Búp Bê Bắc Kinh

Chương 9




Cuộc sống của tôi trong năm đầu tiên đó là một chuỗi những khởi đầu mới. Mọi thứ trôi qua nhanh hơn cả khả năng thích ứng của tôi. Không khí vùng ngọai thành phía tây thật trong sạch. Bầu trời trong xanh mỗi ngày, như bạc. Thầy chủ nhiệm lớp đối xử với tôi rất tuyệt vời bởi vì tôi đã nổi tiếng trong trường là học sinh xuất sắc – tôi làm thơ, tôi vẽ tranh, tôi tổ chức các họat động, và tôi quyết chí tích cực học tập để không lãng phí ba năm của tôi ở đây, kể từ khi tôi nuôi ý định vào được trường Đại học tôi mơ ước – Bắc Đại. Sau khi hai tiết học cuối buổi chiều kết thúc, tôi và Tạ Tư Nghê cùng một số bạn gái khác đạp xe về nhà. Bây giờ là mùa thu, mùa hòang kim ở Bắc Kinh. Những khi đẹp trời, không khí trong vắt, đường nét của những ngọn núi chân trời phía xa hiện ra trong tầm mắt, và chúng tôi hát bài ca của Thẩm Khánh: “Ơi trời ơi bầu trời xanh, ở trên trên mặt trời đỏ…”. Một niềm vui xa xưa, trẻ trung bao trùm lên cả bọn. Điều đó tựa như một tuần trăng mật ngắn ngủi trước khi bắt đầu một cuộc hôn nhân dằng dặc. So với những ngày tháng sau đó, thì đây là thời kỳ đẹp nhất trong đời học trò của tôi. 

Bất cứ lúc nào có thời gian tôi lại đến trường Bắc Đại hay Siêu thị sách Hải Định. Bắc Đại. Tuyệt đẹp. Nói tóm lại là như vậy. Tạ Tư Nghê bảo đó là một công viên. “Còn đẹp hơn một công viên nhiều”, tôi nói một cách tự hào. Vào lúc đó, Bắc Đại thậm chí còn đẹp hơn so với hồi mùa thu tôi đến đó chơi khi tôi học phổ thông cơ sở năm cuối cùng. Đang có một triển lãm ảnh của “Hội Đại bàng núi” cộng với đủ mọi lọai bán hàng làm từ thiện, những quán chiêu mộ thành viên mới cho các câu lạc bộ. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy rõ ràng rằng giá như trên đời này có khi nào tôi được thuộc về nơi này (tôi đã không còn nhấm nháp cái ý nghĩ rằng Bắc Đại sẽ thuộc về tôi nữa), tôi sẽ hạnh phúc tột cùng. 

Chỉ có hai mươi bảy học sinh trong lớp của tôi, hai hai trong số đó là con gái. Năm con trai trong lớp là tỉ lệ thấp nhất trong trường. Nhưng cả năm đều đặc biệt – bọn họ đều tích cực, hài hước, và có thể nói thao thao bất tuyệt. Và bọn họ, tất cả, đều có một chút rầu rĩ. 

Chúng tôi nộp 120 tệ để ăn trưa và được nhận một cái thẻ. Không phải lọai thẻ ăn có thể dùng để ném nhau được trong các trường đại học, chỉ là những miếng giấy mỏng mà một thành viên của hội học sinh trường sẽ kiểm tra mỗi lần vào ăn. Và nếu bạn quên phiếu ăn, thì, hà hà, không có cơm cho bạn xơi đâu, và chớ có chửi rảu lãnh đạo nhà trường. Và bạn cũng chẳng hơi đâu mà đôi co với họ rằng tất cả mọi người đều đã phải trả tiền ăn để ăn cơm ở trường, bởi vì bạn nói thế cũng chỉ phí hơi. Bạn ăn hau không là việc của bạn, nhưng kể từ khi bạn đã vào học trong trường này, thì bạn nhất thiết phải tuân theo qui chế. Thọat đầu có một số học sinh không thể hiểu nổi phiếu ăn thì có tác dụng gì. Không có gì cả, bọn họ được trả lời như thế, nhưng tốt hơn cả thì cứ liệu mà mang theo khi đi ăn cơm trưa; còn nếu bạn làm mất phiếu, thì phải xì ra 5 tệ để được thay phiếu khác. Vì nhà ăn của chúng tôi nhỏ đến thảm hại, chỉ đủ cho mấy lớp thay phiên nhau ăn. Chúng tôi phải xếp hàng trên sân bóng rổ, chờ đến lượt mới được vào ăn. Khách quan mà nói, cơm ở đây cũng không tệ, có hai món, một rau một thịt, và cứ ba ngày đều đặn thì hai ngày chúng tôi ăn màn thầu, một ngày ăn cơm. Thỉnh thỏang chúng tôi và phải cát và sạn trong bát cơm, nhưng chuyện đó đâu có gì ghê gớm, kể cả đôi khi vớ phải một mảnh kính hoặc một cái đinh nhỏ cũng chẳng làm ai trợn mắt. 

Sau khi khai giảng chừng một tháng, lớp số 6 của chúng tôi có thêm một học sinh mới. Vào giờ kiểm tra buổi trưa, thầy Vương bước vào lớp với một cô gái. “Đây là Đỗ Viện. Từ nay bạn là thành viên của lớp số 6”. Cô gái mới tự giới thiệu về mình bằng một giọng trầm và rè. Cô ta nói cô ta thích khiêu vũ và nghệ thuật, và tất cả chỉ có vậy. Nói chuyện trước đám đông xem chừng làm cô ta mất bình tĩnh. 

