Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm

Chương 1




Giữa tháng tư năm 1660, vào lúc chín giờ sáng, khi mặt trời đã đủ ấm để làm khô những giọt sương trên các cây đinh hương và tại lâu đài thành Blois, một đoàn kỵ sĩ gồm ba người cùng hai người hầu tiến lên cây cầu dẫn vào thành phố mà không gây một sự chú ý nào cho những người đang dạo mát, ngoại trừ động tác đầu tiên là giơ tay lên đầu chào và động tác thứ hai là uốn lưỡi để diễn tả bằng giọng văn trong sáng nhất nước Pháp:

"Đó là Đức ông đi săn về".

Có vậy thôi.

Tuy nhiên khi đoàn người ngựa leo lên con dốc dẫn từ bờ sông vào lâu đài thì một vài gã bán hàng mập ú mon men tiến lại gần con ngựa đi cuối có treo lủng lẳng nhiều loại chim trên cốt yên.

Thấy kết quả chuyến đi săn nghèo nàn như vậy, các gã hiếu kỳ tỏ ra khinh khi, và sau khi bàn tán hồi lâu về sự bất lợi của việc săn chim, ai nấy lại quay trở về với công việc của mình. Chỉ còn một gã có thân hình béo tròn với cặp má phúng phính, tính tình vui vẻ là còn thắc mắc tại sao Đức ông có nhiều lợi tức, do đó không thiếu gì cách vui chơi lại đi chọn cái trò giải trí thảm hại này.

Có người đã trả lời hắn:

- Ủa, bộ mày không biết trò giải trí chính của Đức ông là sự ưu phiền sao?

Gã mập ú nhún vai, vẻ dứt khoát.

- Nếu vậy thì thà tớ làm Jean phì lũ còn hơn làm ông Hoàng.

Rồi mọi người lại tiếp tục công việc. Còn Đức ông thì tiếp tục đoạn cuối cuộc hành trình với vẻ mặt vừa buồn rười rượi vừa oai nghi. Chắc sẽ có người ngắm nhìn ngài một cách thán phục, - nếu có khán giả. Nhưng các trưởng giả thành Blois đã không tha thứ cho Đức ông cái tội đã chọn thành phố tươi vui của họ để mặc sức ưu phiền. Cho nên, mỗi khi phải trông thấy con người vừa oai nghiêm vừa u sầu đó, họ quay mặt đi chỗ khác hoặc thụt đầu vào trong để tránh bị ảnh hưởng bởi vẻ buồn ngủ của khuôn mặt dài tái xanh, của đôi mắt lúc nào cũng đẫm ướt và của cả cái dáng dấp uể oải chán chường. Thành thử, ông hoàng đáng kính của chúng ta mỗi khi phi ngựa tới đâu đều cũng chỉ thấy toàn đường phố vắng ngắt.

Như vậy là dân thành Blois quả có tội bởi vì, sau Đức vua, và có khi trên cả vua nữa là đằng khác, Đức ông là một nhà quý tộc lớn nhất trong triều.

Thật vậy, nếu Thượng đế đã cho Louis XIV - đang trị vì - cái diễm phúc được là con của Louis XIII thì ngài cũng ban cho Đức ông cái vinh hạnh được nhận Henri IV là cha.

Thành thử, dân chúng ở đây ít ra cũng phải coi là có được một vinh dự không nhỏ khi Gaston d Orléans - Tôn Đức ông. (Đoạn tiếp theo ám chỉ các biến cố xảy ra về trước) tập hợp đám tuỳ tùng của ông trong toà lâu đài. "Các đẳng cấp" cổ kính nơi thành phố Blois này. Nhưng cái nghiệp của ông hoàng vĩ đại này là không hấp dẫn được quần chúng. Cho nên Đức ông lâu dần cũng thành quen!

Có lẽ vì thế mà ngài ưu phiền một cách trầm lặng. Cuộc đời Đức ông rất bận rộn. Chẳng ai chịu để hàng chục người bạn thân nhất của mình bị cứa cổ mà không thấy lo âu chút nào! Mà Mazarin khi nắm quyền bính trong tay thì chẳng thích cắt đầu ai cả. Vì thế Đức ông không còn bận rộn nữa và tinh thần của ngài cũng chịu ảnh hưởng lây.

