Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 14




Chiếc xe com-măng-ca chạy vào sân huyện ủy Tam Bình. Đô nhảy xuống mở cửa xe. Ông Kim bước xuống và đỡ bà Quê xuống theo:

- Bà xuống một lát cho đỡ cuồng chân rồi đi tiếp. Đi xe chưa quen bà có thấy mệt không?

Bà Quê trả lời thật thà:

- Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới biết là đi ô-tô như thế nào ông ạ. Lúc đầu thấy nó chạy nhanh quá toàn sợ ngã thôi. Mãi mới quen được. Khiếp, mỗi lần thấy người đi bộ từ xa sợ người ta không tránh kịp để xe húc phải thì nguy.

Chi từ trong nhà đi ra, chưa đến nơi đã nói loắng thoắng:

- Gớm, bí thư tỉnh ủy đã về đến đây không nghỉ được mấy phút vào cơ quan huyện ủy uống nước hay sao mà đứng cạnh xe chờ em. Hay là chê nước chè huyện Tam Bình?

Chợt nhìn thấy bà Quê, Chi nói vội vã:

- Chào bà. Cháu vô ý quá, bà tha lỗi cho cháu.

- Tôi cũng định chào cô nhưng chưa kịp chào.

- Bà đi chơi đâu mà gặp được xe bí thư tỉnh ủy để nhờ đi về thế này?

Bà Quê lúng túng chưa biết nói sao, ông Kim nói ngay:

- Bà ấy lên kiện tỉnh ủy và huyện ủy Tam Bình lãnh đạo tồi, để dân đói phải đi ăn xin đấy.

Chi ngạc nhiên kêu lên:

- Anh bảo sao! Bác Quê đi ăn xin à?

- Đúng thế đấy. Chiều qua tớ gặp bà ấy mang tay nải đi ăn xin trên đường phố, tớ đón bà ấy về nhà cơm nước. Sáng nay tiện thể xuống làm việc với Đạo Thắng tớ đưa bà ấy về nhà.

Chi hỏi:

- Bác giận vợ chồng anh Tế hay sao mà bác lại bỏ nhà đi ăn xin hả bác?

- Tôi chỉ giận con dâu thôi cô ạ.

- Giận thì mắng chứ việc gì bỏ đi. Nhỡ có chuyện gì thì sao.

- Tôi cũng lẩn thẩn thật cô ạ. Khổ thân con tôi.

Nói xong bà Quê kéo áo lên lau nước mắt.

- Đi được chưa hay còn đứng đây con cà con kê? – Ông Kim hỏi Chi.

- Anh chờ em vào lấy cái nón.

Chi đi được mấy bước. ông Kim nói với theo:

- Hôm nay bọn tớ không đem theo cơm nắm, trưa báo hộ ba suất cơm nhé. Nhà bếp ăn thế nào, chúng tớ ăn thế chứ thấy món gì khác đi là tớ bỏ lại đấy.

Xe đến cái chợ xép đầu thôn Gia Đạo, ông Kim bảo Hành cho xe dừng lại. Mọi người xuống xe. Có mấy người trong thôn nhìn thấy bà Quê liền chạy lại. Chị Khuê, cháu họ gọi bà Quê bằng bác reo lên:

- Bác về đây rồi! Khiếp, bác đi đâu mà để vợ chồng anh Nam, anh Tế khóc hết nước mắt, bỏ cả công việc đi tìm bác khắp nơi.

Một chị nhận ra ông Kim kêu lên:

- Bác là bác Kim, bí thư tỉnh ủy chứ gì. Mấy lần bác về đây em còn nhớ mặt.

Ông Kim cười:

- Hoá ra mặt tôi cũng dễ coi nên có nhiều người nhớ đấy nhỉ.

Mọi người đứng cạnh cười vui vẻ. Ông Kim quay sang bảo Đô:

- Cậu và cậu Hành tìm chỗ đỗ xe rồi đưa bao gạo và bác Quê về trước, tớ và cô Chi đi quanh chợ xem bà con ta mua bán ra sao, lát nữa tớ vào.

