Chương 95: Mua lại bụi tre
Bà cụ chủ quán nước tôi đoán cũng tầm tuổi bà Già tôi, khoảng trên 70 tuổi, đã gửi quán nước nhờ một người quen trông giúp và dẫn tôi về nhà, tôi dắt xe đạp đi theo phía sau, cứ đi được mấy bước là bà cụ lại quay người nhìn tôi, tôi chỉ cười tủm tỉm nên bà cụ càng thấy khó hiểu. Tôi nhất định không nói lý do tôi tìm ông lão Hương, bà cụ nhìn tôi từ đầu đến chân mấy lần giống như sợ rằng tôi sẽ là cháu nội của ông Hương đó không chừng. Bà cụ ấy đi phía trước với cái lưng hơi còng, trên đầu cũng chít khăn mỏ quạ màu đen chỉ chừa khuôn mặt vì bây giờ là mùa Đông, ngồi bán nước ven đường sẽ rất lạnh.
- Này ta hỏi thật... - Bà cụ lại đứng lại khi đi chưa được bao xa – Hay là ông nhà ta nợ nần cờ bạc gì?
- Dạ không, cháu đảm bảo với bà là không có chuyện gì, có khi còn là chuyện vui ạ, bà phải tin cháu!
- Không phải là ta không tin mà là nhìn cháu lạ lắm, không giống đám trẻ con ở làng này!
- Thì bà biết rồi, cháu ở xã khác thì làm sao mà giống được. Xã mình cháu thấy trồng dâu mà qua con đê thì xã ấy lại trồng lúa, đấy bà xem, sao mà giống nhau được ạ?!
- Thế cháu tên gì? Ông bà tên gì? Hay là có họ hàng?
- Cháu tên N. còn ông bà cháu thì có nói bà cũng chẳng biết đâu ạ! Mà bà cho cháu hỏi, ông cụ nhà mình năm nay bao nhiêu tuổi ạ?
- 83 rồi đấy!
Bà cụ đi chẳng nhanh nên tôi phải thong thả theo sau, tôi không biết tên cái làng này nhưng dân cư thì tôi thấy có vẻ thuần nông, nhà nào hầu như cũng có người ở cố định chứ không giống như làng tôi, nếu xét về giàu có thì làng tôi dường như lắm tiền nhiều của hơn nhưng xem về độ trù phú thì không bằng nơi này, nghe qua thì có vẻ như hơi vô lý nhưng đấy là sự thật, làng tôi giàu có nhưng ít người, toàn những nhà bỏ hoang mà.
Bà cụ rẽ vào một cái cổng nhà, à không, nói là cái cổng thì hơi quá, đúng hơn là cái cổng ấy được làm toàn bộ bằng tre đã nhuốm màu thời gian, hai cái cột và một cái xà ngang đều có màu bạc phếch, còn tường rào cũng được làm bằng những thanh tre, lá mồng tơi, lá trầu không và cả lá lốt bò kín rào. Bà cụ đẩy cái cửa cũng được làm từ tre ra để tôi dắt xe đạp vào, trước mặt tôi là một căn nhà mái tranh vách thì chỗ đất chỗ gạch xen lẫn nhau, xem ra ngôi nhà này cũng cũ như cái cổng, hẳn là chúng đều được làm cùng một lúc với nhau. Đầu hồi trái của căn nhà có thêm một căn nhà giống như nhà ngang nhưng mặt hướng ra sân thì không có cửa nẻo gì, nhìn từ trên cao xuống thì hai ngôi nhà đúng hình chữ L. Phía trước hai ngôi nhà là một khoảnh sân bằng đất nện khá vuông vức mà nếu ghép vào với phần đất của hai ngôi nhà thì xem ra đúng là hình chữ nhật, xung quanh nhà trồng rất nhiều cây cối nhưng phần lớn đều không cao, phía sau căn nhà thì có vài cây nhãn chỉ cao hơn nóc nhà một chút, bên tay trái và tay phải tôi ngay từ cổng thì có vài luống rau.
