Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 60: Trái Đất Tròn




Chương 60: Trái Đất Tròn

Những gì chị Lý Ngọc Khuê nói cho tôi, tôi đã ghi chép vào cuốn nhật ký có bìa màu xanh, tôi sợ rằng mình sẽ quên đi những thứ mà mình trải qua. Đây là cuốn nhật ký đầu tiên của tôi, nếu tính cho đến lúc 20 tuổi thì có thể cho vào gần đầy một cái va-li nhỏ còn nếu tính đến 25 tuổi thì thêm cái va-li nữa mới chứa đủ. Những cuốn sổ tôi mua để viết không phải là những cuốn có nhiều trang mà có thể do ấn tượng ban đầu của tôi về cái cuốn sổ có cái khóa xinh xinh đó rất tốt nên sau này tôi hay mua những cuốn kiểu như vậy. Người khác viết nhật ký sẽ giấu đi còn tôi viết nhật ký xong cứ vứt lung tung trên tấm phản gỗ, ai đọc cũng được vì tôi thấy chỉ lướt qua thôi là người lớn sẽ cho rằng tôi viết nhăng viết cuội nên có thể xem như chẳng ai quan tâm đến thứ tài sản tinh thần ấy của tôi cả. Hồi đầu tôi viết nắn nót lắm, về sau viết nhiều thấy cần phải nhanh thế là kệ, chỗ nào sai hoặc không hợp lý thì gạch bút viết nho nhỏ ở dưới, cũng có đôi khi ngồi bên thềm nhà tôi đọc những đoạn lủng củng đó cho một “thính giả” trung thành thời ấy, “thính giả” đầu tiên của tôi chính là con chó màu đen mà bà tôi đã đặt tên nó là con Mực, nó nghe rất chăm chú và hay nghiêng nghiêng cái đầu nhìn tôi, nếu nó ngoan ngoãn ngồi nghe tôi sẽ cho nó ăn kẹo, tôi xem như đó là sự trao đổi công bằng, dù sao thì “thính giả” đầu tiên ấy nghe đọc cũng không có phàn nàn gì, chắc là hài lòng.

Thứ năm, ngày 4 tháng 9 năm 1996

Đây là đợt hồi hương cuối cùng của những đứa 8x và đầu 9x về làng, từ những năm sau thì số trẻ về làng theo học mỗi năm không đếm được hết hai bàn tay nên tôi cứ hay gọi vui là “đợt hồi hương cuối cùng”. Điều này thì không có gì khó giải thích bởi vì từ năm 1995 số lượng người dân trong làng thoát ly ở các nơi đều không hẹn mà gặp dồn về Hà Nội lập nghiệp, sau một vài năm cuộc sống ổn định thì những gia đình đó bắt đầu cho con cái học tập tại Hà Nội khi điều kiện kinh tế được cải thiện và chỗ ở cũng phù hợp hơn nên trẻ con không còn về làng nữa, tôi cũng nghĩ lạc quan tếu rằng thời mình ở là thời kì cực thịnh của làng với hàng trăm đứa trẻ tuổi từ 6 đến 15. Nhiều người làng tôi đã định cư ở Hà Nội từ khoảng thời gian đó cho đến nay, theo một con số tôi còn nhớ thì năm 2016 ở làng có số nhân khẩu khoảng 1.500 người còn thực tế ở làng chỉ khoảng 500, chưa kể những người thoát ly đã chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới. Tôi hiện nay thuộc dạng “hai hàng” nghĩa là tôi có tới hai Chứng minh thư khác nhau, hai hộ khẩu ở hai nơi nhưng hơn mười năm nay tôi đều sử dụng chính là hộ khẩu Tp.HCM để thuận lợi cho công việc cũng như các vấn đề khác, tôi không có ý định rời bỏ quê hương nhưng trong cuộc sống thì phải lựa chọn những thứ ít phiền phức hơn.

