Bỏ Em Ư? Có Mà Đợi Đến Kiếp Sau!

Chương 23: Bạn trà




Lại một năm nữa xuân về hoa nở. Nhớ đến những câu tả cảnh mùa xuân, Giang Nam tháng ba, cỏ cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc, hoa nở chim hót, trong lòng tôi bỗng dưng sinh ra một loại phiền muộn và đau thương mơ hồ.

Mùa đông dần dần bị những ngày xuân ấm áp thay thế, chỉ còn nỗi đau sau do sự ra đi bất ngờ Ðinh Việt để lại là vẫn không thể nguôi ngoai.

Mai muốn chọc cho tôi vui nên cố tình nói: “Người ta thường bảo không buồn sao làm được thơ hay, giờ bạn làm thơ đi, kiểu gì cũng hay. Hơn nữa đâu phải lỗi của bạn chứ, bạn có thể buồn lẫm liệt, buồn hợp pháp mà!”

Tôi bật cười.

Mẹ đặt tên thật hay. Mai thì không tìm được lí do để buồn, còn tôi thì có lí do để buồn chính đáng, đúng là có phước.

“Phước Sinh, thời tiết dạo này rất tốt, mình đi chơi đi. Cuối tuần tới vườn chè nhé?”

Tôi đồng ý.

Thấy ánh mắt Mai nhìn tôi có phần áy náy, tôi biết nó khó chịu vì đã giới thiệu Ðinh Việt cho tôi, vì vậy tôi vui vẻ cười nói: “Thực ra cũng quen biết Đinh Việt thời gian không dài, tớ thích anh ấy nhưng chưa tới mức chết đi sống lại. Chẳng qua tớ không hiểu nên trong lòng cũng không thoải mái. Mọi chuyện đều sẽ chấm dứt, bây giờ không phải rất tốt sao?”

“Ừ, tớ vốn định giới thiệu một người tốt cho bạn, không ngờ lại phiền phức thế này. Mai Sơn cũng thật là, chơi với Đinh Việt thân như thế mà ngay cả tình hình gia đình công việc cũng không rõ. Cuối tuần này hai đứa mình đi, không cho anh ấy đi quấy rầy nữa”. Mai quyết định trừng phạt Mai Sơn vì tội kết bạn không cẩn thận.

Tôi biết cô ấy muốn đi cùng tôi, đang định từ chối thì Mai đã nhún vai: “Ngày nào cũng ở bên Mai Sơn, chán chết được, không muốn cho anh ấy đi cùng”.

“Tình cảm của hai người tốt như thế mà cũng chán sao?”

Mai nghiêm mặt nói với tôi: “Xa thương gần thường, không biết à? Xa nhau rồi gặp lại còn hơn cả tân hôn! Thỉnh thoảng phải tạo ra xa cách mới được”. Nó vừa nói vừa kéo hai bàn tay ra xa nhau để diễn tả khoảng cách.

Tôi cười ha ha rồi nghiêm túc nói: “Hiểu rồi, cả ngày tay trái nắm tay phải thì chẳng làm được việc gì khác cả. Bạn muốn cùng tớ ra ngoài tìm hàng mới à?”

Mai Cười gian nói: “Không phải tớ tìm hàng mới, tớ đưa bạn đi tìm hàng mới đúng”.

Tôi thở dài: “Không tìm kiếm nữa, bây giờ tớ chỉ muốn ôn bài cho tốt để chuẩn bị thi nghiên cứu sinh. Tớ nghĩ tớ không có số đào hoa mà là phải độ kiếp, kiếp đào hoa”.

Theo thứ tự được giới thiệu, Hạ Trường Ninh là tên ưu manh chỉ nghĩ đến mình, Hà Cổ là tên ngốc khiến người ta dở khóc dở cười, Ðinh Việt là nỗi đau không bao giờ nguôi. Tôi thực sự có tình cảm với Ðinh Việt, đôi lúc lại hồi tưởng lại sự vui mừng khi mới gặp anh và cảm giác thấp thỏm mỗi trước lần hẹn hò.

Giọng anh vẫn vang lên bên tai: “Phước Sinh, anh thật lòng với em”.

“Phước Sinh, em không tin là anh thích em à?”

“Không đâu, anh sẽ mãi mãi tốt với em”.

“Phước Sinh...”

Khi anh gọi tên tôi, tôi cảm thấy hai chữ Phước Sinh như một đóa hoa nở rộ, xinh đẹp và ấm áp.

Nhưng người đàn ông đẹp trai ấy đã khiến tôi chìm đắm trong dịu dàng rồi chia tay một cách khó hiểu, sau đó biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời tôi.

