Chương 54: Mùa Hè Kiếm Tiền
Mùa hè ở Hà Nội thật sự là ngột ngạt, ngoài cái nắng nóng của mặt trời chiếu rọi lên mái tole thì còn một phần nhiệt rất nóng được tỏa ra từ cái bếp lò đun sữa đậu nành, trên hai lò đun là hai cái nồi hơi bằng thép không gỉ to tướng. Theo như tôi nhớ, nguyên bản nồi hơi này bố tôi mua ở bên nhà máy Xe lửa Gia Lâm, có cái mới, có cái đã qua sử dụng. Những nồi hơi dạng hình trụ và cao khoảng một mét sáu này cũng được sử dụng để hấp tiệt trùng quần áo ở các bệnh viện thời đó, đấy là tôi nghe nói như vậy. Tôi vẫn nhớ là trong mỗi cái nồi đó đựng được khoảng hơn một trăm chai sữa cho một lần đun tiệt trùng, mỗi nồi đun này có một cái đồng hồ hình tròn giống như cái đồng hồ của cái bơm ô tô vậy, nhưng lớn hơn. Mỗi một lần đun như thế không có thời gian cố định nhưng thường là sáu mươi phút nếu đủ nhiệt, cái kim đồng hồ chỉ áp suất đến hai cân thì rút lò ra sau đó xì hơi đi, xì hết hơi thì xả bớt nước và mở nắp nồi ra.
Trong các công đoạn thì mở nắp của nồi hơi có thể gọi là một công đoạn nguy hiểm nhất vì có một số chai thủy tinh khi gặp chênh lệch nhiệt độ có thể nổ và nếu bị nổ một vài chai thì không vấn đề gì vì ai cũng có kinh nghiệm hết cả, kinh nghiệm là thứ rất đáng quý và thường được trả bằng những sai lầm, thi thoảng vẫn có việc xả hơi chưa hết nên khi mở nắp, hơi nóng phà ra sẽ gây bỏng da. Công đoạn này tôi quan sát rất nhiều lần nhưng tôi không được đến gần vì còn nhỏ, không được làm nhưng đứng từ xa quan sát thì được. Có lần khi mở nắp nồi hơi nhiều chai thủy tinh bị nổ dây chuyền, mảnh thủy tinh cùng nước sữa nóng bắn ra tung tóe, tôi cũng hết hồn một phen nhưng lại thấy rất phấn khích, thật khó hiểu.
Tôi tuy nhỏ nhưng được trả lương nên dĩ nhiên sẽ phải làm việc đàng hoàng, tôi thích như thế chứ không phải dạng bị ép buộc. Tôi có thể làm nhiều việc như dùng cái vòi nho nhỏ để vào miệng các chai để sữa chảy từ bình lớn xuống, đây là công việc nhẹ nhàng nhất nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tôi đã cố gắng để biến cái thứ công việc nhàm chán ấy trở thành một... nghệ thuật. Khi sữa chảy đầy một chai thì khóa vòi cho vào chai khác nhưng tôi thấy làm thế quá lâu nên rút gọn bằng cách “căn” nước chảy và rút vòi thật nhanh cho vào chai khác, dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi rơi rớt một ít ra bên ngoài vỏ chai nhưng sau khi chai được đóng nắp sẽ được rửa thêm một lần bằng nước ấm, sẽ sạch bóng luôn, tôi đã cố gắng biến cái công việc kiếm tiền ấy thành trò chơi của trẻ con.
Thi thoảng tôi cũng thử sục rửa các chai thủy tinh được thu hồi về để tái sử dụng nhưng tay tôi quá nhỏ, không thể hai tay giữ hai chai khi ngoáy rửa quay tròn được, tôi cũng từng thử rửa từng cái một nhưng tốn nhiều thời gian, không hiệu quả nên tôi không làm việc đó nữa. Việc sau cùng, việc tôi rất quan tâm đấy là công đoạn dập những cái nắp thiếc có in logo 113 lên chai, tôi làm nhiều đến khi quen tay nhanh như một cái máy bán tự động, thật ra trong quá trình làm cũng vài lần quá lực nên chai thủy tinh bị vỡ, tí nữa thì đứt tay nhưng may mắn đều vô sự. Sau khi hết ba tháng hè thì tôi có thể tự hào với bản thân rằng mình là một công nhân lành nghề của gia đình, lương được trả Ba trăm năm mươi nghìn một tháng, kiểu vừa trả vừa cho nhưng tôi thấy xứng đáng là được.