Nếu một lần nào bạn đi chợ để mua đồ ăn, bạn thấy một người bán đậu phụ lớn tuổi với hai cái xô nhựa màu trắng, một cái mâm nhôm cùng với một cái làn hoặc túi đựng đồ ngồi trên vỉa hè thì tôi khẳng định là có khả năng hơn chín mươi phần trăm đó là người làng tôi thuộc thế hệ 7x trở về trước, những người rất hiểu về cái làng Bưởi Cuốc xưa cũ. Những người thuộc thế hẹ 8x hay 9x tân tiến hơn đã áp dụng công nghệ vào quá trình sản xuất đậu phụ của làng, phần đông họ trở nên giàu có. Đôi khi tôi cũng có ý nghĩ rằng, một ai đó đọc truyện của mình và đi hỏi mua đậu, rồi hỏi tên cái làng Bưởi Cuốc, tôi tưởng tượng rằng khả năng lớn chính là người bán sẽ ngạc nhiên. Chả có thống kê nào nhưng tôi tin rằng ½ cửa hàng bán đậu tại Hà Nội hiện nay là gốc gác làng Bưởi Cuốc – Tổ truyền nghề đậu phụ - tôi không có ý định PR cho nghề của làng mình vì tôi cũng không có làm, nhưng tôi tự hào vì tôi đã lớn lên ở đó. Tôi cũng dặn mẹ mình rằng.

- Mẹ, nếu sau này có ai lạ mặt đến mua hàng của mẹ mà hỏi tên làng Bưởi Cuốc, mẹ đừng lấy tiền nhá.

- Ơ, Đ.M cái thằng này, mày nghĩ tao là nhà từ thiện đấy à?

- Mẹ yên tâm, con trả, mà có khi cũng chẳng ai đến mua đâu mà mẹ lo.

- Mày đang làm cái trò gì đấy?

- Con á? Viết truyện

- Ôi cái thằng này nó dở rồi, hồi xưa mày mà học làm nhà văn thì tao chắc chắn mày bây giờ là thằng dấm dớ.

- Rồi mẹ xem.

- Thế mày viết cái gì đấy?



- Con á, thì viết về bà bán đậu hũ hồi xưa đẹp nhất làng, chửi chồng con như hát hay.

- Ơ, Đ.M cái thằng này, tao đẻ ra mày xong mày viết như thế về tao à?

- Con định viết thế nhưng chưa đến đoạn ấy.

Tôi rất thích trêu mẹ mình để bà chửi, tôi thì cười khà khà, tính ra tôi cũng không được gặp bố mẹ mình hơn một tuần rồi vì quận ấy đang phong tỏa, bình thường mỗi tuần tôi đều đến ngó nghiêng chút rồi đi nhưng khi nghe thấy tin không đến được thì tự nhiên lại cứ muốn đến xem như nào. Trong khi tôi ngồi một mình viết tập truyện này thì bố mẹ tôi vẫn đang tập trung buôn bán, nghe đâu kiếm được cũng tốt, hôm trước bố tôi còn “vượt vòng vây” với giấy tờ kinh doanh để chạy xe máy 20km mang về cho tôi 10 bìa đậu, tôi đã bảo là không phải lo vì vợ tôi chuẩn bị kĩ cho tôi rồi nhưng chả ngăn được. Vợ tôi nghe tin bố mẹ gửi đậu hũ về nên cũng về chiên cho tôi ăn, hai chúng tôi đã ăn rất ngon lành, tôi thấy rằng trong cái miếng đậu mình cho lên miệng ấy có thêm một gia vị gọi là tình yêu thương, tình cảm luôn là điểm yếu của tôi, một số người cũng tận dụng điều đó nhưng tôi cũng không quan tâm mấy, tôi thấy vui là được.