Cô gái mới chiếm được vị thế ngôi sao ngay lập tức. Tất cả học sinh trong trường chúng tôi đều phải để tóc ngắn, còn con gái để tóc kiểu buộc lửng sau gáy. Cô ta cũng để tóc ngắn, nhưng lại chia thành bím sang hai bên. Chúng tôi tất cả đều mặc đồng phục, nhưng cô ta lại quàng quanh cổ thêm một cái khăn đốm nâu, mà cũng chẳng đắt đỏ gì hơn những cái bạn có thể mua được ở góc phố. Nhưng cái khăn lụa đó đã thu hút sự chú ý của chúng tôi chẳng khác gì miếng nam châm. Và bắt đầu trở thành mốt. Và cho dù các lọai khăn sa-tanh, khăn lụa của chúng tôi có thể đắt hơn cả của cô ta đi chăng nữa, thì với cô ta cái khăn ấy vẫn có vẻ hợp hơn, tự nhiên hơn. Thực tình thì tôi chưa bao giờ gần gũi với cô ta. Cô ta là một sự bí ẩn. Cô ta không tham gia vào bất cứ buổi tập quân sự nào cùng chúng tôi. Ai đó nói cô ta là người Tây An, và cô ta sống ở Bắc Kinh với người ông. 

Cô ta làm tôi nhớ đến một số những nhân vật mà tôi đã từng hư cấu ra, và trong rất nhiều dịp tôi đã ngỡ rằng cô ta chính là người con gái chỉ tồn tại trong những giấc mơ của tôi. 

*** 

Nhà trường yêu cầu mỗi cấp học tổ chức một họat động nội khóa với một chủ đề riêng. Chủ đề của học sinh năm thứ nhất là “Tôi yêu nghề của mình.” “Gia Phù! Việc này tôi giao cho em,” thầy Vương nói với tôi. Vậy là tôi nhờ Tử Dư chế cho tôi một băng nhạc làm nhạc nền, gồm các giọng hát của La Đại Hữu, The Beatles, Queen, Úc Đông và Cao Hiểu Tùng, rồi tôi chép những trích đọan trong tiểu thuyết nói về nhà trường, tập trung vào các trích đọan ca ngợi tuổi thanh xuân. Các học sinh khác cũng ghi tên tham gia, nhờ có từ 5 đến 10 điểm thưởng cho mỗi tiết mục trình diễn, và sô diễn đã thành công rầm rĩ. Đỗ Viện biểu diễn một điệu nhảy và không phải là chỉ đến tận hôm ấy mọi người mới thấy rõ eo của cô ta nhỏ thế nào. Cô ta nhảy với thân hình tuyệt đẹp đó, và cái dải ruy băng thắt quanh eo cô ta mảnh đến nỗi tưởng như có thể tuột ra bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, là nó chẳng bao giờ rơi cả. Giáo viên chủ nhiệm cấp học và hai giám khảo, đều là nam, nhìn chằm chằm vào cô ta, cười ngóac miệng tận mang tai. Nhưng cô chủ nhiệm của tôi thì nhìn tôi mà không nhìn cô ta, bởi vì tôi là học sinh cô ưng ý nhất, là học sinh tài nhất của cô. 

Thỉnh thỏang nhà trường cũng tổ chức một số họat động khác, theo cái câu phổ biến lúc ấy là “thực hành khái niệm”. Mỗi lần theo một chủ đề rõ ràng, như là “thực tập báo cáo quân sự” hoặc là “hội thi tri thức”. Vấn đề là tôi bắt đầu nhận ra rằng các học sinh trong trường tôi cực kỳ kém hiểu biết. Ví dụ như, trong cuộc thi về hiểu biết, nếu bạn hỏi một câu thơ cổ điển “Thượng thiên hạ địa nhân hòang tuyền/ Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến” là của ai viết, những học sinh năm thứ ba được hỏi sẽ ngồi đó im như thóc cho tới lúc một ai đó sẽ thốt lên rằng thật sự có một câu thơ như vậy chăng. Nếu một người trong số họ cố gắng trả lời được một câu hỏi, “Lòai chim nào nhỏ nhất trên thế giới?” thì cả hội trường đã bàn luận sôi nổi. Trời đất! Học sinh trường chúng ta kiến thức phong phú như vậy đó! Thật là kỳ lạ! Trong hòan cảnh như thế tôi đâm ra chán ngán. Chẳng có gì đáng gọi là một trường văn hóa. 

Ngày nào cũng phải đến lớp dần dần trở nên rất mệt mỏi, tất cả những gì tôi muốn làm khi về tới nhà là ngủ - một thứ xa xỉ mà tôi không có nổi. Vào mùa hè sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, tôi đã phỏng vấn bốn ban nhạc rock cho một tạp chí âm nhạc, và bây giờ tôi phải mau chóng viết những cuộc phỏng vấn đó ra thành bài đăng báo. Và tôi phải tập guitar để không bị tụt hậu. Thêm nữa, mỗi một học sinh năm đầu lại được yêu cầu viết một “Tự truyện”, một dạng giống như “Hồi ký” khỏang hơn một nghìn từ. “Tôi muốn xả láng nghỉ ngơi, tôi chẳng thiết sống nữa, tôi cảm thấy như muốn nằm xuống và không bao giờ thức dậy nữa…” Họ sẽ giết chết tôi nếu tôi dám viết như vậy. 

Đạo đức giả là lựa chọn duy nhất của tôi: “Cuộc sống thật tươi sáng và ngập tràn ánh nắng, thế kỷ hai mươi mốt, một thế hệ sải bước vào thế kỷ mới, tương lai…” Mi phải chớt nhả chó chết như vậy đó.