Chương 429:Rung cây nhát khỉ
***
Thật ra Sơn Ca không muốn giúp bà Còng cũng khó bởi sáng ngày hôm sau mới mở mắt ra tôi đã thấy bà Còng ngồi ở quán của bà Nhuận. Bà Còng thường ra chợ ngồi sớm nhưng hôm nay bà quyết định đi chợ muộn hoặc nghỉ.
Đêm qua chắc bà cụ lại ngủ không ngon hoặc khó mà ngủ được. Chẳng mấy khi gặp ông thầy bói có thể trấn yêu trừ ma như lời rỉ tai của các bà, các cô trong chợ thì bà Còng làm sao có thể bỏ qua cơ hội này.
Sơn Ca nhận lời giúp bà Còng.
Tôi tưởng buổi sáng Sơn Ca sẽ dành thời gian để đi mua sắm những thứ cần thiết để làm lễ như vàng mã, bánh trái… nhưng không. Tôi nghe rõ Sơn Ca chỉ dặn bà Còng mua mấy ngọn nến cùng vài thẻ hương.
Tôi chợt nhớ cái đêm trước ngày hội làng Sơn Ca rời nhà bà ngoại tôi chỉ với một tay nải treo trên vai.
Trong lúc bận rộn với công việc vào buổi sáng thì tôi cũng tranh thủ nghĩ xem Sơn Ca sẽ làm gì, làm vào lúc nào.
-“Chắc làm vào buổi trưa, buổi trưa mặt trời lên cao thì ma quỷ yếu thế”.
Tôi đã đoán đúng.
Khoảng gần 11 giờ trưa thì Sơn Ca lững thững đi ra cổng với cái ba lô khoác trên vai, nhìn thấy vậy tôi liền tạm dừng công việc của mình, không chỉ tôi mà vài anh công nhân khác cũng như vậy. Chính bà Nhuận đã nói với họ rằng trưa nay Sơn Ca sẽ giúp bà Còng diệt yêu ma trú ngụ trong cây xà cừ.
Tôi vừa bước ra khỏi cổng nhà đã nhìn thấy lố nhố hàng chục người đứng túm năm tụm ba ngay gần cửa nhà A2 thì thầm và chỉ chỏ. Đám đông hiếu kỳ bắt đầu tăng dần lên con số gần ba mươi người bởi đây là cơ hội ngàn năm có một, tận mắt chứng kiến một thanh niên trẻ sẽ làm gì đó giúp bà cụ đuổi lũ ma quỷ đi. Ai cũng biết nhánh cây xà cừ từng có người treo cổ, tuy nhiên chẳng ai biết ma quỷ trú ngụ trong thân cây là như thế nào, cũng như một con người bằng xương bằng thịt thì đánh nhau với ma quỷ vô hình ra sao.
Đám đông hiếu kỳ chủ yếu là phụ nữ, mẹ tôi dĩ nhiên không thể thiếu trong số đó. Sợ ma nhưng tò mò muốn nhìn thấy ma vốn là bản chất của nhiều phụ nữ chứ chẳng riêng gì mẹ tôi. Em trai tôi cũng có mặt, đám đông dần vây kín mặt trước ngôi nhà nhỏ của bà Còng, khuôn mặt ai ai cũng háo hức thấy rõ.
Sơn Ca hôm nay khác Sơn Ca tôi từng biết ở bộ quần áo anh ta đang mặc trên người. Vẫn là cái quần tây cũ mèm và đôi dép xăng đan nhưng Sơn Ca mặc một cái áo giống như áo dài cùng một cái mũ khiến tôi liên tưởng đến những ông cụ hay tế lễ ở đình làng.
-“Tay này rõ là màu mè, cũng đã biết cách ăn mặc khác người vào lúc này, nhìn kỳ dị nhưng lại phù hợp với một công việc kỳ lạ”.
Sơn Ca nhìn mang dáng vẻ của một đạo sĩ, tôi không nhớ cái áo anh ta mặc có in hình bát quái hay là không, có lẽ là có bởi thứ đó mọi người hay thấy trên phim ảnh. Chỉ cần mặc cái áo đó vào và không cần giải thích thì ai ai cũng biết trước mặt họ là một vị đạo sĩ.
-Các cô, các bác ở đây có ai sẵn lòng giúp cháu không ạ?
Một vài người hỏi lại là giúp cái gì, không khí khá là ồn ào.
-Một chốc nữa cháu ở trong nhà và khoá kín cửa đánh nhau với ma, cần một người vào trong đó cùng để giúp một ít việc vặt vì bà cụ chủ nhà đã già yếu, không được nhanh nhẹn.