Anh là một chướng ngại vật mà tôi cần phải vượt qua. Vượt qua rồi quay đầu nhìn lại, phía sau là một tấm ảnh cũ ố vàng mà không phải một vết thương trong đáy lòng. Tôi có thể cảm khái, có thể hồi tưởng, nhưng không thể tiếp tục đau đớn.

Dịp Thanh minh, vườn chè có rất nhiều du khách.

Chè ở chỗ chúng tôi nổi tiếng cả nước. Độ cao một ngàn năm trăm mét so với mực nước biển, đủ ánh mặt trời, lượng mưa cũng dồi dào. Trên núi bốn mùa xanh tốt, mười lần đi thì có chín lần gặp mưa. Lưng chừng núi mưa bụi lất phất. Ánh nắng vừa khuất sương mù đã tụ lại. Theo gió mà đến. Theo gió mà đi. Ngọn núi tỏ ra cực kì tươi mát.

Du khách từ bốn phương tám hướng đến đây du ngoạn núi sông, sau đó sẽ tới vườn chè để mua chè. Tôi và Mai là người địa phương, không nhớ nổi đã lên núi chơi bao nhiều lần rồi. Mai nói cuối tuần đi vườn chè là muốn tự mình hái chè. Những búp chè non hái xuống sẽ được các sư phụ ở vườn chè hướng dẫn, vườn chè sẽ cung cấp chảo cho du khách tự sao chè, chè tự mình sao sẽ có cảm giác thành công và thích thú hơn. Ngoài ra có thể hái rau dại dưới gốc chè, vì vậy lần nào đi cũng rất vui.

Thứ bảy chúng tôi tới vườn chè, nhận gùi rồi vào vườn.

Vừa đúng lúc những cô gái hái chè trong vườn đang hát những bài dân ca. Tôi và Mai nghe cũng thấy vui lây, hi hi ha ha hái chè hay tìm rau dại.

Tâm tình vui vẻ như mặt trời lộ ra khỏi đám mây mù, vô cùng rực rỡ.

“Mai, năm nay nhất định tớ phải thi đỗ”. Tôi cao giọng nói với Mai.

“Được đó, thi đỗ đi, tới đại học Chiết Giang học là tốt nhất”.

“Tại sao?”

“Nếu kết hôn, tớ và Mai Sơn nhất định sẽ tới Giang Nam du lịch tuần trăng mật, bạn là chủ nhà bạn mời khách”.

Tôi tức giận cầm gùi đuổi đánh.

Ánh mặt trời bắt đầu chiếu lên núi, hai chúng tôi đuổi nhau trên vườn chè kiểu ruộng bậc thang, tôi nghĩ ai nhìn thấy cũng sẽ mỉm cười. Đây đúng là một hình ảnh thanh xuân vô cùng sống động.

Khi hai chúng tôi tới chỗ sao chè thì bên cạnh cũng có một người trung niên đang sao. Hắn nhìn hai chúng tôi và cười: “Hai em chắc là người địa phương?”

Mai gật đầu vui vẻ nói: “Vâng, anh cũng thế?”

Người đàn ông trung niên sao chè rất điêu luyện, thấy chúng tôi cầm chảo mà như chơi đùa liền hướng dẫn hai chúng tôi, chỉ một lát đã thành thạo rồi.

Hắn tên là Từ Thành Lượng, mở một quán trà trong thành phố. Sao chè xong, hắn có đưa danh thiếp cho chúng tôi, mời chúng tôi khi nào có thời gian thì ghé qua đó chơi.

Cũng trùng hợp, quán trà của hắn cách trường tôi không xa. Có hôm hết giờ làm trên đường về nhà tôi nhìn thấy quán trà Du Tâm Trai của Từ Thành Lượng. Trước cửa có một hồ nước nhân tạo nhỏ, trên hồ là hòn giả sơn có vòi phun nước, dưới hồ là mấy con cá bơi lội tung tăng. Trên bờ hồ được xếp rất nhiều chiếc bát nhỏ, bên trong có trồng một loại cây bé xíu xanh mơn mởn, kết hợp với lớp rêu trên núi giả làm cả hồ nước càng xanh biếc hơn.

Tôi nhìn xuyên qua lớp cửa kính. Chỉ một bước chân là có thể bước vào một không gian cổ điển với mùi thơm của trà tỏa ra xung quanh như rời xa thế tục. Nếu như trong cuộc đời cũng có một nơi như thế này, bước một bước là có thể được an bình và thanh thản thì tốt biết bao.

Tôi vô thức đẩy cửa kính bước vào.

Từ Thành Lượng mặc đồ kiểu Tàu đang ngồi bên chiếc bàn bát tiên kiểu cổ. Ngước lên nhìn thấy tôi mắt hắn chợt sáng lên: “A, là em à, Phước Sinh hái chè. Ha ha”.