Tôi dựng xe đạp ở giữa cái sân đất, nhìn vào ngôi nhà cũ trống cả mặt trước vì không có cửa thì thấy có một cái khung cửi cũ, chắc chủ nhà vẫn sử dụng khi cần để dệt.
- Cháu vào trong nhà ngồi uống nước! – Bà cụ mời tôi.
- Vâng!
Tôi tạm dừng việc quan sát xung quanh để theo bà cụ bước vào nhà, trong căn nhà thì đồ đạc cũng không có gì đặc biệt, mọi thứ đều cũ, cái bàn uống nước bằng gỗ khá cao và cũng ngả màu thời gian, tôi ngồi xuống ghế có tựa là xem như lọt thỏm, cái ghế cũng ọp ẹp. Tôi cố nén tiếng thở dài, vậy là gia cảnh nhà ông bà cụ này cũng không khá giả gì, không biết con cái thì ra sao, tôi không thấy trẻ con.
- Ông ấy lại không có nhà rồi, chắc bên hàng xóm thôi, cháu ngồi chơi uống nước chờ ta đi gọi.
- Vâng, bà cứ để cháu tự nhiên.
Tôi ngồi một mình trong ngôi nhà ấy và quan sát xung quanh, cũng là cách sắp xếp thông thường thôi, nhà có ba gian thì hai gian đầu hồi có hai cái giường, gian giữa thì để ban thờ gia tiên và tôi thì đang ngồi trên bàn uống nước như là trung tâm của ngôi nhà, hai góc nhà để một số đồ đạc lỉnh kỉnh tôi không biết là cái gì, chắc là đồ để dệt vải. Tôi kết luận rằng cả ngôi nhà này cái gì cũng nhuốm màu thời gian, thậm chí ngay cả cái cốc uống nước tôi đang cầm trên tay.
Tôi không phải đợi lâu, một loáng tôi đã thấy bà cụ đi vào cùng hai đứa nhỏ, một bé gái là chị khoảng học lớp 4 và một bé trai xem chừng là em, phía sau bà cụ là ông cụ già dáng người hom hem, tóc bạc trắng và khoác cái áo dạ tối màu dài gần đến đầu gối, chân đi đôi tất màu bộ đội đã cũ và mang đôi dép nhựa màu đen. Thấy hai ông bà cụ có cháu là tôi vui rồi, tôi không thích cảnh người già neo đơn, đúng hơn là tôi không thích nhìn thấy cảnh như vậy, mỗi lần nhìn thấy cảnh người già neo đơn thì tim tôi cứ như thắt lại, tôi chẳng thể giúp được gì.
- Cháu chào ông ạ!
Tôi đứng lên chào ông cụ.
- Chào cháu, ta nghe bà nhà ta nói là cháu tìm ta hử?
- Vâng, quả thật là cháu đang tìm ông ạ!
Ông cụ chậm chạp ngồi xuống cái ghế tựa bằng gỗ đối diện với tôi, bà cụ thì ngồi ở trên giường phía sau lưng cùng hai đứa cháu, chẳng nghĩ ra việc nhà có trẻ nhỏ, biết thế mua gói kẹo cho chúng nó. Tôi tuy chỉ mới sắp 14 tuổi nhưng tôi rất hiểu tâm lý của trẻ nhỏ vì tôi cũng chưa phải là người lớn, chỉ là tôi cố tỏ ra già dặn mà thôi, kiểu như già trước tuổi. Trong khi ông cụ pha trà thì tôi đứng dậy đi lại phía hai đứa nhỏ và đưa cho hai đứa, mỗi đứa một tờ Năm nghìn.
- Anh đến chơi quên không mua kẹo, hai đứa cầm lấy xem như tiền mừng tuổi trước nhé!
Hai đứa nhỏ nhìn bà nó, tôi nhanh tay dúi tiền vào tay hai đứa, chỉ một hành động đó thôi là tôi biết chúng nó cũng được dạy dỗ tử tế, tôi thích những đứa trẻ như vậy thì nó giống tôi, chỉ một lần tôi nhận quà mà bố tôi chưa đồng ý thì hai anh em tôi đã bị trói đứng ở gốc cau cơ mà, tôi không bao giờ quên.
