Chương 7: Bà cụ tóc bạc
Bà H. Lớn nằm trên võng, tay phe phẩy cái quạt nan, bố mẹ tôi cùng ngồi trên cái trường kỷ bên cạnh như kiểu nghe dạy bảo, còn tôi thì đang bận ăn những trái cây được hái ngoài vườn, tôi nhớ không nhầm thì đó là hồng xiêm.
- Thằng N. nó cũng lớn rồi, anh chị có tiện dịp này thì sửa lễ mà xin nó về, để lâu nó lại thành thằng ngớ ngẩn đấy.
Lúc còn nhỏ do tôi ốm đau bệnh tật nhiều quá, bà H. Lớn đã làm lễ bán tôi làm con nuôi cho Đức Ông trên ngôi chùa của làng, chuyện này lần đầu tôi được nghe.
- Mấy năm trước ở làng có người mời thầy địa lý về xem đất, tôi cũng tiện dịp ấy mời ông ta xem giúp thửa đất nhà anh chị luôn, mấy lần trước gặp anh mà anh cứ vội đi nên tôi chưa có dịp nói.
Thầy địa lý? Tôi có nghe mấy anh chị lớp trên nói phải học cấp hai mới có môn này, khi học sẽ được biết nhiều nơi trên khắp đất nước, thậm chí cả thế giới này luôn, tuy mới chỉ học lớp 3 nhưng tôi đã được đọc một vài cuốn sách cấp hai rồi, tuy không hiểu gì nhiều nhưng để g·iết thời gian cũng tốt.
Bà H. Lớn nói tiếp, bố mẹ tôi vẫn ngồi im để nghe.
- Thứ nhất, căn nhà bây giờ của anh xây bị lệch hướng, làm ăn sau này nặng bị thì đứt quai, không giàu có được, muốn giàu thì phá nhà đi để hướng như căn nhà cũ trước đây, hướng Nam.
- Thứ hai, đầu hồi nhà anh có cái rãnh nước chảy, rãnh này do người khác họ đào cho nên chỉ khi nào tự nhiên nó bị lấp đi thì anh chị mới ở cố định một nơi, bằng không chỉ ở mỗi nơi vài năm rồi lại chuyển.
- Thứ ba, ông thầy đấy cầm nắm đất lên xem chỉ lắc đầu mãi không thôi, ông ta chỉ nói: "Gia chủ nhà này lúc bốn mươi lăm tuổi thì ..." rồi ném nắm đất bỏ đi, cũng không lấy tiền.
Bố tôi nghe đến đấy hơi giật mình hỏi lại, bà H. Lớn ngưng tay quạt ngồi nhỏm dậy, bố tôi đỡ bà lên ngồi ở tràng kỷ đối diện.
- Ông ấy nói vậy là có ý gì? Bố cháu không hiểu.
- Anh thuộc dạng người qua loa đại khái, với kiểu nói như vậy của ông ta thì e là lúc bốn mươi lăm tuổi anh có vận hạn lớn, bây giờ tôi không biết nhưng tôi sẽ nói cho anh khi tôi biết.
- Vâng, vâng! - Bố tôi gật đầu liền mấy cái.
- Còn đứa con gái anh khi nào có điều kiện thì đưa nó về quê, không thể để nó một mình nơi đất khách quê người thế được, nó vắn số nhưng phù hộ gián tiếp sau này cho anh chị.
- Gián tiếp là như thế nào bà nói rõ hơn cho bọn con biết với? - Mẹ tôi tò mò.
- Tôi chỉ nói được đến thế thôi, mọi thứ đều phải phụ thuộc vào ý trời và phúc đức của anh chị. Phải nhớ cho rõ lời tôi nói.
Bà H. Lớn không nói thêm nữa nhưng lại nhìn tôi và nở nụ cười, bỗng nhiên tôi thấy bà nhìn ra cửa rồi gật đầu như kiểu đáp lễ với ai đấy đang đứng bên ngoài, tôi quay đầu lại nhìn nhưng không thấy, có lẽ người già mắt kém.
***
Rời nhà bà H. Lớn, tản bộ trên con đường chính chạy dài xuyên suốt từ đầu đến cuối của làng giống như trục tung trên đồ thị, từ trục chính này cắt ngang rất nhiều đường rẽ vào các ngõ xóm như hình xương cá. Con đường chính có đoạn được lát gạch nhưng chủ yếu vẫn là đường đất, hai bên có rãnh nước được kè cũng bằng gạch xếp lớp với nhau.
