Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi

Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi - Chương 31: Xa bầy lẻ bạn




hú chim bị nhốt trong lồng, khi mở lồng vẫn biết bay ra. Còn cô là một chú chim thêu trên chiếc bình phong – một chú chim màu trắng muốt trong những đám mây dệt bằng vàng, trên chiếc bình phong bằng lụa tím u sầu.



(Trương Ái Linh ngữ lục)



Thế gian này từng có Trương Ái Linh, thế gian từng có một phụ nữ truyền kỳ như thế, từng đến như thế, và cũng từng đi như thế. Dân Quốc, nghe thì có vẻ rất xa chúng ta. Vậy thì biết bao năm mây sớm mưa chiều ấy, biết bao năm xuân đến thu đi ấy, đã làm hoang tàn biết bao câu chuyện. Trương Ái Linh, cái tên mà người người biết, nhà nhà hay này, cũng giống như một truyền thuyết từ rất lâu, khiến chúng ta không thể đuổi kịp. Thế nhưng thực ra bà lại rất gần chúng ta, rất nhiều người đang sống như chúng ta, đã từng sống cùng bà mười năm, hai mươi năm, thậm chí còn lâu hơn thế nữa.



Những năm tám mươi, Trương Ái Linh vẫn sống im lìm trong thành phố rộng lớn thịnh vượng Los Angeles. Còn Trung Quốc khi ấy, sau khi kinh qua vô số trận sóng to gió cả, đã dần dần bình ổn. Trương Ái Linh bị thời đại vùi lấp nhiều năm đã lần nữa quay lại, văn chương của bà được độc giả đại lục tranh nhau tìm đọc. Đối với Trương Ái Linh, đây là một tình yêu đến muộn, dù bà đã không còn quan tâm từ lâu, nhưng bà vẫn gửi tới chúng ta vô vàn lời chúc phúc muộn màng.



Tất cả những điều liên quan đến cái tên Trương Ái Linh, rất nhiều trích dẫn hay trong tác phẩm của Trương Ái Linh, những câu chuyện bà viết, và cả những mối tình mà bà đã trải qua, đều được đông đảo độc giả tìm kiếm, sưu tầm, cất giữ trân trọng. Còn Trương Ái Linh ở nơi đất khách quê người, lại không hỏi cũng chẳng màng đến hết thảy sự náo nhiệt đó. Vương Ma Cật từng viết một câu thơ: “Vãn niên duy hảo tĩnh, vạn sự bất quan tâm” (Chuỗi ngày còn lại sống âm thầm, mọi việc trên đời chẳng để tâm)[1]. Có lẽ con người đến một độ tuổi nhất định, tất cả những thứ nên từ bỏ hoặc không nên từ bỏ, đều sẽ từ bỏ.



[1] Trích bài Thù Trương thiếu phủ, Vương Duy, Trần Nhất Lang dịch.



Trương Ái Linh của thập niên tám mươi thế kỷ hai mươi, rốt cuộc đã làm những gì ở Los Angeles? Năm 1979, người cô Trương Mậu Uyên sau nhiều lần trăn trở, cuối cùng được sự giúp đỡ của Tống Kỳ, đã viết cho đứa cháu Trương Ái Linh thất lạc nhiều năm lá thư đầu tiên. Trước đây đã từng nói, Trương Mậu Uyên ở vậy năm chục năm, cuối cùng đã kết thành đôi với người yêu đầu tiên của bà là Lý Khai Đệ. Đó là vào năm 1979.



Trương Ái Linh nghe được tin này, cảm thấy rất vui mừng. Bà từng nói, bà tin rằng chắc chắn cô sẽ kết hôn, cho dù đến năm tám mươi tuổi. Quả nhiên, Trương Mậu Uyên đã tìm được chốn về của mình vào cái tuổi xế chiều. Còn bà, nhiều năm nay vẫn sống trong căn chung cư Carlton. Không ngờ, người phụ nữ thời thượng này, lại cố chấp, hoài niệm như thế.



