảnh-Nham, Cao Cảnh-Khê, xuất thân đệ tử danh gia. Trung dũng có thừa. Theo thân phụ, đánh trận Trường-an. Khiến Quang-Vũ bay hồn bạt vía. Sắc phong liệt hầu. Lĩnh chức tướng quân, theo cha trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
– Đô Thiên, dùng hiệp nghĩa kết bạn với Lĩnh-nam vương Trần Tự-Sơn. Tước phong tới hầu, lĩnh chức thứ sử Hán-trung. Khi nghe vương bị Quang-Vũ bắt giam. Khảng khái bỏ quan chức, dẫn năm vạn quân, tụ nghĩa hồ Động-đình. Nghĩa khí đáng trọng thay. Sắc phong Động-đình công. Lĩnh ấn Trung-nghĩa đại tướng quân. Thống lĩnh đạo quân Hán-trung. Tổng trấn Trường-sa. (Ông này là người Trung-quốc, ứng nghĩa theo Lĩnh-Nam. Hiện vùng Lưỡng-Quảng qua rất nhiều miếu, đền thờ ông. Ông là người đại nhân, đại nghĩa, không vợ, chẳng con. Lương tiền có bao nhiêu ông chia cho quân sĩ. Trong khu vực đóng quân, ông cho quân giúp dân làm nhà, trồng cấy).
– Minh-Giang, xuất thân đệ tử danh gia. Lĩnh ấn Phấn-uy đại tướng quân. Thống lĩnh đạo binh Quế-lâm đánh Thục. Lịnh khởi nghĩa ban ra, chỉ huy binh tướng nhanh chóng, bức các huyện lệnh, huyện úy đầu hàng. Sắc phong Phiên-ngung công. (Ông cũng là người Hoa, nhưng ghét chế độ tàn bạo của Hán mà theo Lĩnh-Nam. Ông là người cổ võ cho tinh thần Hoa-Việt một nhà thời Lĩnh-Nam).
– Đặng Đường-Hoàn, tính khí cương trực. Suốt bao năm thống lĩnh nghĩa quân bất phục người Hán. Làm cho Tô Định, Lê Đạo-Sinh lao đao, khốn khổ. Dạy được ba đệ tử Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang đều là đấng anh hùng. Lệnh khởi nghĩa ban ra, đốc suất đệ tử, tráng đinh, đánh chiếm ba huyện, mười lăm đồn trong hai ngày. Lại có công đánh tan đội binh tà đạo của Lê Hinh mười lăm ngàn người. Sắc phong Long-biên công, tổng trấn Long-biên.
– Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đệ tử danh gia, khí phách anh hùng. Văn võ toàn tài. Theo sư phụ, khởi binh chống Hán. Có công đánh chiếm ba huyện, mười lăm đồn, dẹp mười lăm ngàn quân tà đạo Lê-Hinh. Sắc phong Liệt-hầu, lĩnh chức Phiêu-kị đại tướng quân. Trấn thủ Độ-khẩu, sẵn sàng tiếp ứng Thục.
– Nguyễn Tam-Trinh, hào khí phục quốc từ nhỏ. Văn võ toàn tài. Năm con trai nổi tiếng Mai-động ngũ hùng. Con gái là Nguyễn Giao-Chi, cùng đội Mai-động tòng chinh, đánh chiếm Độ-khẩu, Vị-nam. Mới đây suất lĩnh tráng đinh, đánh bảy đồn, chiếm hai thành gần Long-biên. Sắc phong Mai-động công. Lĩnh chức Đại tư không.
– Chu Bá, văn võ toàn tài. Biết chọn nẻo chính, bỏ đường tà. Sắc phong Bắc-đái công. Lĩnh Binh-bộ thượng thư.
– Vũ Công-Chất, đệ ngũ Thái-bảo phái Sài-sơn. Văn võ song toàn. Thống lĩnh tráng đinh kháng chiến tại Phượng-lâu. Mười năm làm cho giặc kinh hồn táng đởm. Sắc phong An-định công. Lĩnh Hình-bộ thượng thư.
– Trần Quốc-Hương, đệ thất Thái bảo phái Sài-sơn. Khởi nghiệp từ Thiên-trường, khí phách uy nghi. Tô Định bao phen cử ra làm quan từ chối. Lệnh khởi binh ban ra, một đêm chiếm trọn Nam-hải. Sắc phong Thiên-trường công. Tổng trấn Thiên-trường.
– Quách Lãng, đệ tử danh gia. Tài kiêm văn võ. Tùng chinh đánh Trường-an. Sắc phong Ngọc-đường công. Lĩnh ấn Phấn-oai đại tướng quân. thống lĩnh đạo binh Cửu-chân, phòng vệ nam Lĩnh-Nam.
– Đào Hiển-Hiệu, xuất thân giòng dõi trung lương. Trước đã được phong Hổ-nha đại tướng quân, thống lĩnh đạo binh Tượng-quận, đánh chiếm Độ-khẩu, nhập Thành-đô. Đem đạo binh từ Thục về Tượng-quận yên lành. Lệnh khởi binh ban ra. Đánh chiếm Tượng-quận trong ba ngày. Dẹp yên được mầm mống phản loạn của bọn Hán tham tàn. Tước phong Khúc-dương công. Thống lĩnh đạo binh Tượng-quận như cũ.
– Đào Quí-Minh, xuất thân giòng dõi trung lương. Lệnh khởi binh ban ra. Suất lĩnh đạo binh Đăng-châu trước bức Luy-lâu. Sau đánh Long-biên. Phá giặc ở Ký-hợp. Sắc phong Ký hợp công. Lĩnh ấn phó thống lĩnh đạo binh Tượng-quận.
– Vương Phúc, xuất thân cành vàng lá ngọc. Văn võ toàn tài. Lĩnh chức Bình-nam vương nước Thục. Giữa trận tiền, dùng nghĩa kết bạn với Đào Kỳ. Được Thục đế cử sang giúp Lĩnh-Nam, hiện làm quân sư cho Đô-đốc thủy quân Trần Quốc. Truyền gả Trần Quốc về với Vương Phúc, cho thành đôi thư hùng. Sắc phong Trấn-nam vương.
– Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, mồ côi cha mẹ, được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Bản lĩnh chỉ huy Thần-ưng siêu việt. Tuổi mười lăm, mười sáu dẫn sáu trăm Thần-ưng tòng chinh Trung-nguyên. Trận Xuyên-khẩu khiến anh hùng đất Thục kinh hồn động phách. Trận Bạch-đế, chiếm thành đầu tiên. Trận Trường-an, đánh Quang-Vũ chạy trên trăm dặm. Tinh khôn, trung liệt, bí mật nhập Lạc-dương cứu sư tỷ Thiều-Hoa. Khảng khái, hào hiệp, can đảm. Đào Tứ-Gia có tâm Bồ-tát, nguyện hy sinh tính mệnh cứu sư huynh, cho rằng sư huynh cần sống, bảo vệ Lĩnh-Nam. Võ đạo cao như vậy, cổ kim chưa từng có. Nay năm người còn sống, tài đáng đại tướng. Sắc phong cho Đào Tứ-Gia làm:
Đại nhân, chí đức, minh nghĩa đại vương.
Truyền xây cất đền thờ ở Tây-vu.
Còn lại năm người, sắc phong: Lĩnh-Nam Thiên-ưng đại tướng quân, tước Liệt-hầu. Truyền trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
– Tây-vu lục hầu tướng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Tài điều khiển Thần-hầu như đội quân tinh nhuệ. Vượt núi Kim-sơn, vào Thục. Từ cổ không ai làm được. Đấu leo dây với Thanh-Châu, nêu rõ tài Phù-Đổng của thiếu niên Lĩnh-Nam. Trận Trường-an, đột nhập thành, đánh Quang-Vũ đến phải bỏ đất Tần mà chạy. Sắc phong: Lĩnh-Nam Thần-hầu tướng quân, tước Liệt hầu. Truyền trấn thủ bắc Lĩnh-Nam.
– Tây-vu tam báo tướng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Tài điều khiển báo, xung phong hãm trận. Dự trận Võ-đô, Dương-bình quan, Kiếm-các, Trường-sa. Lập đại công. Mới đây đánh Long-biên, Luy-lâu. Lưu danh muôn thủa. Sắc phong Lĩnh-nam Tam-báo tướng. Tước Liệt-hầu truyền trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
– Hồ Hác, tài trí hơn người. Điều khiển đoàn Thần-tượng, đánh trận Xuyên-khẩu, Bạch-đế, Quảng-an, vào Thành-đô. Trận Trường-an khiến hai mươi lăm vạn quân Tần bị dẫm nát. Sắc phong Tượng-uy đại tướng quân. Tước Tiên-sơn hầu. Truyền trấn đóng Bắc Lĩnh-Nam phòng giặc.