- Cháu khách sáo quá, đến chơi lại còn cho các em tiền làm gì?!
- Tại cháu vội nên quên không mua cái gì, hồi cháu bằng tuổi bọn nó cháu cũng thích ăn kẹo, bây giờ cháu cũng vẫn thích.
Tôi vừa nói vừa cười rồi quay trở lại chỗ ngồi khi nãy, ông cụ đã pha trà xong và rót nước mời tôi, tôi đoán hai ông bà cụ cũng đang thắc mắc nhiều lắm, thằng oắt con lạ mặt như tôi lại cứ có tác phong như một người lớn, ăn mặc thì không phải nói nhiều rồi, trông lịch sự hoặc ít nhất là tôi nghĩ tôi lịch sự.
Tôi chưa kịp bắt đầu thì thấy ngoài ngõ có một người đàn ông đạp xe Phượng Hoàng đi vào, tôi đoán là con trai của ông cụ vì thấy cũng có nét giống, tuổi của người đàn ông thì cỡ gần 40, chắc cũng phải tầm tuổi bố tôi. Người đàn ông ấy dựng xe đạp rồi nhìn xe đạp của tôi sau đó mới bước vào nhà, tôi đứng dậy chào thì nhận lại được cái gật đầu và nụ cười thân thiện.
- Nhà có khách hả ông?
- À, có thằng bé này đến tìm tao!
- Cháu tìm ông cụ có việc gì? – Người đàn ông nhìn tôi hỏi.
- Tao cũng không biết nữa, nó ở dưới làng Bưởi Cuốc đấy, thấy bảo đi tìm bố mày cả tháng nay rồi, nó biết cả tên của bố mày từ hồi còn nhỏ cơ đấy!
- Hả? – Người đàn ông nhìn bà cụ rồi lại nhìn tôi sau đó kéo ghế ngồi.
Mọi người trong gia đình ông cụ đều nhìn tôi và chờ đợi, họ muốn biết lý do tôi xuất hiện ở đây.
- Cháu tên là N. ở làng Bưởi Cuốc, năm nay đang học lớp 8, cháu ở nhà với bà nội vì bố mẹ cháu làm ăn ở ngoài Hà Nội - tôi kê khai sơ bộ nguồn gốc của mình cho họ yên tâm – Cháu đúng là được chỉ lên xã này để tìm ông cò Hương.
Ông cụ và người con trai nhìn tôi rất chăm chú, người con trai đưa chén nước lên miệng trong khi mắt vẫn nhìn tôi.
- Ông cho cháu hỏi là có phải cụ nhà mình trước đây tên là ông Lái Cả và làm nghề mua bán lợn không ạ?
Ông cụ giật mình nhìn tôi chằm chằm còn người con trai thì đang bị sặc nước, họ chắc hẳn rất bất ngờ đối với câu hỏi của tôi.
- Đúng, đúng...đúng thế! – Ông cụ đáp lời một cách gấp gáp. – Sao...sao cháu lại biết việc này?
- Vậy là cụ nhà mình mất lâu rồi hả ông?
- Lúc ta mới có 8 tuổi thì ông cụ đi mua lợn rồi biệt tích luôn, thời ấy loạn lạc nên tìm cũng khó mà có người nói là bị Tây bắt đi nên cũng chẳng có thông tin gì thêm... - Ông cụ chỉ lên ban thờ - Ta cũng cầu trời khấn phật từ khi còn nhỏ mong sao tìm cho được ông cụ.
- Vâng, cháu nghĩ là ông đã tìm được rồi ạ, đúng hơn là ông cụ Lái Cả đã tìm được con cháu của mình rồi ạ!
- Cháu... cháu nói sao? Cháu biết tin gì à?
- Cháu, cháu từng quen ông cụ nhà chú à? – Người con trai cũng gấp gáp hỏi.
