Chương 412: Ngã lăn quay
***
Chú Chung – một đệ tử đích thực của Lưu Linh – quanh năm suốt tháng bước ra đường với bộ dạng xộc xệch, đầu tóc rối tung, râu ria lởm chởm và đôi mắt lúc nào cũng đỏ ngầu nhưng nhìn chung, chú ấy là một người đàn ông dễ mến, đơn giản là vì chú ấy chẳng làm gì xấu, chẳng ă·n c·ắp của ai. Chú ấy nghiện rượu, chỉ nghiện rượu và sự khó khăn thì gia đình chú ấy chịu chứ chẳng ai khác. Ngôi nhà tranh vách đất của chú Chung có lẽ là ngôi nhà cuối cùng của làng Bưởi Cuốc chưa được xây dựng kiên cố.
Chú Chung có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con gái bằng tuổi bé Chục Cân em tôi còn thằng con trai kém tôi một tuổi, tên nó là Tình (tên nhân vật đã thay đổi). Thằng Tình hồi nhỏ cũng hiền lành như bao đứa trẻ khác trong làng, lớn hơn một chút nó cũng có thay đổi chút ít về tính cách nhưng cũng không phải là một thằng hư hỏng. Bẵng đi nhiều năm tôi không gặp nó cũng như những thanh niên khác trong làng do tôi đi làm ăn xa. Tôi gặp lại thằng Tình rất tình cờ ở phương Nam xa xôi, khi ấy nó cũng đã có gia đình và là một tay mở bát khét tiếng trong làng. Dịp tân gia nhà cậu tôi – ông cậu đã từng chở tiểu sành của em gái tôi từ Thái Nguyên về Bắc Ninh năm nào – cũng như nhiều gia đình khác trong làng, sau phần cỗ đông vui là phần họp mặt của cánh đàn ông nhằm phát huy truyền thống vốn có của làng. Trên cái chiếu cói mới tinh vài chục người đàn ông già trẻ sát phạt nhau bằng trò xóc đĩa, người cầm cái khiến tôi bất ngờ khi nhận ra thằng Tình. Nó đã không còn là thằng bé lấm lem, rách rưới lúc nhỏ hay thanh niên lầm lì ít nói khi lớn nữa mà có dáng dấp của một tay anh chị ngang Bắc dọc Nam. Mũ lưỡi chai đội ngược, miệng phì phèo thuốc lá, những cọc tiền mệnh giá lớn xanh đỏ xếp ngay trước mặt, chỉ là người làng với nhau nhưng mỗi lần mở bát là dưới chiếu thắng thua lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tôi nhìn thấy nó, nó nhìn thấy tôi khi ngước lên, cả hai nhoẻn miệng cười và gật đầu thay cho lời chào. Tôi đứng xem một lúc lâu nhưng không chơi, đúng hơn là chẳng có tiền để chơi bởi vợ tôi đã thu ví tiền và ra về trước đó cùng mấy đứa em, trong túi của tôi chỉ còn lại tờ Năm mươi nghìn đồng để trả tiền Grab. Bình thường vợ tôi chẳng bao giờ bắt tôi đưa ví kiểu ấy, là do Chục Cân đã xúi vì nó biết tính tôi, chẳng mấy khi đông vui như vậy, hơn nữa nếu tôi có chơi thì kiểu gì cũng tàn cuộc mới về hoặc… hết tiền mới chịu đứng dậy.
-Ông không chơi à?
Tôi ngồi uống nước chè một mình ở phòng khách, thằng Tình đi vệ sinh lướt qua dừng lại hỏi thăm, có lẽ nó đã chuyển cái cho người khác. Tôi cười:
-Vợ thu tiền rồi, nán lại chơi một tí thì tôi cũng về.
-Đéo gì lại khổ thế. Nghe nói ông mới mở công ty hả?
Tôi không vội trả lời mà rót cho nó chén nước chè, chậm rãi trả lời:
-Ừ, nhưng làm ăn cũng khó khăn, sắp tới chắc tôi cũng chuyển nghề. Ông vào trong này lâu chưa?