– Ngao-sơn tứ lão, tuổi đã cao. Tâm tính trung hậu. Chỉ huy đội Thần-ngao canh phòng, trinh sát. Khắp các trận Trung-nguyên đều có mặt. Sắc phong Ngao-sơn đại tướng quân. Tước Liệt-hầu. Truyền trấn đóng Bắc Lĩnh-Nam phòng giặc.
– Mai-động Ngũ-hùng, Nguyễn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Giòng dõi trung lương. Tài kiêm văn võ. Dẫn đội tráng đinh Mai-động, đánh úp Độ-khẩu. Sau chiếm Vị-nam. Tài trí đã hơn đời. Trung liệt càng sáng tỏ. Sắc phong Mai-động liệt-hầu. Đội Mai-động được phong làm Thần-kình Lĩnh-Nam.
– Thiên-trường Tam-kiệt, Trần Quốc-Dũng, Trần Quốc-Uy, Trần Quốc-Lực. Giòng dõi trung lương, con trai lạc hầu Thiên-trường Trần Quốc-Hương. Khi cha trọng nhậm Nam-hải, thay cha trấn Thiên-trường. Ngày đêm nuôi chí phục quốc. Lệnh khởi binh ban ra. Ba anh em đánh chiếm ba thành, chín đồn từ Thiên-trường tới Long-biên. Đem tráng đinh vây Long-biên, đánh Luy-lâu. Chí khí hào hiệp. Sắc phong Trần Quốc-Uy làm Kiến-xương hầu. Trần Quốc-Dũng làm Giao-thủy hầu. Trần Quốc-Lực làm Trung-thành hầu. Đồng lĩnh ấn đại tướng quân. Trấn thủ Thiên-trường, Lục-hải.
– Thần-nỏ Âu-lạc Tứ-hùng, xuất thân danh gia đệ tử. Tiễn thủ xuất chúng. Được cử tòng chinh Trung-nguyên. Trước xuất thủ đánh chiếm Võ-đô, Nam-bình, Bình-võ. Sau đánh Dương-bình-quan, Kiếm-các. Tại Cẩm-dương, dùng tiễn thủ chinh phục tướng Thục. Giữa trận kết nghĩa huynh đệ. Dũng, lược, nghĩa, mưu toàn tài. Sắc phong Liệt-hầu. Truyền lĩnh ấn đại tướng quân, trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
– Hợp-phố Lục-hiệp, đại nhân, đại nghĩa, đại hiệp. Theo Lĩnh-nam công chinh tiễu các thái thú tham ô, giết bọn Hán tàn ác. Lĩnh chức Thái-thú, Đô-úy khắp vùng Lĩnh-Nam. Đâu đâu cũng gây được kính trọng trong dân. Nay Lĩnh-Nam phục hồi. Không muốn vướng mắc công danh. Thuận cho được ngao du sơn thủy, trao quyền ngang với Lạc-vương. Thấy tham quan, ác bá bất kể cấp nào, được quyền chém đầu răn chúng. Đổi tên Hợp-phố lục hiệp thành Lĩnh-nam lục hiệp. Riêng Lưu Nhất-Phương tuẫn quốc, sắc phong:
Nhân dũng, đại nghĩa bảo quốc đại vương.
Truyền cấp hai mươi mẫu đất tốt làm hương hỏa. Quanh năm thờ kính.
Ngoài ra các anh hùng khác đều lĩnh chức tước của các Lạc-vương, không thấy ghi trong bảng phong công thần.
Sau đây, một vài chi tiết tìm được:
Cửu-chân:
Lạc vương: Đô Dương.
Tư-mã: Lạc công Đinh Đại.
Tư-đồ: Nghi-sơn hầu Đào Nghi-Sơn.
Tư-không: Biện-sơn hầu Đào Biện-Sơn.
Giao-chỉ:
Lạc vương: Trưng Nhị.
Tư mã: Thọ-xương hầu Trần Dương-Đức.
Tư đồ: Phương-nghi hầu Chu Thổ-Quan.
Tư không: Tần-lĩnh công Đặng Thi-Kế.
Nhật-nam:
Lạc vương: Lại Thế-Cường.
Tư mã: Linh-việt hầu Trương Thủy-Hải.
Tư đồ: Dương-tĩnh hầu Trương Đằng-Giang.
Tư không: Kiến-bình hầu Trần Khổng-Chúng.
Quế-lâm:
Lạc vương: Lương Hồng-Châu.
Tư mã: Lôi-sơn công Đinh Công-Thắng
Tư đồ: Linh-lăng công Triệu Anh-Vũ.
Tư không: Nam-sơn công Phan Đông-Bảng.
Tượng-quận:
Lạc vương: Hàn Bạch.
Tư mã: Quế-dương hầu Chu Đức.
Tư đồ: Nghi-dương hầu Vương Hồng.
Tư không: Giao-sơn hầu Chu Thanh.
Nam-hải:
Lạc vương: Trần Nhất-Gia.
Tư mã: Khúc-giang công Trần Nhị-Gia.
Tư đồ: Trung-sơn công Trần Tam-Gia.
Tư không: Nhu-sơn công Trần Tứ-Gia.
Còn hai vị, địa vị cao cả, Trưng hoàng đế không phong chức tước, chỉ ban chiếu tôn xưng. Thứ nhất Khất đại phu Trần Đại-Sinh:
Chí nhân, đại từ, thánh y.
Lĩnh-Nam tiên ông.
Cựu hoàng đế Trần Tự-Sơn, được tôn làm:
Ứng càn, ngự cực,
Thần Văn, Thánh Võ,
Long Công, Thịnh Đức,
Nhân Huệ, Chí Minh,
Thái thượng hoàng đế.
Sau khi tuyên đọc sắc chỉ. Ngài hô lớn:
– Các con dân Lĩnh-Nam, quì gối trước bàn thờ Quốc-tổ.
Toàn thể văn thần võ tướng quì gối. Lễ tám lễ.
Tiếp theo các lạc vương chúc tụng Lĩnh-Nam hoàng đế. Người vui nhất là Đào Thế-Kiệt, tức Cửu-chân vương. Ngài cười lớn:
– Từ khi biết nghe, biết nói. Tôi chỉ mơ có ngày hôm nay. Sau ngày phục quốc đến giờ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Mình mê hay tỉnh đây?
Lạc vương Nam-hải Trần Nhất-Gia hỏi:
– Bây giờ Đào vương gia định làm gì?
Đào vương ngơ ngẩn, nhìn Trưng hoàng đế, nhìn bàn thờ Quốc-tổ, nhìn anh hùng các nơi, nhìn vợ nhìn con, nhìn đệ tử. Ngài lắc đầu:
– Làm gì ư? Bây giờ, tôi sướng quá. Hạnh phúc quá... Không... không còn... gì...
Đến đây mắt ngài trợn ngược. Đứng im trên đài. Trần Năng kinh hoảng, vọt người lên. Cầm tay ngài bắt mạch. Gọi lớn:
– Thái sư phụ! Thái sư phụ!
Nhưng đã trễ, mạch không còn nhảy nữa. Bà nói với Đào vương phi:
– Thái sư phụ đã qui tiên rồi!
Trưng hoàng đế nói lớn:
– Các anh hùng nghe đây: Cửu-chân Đào vương, suốt đời ưu tư lo phục quốc. Nay được toại nguyện. Ngài vui quá, mà qui tiên. Đã đành sinh ra, ai cũng phải chết. Song Đào vương chết như thế thực vui sướng mà chết. Đó là phần thưởng quí báu nhất cho người anh hùng suốt đời lao tâm khổ tứ với đại cuộc đất nước. Chúng ta không nên buồn.
Ngài truyền đặt xác Đào vương trước bàn thờ Quốc-tổ. Lệnh anh hùng các nơi đến trước ngài làm lễ, từ biệt. Ngày hôm đó truyền khâm liệm, mang về Cửu-chân an táng. Truyền cả nước để tang.
Ba hôm sau...
Giao-chỉ vương Trưng Nhị hỏi các anh hùng Cửu-chân:
– Nước không nên để một ngày không vua. Đào vương qui tiên. Vậy các anh hùng Cửu-Chân hãy suy cử người thay thế.
Ghi chú của tác giả: Kể từ đây, chúng tôi dùng danh xưng hoàng đế Lĩnh-Nam, Trưng Đế, Trưng hoàng đế để gọi Trưng Trắc. Và Trưng vương, Giao-Chỉ vương để gọi Trưng Nhị.
Khác hẳn với các vùng khác. Anh hùng Cửu-chân, người người đồng một tâm. Họ liếc nhìn Đào Kỳ. Trưng đế biết quần hùng muốn suy cử Đào Kỳ.
Ngài phán:
– Anh hùng Cửu-chân muốn suy cử ai cũng được. Duy Đào tam đệ thì không nên. Đào đệ đã lĩnh chức Bắc-bình vương, lĩnh ấn Đại-tư-mã, hai vai gánh vác sơn hà, quá nặng nề, không thể chịu thêm được nữa.
