Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 4 - Chương 144




Theo thường lệ trước giờ làm việc buổi sáng bao giờ ông Trung Chính cũng đọc lướt qua các tờ báo trong ngày. Gặp bài “có vấn đề”, ông đọc rất kỹ và dùng bút gạch dưới dòng những đoạn ông quan tâm. Sáng nay cũng vậy. Sau khi đọc lướt qua một loạt các tờ báo ông bỗng chú ý đến một bài báo nói về tình trạng sa sút của phong trào Hợp tác xã ở Thanh Hoá. Bài báo có dòng chữ đậm “Vì sao năng suất lúa của các Hợp tác xã An Hải, An Lưu, An Giang và một số Hợp tác xã khác trong huyện Hoàng An liên tục trong 5 năm liền năng suất thấp đến mức bán thóc nghĩa vụ cho Nhà nước chỉ đạt 50%, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn?” Sau khi nêu lên những khó khăn trong đời sống của nông dân do năng suất thấp liên tục, bài báo đặt ra hàng loạt các câu hỏi “Vì sao?” Trong đó có câu hỏi làm ông Trung Chính quan tâm là “Vì sao không tìm ra một cơ chế mới, hợp lí để giải thoát cho nông dân?” Ông Trung Chính gạch thật đậm hai chữ “giải thoát” rồi quẳng tờ báo xuống bàn, đứng lên bước đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

“Giải thoát”? Hình như ông nghe hai tiếng này một lần ở đâu đó. Lần tìm trong ký ức một lúc ông chợt nhớ ra. Đúng rồi. Trong lần ông về làm việc với tỉnh ủy Phước Vĩnh, Hoàng Kim đã nói hai tiếng này với ông. “Đáng ra Bộ chính trị và Ban bí thư phải tìm cách giải thoát cho tình trạng bế tắc trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra bao nhiêu năm nay thì ngược lại quay ra phê phán chúng tôi là những người đã chủ động tìm mọi cách làm cho nông dân và nông thôn có cuộc sống khác hẳn với cảnh nghèo đói tiêu điều như hiện nay.” “Giải thoát”? Hai tiếng ấy bỗng nhiên ám ảnh ông khiến ông bồn chồn, day dứt. Ông trở về ngồi vào ghế sa-lông định đọc lại bài báo làm ông quan tâm thì ông Ẩn đi vào.

- Ông ở Hải Phòng về từ lúc nào? – Ông Trung Chính chủ động hỏi trước.

- Báo cáo anh, tôi về tối hôm qua.

- Tình hình ở đấy thế nào?

- Đúng như báo cáo của Thành ủy. Gần một chục Hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện xé rào bung ra làm ăn gần giống như ở Phước Vĩnh.

Ông Trung Chính lặng đi. Mãi sau ông hỏi:

- Ông có xuống tận nơi xem xét hay chỉ nghe báo cáo của Thành ủy?

- Báo cáo anh, tôi đã xuống trực tiếp gặp gỡ bà con nông dân ở hai Hợp tác xã xé rào thuộc huyện Thủy Nguyên. Trong đó có một Hợp tác xã lâu nay được mệnh danh là Hợp tác xã ăn mày.

Ông Trung Chính ngạc nhiên:

- Vì sao gọi là Hợp tác xã ăn mày?

Ông Ẩn mở chiếc cặp nhỏ bằng da đựng sổ sách ghi chép hàng ngày lấy ra một cuốn sổ lật mấy trang nhìn vào đó rồi nói:

- Báo cáo anh, Hợp tác xã Lưu Xá có bảy ngàn nhân khẩu mà thu hoạch 160 tấn thóc, bằng một phần sáu sản lượng thông thường. Đã thế phải nộp nghĩa vụ cho Nhà nước 100 tấn. Như vậy bảy ngàn nhân khẩu chỉ còn 60 tấn. Bình quân mỗi người chưa được một cân thóc ăn trong bốn tháng để chờ vụ lúa kế tiếp. Vụ giáp hạt năm nào cũng có vài chục người bỏ làng đi ăn xin. Bởi vậy bà con tự đặt cho Hợp tác xã của mình là Hợp tác xã ăn mày.

Ông Trung Chính đứng lên đi đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài theo thói quen mỗi khi ông cần suy nghĩ một điều gì đó. Lát sau ông quay lại ngồi vào ghế và hỏi:

- Ý kiến của bà con nông dân ở những Hợp tác xã phá rào, xé rào gì đó nói gì về việc làm của mình?

- Tôi có hỏi bà con làm như vậy có biết mình làm sai với chủ trương đường lối về Hợp tác xã của Đảng và Nhà nước không? Bà con bảo biết nhưng đói ăn vụng, túng làm liều. Không làm thì chết đói.