Làng tôi được chia thành nhiều khu nhỏ như: Khu Trên, khu Đình, khu Giữa, khu Tây, khu Đông ... nhà tôi nằm rìa bên của khu Giữa, sau rặng tre gai là cánh đồng lúa bạt ngàn. Tôi hay nhắc đến cánh đồng lúa bởi vì nó giúp tôi cảm thấy yên bình, chỉ cần dứng trên một gò đất cao bạn có thể phóng tầm mắt thật xa nhìn thấy ngôi làng bên cạnh dù cách xa đến hai, ba ki - lô - mét. Như nơi tôi đang sống, chỉ cần đứng trên triền đồi có thể phóng tầm mắt nhìn thật xa, bao la bát ngát là rừng chè vậy.
Bản thân tôi cũng cho là kì lạ, khi sống giữa những vườn chè hay cánh đồng lúa với những con trâu thì tôi lại ao ước được nhìn nhà cao tầng, ngắm từng hàng xe máy chen chúc xen lẫn trong đó là tiếng còi của đủ thứ xe đầy ồn ào và náo nhiệt nơi phố thị. Người ta hay nói, cỏ luôn xanh hơn phía bên kia tường rào có lẽ là do vậy, ta luôn ao ước thứ ta không có, để rồi khi có lại mong muốn mọi thứ giống như "Ngày xưa..."
Đến đoạn rẽ vào ngõ nhà tôi, bố tôi bảo:
- Bố mẹ lên nhà bà ngoại lo chuẩn bị cỗ cùng mọi người, con cầm chìa khóa về nhà dọn hộ bố đống gạch vụn ở chỗ mô đất đi, xong thì lên bà ăn trưa.
Tôi không có ý phản đối, lên đó cũng gặp nhiều anh chị của mình nhưng có vẻ chưa dò được sóng hoặc do tôi hơi khác người nên chưa cảm thấy vui nhưng thật ra, sự khác biệt văn hóa nho nhỏ giữa chúng tôi không thể xóa bỏ chỉ trong một hai ngày được. Trong suy nghĩ của các anh chị bằng hoặc lớn hơn tôi vài tuổi, nơi tôi ở là "đồng rừng" chứ không phải "đồng ruộng" người ở trên rừng có vẻ không thông minh, có vẻ lạc hậu vì một số trò chơi tôi lần đầu nhìn thấy, cho đến khi lớn tôi cũng không phân biệt được các khái niệm và cách chơi những game đó ở quê mình, có vẻ tôi lạc hậu thật sự.
Trời nắng! Hè thì ở đâu cũng nắng.
Tôi tìm một thanh tre nhỏ cắm xuống đất để xem giờ, xác định hướng Đông Tây Nam Bắc để đặt kí hiệu mười hai giờ chỉ cần vậy tôi đã có một đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời, mỗi tội hết nắng thì phải tính cách khác. Đấy, lợi thế của người ở đồng rừng là phân biệt hướng rất tốt, không có đồng hồ thì dùng mặt trời thay thế, mặt trời thì luôn mọc từ Đông sang Tây, không có nắng mà phải ngẩng đầu nhìn thì áng chừng giữa trưa, cho đến sau này đôi khi vẫn có ích khi tôi bị lạc đường giữa những vùng đất lạ mà không có la bàn hay thiết bị định vị (GPS) tôi có thể ước lượng thời gian rất tốt, có thể xem như một kĩ năng vậy, việc tính toán thời gian tốt giúp tôi làm nhiều việc, đi nhiều nơi đều trong khoảng thời gian tính toán, tôi luôn cố hoàn thành sớm một chút, kể cả việc đi tán gái.
Khoảng hơn chín giờ sáng, ước chừng như vậy, tôi bắt tay vào công việc dọn dẹp đống gạch vụn ngói vỡ, gạch còn lành thì tôi xếp lại chung một đống, còn những thứ đã vỡ tôi mang chúng rải sát vào phần chân tường cuả căn nhà, điều này bà Già tôi từng nói rằng làm như vậy để khi mưa, nước mưa từ giọt gianh rơi từ mái nhà xuống không làm xói mòn chân tường. Thời còn nhà tranh vách đất thì có vẻ hợp lý nhưng nhà ngói kiên cố có vẻ không hợp lý lắm nhỉ? Nhưng tôi thì chưa đủ tuổi để logic như vậy, tôi làm theo những gì được kể lại và biến nó thành kiến thức nhưng nhiều thứ bây giờ không dùng được nữa rồi.