Đinh Đại lên tiếng:
– Anh hùng, đệ tử Cửu-chân nghe đây: Đất Cửu-chân ta ở phía sau Lĩnh-Nam. Giặc Hán có xâm lăng, tất đem thủy quân từ biển đánh vào. Sau đó đánh trở lên. Chức lạc vương Cửu-chân, do sư huynh ta gánh vác thì được. Còn lại từ Đào vương phi, tức chị ta, cho đến ta và các đệ tử không ai gánh vác nổi. Võ đạo, võ công, lòng son chúng ta có. Còn bảo chúng ta lĩnh trọng trách lớn đó, thực không nổi. Ta muốn mời một người không ở Cửu-chân vào thay thế sư huynh. Các ngươi nghĩ sao?
Quần hùng nghĩ: Tài hơn, hoặc ngang với Đào vương chỉ có Trưng đế, Trưng vương, Phương-Dung, Đào Kỳ, Vĩnh-Hoa. Còn ai đâu?
Trần Dương-Đức kính cẩn hỏi:
– Sư thúc, Lĩnh-Nam ta, không biết còn ai có tài ngang với sư phụ, mà chưa lĩnh trọng trách gì?
Đinh Đại cười:
– Ta nghĩ đến một người: Võ công đã cao. Tính tình hào sảng. Đánh dư trăm trận. Hiểu biết hết tình hình triều Hán, là bạn của các đại thần nhà Hán. Tài dùng binh, e rằng không đại tướng Hán nào bì kịp.
Đinh Tĩnh-Nương lắc đầu:
– Bố ơi! Bố muốn nói đại ca Trần Tự-Sơn hả bố? Đại ca không chịu nhận đâu. Đại ca đang ngao du sơn thủy. Bố bắt đại ca trở về sao?
Đinh Đại tát yêu con gái:
– Con lầm rồi! Còn một người nữa. Chứ bố đâu có muốn mời Trần đại ca.
Đào Kỳ, Phương-Dung đồng kêu lên:
– Đô Dương! Đô đại ca! Đúng, đại ca đã xin Trưng đế tha cho không phải nhận chức tước gì. Bây giớ chúng ta dùng đại nghĩa, xin Đô đại ca nhận chức Lạc-vương Cửu-chân.
Đô Dương đang ngồi trên khán đài quan khách với Nguyễn Giao-Chi. Ông nghe Đào Kỳ nói vậy, đứng dậy vẫy tay nói:
– Đào hiền đệ! Đa tạ hiền đệ tín nhiệm ta. Song ta đang muốn được thảnh thơi, nhàn tản một thời gian đã.
Phương-Dung đến bên ông nói:
– Đô đại ca! Đại ca bỏ Lĩnh-Nam sang Trung-nguyên, vào sinh ra tử bao phen cho nhà Hán. Không lẽ bây giờ đại ca không coi Lĩnh-Nam bằng Hán hay sao?
Đô Dương biết Phương-Dung lợi hại không thể tưởng được. Muốn cãi với nàng, thực khó khăn. Ông nhìn vợ hỏi ý kiến. Giao-Chi nói:
– Giữa Đào gia với Mai-Động có nhiều ơn nghĩa. Bố em trước đây đứng ra gả sư tỷ Thiều-Hoa cho đại ca Tự-Sơn. Đào lão bá đứng ra gả em cho anh. Hai nhà như một. Vậy anh thay Đào lão bá lĩnh trọng trách mới phải đạo.
Đô Dương thuộc đấng đại trượng phu đa tình. Ông lưu lạc bên Trung-nguyên bao năm trời. Công danh tới thái thú. Vinh dự tới tước hầu. Tiền rừng bạc biển. Ông không cưới vợ. Thường mơ màng một bóng giai nhân, ôn nhu văn nhã, võ công cao, có tấm lòng son với đất nước. Được người như thế, vừa là bạn đồng tâm hiệp lực, vừa là tri kỷ, vừa là người yêu.
Ông gặp Giao-Chi. Giao-Chi còn nhiều đức tính hơn ông mơ tưởng. Nàng có nhan sắc mặn mà vào bậc nhất thời bấy giờ. Từ hôm cưới vợ, nhất nhất phu thê thuận lòng, hợp ý. Đến nằm mơ ông cũng không ngờ mình có người vợ như vậy.
Ông sủng ái Giao-Chi cực kỳ. Trên đời, ông chỉ tuyệt đối nghe lời Trần Tự-Sơn, bây giờ thêm Giao-Chi. Ông tưởng Giao-Chi sẽ chối từ. Ông có cớ đó, thoát vòng vây của Phương-Dung. Không ngờ Giao-chi với Phương-Dung tri kỷ với nhau từ lâu. Họ yêu chồng, kính chồng, mưu tìm hạnh phúc với chồng... Song có một điều Đô Dương không nghĩ tới: Họ xuất thân giòng dõi trung lương, coi việc nước lớn hơn tính mệnh. Vì vậy Đô Dương mới bị vợ cột chân cứng ngắt. Ông không lấy thế làm buồn, nghĩ trong lòng: Nếu vì Giao-Chi mà chết, ta cũng được chết vì sung sướng. Huống hồ gánh vác việc nước. Ông đứng dậy chắp tay nói lớn:
– Nếu các anh hùng Cửu-chân, đều tín nhiệm. Đô Dương tôi xin tuân lệnh.
Đinh Đại hỏi các anh hùng vùng Cửu-chân:
– Có ai phản đối việc chúng ta suy cử này không?
Quần hùng, đệ tử Cửu-chân đồng loạt hô lớn:
– Tuyệt đối không!
Trưng đế phán:
– Mời Đô đại ca lên đài làm lễ trước bàn thờ Quốc-tổ và trước Linh cữu Đào vương gia.
Đô Dương lên đài, lễ trước bàn thờ Quốc-tổ tám lễ. Ông thề lớn:
– Đệ tử Đô Dương, được anh hùng Cửu-chân suy cử nhận trọng trách lạc vương Cửu-chân. Đệ tử nguyện dùng hết tâm trí, bảo vệ đất nước. Nếu đệ tử sai lời, bị chết dưới muôn ngàn đao, kiếm.
Anh hùng các nơi vỗ tay rung động trời đất.
Trưng đế đến trước linh cữu Đào vương, hành lễ. Tuyên sắc phong:
Long công, thịnh đức,
Chí minh, đại nghĩa,
Cửu-Chân vương.
Ngài nói với các lộ anh hùng:
– Anh hùng các nơi đâu về đó. Đào tam đệ, Phật-nguyệt, Thánh-Thiên, Hiển-Hiệu phải lên đường trấn nhậm ngay. Chậm một ngày, nguy một ngày. Trẫm muốn cùng tam công, tể tướng đi khắp các nơi, thăm dân cho biết sự tình. Cũng để tuyên cáo Lĩnh-Nam đã trở về với người Việt.
Trưng Đế hỏi Tư-không Nguyễn Tam-Trinh, Tể-tướng Phương-Dung:
– Hiện các lạc vương cai trị dân bằng võ đạo. Ta chưa có luật. Vì vậy trẫm muốn cùng sư thúc và các sư muội thăm khắp nơi, để hiểu biết dân tình. Sau đó trở về phiền sư muội soạn ra bộ luật cho Lĩnh-Nam.
Phùng Vĩnh-Hoa tâu:
– Hán có gì hay, ta phải học. Hán có gì dở, ta phải tránh. Hán có luật, có điển chế triều đình, có lịch nêu rõ chính thống. Ta cũng phải soạn lịch. Chẳng nên dùng lịch Trung-nguyên.
Phương-Dung biết Phùng Vĩnh-Hoa xuất thân phái Sài-sơn, uyên thâm văn minh Lĩnh-Nam. Bà hỏi:
– Vấn đề Lịch-số, em có biết qua. Song chưa tường tận. Xin sư tỷ đừng tiếc công chỉ dạy.
Phùng Vĩnh-Hoa lấy trong bọc ra hai cuốn sách nhỏ, đưa cho Phương-Dung:
– Đây, hai cuốn sách, dạy cách làm lịch, tính thiên văn của Lĩnh-Nam từ hơn ngàn năm trước.
Trưng đế ngạc nhiên:
– Ta chưa từng biết qua lịch Lĩnh-Nam. Xin lắng tai nghe sư muội nói.
Phùng Vĩnh-Hoa tâu:
– Đời Hồng-Bàng, Lĩnh-Nam lập quốc từ năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch). Quốc tổ ra lệnh làm lịch. Ngài tuyên chiếu chỉ: Lịch là kỷ cương của âm, dương, liên hệ giữa người với trời đất. Mỗi đời vua đều có quan Thái-sử-lệnh coi việc chép sử. Thiên-văn-lệnh coi xét về mưa nắng, mùa màng. Lịch-quan-lệnh coi về làm lịch.
