Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 88: Lời tiên đoán thứ ba




Chương 88: Lời tiên đoán thứ ba

Lịch sử là một môn học nhiều người không thích, tôi thuộc nhóm những người yêu thích môn học này một phần vì tôi có khả năng nhớ những con số cũng như sự kiện và một phần là để tìm hiểu về bối cảnh xã hội thời chị Ngọc Hoa Công chúa cũng như chị Lý Ngọc Khuê xinh đẹp với bộ váy màu xanh thiên thanh. Cô Loan, cô giáo dạy môn Sử của tôi khi dạy đến thời nhà Lê Sơ đã đọc một câu ca dao như thế này:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”

Ý nói rằng vào khoảng thời gian vua Lê Thái Tổ (1428 – 1433) và vua Lê Thái Tông (1460 – 1497) nền nông nghiệp rất phát triển và người dân thì no đủ, tôi đã tưởng tượng ra cảnh những con trâu béo múp, cánh đồng lúa vàng ươm trĩu hạt, khói lam chiều và những lũy tre xanh ngát. Thế nhưng sau đó chị Ma lại nói với tôi rằng lúc đấy ký ức chị ấy còn tương đối đầy đủ, ngôi làng Bưởi Cuốc của tôi có khoảng hơn 50 người, lúa thì cũng có lúc được lúc mất nhưng hồi đấy thì luật rất nghiêm, t·rộm c·ắp không dám lộng hành. Trong sách Lịch sử tôi đọc thì thấy nhà vua Lê Thái Tông đã ban hành bộ luật Hồng Đức, một bộ luật được coi là hoàn chỉnh và tiên tiến nhất trong suốt thời kỳ phong kiến của Việt Nam, chính bộ luật này đã giúp cho tình hình xã hội trở nên ổn định, nạn giặc c·ướp được khống chế. Tôi tiếp nhận cả ba ý kiến từ: Sách – Cô giáo – Chị Ma và sau cùng tôi tự đưa ra kết luật của chính mình.

Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) khi lên ngôi đã định ra rất nhiều quy định mới, ví như tội đ·ánh b·ạc thì chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ chặt 2 phân, ăn hối lộ trên 1 quan tiền thì bị xử chém... Có lẽ những luật này đã làm cho xã hội trở nên ổn định và đặt nền móng cho con cháu của ông, tức là các đời vua sau này, xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, nhà vua cũng tiến hành chính sách “Ngụ binh ư nông” sau khi quân Minh rút về nước, chính sách này đã giảm quân số thường trực của q·uân đ·ội từ 35 vạn quân xuống còn 25 vạn quân, chỉ để lại 10 vạn trực chiến, với 25 vạn quân hồi hương làm nông nghiệp rồi sau đó lại gia nhập q·uân đ·ội để đổi cho những người lính thường trực, chính sách này là ưu việt và tôi rất nhớ.

Trưa ngày Rằm tháng chạp, tôi lại đạp xe lên thị trấn Hồ và mua truyện, tôi lê la mấy tiếng mới bắt đầu ra về, trời lất phất có mưa nhẹ, trời u ám và mặt đường thì rất bẩn, tôi không thích trời mưa kiểu như thế này vì bùn bẩn sẽ dính nhiều lên bộ đề tăng giảm xích của xe khiến tôi cảm thấy rất khổ sở. Một điều tôi nghĩ rằng không phải riêng tôi mà nhiều bạn khác ở vào thời của tôi vào mùa Đông khi có trời mưa ngoài việc lạnh thì còn bẩn vì bùn đất bắn lên ống quần hoặc lưng áo nếu như đạp xe nhanh.

Nếu tính theo Dương lịch thì thời điểm này đã bước sang nửa đầu tháng 1 của năm 1998, tôi thấy mình không cao hơn được bao nhiêu nhưng may mắn tôi chưa phải đứa con trai thấp nhất lớp, có hai đứa thấp hơn tôi là thằng Dũng và thằng Tuệ, hai thằng ấy cũng hiền lành và chắc vì thế tôi hay chơi cùng. Bây giờ thì thằng Dũng ở quê làm nghề hàn xì còn thằng Tuệ đang làm bố của 5 cô công chúa và đồng thời là chủ của một cửa hàng bán giày dép ở bên Gia Lâm, tôi chưa có dịp gặp lại hai đứa nó từ lúc học hết cấp II.