“Đợt hồi hương cuối cùng” này tôi ước đoán có khoảng 40 đứa lớn nhỏ tất cả, có thể hơn vì làng cũng rộng, và vì có một số khu vực “điểm mù” tôi rất ít khi đặt chân tới vì những lí do không cần thiết và tránh phiền toái nên tôi không biết khu ấy có bao nhiêu đứa hồi hương. Khu nhà tôi dịp này thì có 5 đứa, lớn nhất cũng chỉ 11 tuổi mà thôi. Theo cái thông lệ chả có ai quy định thì có con cháu mới về các ông bà thường hay dắt đi giới thiệu với làng xóm láng giềng để cho biết mặt, biết tên các cháu cũng như các cháu biết để mà chào mỗi khi ra đường gặp các ông bà lớn tuổi, tôi luôn thích điều này vì đó là cơ hội để tăng tình đoàn kết và hiểu hơn về làng xóm của mình.

Chiều ngày 4 tháng 9 năm 1997

Một bà hàng xóm tôi rất hay qua nhà tôi chơi dẫn theo ba đứa cháu, hai gái một trai, con bé lớn chuẩn bị vào lớp 5, tôi thấy có thiện cảm vì hai lẽ. Thứ nhất, nó về từ Lạng Sơn mà tôi thì cũng từng ở Lạng Sơn mấy tháng, thứ hai nó cũng lớp 5 thì về giống tôi. Con bé tên là Ng. Nhìn có vẻ hơi ít nói nhưng khá hoạt bát và xinh xắn, thật ra thì khái niệm về xinh đẹp của tôi khá mơ hồ, cứ ai tôi có thiện cảm thì đều xinh đẹp cả, mỗi tôi là không đẹp thôi. Khi bà nó giới thiệu xong thì mấy đứa bé ấy đều rất lễ phép để chào, bọn nó chào cả tôi nữa, bà tôi được biếu một gói kẹo vừng làm quà nên tôi cũng nhanh tay lấy kẹo của mình mời mấy đứa, gì chứ kẹo thì tôi rất nhiều, không phải thứ kẹo hảo hạng gì, chỉ là những thứ kẹo tôi thích và chị bạn tôi thích thôi.

Mấy anh em ngồi ở ngoài hiên nhà chơi, tôi cũng có hỏi thăm dăm ba chuyện, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn là người hay bắt chuyện với mọi người trước, tôi thích nói chuyện và nếu đúng chủ đề tôi thích tôi sẽ nói say sưa không nghỉ. Tôi có thể nói liên tục trong 6 tiếng mà không cần ăn và không chuyện nào giống chuyện nào, tôi cho là có người thích nghe có người không nhưng nhiều người trước đây bảo tôi nói nhiều, tôi cũng chỉ biết cười thôi chứ không phản ứng gì, sau này tôi chỉ nói những điều họ muốn nghe khi họ cần còn tuyệt nhiên tôi sẽ không nói những gì họ nên biết, tôi có quyền như thế mà phải không. Có lần Sếp tôi nhắn tin hỏi rằng dạo này tôi có chuyện gì hay sao mà cả một thời gian dài không thấy tôi nói gì trong group, chỉ xem mà không nói có vẻ không phải là tính cách của tôi mà Sếp tôi từng biết, tôi cũng chỉ biết đáp lời là do bận công việc nên ít có thời gian nói trong đó nhưng có nói chuyện riêng với từng người, tôi nghĩ rằng nếu tôi muốn tốt cho ai đó mà họ lại nghĩ mình đang có ý khác thì tốt nhất mình “kệ”. nhưng tôi sẵn sàng góp ý nếu ai đó hỏi, góp ý chân thành với sự hiểu biết hạn hẹp của mình. Tôi là một người phức tạp.

Tôi ngồi trên thềm, một lúc sau ba chị em bé Ng. xuống chơi nhảy lò cò ở sân trong khi hai bà vẫn đang ngồi nói chuyện trong nhà, tôi quan sát thấy phía trên gò má, gần đuôi mắt của cái Ng. có một vết sẹo nhỏ bằng đầu ngón tay út nhưng sẹo lõm, dẹt, thấy lạ nên tôi chú ý, dĩ nhiên tôi không có hỏi gì vì chưa thân quen đến vậy. Một hồi lâu tôi thấy rằng vết sẹo đó sao giống như ngón tay của ai đó đã in lên vậy, rồi trong một thoáng giây, tôi nghĩ là rất nhanh tự nhiên tôi thấy khuôn mặt con bé đó trắng bệch, tôi chớp mắt nhìn cho rõ thì không thấy gì cả, tôi đoán mình bị quáng gà.