Sau mùa hè ấy, ngoài tiền lương bố mẹ trả cho thì tôi còn có thêm một vài khoản khác tiết kiệm từ tiền ăn sáng, tiền bà Trẻ cho, tiền đi mua đồ giúp còn thừa mẹ tôi cho luôn... cũng kha khá, tôi trở nên giàu có. Nhưng tôi cũng phát hiện ra rằng mẹ tôi có tính hay quên, tiền lắm khi chi không nhớ đã chi cái gì và toàn đưa thừa.
Một ngày, tôi phát hiện ra rằng ở nhà sách người ta có bán một tấm bản đồ du lịch của thành phố Hà Nội, điều này trước đây tôi không nghĩ đến, nhưng ngay khi nghe đến việc có một bản đồ chi tiết về Hà Nội thì tôi đã đi mua, chính là ở chỗ nhà sách số 240 Tôn Đức Thắng, nhà sách này tôi nhớ là vì nó nằm đầu ngõ vào trường cấp III Tô Hiến Thành, tôi nghĩ mình nhớ đúng. Bảy nghìn đồng cho một tấm bản đồ của Hà Nội, kích thước có lẽ bằng khổ A0, bản đồ phần lớn có màu vàng nhạt và một ít màu xanh ở khu vực trung tâm, phía sau chi chít thông tin về các phố, các con đường theo thứ tự Alphabet. Tôi mất gần hai ngày để ngắm nghía và tìm hiểu về tấm bản đồ, hiểu về cách tìm tên con phố mình muốn nằm ở ô nào của bản đồ, rồi thêm cả hướng Bắc Nam. Cầm tấm bản đồ Hà Nội trên tay, tôi tưởng như mình chính là người khổng lồ có thể chỉ bằng hai con mắt nhìn trọn cả thành phố, cảm xúc rất thú vị.
Công việc mỗi ngày thường kết thúc vào lúc hai giờ chiều hoặc muộn hơn, nên sau thời gian đó tôi đều rảnh, với cái xe đạp của mình tôi bắt đầu hành trình khám phá thử thành phố, tôi rất tự tin rằng mình sẽ không bao giờ bị lạc đường. Tuyến đường đầu tiên tôi lựa chọn để đi thử là từ đầu Ô Chợ Dừa đi vào Đê La Thành, đi theo hết Đê La Thành mãi đến đường Láng thì rẽ trái, đạp thong dong suốt đường Láng cho đến Ngã Tư Sở thì lại rẽ trái vào Tây Sơn để đi về nhà, tôi tưởng tượng mình đã đi theo một hình vuông. Trong quá trình di chuyển thì tôi tà tà ngắm phố phường xem có gì hay, có gì đẹp và chỉ nhìn ngắm chứ không có một chủ đích nào cụ thể, mấy buổi chiều như vậy giúp tôi bạo dạn hơn rất nhiều, không còn một chút tự ti nào trong suy nghĩ hoặc lo lắng khi dừng ở một chỗ lạ mà mất phương hướng. Thật sự thì khi đi trong thành phố rất dễ mất phương hướng, mọi thứ rất lộn xộn và chỉ cần đi qua một ngã tư không vuông vức thôi sẽ phải xác định lại vài điểm làm mốc, trong quá trình đi như thế tôi thắc mắc về cách đặt số nhà trên mỗi con đường hoặc phố, bố tôi nói là người ta đánh số chẵn bên phải và lẻ bên trái nhưng tôi không cho là đúng, phải có lý do nào đó.
Khu Nam Đồng rất nhiều các vị Tướng, Tá của Quân đội về hưu cùng nhiều sĩ quan cấp cao hay những người từng làm công việc đặc thù, điểm chung của họ là đều ít nói và có vẻ khó gần nhưng nếu biết gợi chuyện thì lại kể rất nhiều, bác V gần nhà tôi là một ví dụ điển hình. Bác V là bố của thằng D. Bù, một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, cao chừng hơn một mét bảy, da ngăm đen, mặt vuông chữ điền, ít nói và có đôi mắt rất lạ. Đôi mắt của bác ấy luôn nhìn thẳng và ít chớp mắt, cũng không thể dựa vào biểu hiện của đôi mắt ấy để đoán xem bác V có đang hài lòng hay phật ý điều gì không. Nhưng qua một vài mẩu chuyện thì tôi biết bác ấy từng là phi công lái máy bay trực thăng, có thời điểm tham gia đánh Pol Pot ở Campuchia, nghe thấy thế là tôi ấn tượng ngay, gì chứ lái máy bay là oách nhất rồi, ngồi từ trên cao có thể thấy mọi thứ và có thể bắn được súng vào quân thù. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ.