Về sau, người em trai Trương Tử Tĩnh đã liên hệ được với Trương Ái Linh, so với Trương Ái Linh, Trương Tử Tĩnh càng lạnh nhạt hơn, càng cô độc khổ sở hơn. Cả cuộc đời ông, cha mẹ không yêu thương, chị gái không thân thiết, người cô không xót thương. Sống một đời nhạt nhẽo tầm thường, đến chết cũng chưa lấy vợ. Khi đó, cụ thân sinh Trương Đình Trọng đã qua đời từ lâu, còn bà mẹ kế Tôn Dụng Phàn được rửa tội, chật vật sống nốt những ngày còn lại. Đối với em trai Trương Tử Tĩnh, Trương Ái Linh vẫn lạnh nhạt như xưa, có lẽ đây chính là phương thức đối xử của bà. Đối với Hồ Lan Thành, cách làm của bà là vô tình, bà cũng cảm thấy những mắc mớ liên hệ của mình đối với đại lục, quả thực còn quá ít.



Vào những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, có thể nói Trương Ái Linh đã gây nên cơn bão hâm mộ. Thế nhưng ở Los Angeles, cuộc sống của bà lại không hề yên ổn, không hề thái bình. Khi ấy, bà bận tối mắt tối mũi làm một chuyện, đó là chuyển nhà. Từ năm 1984 đến năm 1988, chỉ trong mấy năm, nghe nói trung bình mỗi tuần bà chuyển nhà một lần. Có thể Trương Ái Linh về cuối đời đã phải chịu bao nhiêu lỗi lầm, trải qua bao nhiêu mệt mỏi.



Tại sao bà phải chuyển nhà nhiều lần như thế? Để trốn người đời, hay là trốn thế giới? Hay là sợ hãi điều gì? Thật khó tưởng tượng, hóa ra lại là vì trốn bọ chét. Sinh mệnh là một chiếc áo sườn xám hoa mỹ, trên đó lúc nhúc những con bọ. Không ngờ, câu nói đầy kinh ngạc viết ra thời trẻ này, lại trở thành một lời nguyền, ứng nghiệm lên thân bà. Một tuần chuyển nhà một lần, điều này chắc chắn không phải là sự thực, nhưng đủ để thấy tần suất chuyển nhà của bà, thật khiến người ta ngạc nhiên.



Trương Ái Linh từng viết thư cho Hạ Chí Thanh, kể rằng: “Mỗi ngày buổi sáng bận dọn nhà, buổi chiều đi vào thành phố (chủ yếu là đi khám bệnh). Có khi lúc về đã khuya, tuyến xe bus cuối cùng đã hết giờ chạy, phải gọi taxi, thời gian còn lại vừa đủ để ngủ..”. Khi ấy Trương Ái Linh chủ yếu sống trong nhà nghỉ, môi trường đơn giản sạch sẽ, đối với bà cũng khá tiện lợi. Nhằm giảm bớt phiền phức mệt mỏi, bà cố gắng vứt bỏ một số vật ngoài thân. Sau này chuyển nhà đã thành thói quen, những thứ có thể giữ lại, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.



Trang Tín Chính tiên sinh rất lo lắng cho sức khỏe của Trương Ái Linh, nên đã nhờ bạn là Lâm Thức Đồng chăm sóc bà. Lần đầu tiên, Lâm Thức Đồng cầm theo thư của Trang Tín Chính đến tìm nhà trọ mà Trương Ái Linh ở, bấm chuông, người bên trong chỉ hé một khe cửa nho nhỏ. Bà nói rất xin lỗi, tôi chưa thay quần áo xong, nên thả thư ở cửa là được rồi. Lâm Thức Đồng làm theo, ông cũng không thể hiểu nổi người phụ nữ sống trong như thế nào, nhưng bà đã đem đến cho ông một cảm giác thần bí vô cùng.



Trương Ái Linh đúng là sống xa bầy lẻ bạn, bà hạ quyết tâm, sẽ không gặp lại những người của dĩ vãng nữa. Cho đến một năm sau, qua nhiều lần liên tục chuyển nhà, vì không muốn có quá nhiều liên hệ của con người, nhưng bà lại đành xin Lâm Thức Đồng giúp đỡ. Họ gặp nhau ở một nhà nghỉ, theo như lời kể của Lâm Thức Đồng thì: “Một nữ sĩ dáng người cao gầy, phóng khoáng bước vào, trên đầu quàng một chiếc khăn vuông màu xám, còn mặc một chiếc áo trùm rộng thùng thình gần như màu xám, cứ lướt đến không một tiếng động như thế”.