Phương-Dung tỏ ý hiểu biết:
– Lịch quan làm lịch. Văn-Lang có lịch riêng từ hồi đó. Đến khi Triệu Đà đánh dân Âu-Lạc, dân Việt dùng lịch Trung-nguyên. Không biết lịch Trung-nguyên với lịch Hồng-Bàng có khác nhau không?
– Đại thể giống nhau. Chi tiết khác nhau. Giống nhau vì cùng đặt trên học thuyết Âm-dương, Ngũ-hành. Khác nhau vì ở vào hai vùng khí hậu nóng, lạnh.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Trở lại nguồn gốc, sử sách Trung-nguyên, Lĩnh-Nam đều ghi. Đời Hồng-Bàng, năm thứ 527 bên Trung-nguyên, niên hiệu vua Nghiêu thứ năm (2353 trước Tây-lịch). Vua Hùng muốn Trung-nguyên biết về văn minh Văn-Lang, truyền sai chép cách làm lịch vào lưng một con rùa cực lớn, đem cống. Lưng con rùa lớn tới ba thước (0,96 mét). Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Qui-lịch.
Điều mà bà Phùng Vĩnh-Hoa tâu lên Trưng-đế là đúng. Sử Việt đã ghi. Trong bộ "Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục" của Quốc-sử quán triều Nguyễn, phần Tiền-biên có ghi chép sự kiện này. Sử Trung-quốc chép tương tự. Sách Thống-chí của Trịnh Tiều (1104-1162) chép đầy đủ. Trịnh Tiều còn nhấn mạnh rằng: Đó là nguồn gốc lịch Trung-quốc sau này. Như vậy điều Tư-đồ Lĩnh-Nam Phùng Vĩnh-Hoa tâu lên Trưng đế không phải truyền thuyết nữa, mà là sự kiện lịch sử.
Phùng Vĩnh-Hoa tiếp:
– Lịch Hồng-Bàng chia ngày làm một trăm khắc. Khắc chia làm một trăm phân. Phân chia làm một trăm giây. Năm dài 365,2425 ngày. Độ dài của mỗi tuần trăng bằng 29,53059 ngày. Khi Phò-mã An Tiêm, bị tội, đày ra đảo Hải-nam. Ngài ngồi ngắm nhật, nguyệt chuyển vận, sửa chữa lịch Hồng-Bàng. Hết hạn lưu đày, ngài dâng lịch lên vua Hùng. Được vua khen ngợi, truyền sao phát cho các lạc hầu, dân chúng dùng. Lịch Hồng-Bàng có cơ sở vững chắc tự đó.
GHI CHÚ CỦA TÁC GIẢ
Con số một năm dài 365,2425 ngày, so với con số ngày nay chỉ sai có hai mươi sáu giây. Tuần trăng dài 29,53059 so với ngày nay chỉ sai có 2% giây. Đây là lý thuyết. Chứ trên thực tế, ngày nay người ta cũng dùng con số 29,53059.
An Tiêm là Phò-mã của vua Hùng-Vương. Được vua thương yêu, ngài thường nói:
– Ta sở dĩ được thế này do phúc đức tổ tiên để lại. Do trời thương ta.
Vua Hùng nổi giận phán:
– Đã vậy ta đày Phò-mã An Tiêm cùng vợ con, tôi tớ ra đảo Hải-nam.
Đảo Hải-nam hồi đó còn hoang dã chưa có người ở. Vợ, con, tôi tớ đều lo sợ không biết sẽ sống ra sao.
Phò mã phán:
– Trời sinh voi, ắt sinh cỏ.
Bỗng đàn quạ từ một bãi xa bay lên kêu quang quác, đánh rơi xuống mấy hạt dưa. Ngài cầm lên coi phán rằng:
– Dưa này quạ ăn được. Tất người ăn được.
Phò mã cùng tôi tớ tới bãi đất phía tây đảo coi, quả có nhiều dưa mọc đầy trái, truyền cắt dưa ăn, mùi vị ngon ngọt. Từ đấy, cùng vợ con, tộc thuộc trồng trọt sống rất sung túc. Ít lâu sau vua Hùng hối hận. Cho người ra đảo thăm Phò-mã An Tiêm. Thấy Phò-mã sống sung túc. Sứ về tâu lại, vua truyền cho ngài trở về lục địa. An-Tiêm coi như tổ sư dân vùng đảo Hải-nam. Dưa ngài trồng hồi đó, đặt tên Tây-qua. Kỷ niệm con quạ bay từ phương tây lại. Tên Việt gọi dưa hấu.
Phùng Vĩnh-Hoa tâu tiếp:
– An Tiêm đặt ra dụng cụ tên Trắc thời đồ phân chia giờ, quan sát thiên hà. Còn bên Trung-nguyên, thời Nghiêu dùng Quy-lịch. Họ cũng sáng chế, thêm thắt vào. Đến đời Xuân-Thu (770-476 trước Tây-lịch) và Chiến-Quốc (476-255 trước Tây-lịch) mỗi nước dùng một thứ lịch khác nhau. Song căn bản vẫn rút từ Qui-lịch. Nhà Tần (255-207 trước Tây-lịch) dùng lịch Chuyên Húc. Đến đời Hán. Niên hiệu Thái-sơ (104 trước Tây-lịch) ban hành lịch Thái Sơ. Lịch Thái Sơ được dùng một trăm tám mươi tám năm. Đến cuối đời Tây-Hán, Lưu Hâm sửa đổi lại một lần nữa. Lịch Quang-Vũ hiện dùng do Lưu Hâm làm.
Trưng Đế mừng lắm hỏi:
– Không ngờ Phùng sư muội lại bác học đến thế. Bây giờ sư muội định dùng lại lịch Hồng-Bàng hay làm lịch mới?
Phùng Vĩnh-Hoa tâu:
– Thời gian bị Hán cai trị. Liệt tổ phái Sài-sơn vẫn tiếp tục nghiên cứu lịch số, chiêm nghiệm Thiên-văn, chia một năm làm hai mươi bốn tiết khác nhau. Bởi mỗi tiết có loại khí khác nhau. Căn cứ vào đó mà đặt tên để dân chúng biết thời tiết, mà làm ruộng, trồng cấy.
Phương-Dung không biết về Lịch-số. Nhưng bà thông minh quán thế. Hỏi:
– Như vậy các tổ Lĩnh-Nam mình căn cứ vào sự chuyển động của mặt trời, đặt ra hai mươi bốn tiết khí. Mỗi tiết khí ứng với một phần hai mươi bốn (1/24) năm. Cứ đến môt khí, khí hậu thay đổi. Người dân biết đó mà lo trồng cấy, chăn nuôi. Thầy thuốc biết mà ước tính bệnh.
Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu:
– Đúng thế! Mùa Xuân có các tiết:
Lập-xuân, Vũ-thủy, Kinh-trập,
Xuân-phân, Thanh-minh, Cốc-vũ.
Mùa hạ có các tiết:
Lập-hạ, Tiểu-mãn, Mang-chủng,
Hạ-chí, Tiểu-thử, Đại-thử.
Mùa thu có các tiết:
Lập-thu, Xử-thử, Bạch-lộ,
Thu-phân, Hàn-lộ, Sương-giáng.
Mùa đông có các tiết:
Lập-đông, Tiểu-tuyết, Đại-tuyết,
Đông-chí, Tiểu-hàn, Đại-hàn.
Mỗi tiết dài hơn mười lăm ngày. Hai tiết dài hơn một tháng.
Trưng Đế suy nghĩ một lúc. Ngài hỏi:
– Ta có một thắc mắc: Lịch Hồng-Bàng, lịch An Tiêm đều căn cứ vào tuần trăng. Mỗi tuần trăng dài 29,53059. Không lẽ mỗi tháng dài hai mươi chín ngày rưỡi?
Phùng Vĩnh-Hoa vỗ tay vào vai ngài. Tay mới đưa đến nửa chừng vội giựt lại. Bà chợt nhớ rằng bây giờ ngài không còn là sư tỷ Trưng-Trắc nữa. Mà trở thành một vị hoàng đế kính yêu của hơn mười triệu người. Trưng Đế thấy vậy, càng vui hơn. Ngài phán:
– Sư muội! Chúng ta vẫn giữ tình chị em như xưa mà.
Phùng Vĩnh-Hoa chắp tay:
– Đôi khi em quên mất. Đúng như bệ hạ nghĩ. Liệt tổ đặt ra một tháng ba mươi ngày gọi là tháng đủ. Một tháng hai mươi chín ngày, gọi là tháng thiếu. Lịch An Tiêm còn gọi ngày không trăng tức mồng 1 là ngày Sóc. Ngày trăng tròn là ngày Vọng.
