Chương 420: Bao giờ tìm thấy?
***
Một buổi tối yên bình, có vẻ như cả bố tôi và Sơn Ca đều mệt nên đi ngủ sớm, tôi cũng lọ mọ thức đến gần 11 giờ mới đi ngủ như một thói quen mặc dù chẳng có bất cứ việc gì quan trọng để làm.
Buổi sáng hôm sau tôi thức dậy theo đồng hồ sinh học là gần 9 giờ sáng, bà lại mua bánh rán, tôi cũng không phàn nàn gì về việc những món ăn cứ lặp đi lặp lại, ngày qua ngày. Ăn để sống hay sống để ăn là một câu hỏi hay. Tôi cũng không quá quan trọng những món ăn, quan trọng là ăn với ai mà thôi. Tôi phải thừa nhận rằng có rất nhiều thói quen tôi bị ảnh hưởng từ bà Già nhưng tôi đã không nhận ra cho đến khi vợ tôi phàn nàn. Ví như tôi thích ăn xôi lạc hơn là xôi đỗ xanh, rau muống chấm với nước mắm thêm vài lát ớt đỏ cho vui mắt hoặc ăn cơm với trứng. Người ta từng nói rằng những thói quen có thể thay đổi theo thời gian, tôi tin điều này là đúng nhưng tôi cũng khẳng định một điều rằng một số thói quen có thể sẽ di truyền. Đôi khi tôi nhìn con trai của mình và nhận ra hồi bằng tuổi nó mình cũng vậy. Các cụ già ăn uống đơn sơ nhưng vì có tôi mà bà Già luôn chọn những món ngon trong phiên chợ làng. Thịt thăn là một ví dụ cụ thể nhất, thứ thịt không có lấy một tí mỡ. Bà tôi chiều tôi ra sao thì sau này tôi thấy vợ tôi chiều con trai y hệt như vậy. Con trai tôi thích ăn cơm trứng, nó có thể ăn ngày này qua ngày khác đến nỗi vợ tôi phải đưa ra quy định cho việc ấy. Mẹ tôi nói tôi kén ăn, vợ tôi cũng bảo thế nhưng tôi lại cho rằng mình ăn uống cũng không kén cho lắm, chỉ cần vài món quen thuộc lặp đi lặp lại là được. Bây giờ đều như vắt tranh, mỗi sáng tôi đều ăn bánh mì trứng cùng một ly cafe ở đúng cái quán ấy, họ nghỉ bán thì tôi nghỉ ăn. Vậy nên tôi dừng xe là người bán sẽ biết thừa tôi cần gì, như thế chẳng phải là dễ hay sao? Nhưng nói thật là hồi nhỏ bà Già chiều tôi hết mực, đến khi lấy vợ thì cũng được vợ chiều như chiều vong, chắc do số mệnh của tôi sinh ra vào cái giây phút được chiều chuộng.
Bà Già chăm tôi từ lúc lọt lòng, hai bà cháu ở với nhau khi tôi học lớp 5, tính tổng thời gian là hơn mười bảy năm, tức là toàn bộ khoảng thời gian trưởng thành của một người. Bà đã nuôi bố tôi rồi đến tôi, chính vì vậy bà gần như là bầu trời thơ ấu của tôi còn chị Ma lại đóng nhiều vai trò khác nhau, chủ yếu là nghịch cùng nhau, nghĩa là làm bạn.
Đã rất lâu tôi không được ăn thứ bánh rán có hương vị quê hương, thứ bánh mà ở phương Nam xa xôi người ta gọi là đặc sản hoặc vị Bắc. Cuộc sống của mỗi người thú vị chính là ở chỗ khi bạn thừa khả năng để mua những thứ bạn muốn ăn lúc còn nhỏ nhưng lại chẳng có thời gian để tận hưởng trọn vẹn. Bởi thế… một số thứ mà hiện tại bạn tỏ ra chán nản thì nhiều năm nữa có khi bạn lại ước ao được sống lại một lần để chán nản như thế.