Đám đông bớt ồn ào, nhưng tiếng xì xào vẫn có, người nọ đẩy lưng người kia lên giúp và luôn miệng:
-Kìa! Kìa! Lên giúp bà cụ đi.
Người thì ra sức đẩy còn người được đẩy lại ra sức ngả về phía sau chống lại, nhìn mặt thì cô bác nào cũng tốt bụng, thường này miệng chanh chua đanh đá nhưng lúc này ai ai cũng nói chuyện rất ngọt ngào, tưởng như nói to tiếng sẽ bị anh thầy chỉ định vậy.
Tôi không dám cười.
-Không có gì phải sợ đâu ạ, chỉ hơi lạnh một chút thôi.
Tôi phải cố nín cười:
-“Thôi ông không nói có phải tốt hơn không, nói như thế khác gì doạ các cô ấy chạy mất cả dép.”
Đám đông im bặt nhìn nhau, ai ai cũng đều lắc đầu, một cách vô thức đám đông chẳng ai bảo ai tự nhiên lùi lại một vài bước làm trơ ra tôi và mấy anh công nhân đứng hóng chuyện.
-Mấy anh thanh niên kia giúp nhé, chừng nửa tiếng thôi. Thanh niên mà sợ cái gì.
-Không, bọn anh phải về làm bây giờ, công việc không bỏ dở được.
Tôi không biết anh nào đã trả lời nhưng ngay lập tức các anh lấy nháy nhau lỉnh về ngay thành ra trơ lại mỗi tôi và thằng em trai. Tôi nhìn thằng em mình, nó cũng nhìn tôi và bất giác lùi lại một bước, nét mặt không được tự nhiên, nó sợ.
-Thôi mày giúp bà cụ đi, tao cũng chỉ có hai tay hai chân.
Sơn Ca bước lại đứng trước mặt tôi nói như vậy, tôi quay lại nhìn phía sau và thấy bao nhiêu ánh mắt đổ dồn nhìn tôi. Đó không phải những cặp mắt ái ngại lo lắng cho thằng trẻ con mà dường như là những ánh mắt biết nói:
-“Mau nhận lời đi, bọn tao đứng đây chờ xem mỏi chân lắm rồi!”
Mẹ tôi thì có khác, mẹ có vẻ luống cuống và nói đỡ:
-Thanh niên trai tráng đâu hết mà nhờ nó, cái thằng còi da bọc xương này thì giúp được cái gì.
-Cô lo gì, thằng này sống ở quê quen với bóng tối rồi, nó sợ gì ma. – Chợt Sơn Ca quay sang hỏi tôi – Mày có sợ ma không?
Đây là một câu hỏi khó. Tôi đang đứng trên sân khấu trước cặp mắt của khoảng ba mươi khán giả, có cả con gái của bác Vinh – tức chị thằng Dũng – con bé đó bằng tuổi tôi và đang nhìn tôi chằm chằm, vài đứa con gái khác nhỏ hơn cũng không rời mắt. Bây giờ tôi nói tôi sợ ma thì còn ra cái thể thống gì, mặt mũi tôi chui vào đâu. Là một thằng con trai đầu đội mũ chân đi dép xăng đan, không sợ nắng, chỉ sợ mưa phải dùng áo mưa thì giây phút ấy tính sĩ gái chiến thắng, hơn nữa tôi thì sợ ma cái gì. Có điều trên người tôi lúc này chẳng có bất cứ thứ gì phòng thân - kể cả lá bùa – ai mà nghĩ được mình thành vật tế thần như thế này cơ chứ. Chẳng lẽ bây giờ nhận lời rồi bảo xin phép về đi vệ sinh? Như thế mặt mũi đâu còn.
-“Anh Ca ạ, anh chơi em một vố như thế này là hơi cao tay, thù này em không trả thì e là em ngủ không ngon.”
Thế là tôi phải miễn cưỡng gật đầu, tôi làm gì còn đường lùi. Sơn Ca ơi là Sơn Ca!
-Thanh niên sắp lớn giúp người già là việc tốt, không việc gì phải sợ cháu ạ.
-Chắc gì đã có ma, cố lên cháu.
-Nhìn thằng con nhà Thắm này mặt mày sáng láng, đôi mắt rất có thần, ở quê quen nó sợ gì ma!
-Dễ ấy mà, việc này dễ.
Chẳng lẽ tôi phải quay lại cảm ơn các cô, các bác đã quá khen, nếu dễ thì nãy sao chẳng thấy ai giơ tay xin phát biểu ý kiến.
-Làm việc này có tiền không? – Tôi chợt hỏi – Có tiền thì em mới làm! Đánh nhau với ma nhỡ đâu em c·hết thì sao.