-Tôi vào được gần một năm. Mà sao ít gặp ông quá, cỗ người làng ông không đi hả?
-Cỗ bàn toàn ông già tôi đi chứ ai biết mình đâu mà mời.
Hỏi thăm nhau dăm ba câu chuyện, lấy số điện thoại, hỏi địa chỉ lò đậu của nó và tôi hứa sẽ đến thăm khi có dịp. Tôi cũng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà sau đó tôi lại mò vào sới bạc, với năm chục nghìn trong túi tôi lại biến thành những tờ Năm trăm nghìn, được đâu hơn chục tờ thì tôi nghỉ, người xóc cái là thằng Tình, dịp đó nghe đâu nó thắng được hơn một trăm triệu, quá nhiều so với số tiền thắng của tôi.
Tôi rủ R9 đi gặp thằng Tình xem như bạn cùng làng gặp nhau, hoá ra thằng Tình lấy cháu họ của tôi nhưng chẳng ai quan tâm việc này bởi vợ nó cũng chẳng biết tôi là ai. Ngồi nói chuyện với nhau được một lúc khi chiều muộn mà điện thoại của nó kêu liên tục, toàn những cuộc gọi liên quan đến bóng bánh, số đề…. Tôi gặp nó thêm vài lần nữa do chỗ nó ở nằm trên đường đi làm về. Sở dĩ tôi không gặp thằng Tình thêm nữa cũng vẫn là những lý do tương tự như trước đây tôi ít chơi với trai làng, ấy là do thế giới quan, môi trường sống khác nhau dẫn đến những suy nghĩ vênh nhau một trời một vực. Thế giới của thằng Tình chỉ là số đề, cờ bạc… ngoài ra không còn gì khác. R9 bảo tôi gặp bọn nó ít thôi tránh phiền hà không đáng có sau này. Tôi nghe lời R9 bởi nó là đứa chơi với trai làng thân thiết hơn tôi rất nhiều.
Bẵng đi gần một năm sau, bố tôi sau một lần đi ăn cỗ về có kể chuyện thằng Tình và một vài đứa khác đã bán xới đi nơi khác làm ăn và bị giang hồ tìm vì món nợ lên đến cả tỉ đồng. Người làng biết nó lên Tây Nguyên nhưng chẳng ai chỉ chỗ, thằng Tình mất hút kể từ đó. Một thời gian ngắn sau đấy mới xảy ra cái chuyện thằng cu Nam thò lò mũi xanh – hàng xóm nhà bà ngoại tôi – thụt két hai triệu đồng của bố mẹ tôi rồi lên Tây Nguyên tụ họp với bọn thằng Tình. Kể từ đó tôi không nghe thêm thông tin về bọn nó nữa, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi bởi con đường cờ bạc vốn là như thế. Lúc nhỏ bố nó rượu chè nên anh em nó khổ, bây giờ nó cờ bạc thì con nó lại khổ chứ không ai khác, cái vòng luẩn quẩn ấy thật khó mà thoát ra. Phân nửa thanh niên làng tôi có cuộc sống giống như thằng Tình, điều khiến tôi khó lý giải nhất chính là những cô vợ gái làng của chúng nó, họ chịu thương chịu khó, cùng còng lưng ra làm trả nợ cho chồng, trả xong lại chơi đến khi nợ tiếp. Cũng có vài người tự chặt ngón trỏ để thể hiện sự quyết tâm, đoạn tuyệt với môn xóc đĩa nhưng chỉ được một thời gian lại đâu vào đấy, thiếu một ngón tay không làm việc mở bát vì thế mà gặp chút khó khăn nào. Người ta có câu “Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe nghiện trình bày” cấm có sai.