Chuyện cũng chỉ có thế để ghi vào nhật ký nhưng trong những năm tiếp theo thì bé Ng. ít nói ấy học giỏi có tiếng trong làng, nó học ở trường chuyên trên huyện chứ không học trường cấp II bên xã, mỗi lần bà Già tôi kể về con bé ấy là tôi thấy mừng, không phải là tôi thích nó mà vì tôi cho rằng con gái mà học giỏi thì càng có cơ hội tiến thân, càng có cơ hội thoát khỏi nghề truyền thống của cha ông, theo đuổi ước mơ và có một cuộc sống như bản thân nó muốn. Nhưng mọi thứ dừng lại ở tuổi 15 khi nó và đám bạn tổ chức liên hoan chia tay cấp III rồi rủ nhau lên chơi ở bãi cát ven sông Đuống, gần cầu Hồ bây giờ, theo như kết luận của người có kinh nghiệm và bên Cơ quan Công an thì khu vực chúng nó chơi do người ta hút cát nhiều nên có xoáy sâu, nó đã bị cuốn xuống dưới đáy hố. Còn theo góc nhìn của tôi, ba đứa bạn cùng lớp, ở cùng vị trí với nó đều thoát c·hết và bị khủng hoảng tâm lý một thời gian sau đó, chỉ có mình nó nằm lại nơi hố cát ven sông Đuống hiền hòa ấy. Chiều muộn xác con bé được đưa về nhưng cũng giống như thằng P trước đây, chỉ được quàn tại căn nhà có chứa cái xe tang cũ kĩ ở gần cây đa, từ bao đời đến nay vẫn thế. Tôi cũng có ra thắp nhang cho nó và cũng chỉ một thoáng giây tôi nhìn thấy khuôn mặt trắng bệch như năm nào, tôi cố nén tiếng thở dài rồi vái lậy ra về giữa những tiếng kèn trống não nề cùng tiếng khóc nỉ non. Những đứa bé c·hết đều khiến người ta đau lòng, những đứa bé xuất sắc mà c·hết thì ngoài đau lòng còn thấy luyến tiếc nữa. Nhưng đành vậy, nếu có thêm phúc phần thì nó cũng đến được hết hai con giáp rồi cũng đi thôi, nhưng sự đau thương và tiếc nuối có thể cũng vì thế mà tăng lên, tôi nghĩ nó đã bị “đánh dấu”.

Nhà tôi mấy năm sau có một anh vô tình quen bố tôi rồi xin vào làm công nhân, tôi gặp anh ấy lần đầu lúc 17 tuổi, một gã trai đam mê rượu đến nỗi vợ bỏ cũng không chừa, có một cô con gái nhỏ khá dễ thương. Làm cùng gia đình tôi vài năm do có biến cố nên cũng đành chia tay rồi vì cái duyên lại gặp lại ở nơi đất khách quê người, anh ấy lại về làm giúp bố mẹ tôi đến mấy năm nhưng cái tật rượu thì không bỏ, mẹ tôi chửi rất nhiều vì cũng thương như con cháu nhưng chứng nào tật ấy chả bỏ được. Vào một ngày anh ấy quyết định trở về miền Bắc và nói là nhớ con, tôi đưa anh ấy ra bến xe Miền Đông vào một sớm tinh mơ, lúc xuống tạm biệt tôi cũng dúi thêm cho anh ấy mấy trăm bảo là về mua quà cho cháu giúp tôi, gần đuôi mắt anh ấy cũng có một cái vết như đánh dấu, tôi định nói mấy lần nhưng rồi lại thôi. Trước khi lên xe tôi cũng kịp dặn.

- Anh thương con anh thì bớt uống rượu đi, nếu uống thì đi nhớ có hai người, anh chở cũng được.