Phương-Dung xuất thần, tính toán một lúc. Hỏi:
– Như thế một năm ta có sáu tháng đủ. Sáu tháng thiếu. Cộng ba trăm năm mươi bốn ngày. Trong khi đó một năm dài 365,2425 ngày. Vậy một năm dư tới 11,2425 ngày. Thì những ngày đó đi đâu?
Phùng Vĩnh-Hoa gật đầu:
– Có, lịch Hồng-Bàng đã định điều đó. An Tiêm tìm ra rằng cứ mười chín năm, mặt trăng, mặt trời, lại giao hội nhau tại đúng thời điểm cũ. Khoảng cách mười chín năm đó, An Tiêm gọi là một Chương. Một chương có hai trăm ba mươi lăm tháng (235), gồm một trăm mười (110) thiếu, trăm hai mươi lăm (125) tháng đủ. Cộng sáu ngàn chín trăm bốn chục ngày (6940). Những năm thứ ba, thứ sáu, thứ chín, thứ mười một, thứ mười bốn, thứ mười bảy, và thứ mười chín là năm nhuận tức có mười ba tháng.
Trưng Đế hiểu rõ. Ngài phán:
– Phiền sư muội làm một cuốn lịch, đặt tên Lĩnh-Nam đại lịch, khởi từ năm tới. Vì bây giờ đã gần hết năm rồi, cố hoàn tất trước tháng chín, cho sao làm nhiều bản. Ta sẽ làm lễ Tiến-lịch trước bàn thờ Quốc-tổ, rồi gửi tới các Lạc hầu.
Phùng Vĩnh-Hoa hỏi:
– Theo phương pháp chép sử Khổng-Tử, năm tới, mới được kể là niên hiệu thứ nhất của sư tỷ. Năm vừa qua dù sư tỷ đã lên ngôi vua từ tháng bảy, vẫn chưa được gọi là năm thứ nhất. Chẳng hay sư tỷ có sửa đổi không, hay vẫn theo Khổng-Tử.
Trưng Đế phán:
– Khổng-Tử có lý. Ta lên làm vua từ tháng bảy, năm nay, là năm Kỷ-Hợi (39). Có nghĩa là bảy tháng đầu chưa phải của ta. Năm tới là năm Canh-Tý (40), mới được kể. Sư muội cứ ghi trên các văn kiện năm nay vẫn thuộc Âu-Lạc. Từ ngày 1 tháng giêng năm tới hãy ghi niên hiệu ta: Trưng Đế nguyên niên.
Phùng Vĩnh-Hoa tuân chỉ. Bà cho lập tòa Thiên-văn-giám. Truyền cứ đầu mỗi giờ đánh ba tiếng trống, ba tiếng chiêng, đổi cờ một lần. Giờ tý cờ đen. Giờ sửu cờ vàng. Giờ dần cờ xanh. Giờ mão cờ tím. Giờ thìn cờ vàng. Giờ tỵ cờ đỏ. Giờ ngọ cờ hồng. Giờ mùi cờ vàng. Giờ thân cờ ngà. Giờ tuất cờ vàng. Truyền mỗi huyện mỗi trang đều làm theo.
Vua tôi thời Lĩnh-Nam thường không câu nệ gọi nhau bằng chức tước khách sáo, mà sống như chị em. Trưng Đế theo đề nghị của Phương-Dung ban chiếu chỉ xuống các lạc hầu. Ai có ý kiến gì phục hưng đất nước, được gửi biểu tấu về triều đình. Dân chúng có ý kiến, được đạo đạt lên lạc hầu, lạc công, lạc vương hoặc triều đình.
Tìm lại nền nội trị, cứ theo các cuốn phổ ghi chú tiểu truyện của các anh hùng Lĩnh-Nam thời đó. Dân Việt được hưởng cảnh yên vui chưa từng có, hơn cả thời Hồng-Bàng, Âu-Lạc. Vụ lúa mùa tháng mười năm Kỷ Hợi (39 sau Tây lịch). Khắp Lĩnh-Nam trúng mùa.
Phải hơn một tháng phủ Đại-tư-đồ mới soạn xong lịch. Công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa ra lệnh khắc bản in, rồi trình lên vua Trưng. Ngài truyền triệu tập tất cả các vị lạc vương, đại tướng quân các đạo, cùng tam công, tể tướng, lục vị thượng thư, thiết đại triều duyệt xét, trước khi tế Quốc-tổ, Quốc-mẫu, ban hành vào đầu năm. Phải mất hơn tuần trăng, anh hùng các nơi mới tề tựu đầy đủ về thủ đô Mê-Linh.
Buổi họp khai mạc tại điện Kinh-dương. Cử tọa theo thứ bậc ngồi trước bán thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Vua Trưng đứng dậy tóm lược ý nghĩa việc ban hành lịch để nêu rõ chính thống dân tộc. Lịch để cho nhà nông biết thời tiết mà trồng trọt. Thầy thuốc biết các khí thay đổi, hầu trị bệnh. Ngài nhấn mạnh:
– Ngoài việc ban hành lịch, buổi hội cần có ý kiến các vùng để soạn thảo bộ luật Lĩnh-Nam. Chúng ta, nhân vì cái nhục vong quốc, cùng nhau đứng dậy, đòi lại đất tổ. Đòi lại được rồi, chúng ta phải giữ gìn. Giữ gìn không đủ. Chúng ta cần có bộ luật, là cơ chế tổ chức nền nội trị sao đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân. Chứ dành lại được đất, mà khiến cho trăm họ đói khổ, điêu linh, thì chúng ta chẳng khác gì bọn Hán cướp nước. Cuộc khởi binh vừa qua, là một sự lấy bạo tàn thay bạo tàn.
Đầu tiên nói về việc ban hành lịch.
Công chúa Phùng Vĩnh-Hoa thuyết giảng về diễn tiến khoa lịch số từ thời Hồng-Bàng đến bây giờ, cùng chi tiết việc soạn lịch. Lục Mạnh-Tân được phong chức Thượng-tân khanh sĩ. Thượng nghĩa là ở trên hết. Tân là khách. Thượng-tân khanh sĩ tức vị khách quý, cố vấn triều đình. Ông hỏi:
– Bên Trung-quốc, mỗi vua đều đặt niên hiệu riêng. Không biết Hoàng đế bệ hạ có đặt niên hiệu không?
Vua Trưng phán:
– Không! Trẫm không dùng niên hiệu riêng.
Đại tư-không Nguyễn Tam-Trinh giải thích:
– Hoàng đế bệ hạ đã cùng triều đình bàn định kỹ lưỡng về việc này. Vua Lĩnh-Nam do quần hùng suy cử chứ không phải như Trung-quốc gọi vua là thiên tử tức con của trời.
Ông nhấn mạnh về vua ở Trung-quốc:
– Vua được trời ủy nhiệm cai trị dân gian. Dân chúng phải tôn phục. Tuy vậy không phải cái ý đó lúc nào cũng tồn tại. Như cách đây hơn hai trăm năm năm. Tần Thủy-Hoàng vô đạo. Anh hùng các nơi nổi dậy như ong. Nhân sĩ Trung-quốc coi đất nước, dân chúng như con hươu. Tần Thủy-Hoàng đánh mất. Anh hùng tranh nhau ngôi vua, ví như đuổi hươu. Bởi vậy mới có câu: Tần thất kỳ chính, quần hùng trùng lộc nghĩa rằng: nhà Tần mất chính trị. Anh hùng thi nhau đuổi hươu. Cuối cùng các anh hùng đều bại, chỉ có Lưu Bang với Hạng Vũ. Lưu Bang thắng, tức bắt được hươu, chứ chẳng phải con trời, con đất gì cả.
Vua Trưng phán với các anh hùng:
– Thời vua Hùng, quốc hiệu là Văn-Lang. Đến vua An-Dương, quốc hiệu là Âu-Lạc. Nay chúng ta đã dùng quốc hiệu Lĩnh-Nam. Vì vậy khi làm lịch, công chúa Nguyệt-Đức mới gọi năm tới là Lĩnh-Nam nguyên niên. Còn trẫm thì cứ gọi hoàng đế Lĩnh-Nam đệ nhất. Sáu năm sau quần hùng suy cử người kế tiếp. Vị đó sẽ là hoàng đế Lĩnh-Nam đệ nhị.
Ngài quay lại nói với đại tư không Nguyễn Tam-Trinh:
– Trong các vị đây, chú là người nghe nhiều, hiểu rộng. Văn tài lại lỗi lạc. Đúng là đức bác thánh văn. Vậy xin chú đừng tiếc công nói cho trẫm với các vị hiện diện hôm nay về nguồn gốc tư tưởng con trời của Trung-quốc.