Do trời mưa nhẹ hạt và muốn đạp nhanh cũng như đỡ bẩn hơn tôi đã chọn cách đi theo lối Quốc lộ 17 để về, vừa đạp vừa suy nghĩ việc mình sẽ mua một cái gì đó để tối nay vừa nhâm nhi vừa đọc truyện, người lớn uống rượu nhắm với đồ ăn thì tôi nhắm đồ ăn và uống nước vối, so ra cũng không khác nhau là mấy. Tôi gò mình đạp xe được một đoạn dài khi mà hai bên đường có mấy cái lò gạch thì tôi thấy có một ông sư già đi bộ bên đường, bộ áo màu vàng đã ướt mưa ở phần vai và đôi chân thì đi đất, ông ấy đi rất chậm, tôi đạp xe vượt qua thì ngoái đầu nhìn lại rồi quay đầu xe.

- Ông ơi, trời mưa như này ông đi đâu thế ạ?

- Chào cháu, ta đi thăm người bạn nhưng lỡ đường.

- Bạn ông ở đâu ạ?

- Bạn ta cũng là nhà sư như ta, ta đang muốn đến chùa Pháp Ấn, cháu có biết chùa đó không?

- Cháu không ạ, nhưng nếu ông đi thẳng theo đường này thì cháu có thể chở ông đấy, tại cháu đi còn xa, tận 3km hơn cơ!

- À... - Ông sư gật gù nhìn tôi cười – Liệu cháu có chở được không?

- Ông yên tâm, cháu trông nhỏ vậy thôi nhưng học lớp 8 rồi, hơn nữa cháu lái xe đạp rất siêu, chưa bị ngã bao giờ đâu! – tôi khẳng định chắc nịch, thật sự thì cũng có ngã một lần xuống ao nhưng đấy là do bị đẩy thôi, còn lúc tập xe tính làm gì?! – Ông đừng ngại, cháu cũng hay chơi với một ông sư đấy!

- Ồ... - Ông sư già ngạc nhiên – Cháu làm bạn với nhà sư sao?

Ông sư ngồi lệch một bên phía sau xe, tôi dùng hai tay giữ chặt ghi đông, do đã trót nói là mình lái xe giỏi nên tôi cũng phải cố gắng giữ thể diện bằng cách đạp mà không thở dốc, ông sư tuy không nặng nhưng tôi căng thẳng, tôi chưa bao giờ chở người già như này, mấy lần tôi nói với bà Già rằng tôi đủ sức chở bà về thăm quê nhưng bà không chịu tin, cứ làm như tôi còn bé tí không bằng.

- Nhà cháu ở đâu, cháu bé?

- Nhà cháu ở làng Bưởi Cuốc đấy ông, đạp chừng 10 phút nữa là tới, ngay ven đường này luôn ạ!

- Ô! Làng Bưởi Cuốc hả? Đó chả có chùa Pháp Ấn hay sao?

- Chùa Pháp Ấn ạ? Cháu không biết ạ, cháu chỉ biết làng cháu có chùa thôi, cháu cũng hay lên đấy chơi với ông sư nhưng cháu không biết tên, cháu vẫn gọi là chùa làng ạ!

- Hahaha... – Ông sư một tay vịn vào yên xe cười vang - Thế này ta phải mách nước cho ông bạn mới được, ai đời trẻ trong làng lại không biết tên chùa, thế này thì không được rồi.

- Ơ, vậy ra ông sư trên chùa làng cháu là bạn với ông à?

- Đúng, đúng thế! Hôm nay ngày Rằm cuối năm nên ta đến thăm ông ấy rồi ở lại chơi mấy ngày mà chỉ đi nhờ xe máy được đến ngã tư Đông Côi nên tính đi bộ một đoạn, gặp cháu thật tốt quá!

- Có gì đâu ạ, cháu cũng là tiện đường thôi mà.

Hai người gồm một trẻ học sinh chở ông sư già chậm chạp di chuyển dưới cơn mưa lất phất, tôi lười mặc áo mưa còn ông sư lại chẳng có nên khi đạp về đến cổng chùa thì tôi thấy áo khoác của mình cũng đã ướt nhẹp, còn tóc thì không cần phải bàn, kể ra thì cũng hơi lạnh nhưng tôi nhìn ông sư lại không thấy ông ấy có vẻ gì là lạnh cả, nhìn như chỉ có bộ áo cà sa và một tay nải bằng vải mà thôi.

- Ông cảm ơn cháu nhé, gặp cháu thật tốt.



- Dạ không có gì ạ!