Vậy nên cuộc sống của vị hoàng thân khốn khổ này thật là đáng buồn. Sau cuộc săn nhỏ vào buổi sáng bên bờ sông Beuvron (Bơ-vrông) hoặc trong rừng Chiverny , Đức ông vượt sông Loire, đến dùng cơm trưa tại Chamberd , bữa ngon bữa không, và cả thành Blois sẽ không còn nghe nhắc nhở gì đến vị thủ lãnh của mình nữa cho đến buổi săn bắn sau.

Đó là những ưu phiền phơi bên ngoài, còn những nỗi buồn sâu kín chúng tôi sẽ cống hiến cho độc giả nếu quý vị chịu khó cùng với chúng tôi theo đoàn người ngựa tiến đến chiếc cổng uy nghiêm của lâu đài "Các đẳng cấp".

Đức ông cưỡi một con ngựa vóc dáng bé nhỏ, ngồi trên chiếc yên rộng bọc bằng nhung đỏ xứ Flandre có bàn đạp giống như một chiếc hia. Con ngựa màu hung hung; bộ quần áo bó chẽn bằng nhung đỏ thẫm, hoà lẫn với chiếc khăn choàng cùng một màu với những thứ trang bị trên con ngựa, và nhờ toàn bộ cái gì cũng đỏ này mà người la có thể phân biệt được Đức ông với hai bạn đồng hành của Ngài, một người thì toàn tím trong khi người kia toàn lục. Người phi ngựa bên trái ăn vận màu tím là người hầu ngựa, bên phải có người vận màu lục coi bầy chó săn.

Một người hầu mang theo đôi chim ưng đong đưa trên cái đu người kia cầm chiếc còi săn, phùng má thổi một cách uể oải rời rạc khi đoàn kỵ sĩ chỉ còn cách toà lâu đài vài chục bước.

Mọi kẻ bao quanh ông hoàng uể oải này đều uể oải làm những gì cần phải làm.

Sau hiệu còi, tám gã lính gác cổng đang rong chơi trên chiếc sân vuông vức của toà lâu đài vội chạy đi tìm vũ khí. Thế là Đức ông oai vệ tiến vào toà lâu đài.

Khung cảnh thật vắng vẻ.

Đức ông lặng lẽ nhảy xuống ngựa, rảo bước vào phòng để người hầu thay quần áo; và vì Bà lớn chưa ra hiệu ăn trưa nên ngài nằm duỗi dài trên ghế đánh một giấc ngon lành như giấc ngủ buổi tối vậy.

Còn tám gã lính hầu thì hiểu rằng nhiệm vụ trong ngày của chúng đến đây là chấm dứt, chúng bèn rủ nhau nằm ườn trên ghế đá dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. Gã mã phu (người trông nom, chăm sóc ngựa) dẫn đoàn ngựa vào trong truồng và ngoại trừ mấy chú chim đang chíu chít chòng ghẹo nhau trong các bụi cây đinh tử hoa, người ta có cảm tưởng như vạn vật đều ngủ say như Đức ông vậy.

Khi hồi chuông rung báo hiệu Bà lớn đã trang điểm xong và đang chờ Đức ông cùng bước vào phòng ăn thì có tiếng vó câu lộp cộp trước cổng vào.

Kìa! Một chàng kỵ sĩ điển trai.

Đó là một trang thanh niên trông khoảng tuổi hai mươi bốn, hai mươi lăm, thân hình dong dỏng, cường tráng, khoác trên mình bộ quân phục đẹp đẽ của thời đó. Bằng đôi tay thon chàng kềm ngựa dừng giữa sân rộng, tháo chiếc mũ lông dài che gương mặt vừa cương nghị vừa ngây thơ của chàng.

Tiếng ngựa làm bọn lính choàng tỉnh và mau lẹ đứng lên.

Chàng trai trẻ chờ cho tên lính gác lại gần mới nghiêng mình nói bằng giọng trong trẻo và rõ ràng khiến hai cô gái trẻ đẹp núp sau cánh cửa nghe rõ mồn một.

- Có tin cho Điện hạ.

- À ra thế? - người lính gác kêu lên - Ngài sĩ quan đâu rồi? Có người đưa tin!

Những gã lính này thừa biết sẽ chẳng có ngài sĩ quan nào ra cả vì viên sĩ quan duy nhất đang ở mãi cuối toà lâu đài, trong một căn phòng nhỏ giữa vườn hoa.