Mấy tháng sau tôi nghe tin anh đang làm cho một người trong làng tôi ở Hà Nội và vẫn uống rượu, tuy có ít hơn, vào một buổi chiều tầm hơn 4 giờ tự nhiên điện thoại tôi cứ rung, tôi xem mấy lần nhưng chẳng có cuộc gọi nào, đến hơn 5 giờ chiều thì thằng R9 bạn tôi gọi cho báo rằng anh ấy bị t·ai n·ạn, đâm vào xe tải ở ngay cái đoạn cột mốc “QL38/ Dâu 3km” anh ấy sống thực vật một thời gian, tôi nhớ có dịp mẹ tôi ra thăm thấy hốc hác nằm trên giường như khúc gỗ nên mẹ tôi xót, tuy chả máu mủ gì nhưng con người ở với nhau mãi cũng có tình thân, mẹ tôi ngồi bên giường cầm bàn tay và động viên cố gắng sống lại, tôi thấy khóe mắt của anh ấy dường như có một ít nước rơi ra, hoặc có thể do tôi tưởng tượng.



- Anh ấy sẽ không qua được đâu mẹ ạ.

Tôi đã nói như thế trên đường chở mẹ về, gần một tháng sau thì anh ấy mất. Cậu ruột của anh ấy làm công an nên giúp đỡ kinh tế rất nhiều vì thế mà anh ấy mới sống được lâu đến vậy trong bệnh viện. Một tối, bố tôi nhận được điện thoại, chính là người cậu ấy tiện đi công tác ở Tp.HCM muốn ghé nhà chơi và cảm ơn tấm lòng của bố mẹ tôi dành cho cháu người ta. Tôi cũng không chú ý lắm nhưng thấy người cậu này là người sống tình cảm nên tôi cũng nán lại ở nhà để tiếp khách cùng với bố. Tôi cứ nghĩ chú ấy sẽ đến bằng xe máy, nhưng không phải, có một cái ô tô bảy chỗ dừng ngay đầu hẻm nhà tôi rồi 4 người đàn ông đi vào, chú ấy ngồi còn ba người kia cứ đứng nên tôi cho là sự lạ, quan sát thấy sau lưng một người đàn ông hơi cộm lên, tôi đoán là súng lục nên khó hiểu.

Chú ấy tên là Đ. cũng chỉ ngồi nói chuyện với bố tôi được khoảng 5 phút rồi đứng dậy chuẩn bị đi, bắt tay bố tôi rồi đến khi bắt tay xã giao với tôi, thấy tôi cứ nhoẻn miệng cười nên chú ấy thấy lạ, nét mặt hơi thay đổi, vài nếp nhăn trên trán xuất hiện.

- Chú cháu mình có gặp nhau chưa nhỉ?

Tôi cười tươi.

- Cháu nghĩ là rồi ạ, nhưng đã quá lâu.

Lời nói của tôi khiến chú Đ. còn khó hiểu hơn.

- Chú xin lỗi, có thể do công việc nên cũng không thể nhớ chú cháu mình đã gặp nhau ở đâu rồi.

- Vâng, không có gì chú ạ. Ví của chú tìm lại là được rồi. – Tôi vừa nói vừa cười tươi.

Những người xung quanh đều không hiểu, chú ấy cũng không hiểu tôi nói thế có ý gì, công an xử lý hàng trăm vụ án nên gặp ai quen quen cũng là thường thôi, chỉ có điều rằng lời tôi nói chẳng liên quan gì.

Chú ấy ra về, mấy người thanh niên kia đi phía sau như kiểu lính lác hay bảo vệ gì đó, tôi không biết, họ đều là những người kiệm lời.



- Con quen bác ấy à?

- Cũng có thể xem là như vậy ạ.

- Mày cứ úp úp mở mở, có gì thì nói toạc ra xem nào.

- Bố sẽ sớm biết thôi mà.

