Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 52 : Sinh Nhật Kỷ Niệm




Chương 52 : Sinh Nhật Kỷ Niệm

Hết học kỳ I của lớp 7, tôi vẫn là một học sinh có học lực khá nhưng đám con trai còn lại thì không được tốt, mấy đứa có dấu hiệu đuối, thậm chí nguy cơ hết năm phải ở lại lớp. Những môn học mới như Vật lý và Sinh học có vẻ là cái gì đó quá mới mẻ, chắc vì thấy đám con trai trong lớp tụt hậu so với đám con gái quá nên cô chủ nhiệm không biết bằng cách nào lôi được một đứa con trai từ lớp 7A chuyển qua học 7B. Thằng này tên là Sang, cao hơn tôi một chút, tính tình hiền lành và ít nói, có đôi mắt đen láy và tròn xoe như hai hột nhãn, tôi liên tưởng như vậy. Nó được xếp ngồi cạnh tôi, một thằng nói nhiều và một đứa ít nói rất dễ chơi với nhau, tôi hay mang truyện cho nó mượn vì nó chưa được đọc truyện bao giờ, bố mẹ nó rất nghiêm khắc và nó chỉ được phép tập trung vào việc học.

Ban đầu khi vào lớp thì sức học của nó cũng bình thường nhưng tôi đặc biệt chú ý đến sự cần cù, chăm chỉ của nó đối với việc học, có vẻ như đối với nó việc học là trên hết vậy, làm bài tập xong nó mới chịu đi chơi, điều này khiến tôi rất nể. Tôi cũng là đứa chăm chỉ và luôn đặt ra mục tiêu cho mình nhưng phần lớn là phục vụ mục đích cá nhân như chơi, đọc truyện, mua bán… chứ học hành nói thật là cũng chểnh mảng, chỉ đủ để không bị thầy cô giáo nhắc nhở là được. Mấy môn tôi thích như Lịch sử hay Địa lý thì tôi đặc biệt quan tâm và tìm tòi, tôi nghĩ là ai cũng có thói quen của riêng mình.

Thằng Sang là một tấm gương mà tôi nghĩ tôi không theo được, hết lớp 8 thì nó là học sinh giỏi và đến lớp 9 cũng thế, thầy giáo dạy môn Hoá và Sinh cực kỳ thích nó. Lên đến cấp III nó cũng vào học lớp A3, cũng xem như không có gì nổi trội nhưng do chơi với thằng này nên tôi biết nhất định nó sẽ khác biệt. Đợt 2002 vô tình gặp nó ở chỗ đi học thêm tiếng Anh thì hay tin nó đang học lớp Tài năng của trường Đại học Xây dựng, bẵng đi hơn mười năm sau khi liên lạc được với nhau thì nó đã có vợ con ở bên Nhật, trước đợt Covid năm 2020 nó về công tác mà cuối cùng lại chả gặp được nhau. Sở dĩ tôi muốn gặp lại nó để ôn lại kỷ niệm xưa cũng như cảm ơn nó đã không ít lần dành thời gian dạy tôi môn Hoá học, đủ để tôi đạt điểm số mà không bị phê bình. Thằng bạn này của tôi chính là minh chứng sống cho câu người xưa hay nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim” có thể bản chất nó không phải là đứa tài năng nhưng chính sự cần cù, chăm chỉ và không ngừng học tập đã giúp nó gặt hái được nhiều thành công hơn bạn bè.

Gần hết năm Âm lịch, nghĩa là sẽ lại đến Tết, mà Tết thì hay khô và lạnh nhưng điều tuyệt vời là được nghỉ học, được chơi và ngủ thỏa thuê. Tết năm ấy, bố mẹ tôi chở tôi sang chơi Tết ở nhà cô chủ nhiệm, tôi thì không hiểu lắm nhưng tôi thấy cô chủ nhiệm rất vui, có vẻ như trước đó chưa có bậc phụ huynh nào đến chúc Tết cô đúng nghĩa là phụ huynh vì cô cũng là người trong xã, nhiều học trò lớp tôi đều có họ hàng với cô nên việc bố mẹ tôi đến chúc Tết tôi nghĩ là một sự kiện bởi vì đầu năm sau đi học lại, cô không nói đích danh là ai nhưng cô nói trước lớp rằng:

- Cho cô gửi lời cảm ơn đến các bậc phụ huynh đã dành sự quan tâm cho cô vào ngày Tết, cô rất cảm động, đây cũng là động lực cho cô thêm gắn bó với công việc của mình.