Nguyễn Tam-Trinh cảm động nhìn vua Trưng, muốn rơi nước mắt. Nguyên từ khi lên ngôi vua. Đối với người không thân thiết, ngài thường gọi bằng chức tước. Thân hơn chút nữa, ngài dùng lối xưng hô trong võ đạo. Còn đối với người quá thân thiết, ngài thường dùng những danh từ bình dân, như trong gia đình. Hôm nay, trước mặt quần thần. Ngài gọi ông là chú, hỏi sao ông không cảm động.
Ông đứng dậy, nói lớn:
– Trung-quốc có Tứ thư và Ngũ kinh. Ngũ kinh gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc và Xuân-Thu. Quan niệm của họ thì kinh là những khuôn vàng thước ngọc, không thể sửa đổi. Trong Kinh-thư có thiên Vũ-cống, bày tỏ đầy đủ quan niệm về đất nước, vua chúa.
Ông móc trong túi ra bộ Kinh-Thư rồi tiếp:
– Kinh-thư thiên Vũ-cống gọi thế giới là phía dưới của trời, tức thiên hạ. Thời cổ, lãnh thổ Trung-quốc không bằng một phần trăm ngày nay. Nhưng vì các văn nhân không đi ra ngoài, tưởng đâu thế giới chỉ có một mình Trung-quốc. Vì vậy Trung-quốc là thiên hạ. Thiên hạ là Trung-quốc. Thiên hạ ở giữa, bốn phía là biển. Cho nên Trung-quốc còn gọi là hải nội. Nước khác là hải ngoại.
Bình-ngô đại tướng quân, công chúa Thánh-Thiên, hiện thống lĩnh binh mã vùng Nam-hải xen vào:
– Lúc đầu, người Hoa họ dùng danh xưng hải nội, hải ngoại để phân biệt Trung-quốc với nước khác. Danh xưng đó ngày nay người Việt mình cũng dùng. Trong nước Lĩnh-Nam mình thì gọi là hải nội khi sang Trung-quốc thì gọi là ra hải ngoại.
Nguyễn Tam-Trinh tiếp:
– Vẫn bộ Kinh-Thư, thiên Vũ-Cống chia thiên hạ làm chín châu. Người Trung-quốc dùng khoảng cách chia xã hội thành năm cõi gọi là Ngũ phục. Mỗi cõi rộng năm trăm dặm. Đông, tây, nam, bắc, cách nhau năm trăm dặm. Năm cõi có tên gọi là Điện-phục, Hầu-phục, Tuy-phục, Yêu-phục, Hoang-phục.
Trấn-viễn đại tướng quân, Tây-vu công chúa Hồ Đề ngắt lời Nguyễn Tam-Trinh:
– Thưa bác, như vậy người Hoa họ tự coi mình là trung tâm thiên hạ. Cho nên nước họ mới xưng là Trung-quốc tức nước ở chính giữa. Còn bốn bên đông, tây, nam, bắc, đều có Điện-phục. Nghĩa là có tới bốn cõi Điện-phục. Cõi Điện-phục ở ngoài kinh thành nhà vua năm trăm dặm.
– Đúng thế! Ngoài Điện-phục là Hầu-phục. Cõi Hầu ở ngoài cõi Điện năm trăm dặm. Trong năm trăm dặm cõi Hầu, thì khoảng cách trăm dặm gần phong thái ấp cho quan khanh đại phu. Tiếp theo hai trăm dặm nữa phong cho các vương có tước Nam. Còn lại hai trăm dặm phong cho chư hầu.
Hổ-oai đại tướng quân, thống lĩnh đạo binh Nhật-nam Trần Quế-Hoa bật cười:
– Với lối phân chia lẩm cẩm của một văn gia thời thượng cổ bên Trung-quốc, không ngờ ngày nay lại thành kinh. Người Hán triệu bộ óc như một, đều coi là không thể sửa đổi.
Nguyễn Tam-Trinh tiếp:
– Công chúa Nghi-Hòa nói thực phải. Tất cả những gì là thiên hạ, thiên tử... đều do mấy văn gia nghĩ, rồi đặt ra cả... Tôi xin tiếp: kế đó là cõi Tuy. Cõi Tuy ở ngoài cõi Hầu năm trăm dặm. Trong ba trăm dặm gần là nơi truyền bá văn chương, giáo hóa quần chúng. Còn hai trăm dặm, để hưng thịnh võ bị bảo vệ quốc gia.
Uy-viễn đại tướng quân Vũ Trinh-Thục hỏi:
– Thưa sư bá, nguồn gốc trọng văn khinh võ của Nho gia phát xuất từ sự phân chia này, có phải không?
Nguyễn Tam-Trinh đưa mắt nhìn Thượng-tân khanh sĩ Lục Mạnh-Tân. Ý muốn để ông trả lời. Lục Mạnh-Tân hướng vào Vũ Trinh-Thục:
– Thưa công-chúa Bát-Nàn, đúng thế. Các vua thời Đông-chu, Chiến-quốc vì nhu cầu chiến tranh, đều trọng võ hơn văn. Đến đời Hán. Sau khi thắng Hạng Vũ, vua Cao-Tổ trở lại trọng văn. Vì võ chỉ để dẹp giặc, khi giặc yên, cần dùng văn, hầu tổ chức cai trị.
Nguyễn Tam-Trinh mỉm cười tỏ ý cám ơn Lục Mạnh-Tân rồi tiếp:
– Tiếp đến là cõi Yêu. Cõi Yêu ngoài cõi Tuy năm trăm dặm. Trong ba trăm dặm gần cho dân mọi rợ phương đông ở. Còn hai trăm dặm kế tiếp cho người có tội bị đầy.
Đại đô-đốc Lĩnh-nam Trần Quốc bật cười:
– Thưa sư bá! Như vậy thì từ kinh đô của Hoàng-đế đến quê hương của đức thánh Khổng cách nhau gần hai nghìn dặm. Vậy Khổng-Tử cũng là mọi rợ sao?
Nguyễn Tam-Trinh lại liếc nhìn Lục Mạnh-Tân. Lục Mạnh-Tân cười:
– Thưa công-chúa Gia-Hưng đây là Kinh-thư nói. Kinh-thư đâu có hoàn toàn đúng. Vả lại chính Khổng-Tử còn tự xưng mình ở đất Đông-di. Tức mọi rợ phương đông.
Nguyễn Tam-Trinh cũng mỉm cười:
– Cõi cuối cùng là cõi Hoang. Cõi Hoang ngoài cõi Yêu năm trăm dặm. Trong ba trăm dặm gần cho mọi rợ phương nam ở. Còn hai trăm dặm cạnh đấy dùng để đầy những người mắc tội nặng. Đấy, tất cả năm cõi theo lối phân chia bệnh hoạn của văn gia thời khởi thủy. Kinh-Thư được coi là kinh, xâm nhập sâu xa vào tư tưởng người Hán. Cũng ví như chúng ta, Quốc-tổ có tên là Lạc-Long-Quân. Phải hiểu chữ long ở đây có ý nghĩa tượng trưng. Chứ đâu có phải Quốc-tổ là loài rồng?
Thuần-Chính hoàng thái-hậu Hoàng Thiều-Hoa liếc nhìn Bắc-bình vương Đào Kỳ rồi hỏi Nguyễn Tam-Trinh:
– Thưa bác. Cách đây hơn mười năm. Khi Đào trang bị đánh tan nát. Cháu cùng tiểu sư đệ theo sư bá Phạm Bách đi từ Cửu-chân ra Hoa-lư. Dọc đường sư bá dẫn cháu vào hang Địch-lộng, cùng viếng đền thờ Quốc-tổ. Cháu thấy tượng Quốc-tổ, đầu giống đầu rồng. Còn Quốc-mẫu thì giống chim âu. Lối tượng trưng tiên, rồng này như thế nào?
Nguyễn Tam-Trinh chỉ công chúa Vĩnh-Huy, lĩnh chức Lại-bộ thượng thư nói:
– Tâu thái-hậu. Trong phái Sài-sơn của chúng tôi có tám anh chị em. Được người Việt gọi là Tám vị thái bảo. Mỗi người một sở trường. Đại sư tỷ Nam-hải nữ hiệp chuyên về đạo đức. Trong cuộc chiến vừa qua tuẫn quốc tại Phiên-ngung. Nam-thành vương chuyên về chính trị đã tuẫn quốc tại Ký-hợp. Còn sư muội Vĩnh-Huy chuyên về triết lý, lịch sử. Xin sư muội trả lời dùm:
Công-chúa Vĩnh-Huy nghiêm trang nói:
– Tâu Thái-hậu. Nói về nguồn gốc dân Việt mình, cần phải trở về thời vua Hùng. Thế giới chúng ta ở được gọi là vũ trụ. Vũ trụ phân âm dương. Âm dương là đạo tự nhiên của trời đất. Có ngày ắt có đêm. Có nước ắt có lửa. Có nam ắt có nữ. Mỗi dân tộc tìm lấy một biểu tượng. Dân Lào lấy biểu tượng là con voi. Dân Chiêm lấy biểu tượng là con cọp. Dân Hán lấy biểu tượng là con rồng. Tất cả chỉ có một. Còn dân Việt mình lại có hai, rồng tượng trưng cho cha, cho trời, cho nam, cho dương. Tiên Âu-Cơ tượng trưng cho mẹ, cho đất, cho nữ, cho âm. Âm-dương là lẽ biến hóa của trời đất. Cũng như truyện bánh chưng, bánh dầy vậy.