Chợ lèo tèo mấy cái quán tranh. Thiếu thốn, nghèo nàn được phơi ra dưới mấy mớ cám lợn để trong thúng, mấy mớ rau chỏng chơ trong rổ và những mớ tép, mấy giỏ cua. Cô hàng xén ngồi ngáp ngủ bên các khay hàng chỉ có mấy gói thuốc nhuộm, mấy cái cặp tóc ba lá bằng i-nốc, kim chỉ, mấy vỉ cúc áo. Người mua kẻ bán thưa thớt. Ông Kim dừng lại hỏi cô hàng xén:

- Hàng hóa chỉ có thế này thôi hả cô?

Cô hàng xén nhoẻn miệng cười:

- Thì bác tính thứ gì cũng bán cung cấp và tem phiếu hết, cháu làm sao mua được những thứ ấy mà bán được ạ. Mấy cuộn chỉ này cháu cũng mua lại của những người được cung cấp nhưng người ta không dùng đem bán lại cho cháu, cháu mới có mà bán đấy.

- Hàng ít và nghèo nàn thế này bán hàng làm sao đủ sống?

- Cũng khó khăn lắm nhưng còn dễ thở hơn làm nông nghiệp bác ạ.

- Diêm Thống Nhất người ta cũng bán cung cấp, làm sao cô có để bán?

- Mấy ông cán bộ không hút thuốc lá được phân phối đem ra bán lại cho cháu. Buồn cười bác nhỉ. Người cần thì không được mua, người không cần thì vẫn được phân phối, hay thật đấy.

Ông Kim cúi xuống hỏi nhỏ:

- Người ta bán thịt lợn ở đâu hả cô?

Cô hàng xén đưa mắt nhìn láo liên:

- Bác cần mua à?

- Bác định mua mấy lạng trưa ăn.

Cô hàng xén thì thầm:

- Bác đến chỗ cái chị đang bán gánh rau lợn kia kìa. Chị ta đang giấu thịt dưới rau lợn, cứ hỏi chị ta là có đấy. Bác nhớ hỏi thầm thôi.

Ông Kim cười, chào cô hàng xén rồi đi đến chỗ chị bán rau lợn.

- Cô ơi – Ông Kim thì thầm – cô bán cho tôi mấy lạng thịt lợn.

Cô bán thịt lợn mặt tái mét nhưng vẫn nói thì thầm:

- Ông không thấy tôi đang bán rau lợn đây à. Thịt thà đâu mà ông hỏi mua?

- Tôi biết cô đang có thịt lợn giấu dưới rau. Cô bán cho tôi mấy lạng. Tôi mua thật mà.

Cô bán thịt làm bộ đanh đá nhưng vẫn nói để ông Kim và Chi đủ nghe:

- Ai nói với ông tôi giấu thịt lợn ở dưới rau? Họ nói vớ vẩn đấy, đừng có tin.

Ông Kim dọa:

- Cô mà không bán cho tôi, tôi lật gánh rau lên rồi gọi trật tự đến tịch thu thì đừng có chửi tôi nhé.

Cô bán thịt nhìn ông Kim từ đầu đến chân. Thấy dáng vẻ của ông không phải là con người nanh ác liền hỏi nhỏ:

- Ông mua thật chứ?

- Tôi mà định tịch thu thịt lợn chui của cô thì tôi chỉ cần lật gánh rau của cô lên là thấy ngay chứ việc gì tôi thì thầm với cô như kẻ trộm đêm hả?

- Ông thông cảm. Em phải tuyệt đối cảnh giác như vậy mới không khỏi bị lừa. Ông mua bao nhiêu?

- Bao nhiêu một cân?

- Một đồng hai một cân ông ạ.

- Sao bán đắt thế. Cao gấp ba lần thịt mậu dịch kia à?

- Cháu mua của mấy cô nhân viên cửa hàng thực phẩm của huyện đã một đồng một cân rồi. Cháu chỉ kiếm một cân được hai hào thôi. Hôm nào mà bị tịch thu thì coi như cả nhà nhịn đói.

