Chương 423: Chum sành biết đi
***
Một bó hương lớn cắm ngay trên bờ ruộng b·ốc k·hói mù mịt khiến mắt tôi cay xè. Tất cả mọi người túm tụm quanh chỗ tôi vừa phát hiện ra hai cái chum, lúc này đã có thể nhìn rõ hai miệng chum tròn xoe sau khi mỗi người một tay thi nhau dùng tay vạt đất và cỏ đi. Miệng của hai cái chum có đường kính khác nhau, một cái có đường kính khoảng hai mươi phân, cái còn lại có miệng rộng hơn, tôi áng chừng khoảng ba mươi phân.
Bố tôi đưa ra nghi vấn:
-Liệu đây có phải hũ cốt của cụ tổ nhà mình không?
-Chắc là phải rồi, xung quanh đây làm gì có mồ mả của nhà ai đâu anh. - Chú Chung nhận định
-Có phải không thầy Ca? – Bác Thường hỏi với giọng run run, tôi nghĩ bác ấy xúc động – Sao không phải là tiểu sành mà xương lại nằm trong hai cái chum hay vại thế này? Tính từ chỗ nấm mộ ra đến hai cái chum này là gần năm mét, chẳng có lý nào lại thế được.
-Để biết có đúng hay không thì cháu phải làm lễ mới xem được. Nhìn mẩu xương này chứng tỏ đã chôn lâu đời, xương khô và đen bóng.
Sơn Ca đưa miếng xương mà tôi đã phát hiện được cho mọi người cùng xem, ai xem cũng gật gù ra chiều tâm đắc nhưng mỗi người nghĩ gì trong đầu thì tôi chẳng thể nào biết được nhưng theo ngôn ngữ của thời bây giờ thì tôi có thể mô tả rằng đó là những nét mặt giả trân. Không ai dám chắc, chẳng ai có đủ kiến thức để nhận định nhưng lại cố tỏ ra mình là người thông tuệ. Bây giờ nghĩ lại tôi lại thấy khá buồn cười.
Trong khi Sơn Ca quay sang nói chuyện với chú Chung thì bố tôi và bác Thường chụm đầu vào nhau bàn tính chuyện gì đó chỉ có trời mới biết nhưng tôi thì đoán được cơ bản nội dung và tôi đoán không sai. Bố tôi và bác Thường sẽ mang một nắm đất hoặc chính mẩu xương mà tôi vừa phát hiện để đi gặp ông thầy bói mù loà nhằm đối chiếu. Khách quan mà nói tôi cho rằng cách kiểm chứng này là nên làm, rất nên làm để đảm bảo rằng khi hai cái chum được chôn sâu vào lòng đất sẽ không có bất cứ ai phải lấn cấn: Đấy có phải mả tổ nhà mình hay không?
Chẳng ai dặn nhưng tôi biết mình phải làm gì, trong khi không ai để ý thì tôi đã nhảy qua rãnh nước nhanh chân chạy về nhà, lao vào trong buồng nhanh như một cơn gió mặc cho bà Già thắc mắc. Trong buồng có vài cái chiếu mới bà treo trên những cái dây thừng vắt ngang, tôi lấy một cái, vơ thêm cả một tấm áo mưa màu xanh mới tinh mà bà vẫn để giành chưa dùng đến. Bà Già luôn tích trữ những thứ vậy để phòng xa trong khi cái áo mưa bà vẫn hay dùng đã có vài miếng dán bằng băng dính.
-Mày làm cái gì? Làm cái gì mà hấp ta hấp tấp thế cái thằng này?
-Tìm thấy xương cụ tổ rồi bà ạ, lộ thiên, lộ thiên!
-Tìm thấy là mừng rồi, mày vác chiếu của tao đi làm cái gì?
-Lộ thiên chắc chắn phải phải di chuyển vị trí. Bà không tin được đâu, bà có muốn ra xem không? Hai hũ cốt nằm ngay trên bờ ruộng, nằm chình ình trước mặt cháu luôn. Bảo sao đào mấy ngày không thấy.
-Sao lại nằm trên bờ ruộng? Hay là nhầm với của nhà người khác? Cái này phải báo ngay với mấy nhà có ruộng ở đấy.