Để trốn bọ chét, bà đành cắt tóc ngắn, trùm khăn lên đầu, đi dép bông. Trong mấy năm trốn bọ chét sau này, bà đều ăn vận như thế này, hoặc là đội tóc giả, giống như một cụ già lang thang. Thời gian này, bà không chỉ đánh mất bản thảo dịch tiếng Anh Hoa trên biển, thậm chí chứng minh di dân cũng làm rơi mất. Nhếch nhác chán nản như thế, thật khiến người ta đau lòng khôn nguôi.



Khi ấy rất nhiều người hoài nghi, rốt cuộc là thực sự có bọ chét tồn tại, hay là bà có vấn đề về tâm lý? Nhưng quả thực là có, Trương Ái Linh nói, giống bọ chét Nam Mỹ sống rất dai, nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy, căn bản không thể giết hết. Sau này, một người Hoa kiều quốc tịch Mỹ nghiên cứu sinh Đại học Harvard Tư Mã Tân, đã làm quen với Trương Ái Linh thông qua Hạ Chí Thanh. Anh ta nhờ người ở Los Angeles tìm được một vị bác sĩ, khám bệnh cho Trương Ái Linh. Quả nhiên, bệnh của Trương Ái Linh đã trị được, Trương Ái Linh viết thư khen ngợi vị bác sĩ đó “y thuật cao minh, khâm phục vô cùng”.



Người phụ nữ đáng thương này, rốt cuộc đã kết thúc quãng thời gian sống vất vả vì chuyển nhà. Năm 1988, Trương Ái Linh viết thư báo cho Lâm Thức Đồng, bệnh da liễu của bà cuối cùng đã khỏi hẳn, ông có thể giúp bà tìm một nơi ở cố định được rồi. Không đợi Lâm Thức Đồng xuất hiện, tự bà đã tìm thấy một khu chung cư, rồi ở luôn đó. So với những nhà nghỉ trước kia, căn chung cư này sạch sẽ và trang nhã hơn rất nhiều, và đương nhiên giá thành cũng đắt đỏ, tiền thuê một tháng đã mất mấy trăm dollar Mỹ.



Trương Ái Linh có nhuận bút ổn định, bà không thiếu tiền, cái bà thiếu chỉ là sự yên ổn. Ở nơi này, bà vẫn cẩn thận e dè sống qua ngày như cũ, cố gắng tránh phải ra khỏi nhà. Thi thoảng bà ra ngoài cũng chỉ để mua đồ, mỗi lần đi là mua rất nhiều đồ dùng, thực phẩm cần thiết. Số lần xuống dưới lầu lấy thư cũng rất ít, mười ngày nửa tháng hiếm hoi mới có một lần, hơn nữa mỗi lần đều vào lúc đêm khuya yên tĩnh, bởi bà không muốn gặp bất cứ ai. Hàng ngày, bà trốn trong phòng, ngoài xem những người trong tivi, nghe tiếng nói trong tivi ra, thế giới của bà, có thể nói là hoàn toàn yên tĩnh.




Thế nhưng, người không tranh cầu với thế gian như bà, vẫn bị người khác làm phiền. Đó là một người hâm mộ Trương Ái Linh, đến từ Đài Loan – nữ sĩ Đới Văn Thái. Nghe nói cô ấy là phóng viên của một tờ báo nào đó ở Đài Loan, nhưng cho dù cô là ai, thì việc cố ý đến quấy nhiễu một người già chỉ muốn cách biệt thế gian như thế, cách làm ấy quả thực có chút khiếm nhã.



Trải qua nhiều khó khăn trắc trở, cuối cùng Đới Văn Thái cũng tìm ra được tòa chung cư mà Trương Ái Linh ở, không hề do dự, cô thuê một căn hộ sát vách nhà của Trương Ái Linh, bắt đầu chờ đợi trong thời gian dài. Kỳ thực cô không có ý đến quấy nhiễu, mà chỉ là muốn nấp ở một góc, lặng lẽ quan sát bà là đủ. Kết quả cô phải chờ đợi suốt một tháng liền. Mỗi ngày cô đều áp sát vào vách tường, nghe và phỏng đoán những động tĩnh của Trương Ái Linh trong nhà. Cuối cùng, cô đã đợi được một cơ hội, đó chính là Trương Ái Linh ra ngoài đổ rác.