Bởi vậy gã vội vàng tiếp:

- Thưa ngài, viên sĩ quan đang đi tuần tra; nhưng chúng tôi sẽ báo cáo cho ngài quản gia De Saint Remy (De Xanh Rơ-mi) hay.

- ông De Saint Remy à! - Người kỵ sĩ đỏ mặt lẩm bẩm nhắc lại.

- Ngài có quen biết ông ta?

- Vâng, xin nhờ anh báo cho ông ta biết là tôi muốn gặp Điện hạ gấp.

- Việc có gấp gáp lắm không?- Gã lính gác lẩm bẩm như muốn nói với chính mình nhưng lại mong đợi câu trả lời của người đối diện.

Người đưa tin gật đầu. Gã lính lại nói:

- Trong trường hợp này thì chính tôi sẽ đi kiếm ngài quản gia.

Chàng trai nhảy xuống ngựa và trong khi đám lính đang tò mò ngắm nghía từng cử động của con ngựa đẹp đẽ đã mang chàng tới thì gã lính ban nãy đã quay lại nói:

- Xin lỗi tôi chưa biết quý danh?

- Tử tước Bragelonne đến đây theo lệnh của Hoàng thân De Condé.

Gã lính vái dài và như thể tên người chiến thắng trận Rocroi và Lenz làm cho gã mọc thêm cánh, gã chạy như bay qua các bậc thềm.

Tử tước De Bragelonne chưa kịp cột ngựa vào khung sắt bên thềm thì ông Saint Remy đã hớt hải chạy ra, một tay đỡ cái bụng phê, tay kia thì quậy quậy như mái chèo rẽ nước vậy.

- Ồ, ngài tử tước cũng đến Blois à? Thật tuyệt diệu? Xin kính chào ngài, ngài Raoul.

- Rất hân hạnh được gặp ngài, ngài De Saint Remy.

- Phu nhân De La Vall, xin lỗi, tôi muốn nói phu nhân De Saint Remy sẽ thật sung sướng khi được gặp lại ngài? Nhưng xin mời lại đây. Điện hạ đang dùng bữa, tôi có cần làm rộn ngài không? Vấn đề có nghiêm trọng lắm không?

- Có và không, thưa ngài De Saint Remy. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nếu để trễ có thể Điện hạ sẽ bực lắm đấy!

- Nếu vậy thì phải phá lệ thôi, thưa tử tước. Lại đây, vả lại hôm nay Đức ông rất vui vẻ. Mà, ngài có tin lạ cho chúng tôi không?

- Tin quan trọng, thưa ngài De Saint Remy.

- Chắc là lành chứ?

- Tuyệt vời.

- Thế thì lại đây. Lại đây nhanh lên? - Người quản gia vừa nói vừa vuốt lại quần áo.

Raoul cầm mũ đi theo, hơi giật mình khi nghe chính tiếng gót giầy của mình nện vang trên sàn nhà thênh thang.

Chàng trai vừa khuất trong lâu đài thì nơi khung cửa sổ ban nãy lại thấp thoáng bóng người, tiếng xì xào chứng tỏ hai cô gái đang bị kích động mạnh. Họ nhanh chóng quyết định vì một trong hai khuôn mặt biến đi. Cô gái còn lại, núp sau những đoá hoa trên bệ cửa sổ, quan sát qua kẽ lá những bậc thềm mà ngài De Bragelonne đã đi qua.

Trong khi đó, nhân vật đã khiến cho mọi người chú ý vẫn tiếp tục nối gót người quản gia. Tiếng chân bước nhộn nhịp, mùi rượu, mùi thịt nồng đậm, tiếng lích kích của chén đĩa thuỷ tinh cho biết rằng chàng sắp tới nơi.

Các người hầu, các sĩ quan đang tụ tập nơi một căn phòng trước phòng ăn tiếp đón Raoul với sự lễ phép đã trở thành huyền thoại của xứ này. Có người biết Raoul và tất cả đều biết chàng vừa từ Paris tới. Có thể nói, sự xuất hiện của chàng trai trẻ đã làm mọi hoạt động ngưng lại trong chốc lát. Chứng cớ là một người hầu đang tiếp rượu cho Đức ông, nghe tiếng giầy đinh khua vang bên thềm sảnh đã tò mò quay đầu lại xem, như một đứa trẻ, quên bẵng đi rằng anh ta không còn rót rượu vào ly của Đức ông nữa mà là rót lênh láng ra bàn.