-Làm sao mà cháu biết được vì sao hũ cốt lại nằm trên bờ ruộng được. Mọi người mang đồ đạc về nhưng quên cái thuổng nên sai cháu quay lại lấy, ai mà ngờ được xương cốt của cụ tổ lại nằm ngay chỗ cái thuổng chứ. Bà thấy có tài không?
-Tao biết làm sao được. Mày mang những thứ này ra ngoài đấy làm cái gì, toàn đồ mới của tao.
-Bà tiếc cái gì, bây giờ trời nắng chang chang, cái chiếu này mang ra để phủ lên chứ ai lại để hài cốt tổ tiên phơi nắng, tội c·hết. Nhà mình còn rượu không bà?
-Còn can 5 lít.
-Nếu phải rửa xương thì tí cháu về lấy, 5 lít đủ không bà nhỉ?
-Tiên sư cha nhà mày, mày không được đụng tay đụng chân vào xương cốt đâu. Đấy là việc của người lớn, tao cấm nghe chưa.
-Xương cốt người nhà mình mà, có phải người ngoài đâu.
Tôi một tay cầm cái áo mưa màu xanh gấp gọn gàng, một bên cắp nách cái chiếu rồi chạy như bay ra cổng mặc cho bà Già đứng trên hiên nhà luôn miệng lặp lại hai chữ “Tao cấm!”.
Hai cái chum đựng xương cốt nằm ở chỗ chẳng ai ngờ đến, lại lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật nên chắc chắn sẽ phải di rời sang vị trí cũ. Trong khi đào hay làm bất cứ việc gì tôi cho rằng nên che nắng bằng cái chiếu. Còn cái áo mưa như kiểu trời xui đất khiến nhưng sau này tôi mới biết mọi thứ đều có lý do, nhất định có người đã mách cho tôi phải mang theo thứ đó. Áo mưa trải ra đất khi rửa xương và sắp lại hình hài của một bộ xương hoàn chỉnh.
Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy rất hưng phấn, trong lòng chộn rộn, nét mặt tươi cười lộ rõ.
Giữa trời nắng chang chang của buổi trưa đầu mùa hè, từ xa tôi nhìn thấy Sơn Ca thắp hương xì xụp khấn vái còn bố tôi với bác Thường đang chạy ngược hướng lại chỗ tôi, trên tay bố cầm mảnh xương. Bố tôi dặn:
-Bố đi một chốc thôi, ở lại trông coi không được đụng chạm đến cái chum nghe chưa?
-Vâng!
Bố tôi liếc nhìn cái chiếu cói tôi đang cắp bên nách và không nói gì. Ngay khi chạy ra đến nơi, tôi dùng cái chiếu to đùng phủ kín lên một khoảnh đất che nắng.
-Thằng này cũng thông minh đáo để biết về mang chiếu ra đắp, phải thế chứ. Chắc cụ tổ nhà mày có máu mủ ruột già nên chỉ chỗ cho mày, con cháu có hiếu thế là tốt đấy. Nhưng mà chỉ sớm có phải tốt hơn bao nhiêu không, báo hại tao đào mệt thấy mẹ luôn.
Chú Chung phì phèo điếu thuốc đứng bên cạnh nói với tôi, giọng vui vẻ thấy rõ. Chú Chung đội cái mũ cối bạc phếch, mồ hôi chảy dài hai bên thái dương, cái khăn mặt màu cháo lòng ướt đẫm quàng trên cổ chốc chốc lại dùng để lau mồ hôi chảy xuống.
-Sao xương cốt của cụ tổ nhà cháu lại ở chỗ này chú nhỉ? Chú đào huyệt, bốc mộ nhiều ở làng mình rồi chú có từng thấy việc như này chưa ạ?
-Đm! Thấy thì đã đéo thành chuyện. Tao bốc mộ người ta để dừng dăm năm thì xô lệch sao được, mộ nhà mày vài trăm năm, mỗi năm dịch chuyển một đốt móng tay này thôi thì…
-Những năm mét, bảo sao… chẳng lẽ mấy cái chum này có chân?
-Tao cũng đéo tin đâu, thằng nào mà kể lại cho tao có khi tao còn hất cho chén rượu vào mặt. Trăm nghe không bằng một thấy, tao cũng sợ mả tổ nhà mày bị nhà ai đấy trong làng bốc nhầm mang đi rồi cũng nên. Ôi, đm! Thế thì buồn cười nhờ? To chuyện, đánh nhau đến nơi mất thôi.