-C·hết sao được mà c·hết, yên tâm. – Sơn Ca động viên.
-Thì có thể không c·hết nhưng có thể b·ị t·hương hoặc bị nhiễm lạnh rồi ốm. Em sợ ốm chứ không sợ ma đâu, em nói thật.
Tôi biết Sơn Ca giúp ca này không tính công xá gì, tôi muốn tranh thủ bắt anh ta ói tiền ra. Đừng có mà mang năm chục hay một trăm ra đưa cho tôi, một triệu tôi còn không để mắt tới cơ mà.
-Này, cô cho mày hẳn một trăm động viên tinh thần mày làm việc nghĩa!
Cô Hương – một cô có nước da trắng trẻo và thân hình đẫy đà, tôi không nhớ cô ấy bị bệnh gì nhưng vì bệnh đó mà cô ấy phát tướng và không thể có con. Chồng cô Hương là chú Tâm, chú Tâm từng là một tay anh chị giang hồ có số má trong khu Nam Đồng này thời còn trai trẻ. Cô Hương ít tuổi hơn bố tôi nhưng chú Tâm thì lớn tuổi hơn bố tôi đến mấy tuổi, sở dĩ tôi gọi bằng chú là do quen miệng gọi theo người lớn. Cô Hương thời điểm này mới mở quán chè Thái Lan cạnh quán của cô Hà, hai người dĩ nhiên như nước với lửa vì bán cạnh nhau. Bởi vì chồng cô Hương từng là một tay anh chị nên chẳng ai muốn dây vào, chính vì thế cô Hương mới mở cái quán bán chè êm xuôi. Thi thoảng tôi cũng nghe cô Hương với cô Hà hát cho nhau nghe những bài hát mà thi thoảng mỗi sáng ở quê tôi thường nghe các bà hát to ngoài cổng khi mất gà, mất vịt. Có lần tôi nói với cô Hương:
-Cô “hát” không hay lắm. Ở quê cháu các cụ hát theo vần, cô nên học hỏi cho ngọt giọng cô ạ.
-Tiên sư cái thằng này, mày chỉ được cái bơm vá là giỏi.
-Không bơm vá thì làm gì, chẳng lẽ ngăn hai cô hát cho nhau nghe? Cháu đâu có ngu.
Tôi không biết bây giờ cô Hương còn là chủ quán chè Thái Lan hay không nhưng tôi chắc chắn rằng cô ấy sẽ không quên tôi bởi nhiều lý do sau này.
Cô Hương dúi hẳn tờ Một trăm nghìn vào tay tôi, tươi cười vỗ vai tôi bôm bốp liền mấy cái khiến tôi muốn chúi đầu lao về phía trước. Cô ấy nặng chắc khoảng tám chục cân còn tôi thì chỉ bốn chục cả bì, bởi thế những cái vỗ vai rất uy lực, hay đúng hơn là những cái đẩy nhẹ vào lưng tôi.
Sơn Ca nhanh nhảu:
-Đấy, mày đúng là tốt số, chưa làm việc đã được mạnh thường quân động viên thần trong khi tao làm việc này không công lấy đâu ra tiền mà trả. Đàn ông làm việc nghĩa đừng tính toán so đo vài đồng làm gì, nhờ!
Tôi chỉ muốn đấm cho Sơn Ca một cái vì bộ mặt nham nhở, đắc ý của anh ta lúc này. Tôi hắng giọng:
-Nhận tiền thì phải làm việc thôi, em là người chuyên nghiệp.
-Thế có cần xin phép về đi đái không? Tí nữa mà đái ra quần thì mất mặt anh hùng lắm. Ở đây lại có mấy em gái.
-Anh đái dầm thì có, em còn khuya!
-Tốt, tốt! Thanh niên là cứ phải như thế.
Nói rồi Sơn Ca quay ra nói với tất cả mọi người:
-Cho dù bên trong có âm thành gì, tiếng động gì thì các cô, các bác cũng tuyệt đối không được mở cửa. Cô bác nào có tính tò mò cứ hé mắt qua những lỗ nhỏ mà xem, nếu đêm về có gặp cái gì lạ thì cứ qua nhà cô Thắm chơi, cháu ở đây chừng hai hôm nữa mới về.
-“Tay này rõ ràng là rung cây doạ khỉ, chắc chắn là như thế”.
Nắng mùa hè như đổ lửa nhưng nhờ tán cây xà cừ mà phần lớn mọi người không cảm thấy nắng quá gay gắt, độ hóng chuyện cao hơn độ nóng gấp vài lần.
***