Ông già thở dài: "Cuối cùng cũng kể xong cuốn sách này, mất bao nhiêu ngày nhỉ?"
Hơn ba mươi đứa trẻ vây quanh chỗ ông ngồi trên bậc thềm đá của từ đường, vội vàng giơ ngón tay lên đếm số ngày. Đám trẻ này, đứa lớn nhất cũng chỉ mười hai tuổi, đứa bé nhất không tới năm tuổi. Một bé gái nhỏ có cặp mắt to trong đám đó, hô lên trước tiên: "Tối nay là đêm thứ hai mươi ba ạ!"
Dưới ánh đèn lồng chiếu tại hai bên ông lão, hơn ba mươi cặp mắt ngây thơ chờ đợi, vẻ mặt chan chứa khát vọng và tò mò, chăm chú nhìn về phía ông.
Từ sau khi ông lão đến ngôi làng nhỏ thuần phác và dân dã ở trên núi này, đám trẻ trong thôn có thêm một trò tiêu khiển chưa từng có từ trước đến giờ, đó là sau bữa cơm tối tập trung đến chỗ này, nghe ông lão kể câu chuyện cũ của Biên Hoang.
Một bé trai hờn dỗi nói: "Truyện vẫn còn chưa kết thúc mà! Sao lại nói là xong hết rồi?"
Hầu hết gương mặt của ông già kể chuyện đều bị râu tóc hoa râm che phủ, khiến người ta cảm thấy ba nếp nhăn hằn sâu trên trán ông đặc biệt nổi bật bắt mắt, cặp mắt cũng bị mí mắt che khuất hơn nửa, có chút tựa như không nhìn thấy được vật gì. Thế nhưng khi ông kể chuyện kể đến lúc thần trí say sưa mê mẩn, con ngươi của ông từ đằng sau mí mắt phát ra thần thái nhiếp nhân. Ông già nghe vậy mỉm cười nói: "Câu chuyện nào, rồi cũng tới hồi kết thúc, tối nay sẽ là đêm cuối cùng của ta ở thôn Khúc Thủy. Các cháu có điều gì muốn hỏi, cứ hỏi ngay bây giờ, lỡ mất tối nay sẽ không còn có cơ hội nữa, bởi vì ngay cả ta cũng không biết mình sẽ đi đâu, càng không biết được bản thân có quay trở về nữa hay không."
Một đứa trẻ reo lên: "Ác nhân Mộ Dung Thùy ấy rốt cục có bị Yến Phi tiêu diệt hay không?"
Ông lão ho khan hai tiếng, gật đầu đáp: "Hỏi hay lắm! Mộ Dung Thùy mặc dù thương thế nghiêm trọng, nhưng dưới sự bảo vệ của thủ hạ, vẫn đào thoát được về doanh địa. Nếu như Mộ Dung Thùy có thể bỏ qua hết thảy, lập tức tìm chỗ liệu thương, nói không chừng có thể phục hồi trở lại như lúc ban đầu. Nhưng y vì nước Đại Yên, cố ép thương thế xuống, ngay trong đêm thông qua cầu Phù triệt quân về bờ Bắc, vượt qua mặt Đông Thái Hành sơn, muốn rút về Trung Sơn, còn tự mình lĩnh quân kháng cự lại truy kích của Thác Bạt Khuê. Cuối cùng thương thế bộc phát, chưa tới được Trung Sơn đã đi đời nhà ma, ứng theo lời thề y đã lập. Từ đó, nước Đại Yên không thể hồi phục được nữa, còn Thác Bạt Khuê thì đoạt được quyền lực từ tay Mộ Dung Thùy, trở thành vị bá chủ Bắc phương."
Một bé gái khác gạn hỏi: "Kỷ Thiên Thiên có lấy Yến Phi hay không?"
Ông lão vuốt râu vui vẻ đáp: "Hoang nhân tuyệt không có tham dự chiến dịch truy kích Mộ Dung Thùy, mà toàn đội kéo nhau trở về Biên Hoang tập, Biên Hoang tập bắt đầu từ ngày đó bước vào thời kỳ cực thịnh nhất. Kỷ Thiên Thiên có lấy Yến Phi hay không, không một người nào biết rõ, cũng không một ai để ý. Biên Hoang tập từ trước đến giờ vẫn không phải là một địa phương coi trọng chuyện lễ nghi phong tục, chỉ biết Yến Phi và Kỷ Thiên Thiên như hình với bóng không lúc nào rời nhau, bọn họ sống gần ba năm ở Biên Hoang tập, rồi sau đó rời đi phiêu du thiên hạ. Từ đó không biết được tung tích, không một ai nhìn thấy được bọn họ, cũng không một ai nghe được tin tức gì của bọn họ nữa… Ôi!"
Đứa bé lớn tuổi nhất ngạc nhiên hỏi: "Lão công công người vì sao lại thở dài?"