Bà cụ với hai đứa cháu cũng đã đứng ngay phía sau hai cái ghế, họ có vẻ rất xúc động.
- Cháu không quen cụ Lái Cả, do hôm trước cháu đi chơi về khuya một mình thì tự nhiên thấy ở trong lũy tre ở làng có một cái bóng màu trắng ngồi ở trong đấy, cháu thấy lạ nên đứng lại xem thì nghe tiếng ho khan từ trong bụi tre nên cháu mới hỏi... - mấy người lớn nhìn tôi mắt tròn xoe, miệng ai cũng há ra – Cái bóng trắng ấy nói với cháu là ông ấy tên là Lái Cả, nhờ nhắn giúp với con trai là cò Hương ở Hoài Thượng rằng ông ấy bị chôn ở đấy, do người đi thu mua lợn cùng đập vỡ đầu ạ!
Tôi trình bày gần như nguyên văn câu chuyện, khi tôi vừa dứt lời thì ông cò Hương chảy nước mắt khóc tu tu như một đứa trẻ, ông cụ đã quá già nên nước mắt chẳng được bao nhiêu, người con trai của ông cò Hương thì kìm nén được xúc động, chú ấy cũng sụt sịt còn bà cụ thì khóc nghẹn, cũng phải thôi, người thân nhà họ mà. Tôi không nói thêm lời nào vì họ đang xúc động, tôi hơi cúi đầu xuống, tôi không thích cái cảnh này chút nào vì tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay.
Ông cò Hương khó nhọc đứng dậy thắp mấy nén nhang trên ban thờ gia tiên, ông cụ xúc động vì tìm được cha chứ không phải do đau buồn vì cha bị g·iết, tôi có thể cảm nhận được việc ấy. Người con trai sau những phút xúc động thì đứng dậy đi vòng qua bên tôi đang ngồi, cầm lấy hai tay tôi rồi ngồi xuống.
- Cháu, cháu tên gì nhỉ?
- Cháu tên N. ạ!
- Chú thay mặt gia đình cảm ơn cháu, quý hóa quá, gia đình chú không biết phải cảm ơn cháu như thế nào, còn nhỏ thế này mà đã vất vả đi giúp nhà chú, chú...chú cảm ơn!
- Dạ không có gì mà chú, cái này ông cụ nhờ cháu giúp thôi mà, có gì khó khăn đâu!
- Cháu tên N. nhỉ?! Cảm ơn cháu! - ông cụ sau khi vái gia tiên xong thì cũng đi qua chỗ tôi ngồi - Gia đình không biết lấy gì đền ơn cháu...
Tôi vội đứng dậy tiến đến chỗ ông cò Hương.
- Ông cứ ngồi xuống đã, có gì thì từ từ rồi nói ông ạ!
Ông cò Hương lấy ống tay áo quệt nước mắt, cả nhà ông cụ túm lại đứng vây quanh ông, chỉ có ông cụ mới là người hiểu rõ nỗi đau nhất, chỉ có ông cụ Hương tôi cho là xúc động nhất bởi vì chỉ mới 8 tuổi đã mất cha.
- Ông ạ, vấn đề cũng có một chút khó khăn...
- Tiền...tiền hả cháu? – Người con trai ông cụ vội hỏi tôi.
- Dạ không, không phải tiền đâu ạ. Như cụ nhà mình nói với cháu thì ông cụ trước đây bị người ta vùi xác ở gần bờ ao, bây giờ nhiều năm nên tre mọc đè lên xương cốt của ông cụ.
Tôi biết khi tôi nói ra như vậy thì cả nhà ông cò Hương đều không kìm được nước mắt nhưng tôi không thể nói sai sự thật được, tôi có thể nói dối nhiều điều để đạt được mục đích của mình là nghịch nhưng tôi phân biệt được việc nên và không nên nói dối, tôi muốn nói thật cho gia đình ông cò Hương bởi vì tôi thấy gia cảnh nhà ông ấy có vẻ không được khá giả và nếu tôi nghĩ rằng khi họ đau xót tột cùng thì họ sẽ tìm cách mau chóng để đưa ông ấy về, và quan trọng nhất, nói dối người khuất mặt như này là tôi không đành, tôi muốn con cháu của họ biết rõ mọi thứ.