Khoảng ba ngày sau đó, cái chú Đ. ấy gọi cho bố tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe rồi lại lần nữa cảm ơn vì tình cảm bố mẹ tôi dành cho cháu chú ấy và dặn rằng sau này có bất cứ vấn đề gì rắc rối nhớ gọi cho chú ấy, xem chú ấy có giúp được gì không. Nhưng một câu mà bố tôi cứ mãi không hiểu chính là:

- Anh chị là người tốt, lại nuôi dạy được một đứa con ngoan, chúc mừng anh chị nhá.

Tôi nghe bố tôi kể trong bữa cơm mà tôi cười mãi, cuộc sống bao giờ cũng thế, chứa đầy sự ngẫu nhiên.

***

Cuối cùng là một người anh, một người bạn của tôi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong một khoảng thời gian dài, khi anh ấy khó khăn thì tôi giúp ngược lại cho nên tình cảm khá là thân thiết, tôi tuy ít hơn ba tuổi nhưng lại luôn đành hanh và hay có kiểu “dạy đời” anh ấy, nhưng tuyệt nhiên anh ấy không bao giờ phàn nàn hay trách cứ, ngược lại, luôn tin tưởng rằng những lời khuyên của tôi là đúng và hợp lý. Chúng tôi có thể gọi là anh em thân thiết và tốt với nhau.

Cách đây hơn nửa năm, sức khỏe của anh ấy hơi kém, dạo ấy lại là dịp cao điểm trong công việc nên tôi thường ở xa, một chiều nằm nghỉ trên một quán nước ven đường tôi thấy anh ấy up ảnh trên FB, nhìn tấm ảnh tôi giật mình gọi về hỏi vợ tôi thì vợ tôi bảo bình thường không có gì nhưng tôi lại thấy rõ ràng trên tấm ảnh đó một khuôn mặt đang cố tươi cười nhưng thần sắc đã không còn, điều tôi thấy là một khuôn mặt tái nhợt nhạt, hai mắt vô hồn, tôi nghĩ là có chuyện nhưng anh ấy theo bên Đạo nên mấy cái này khó nói. Mấy hôm sau nửa đêm thì anh ấy đau bụng, được gia đình đưa vào viện c·ấp c·ứu, do đề phòng Covid nên số người vào thăm được sau khi mổ rất hạn chế. Gia đình nội ngoại bên đó đều biết tôi nên đã dành cho hai vợ chồng tôi vào thăm trước cũng để động viên tinh thần, vợ tôi vào trước được chừng 1 phút, bước ra thì hết giờ thăm, tôi đứng tần ngần ở cửa phòng, trên người mặc cái áo của bệnh viện đưa cho, tôi nói vội với mấy y tá.

- Cho mình vào đúng ba mươi giây thôi cũng được, nhờ các chị giúp.

Tôi may mắn chạy ù vào, chỉ kịp miệng hỏi thăm còn tay thì rút nhanh tiền ra đưa cho vợ anh ấy nói là bạn bè ở công ty gửi, bắt được cái tay anh bạn rồi động viên cố gắng mau khỏe để đi làm trở lại, tôi hứa sẽ chở anh ấy đi Đà Lạt nghỉ, cho ăn thịt gà rừng nướng tẹt ga luôn. Bác sĩ vào thăm khám nên cũng chỉ kịp nói chừng ấy rồi vỗ vai nhẹ mấy cái thì tôi phải đi ra.

Vợ chồng tôi hiếm hoi được gặp anh ấy khi còn tỉnh, sau đó do d·ịch b·ệnh nên người nhà cũng chẳng được vào nữa, năm hôm sau anh ấy mất, nghe tin tôi cũng chẳng biết nói gì, chỉ biết thở dài và lắc đầu. Trên đoạn đường tôi lái xe về nhìn mặt anh ấy lần cuối, đoạn đường dài gần 20km ven đô thị tất cả đèn tín hiệu đều bật màu xanh ...

Trong buổi sớm tiễn đưa anh bạn tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi đi một mình từ nhà, suốt một đoạn đường dài tôi suy nghĩ miên man không ngừng về ngày 4 tháng 9 của những năm trước và những đoạn đường tôi đi, đèn tín hiệu đều có màu xanh một lần nữa.

---

***