-Sao lại đánh nhau, chú này.
Chú Chung cười hềnh hệch. Bác Tuấn tôi lúc này đang quỳ gối bên cạnh Sơn Ca lâm râm khấn vái, bác ấy là trưởng, đó là việc mà bác ấy phải làm.
-Này cu, sao mày lại tìm thấy được?
-Cháu tìm gì đâu, cái thuổng ban nãy mọi người để ở đấy thì cháu chạy ra mang về, chẳng hiểu tại sao cháu cầm cái thuổng lên lại tiện tay chọc xuống đất một cái rồi thấy mảnh xương.
-Thế là cụ mày chỉ chỗ cho mày rồi. – Nói đoạn chú Chung nhìn khoảnh đất trước mặt với ánh mắt đầy ái ngại – Phí công, phí của! Bây giờ lấp lại rồi san bằng cái đống này cũng oải xôi chè luôn.
Sơn Ca đã làm lễ xong, anh ta lúi húi sắp xếp cái gì đó nữa rồi mới đứng lên phán một câu xanh rờn:
-Đúng là hài cốt của cụ tổ nhà mày rồi, không nhầm được đâu. Xung quanh đây trong bán kính năm chục mét không có bất kỳ bộ cốt nào cả.
-Liệu có chuyện nhà người khác di dời nhầm mộ của cụ tổ em không? Em thấy có khả năng lắm. Từ chỗ cái nấm ban đầu đến chỗ này gần năm mét, em thấy hơi vô lý.
-Không có chuyện đó, mộ này đích thực là của họ hàng nhà mày. Không sai được. Tiếc cái là tao không thể hỏi kỹ hơn được nhưng mày tìm thấy chính là cái duyên.
Cái duyên mà Sơn Ca nói sau tôi mới hiểu rõ tường tận. Chị Ma bảo tôi rằng trên đường đi về, một trong số ba người là con cháu đã đưa ra ý kiến là nếu ngày hôm đó đào thêm nửa mét nữa mà không tìm được thì cứ đúng vị trí cũ của cái nấm mà xây một kiên cố lên. Có thể xương cốt của cụ tổ tôi đã hoá vào đất.
-Ai là người đưa ra ý kiến đấy ạ?
-Em hỏi để làm gì? Có những sự thật em không biết sẽ tốt hơn là biết bởi biết cũng chẳng có ý nghĩa gì.
-Vậy… vậy có phải vì thế nên cụ tổ em sợ con cháu xây lệch chỗ?
-Tính đến lúc tìm được là đủ ba ngày đào bới, cái gì cũng có giới hạn. Già néo đứt dây, con cháu cũng mệt mỏi. Chị chỉ tiếc một điều đây là chuyện gia đình nên chẳng tham gia sâu được, cũng chẳng cản kịp nên đã để em ma xui quỷ khiến chọc cái thuổng xuống.
-Em… em làm thế có bị làm sao không chị? Có bị phạm gì không?
-Cụ tổ nhà em là cụ bảy đời nhỉ?
-Em nhớ là vậy ạ.
Chị Ma trầm ngâm:
-Từ rày về sau đúng cái ngày tìm được xương cốt em nhớ để ý đến người thân của mình, đặc biệt là những người thân yêu nhất của em.
Tôi nghe chị Ma nói như vậy liền cảm thấy hoang mang ngay lập tức. Chị Ma an ủi:
-Chỉ là để ý thôi, đừng quá lo lắng. Tối đa bảy năm tính từ năm nay, sau thời gian đó sẽ không phải lo nữa.
-Nhưng… nhưng mà… chuyện gì sẽ xảy ra ạ? Người thân yêu nhất của em?
Tôi lẩm bẩm một mình liệt kê trong đầu những người thân ruột thịt của mình để xem ai là người thân yêu nhất, liệt kê đi liệt kê lại thì tôi vẫn thấy bà Già xếp ở vị trí đầu tiên. Tôi nhìn chị Ma định hỏi nhưng có vẻ như chị Ma biết tôi định nói gì nên đưa ngón tay che miệng hàm ý ngăn tôi mở lời.