- Cháu thì chưa tìm hiểu kỹ chỗ bụi tre nhưng cả cái ngõ ấy duy nhất bụi tre đó nghe nói là bao năm nay muốn chặt đi không được nên nhà mình phải tìm cách mau chóng đưa ông cụ về. Mà bây giờ năm hết Tết đến nếu đến làng cháu đào bới cháu nghĩ là sẽ sinh chuyện mà chẳng ai tin vào câu chuyện ma quỷ đâu...
- Cháu nói cũng phải, giờ nếu đi gặp chính quyền cũng khó trình bày mà chú thì cũng không quen biết ai... – người con trai của ông cụ nói với tôi – Mà nếu để qua đầu năm thì không đành lòng.
- Làng cháu thì cháu biết mà chắc ở trên này cũng thế, đầu năm các cụ cao niên kiêng kỵ mấy việc đào bới mà nếu gia đình mình người lạ đến đòi đào chỗ đó tìm xương cốt cha ông thì ai người ta cho.
- Bây giờ cháu đưa chú xuống dưới làng cháu rồi chỉ chỗ cho chú được không?
- Dạ được, nhưng chú phải tỏ ra bình thường chứ đừng xúc động chú ạ, làng cháu nhỏ lắm ai lạ mặt ra vào là người ta biết ngay mà hôm nay đã 23 Tết là cũng bắt đầu đông người rồi, từ đây xuống làng cháu chắc hơn nửa tiếng, giờ chú cháu mình đi luôn cũng được.
Tôi chào ông bà cụ đứng dậy chuẩn bị ra về thì sực nhớ ra một việc, tôi quay lại nói với ông cò Hương.
- Có điều này cháu biết là khó nhưng xem như cháu nhờ gia đình mình ạ, hiện tại gia đình mình đừng nói việc này ra ngoài kẻo lại khó khăn, nếu đưa được cụ nhà mình về cháu xin gia đình nhà mình đừng nói là tìm thấy ở làng cháu, dân làng cháu biết chuyện thì chắc cháu không sống được ở làng mất!
- Được, ta hiểu, ta hiểu, cả nhà ta sẽ hứa với cháu điều này! - Ông cụ cầm tay tôi và nói rất vội - Cháu giúp gia đình ta thì làm sao lại gây khó cho cháu được, như thế là phải tội c·hết đấy!
- Dạ, cháu cảm ơn ông trước ạ!
Người con trai của ông cụ, tôi được biết tên là Nghĩa, đang chờ tôi ở ngoài cổng, dáng vẻ rất bồn chồn, khi tôi mới gạt chân chống xe định dắt ra cổng thì nghe tiếng gọi của con gái chú Nghĩa.
- Anh ơi! – Con bé chạy lại chỗ tôi và đưa cho tôi một con búp bê nhựa còn mới nguyên – Cái này em tặng anh, em mới mua nó hôm qua!
- Anh là con trai không chơi búp bê đâu! - Tôi cười tít mắt – Em giữ lại mà chơi chứ sao tặng cho con trai làm gì?!
- Nhưng em muốn cảm ơn anh vì đã giúp nhà em!
- Cảm ơn hả? Vậy đợi khi nào lớn nếu có gặp lại thì mời anh ăn kem là được rồi, anh thích ăn kem lắm đấy! Thôi anh về luôn cho sớm không bố em lại chờ, học giỏi nhé!
Con bé với hai ông bà cụ đứng ở sân nhìn theo tôi và chú Nghĩa kia đạp xe đi. Đối với mấy đứa con gái nhỏ tuổi mà ngoan, xinh giống như con em út nhà tôi là tôi coi như em gái của mình hết cả. Tôi đã nói dối con bé là mình thích ăn kem để nó đỡ áy náy, lòng tốt thì tôi nhận nhưng hiện vật không chơi được thì nhận làm gì, nếu như là một cái ô tô đồ chơi thì có khi tôi sẽ suy nghĩ, thật sự là như vậy, nếu việc nhận mà khiến cả hai bên cùng vui thì nên làm.