Tôi đó bừng mặt. Hôm đó khi tôi giới thiệu tên mình, hắn liền nói: “Ồ, tên em hay quá, Phước Sinh Phước Sinh, cả đời có phước”.

“Em đi qua đây, nhân tiện ghé vào thăm”. Tôi đáp lại.

Từ Thành Lượng nói: “Lại đây ngồi, anh pha chè mời em uống”.

Tay hắn rất gầy, các khớp xương nhô lên, trên cổ tay đeo chuỗi vòng gỗ màu nâu đen. Khi rót nước chè cánh tay rất ổn định, nước chè màu đỏ đậm từ ấm trà màu trắng có hoa văn rót vào hai chiếc tách nhỏ.

“Thử đi”.

Tôi cầm tách lên, cảm thấy không chỉ có chè thơm mà tất cả mọi thứ ở nơi đây, từ cá, rêu, hồ nước, giả sơn cho tới bộ đồ trà tinh xảo đã cùng tạo nên hương vị của chè. Chè ở đây ngon hơn chè ở nhà vô số lần.

“Thơm lắm!”

Hắn cười ha ha và nói: “Thưởng trà phải xem tâm cảnh, đạo của trà là để thanh thản tâm hồn”.

Cũng chính câu nói này đã khiến tôi yêu chè.

Hầu như tuần nào tôi cũng tới Du Tâm Trai của Thành Lượng thưởng trà đôi ba lần, khi thì hết giờ làm, lúc thì giờ nghỉ trưa, dần dần chúng tôi thân thiết hơn. Tôi gọi hắn là anh Từ, hắn gọi tôi là Phước Sinh.

Trong mắt tôi hắn là người rất uyên bác, tôi coi hắn như anh trai. Nhưng tôi chưa bao giờ suy nghĩ lung tung cho tới một buổi tối tôi nhận được điện thoại của hắn.

Rõ ràng hắn đang say rượu, giọng nói cũng khác với bình thường. Hắn nói: “Phước Sinh, anh biết anh không xứng với em. Anh đã ba mươi tám, lại là người đã ly hôn. Anh thích em, em có thích anh không?”

Tôi ngẩn ngơ đáp: “Anh Từ uống say rồi, anh nghỉ sớm đi”.

“Không không, Phước Sinh, em đừng cúp máy. Mỗi lần em ngồi lặng lẽ trong quán uống trà đều rất giống một bức tranh. Anh không xứng với em nhưng anh thích em. Biết không? Biết không?”

Giọng hắn ngày càng lớn, tôi nhỏ giọng: “Anh say rồi, anh Từ. Em không có thứ cảm xúc ấy với anh, sau này em sẽ không tới đó nữa, tạm biệt anh”.

Tôi cúp máy, lắc đầu. Rượu rất hại người. Nó khiến một người đàn ông trưởng thành, điềm đạm trở nên lỗ mãng. Không cần biết là rượu nói hay người nói, sau này tôi đều sẽ không tới Du Tâm Trai nữa.

Nhưng ngày hôm sau tôi nhận được hoa.

Không phải người của cửa hàng hoa mang tới, là Từ Thành Lượng ôm hoa đứng ở cổng trường.

Tôi không nhận.

Hắn mỉm cười nói: “Phước Sinh, cuối cùng thì anh cũng đã nói ra rồi. Cho dù anh không xứng với em nhưng anh vẫn muốn thử một lần”.

“Xin lỗi, em không thể nhận được. Em không thể thích anh, và cũng không muốn tìm bạn trai”. Tôi cúi đầu từ chối.

Anh ấy đột nhiên nắm lấy tay tôi rồi nhét bó hoa vào: “Không có gì phải xin lỗi cả. Chúng ta là bạn, không thể vì anh thích em mà chúng ta không làm bạn được nữa”.

Câu nói này dội thẳng vào tim tôi. Từ ngày tiếp xúc với Từ Thành Lượng, tôi cũng rất yêu thích Du Tâm Trai của hắn. Hắn không miễn cưỡng nên tôi cũng rất vui. Cho dù sau này tôi không tới đó nữa nhưng tôi vẫn quay sang mỉm cười với hắn.

“Có thời gian rồi nhất định phải đến uống chè! À đúng rồi, mai anh nhập một loạt chè thượng hạng về, em tới thưởng thức nhé”. Hắn nói xong đi luôn.

Hôm sau tôi không có ý định đi nhưng hắn gọi điện thoại nói tôi nhất định phải tới.

Không từ chối được tôi đành nhận lời.

Từ Thành Lượng thành thục pha trà và giảng giải cho tôi nghe kiến thức về trà Phổ Nhĩ, cũng không nhắc gì tới chuyện khác cả.

Tôi rất tò mò không hiểu sao hắn tại tinh thông về trà tới vậy.