-Nghĩ ra rồi thì đừng có nói ra miệng. Em rồi sẽ rời làng nhưng chị vẫn đang ở đây, không phải quá lo lắng, chị sẽ tìm cách.
-Trăm sự em… em nhờ chị.
Tôi nhớ lời chị Ma dặn, hàng năm vào đúng ngày đó tôi đều có mặt ở quê, chỉ có như thế tôi mới cảm thấy yên tâm nhưng đến năm 2007 thì tôi mất cảnh giác bởi đã quá thời hạn bảy năm như chị Ma bảo.
Đó là lúc nửa đêm, tôi đang say giấc thì điện thoại kêu chuông liên hồi. Mắt nhắm mắt mở vớ lấy cái điện thoại thì thấy số cố định ở quê khiến tôi giật thót mình, một cơn sợ hãi tột độ thoáng qua trong đầu. Tôi tỉnh như sáo, tay run run bấm nghe, đầu dây bên kia là giọng của bà Trẻ khiến tôi hoang mang.
-Thằng Tý hả? Có phải thằng Tý không?
-Vâng, cháu đây, cháu Tý đây!
-Mày về đưa bà Già đi viện, bà bị ngã bây giờ cứ nằm rên với la kêu đau.
-Sao lại ngã? Bà Già đi đâu mà ngã? Ngã từ bao giờ? – Tôi hỏi dồn dập.
-Thì nửa đêm dạy đi đái. Tao đã bảo để cái xô ở trong nhà rồi sáng mang đi đổ cứ nhất quyết không chịu. Bị trượt chân ngã ngồi, chắc bị gãy chân. Mày về ngay.
Bà Trẻ cúp máy. Tay tôi run run làm rơi cái điện thoại, mồ hôi lạnh toát ra ướt hai bên thái dương. R9 lồm cồm ngồi dậy hỏi:
-Bà bị làm sao? Bà nào bị?
-Bỏ mẹ rồi, bà Già đi vệ sinh lúc đêm bị ngã gãy chân.
-Ơ đm! Thế bây giờ tính sao? Ai báo cho mày?
-Bà Trẻ gọi, số nhà cô Giang. Tao phải về quê luôn bây giờ. Mày xin nghỉ giúp tao.
-Được, được! Thế đưa bà ra đây luôn hay lên viện huyện?
-Nếu bị gãy chân thật thì phải đưa ra đây chứ lên viện huyện thì ai chăm?
Tôi mặc vội quần áo, luống cuống phi xe về khi trời mới vừa tảng sáng. Trên đường đi tôi gọi cho cô, và bố, khi đã báo xong cho mọi người, chỉ còn một mình một xe phóng như bay trên con đường vắng.
Và tôi khóc.
Đàn ông thì không nên khóc nhưng chẳng thể nào ngăn được nước mắt chảy ra bay theo gió trước khi chảy xuống hai gò má.
Tôi gọi xe taxi chở bà đi còn tôi chạy xe máy theo sau. Đoạn đường ngắn ngủi từ nhà ra đến bụi tre rìa làng bà Già cứ nhăn nhó kêu đau khiến tôi chẳng thể cầm được nước mắt. Tôi không sợ bà c·hết, tôi sợ bà không chịu nổi những cơn đau h·ành h·ạ. Tôi đã đưa bà ra bệnh viện Việt Đức và nhờ có R9 tôi mới nhớ ra chị bạn của mình là con gái của trưởng khoa như tôi đã kể trước đây. Bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy mỏm xương đùi phải, khả năng phần đời còn lại phải nằm một chỗ bởi xương người già quá giòn, không thể hồi phục như người trẻ.
Tôi đã dằn vặt bản thân mình trong nhiều đêm sau đó bởi tôi nhớ lại những gì chị Ma đã nói trước đây, có lẽ chính nhát thuổng vu vơ làm đứt đôi xương đùi phải của cụ tổ là nguyên nhân dẫn đến việc này. Vị trí xương gãy rất trùng hợp với mảnh xương năm xưa tôi cầm.
Nếu bà Già b·án t·hân bất toại suốt phần đời còn lại thì tôi là người ân hận nhất bởi tôi biết trước và biết rõ mọi chuyện.