- Chú Nghĩa bây giờ đang làm gì thế chú?
- Thì cũng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải thôi cháu ạ, rảnh rỗi thì thả lưới bắt cá trên sông Đuống.
- Cô nhà mình làm gì hả chú?
- Vợ chú là cô giáo tiểu học ở xã ấy mà, chú hồi trước đi bộ đội rồi quen cô ấy ở gần chỗ đóng quân.
- Cháu thấy chú chắc khoảng tuổi bố cháu, bố cháu 37 rồi đấy.
- Thế thì chú ít hơn, chú mới 35 thôi!
- Cháu thấy ông nhà mình hơn tám mươi mà chú mới 35 thế thì chú là út ạ?
- Ừ, trên chú có hai người chị, một chị đi học rồi lấy chồng ở Hà Nội còn một chị nữa thì lấy chồng trong huyện này thôi.
- Cháu hỏi cái này hơi ngại nhưng mà tính cháu thì thật, có gì chú bỏ qua cho cháu...
- Cháu cứ hỏi đi!
- Tại cháu thấy hoàn cảnh gia đình nhà mình có vẻ khó khăn.
- Hoàn cảnh chung ấy mà, tuy không dư giả gì nhưng cũng đủ ăn, chú cũng mới ra ở riêng nên cũng giật gấu vá vai suốt. Hai chị đi lấy chồng lương ba cọc ba đồng lo cho gia đình chồng đã vất vả rồi nên thú thật là cũng không có dư giả gì mà lo cho cha mẹ.
- Cháu tin rồi gia đình mình sẽ tốt hơn!
- Đúng, đàn ông con trai là phải lạc quan như thế, chú đi bộ đội mấy năm trời khổ quen rồi như này đã là sướng quá ấy chứ. Cháu trông còi còi như này mà đã học lớp 8 rồi cơ à?
- Cháu bé nhất lớp, cũng tại cháu đi học sớm một năm!
- Bé cũng không sao, chú thấy là cháu thông minh, rất thông minh đấy, nói chuyện như ông cụ non ấy nhỉ?
- Chắc tại cháu sống với bà cháu quen rồi nên mới như thế ạ!
Chú Nghĩa và tôi đạp xe song song băng qua xã Mão Điền, trên đoạn đường hơn 30 phút ấy hai chú cháu nói đủ chuyện, sau cùng chú ấy hỏi.
- Mà mấy việc như này cháu đã giúp người khác bao giờ chưa?
- Nói thật với chú là lần đầu tiên ạ, tối hôm ấy cháu với thằng bạn đi cùng nhau bị ông cụ đẩy nên ngã xe, thằng bạn cháu nhìn thấy trước nó sợ quá bỏ chạy, cháu chạy không kịp nên ông cụ mới nhờ đấy chứ.
- Thế là cháu cũng gan đấy nhỉ?
- Gan gì đâu chú, chỉ còn thiếu nước tè ra quần thôi, lúc đấy mới nói được mấy câu thì có chó sủa nên không nghe hết được ạ...
Tôi dẫn chú Nghĩa đến đầu ngõ Thiện của làng tôi, hai chú cháu dừng ngay đầu đường và nói chuyện, dĩ nhiên chẳng ai quan tâm đến chúng tôi nên đứng đó hơn 10 phút quan sát cẩn thận thì hai chú cháu quay lại Cầu Đình rồi đi ra ngồi uống nước ở cái quán ven đường Quốc lộ 17, quán có mấy cái ghế đá nên nói chuyện riêng rất tiện mà không ai nghe được.
- Chú tính thế nào ạ? – Tôi lên tiếng hỏi trước khi nước được mang ra.