Tôi toan đạp xe đi thì ông sư lại vẫy tôi ra hiệu chờ một chút, ông sư đi đến gần đưa tay lên cằm tôi nghiêng mặt tôi sang trái rồi sang phải rồi nhìn vào mắt tôi một lát.

- Ở với người già nhiều nên tính cách cũng già dặn quá đấy, sau này gặp người già cần giúp đỡ, nếu giúp được họ thì hãy cố gắng đến cùng cháu nhé!

- Dạ!

- Thêm nữa, khi cháu 21 tuổi nếu đứng trước lựa chọn khó khăn thì phải nhớ, đi càng xa làng này càng tốt, đừng lưỡng lự, càng gần làng này cháu càng không làm ăn thành công được đâu cháu nhé!

- Dạ?

- Và sau cùng, nếu khó khăn quá thì nhớ đến ăn mày cửa Phật – ông sư nhìn tôi cười - và nhớ mặc nhiều hơn các áo sáng màu, áo trắng thì tốt.

- Để làm gì ạ? Cháu thích màu xanh của hòa bình.

- Màu nào thì cũng tốt cả thôi nhưng xem như ta cảm ơn cháu đã chở ta 3km bằng cách mách cho cháu 3 điều như vậy, ta tin là cháu nhớ.

- Dạ!

- Thôi, cháu về thay quần áo đi không lại cảm lạnh.

Tôi chào ông sư già rồi đạp xe về, tôi không hiểu tại sao ông sư ấy lại dặn tôi như thế nhưng tôi nhớ lời dặn, tôi rất hay giúp người già mỗi khi có thể như nhường chỗ ngồi trên xe bus, dắt họ qua đường, đưa họ về nhà... và thậm chí, tôi đã giúp rất nhiều người lỡ đường nhưng không phải ai cũng tin vào những hành động kỳ lạ của tôi nhưng không vì thế mà tôi ngưng việc giúp đỡ người khác nếu tôi có thể. Tôi cũng giúp nhiều đàn ông hay phụ nữ lúc họ bị hỏng xe máy hoặc ô tô, tôi không phải thợ nhưng tôi biết vài thứ đơn giản để tránh những lúc ở vào tình thế khó khăn, hơn nữa, cảm giác rất vui khi bạn trở thành niềm hi vọng duy nhất của họ khi xung quanh là bóng đêm.

Đối với việc giúp người già thì tôi đặc biệt nhớ tới hai sự việc, lần thứ nhất khoảng quãng năm 2009 tôi hay đi làm về tối muộn qua đoạn đường từ ngã tư đường sắt Tô Ngọc Vân hướng về bệnh viện quận Thủ Đức. Tối ấy tôi gặp một bà cụ đi bán vé số về muộn đang đi bộ đoạn gần nhà thờ cách đường sắt chừng 100m, tôi đi chậm lại rồi dừng xe hỏi:

- Bà ơi, bà đi về đâu nếu tiện đường cháu chở về.

- Bà về dạ cầu vượt Bình Phước - mắt bà già sáng lên – Anh có tiện thì cho bà đi ké một đoạn.

- Dạ, cũng tiện bà ạ, bà lên đi!

Bà cụ leo lên xe và tôi chở đi nhưng vấn đề xảy ra là tôi không rẽ theo đường Tô Ngọc Vân hơi cong mà lại đi thẳng vào lối đường Tam Hà bây giờ, dự định đến nhà thờ Châu Bình thì rẽ trái ra lại đường Tô Ngọc Vân, bà cụ thấy lạ đường vội nói.

- Anh cho tôi xuống với!

- Sao thế bà?

- Anh cứ cho tôi xuống, anh không dừng lại tôi nhảy xuống bây giờ!

Tôi thấy lạ nhưng cũng đi chậm và dừng lại ven đường, gần ngay một quán nước, bà cụ vội vàng leo xuống xe và nhanh chóng đi lên lề đường đứng gần ngay quán, vẻ mặt hơi hoảng hốt. Tôi ngơ ngác hỏi:

- Bà làm sao thế ạ?

- Anh chở tôi đi đâu thế?

Nghe bà cụ hỏi vậy là tôi hiểu, tôi cười khổ sở bảo:

- Bà đi ra dạ cầu Bình Phước thì đi đường này cũng được mà?!

- Mọi hôm tôi đi xe bus đi đường khác, anh định đưa tôi đi rồi giật vé số của tôi phải không?