Bà lớn vì không bận bịu như đức lang quân oai vệ của mình nên thấy rõ sự lơ đễnh của người hầu. Bà nói:

- Kìa.

Đức ông lặp lại: "Kìa", rồi ngạc nhiên.

- Cái gì thế?

Cùng lúc ông De Saint Remy ló đầu vào, gặp ngay cơ hội thuận tiện.

- Sao lại quấy rầy tôi? - Vừa nói Caston vừa gắp bỏ vào đĩa một khúc cá thật to, phần thịt của một con cá hồi ngược sông Loire lớn chưa từng thấy, chưa từng bị đánh bắt giữa Paimboeuf và Saint-Nazaire

- Thưa có một người đưa tin từ Paris tới. Nhưng mà, xin Điện hạ cứ tiếp tục dùng bữa, để sau vẫn còn thừa thì giờ.

Đức ông la lên và để rơi cái đĩa xuống bàn.

- Từ Paris à? Một người đưa tin từ Paris, đúng không? Ai sai hắn tới?

- Theo lệnh của ngài Hoàng thân. - Người quản gia hấp tấp trả lời.

Ai cũng biết đó là biệt danh của ngài De Condé (De Công- đê)

- Một người đưa tin của ngài Hoàng thân à? - Gaston lẩm bẩm. Vẻ lo âu thoáng hiện trong ánh mắt càng gợi thêm trí lò mò của mọi người.

Đức ông như sống lại những giây phút sung sướng của thời kỳ mưu đồ chính trị và mỗi tiếng động khẽ ngoài cửa cũng khiến ngài hồi hộp, mỗi bức thư có thể chứa đựng một bí mật quốc gia, mỗi tin loan báo đều là để dùng vào những âm mưu đen tối, phức tạp. Cũng có thể cái tên lừng danh của Hoàng thân đã lan truyền dưới vòm lâu đài thành Blois như bóng dáng của một con ma.

Đức ông đẩy đĩa ăn ra. Ông De Saint Remy hỏi:

- Thưa, hay là xin để người đưa tin chờ?

Cái liếc của Đức bà làm Gaston dạn dĩ hẳn lên, ông ta nói:

- Đừng cho hắn vào đây ngay. Mà này ai vậy?

- Một nhà quý tộc, sinh trưởng tại vùng này, tử tước De Bragelonne.

- À nếu vậy thì tốt lắm, kêu hắn vào đi, De Saint Remy.

Sau khi thết ra những lời lẽ trang trọng như thông lệ, ngài đưa mắt nhìn đám thuộc hạ của mình khiến cả bọn cận thần, sĩ quan lính hầu rời bộ khăn, dao, muỗng, nĩa mà bước nhanh ra ngoài, gần như hỗn độn.

Đạo quân nhỏ bé này tự động tách thành hai khi Raoul De Bragelonne theo ông De Saint Remy bước vào phòng ăn.

Khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi do sự rút lui của đám quân hầu để lại đủ khiến cho Đức ông lấy được phong độ của một nhà ngoại giao. Ông không quay đầu lại, chờ cho người quản gia dẫn người đưa tin đến trước mặt mình.

Raoul dừng ở phía cuối bàn ăn để được đứng giữa Đức ông và Đức bà. Chàng lễ phép cúi đầu chào rồi thẳng lưng chờ Đức ông lên tiến trước.

Còn Đức ông thì chờ cho cửa ra vào được khép kín. Ngài không muốn quay đầu lại vì như vậy không xứng đáng với địa vị của mình, nhưng ngài hết sức lắng đợi tiếng khoá cửa lách cách để thấy ít ra cũng là có giữ bí mật.

Cửa đã đóng kín Đức ông mới ngước mắt nhìn Tử tước De Bragelonne và nói:

- Hình như ông từ Paris lại?

- Thưa Đức ông tôi vừa mới tới.

- Hoàng thượng có được an khang không?

- Thưa Đức ông, ngài rất khoẻ.

- Còn chị dâu tôi?

- Hoàng thái hậu vẫn còn hay đau ngực. Tuy nhiên, cách đây một tháng, sức khỏe của ngài có phần đỡ hơn.

- Người ta bảo ông được Hoàng thân phái đến đây. Họ không lầm chứ?

- Thưa vâng, chính Hoàng thân đã phái tôi đến đây trình lên ngài một bức thư, và tôi chờ phúc đáp.