Tôi quyết định hỏi bác V về việc tại sao ở Hà Nội người ta lại đánh số nhà bên chẵn bên lẻ quy củ như thế, căn cứ vào cái gì?...Khi nghe tôi hỏi thế, bác ấy đang ngồi uống nước chè bên quán cóc ngay gần nhà. Bác ấy rất ngạc nhiên vì có một đứa trẻ con hỏi điều ấy, tôi đoán là như vậy.
- Hỏi làm gì nhóc?
- Thì bác biết là cháu ở quê ra, mấy thứ này cháu không biết nên hỏi thôi mà.
- Cũng đơn giản thôi, mày cứ chú ý mấy thứ như cầu, ngã tư lớn, chợ hoặc bến sông.
- Vâng, rồi sao hả bác?
- Thì số nhà sẽ bắt đầu từ số 1 ở những nơi ấy, mấy chỗ đấy được lấy làm mốc.
Tôi gật gù ra vẻ đã hiểu.
- Nhưng cháu thấy đường thì đầu nào cũng có ngã tư cả...
- Dĩ nhiên là người ta sẽ có những thứ tự ưu tiên, mày nhỏ nói không hiểu hết nhưng dễ nhất là mày cứ tính theo hướng Bắc–Nam, Đông-Tây, ở Hà Nội này thì thường chọn phía Bắc là điểm đầu còn trong Sài Gòn người ta hay chọn từ Đông sang Tây.
Những hiểu biết ban đầu này đối với tôi là rất quý giá, tôi lại ngưỡng mộ phi công quân sự hơn vì họ biết nhiều thứ hay.
- Để cháu trả tiền nước cho bác!
- Ơ, thằng này khá nhỉ, tốt!
Bác V vỗ vai tôi mấy cái, nụ cười khá là hiền hậu chất phác. Tôi rất tiếc khi nghe tin bác ấy mất vì u·ng t·hư ở tuổi sáu mươi mốt, trước lúc bác ấy mất hai tháng, vô tình tôi ghé thăm thì giật mình vì người đàn ông to cao khi xưa bây giờ đã trở nên héo hon, gầy gò và đôi mắt đượm buồn. Tôi cứ áy náy mãi vì lúc ấy trong người có mỗi tờ Hai trăm nghìn, lúc vào thăm lại để quên ví trên xe, tôi đã muốn biếu bác ấy nhiều hơn.
Cuộc sống bộn bề có quá nhiều thay đổi, thời gian trôi đi cũng mang theo những người tôi từng quen biết đến một nơi xa.
***
Tính ra cái anh chàng tự treo cổ mình lên cành cây xà cừ đ·ã c·hết được gần một năm, bố mẹ tôi cũng vô tình thuê được phòng trực bảo vệ trạm bơm, phòng này rất rộng và giá thuê thì theo bảng giá của Nhà nước nên cũng rẻ. Thuê giá rẻ và rộng rãi nên mẹ tôi, một người nhát ma đến như vậy, mới có đủ động lực vượt qua sợ hãi, dám ở một chỗ mà ngay trên đầu giường ngủ chỉ mấy tháng trước đã diễn ra một c·ái c·hết khá bi thương và đầy ám ảnh. Tôi thì dĩ nhiên chẳng sợ, tôi nghĩ xung quanh đây có quá đông người chứ không vắng vẻ và tối tăm như ở làng Bưởi Cuốc của tôi vào mỗi buổi tối.
Tôi vẫn luôn không quên cây xà cừ này, hồi 2019 tôi ghé thăm thì nó vẫn còn đấy, nó là một cái cây cao mà ngọn thì gần như ngang với mái của khu nhà tập thể A2, nó nằm ngay phần góc của khu đất nơi chứa bể nước ngầm, dưới gốc cây là những lá mục, gạch vụn, đất đá, cành khô... nhìn cũng thấy ẩm ướt. Từ gốc cây này đến đầu hồi của dãy nhà trạm bơm khoảng hơn năm mét. Thi thoảng mỗi tối tôi leo lên trên nóc một mình để đứng ngắm vu vơ xung quanh, chắc do ở quê tôi quen với không gian thoáng đãng nên đôi lúc vào những buổi tối tôi cảm thấy ngột ngạt, tôi thích đứng trên cao. Không phải tôi không nhớ đến cảnh anh chàng thanh niên đã treo cổ c·hết trước đây đã ít nhiều ám ảnh tôi, nhưng tôi nghĩ rằng trước mặt là nhà, mình lại đứng trên nóc trạm bơm, cũng là phòng bố mẹ mình thuê thì chắc... ma ở cây xà cừ sẽ né tôi ra.
Nhưng đấy là tôi nghĩ như thế, chứ ma nghĩ như thế nào thì tôi làm sao mà biết được.
---
***