Khoảng một tuần thì bà Già xuất viện, tôi đưa bà về nhà cô để tiện chăm sóc sau đó tôi trở về quê một mình. Tôi muốn gặp chị Ma hỏi rõ ngọn ngành và nhờ chị ấy giúp đỡ. Tôi không phải hỏi nhiều, thậm chí chưa kịp hỏi thì chị Ma đã bảo:
-Đừng tự dằn vặt mình như thế. Chuyện đâu còn có đó. Trong ngày mai tự khắc sẽ có người đến nhà cô em chơi rồi mách cho tên một ông thầy lang. Ông ấy cũng ngoài sáu mươi, không đi lại xa được nhưng chị đã chạy đôn chạy đáo nhờ vả cả rồi. Khoảng ba ngày nữa ông ấy có về Hà Nội, chỉ cần đến nhờ cậy ông ấy thì sẽ có người đưa đường chỉ lối. Ông ấy sẽ giúp bà Già của em đi lại bình thường, tuy có hơi lâu một chút do bà lớn tuổi quá rồi.
-Chị có biết ai làm việc này không ạ? Em muốn tính sổ chuyện này cho sòng phẳng. Ma hay quỷ gì em cũng chơi tuốt.
-Em muốn tính sổ với tổ tiên mình đấy à? Chẳng lẽ em ra mả tổ chỉ tay lớn tiếng? Chị bảo không được là không được.
-Tổ với chả tiên, không giúp được con cháu thì cũng đừng có phá chứ!
-Không được nói bậy, cái làng này tai vách mạch rừng, đến tai người khác lại sinh chuyện không hay. Chuyện gì đến nó sẽ đến, cái gì đến rồi cũng sẽ đi, tuyệt đối không được ăn nói lung tung.
-Nhưng không có em thì chẳng phải mộ cụ tổ bây giờ nằm phơi xương ở ngoài cánh đồng để người ta nhẵm lên à?
-Thôi được rồi, được rồi. Em tìm được ở đâu thì sau này người khác sẽ tìm được ở đấy xem như hết nợ, em không cần phải bận tâm.
-Mà chị có biết bà em ngã kiểu gì mà bị gãy xương không chị?
-Là cái xô nhựa đựng nước tiểu cạnh cây na đằng kia kìa. Đêm hôm ấy trời có mưa nhỏ, lúc ấy khoảng đầu giờ Dần đã không còn mưa. Mọi người bảo do bà em đi cái đôi tông bị trơn ngã nhưng không đúng, bà cụ đang vạch quần thì bị xô ngã. Ngã ngồi lên thành của cái xô nên mới bị như vậy.
Tôi chẳng nói chẳng rằng bước ngang qua khoảnh sân đến chỗ cái xô nhựa đựng nước tiểu sút mạnh với tất cả sự tức tối:
-Đm cái xô!
Cái xô không vỡ mà đổ ra đất, bên trong vẫn còn nước tiểu. Bà Trẻ thấy bên ngoài có tiếng động nên ra ngoài hiên đứng nhìn và chửi:
-Cái thằng kia mày điên à? Cái xô tao mới mua, mày làm cái gì đấy?
Tôi đạp thêm vài cái đến khi cái xô bị vỡ ra mới hả dạ, bà Trẻ thì đứng trên hiên nhà chửi thằng cháu nội không ngớt. Chị Ma đứng ở đầu sân bên kia, dựa vào cây mít còi nhìn tôi nhưng không nói lời nào.
Tôi chợt nhớ lời nói ban nãy của chị Ma nó khiến tôi không hiểu bởi nó rất tối nghĩa, cái gì mà tìm được ở đâu người khác sẽ tìm được ở đấy? Nhưng tôi sẽ sớm biết câu nói của chị Ma mang ý nghĩa gì.
Nhưng đúng là ba hôm sau chú tôi chở ông thầy lang đến xem bệnh cho bà thật, một người khách hàng của cô tôi nghe chuyện bà Già bị như vậy liền mách tên cũng như số điện thoại của ông thầy lang tốt bụng ấy. Bà Già được đắp thuốc. Tôi không biết đó là thứ thuốc gì, chỉ thấy nó màu nâu cánh gián ngả sang màu đen y như… keo dính chuột. Thứ thuốc mà ông thầy lang đưa cho khiến bà Già cảm thấy nóng và ngứa nhưng tôi và những người khác luôn động viên. Tôi còn doạ nếu bà không cố chịu thì sau này tôi lấy vợ bà sẽ không được đi đón dâu, chả biết có phải vì thế không mà bà chịu được những cơn ngứa râm ran suốt ngày.