Raoul hơi xúc động trước lối tiếp đón lạnh lùng và tỉ mỉ này. Giọng chàng trầm hẳn xuống.

Đức ông như chợt nhớ lại câu chuyện và nỗi lo sợ lại đến với ngài. Ngài nhìn bức thư của Hoàng thân bằng cặp mắt hung dữ và cẩn thận bóc nó như bóc một món đồ khả nghi. Và đề cho không ai biết sự thay đổi diện mạo của mình vì bức thư, ngài xây lưng lại đọc.

Đức bà lo âu theo dõi từng cử chỉ của bậc trượng phu.

Còn Raoul thì thản nhiên và hơi thoải mái vì mình không còn bị chú ý nữa. Từ chỗ đứng, chàng đưa mắt nhìn, qua khung cửa rộng, các khu vườn và các bức tường dựng lên trong ấy.

Đức ông chợt kêu lên với nụ cười rạng rỡ nở trên môi.

- A! Thật là một nỗi bất ngờ đầy thú vị và một bức thư thật khả ái của Hoàng thân. Đây, bà xem đi.

Bàn quá rộng không đủ để Đức ông trao thư tận tay cho bà lớn Raoul hấp tấp chuyển giúp. Chàng thực hiện công việc này một cách hết sức duyên dáng và khéo léo khiến Đức bà hết sức đẹp ý.

Gaston quay hỏi Raoul:

- Chắc ông biết nội dung lá thư này.

- Thưa ông, Hoàng thân tính nhắn miệng với tôi, nhưng sau đó ngài suy nghĩ lại và lấy giấy bút thảo ra.

- Chữ đẹp quá, nhưng tôi không đọc được. - Đức bà nói.

Hầu tước (tức Gaston) lên tiếng.

- Ông có thể đọc giùm Bà lớn được không, ông De Bragelonne?

Raoul bắt đầu đọc trong khi Đức ông, một lần nữa lại chăm chú nghe.

Thư như sau:

"Kính thưa Ngài,

Hoàng thượng đang đi ra biên giới; hẳn ngài cũng biết hôn lễ của Người sắp được tiến hành. Hoàng thượng đã phong cho tôi làm trưởng đội kỵ binh trong chuyến đi này, và tôi biết Người thích dừng chân tại thành Blois, vậy xin ngài cho phép tôi được đánh dấu trước nơi nghỉ lại của Hoàng thượng.

Nếu yêu cầu của tôi quá đột ngột gây phiền toái cho ngài, xin ngài làm ơn báo cho biết qua tử tước De Bragelonne một nhà quý tộc làm việc với tôi đây. Chương trình của chúng tôi sẽ tuỳ thuộc vào quyết định của Điện hạ và nếu không có ghé Blois, tôi sẽ đổi lộ trình về Veldôme hay Romorantin. Tôi hy vọng Điện hạ sẽ cứu xét lời thỉnh cầu đầy thành tâm nhiệt ý của tôi biểu lộ lòng trung thành không giới hạn của tôi đối với ngài và lòng mong muốn được ngài đẹp dạ mãi mãi".

- Thật chẳng có gì sung sướng cho chúng ta hơn, - Đức bà nói sau khi đã hơn một thăm dò ý tứ qua ánh mắt của chồng trong lúc bức thư được đọc lên. "Hoàng thượng tới đây!" - Bà kêu lên, có lẽ hơi lớn khó mà bảo toàn được bí mật. Đến lượt Đức ông nói:

- Thưa ông, xin ông làm ơn trình Hoàng thân lòng chân thành biết ơn của tôi đối với sự ưu ái mà ngài đã dành cho tôi.

Raoul nghiêng mình đáp lễ.

- Ngày nào Hoàng thượng giá lâm? - Đức ông tiếp tục hỏi.

- Thưa ngài, nếu tôi không lầm thì Hoàng thượng sẽ tới ngay tối nay.

- Như vậy thì làm sao người ta hay được câu trả lời của tôi trong trường hợp tôi từ chối?

- Tôi có nhiệm vụ, thưa ngài, là phải lập tức quay về Beaugency (Bô-giăng-xi) để thông báo cho người đưa tin và anh này quay trở lại phía sau trình cho Hoàng thân. Hoàng thượng ở Orléans. Hiện giờ có lẽ ngài đã ở Meung.

