Binh Vương Thần Bí

Chương 181




Linh Xu, Tố Vấn, mấy thứ này thật sự khá khó hiểu.

Nên biết rằng, khi Giang Khương bị lão gia tử bắt đọc sách cũng chỉ mới hơn mười tuổi, nào có thể hiểu được mấy thứ cổ văn như thế. Cho dù là tổ sư gia cũng không dạy một cách có hệ thống, nhiều nhất cũng chỉ ngẫu nhiên nhắc đến hai ba câu.

Thật ra, Thiên Kim Dực Phương và Ngoại Thai Bí Yếu thì hắn cũng có tiếp xúc qua, nhưng cũng không tính là quá chuyên sâu.

Giang Khương tiện tay làm qua những nội dung đơn giản, chỉ còn lại những đề tài về phân tích. Đọc qua đề bài, Giang Khương khẽ thở dài. Đề bài như vậy, chỉ sợ cho dù là giáo sư đại học trung y cũng chưa chắc đã làm được.

Nhưng cũng may, tuy nói ngày thường Giang Khương không đọc sách nhiều lắm, nhìn thấy cũng ít, nhưng dù sao cũng có ấn tượng. Tuy tổ sư gia không dạy một cách có hệ thống, nhưng những cái tổ sư gia dạy cho Giang Khương, đều lấy lý luận y học cổ đại làm cơ sở. Hơn nữa, trung y hiện đại của hắn trên cơ bản cũng rất chắc chắn. Hai cái kết hợp lại, cẩn thận cân nhắc, vẫn có thể giải được bài.

“Bát Chính Thần Minh Luận” của Tố Vấn có viết: cố dưỡng thần giả, tất tri kỳ phì sấu, doanh vệ huyết khí chi thịnh suy. Huyết khí giả, nhân chi thần, bất khả bất cẩn dưỡng...(Khí huyết là thần của con người không thể không nuôi dưỡng cẩn thận)

Nhìn đoạn văn tự này, Giang Khương muốn ngất đi. Trước kia hắn chưa từng xem qua đoạn này, nhưng dựa vào đầu óc linh hoạt, nhớ lại những lý luận có liên quan mà tổ sư gia đã dạy, đồng thời nhớ lại một số những lý luận tương tự của trung y hiện đại, miễn cưỡng cũng có thể làm được.

Dựa vào chút đầu mối này, Giang Khương cau mày, cố gắng phân tích.

Đối với lý luận trung y hiện đại, nền tảng của Giang Khương tương đối chắc. Hơn một tháng dạy không công ở trường đại học Đông Nguyên, hắn lại càng thuần thục những lý luận này.

Nhưng muốn đem những lý luận đó liên hệ với trung y cổ đại, quả thật không đơn giản. Chỉ cần có chút mâu thuẫn, chính là sai một ly đi một dặm.

Đối với những thứ không được học một cách đầy đủ, Giang Khương phân tích quả thật có chút khó khăn. Có lúc hắn cảm thấy đầu óc của mình sắp nổ tung, đủ loại ý niệm và suy nghĩ thỉnh thoảng xông vào, nhưng lại tìm không ra đầu mối. Tuy vậy, hắn lại không muốn buông tha.

Hắn không phát hiện hình xăm trên cánh tay trái lại chớp động lên.

Hình xăm lóe lên càng lúc càng nhanh, mày của Giang Khương càng lúc càng cau chặt, trong đầu hắn đột nhiên xuất hiện một tin tức:

- Thông mẫn chi tâm của huyết mạch thiên phú khởi động.

- A, huyết mạch thiên phú? Thông mẫn chi tâm?

Khi đọc được tin tức này, Giang Khương sửng sốt. Trong lúc đang kinh ngạc, Giang Khương cảm thấy cảm giác đau đầu đột nhiên giảm bớt, sau đó các loại suy nghĩ và ý niệm đang rối tung tùy thời khai mở ra.

Giống như ánh mắt được mở, bắt được một chút linh cảm, bắt được sợi dây liên lạc giữa các khái niệm và lý luận.

Sau đó, Giang Khương mừng rỡ vô cùng, vừa dựa vào huyết mạch thiên phú, bắt đầu phân tích những ý niệm và suy nghĩ.

Lần này khác với lần trước, đầu óc linh hoạt hơn nhiều. Rất nhanh những tài liệu và tin tức có liên quan hiện ra trong đầu, đem những phân tích có tương quan liên hệ chung với nhau.

Giang Khương mừng như điên, chỉnh sửa lại một chút rồi bắt đầu mở rộng.

Chỉ thấy bút viết xuống rất nhanh.

Sau khi làm xong một bài, Giang Khương thở phào một hơi, xem lại bài viết của mình, chỉnh lại hai ba câu, bổ sung thêm hai ba câu, lúc này mới hài lòng gật đầu.

Cho dù không đạt được một trăm điểm, nhưng bảy tám chục điểm là phải có. Trừ phi gặp phải lão đồng chí chấm bài cứng nhắc, cứ phải dựa theo từng câu từng chữ trong đáp án mà chấm bài.

Tuy nhiên, điều này cũng không có khả năng. Lý luận trung y, ngoại trừ một số số liệu cơ bản, căn bản không có khả năng có đáp án tiêu chuẩn. Chỉ cần ý của anh đúng, miêu tả rõ ràng, thì có thể thuận lợi kiếm điểm.

Đề bài cuối cùng chính là thủ thuật châm cứu Tý Ngọ Lưu Chú.