Từ Thành Lượng cho tôi xem một cuốn album, trong đó đều là ảnh hắn tham gia các cuộc thi về trà, còn có ảnh đoạt giải nữa, tôi xem mà vô cùng ngưỡng mộ.

“Muốn học trà nghệ không?” Hắn rửa cốc trà và nhìn tôi với ánh mắt khích lệ.

Tôi học cách dùng ấm nước làm nóng cốc.

Sau đó hắn nắm chặt tay tôi và nói: “Phượng hoàng gật đầu ba lần là thế này!”

Bị một người đàn ông mình không thích nắm tay hóa ra lại khó chịu đến vậy!

Tôi rút tay ra, lắp bắp nói: “Buối chiều em dạy tiết một, em phải về trường chuẩn bị”.

Hắn ngăn tôi lại và ôn tồn nói: “Phước Sinh, trước đây trong vườn trà em như một chú chim, bây giờ lại giống một con thỏ”.

Hắn đứng rất gần tôi, gần tới mức hơi thở của hắn phả thẳng vào mặt tôi. Đột nhiên tôi có cảm giác sợ hãi, nhưng bên ngoài cửa kính là phố lớn, hắn có thể làm gì được chứ? Tôi định thần lại và nói: “Xin lỗi, anh Từ, em không thể yêu anh được”.

“Anh biết, nhưng chúng ta thế này không phải rất tốt sao? Anh thích pha trà cho em uống, em thích khung cảnh ở đây, không phải sao?”

Khung cảnh thì tôi thích, nhưng hắn thế này tôi không chịu được. Tôi cũng không biết phải nói thể nào, đành đi vòng qua hắn để ra ngoài.

Giọng hắn trầm hẳn xuống: “Phước Sinh, anh không bắt em phải cưới đâu”.

Trời ơi! Hắn đang làm gì thế? Tôi ngẩng đầu lên nhìn hắn, không thể tướng tượng được chuyện này là thế nào.

“Em rất giống vợ cũ của anh, dịu dàng ngồi uống trà anh pha…” Ánh mắt hắn dường như xuyên qua tôi để nhìn về một phương trời xa xăm nào đó, tiêu điểm không dừng lại trên gương mặt tôi.

Tôi sợ hãi cầm túi xách không nói gì chạy vọt ra ngoài.

Sau đó nhiều ngày, mỗi lần tôi đi bộ về nhà hắn đều ngồi bên hồ nước ngoài cửa kính lặng lẽ nhìn tôi.

Tôi nói chuyện với Mai, nó cũng sợ hãi nói: “Không phải hắn có vấn đề về thần kinh ấy chứ'?”

Cô ấy nói như thể càng khiến tôi khiếp sợ hơn.

Sau đó ngày nào đi làm lẽ ra chỉ cần đi bộ mười phút nhưng tôi đều bắt xe hoặc đi đường vòng.

Hơn một tháng sau, tôi nghĩ không có chuyện gì nữa rồi nên lại đi bộ về nhà. Từ Thành Lượng nhìn thấy tôi liền bước tới.

Trên phố đông người, tôi khó xử đứng trước mặt hắn mà không biết phải nói gì cả.

“Phước Sinh, sao em không tới uống chè nữa?”

Tôi rướn cổ, nhìn xung quanh không thấy người quen nào nên gắng gượng nói: “Em không tới nữa đâu. Anh đừng nhìn em như thế”.

“Chúng ta không phải là bạn sao?”

“Em phải về nhà”.

“Phước Sinh”.

Tôi cắm đầu bước đi thật nhanh, tim đập loạn xạ, tôi thực sự sợ hắn có vấn đề về thần kinh.

Hôm sau tôi ngồi xe đi làm, thấy cửa hàng của Từ Thành Lượng đóng cửa. Chiều đi làm về cũng thấy thế. Mấy hôm liền đều vậy.

Một thời gian dài sau đó Mai mới đột nhiên bảo tôi: “Bạn biết chuyện Du Tâm Trai đóng cửa rồi chứ?”

“Đi qua thấy quán đóng cửa”.

Vẻ mặt Mai vô cùng hưng phấn, nó ra vẻ bí mật nói: “Tớ nghe một người bạn của Mai Sơn nói, hắn mới ở tù ra, có tiền án tiền sự”.

“Hả? Hắn phạm tội gì?”

“Nghe nói vợ cũ của hắn không chịu được bạo lực gia đình nên mới ly hôn. Hắn tìm đến nhà rồi chém bị thương. Bây giờ có người đập quán của hắn, đuổi hắn về quê rồi”.

“Người nhà vợ cũ hắn tìm tới đây à?”

Mai cười hì và nói: “Hạ Trường Ninh làm”.

Cách mấy tháng tôi mới nghe thấy cái tên Hạ Trường Ninh.