- Cả triều thần cùng đi với ngài à?

- Thưa vâng.

- Còn điều này nữa, tôi quên hỏi thăm tin tức về Đức Hồng Đức ngài có vẻ tràn đầy sức khoẻ, thưa ngài. Chắc các cháu gái ngài cũng đi theo phải không?

- Thưa ngài không, Đức ngài đã ra lệnh cho tiểu thư Marie De Mancini đi Brouage. Tiểu thư đi bên mặt sông Loire trong khi triều thần từ bên trái tới.

- Sao? Tiểu thư De Mancini cũng rời triều đình à? Đức ông lên tiếng hỏi và sự dè dặt gần như không còn nữa.

- Vâng, trước tiên tiểu thư De Mancini, - Raoul tế nhị trả lời.

Một nụ cười thoáng qua gợi lại dấu vết của một bộ óc chứa đầy những âm mưu rối rắm, làm sáng lên đôi má nhợt nhạt của Đức ông.

- Xin cảm ơn ông De Bragelonne. Có lẽ ông sẽ từ chối không muốn nhận nhiệm vụ mà tôi muốn giao cho ông là trình lên Hoàng thân biết rằng tôi rất cảm mến người đưa tin của ngài. Nhưng tôi sẽ tự làm lấy công việc này.

Raoul lại nghiêng mình cảm tạ vinh hạnh mà Đức ông đã dành cho mình. Đức ông ra dấu cho Đức bà gõ vào chiếc chuông bên mặt.

Ông De Saint Remy bước vào ngay lập tức và phòng ăn lại đông nghẹt người.

Đức ông nói:

- Thưa quý vị, chúng ta sẽ được hân hạnh tiếp đón Hoàng thượng tại Blois, tôi hy vọng rằng Hoàng thượng, cháu tôi, sẽ không hối tiếc về đặc ân mà ngài đã ban cho tôi.

- Hoàng thượng vạn tuế!- Các sĩ quan hầu cận la lên đầy nhiệt tình, đặc biệt nhất là ông De Saint Remy.

Gaston khẽ cúi đầu, buồn u uẩn: cả đời ngài đã từng được nghe hay đúng hơn là phải nghe tiếng kêu "Hoàng thượng vạn tuế" này lướt qua đầu mình. Từ lâu, không còn phải nghe như thế nữa, đôi tai ngài tưởng đã được nghỉ ngơi. Thế rồi, một vương quyền mới, trẻ trung hơn, sinh động hơn, xán lạn hơn bỗng xuất hiện trước mặt ngài, như một sự khiêu khích mới, đau đớn hơn.

Đức bà hiểu rõ nỗi đau đớn mà trái tim nhút nhát và u uất kia phải chịu đựng, bà rời bàn ăn, Đức ông cũng làm theo một cách máy móc, và các tuỳ tùng như một bầy ong vỡ tổ, bao quanh lấy Raoul hỏi han rối rít.

Đức bà thấy lộn xộn liền kêu ông De Saint Remy và bảo với giọng của một chủ nhân đang cáu giận:

- Bây giờ không phải lúc bép xép, làm việc đi!

Ông De Saint Remy hối hả giải tán đám đông bu quanh Raoul do đó chàng mới bước được ra tiền sảnh.

Đức bà quay về phía ông De Saint Remy nói tiếp.

- Tôi mong ông lo liệu cho nhà quý tộc đó.

Ông này lập tức chạy theo Raoul, nói:

- Đức bà giao cho tôi nhiệm vụ chiêu đãi ngài tại đây, ngài sẽ nghỉ ngơi ở một căn phòng dành riêng trong lâu đài này.

- Xin cảm ơn ngài De Saint Remy, - De Bragelonne trả lời - chắc ngài biết tôi nóng ruột muốn gặp ngài bá tước cha tôi tới mức nào.

- Đúng thế, đúng thế. Nhân tiện xin ngài chuyển giùm lời kính thăm của tôi đối với cha ngài.

Raoul thoát được nhà quý tộc già và đi tiếp tục.

Khi chàng còn nắm cương ngựa đi dưới cổng thì một giọng nói êm ái vang lên phía cuối hành lang tối tăm:

- Thưa ngài Raoul!

- Chàng trai giật mình quay lại thấy một cô gái trẻ, tóc nâu đen, một ngón tay đặt lên môi và tay kia đưa về phía chàng.