Nhìn thấy đề bài này, Giang Khương có chút cười khổ. Thủ pháp ít thấy này lại đem ra làm đề bài. Những lão đồng chí ra đề thật biến thái. Nên biết rằng, ngoại trừ những người học trung y mới nhìn ra được đề bài nói đến thủ pháp châm cứu, còn lại thì chẳng ai biết nó là thứ gì.

Còn những người đã từng đọc qua thủ pháp này, sợ rằng cũng rất ít. Có thể là có ấn tượng đối với tên gọi, nhưng mấy ai có thể thi triển được?

Nhưng đối với Giang Khương mà nói, mặc kệ là nhớ hay không nhớ rõ, rốt cuộc thì hắn vẫn đã nhìn qua.

Dựa vào năng lực ghi nhớ cực kỳ khủng bố, những tư liệu về thủ pháp này nhanh chóng xuất hiện trong đầu của hắn.

Giang Khương cười khổ, lắc đầu viết xuống:

- Tý Ngọ Lưu Chú có hàm nghĩa là khí huyết trong cơ thể con người thịnh suy lưu động tưới rót trong toàn thân theo sự dịch chuyển của thời gian (từng giờ theo ngày, từng tháng, từng mùa theo năm…) và phép Tý Ngọ Lưu Chú là phép châm cứu chọn Huyệt theo giờ thịnh suy (mở, đóng) của khí huyết trong các đường chính kinh (Sử dụng 66 huyệt Ngũ Du của 12 chính kinh)

Viết xong, Giang Khương thở ra một hơi. Mặc dù phần lớn đề bài hắn chỉ có ấn tượng một chút, nhưng đáp án đưa ra hẳn không quá bất hợp lý. Cẩn thận kiểm tra lại một lần bài thi của mình, xác định không có vấn đề gì, lúc này mới nhìn chung quanh một lần.

Vốn Giang Khương cho rằng bởi vì phải suy nghĩ quá lâu để tìm ra đáp án, thời gian sẽ chậm trễ, nhưng bây giờ nhìn chung quanh, thấy vẫn còn rất nhiều người còn đang múa bút. Có người cau mày dựa bàn suy nghĩ, có người thì cắn đầu bút, không ai nhẹ nhõm mà nhìn xung quanh như hắn.

Khi Giang Khương nhìn chung quanh, phía trước cách hắn không xa, một người đàn ông cao gầy cũng mới ngừng bút.

Người này nhìn qua đề bài cuối cùng, vốn đang biểu hiện nhẹ nhõm, rốt cuộc bắt đầu ngưng trọng lên.

- Tại sao cái này cũng lấy ra thi? Đề bài này quá đáng quá đi. Tại sao một thủ pháp ít thấy như vậy lại lấy ra làm đề bài?

Ánh mắt người đàn ông cao gầy hiện lên sự nghi hoặc. Y xuất thân trung y thế gia, từ nhỏ đã đọc qua các loại y thư, các loại trung y danh trứ đều đã kiểm nghiệm qua.

Những tư liệu mà ít gặp, chỉ cần y tiếp xúc, nhất định đều nghiêm túc mà phân tích. Nếu không phải tổ phụ đột nhiên qua đời hai năm trước, chưa kịp giúp cho y dùng danh nghĩa lão trung y của tổ phụ tham gia cuộc thi lấy giấy phép hành nghề, y căn bản không đến làm đệ tử của Trương Nguyệt Chánh.

Nhưng hai năm là đệ tử của Trương Nguyệt Chánh, kinh nghiệm trung y lâm sàng của y càng thêm phong phú không ít. Đồng thời có thể dùng danh nghĩa đệ tử Trương Nguyệt Chánh tham gia cuộc thi lấy giấy phép hành nghề, thuận lợi cầm được tờ giấy phép, rất được Trương Nguyệt Chánh coi trọng.

Đây cũng là lý do khi Trương Nguyệt Chánh đến tham gia đại hội trung y Vân Giang, vẫn yên tâm để y ở lại phòng khám một mình.

Ngay sau đó, người đàn ông cao gầy này xoa xoa huyệt thái dương, sau đó cẩn thận nhớ lại.

Y đã từng nhìn qua thủ pháp châm cứu Tý Ngọ Lưu Chú, nhưng nội dung trên sách thì không nhớ rõ, làm sao có thể nhớ được khái niệm cụ thể và huyệt vị kỹ càng.

Lúc này, động tác nhìn chung quanh của Giang Khương lại khiến cho hai vị giám khảo trên đài chú ý.

Hai vị giám khảo này đều do sở Y tế và trường đại học Trung y cắt cử đến làm giám khảo và chấm thi, đều là những người chỉ thuần nghiên cứu học thuật.

Hai vị lão đồng chí đọc qua đề thi, liền mỉm cười nhìn nhau. Mấy chục năm kinh nghiệm làm giám khảo, bọn họ liếc mắt một cái là có thể nhìn ra được đề thi này được lấy ra từ đề khảo hạch thăng cấp Phó chủ nhiệm y sư.

Độ khó của đề thi loại này rất cao. Những người tham gia khảo hạch đều là những người trẻ tuổi, trên cơ bản mới hành nghề y. Mà thăng cấp làm Phó chủ nhiệm y sư thì với những người bây giờ, phải mất mười năm nữa mới có tư cách khảo thí. Độ khó của bài thi là có thể nghĩ.