Cái Giá Của Sự Phản Bội - Tiểu A Thất

Chương 1




Mỗi tháng vào ngày rằm, bất kể mưa gió ra sao, ta đều không thiếu lần nào, cùng mẹ chồng đến chùa Hộ Quốc cầu phúc.

Con người khi đã về già, có quá nhiều ràng buộc khó buông bỏ, bà gửi gắm tất cả vào thần linh và tổ tiên, từ khi mặt trời còn sáng chói cho đến lúc hoàng hôn dần tàn.

Còn ta, bởi cuộc đời chẳng còn gì hối tiếc cũng chẳng cầu mong điều gì thêm, nên thường sớm lánh vào hậu viện, nghe gió nhìn mây để gi/ết thời gian.

Nhưng lần này, tại đình nhỏ nơi ta thường nấu trà, lại tình cờ gặp một cô nương thú vị. Nàng cầm trên tay bát cháo yến do nha hoàn hầu hạ, nở nụ cười rạng rỡ:

“Chàng ta ấy à, lúc nào cũng lo lắng vớ vẩn.”

“Chùa Hộ Quốc lớn thế này, sao lại để mẹ con ta bị đói được chứ.”

Nói rồi, nàng vô tình hay hữu ý xoa xoa cái bụng bầu chưa to rõ, khuôn mặt hiện lên vẻ dịu dàng và niềm vui sướng của một người chuẩn bị làm mẹ.

Nhận ra ta đang nhìn, nàng bối rối gật đầu chào.

Sau đó, nàng thản nhiên hỏi:

“Các con của phu nhân nay đã bao nhiêu tuổi rồi? Chúng có từng quấy nhiễu khiến phu nhân ăn không ngon ngủ không yên như đứa bé trong bụng ta không?”

Cả kinh thành này, có quý phụ nào lại không biết rằng ta, Tô Cẩm Hoa, không thể sinh con được nữa, người dám đến tận cửa khiêu khích lại càng hiếm hoi.

Thế nhưng, trong mắt nàng lại lộ rõ vẻ thản nhiên, tràn đầy hy vọng chờ ta trả lời.

Ta khẽ mỉm cười, trả lời với vẻ rất lễ phép:

“Phúc phận mỏng manh, ta chưa từng sinh nở.”

Nàng như tiếc nuối mà thở dài:

“Thật đáng tiếc, được làm mẹ quả là một niềm hạnh phúc.”

Thấy ta chỉ mỉm cười mà không đáp lại, nàng lại tiếp tục tự nói:

“Chùa Hộ Quốc rất linh nghiệm trong việc cầu tự, phu thê cùng đi, treo cao dải cầu phúc, nhất định sẽ đạt được như ý nguyện.”

“Ta cũng đã cầu được như ý, nên mới đến để trả lễ.”

“Phu nhân thử xem sao?”

Trái tim ta nhói lên một chút, ta nhìn nàng thật sâu:

“Ta không thể sinh con, nhưng phu quân ta cũng không muốn có, nếu không thì việc nạp vài thiếp cũng chẳng khó khăn gì.”

Nụ cười của nàng chợt khựng lại, cố gượng cười nói:

“Hẳn là lão gia rất yêu phu nhân.”

Đúng vậy, Mạnh Diệp đã từng rất yêu ta.

Vào năm thứ ba sau khi thành hôn, sau khi sảy đứa con đầu tiên, thái y xác nhận rằng ta không có duyên với con cái, ta đã thử xin phép, tự nguyện rời khỏi gia đình. Mạnh Diệp như phát điên, xông thẳng vào cung, đôi mắt đỏ ngầu, quỳ xuống trước mặt ta mà thề thốt:

“Thà đoạn tử tuyệt tôn, ta chỉ cần Cẩm Hoa”

“Nếu có hai lòng, nguyện không được ch/ết tử tế.”

Ta nghĩ thông suốt, bao nhiêu năm qua chưa từng lấy chuyện con cái mà làm khó bản thân. Hắn cũng giữ lời hứa, trong hậu viện không thêm một ai.

Thời gian thoáng chốc đã trôi qua, cũng đã hơn một nửa đời người, vậy mà nay lại bị một cô nương trẻ tuổi mang chuyện con cái ra mà chọc thẳng vào tim, thật khiến người ta buồn cười.

Khi ta đỡ mẹ chồng xuống núi, cô nương kia cũng vừa vặn lên chiếc xe ngựa đến đón nàng.

Xe ngựa rộng lớn, xa hoa, chẳng kém gì phủ Thái phó. Nha hoàn hầu hạ chu đáo, lời nào cũng nhắc đến "lão gia dặn dò", quả là một nữ nhân được phu quân cưng chiều.

Chỉ có điều, món trang sức treo nơi góc xe ngựa làm ta thoáng giật mình. Đó chính là chiếc bình an bội mà tháng trước mẹ chồng đã cầu cho Mạnh Diệp, dặn đi dặn lại hắn phải luôn mang theo bên người, vậy mà hắn đã nói không biết làm rơi mất ở đâu.

Mẹ chồng rõ ràng cũng thấy, bà lập tức đứng chắn trước mặt ta:

"Cẩm Hoa, mẫu thân cảm thấy hơi mệt, con có thể đỡ ta sang bên kia nghỉ một lát được không?"

Ta thu ánh mắt lại, giả vờ như không thấy màn khiêu khích trắng trợn của cô nương kia.

“Vâng”

Con người khi đến tuổi trung niên, điều quan trọng nhất chính là thể diện.

Cô nương kia còn trẻ, chưa hiểu được, nhưng ta, là chủ mẫu của một gia tộc, không thể không hiểu.

Khi Mạnh Diệp trở về, ta đang cầm một cuốn binh thư, nghiền ngẫm kỹ càng về kế sách "binh bất huyết nhận, công tâm vi thượng" trong ba mươi sáu kế.

“Sao nàng lại xem binh thư nữa rồi?”

Hắn thuận tay cướp lấy cuốn sách, nắm lấy tay ta.

“Hôm nay có mệt lắm không? Có nhớ ta không?”

Ta thất thần nhìn hắn, muốn tìm một chút sơ hở trên khuôn mặt vốn được thời gian ưu ái ấy.

Nhưng không có.

Hắn đã lăn lộn trong quan trường hơn mười năm, trở nên trầm ổn và lão luyện, không còn là thiếu niên để lộ hết cảm xúc trên mặt như ngày xưa nữa.

Trong ánh mắt chân thành, đầy tình cảm kia, là hình bóng của ta mà hắn đã thề thốt không chút do dự.

Chỉ có một vết bẩn nhỏ trên tay áo rộng của chiếc trường bào xanh thẫm hắn đang mặc, là dấu hiệu duy nhất tiết lộ bí mật.