- Cô cắt bán cho tôi một cân.

Cô bán thịt đảo mắt nhìn quanh mấy vòng. Khi thấy an toàn, cô thò tay vào một đầu gánh rau móc ra một miếng thịt lợn, móc từ đầu gánh rau bên kia một cái cân. Lại nhìn quanh với vẻ mặt đầy lo âu. Ông Kim thấy vậy trấn an:

- Cô cứ cân cho tôi, trật tự có đến tôi sẽ chặn họ lại để cô trốn thoát.

- Cháu phải tuyệt đối cảnh giác như vậy mới chạy kịp bác ạ. Họ hay núp vào mấy cái quán kia kìa. Họ ù ra nhanh lắm.

Chi hỏi:

- Chị gánh cả gánh rau, họ chạy chân không làm sao mà chạy kịp?

- Em chỉ móc thịt và cái cân ù té chạy vào làng, còn gánh rau vứt lại. Đành chịu mất quang gánh và rau chứ biết làm sao.

Đi khỏi chỗ cô bán thịt lợn một đoạn, ông Kim nói với Chi:

- Cô có nghe cô hàng bán thịt chui nói thịt lợn từ đâu ra không? Từ các cửa hàng thực phẩm của huyện đấy.

- Cô ấy không nói thì em cũng biết nhưng không làm sao kiểm soát được việc ấy đâu anh ạ. Móc ngoặc giữa nhân viên mậu dịch với con phe giỏi hơn cả làm ảo thuật. Muốn diệt được tệ nạn này chỉ còn cách hàng hóa làm ra được bán tự do ngoài thị trường thì may ra.

Ông Kim và Chi quay lại xe lấy chiếc điếu cày rồi đi vào làng. Đi một đoạn ông Kim bảo:

- Mua cân thịt vào cho mấy bà cháu bà Quê. Tối qua bà ấy bảo cả năm mới ăn được thịt lợn vào dịp tết. Tội nghiệp quá.

- Sao anh biết chợ có bán thịt lợn mà hỏi cô hàng xén?

- Ra đường hỏi bà già, về nhà hỏi trẻ. Bà Quê kể có lần thương cháu quá bà ấy xúc hai bơ gạo ra chợ đổi thịt, nhưng vừa cầm thịt lên tay thì bọn trật tự, trật trẽo gì đó ập tới. Cô bán thịt nhanh chân bê chạy được, thế là chúng quay ra tịch thu miếng thịt của bà Quê. Bà xin sùi bọt mép nhưng bọn kia bảo lên ủy ban mà nhận. Tôi mà biết những thằng này là đứa nào, tôi vặn trái cổ nó mà không ghê tay.

Chi than thở:

- Em không thể ngờ có những chuyện thương tâm như thế lại xảy ra trên địa bàn huyện của mình.

- Không phải chỉ có những chuyện thương tâm mà còn cả những chuyện đểu cáng nữa. Trong khi những chiến sĩ của mình đổ xương máu ngoài mặt trận mà sao ở hậu phương lại có những thằng táng tận lương tâm như vậy.

Đang đi thì từ đằng xa vợ chồng Tế, vợ chồng Nam kéo nhau đi nhanh về phía ông Kim và Chi. Vừa gặp ông Kim, Nam và Tế nắm tay ông rối rít:

- Chúng em vô cùng cám ơn bác bí thư. Không biết ơn này để đâu cho hết. Nếu bác không gặp u em để đưa về cho chúng em thì coi như chúng em đã mồ côi mẹ rồi.

Ông Kim mắng nhẹ:

- Ơn huệ cái gì. Có một mẹ mà bốn con không nuôi nổi để mẹ phải đi ăn xin thì có mồ côi cũng chẳng ai thương.

Hiền bỗng dưng khóc oà:

- Thưa bác, lỗi này tại em chứ không phải của bác cả và nhà em. Nếu bác mắng thì mắng em chứ đừng mắng bác cả với nhà em mà oan cho họ.