- Bà đi xe bus thì đi lối kia là đúng rồi, đi xe máy thì đi lối này tắt một đoạn thôi ạ!

Tôi nhìn bà cụ cười buồn, trông mình cũng đâu đến nỗi đâu...

- Bà cứ đi lên phía trước khoảng 100m rồi rẽ trái thêm chừng 150m là lại tới đường Tô Ngọc Vân bà nhé, cháu xin lỗi cháu đi trước ạ!

Tôi hơi cúi đầu chào bà cụ rồi đi, tôi đoán bà cụ đấy sẽ hỏi mấy người ngồi trong cửa hàng cafe ngay đó mà thôi, gần 10 giờ khuya rồi, tuy hơi buồn nhưng tôi cũng chẳng trách được bà cụ ấy. Bẵng đi khoảng gần một tháng, tôi cũng đi làm về muộn vì sau khi đi làm còn ghé gặp bạn gái mới về, vô tình tôi lại gặp bà cụ lần trước lúc này đang đứng ở ven đường đoạn cổng nhà nhờ Tin Lành, tôi đi chậm nhưng không có ý định dừng lại nhưng bà cụ ấy lại bước một chân xuống đường và vẫy tôi.

- Anh ơi, cho tôi đi nhờ với!

- Cháu cũng đi về cầu vượt Bình Phước nhưng không đi theo lối xe bus, bà có đi không?

- Có, có chứ, tôi đợi anh từ nãy...

Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi cũng cười.

- Thôi bà lên đi không lại trễ!

Tôi chở bà cụ đi, lên xe đi thì không ai nói với ai câu gì, tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, cứ đi chậm thôi vì chở người già, đi qua đoạn lần trước bà cụ xuống xe thì bà cụ ngồi sau nói với tôi.

- Lần trước anh cho tôi xin lỗi nhé, tôi lại nghĩ oan cho anh, tôi cứ áy náy mãi chuyện ấy...

- Không có gì đâu bà ạ, trời khuya bà cẩn thận thế là tốt đấy. Bây giờ t·rộm c·ắp c·ướp giật nhiều bà ạ!

- Thì cũng biết là thế, anh cứ cho tôi xin lỗi việc ấy tôi mới thấy bớt áy náy, anh giúp tôi mà tôi lại nghĩ xấu về anh.

- Vâng, vâng, bà đừng cả nghĩ thế, cháu không để bụng chuyện ấy đâu mà!

Tôi dừng xe gần cầu vượt Bình Phước cho bà cụ xuống xe, bà cụ chào tôi rồi đi vào trong hẻm nhỏ, đầu hẻm có một cái cây khá to và và rậm rạp, trên cây lúc ấy có treo một cái cờ báo tang, tôi cũng không chú ý lắm vì cũng muộn, phải vòng xe ngược lại cầu Sóng Thần để về nhà. Sáng hôm sau đi làm, tôi đi qua đoạn tối hôm qua bà cụ đã xuống xe thì thấy tờ cáo phó dán treo trên cái cây, tôi phanh xe rồi giật lùi lại mấy bước, tôi không tin vào mắt mình nhưng cái ảnh n·gười đ·ã k·huất trên cáo phó chẳng phải là bà cụ tối hôm qua tôi cho đi quá giang hay sao? Nhìn vào ngày và giờ thì bà cụ mất vào tối hôm qua. Tôi ngồi trên xe máy và ngây người, chả có lẽ...!

Lần thứ hai vào khoảng cuối năm 2011, khoảng gần 9 giờ tối, tôi đang ngồi trên yên xe máy trên lề đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức để chờ vợ mình chọn mua giày trong cửa hàng thì thấy một ông cụ khoảng gần 80 tuổi, người hơi gầy, khuôn mặt khắc khổ đang gù lưng đeo ba lô từ hướng chợ Thủ Đức đi lên, ông cụ đi ngang qua tôi, tự nhiên tôi buột miệng hỏi:

- Ông ơi, khuya như này ông đi đâu thế?

Giống như chỉ chờ tôi hỏi thăm vậy, ông cụ dừng lại bỏ ba-lô xuống vỉa hè và ngồi thở.

- Cậu cho tôi hỏi cậu biết chợ Nhỏ không?

- Chợ Nhỏ ạ? Cháu biết nhưng xa lắm ông ơi, tận bên quận 9 cơ ạ!

- Cậu cho tôi đi nhờ qua đấy được không?