Ông Trung Chính đưa mấy ngón tay gõ gõ xuống mặt bàn. Tiếng gõ không đều, thỉnh thoảng rời rạc, giật cục chứng tỏ tâm trạng ông đang bối rối. Ông bỗng hỏi đột ngột:

- Ông nghĩ gì về việc làm này của nông dân?

- Anh đã rõ quan điểm của tôi khi anh điều tôi từ Phước Vĩnh về và thay anh Đỗ vào đó rồi nên tôi không phải nhắc lại nữa.

Ông Trung Chính tỏ vẻ phật ý trước câu trả lời gần như một câu trách móc của ông Ẩn nên hỏi dồn:

- Có nghĩa ông nói rõ quan điểm của mình trước mặt những người nông dân đang phá bỏ lối làm ăn tập thể?

- Tôi chỉ nhận nhiệm vụ của anh giao là đi kiểm tra để về báo cáo với anh nên tôi không nói gì với bà con nông dân hết.

Hình như nhận ra thái độ căng thẳng vô lí của mình, ông Trung Chính đẩy tờ báo về phía ông Ẩn:

- Ông đọc bài viết của một tay bí thư huyện ủy ở Thanh Hóa xem nó nói có đúng không.

Ông Ẩn cầm lấy tờ báo chăm chú đọc. Ông Trung Chính ngồi dõi theo từng biểu hiện nhỏ trên nét mặt của ông Ẩn. Khi thấy ông Ẩn đọc xong, ông Trung Chính hỏi:

- Ông thấy thế nào?

- Những điều mà tay bí thư huyện ủy này viết đã và đang xảy ra ở Phước Vĩnh cũng như Hải Phòng và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn những gì đang xảy ra đối với phong trào Hợp tác xã cũng như sản xuất nông nghiệp anh ạ.

Hình như không muốn sa vào câu nói của ông Ẩn vừa nêu ra, ông Trung Chính xoay chuyển câu chuyện sang hướng khác:

- Ông đọc bài nói chuyện của mình với tỉnh ủy Phước Vĩnh in trên báo, ông thấy thế nào?

Ông Ẩn đắn đo giây lát rồi trả lời:

- Nếu anh không giận thì tôi xin nói thật. Những điều anh phê phán anh Kim, tỉnh ủy Phước Vĩnh cũng như Nghị quyết 68 của họ phần lớn là dựa vào báo cáo của anh Đỗ và anh Bao. Vì vậy anh kết tội họ nặng quá.

Mặt ông Trung Chính xám lại. Hai mắt ông tối sầm. Ông hỏi gằn trong cổ:

- Nghĩa là ông bảo tôi dựa vào những báo cáo sai sự thật để phê phán cậu Kim và tỉnh ủy Phước Vĩnh?

Ông Ẩn vẫn giữ thái độ điềm tĩnh của mình trả lời:

- Anh Đỗ, anh Bao không báo cáo sai sự thật. Mọi việc hai anh ấy báo cáo với anh đều chính xác. Có điều hai anh ấy nhìn nhận sự việc theo quan điểm cứng nhắc của mình. Tôi cũng đã mắc sai lầm này khi phát hiện ra một số Hợp tác xã ở Phước Vĩnh bung ra trái với quy cách. Tôi lo lắng thật sự vì nghĩ phong trào Hợp tác hóa sắp tan rã đến nơi. Nhưng khi tôi xuống trực tiếp nghe cán bộ, đảng viên và bà con nông dân nói và nhìn tận mắt, tôi bắt đầu nhận ra đầu óc mình bị đóng băng quá lâu với những lí thuyết phi thực tiễn. Việc cải tiến lại lề lối quản lí lao động bằng các phương thức khoán sáng tạo, việc giao đất tạm thời cho xã viên làm vụ xen canh, khoán ao cá trong vườn nhà cho hộ xã viên đã đưa lại những lợi ích vô cùng to lớn. Đồng ruộng sản xuất hai vụ biến thành ba vụ. Năng suất lúa vụ sau tăng hơn vụ trước. Bộ mặt nông dân và nông thôn được hồi sinh. Anh Kim cũng như tỉnh ủy Phước Vĩnh do gần dân, bám sát đồng ruộng nên cái nhìn của họ thực tế hơn chúng ta. Tôi nói anh kết tội anh Kim và tỉnh ủy Phước Vĩnh nặng chính là ở chỗ đó.

Ông Trung Chính không nói gì. Ông đứng lên đi đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Hương hoa đại phảng phất. Mùi hương thấp thoáng vị thiền khiến đầu óc ông dần dần thư thái.