- Tôi nói thế thôi chứ tôi chẳng mắng ai cả. Làm con làm dâu thì phải biết đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Quyền cao chức trọng đến mấy mà coi cha coi mẹ không ra gì thì cũng coi như đồ bỏ đi. Đói lòng ăn một quả cà. Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng. Làm được như câu ca dao ấy mới là con với dâu.

- Vâng. Chúng em xin nghe lời dạy bảo của bác bí thư – Nam nói.

- Tôi có làm thầy anh đâu mà dạy anh.

Vào đến sân, Chi đưa gói thịt lợn cho Hiền:

- Thịt lợn của bí thư tỉnh ủy mua cho các cháu đây. Chị cầm lấy lát nữa nấu cho các cháu ăn.

Hiền chối đây đẩy:

- Sao bác bí thư lại làm thế. Đã đưa bà em về tận nhà rồi, lại còn đi mua thịt cho các cháu nữa. Em không dám nhận đâu.

- Tính bác ấy chu đáo. Chị cầm đi. Bác ấy biết chị từ chối bác ấy sẽ mắng cho đấy.

Hiền cầm gói thịt chạy vào bếp. Trong nhà mấy bà cháu bà Quê đang chuyện trò ríu rít. Thấy ông Kim vào, bà Quê bảo hai cháu:

- Hai cháu đến vái sống ông đi. Nếu không gặp được ông ấy thì không biết khi nào mấy bà cháu mình mới gặp được nhau.

Nghe bà Quê nói vậy ông Kim cười bảo:

- Thôi, tôi cho hai cháu nợ. Khi nào tôi chết các cháu lạy tôi một thể.

Uống xong chén nước Tế đưa mời, ông Kim hỏi:

- Lúa má năm nay ra sao?

- Có lẽ năm nay mất mùa to bác ạ. Từ khi đặt cây lúa xuống ruộng đã nhìn thấy đói rồi. Trời rét đậm kéo dài liên miên, phân đạm không cấp đủ nên không làm sao vực cây lúa lên được. Bà con đang lo cái đói giáp hạt lắm bác ạ.

Ông Kim thở dài:

- Đói là chắc.

Bà Quê nói chêm vào:

- Làm thế nào, trời cho ăn thế ấy thôi ông ạ. Chẳng cho thừa ai bao giờ.

Ngồi nói chuyện với mấy mẹ con bà cháu bà Quê một lúc, ông Kim bảo Tế:

- Anh có rỗi dẫn tôi và cô Chi đi xem lúa má thế nào.

- Vâng. Em xin dẫn bác đi.

Dọc đường ông Kim hỏi Tế:

- Tình hình làm ăn của Hợp tác xã như thế nào? Nghĩ sao nói vậy chứ không việc gì mà rào trước đón sau nhé.

Tế không ngần ngại nói luôn:

- Bác bí thư đã hỏi thì em chẳng giấu gì. Tình hình làm ăn của Hợp tác xã chán lắm. Chúng em hiện nay chẳng khác gì người đi làm thuê cho Hợp tác. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc đều nằm trong tay Hợp tác. Mình nuôi trâu mình nhưng mà không phải của mình. Vì thế cũng chẳng thương xót gì nó. Nuôi nó béo thì được thêm mấy điểm, để nó gầy bị phạt mấy điểm. Có nuôi cho nó béo cũng chẳng đi đến đâu mà thêm tốn công mệt sức. Chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất cũng chẳng khác gì ông chủ, ngồi mát ăn bát vàng. Năm thì mười họa mới bước chân ra đến ruộng mà thóc thu về bằng năm, bằng mười xã viên. Làm dối làm trá của xã viên cũng một phần từ đó mà ra.

- Vì sao xã viên không mạnh dạn đóng góp ý kiến phê bình Ban quản trị?

- Có phê bình cũng vậy thôi. Không khéo có khi còn bị trù dập.

Ông Kim thốt lên:

- Thế này thì tệ quá.

- Cũng chẳng gì Hợp tác xã của chúng em mà xem ra toàn huyện đều như thế cả.