Sơn Ca nói đúng, tôi nên dùng trí nhớ của mình để lưu giữ hình ảnh gò đất không tên có nấm mộ của cụ tổ bởi khi tôi lững thững bước ra khỏi cổng nhà, rẽ trái theo lối nhỏ vừa qua bờ rào nhà cô Thu thì phía đằng xa chẳng còn gò đất nào nữa. Chỉ mới sáng hôm qua gò đất cao khoảng mét rưỡi, diện tích khoảng mười lăm mét vuông vẫn còn hiện hữu mà giờ đây nó đã hoàn toàn biến mất. Tôi chạy thật nhanh, khi đến nơi tôi nhận ra toàn bộ diện tích của gò đất bây giờ đã thấp hơn bề mặt của những ruộng lúa xung quanh khoảng hai mươi phân và chú Chung đang dùng cái que sắt thăm dò bằng cách chọc xuống đất, rút lên rồi lại chọc xuống. Quy trình ấy cứ tiếp diễn liên tục trong khi những người còn lại ngồi phệt trên một bờ ruộng với vẻ mặt lộ rõ sự mệt mỏi nhưng chất chứa hi vọng. Gò đất đã không còn thì việc tìm thấy hũ cốt hay tiểu sành dễ như trở bàn tay, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng chú Chung dùng cái que sắt nhọn đâm sâu cả mét xuống toàn bộ diện tích gò đã bị xới bay đến hai lần nhưng cũng không phát hiện ra bất cứ thứ gì. Bác Tuấn tôi làm lại thêm một lần xem như quá tam ba bận nhưng cũng chẳng thấy thứ mà ai cũng muốn thấy. Ai nấy nhìn nhau nét mặt lộ rõ vẻ hoang mang tột độ. Tưởng rằng việc tìm xương cốt của cụ tổ đã nằm trong lòng bàn tay mà giờ đây lại mù mịt, công sức bỏ ra xem như đổ sông đổ bể.
-Bây giờ chú tính như nào?
Bác Tuấn hỏi bố tôi. Bố tôi vò đầu bứt tai, mặt nhăn nhó đến thảm thương quay sang cầu cứu Sơn Ca, Sơn Ca gãi đầu như muốn rụng hết tóc. Sơn Ca nhìn tôi, tôi chỉ biết cười gượng và gãi đầu đáp lễ. Tôi có thể làm gì hơn chứ? Rốt cuộc thì mộ của cụ tổ ngành nhà tôi đang ở đâu?
-Có khi nào không phải chỗ này không anh?
Chú Chung hỏi khiến bố tôi lúng túng thành ra nói lắp:
-Sao lại không phải, không… không phải ở chỗ này thì… thì ở chỗ nào được.
-Nếu ở đây nhất định phải tìm thấy rồi chứ. Cái gò cao gần hai mét tính từ mặt ruộng, cộng thêm cái que sắt này nữa tính ra anh em mình đã đào đến suýt soát ba mét chứ không ít đâu anh ạ.
-Ờ thì… ờ thì… -Bố tôi quay sang nói với bác Tuấn – Hay bác chạy về gọi bác Thường ra xem sao. Có khi nào mộ cụ tổ nhà mình đặt ở đây là… là mộ giả không?
Bác Tuấn liền vứt luôn cái que sắt xuống đất, quần vẫn ống thấp ống cao lấm lem bùn đất chạy bộ về hướng cổng chùa về gọi bác Thường. Trong mấy anh em thì bác Thường lớn tuổi nhất còn bác Tuấn vai vế cao nhất song tuổi còn ít tuổi thành ra bác Thường vẫn được anh em nghe lời hơn.
-Cái phép nhìn xuyên đất gì đấy của anh cũng không phát hiện ra thứ gì hả anh?
Sơn Ca tỏ vẻ buồn rầu văng tục:
-Tao đéo hiểu nổi, nếu phát hiện ra, nếu nhìn thấy được thì cần đéo gì phải hì hục đào từ sớm tinh mơ đến giờ mà vẫn chẳng thấy cái mẹ gì.
Bố tôi ngồi trầm ngâm h·út t·huốc, nét mặt của ông lúc này rất nhiều cảm xúc lẫn lộn, đúng là ông đang vướng phải một mớ bòng bong mà không biết lối thoát.
Tôi cúi người chậm rãi dò dẫm từng bước chân xem xét kỹ một lượt khắp diện tích đất mà hôm qua vốn là gò nhưng cũng chẳng phát hiện ra cái gì. Chính tôi bây giờ cũng cảm thấy khó hiểu, giá như tôi có thể gặp lại cụ tổ thì tôi sẽ hỏi cho rõ ràng mọi chuyện để mọi người đỡ phải nhọc công như thế này.