Một tháng sau bà bảo không còn đau! Thêm nửa tháng nữa bà chống gậy tập đi, nửa năm kể từ ngày bị ngã thì bà đi lại được bình thường khiến ai biết chuyện cũng ngạc nhiên quá đỗi.
Ông thầy lang kê thuốc lấy tiền hai hay ba lần, mỗi lần chỉ khoảng ba trăm nghìn đồng. Khoảng mười năm sau ông ấy lại giúp gia đình tôi thêm một lần nữa, trong lòng tôi rất biết ơn. Tôi chỉ có thể cảm ơn bằng lời nói, còn chị Ma có cách cảm ơn riêng của chị ấy, nghe đâu con cháu của ông thầy lang làm ăn cũng khấm khá lắm. Tôi rất mừng.
Nhưng sự thật là sau việc bà Già bị ngã như thế thì tôi giận cụ tổ, mấy năm sau tôi chẳng ra thắp hương, đến khi có biến cố tôi cũng chả quan tâm nữa. Dù sao tôi cũng chẳng được lợi lộc gì mà hại thì nhận quá đủ rồi. Tôi đã từng nghĩ nếu tổ tiên các đời trước muốn phạt bà Già thì tôi sẽ không ngần ngại chống lại quyết liệt. Ai nghe cũng sẽ cho rằng con cháu như thế là bất hiếu nhưng tôi nghĩ khác. Bà Già rồi cũng là tổ tiên của con cháu tôi, tôi lại thấy bà mỗi ngày, bà chăm cho tôi từ lúc nhỏ trong khi tổ tiên khuất mặt thì không bởi tổ tiên có quá nhiều con cháu. Nếu phải chọn, bắt buộc phải chọn thì tôi không môt chút chần chừ chọn cách bảo vệ người phụ nữ mà tôi yêu thương nhất, yêu quý hơn cả mẹ tôi luôn.
Trở lại buổi trưa nắng một ngày đầu hè. Mọi người trở về nhà tôi, tôi bé nhất nên phải lãnh trách nhiệm ngồi trông chừng. Như tôi đã từng mô tả, khắp cả cánh đồng này muốn tránh nắng chỉ có cách duy nhất là đi bộ về ngồi ở bụi tre trơ trọi ven đường đất bao quanh phía Đông của làng. Tôi nằm thảnh thơi trên vệ cỏ cho đến khi có tiếng xe máy vọng đến mới nhổm người ngồi dậy, bóng dáng của bố tôi chở bác Thường xuất hiện ở đoạn rẽ gần mương Khoai.
-Những người khác đâu rồi? – Bố tôi hỏi.
-Dạ, mọi người về nhà nghỉ trưa từ lúc nãy chờ bố với bác. Con ở đây trông chừng ạ.
Bố tôi quay lại hỏi bác Thường:
-Mình làm luôn hay về nghỉ trưa bả bác?
-Thì tiến hành làm luôn, trời nắng nôi như này phải lấy cái gì che tạm lại, lộ thiên cả rồi.
Tôi nhanh nhảu:
-Cháu có mang ra một cái chiếu mới phủ lên rồi ạ.
-Ừ, làm thế làm phải.
-Bố với bác đi hỏi thầy người ta bảo sao ạ? Có đúng của nhà mình không bố?
-Phải! Mới bước vào đến sân nhà ông thầy bói thì ông ấy đã bước ra cửa đuổi về. – Bố tôi vừa nói vừa cười – Ông ấy bảo với bố là đúng mộ tổ rồi đừng có đến đây hỏi nữa, ông tổ nhà anh đi đằng sau bắt mang xương về trả kia kìa.
-Chú nói ghê bỏ mẹ ra, thôi về nhà bàn bạc rồi bảo thằng Chung nó bắt tay vào làm luôn. Nó đào huyệt còn mình rửa xương. Đời anh một lần như này sợ phát sốt phát rét.
-Con mang mẩu xương ra để vào chỗ cũ cho cẩn thận rồi chịu khó ngồi đây trông thêm một lúc nữa để bố về bàn tính cho xong. Nội trong ngày hôm nay là xong việc.