Ông Kim cười:

- Anh nói thế không sợ mất lòng cô Chi à?

- Thiên hạ có chê lãnh đạo kém thì chê tỉnh trước chứ huyện đâu đến phần – Nói xong Chi cười.

Đứng nhìn bao quát cánh đồng một lúc, ông Kim rầu rĩ:

- Lúa má thế này không biết lấy gì mà ăn đây. Bông lúa chẳng khác gì bông cỏ may.

Ông Kim dừng lại chăm chú nhìn vào một ruộng lúa đang ngậm sữa, hỏi Tế:

- Cùng một ruộng vì sao lúa dọc bờ bông có vẻ dài và chắc hạt hơn là thế nào?

- Do bón phân và làm cỏ đấy ạ.

- Sao lại do bón phân?

Tế giải thích:

- Bón phân chuồng cũng như rắc phân đạm, những người được phân công muốn làm cho nhanh để lấy công điểm nên cứ đứng trên bờ mà vãi chứ không chịu lội xuống ruộng. Làm cỏ sục bùn cũng vậy. Thông thường Ban quản trị có đi kiểm tra thì chỉ đứng trên bờ mà nhìn chứ chẳng mấy khi lội xuống ruộng. Bà con xã viên biết vậy nên sục bùn quanh bờ, còn giữa ruộng thì bỏ mặc. Vì thế lúa hai bên bờ ruộng bao giờ cũng xanh tốt hơn.

Ông Kim đi một vòng quanh đám ruộng, sau đó đưa tay móc cả một khóm lúa lẫn bùn đất đưa lên xem rất chăm chú. Lát sau ông cởi dép cao su, xắn quần, vạch những cây lúa ra hai bên lội bì bõm ra chính giữa ruộng. Ông cúi xuống móc một khóm lúa lẫn đất đem vào để hai khóm lúa cạnh nhau. Khoát nước dưới ruộng rửa chân tay đâu vào đó, ông Kim hỏi:

- Các cậu nhận xét hai khóm lúa này có gì khác nhau không?

Đô nhìn một lúc rồi bảo:

- Khóm sát bờ cây lúa mập mạp và bông dài hơn cây lúa giữa ruộng.

- Chỉ thế thôi à?

Chi nhìn kỹ rồi nhận xét:

- Màu đất hoàn toàn khác nhau. Đất của khóm lúa trong bờ đen thẫm, còn đất của đám lúa giữa ruộng giống như đất bạc màu. Màu sắc hai khóm lúa cũng khác nhau.

- Vấn đề là ở chỗ đó. Bây giờ làm phiền anh Tế. Anh vào tìm ban quản trị và đội trưởng sản xuất ra đây cho tôi. Cứ nói thẳng với họ là bí thư tỉnh ủy đang đứng ngoài ruộng chờ họ.

- Vâng, nhưng bí thư tỉnh ủy và huyện ủy chờ có khi hơi lâu đấy vì chẳng mấy khi họ ngồi ở trụ sở hay ở nhà.

- Thế họ đi đâu?

Tế cười:

- Chờ họ ra rồi bí thư tỉnh ủy hỏi họ chứ em chịu.

- Anh cứ đi đi. Có chờ đến tối tôi cũng chờ – Ông Kim tỏ ra bực dọc – Không thể hiểu ra làm sao nữa.

Nói xong, ông ngồi xổm xuống đường ruộng rít thuốc lào liên tục.

* * *

Noãn ngồi uống rượu suông cùng Lịch, Doanh, Ngọ tại nhà của Lấu. Noãn đặt ly rượu vừa uống cạn xuống chiếu:

- Có khi các ông đi ăn cỗ nhà ông Mẫn đi chứ tớ ngại lắm.

- Ngại gì – Lịch bảo – Ông ấy đã đích thân lên mời ông mà ông không xuống là không hay đâu.

- Nhưng tớ nghĩ đến cái hôm ông ấy đưa lá đơn lên xin mổ lợn, tớ gạt đi. Bây giờ đến ăn cỗ nhà người ta chẳng ra sao cả.