Vua Trưng hỏi Đại tư-đồ Phùng Vĩnh-Hoa:
– Này Vĩnh-Hoa! Thế nguồn gốc tư tưởng nói về vua là con trời, chép ở sách nào bên Trung-quốc?
Công chúa Nguyệt-Đức tâu:
– Tâu bệ hạ, nguồn gốc tư tưởng đó cũng phát xuất từ Kinh-thư, thiên Thái-thệ nói rằng:
Trời sinh ra dân,
Đặt ra vua, ra thầy,
Đều để giúp thượng đế,
Vỗ về dân bốn phương.
Trong sách Tả-truyện. Tả Khâu-Minh cũng viết Trời làm chủ thiên hạ. Vua nối trời mà cai trị. Kẻ chịu mệnh trời thống trị thiên hạ là Thiên tử. Sách Mạnh-tử thiên Ly-lâu nói: Thiên hạ là quốc gia. Gốc của thiên hạ ở quốc. Gốc của quốc ở gia.
Lục Mạnh-Tân tiếp lời công chúa Nguyệt-Đức:
– Đến thời Chiến-quốc, thì người Hán không còn tin vào Kinh-thư mà cho rằng thiên hạ là Trung-Quốc nữa. Trong bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên, quyển thứ bảy mươi bốn Mạnh-tử, Tuân-Khanh liệt truyện, chép Trâu Diên đã nhận xét rằng Cái mà người ta gọi là Trung-quốc chỉ chiếm một phần tám mươi mốt của thiên hạ. Tuy vậy bọn vua chúa vẫn cứ ôm lấy Kinh-thư để bảo vệ ngôi vua cho giòng họ mình. Như thời Tây-Hán, các đời Tuyên-đế, Thành-đế, Bình-đế thực là con chồn, con cáo ngồi trên đầu trăm họ. Vì vậy, hôm nay các vị anh hùng Lĩnh-Nam tề tựu. Cần soạn lấy bộ luật sao đem lại hạnh phúc cho dân.
Vua Trưng hướng Lục Mạnh-Tân xá một xá:
– Đa tạ Lục tiên sinh. Trẫm cũng đang nghĩ thế. Vua không phải để ngồi trên đầu trên cổ trăm họ. Vua phải là người vì trăm họ, đứng ra mưu tạo hạnh phúc. Ý nghĩ, việc làm của vua không phải lúc nào cũng hay, cũng đúng. Dường như Mạnh-Tử có nói Dân mới quý, sau đến xã tắc. Vua thì coi nhẹ thôi.
Lục Mạnh-Tân nhắc lại nguyên câu văn:
– Dân vi quý, xã tắc thứ chi. Quân vi khinh.
Bắc-bình vương Đào Kỳ bàn:
– Dĩ nhiên luật Lĩnh-Nam phải lấy căn bản từ luật vua Hùng vua An-Dương. Song nếu thấy Trung-nguyên có gì hay, ta cũng nên thu thái. Họ có gì dở, ta cũng phải tránh. Bây giờ hãy bàn thêm về những gì dở của Trung-quốc đã.
Nói đến đó Vương liếc nhìn thầy là Lục Mạnh-Tân. Hai thầy trò cùng mỉm cười, tỏ ý tương thông. Nguyễn Tam-Trinh đứng lên thuyết trình tiếp:
– Tôi xin trở lại với Cửu châu và ngũ phục. Trong năm cõi trên, thì cõi Điện là vùng bao quanh trung tâm Thiên hạ. Phía trong cõi Điện là Giao. Trong Giao một trăm dặm là Quốc. Trong Quốc có thành gọi là Đô. Đó là nơi vua ở. Vì vậy họ mới xưng là Trung-quốc. Tức nước ở giữa thiên hạ. Ngày nay chúng ta có danh từ Trung-quốc, Trung-nguyên, Trung-hoa. Còn danh từ Hoa hạ có nghĩa là Trung tâm của thiên hạ, đẹp đẽ nhất. Tức chỉ văn minh Trung-quốc. Những người Hán chịu ảnh hưởng sách vở cổ, nêu ra lý thuyết Nội Hoa-hạ ngoại Di-địch nghĩa rằng trong là Trung-quốc. Ngoài Trung-quốc đều là Man-di, mọi rợ.
Ông nhìn Lục Mạnh-Tân:
– Xin Lục tiên sinh giải thích rõ hơn về danh xưng Hoa-hạ. Chữ Hoa ở đâu mà ra?
Lục Mạnh-Tân đứng dậy đáp:
– Thời cổ tộc của Trung-quốc cư ngụ ở vùng lưu vực sông Hoàng-hà. Xung quanh là các sắc dân kém văn minh. Vì họ tự hào có lễ, nghĩa, văn minh hơn các tộc khác. Họ xưng nước là Hoa-hạ. Họ nói rằng:
Miện phục thái chương viết hoa,
Đại quốc viết hạ.
Nghĩa là: Áo mũ đẹp đẽ viết Hoa. Nước lớn viết Hạ.
Khổng-Tử nói Di bất loạn Hoa Nghĩa là các dân tộc Man-di tức những người ở cõi Yêu nói trên, không được xâm phạm đất văn minh tức Hoa-hạ. Bọn người hủ lậu nhân đó gọi các tộc xung quanh bằng danh từ xấu như Di, Địch, Khuyển, Nhung, Man, Mạch v.v. Cứ như chữ viết, Man là loại sâu bọ. Địch là loại chó. Ngay trong bộ Kinh-lễ đã định hẵn danh xưng cho từng vùng. Ở giữa là Hoa-hạ. Xung quanh đều là Di-Địch cả. Thiên Vương chế nói:
– Đông phương viết Di. Nghĩa rằng: Đông phương gọi là Di.
– Tây phương viết Nhung. Nghĩa rằng: Tây phương gọi là Nhung.
– Nam phương viết Man. Nghĩa rằng: Nam phương gọi là Man.
– Bắc phương viết Địch. Nghĩa rằng: Bắc phương gọi là Địch.
Giòng giống Bách-Việt ở phương Nam, bị họ gọi là Nam-man. Sự thực Trung-quốc khởi từ châu Ung, Lương, đông-nam là Hoa-âm, đông-bắc là Hoa-dương, tới Hoa-sơn là giới hạn. Vì vậy tên nước lấy chữ Hoa. Sau vì có văn minh, họ chiếm dần các đất xung quanh, rồi mới có danh từ chín châu như trong Kinh-thư. Hoa là tên nước, không phải tên chủng tộc. Tên Hạ thực do vì sông Hạ-thủy mà có, vốn gốc ở Ung-lương. Do tên nước Hạ-thủy lấy làm tên tộc. Không phải danh hiệu quốc gia. Đến đời Lưu Bang dựng nghiệp nhà Hán ở đất Hán-trung. Đối với Hạ-thủy thì cùng đất đối với Hoa-dương thì đồng châu. Vì vậy mới có tên là Hoa-hạ.
Triều đình Lĩnh-Nam gồm những người văn mô vũ lược. Dù văn minh Trung-quốc, Lĩnh-Nam, họ đều thông hiểu. Song vì mỗi người xuất thân một phái, có cái học khác nhau. Vì vậy họ chỉ đồng tâm về việc phục quốc, mà không đồng kiến thức về Trung-quốc, Lĩnh-Nam. Trước đây, vì Nhâm Diên, Tích Quang chủ tâm đồng hóa đất Lĩnh-Nam với Trung-quốc bằng văn hóa. Vì vậy các anh hùng thấy văn hóa Trung-quốc sinh thù hận. Bây giờ họ mới hiểu, tư tưởng Trung-quốc phát xuất từ những văn gia cổ thời. Vì không đi xa quá vùng cư trụ, nên các văn gia mới viết những điều hủ lậu. Rồi bọn vua quan, muốn duy trì quyền hành, đã ôm lấy những điều đó, coi là kinh.
Vua Trưng hướng vào Đại tư đồ Phùng Vĩnh-Hoa:
– Công-chúa Nguyệt-Đức. Bây giờ em hãy trình bày về luật pháp dưới đời vua Hùng như thế nào?