Ông lão cay đắng đáp lời: "Không có chuyện gì cả, chỉ là cảm xúc nhất thời thôi! Còn ái tì Tiểu Thi của Kỷ Thiên Thiên, trở thành bà chủ của Đệ Nhất lâu. Lão Bàng là một người hết sức nghiêm túc, lúc cưới Tiểu Thi tại Đệ Nhất lâu sắp đặt tiệc rượu, nhưng tân khách quá nhiều, kết quả tiệc rượu uống đủ bảy ngày bảy đêm, là một chuyện lớn hiếm có của Biên Hoang tập."
Bé gái nhỏ tuổi nhất rụt rè hỏi: "Thế sau đó thì sao ạ?"
Ông lão hai mắt ánh lên thần sắc chan chứa hoài niệm, đáp: "Sau khi Yến Phi dắt theo mỹ nhân rời đi, sự hưng thịnh của Biên Hoang vẫn tiếp tục duy trì thêm tầm mười đến hai mươi năm nữa, cho tới khi các nguyên lão của Biên Hoang tập lần lượt hoặc qua đời, hoặc rời đi. Đến khi vị nguyên lão cuối cùng, lãnh tụ của Dạ Oa tộc Diêu Mãnh rời khỏi Biên Hoang tập, Biên Hoang tập rốt cục cũng đi vào con đường suy vong. Thiên hạ lúc này, dần dần hình thành cục diện cân bằng giữa Thác Bạt Khuê của Bắc phương và Lưu Dụ của Nam phương. Hai người đều hiểu rõ tính quan trọng về mặt chiến lược của Biên Hoang tập, lại không còn chút cố kỵ nào nữa, hai phe đều ra sức hòng đoạt được quyền khống chế Biên Hoang tập. Hoang nhân bị kẹp ở giữa trở thành khó xử, tình huống nhanh chóng chuyển sang ác liệt, thương lữ lại càng coi Biên Hoang tập là địa phương nguy hiểm, khiến không thể nào phục hồi lại được tình cảnh thịnh vượng của ngày trước nữa."
Ông lão lại thở dài nói: "Ôi! Ta thực sự phải đi rồi!"
Đám trẻ đều rối rít bám lấy không buông.
Ông lão mỉm cười: "Ta không phải muốn rời bỏ các cháu, nhưng vẫn còn lũ trẻ của thôn khác đang đợi ta thì sao?"
Một đứa trẻ ngây thơ hỏi: "Câu chuyện ông kể có thực không ạ?"
Ông lão chầm chậm đứng dậy, nói: "Cháu coi nó là thật, thì nó là thật; cháu coi nó là giả, thì nó là giả. Thực thực giả giả, nhân sinh vốn là một chuyện như vậy." Truyện được copy tại doctruyen.me
Tiếp đó xuyên qua giữa đám trẻ đang nhao nhao đứng dậy, bước chân lên con đường đá đi qua cổng thôn. Đám trẻ theo sau lưng ông lão, tiễn ông thẳng tới cổng thôn.
Ông lão xoay mình giang rộng cả hai tay, chặn đám trẻ lại, cười nói: "Thiên hạ không có tiệc rượu nào không tan cả, tiệc cưới của Bàng lão bản tuy dài, nhưng sau bảy ngày vẫn phải kết thúc. Quay về nhà đi ngủ đi! Chúc các cháu đêm nay ai cũng ngủ ngon giấc."
Tiếp đó xoay mình rời đi.
Một bé gái trong đó cao giọng gọi: "Biên Hoang tập có còn tồn tại không ạ?"
Ông lão thở dài: "Vì sao phải biết điều đó?" Tiếp đó ông lão bằng một giọng khàn khàn già cả hát vang: "Bắc vọng Biên Hoang do vạn lí, cuồng ca liệt tửu tích điêu tàn! Anh hùng mĩ nhân kim hà tại? Cô thạch đại giang độc điếu ngư."*
Lời ca xa dần, theo ông lão chìm dần vào bóng tối giữa đám cây rừng, nhưng lời ca bi thương của ông, vẫn như vang vọng vương vấn bên tai mọi người.
Tháng tám năm Nghĩa Hi thứ mười hai, Lưu Dụ ồ ạt Bắc phạt trên quy mô lớn. Quân tiên phong phân bốn lộ thẳng tiến, một đường do Vương Trấn Ác, Đàn Đạo Tế từ Hoài Thủy, Tứ Thủy tiến vào giữ Hứa Xương, Lạc Dương; một đường do Thẩm Lâm Tử, Lưu Tuân Khảo thống lãnh thủy quân, vừa phối hợp vừa giúp sức Vương Trấn Ác; một đường do Trầm Điền Tử, Phó Hoằng Chi lĩnh quân, tiến công Vũ Quan; một đường cuối cùng là thủy quân của Vương Trọng Đức, từ Hoài Thủy vào Tứ Thủy, từ Tứ Thủy vào Thanh Thủy, rồi lại từ Thanh Thủy tiến vào Hoàng Hà.