Bác Thường lọc cọc đạp xe đạp ra nhưng bác ấy cũng chẳng thể đưa ra cách giải quyết nào khả dĩ trước tình hình thực tế ngoài những cái lắc đầu kèm theo tiếng thở dài nghe đến não lòng.
Trời nắng mỗi ngày một gắt.
Nhóm người cùng cuốc bộ trở về nhà tôi. Tôi được lệnh chạy về trước pha ấm nước chè để mọi người uống cho ngọt giọng. Ấm chè vừa đậy nắp cũng là lúc những người đàn ông vác khuôn mặt thiểu não bước vào nhà. Bố tôi là người trầm ngâm hơn cả bởi bây giờ ông không biết tiếp theo sẽ phải làm gì.
-Chốc nữa cháu về nhà, có như nào cháu sẽ gọi báo cho các chú.
Sơn Ca đưa ra ý kiến, tôi cảm thấy hơi lạ nhưng rồi tự lý giải rằng có lẽ anh ta lại muốn trở về điện của anh ta để làm gì đó. Tôi không nghĩ Sơn Ca đánh bài chuồn.
-Theo thầy thì tại sao chúng ta lại không thể tìm được mộ của cụ tổ nhà tôi?
-Thật sự với các chú là cháu xem quẻ thì vẫn mười lần như một, nhất định sẽ tìm được nhưng không hiểu sao lại như thế này. Có khi nào trước đây mộ này táng bằng cách bó chiếu hay không?
Bác Thường gạt đi:
-Không thể nào, ông cụ thân sinh ra tôi kể rằng xưa kia ông cụ tổ tuy không giàu có nhưng cũng không thuộc dạng cùng đinh. Xưa nay trong làng chưa có nhà nào tiễn người thân về với đất bằng chiếu cả. Làng nào cũng có người giàu kẻ nghèo nhưng thầy cũng biết đấy, nếu nghèo quá thì cả làng cũng cho được cái áo quan, họ hàng cũng cho được cái tiểu sành chứ. Chiếu là chiếu thế nào được.
-Đấy là cháu đưa ra một giả thuyết như vậy để mọi người cùng bàn luận. Điều lạ là dù bói kiểu gì cũng ra, chỉ thấy bảo tiếp tục đào.
-Có khi nào đào sâu thêm cả mét nữa không? Em là em không ngại.
Chú Chung dĩ nhiên là không ngại rồi, việc nhiều thì nhận nhiều tiền, ai lại chê tiền bao giờ.
-Em thì nghe lúc mấy chú còn sống có nói mộ cụ tổ ngành nhà mình táng ở đấy, chắc là không nhầm chứ bác? – Bố tôi hỏi bác Thường.
-Nhầm là nhầm thế nào, cái chú này buồn cười thật. Mả tổ nhà mình lúc còn bé tí ông cụ nhà anh đã chỉ cho anh, không phải một lần mà rất nhiều lần. Lúc anh còn bé, tầm tuổi thằng lớn nhà chú đây này. – Bác Thường chỉ vào tôi – Đã nhiều lần ra tảo mộ dịp cuối năm.
-Thế sao bây giờ đào hết cả cái gò lại không thấy gì nhỉ? Chẳng lẽ xương cốt bị tan vào đất cả rồi? – Bố tôi thắc mắc.
-Những vùng xung quanh đây mộ lâu đời sau khi cải táng ngoài việc cho vào tiểu sành thì còn cho xương cốt vào chum, vại rồi chôn. Kể cả chum vỡ cũng phải còn mảnh sành, từ hôm đào đến giờ cháu ở ngoài đó suốt, chỉ có đất là đất. – Sơn Ca nói.
-Thầy nói mới nhớ, chúng ta bây giờ chưa cả mua tiểu sành, liệu có phải vì thế mà cụ tổ không đồng ý hay không?
-Không cần mua, nhất định không mua! – Sơn Ca xua tay – Nếu các chú mua cũng chỉ tổ phí tiền, tuyệt nhiên không nên mua.
Mấy hôm trước tôi cũng có loáng thoáng nghe Sơn Ca nói về việc này. Sơn Ca bảo rằng thứ đang đựng xương cốt của cụ tổ nhà tôi vẫn còn nguyên, khi tìm thấy thì chỉ việc tắm rửa cho bộ xương rồi lấp đất lại như cũ là xong. Tôi không thắc mắc gì về việc này bởi tôi không phải là thầy, hơn nữa cái tiểu sành không bị hỏng thì cần gì phải mua tiểu sành mới, trừ khi cụ tổ tôi muốn.