Lũ bạn học của tôi sau đó bàn tán không hiểu gì về lời cô nói, nhưng tôi thì hiểu. Tôi ngồi trong lớp nghe lời cô giáo nói cũng cảm động, sau tôi có kể lại với bố mẹ, từ đó ngày lễ, Tết bố mẹ tôi đều đến thăm cô hoặc gửi hoa, tôi vẫn duy trì việc đó thêm vài năm sau nữa. Quả thật ở thời đấy nhà ai cũng phải lo miếng cơm manh áo vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, một số gia đình thậm chí muốn con nghỉ học đi chăn bò, làm ruộng… nên việc quan tâm đến đời sống tinh thần của các thầy cô giáo hầu như bỏ không, trừ khi gần nhà hay cùng làng còn có cơ hội hỏi thăm hay gặp mặt. Chính điều này khiến tôi hiểu rõ được rằng việc “phú quý sinh lễ nghĩa” là do bố mẹ tôi có điều kiện kinh tế, lại ở những nơi có thể gọi là hiện đại hơn nên suy nghĩ cũng cấp tiến hơn chứ trước đó chính bố mẹ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc cô giáo của con mình là ai. Một số người khi nói chuyện hay ngại đụng chạm đến tiền bạc vì sợ b·ị đ·ánh giá là con người thực dụng, nhưng tôi lại nghĩ khác, nếu không có tiền thì chả thực hiện được điều gì cả. Tất cả mong muốn, dự định, kế hoạch mà không có tiền sẽ luôn nằm ở “thì tương lai” hiểu về giá trị của đồng tiền và cư xử phù hợp với đồng tiền sẽ giúp mỗi người tránh xa được rất nhiều phiền phức.

***

Sinh nhật lần thứ mười hai của tôi tính theo Dương lịch thì gần đến dịp hội trại 26/3, trước hội trại cả gần nửa tháng thì chúng tôi hay tụ tập ở nhà lớp phó học tập để chuẩn bị đủ các thứ, nào là đèn ông sao, mũ ca lô rồi quấn giấy đỏ, vàng, xanh… kín lên những cái sào dài, thêm cả việc bện cành dừa nữa, nói chung là với mấy đứa trẻ ở nông thôn thì việc này không khó khăn gì, tôi thì không phải thuộc dạng khéo tay nhưng tôi nhanh nhẹn, vì nhanh nhẹn nên phụ trách làm chân loong toong cho cả đám sai đi mua các thứ lặt vặt. Tôi vẫn nhớ loại hồ dính màu nâu nhạt trong cái lọ tròn màu đen, tôi phải đi mua cái đó rất nhiều để phục vụ việc dán trang trí.

Tôi không có khái niệm rõ ràng về sinh nhật, ở quê tôi lúc đó có vẻ như nó là một thứ xa xỉ và chỉ dành cho những đứa ở thành phố mà thôi, nhưng bố mẹ tôi gọi về báo rằng sẽ tổ chức sinh nhật cho tôi. Tôi cũng không biết một sinh nhật thì nên có những gì nhưng tôi mời cả đám bạn đang lúi húi ngồi ở sân nhà con bé lớp phó, chúng nó cũng có phần ngạc nhiên nên hứa sẽ đi.

Chiều hôm ấy, gần hai giờ chiều thì mười mấy đứa có mặt đông đủ nhưng… bố mẹ tôi chưa về tới, tôi sốt ruột quá nhưng chả biết làm cách nào, ngồi một lúc chúng nó bảo phải về còn lo chuẩn bị các thứ cho xong, chỉ còn một tuần nữa là tới 26/3 rồi. Tôi chả biết nên trả lời thế nào, đứng giữa sân buồn thiu nhìn đám bạn mình ra về, vừa xấu hổ vừa trách bố mẹ về muộn quá, đứng tần ngần hồi lâu định đi vào nhà thì nghe thấy tiếng xe máy. Bố mẹ tôi đã về tới mang theo cả một hộp bánh sinh nhật và rất nhiều thứ kẹo, hạt dưa… tôi cứ đứng nhìn cái bánh sinh nhật ấy mãi vì đó là lần đầu trong đời tôi tận mắt thấy, nó màu trắng và có hai tầng, thêm những viền trang trí xanh đỏ ở xung quanh.