Phùng Vĩnh-Hoa kính cẩn tâu:
– Trước hết nguồn gốc của người Việt chúng ta. Đầu tiên triều đại Phục-Hy rồi tới Thần-Nông. Hai vị đều là Quốc-tổ của Trung-quốc lẫn Lĩnh-Nam. Đến đời vua Đế-Minh, cháu ba đời vua Thần-Nông, đi tuần thú phương nam, đến núi Ngũ-lĩnh, kết hôn với một nàng tiên, sinh hạ Thái tử Lộc-Tục. Ngài lập đàn tế cáo trời đất, rồi phong con trưởng làm vua phương Bắc tức vua Đế-Nghi (2889 trước Tây-lịch), Lộc-Tục làm vua phương nam tức vua Kinh-Dương (2879 trước Tây-lịch). Vậy vua Kinh-Dương lên làm vua lúc mười tuổi. Sau này đổi hiệu là Lục-Dương vương. Vua Kinh-Dương, kết hôn với con gái vua Động-Đình, sinh ra thái tử Sùng-Lãm. Thái tử Sùng-Lãm lấy công chúa Âu-Cơ, con vua Đế-Lai sinh ra trăm con.
Trấn-viễn đại tướng quân Hồ Đề hỏi:
– Này Nguyệt-Đức. Chị nghĩ dầu là thời cổ đi chăng nữa, làm sao Quốc-mẫu sinh ra được trăm con? Không lẽ mỗi năm sinh mười người? Không lẽ Quốc-mẫu đẻ như gà?
Câu hỏi của Hồ Đề làm mọi người cười ồ lên.
Phùng Vĩnh-Hoa mỉm cười:
– Chị hỏi vậy thực phải. Theo luật Lĩnh-Nam hồi đó thì, một người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ. Con cái sinh ra đều gọi người vợ cả là mẹ, còn gọi mẹ đẻ ra mình là dì, cô, đôi khi bằng chị. Quốc-tổ có chính cung hoàng hậu Âu-Cơ, nhiều phi tần. Ngài có trăm con. Sử không ghi rõ Quốc-mẫu Âu-Cơ sinh ra bao nhiêu người.
Giao-chỉ vương Trưng Nhị hỏi:
– Sử Lĩnh-Nam khởi chép từ Quốc-tổ Lạc-Long-Quân, Quốc-mẫu Âu-Cơ. Tại sao không chép từ thời Phục-Hy. Hay từ khi lập quốc là vua Kinh-Dương là Quốc-tổ? Em cần giải thích rõ ràng hơn.
Công chúa Phùng Vĩnh-Hoa trịnh trọng bưng ra chiếc hộp bọc gấm. Bà để xuống, mở nắp. Trong hộp có một trăm cái thẻ bằng vàng. Trên các thẻ khắc chữ chằng chịt. Bà nói:
– Sử Lĩnh-Nam chép thời kỳ lập quốc khởi từ Quốc-tổ Lạc-Long-Quân, Quốc-mẫu Âu-Cơ. Vì dù vua Kinh-Dương lên làm vua, tuyên bố quốc hiệu. Song điển chế, luật pháp vẫn giữ y nguyên của triều đại Thần-Nông phương Bắc. Khi Quốc-tổ Lạc-Long-Quân còn là thái tử Sùng-Lãm. Ngài chu du khắp đất nước. Bắc tới hồ Động-đình, qua Nam-hải, đến Nhật-nam, sưu tầm phong hóa, tục lệ của từng vùng. Sau khi lên ngôi vua, ngài mới nhân đó ban hành bộ luật mang tên Nam-Thiên bách tộc đại luật. Thường gọi tắt là Nam-luật. Tại sao lại một trăm tộc? Vì kể từ bắc xuống nam. Từ đông sang tây, đất Lĩnh-Nam có trăm bộ tộc. Mỗi bộ tộc có luật lệ, phong tục khác nhau. Ngài lại có trăm con, phong mỗi con làm vua một bộ tộc. Cho nên chúng ta có danh xưng Bách-Việt. Mỗi bộ tộc có tên khác nhau. Dân chúng trong vùng đó, dùng tên bộ tộc làm họ. Nên chúng ta có trăm họ. Như tôi họ Phùng, vì tổ tiên ở đất Phùng.
Bà ngưng một lát cho cử tọa theo kịp rồi tiếp:
– Sử gia Lĩnh-Nam cho rằng thời Kinh-Dương chưa có luật lệ, điển chế. Vì vậy chưa thể coi là một quốc gia hoàn toàn. Đến Lạc-Long-Quân, có luật lệ, điển chế, triều nghi, mới coi là một nước. Vì vậy sử gia Lĩnh-Nam coi Lạc-Long-Quân, Âu-Cơ là hai vị tổ dựng nước.
Lục Mạnh-Tân cầm một thẻ vàng trong bộ Nam-luật lên coi, rồi lắc đầu:
– A! Chữ Khoa-đẩu của Lĩnh-Nam. Tôi không học, thành ra không đọc được. Không biết chữ Khoa-đẩu có tự bao giờ?
Nguyễn Tam-Trinh nói:
– Có từ thời Lạc-Long-Quân. Chính ngài chế ra chữ Khoa-đẩu. Tất cả người Việt đều học chữ này. Thời gian Triệu Đà cai trị, cho đến Nhâm Diên, Tích Quang đều cấm không cho học. Nhưng các gia, các phái vẫn dạy con em. Vì nếu người Việt không biết chữ Khoa-đẩu coi như văn minh gần ba nghìn năm của Lĩnh-Nam mất hết. Kinh điển, thư tịch, luật lệ, điển chế cùng tư tưởng, văn học không ai đọc được nữa, đất nước sẽ trở thành man mọi.
Lục Mạnh-Tân hỏi:
– Chữ Khoa-đẩu với chữ Hán khác nhau thế nào?
Nguyễn Tam-Trinh đáp:
– Chữ Hán viết theo lối tượng hình. Như chữ mộc thì giống như một cây, có cành, có rễ v.v. thành ra học rất khó khăn. Phải mất từ ba tới năm năm mới đọc được sách. Còn chữ Khoa-đẩu tượng thanh. Chỉ cần học ba tháng là đọc thông thạo ngay.
Ghi chú của tác giả :
Văn tự Khoa-đẩu mà Nguyễn Tam-Trinh nói, đối với chúng ta hoàn toàn xa lạ. Song thời Lĩnh-Nam, vẫn còn thịnh hành. Triệu Đà đánh Âu-Lạc, muốn đồng hóa dân Việt thành dân Hán. Y đã cấm học chữ Khoa-đẩu, cưỡng bách dùng Hán-văn trong công văn, thư tín.
Song phép vua, thua lệ làng. Người Việt vẫn lén lút dạy con cháu. Xét các cuộc khai quật từ Quảng-nam, Thanh-hóa, đến Hòa-bình, Vân-nam, Trường-sa, thì văn minh Bách-Việt rực rỡ như Trung-nguyên. Nào kinh, nào triết, nào văn, nào sử, như trăm hoa đua nở vào thời các vua Hùng. Đến đời vua An-Dương càng rực rỡ thêm.
Thế nhưng Triệu Đà đã thu tất cả thư tịch cổ đốt đi, cùng với lệnh cấm học văn tự Khoa-đẩu. Triệu Đà bị Hán diệt. Các thái-thú đời Hán càng tiếp tục đàn áp bằng văn hóa. Một mặt đem văn minh Trung-quốc bắt dân Việt học theo. Đem chữ Hán, sách Hán cưỡng bách học.
Sau khi vua Trưng tuẫn quốc. Các quan lại người Hán bắt dân chúng lập đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang. Mồng một, ngày rằm bắt đến đền thờ lễ bái. Lại còn viết sách nói rằng trước đó dân Việt vốn mọi rợ, chỉ biết lễ nghĩa từ khi có Nhâm Diên, Tích Quang sang. Các sử gia vô trách nhiệm sau này, cứ theo đó thuật lại. Chỉ độc giả Anh hùng Lĩnh-Nam,Cẩm-Khê di hận mới biết rõ mà thôi.
Hơn một thế kỷ trước, học giả Trương Vĩnh-Ký đã viết như sau:
Những chữ dân ta dùng thời đó là những loại chữ ghi âm, mà hiện nay còn di tích trên nhiều bản ghi khác. Trong số đó có một tấm bia đá dựng trên núi Đá-bia. Sau khi chiếm nước ta. Một trong những công việc đầu tiên của viên tướng Trung-quốc là bắt buộc dùng chữ Hán trong công văn chính thức, cũng áp dụng những biện pháp nghiêm khắc để ngăn cấm thứ chữ ghi âm mà dân ta vẫn dùng trong thời kỳ ấy. Do đó chữ Hán hiện nay dùng trong nước vốn từ người Hán dùng sức mạnh cưỡng bắt dân ta phải theo.
(P.J.B Trương-vĩnh-Ký, trong bộ Abrégé de grammaire annamite do Saigon imprimerie Impériale in năm 1867 trang 7-8).