- Không biết vị trí chính xác chỗ nào thì cũng hơi khó, tốn nhiều thời gian, hồi chú đi bộ đội là lính đặc công nên nếu biết vị trí đúng có khi moi về được.
- Cháu thấy như vậy nguy hiểm mà cũng không cần làm thế chú ạ...
- Chỉ còn cách là mua bụi tre thôi, liệu người ta có bán không nhỉ?
- Điều này thì cháu không biết nhưng nên thử chú ạ, cả ngõ còn mỗi bụi đó nên chắc mua cũng không khó đâu, vấn đề là họ bán bao nhiêu ý, chứ có nhiều tiền là mua được hết. Bụi tre đấy cháu thấy chẳng có giá trị gì vì nằm chơ vơ một chỗ mà Tết thì đến gần ai cũng cần tiền.
- Ừ, cũng phải thử xem như nào... – Chú Nghĩa thở dài – Gấp gáp quá sợ chuẩn bị tiền không kịp.
- Chú ngồi đây uống nước cháu chạy về nhà rồi cháu ra luôn!
- Nhà cháu gần đây không chú về cùng luôn?
Tôi hơi lưỡng lự nhưng chú Nghĩa cứ nhất quyết nên tôi đành đồng ý nhưng về gần đến cổng nhà thì tôi bảo chú Nghĩa đợi tôi ngoài cổng. Tôi đạp xe vào rồi dựng ở sân, chào bà rồi vào lấy tiền của mình ra, tiền bán cái hũ tiền cổ kia còn khoảng Một triệu tư tôi để trong đống sách vở của mình.
Tôi đi ra cổng và ngồi lên sau xe của chú Nghĩa, nói với chú ấy quay lại lối cũ ven làng, khi ra đến chỗ bụi tre nhỏ ngay ngã ba thì tôi nói với chú ấy dừng lại, tôi xuống xe.
- Chú còn nhớ chỗ đấy không?
- Nhớ mà, cháu định đi đâu?
- Cháu không định đi đến đấy cùng chú vì cháu ở làng người ta biết mặt... - tôi lấy tiền trong túi ra – Chỗ này là khoảng Một triệu tư cháu cho chú mượn để đến đấy hỏi mua tre xem?
- Sao thế được, không được, chú có tiền đây!
- Thì cháu biết chú có tiền nhưng mà làm sao biết người ta bán bao nhiêu, cái này cháu cho chú mượn, chú cầm lấy lo việc xong thì khi nào tiện trả cho cháu cũng được có sao đâu?!
- Không được! Cháu còn nhỏ lấy đâu ra tiền, cháu lấy của bà cháu đấy à? Mà cháu giúp gia đình chú như thế này đã là tốt lắm rồi!
- Cháu không lấy của bà cháu đâu, tiền này bố cháu cho tiêu vặt đấy, bố cháu là giám đốc thiếu gì tiền, cháu còn nhiều tiền!
- Cháu làm chú khó xử quá!
- Chú cầm lấy là xem như giúp cháu, cháu giúp ai là giúp đến cùng, cháu cũng không muốn ông cụ ở đấy lâu. Chú cầm trong người nhiều tiền thì mua bán nó cũng tự tin hơn chứ?
Tôi nói rồi tay dúi tiền vào túi quần của chú Nghĩa, chú ấy muốn lấy ra tôi đã bước lùi lại mấy bước và cười.
- Chú cứ lo việc cho xong đi, nếu chú cần thêm thông tin gì thì cứ vào nhà cháu, chú nhận là phụ huynh của thằng Tuệ bạn học cháu bên trường An Bình là được rồi ạ!
Nói xong tôi cắm đầu chạy về nhà, tôi không quan tâm đến việc chú ấy có trả lại tiền hay không vì tôi cũng không dám tiêu cho bản thân số tiền ấy, nếu dùng để giúp cho ông Lái Cả mau về được nhà với con cháu thì sẽ tốt hơn rất nhiều, xem như của thiên thì trả cho địa đi.
Tôi thấy lòng mình rất nhẹ nhõm.
Tết đã đến rất gần rồi.
---
***