- Bạn bè con đâu? – Bố tôi lên tiếng hỏi.

- Chúng nó mới về ạ, vì sợ chờ lâu mà bọn con đang chuẩn bị hội trại tuần sau.

- Vậy mau đi gọi các bạn lại chứ!

Tôi lấy xe đạp ra và đạp nước rút, sao bọn nó đi nhanh thế chứ, mới có một lúc mà đuổi theo mãi không được, mãi tới khi vào tới nhà lớp phó học tập thì cũng kịp chúng nó mới vào tới sân, tôi thở hổn hển:

- Bố mẹ tao về rồi, chúng mày vừa đi thì về tới.

Lũ bạn nhìn tôi rồi nhìn nhau, tôi đoán là nửa muốn đi nửa không vì lười, tôi cũng không biết nên nói gì vào lúc này cho phải.

- Đi, ăn xong rồi về làm tiếp!

Giọng tôi nài nỉ, chúng nó không đi thì sinh nhật có gì vui.

- Thì đi, nhưng ăn mau rồi về còn làm nhé!

Chả biết đứa nào nói lúc ấy nhưng quả thật lời nói chả khác gì phao cứu sinh cứu vớt sinh nhật của tôi, tôi nhìn lớp trưởng, lớp phó và mấy đứa tổ trưởng thấy chúng nó cũng leo lên xe đi thì mừng rơn:

- Đi, đi thôi!

Tôi vội vàng quay xe và phóng đi trước, lũ bạn thong thả đi sau. Sinh nhật đó là sinh nhật đáng nhớ nhất của tôi trong suốt những năm đi học vì có nhiều bạn bè tham dự, đứa nào cũng vui vẻ và bố tôi cũng mang theo máy ảnh chụp một số tấm làm kỷ niệm. Bao nhiêu năm rồi mỗi lần nhìn ảnh tôi lại nhớ lúc mình đạp xe đi gọi các bạn, vừa đạp vừa thở, nhớ khi những ngọn nến được thắp lên, cái bánh được để trên tấm phản truyền thừa mấy đời, rồi cùng các bạn của mình ăn sạch, tôi nhớ mình đã có những phút giây hạnh phúc tuyệt vời.



Đêm hôm ấy, khi chuẩn bị bước sang ngày mới thì tiếng gọi quen thuộc cất lên từ phía cửa sổ:

- Ra ngoài chơi thôi!

Tôi đang nằm mơ màng, nghe thấy tiếng rủ rê thì bật dậy mở cửa đi ra sân, lại là một đêm trăng sáng và đã treo lên cao.

- Lâu quá rồi không gặp chị!

- Cũng mới đây chứ mấy.

- Chị chờ em một chút!

Chị Ma lúc này đang ngồi trên bồn hoa ở đầu hồi nhà, chân đong đưa. Tôi trở vào nhà lấy ra một phần bánh sinh nhật để trên chiếc đĩa nhựa màu trắng, lúc chiều tôi đã cất đi một miếng để phòng hờ vậy thôi, không ngờ bà chị này lại xuất hiện thật.

- Cái gì thế?

Tôi đặt cái ghế gỗ xuống bậc thềm và để đĩa bánh lên, tôi đứng giới thiệu:

- Cái này là bánh sinh nhật, ăn rất ngon!

- Thế à? Sao chị chưa từng ăn bao giờ nhỉ?

- Hôm nay em cũng lần đầu thấy, chắc phải trên Hồ mới có, còn bánh này bố mẹ em mang từ Hà Nội về cho em. Em có thắp nến hồi chiều chắc chị vẫn ăn được chứ?

- Chưa cúng thì dĩ nhiên chị ăn được.

- Vậy chị ăn thử xem, ngon lắm!