Tôi chưa kịp trả lời thì vợ tôi đã mua giày xong và đẩy cửa bước ra, tôi nói với vợ và dĩ nhiên cô ấy cũng đồng ý việc giúp ông cụ, dù sao cũng không quá xa. Tôi, một thanh niên tuy không cao to đen hôi nhưng cũng xem như có lao động tay chân chút chút mà xách cái ba-lô của ông cụ suýt bị sái tay vì nặng, tôi chả hiểu trong đó đựng cái gì nhưng cũng cố cho lên phía trước xe máy, tôi chỉ không thể hiểu nổi nặng như vậy mà ông cụ nhìn gầy gò già yếu, khắc khổ này lại đeo trên lưng và đi bộ, là tôi thì tôi lắc đầu ngay.

- Ông đi đâu mà mang nhiều đồ nặng thế?

- Báo cáo cậu là tôi đến nhà người thân, mang cho chúng nó ít quà quê ấy mà!

- Vậy là con cháu của ông ở chợ Nhỏ ạ? Sao ông không gọi con cháu ra đón cho đỡ mệt, cái ba-lô nặng thế mà ông đeo thì gãy lưng đấy!

- Tôi già cả quên số điện thoại của chúng nó nhưng tôi biết nhà, nhìn là tôi biết ngay ấy mà!

Ông cụ chả tìm thấy cái nhà nào ở chợ Nhỏ, tôi bắt đầu phát hiện ra vấn đề rồi, có vẻ như ông cụ đã nhớ nhầm nhưng tại sao lại đọc đúng địa danh cái chợ này? Tôi hỏi thêm mấy câu thì tôi khẳng định là nhầm rồi, ông cụ miêu tả một cái chợ nhỏ nên người ta đã nói với ông rằng chợ Nhỏ ở đây, nhìn đồng hồ thì cũng đã 9 giờ 30 tối, mùa mưa nên trời đã đổ mưa lớn bất chợt. Tôi đứng nhìn cơn mưa mà chưa biết nên làm như thế nào, may lại nhớ ra nên đưa ông cụ vào Công an phường.

Tôi chở ông cụ ngồi giữa và vợ tôi ngồi sau đi vào công an phường Hiệp Phú nhưng lại được chỉ qua bên Tăng Nhơn Phú A, vào Công an phường Tăng Nhơn Phú A vì tôi tìm thấy ông cụ ở đâu thì phải đưa về CAP đó, thật sự thì tôi cũng hơi bực mình nhưng cũng cố kìm lại. Tôi lại chở ông cụ đến CAP Tăng Nhơn Phú A thì thấy họ đang chơi bóng chuyền, chả ai quan tâm đến câu chuyện của tôi nên tôi rất bực mình, tôi không chịu đi mà bỏ điện thoại ra gọi điện vào số cố định của họ, một anh công an trẻ ra nghe điện thoại thì tôi cúp máy. Tôi trình báo việc ông cụ này đi lạc thì cũng nhận được câu hỏi.



- Anh tìm thấy ông cụ ở đâu?

- Mình thấy ông cụ đi bộ một mình ngay đây nên đưa vào!

- Anh viết cái đơn trình báo để tôi báo lên cấp trên.

- Sao các anh máy móc thế nhỉ? Giờ đêm khuya tới nơi và trời lại mưa, sao anh không hỏi xem ông cụ đã ăn uống gì chưa, hỏi giấy tờ của ông cụ? Tôi đưa ông cụ tới đây là nhờ các giúp mà bên Hiệp Phú thì chỉ qua đây, giờ làm cái đơn thì bao giờ mới tìm được người thân, giờ này chắc họ cũng đang nháo nhác đi tìm đấy!

- Nhưng đây là quy định!

- Tôi biết, nhưng anh cũng nên hỏi tên của ông cụ chứ, anh là Công an ông cụ tin hơn tôi, đêm hôm thế này mỗi người đơn giản đi một chút anh ạ!

Ông cụ lấy trong ba-lô ra một cái Chứng minh thư, tôi nhớ ông cụ tên là Ngô Cầu, 78 tuổi và quê Bình Định.

- Đây này, anh là công an, anh chỉ cần gọi điện về cái xã này theo ngành dọc là anh biết được thôi chứ có khó khăn gì đâu?!

Anh chàng công an trẻ mời ông cụ ngồi rồi lấy điện thoại gọi hỏi số của công an xã trên Chứng minh thư rồi sau khi có số thì anh ta lấy di động ra gọi, chỉ sau đúng một hồi chuông thì phía đầu dây bên kia đã có người nghe, giọng rất rõ qua điện thoại.