-Dạ!
Tôi đưa hai tay nhận mẩu xương chạy ù đi. Vén cái chiếu lên trả lại mẩu xương đúng vị trí tôi mới có thời gian yên tĩnh để quan sát kỹ hơn hai miệng chum. Trong chum chắc chắn ngoài xương thì còn đầy đất, xương người và đất như tiệp màu với nhau kết thành một khối. Đào hai cái chum lên thì không khó, cái khó chính là rửa xương kiểu gì, chẳng lẽ đập vỡ hai cái chum hay là cứ bê nguyên xi đặt vào vị trí mới là xong?...
Chú Chung cẩn thận dùng xẻng, xà beng, thuổng… khoét đất xung quanh hai cái chum cho rộng ra, sau khoảng nửa giờ đồng hồ thì hình thù chi tiết của hai cái chum bắt đầu lộ rõ. Cái chum có miệng nhỏ thì cao độ sáu, bảy mươi phân còn chum có miệng rộng thì thấp hơn độ mười phân, tôi nghĩ mô tả sát nhất chính hai chum là một cao gầy, một thấp tròn.
Hai cái chum được moi lên từ lòng đất một cách cẩn thận, tôi chăm chú quan sát rất kỹ mọi hành động của chú Chung lẫn Sơn Ca. Chum sành được để trên mặt đất, màu sắc bên ngoài của chum tuy nằm trong đất lâu ngày và vẫn còn dính đất nhưng tôi có thể khẳng định luôn là chúng có màu nâu sáng, bề mặt trơn nhẵn. Những xô nước sạch được xách từ nhà tôi ra, Sơn Ca pha thêm rượu vào những xô nước ấy sau đó đổ thử vào trong chum. Mùi rượu, mùi hương, mùi mồ hôi quện vào nhau dưới cái nắng ba mươi lăm độ khiến cho không gian đặc quánh, chính nhờ có ánh mặt trời mà tôi không cảm nhận được mùi tử khí, mà có khi chẳng có bởi trước mặt tôi chỉ là một bộ xương tối màu.
-Này, mày lại đây! – Sơn Ca vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần – Mày thắp mấy nén hương rồi khấn gì thì khấn, xin phép cho mọi người được tắm rửa cho ông cụ tổ và di dời sang nơi ở mới. Chum vại sành này vẫn giữ, không đổi.
-Tắm rửa sạch sẽ rồi lại mặc quần áo cũ hả anh?
-Đấy chú xem, chú đẻ được thằng con mà cứ hễ sai hay nhờ nó việc gì nó đều phải hỏi lại ít nhất một câu rồi mới làm. – Sơn Ca quay sang nói tiếp với tôi - Chum vại này là thứ đã gắn bó lâu năm, người khuất mặt không muốn thay thì không được thay, hiểu chưa?
Tôi gật đầu tỏ vẻ đã hiểu và làm theo lời của Sơn Ca. Thật may – tôi nghĩ như vậy – khi đất ở trong chum lại không đặc, mất một khoảng thời gian độ mười phút thì những mảnh xương đầu tiên được lấy ra từ trong cai chum sành cao gầy. Trong cái chum sành cao gầy này đựng xương ống nên không tốn nhiều thời gian để lấy ra rửa sạch bằng rượu, bên trong chum cũng được rửa sạch. Chum sành còn lại mất nhiều thời gian hơn khi đựng xương sọ, xương vè và những mảnh xương nhỏ hơn.
Trong khi bố tôi và hai bác lo việc lấy xương cốt ở trong chum sành ra và rửa sạch thì chú Chung cũng đào xong một cái huyệt sâu khoảng hơn một mét nữa, tính ra đáy huyệt mộ sâu chừng hai mét so với mặt ruộng. Hai chum sành được cho xuống dưới lòng đất một cách cẩn thận, khi những đống đất được gạt xuống lấp kín chum cũng là lúc tôi thở phào nhẹ nhõm.
Câu chuyện tìm và xây mộ cụ tổ cứ tưởng sẽ yên bình sau khi một ngôi mộ xi măng to và đẹp được xây lên nhưng lại cũng chị Ma từng nói với tôi một câu khá khó hiểu:
-Thôi thì khởi đầu lằng nhằng như vậy thì sau này kết thúc sẽ êm đẹp, đỡ phải vướng bận.