“Bà ấy thật là gầy, nặng cùng lắm khoảng 80 pound[2]. Chân dài tay dài, khung xương lại cực nhỏ, mặc một chiếc áo sơ mi màu trắng, và một chiếc váy màu xanh sáng bóng như nước biển, bỏ áo sơ mi vào trong cạp váy như nữ sinh, phần thắt lưng còn may vô số đường xếp ly, giống như một chiếc túi xách tay mềm có dây rút ở phần miệng túi. Vì quá gầy, cho nên phần vai áo sơ mi và đường xếp ly đã bắt đầu bị bùng nhùng, những đường chỉ thẳng lại càng khiến bà trông không thể gầy hơn nữa… Khi tôi đang muốn nhìn nhiều thêm một chút, thì bà hơi nghiêng người, tôi hoảng hốt vội chạy đi, sợ làm kinh động bà… Bởi vì khoảng cách quá xa, nên tôi vẫn chưa nhìn rõ mắt bà, chỉ mới thế đã vô cùng chấn động, giống như tôi đã gặp Lâm Đại Ngọc bước ra từ trong sách để đi chôn hoa, thực sự có đến vài phần không chân thực. Bầu không khí quanh bản thân Trương Ái Linh là thứ mà năm tháng không thể chiếm lĩnh được, thậm chí nó gợi đến Phù thủy xứ Oz…”. Nữ sĩ Đới Văn Thái đã miêu tả thật tỉ mỉ, trong tình cảnh không thể nhìn rõ đôi mắt của Trương Ái Linh. Trương Ái Linh là người “hoa soi bóng nước” thời Dân Quốc, thứ mà Đới Văn Thái nhìn thấy, cũng chỉ là hoa trong gương, trăng dưới nước, như một giấc ảo mộng mà thôi.



[2] Pound: Đơn vị đo khối lượng truyền thống của Anh, Mỹ và một số quốc gia khác. Hiện nay giá trị được quốc tế công nhận chính xác là: 1 pound = 0,45359237 kg.



Cô gái cố chấp này, không cam tâm chờ đợi một tháng liền mà không có thu hoạch. Thế nên, cô đã nhặt nhạnh lại toàn bộ những giấy tờ mà Trương Ái Linh vừa vứt vào thùng rác, đọc say mê những thứ rác rưởi đó, rồi lại tìm tiếp. Ngoài biết được một số chuyện vặt vãnh trong cuộc sống của Trương Ái Linh, và những tờ thư viết cho những người như Hạ Chí Thanh, và những tờ bản thảo vứt đi, thì không có gì khác. Nhưng Đới Văn Thái lại coi số rác này như bảo vật, đem chúng viết thành bài phỏng vấn Trương Ái Linh hàng xóm của tôi.



Việc đó sau này bị Hạ Chí Thanh biết, ông sợ sẽ làm tổn hại đến Trương Ái Linh, lập tức gọi điện cho Trang Tín Chính. Trang Tín Chính không dám chậm trễ, gọi điện sang cho Trương Ái Linh, bình thường bà không hay nghe điện thoại, nhưng hôm đó vì có linh cảm nên đã nhấc máy. Nghe xong, bà lập tức ngắt ngang điện thoại, chuyển nhà với một tốc độ nhanh nhất có thể. Cứ như thế, dưới tầm mắt của Đới Văn Thái, Trương Ái Linh đã chuyển đi không một tiếng động. Ngoài Lâm Thức Đồng, không còn một ai biết được địa chỉ chỗ ở của bà nữa.



Bà già cô độc không chỗ dựa này, nhằm trốn tránh sự hỗn tạp của thế sự, đã sống quá khổ sở. Đáng lẽ, bà phải được sống một cuộc sống mây nhạt gió nhẹ, sống một cuộc đời an ổn tĩnh lặng, một chén trà, dăm quyển sách, đôi ba người bạn tri kỷ tụ tập. Không liên quan đến trăng gió, chỉ nhẹ nhàng kể lại vài chuyện cũ gió mây của quá khứ. Thế nhưng không, bà lựa chọn lãng quên tất cả mọi người, cũng mong chờ bị người đời lãng quên.



Thuần túy, xa cách, tĩnh mịch, thật sự khó khăn đến thế sao? Nếu như nhân gian có thể cho phép bà hứa một lời cuối cùng, vậy thì, chính là sống để bị lãng quên. Bà nguyện dùng những năm tháng tàn dư còn lại, để thỏa hiệp với nhân gian từ bi này.