- Ông ấy đã lên mời ông có nghĩa là ông ấy đã hiểu ra chính quyền không cho ông ta mổ lợn là do chấp hành chính sách thôi chứ bụng dạ bọn mình chẳng có gì.

Ngọ tham gia:

- Ông Lịch nói đúng đấy. Người ta đã đích thân lên mời mà ông không đi là dở.

Doanh nhìn ra thấy Tế đứng ở ngoài ngõ nhìn vào liền bảo với mọi người:

- Ai như tay Tế đang đứng rình ngoài kia hay sao các ông ạ.

Mọi người nhìn ra. Tế xồng xộc đi vào:

- Khiếp quá! Tìm các ông đến đứt cả hơi. Bí thư tỉnh ủy và huyện ủy đang đứng chờ các ông ở ngoài ruộng, các ông ra nhanh lên.

- Ông đùa hay thật đấy? – Lịch hỏi.

- Tôi làm sao dám đùa với các ông. Các ông ra hay không tùy các ông. Tôi đi đây.

Noãn kêu lên:

- Bỏ mẹ rồi. Tớ phải về báo cho ở nhà chuẩn bị đón tiếp đây – Nói xong, Noãn bỏ vội ly rượu đang uống dở, đứng dậy vội vàng đạp xe đi ra khỏi nhà Lấu.

Lịch, Doanh, Ngọ cũng xỏ vội xỏ vàng giày, dép của mình không còn phân biệt được chân nào phải, chân nào trái, cứ thế chạy cà nhắc cà nhót trên đường làng. Nhìn thấy ba cán bộ Hợp tác xã đứng trước mặt mình ăn mặc xộc xệch, giày dép nhầm chân nọ sang chân kia, ông Kim không sao nhịn được cười:

- Các anh vừa đi biểu diễn văn nghệ về đấy à?

Ngọ nhanh nhẩu:

- Báo cáo bí thư, chúng tôi đang làm việc với chủ tịch xã thì được lệnh triệu tập của bí thư nên vội vàng ra ngay chứ có văn nghệ văn riềng gì đâu ạ.

- Anh bảo họp với chủ tịch xã, vậy chủ tịch xã ở đâu?

- Báo cáo bí thư, nghe tin bí thư xuống, đồng chí chạy về để chuẩn bị đón tiếp rồi ạ.

Ông Kim nhìn thẳng vào mặt Ngọ rồi hỏi:

- Tôi nói không biết có đúng không. Hình như có mùi rượu phảng phất từ mồm anh ra có phải không?

Ngọ gãi đầu nói lúng búng trong mồm:

- Dạ… chúng em có làm… làm một chén họp cho có… khí thế… ế…

- Rượu đâu các anh uống? Các anh nấu à?

- Dạ con vợ em hôm qua về ăn giỗ bên ngoại, rượu giỗ còn, con vợ em xách về cho em một cút vơi vơi, sáng nay đưa ra mấy anh em uống cho vui.

- Sáng nay họp với chủ tịch xã để bàn việc gì thế đồng chí chủ nhiệm? – Ông Kim hỏi Lịch.

Lịch cụp mắt xuống đáp:

- Báo cáo bí thư họp bàn lãnh đạo thu hoạch vụ chiêm sắp tới ạ.

Ông Kim cười mỉa mai:

- Tích cực quá nhỉ! Lúa mới ngậm đòng mà đã bàn tính chuyện lãnh đạo gặt rồi.

Câu nói của ông Kim khiến Lịch càng lúng túng:

- Dạ… dạ…

- Tôi không muốn dạ, bẩm, thưa. Tôi muốn các anh nói cho tôi biết vụ Đông Xuân năm nay lúa tốt xấu như thế nào thôi?

Không cần suy nghĩ, Doanh nói luôn:

- Báo cáo lúa năm nay tốt lắm ạ. Có khả năng được mùa.