- Tôi là công an phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp.HCM, nhờ anh tra giúp ở xã mình có ông cụ nào tên là Ngô Cầu năm nay 78 tuổi không?

- Có! Có, đấy là ba của ông bí thư, chúng... chúng tôi đang tìm!

- Bí thư xã à?

- Vâng, đúng rồi, ông cụ m·ất t·ích từ sáng!

- Vậy nhờ anh báo cho gia đình đến CAP Tăng Nhơn Phú A giúp tôi nhé!

- Vâng, tôi sẽ báo ngay, cảm ơn các anh!

Mặt mọi người giãn ra hẳn, sau khi anh công an trẻ nói lại là đã tìm ra thì ông cụ vui hẳn, lúc này ông cụ mới mở ba-lô lấy ra toàn những bánh là bánh, chắc đặc sản ở vùng ấy, ông cụ mời tôi rất tha thiết nên tôi cũng ăn rồi cùng ngồi chờ gia đình tới, ngoài trời vẫn đang còn mưa nhỏ.

Chỉ chưa đầy 15 phút sau thì tôi thấy ánh đèn xe máy và cả ô tô chạy vào trong sân của công an phường, con cháu của ông cụ phải đến chừng 10 người ào vào chỗ ông cụ, qua vài câu hỏi thăm và trình bày với anh công an trẻ kia thì tôi biết là ông cụ đã tự ý xuống xe ở cầu vượt Gò Dưa rồi lạc từ sáng sớm, nhà con cháu thì ở ngay chợ Tam Hà nhưng ông cụ lại không biết tên, do đã hẹn nhau trước nên con cháu cứ đứng chờ ở bến xe Miền Đông mãi không thấy nên tỏa ra đi tìm từ sáng và cũng đã báo cho công an bên Thủ Đức. Hai vợ chồng tôi nháy nhau rồi chuồn nhanh ra ngoài, vừa lên xe thì ông cụ cũng đã phát hiện ra và chạy theo nắm tay tôi cảm ơn.

- Ông tìm được con cháu là mừng rồi, lần sau ông đừng đi như vậy nữa kẻo con cháu lại lo lắng ông nhá!

- Tôi nhớ rồi, cảm ơn cậu nhiều lắm!

Hai chúng tôi chào ông cụ rồi đi luôn, tôi vẫn nghe rõ tiếng í ới của mấy người lớn gọi với theo, chắc anh chàng công an kia đã nói với họ. Thật ra tôi cũng đã nghĩ đến trường hợp chở ông cụ về nhà tôi ngủ tạm rồi tìm con cháu chứ không để ông ấy lang thang ngoài đường, bố mẹ tôi thì không vấn đề gì nhưng tốt nhất là tìm được con cháu ông ấy thật nhanh, họ hẳn là đã rất lo lắng.

Dù như thế nào, sau mỗi lần tôi vô tình giúp người già thì tự nhiên tôi hay gặp may mắn trong công việc, điều đó có thể xem là trùng hợp, tôi nghĩ vậy, tôi không giúp người khác vì muốn gặp may mắn, tôi làm thế vì tôi thích cái cảm giác vui vẻ sau khi giúp được họ. Trong số tất cả những người tôi đã từng giúp, chỉ có duy nhất một lần tôi đưa cho một anh tài xế Grabcar cái thẻ nhớ trong xe vì đã quay toàn bộ vụ t·ai n·ạn giao thông, anh ta cũng chẳng cảm ơn, cũng không trả lại thẻ nhớ báo hại tôi phải đi mua thẻ khác, nói thật thì cũng hơi bực mình vì đã bảo là cho mượn mà anh ta thì cũng không quá xa nhà tôi. Lần ấy, tự nhiên tôi lại thấy tiếc vì đã gọi điện hỏi thăm anh xem tình hình giải quyết đến đâu rồi, từ vụ ấy tôi nghĩ mình sẽ chỉ giúp người già, người bình thường chứ không chắc tôi sẽ giúp xe Grabcar nữa, chuyện này cũng hơn một năm rồi.

***

Đêm ngày rằm, bà cô Tổ lại kéo chân tôi dậy nói với giọng rất bực tức:

- Mày xem thế nào đi chứ, người ta lại hất hết đất trên mộ của tao đi rồi đấy!

- Vâng, cháu... cháu sẽ tính cách ạ!

May đêm ấy tôi không bị tát cái nào.

---

***