Tôi hơi mở to mắt theo dõi xem phản ứng của chị Ma, lâu không gặp, kỳ này gặp sao thái độ cứ kiểu gì. Đợi một hồi lâu tôi mới hỏi:

- Ngon không chị?

- Ngon, nhưng mà ngọt quá đấy, thi thoảng ăn cũng được.

- Cái này một năm chỉ được mua có một lần thôi, mua vào ngày sinh nhật đấy. Chị sinh ngày bao nhiêu, hôm nào sinh nhật chị em cũng mua cúng hẳn một cái luôn.

- Chị không biết, chả biết mình sinh ngày bao nhiêu, lâu quá rồi...

- Hay năm nay ngày cúng giỗ chị, em thay bằng bánh sinh nhật nhá, có nến… ừm… hẳn mười bảy cái nến luôn được không?

- Cũng được...



Tôi nghe âm giọng thấy cứ thản nhiên như không, chả vui chả buồn, cứ đều đều nên tôi im lặng một hồi, vào nhà lấy thêm một cái ghế nữa ra ngồi cho cao chứ đứng mỏi chân lắm, thấp không có lỗi nhưng nói chuyện với người cao hơn thì mỏi cổ. Tôi đặt ghế ngồi xuống gần cái ghế có miếng bánh sinh nhật:

- Chị có chuyện gì buồn hay sao? Từ hôm gặp chị ở trên nhà bà ngoại em thì em thấy chị cứ khác khác...

Im lặng, chị Ma không đáp lại lời tôi, thản nhiên nhón tay quệt một cái lên phần kem của miếng bánh rồi đưa lên miệng nếm.

- Hay chị giận em cái gì à?

- Giận gì, chả có gì mà giận.

- Thế sao chị không giống như trước đây thế?

- Được rồi, vậy chị hỏi em, thế chị với cái con bé áo xanh đó ai đẹp hơn?

Tôi hơi giật mình, tí thì té ghế ngã vì cái ghế đặt trên bậc thềm. Tôi nhìn chị Ma một hồi rồi tỏ vẻ khổ sở hỏi lại:

- Chỉ vì chuyện đấy mà chị giận hay sao?

- Em không trả lời câu hỏi của chị, em trai ạ!

- Dĩ nhiên là chị đẹp hơn rồi, theo em thì chị gì kia chỉ được năm điểm, còn chị nhất định phải điểm mười. À không phải, theo em nên cao hơn điểm mười. Ít nhất phải đẹp gấp đôi đấy!

Tôi nói liến thoắng, phải nói nhanh và không vấp, nếu không nhất định sẽ bị hỏi vặn lại, cứ nói thế đã, đến đâu hay đến đó. Chị Ma quay sang nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi bật cười, cuối cùng thì cũng có vẻ bình thường trở lại thật:

- Đúng là lẻo mép thật đấy, kiểu gì cũng nói được!

- Ôi, thế thì chị lại không biết một bí mật rồi.

Tôi khịt mũi.

- Bí mật gì? Em biết điều gì?

- Cái này thì phải quý chị thật sự em mới nói, chị cũng phải giữ bí mật vào chứ không lại phiền phức lắm!

- Đâu, bí mật gì, nói đi, nói đi rồi chị sẽ thưởng cho em nếu bí mật đó quan trọng!

Tôi cũng phải tỏ vẻ nghiêm trọng một chút, nhìn trước, nhìn sau, nhìn ngang dọc… chị Ma thấy vậy sốt ruột giục:

- Có gì thì nói đi, ở cái đất này không có ai nghe được đâu mà sợ!

Tôi tin rằng mình đọc nhiều truyện tranh hay truyện chữ cũng thật sự có ích, quá có ích đi ấy chứ.

- Chị có biết điều bí mật này không?

Tôi cố tình nói nhỏ, tỏ ra nguy hiểm. Chị Ma nhìn tôi chăm chú như sợ sẽ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, đôi mắt cứ chớp chớp liên hồi, đôi khi tôi cũng tò mò hồi còn sống thì chị ấy đã sống những năm tháng tuổi thơ như thế nào.