-Thầy đã giúp thì giúp cho chót, thầy bói thêm cho một quẻ xem có đúng là mộ tổ tôi ở chỗ đó không nào.
-Xem thì xem, để cháu lấy bộ bài tây. Xem bằng bài tây luôn.
Sơn Ca ngồi trên phản, bác Thường ngồi đối diện còn những người khác đứng vây xung quanh, tôi cũng chẳng thiếu phần. Bác Thường hỏi, Sơn Ca trả lời. Tôi chú ý thấy khi Sơn Ca xếp bằng tròn ngồi trên phản, trước mặt là bộ bài tây, tay anh ta thoăn thoắt lật giở và nói luôn miệng dù đang nhai trầu bỏm bẻm. Đặc biệt nét mặt Sơn Ca đã thay đổi hoàn toàn so với những lúc bình thường mỗi khi nói chuyện với tôi.
Kết quả của quẻ bói ấy vẫn là mộ nằm nơi ấy, thành tâm tìm sẽ thấy, bây giờ con cháu chưa thành tâm nên cụ còn giận. Tôi đứng nghe mà nhăn mặt, mọi chuyện cứ hư hư thực thực thật khó mà biết rõ. Một câu hỏi quan trọng mà bác Thường hỏi mà tôi vẫn nhớ rất rõ:
-Vậy bao giờ anh em chúng tôi tìm thấy mộ cụ tổ?
Tất cả ánh mắt đổ dồn về Sơn Ca, anh ta vẫn giữ nét mặt bình thản nói với bác Thường:
-Chú rút thêm một lá bài nữa xem sao.
Bác Thường rút thêm một lá bài rồi lật ngửa lên, Sơn Ca phán luôn:
-Giờ Ngọ ba Khắc ngày mai là tìm thấy, sai lệch chừng một khắc đồng hồ.
Bác Thường nhắc lại lời của Sơn Ca nhưng chẳng ai biết giờ Ngọ ba Khắc là mấy giờ nên nhìn nhau, tôi buột miệng nói leo:
-Là 11 giờ 45 phút ạ!
Ngay cả Sơn Ca cũng tròn mắt quay sang nhìn tôi, bố tôi cũng nhìn tôi rồi nhìn Sơn Ca. Sơn Ca gật đầu nói:
-Nó nói đúng, một khắc là mười lăm phút đồng hồ nên giờ Ngọ ba khắc đúng là 11 giờ 45 thật.
Nói xong Sơn Ca với tay thu lại những lá bài tây trên phản, anh ta hơi nghiêng đầu liếc nhìn tôi tủm tỉm cười. Tôi thấy việc này đơn giản hoá ra người lớn cũng không biết, thế là lại hớ miệng rồi.
Sơn Ca không ở lại ăn trưa mà khăn gói đi về hẹn sớm ngày mai sẽ quay trở lại. Có vẻ như những gì Sơn Ca vừa nói vẫn khiến bác Thường bán tín bán nghi nên bác đề nghị:
-Chốc nữa chú chở anh đi xem thử ông thầy dưới Nghi Giang, phải xem thêm ông khác cho chắc chứ ông thầy này trẻ người non dạ anh không yên tâm.
-Vâng!
Bố tôi không phản đối nhưng khi mọi người đã lần lượt ra về, chỉ còn một mình thì bố tôi thắp hương trên ban thờ, những khi khó khăn người ta thường nhớ về tổ tiên còn bình thường thì… ít khi! Cuộc đời cứ tréo nghoe như thế.
-Bố còn lo lắng gì nữa, trưa mai là thấy rồi còn gì.
-Trưa mai thấy thì làm như nào để thấy? Đào sâu thêm ư?
Tôi không biết phải trả lời bố mình như thế nào, tôi chỉ có thể đưa ra một lời động viên vô thưởng vô phạt:
-Kiểu gì cũng tìm thấy, bố đừng lo.
Mà tôi cũng thật sự thắc mắc là trưa mai tìm thấy hài cốt kiểu gì mà lại tìm thấy đúng vào cái giờ độc đến vậy, đúng thời khắc Dương thịnh Âm suy. Nhưng phải công nhận thế giới tâm linh thật kỳ bí và khó hiểu.
***