Thời gian trôi nhanh như chó chạy ngoài đồng, những ruộng lúa được qua tay lòng vòng rồi thành những thửa đất bán cho những người dân trong làng để xây nhà khi mà thế hệ chúng tôi trưởng thành và ra ở riêng. Anh họ tôi, một trong số những người con của bác Thường mua lại thửa đất có cả mộ phần của cụ tổ, năm 2008 anh họ tôi đào móng xây nhà bên cạnh mộ phần của cụ thì những người thợ đào móng đụng vào chum sành. Một lần nữa hai cái chum sành di chuyển quãng đường khoảng hai mét.
Bác Thường đã mất, chỉ có bác Tuấn ở quê, bác Tuấn được gọi ra xem xét kỹ và bác ấy xác nhận rằng đó là hai cái chum sành gần mười năm trước chính tay bác ấy đã đặt xuống huyệt mộ. Tôi không hề biết sự việc này, vài ngày sau khi tôi về quê vào cuối tuần, bà Trẻ cho tôi biết rằng năm xưa bố tôi đã… đào nhầm, tôi gắt:
-Nhầm sao mà nhầm được, cháu theo việc tìm với xây từ đầu đến cuối.
-Nhưng các anh mày bảo là nhầm, làm không đến nơi đến chốn nên bố mày mới bị cụ hành cho xất bất xang bang những năm qua.
-Các anh ấy nói bậy. Mà sao bà không bảo cháu sớm?
-Tao biết đâu mà bảo mày.
-Thế bây giờ mộ cụ tổ di đời đi đâu ạ?
-Mày phải hỏi bác Tuấn mày mới biết chứ tao biết đâu được.
Tôi cười buồn:
-Hừ! Bây giờ bố cháu làm gì có tiếng nói, làm gì có ai quan tâm mà hỏi những chuyện liên quan đến mộ phần tổ tiên. Thôi thì mộ tổ nhà các anh ấy các anh, các bác ấy lo chu toàn cũng là điều tốt.
-Ơ cái thằng này, mày cũng phải đi xem mộ tổ táng ở chỗ nào chứ.
-Chẳng cần đâu ạ. Việc hệ trọng như thế mà bố cháu chẳng được báo một câu trong khi hồi trước thì các bác chủ trì rồi xây cất thì bố cháu lo hết. Đến ông nội cháu mà cháu còn chẳng nhìn thấy mặt thì tổ nhiều đời ai mà biết được.
Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không biết mộ tổ ngành nhà mình được di dời đi đâu, tôi cũng chưa bao giờ hỏi thêm bất cứ lời nào. Đấy là một trong những nguyên nhân khi gần đây các bác bàn nhau đi làm lễ giải tội gì đó cho các cụ đời trước, bố tôi nói chuyện này đến mấy lần bởi các bác gọi vào nhiều lần. Tôi khuyên bố không tham gia. Bố tôi bảo:
-Bác Tuấn mày gia cảnh cũng không giàu có nhưng góp đến năm chục triệu, chẳng lẽ…
-Không bố nhé! Các bác muốn làm gì thì các bác làm. Người sống còn đang vật vờ vì Covid thì n·gười c·hết cứ từ từ, không lo cho người sống thì sớm cũng thành ma, bài học hơn hai mươi năm trước bố trả học phí rồi mà vẫn chưa tỉnh ra ạ?
Tôi vẫn nung nấu ý định đổi họ!
Mả tổ táng vào yên ngựa, chẳng biết có phải do ngựa phi làm cho… hai cái chum sành dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu hay không nhưng sau khi mộ tổ di dời đi nơi khác thì vận hạn của bố tôi chấm dứt. Đúng một năm sau bố tôi mua nhà, chuỗi 10.000 ngày từ một người nhiều tiền đến kẻ trắng tay, thậm chí đen tay không ngóc đầu lên được của bố tôi cũng chấm dứt.
Tôi không trách cụ tổ của mình bởi cụ có cách riêng để thương con cháu của cụ dù đã khuất mặt, nói một cách khách quan thì tôi cũng phải cảm ơn cụ tổ của mình cũng như ông anh họ. Nếu mả tổ cứ để mãi ở đấy thì sau này con cháu các đời cũng khó mà sung túc được.
***