Lưu Dụ tự mình thống lãnh đại quân chủ lực, tiến vào Biên Hoang, thẳng đến Biên Hoang tập. Khi gã đến được Biên Hoang tập, Hoang nhân đã sớm như chim thú chạy trốn tán loạn, người đi nhà bỏ trống phảng phất tựa như quỷ vực.
Lưu Dụ được chúng tướng tiền hô hậu ủng, từ cửa Đông vào thành, quất roi giục ngựa đi trên Đông đại nhai, Đệ Nhất lâu đứng sừng sững trước mặt.
Nhớ lại chuyện cũ trước kia, những ngày năm đó tại Biên Hoang tập, không khỏi bùi ngùi.
"Biên Hoang tập rốt cục sẽ có một ngày, bị hủy dưới tay của ngươi."
Câu nói này của Đồ Phụng Tam, lời vẫn còn vang vọng trong tai, cứ tựa như mới nói ngày hôm qua, nhưng trong nháy mắt đã qua hơn mười mùa nóng lạnh.
Lưu Dụ phát sinh cảm giác bi thương nuối tiếc. Gã hiểu rõ hơn bất kỳ ai, lần này Bắc phạt bất luận thành hay bại, Biên Hoang tập cũng không thể tồn tại được nữa. Nếu thắng, Biên Hoang sẽ quy vào trong bản đồ, biến thành một tòa thành trì trong đế quốc; còn nếu tay trắng quay về, gã ắt sẽ phải hạ lệnh phá hủy triệt để Biên Hoang tập, tránh để rơi vào tay kình địch Thác Bạt Khuê, trở thành căn cứ nơi đầu sóng ngọn gió, bàn đạp tấn công Nam phương của Thác Bạt Khuê. Nhớ lại những năm tháng động lòng người xưa kia tại Biên Hoang tập, so với tình cảnh hoang vu đổ vỡ trước mắt, lại càng thêm sầu muộn.
Trong số cố nhân của Biên Hoang tập, gã đã gặp lại được Cao Ngạn. Năm trước Cao tiểu tử đã cùng thê nhi từ Lưỡng Hồ tới gặp gã, mới biết được Tiểu Bạch Nhạn đã sinh cho y ba đứa bé trai và hai bé gái, Lưu Dụ còn phá lệ bồi tiếp y uống trọn ba chén rượu.
Từ sau khi tự tay đâm Hoàn Huyền, gã không có lấy một ngày nhàn rỗi, không thể có cách nào bứt ra mà đến Biên Hoang tập thăm đám bằng hữu già. Đến khi gã biết được Yến Phi và Kỷ Thiên Thiên đã rời khỏi Biên Hoang tập, thì gã cảm thấy không còn chút hứng thú nào nữa, cũng không hề có ý nghĩ là sẽ đến Biên Hoang tập. Hôm nay, gã cuối cùng cũng đến được đây, lại là một cục diện như thế này.
Đang mê man nghĩ ngợi, thì thân binh lại báo, nói đã phát hiện ra một hòm sắt trên Cổ Chung lâu, có một mảnh giấy phong kín lại, trên mảnh giấy ghi bốn chữ "Lưu Dụ tự mở".
Lưu Dụ vô cùng ngạc nhiên, vội vã giục ngựa phi đến Cổ Chung trường, thẳng lên đỉnh Chung lâu, chỉ thấy chính giữa chỗ Quan Viễn đài, đặt yên ổn một hòm sắt vuông vức khoảng tầm nửa thước, cao hai thước, niêm phong quả nhiên có ghi bốn chữ "Lưu Dụ tự mở".
Lưu Dụ nhận ra bút tích của Trác Cuồng Sinh, trong lòng chợt động, nói: "Các ngươi lui ra cho ta."
Đám thân binh thân tướng y lời rời khỏi, đến khi chỉ còn lại một mình gã, Lưu Dụ quỳ chân ngồi xuống trước hòm sắt, xé mở niêm phong, tìm chỗ khóa hòm sắt, mở nắp hòm ra. Ngay khi gã nhìn vào, một dòng nước mắt tức thì trào ra, không kiềm nổi nỗi buồn sâu sắc bị Biên Hoang tập câu dẫn hồi tưởng lại một thời quá khứ đã không còn có thể vãn hồi lại được nữa.
Cất bên trong hòm sắt chính là một tập dày bản chép tay, trên ghi "Biên Hoang truyền thuyết".
Hết.
Chú thích:
* Nhìn lên phía bắc Biên Hoang ở cách xa vạn dặm, tiếc những ngày thỏa sức vui ca chè chén say sưa nay đã điêu tàn! Anh hùng mĩ nhân nay ở chốn nào? Chỉ còn mình ta buông câu trên mỏm đá cô độc nơi sông lớn.