Ông Kim nén cơn giận dữ bằng cách giật chiếc điếu cày trên tay Đô rồi ngồi xổm xuống đường ruộng rít một hơi thuốc rõ dài, ngửa mặt nhìn làn khói thuốc đang lơ lửng bay lên cao. Mãi sau ông nói giọng châm biếm:

- Thưa với ban lãnh đạo Hợp tác xã. Các vị có nhìn thấy đám ruộng trước mắt quý vị có gì lạ không?

Ngọ, Doanh, Lịch đưa mắt nhìn nhau. Ông Kim nhắc lại:

- Tôi hỏi ba vị lãnh đạo có thấy gì lạ ở đám ruộng trước mặt không?

Lịch lắc đầu:

- Báo cáo bí thư. Chúng em không thấy gì ạ.

- Vậy tôi xin hỏi ba vị. Vì sao lúa quanh bờ thì xanh tốt, bông dài như vậy mà lúa giữa ruộng chuột chạy không bén lông là sao hả? Vì sao? – Thấy mấy anh cán bộ Hợp tác xã không nói gì, ông Kim gằn giọng – Sao ba vị im như thóc thế? Có nghĩa là ba vị mang tiếng lãnh đạo Hợp tác mà chẳng biết cái đếch gì có phải thế không? Nếu ba vị không biết thì bỏ giày dép lội ra chính giữa ruộng móc một gốc lúa có cả đất đem vào đây, sau đó bốc một bốc một khóm sát bờ để cạnh nhau rồi nhận xét cho tôi nghe.

Lịch, Doanh và Ngọ không hiểu chuyện gì nên có ý chần chừ. Ông Kim giục:

- Thế nào, các vị quan Hợp tác ngại cởi giày dép à? Nếu vậy để tôi đi làm rồi tôi nói cho các vị nghe.

Nói rồi ông Kim cởi dép cao su, xắn quần lên lội xuống ruộng lần nữa. Lịch, Doanh, Ngọ vội vã cởi giày, tất lội xuống theo ông Kim. Chi, Tế và Đô đứng trên bờ che miệng cười không thành tiếng. Ông Kim móc một nắm đất ở giữa ruộng đem vào bỏ lên bờ ruộng rồi cúi xuống bốc một nắm đất sát bờ bỏ xuống bên cạnh. Lịch, Doanh, Ngọ làm theo như một con rối bị giật dây khiến Chi không sao nhịn được cười nên cười thành tiếng. Ông Kim cũng không kìm chế nổi nên cũng cười. Lịch, Doanh, Ngọ lại cười theo khiến cho Chi càng cười to. Ông Kim hỏi Lịch:

- Vì sao một đám ruộng mà có màu đất khác nhau ông chủ nhiệm có biết không?

Lịch đưa mắt nhìn Doanh và Ngọ cầu cứu.

- Nếu các anh không giải thích được thì để tôi nói cho mà nghe. Nguyên nhân là do suốt ngày bận chè chén không còn thời giờ để ra đồng xem bà con làm ăn ra sao. Không được kiểm tra nhắc nhở, giám sát nên ai muốn làm gì thì làm. Phân thì cứ đi quanh đường ruộng để rải, còn giữa ruộng thì cấy chay. Làm cỏ sục bùn cũng làm loanh quanh trong bờ để che mắt ban quản trị. Làm ăn dối trá nhưng công điểm vẫn được tính đâu vào đó nên chẳng ai muốn làm ăn đứng đắn làm gì cho nhọc sức. Nếu tôi phê bình qua loa, không bốc đất lên để các anh nhìn tận mắt, thế nào các anh cũng bảo tôi chỉ có giỏi đoán mò, là quan liêu, là cấp trên muốn nói sao cũng được. Bây giờ các anh nói gì đây?

Lịch lí nhí trong mồm:

- Báo cáo bí thư, chúng em có khuyết điểm, hứa sẽ khắc phục sửa chữa.

- Lại cái điệu kèn ấy. Tôi nghe mãi chán lắm rồi.

Nói xong ông Kim bỏ đi, lòng nặng trĩu nỗi phiền muộn.