Tôi chăm chỉ làm, mọi thứ rồi cũng xong, mô đất rộng chừng ba mét vuông hình chữ nhật hiện ra, phân biệt rõ với những cỏ dại mọc xung quanh. Bỗng dưng tôi tự hỏi là mình có nên thắp hương hay không? Tôi lại nhớ rằng một ngôi mộ thì luôn cao hơn đất bằng, đây là nền miếu cũ chắc cũng giống như mộ vậy, thế là tôi đi mua kẹo.
Quán nhỏ đầu làng, tôi mua gói kẹo mút màu đỏ có gắn kèm những hình con ngựa, thanh gươm... với những hạt đường trắng li ti phủ lên mà tôi thích, cúng xong là của mình nên nhất định phải mua thứ mình thích, ba que hương tôi lấy ở trong nhà ra đốt, cũng phe phẩy cho lửa tắt như người lớn. Gói kẹo tôi để xuống nền đất, hương cắm bên cạnh rồi quỳ xuống chắp tay như bố tôi hay làm nhưng mà không biết khấn cái gì nên chỉ lạy ba lạy rồi thôi.
Ngồi trong mái hiên nhà tránh nắng, tôi chờ đợi hương cháy hết để lấy kẹo vào, tôi sợ bị ai đó lấy đi, việc ngồi chờ đợi làm tôi ngủ quên lúc nào không hay.
***
Chiều tối, nhà bà ngoại các bác, các dì, các cậu và nhiều họ hàng tề tựu đông đủ ăn cơm, cũng đến 10 mâm, mỗi mâm 6 người, trước ngày giỗ chính ở quê tôi đều có tục lệ như vậy. Sau bữa cơm này nhiều người sẽ ở lại cùng phân chia công việc giữa nhóm phụ trách làm cỗ, nhóm khác thì ra ngoài nghĩa trang của làng giá·m s·át việc đào huyệt nhưng nửa đêm thì đông đủ không vắng ai vì có một phần văn nghệ không thể thiếu của mọi đám giỗ hay đám cưới ở làng này, ở vùng này.
Môn XÓC ĐĨA !
Cũng là một môn thể thao đỉnh cao của trí tuệ với 2 mặt chẵn lẻ, mở bát ra trúng hoặc trượt, tính sát phạt rất cao. Sới bạc trước hay sau đám cỗ của mỗi nhà đều quy tụ những tay chơi từ ông bà cụ 80 hay trẻ con chỉ mới lên 10 đều được tham gia mà không hề bị ai la mắng ! người ở xa về mang theo tiền, người ở quê muốn kiếm thêm chút đỉnh, nhìn quanh cả sới cũng đa phần là họ hàng với nhau. Lúc bắt đầu chơi cược rất nhỏ kiểu văn nghệ g·iết thời gian chờ đến lúc mổ lợn luộc gà và gọi nhau nhẹ nhàng chú cháu cực kì tình cảm, đến lúc cao trào thì đòi quan hệ mẫu thân, thằng nọ thằng kia,... có thể người bạn mới gọi bằng thằng lại có vai vế ngang ông nội của bạn mặc dù tuổi chỉ đáng làm em, tuy thế mà lại không có đánh nhau vì thằng bạn muốn đấm vào mặt là ông cậu của mẹ !
Bố mẹ tôi ở lại, tôi lại muốn về ngủ nên xin phép về, trên tay mang theo 2 đĩa xôi vò trong túi bóng, tôi thích ăn xôi mà xôi trong đám nhiều người không ăn. Nhà bà ngoại tôi ở khu trên, nhà tôi khu giữa, có nhiều lối để đi nhưng tôi mới chỉ biết đường chính trong làng, tối gần cuối tháng trăng treo cao, mùa hè trong veo, tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ mờ mờ đủ để đi, tôi vẫn mang theo đèn pin bên người.
Ở xứ đồng rừng tôi vẫn hay đi chơi với đám bạn vào mỗi tối, tôi thấy việc này bình thường. Gần đến cổng nhà, gọi là cổng cho sang nhưng nó như một tấm phên đan bằng tre, hai bên có hai cột cũng bằng tre, tôi thấy có bóng người đứng gần cổng nhà, trên tay hình như cầm nón lá.
---
***