- Em được nghe mẹ em nói chuyện với mấy bác hàng xóm ở ngoài Hà Nội ấy, mọi người nói rằng mẹ em trẻ lại đẹp, rồi họ chỉ ước gì được trẻ lại.

Tôi nói đến đó thì ngưng, chị Ma sốt ruột hỏi:

- Thì sao?

- Em thấy cái chị gì ở trên nhà bà ngoại em bảo là chị ấy mười tám tuổi, mà chị thì chỉ có mười bảy tuổi, đấy chị xem, chị chắc chắn là đẹp hơn vì chị trẻ hơn. Em chưa thấy ai có thể thay đổi tuổi của mình để trẻ hơn được đâu, em nói thật đấy!

- Đúng rồi, làm sao có thể thay đổi tuổi của mình được?!

- Đấy, đấy chính là lý do chị gì kia không bao giờ đẹp bằng chị, chị xem em nói đúng không?

- Đúng! Đúng!

Chị Ma đưa tay lên che miệng cười, có vẻ rất khoái chí, sau một hồi chị ấy nói:

- Thảo nào mọi người đều khen chị đẹp nhất vùng này, hoá ra chị không những đẹp mà còn trẻ nữa. Đúng là cả cái vùng này không có đứa nào c·hết lúc mười bảy tuổi hết, chị hỏi rồi, toàn mười tám với mười chín thôi.

Tôi nghe nói thế thì thở phào, cuối cùng cũng có thể làm chị ấy hài lòng.

- Mà sao em lại cho đó lại là bí mật?

- Ui, chị không biết à, giờ em mà hở miệng ra nói ai đó xấu và già thì chắc chắn họ sẽ đánh em c·hết mất, cái chị gì kia cũng đẹp nhưng em chắc chắn không trẻ bằng chị, em cam đoan luôn!

- Ừ, em nói cũng phải!

Chị Ma nói xong thì đứng dậy tung tăng đi vào khu vườn nhưng một lát sau khi tôi chuẩn bị vào nhà thì lại quay lại:

- Này, lúc chiều bạn bè em đến đây rất đông để mừng sinh nhật, thế em có muốn được tặng quà gì không?

- Em không, em thấy mọi người đều vui, em cũng vui là được rồi. Mà hôm nay chị cũng vui như thế thì hẳn nhiên là điều tốt rồi còn gì nữa?

- Không cần gì thật hả?

- Em không, bây giờ em có thấy mình cần gì đâu.

- Thôi được, đằng nào chị cũng chưa nghĩ ra nên thưởng cho em cái gì, nhưng một đứa em ngoan nhất định nên được thưởng. Thế nhé!

Rồi chị ấy biến mất, tôi đứng nhìn trăng một lúc, không thấy gì nữa thì quay vào nhà nằm. Tôi miên man suy nghĩ, tôi thật sự thấy bọn con gái thật khó hiểu, sao cứ phải so đo xem mình có đẹp nhất không để làm gì? Như tôi đây, đám bạn chê tôi xấu trai tôi đồng ý luôn, chê thấp bé tôi đồng ý luôn, chỉ có mỗi chê tôi ngu dốt thì tôi không hài lòng lắm nhưng cũng không để bụng bao giờ.

Một tuần sau thì diễn ra hội trại, đó là hội trại lớn nhất thời học sinh tôi được tham gia, rất nhiều cảm xúc, tôi chưa bao giờ quên cái hội trại 26/3/1996 diễn ra trên sân vận động của xã, đặc biệt là đêm ngày Hai mươi lăm trước đó còn được ngủ lại ở trong lều trại rồi kể chuyện cho nhau nghe. Cuộc sống của tôi luôn đầy những bất ngờ, sau này thì tôi cũng có nhiều kỷ niệm gắn với ngày 26/3, thậm chí là rất nhiều. Cũng ở hội trại ấy, tôi có gấp một cái mũ ca lô màu đỏ, tuy không đẹp nhưng tôi đã rất cố gắng. Cái mũ ca lô ấy tôi đã đem về đốt lên gửi chị Ma, hi vọng chị ấy sẽ thích và có thể đội đi đâu đó chơi, hẳn là chỉ có tôi mới gửi tặng chị ấy những thứ kỳ lạ như vậy mà thôi.

---

***