Chú Chung là người giúp bố và các bác tôi trong việc xây cất mộ cụ tổ. Ngày khởi công xây mộ là một ngày nắng đẹp giữa tuần, người giúp việc cúng bái, làm lễ không ai khác lại là anh chàng Sơn Ca do bố tôi đón. Đôi khi tôi cũng thắc mắc việc anh chàng này giúp gia đình tôi một cách rất tự nhiên, vài lần gặp nhau lại hơn kém có mấy tuổi nên tính ra tôi và Sơn Ca cũng là chỗ… thân tình, tôi hay bị anh ta sai vặt hoặc nói Sơn Ca thích sai tôi làm cái nọ cái kia chứ không muốn nhờ người khác, tôi cũng vui vẻ đóng vai kẻ bị sai.
Kế hoạch ban đầu là xây một ngôi mộ thật to, thật hoành tráng cho xứng tầm với tiếng tăm trong làng của bố tôi. Đời một con người chắc cũng chỉ có một lần xây mộ cụ tổ chứ mấy khi có lần hai, thậm chí nhiều người cả đời chẳng có dịp xây mộ cụ tổ, tính ra việc cưới vợ gả chồng còn có tỉ lệ cao hơn hàng trăm lần. Ai ai cũng tin tưởng rằng việc xây một ngôi mộ đẹp trên cái gò đất khá vuông vức giữa cánh đồng bao la sẽ trở thành một kỳ quan, cả làng sẽ nhận kháo nhau, sẽ nhận ra ngay mộ tổ của nhà tôi.
Buổi sáng hôm ấy, khi mặt trời còn chưa cao bằng ngọn sào thì việc làm lễ đã xong, có tất cả năm người đàn ông bao gồm cả bố tôi đại diện cho năm gia đình đóng vai trò chủ đầu tư công trình. Sơn Ca trong vai người tư vấn tâm linh, chú Chung trong vai thầu xây dựng còn tôi chẳng biết nên xếp vào nhóm nào, thôi thì xem như tôi thuộc tầng lớp con cháu kế cận. Sở dĩ tôi có mặt cũng đơn giản, vì tôi học buổi chiều và tôi là đứa cháu duy nhất trong năm gia đình đang có mặt ở làng. Các anh họ của tôi nếu có ở làng thì đang học mẫu giáo, những anh tầm tuổi tôi thì đi học ở Hà Nội hoặc Bắc Giang, lớn hơn nữa thì bận công việc của người lớn. Xem như sự có mặt của tôi là… do số mệnh sắp đặt, tôi nghĩ vậy.
Bác cả đại diện cho năm anh em bổ nhát cuốc đầu tiên sau đó giao cho chú Chung tiến hành công việc. Bảy người đàn ông đứng trên gò đất vây quanh ngôi mộ còn tôi một mình ngồi phệt dưới bờ ruộng, bên cạnh là ấm nước chè, phích nước, điếu cày… phục vụ việc giải lao của các bác. Gò đất đã được phát quang, chẳng còn bất cứ cây dại nào mọc xung quanh nữa. Chú Chung sau khi nhận bàn giao liền bổ nhát cuốc đầu tiên, nhưng ngay sau đó sự cố xảy ra khiến mọi người nhìn nhau với ánh mắt ngạc nhiên.
Chú Chung đột nhiên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt ngồi xuống gò đất rồi ngã vật ra, miệng sùi bọt mép như lên cơn động kinh khiến ai nấy đều tỏ ra luống cuống thấy rõ. Tôi vội vã leo lên gò nhìn tận mắt, mọi người chưa biết nên xử trí thế nào thì chú Chung… lại hết co giật, đôi mắt ráo hoảnh quệt nước dính trên miệng ngồi dậy thở phì phò. Những người khác ngồi xuống hỏi thăm mỗi người vài câu, chỉ có Sơn Ca và tôi là đứng, tôi nhìn sang Sơn Ca thấy nét mặt anh ta đang đăm chiêu như đang suy nghĩ về sự cố vừa xảy ra. Mọi người nghĩ rằng chú Chung là tay bợm rượu nên trúng gió, sau vài phút nghỉ ngơi lại tiếp tục công việc gọt đẽo cho mộ đất tròn trịa hơn. Những nhát cuốc, nhát thuổng cắm vào đất rắn nghe rõ tiếng “phập, phập”. Chẳng ai tin được rằng chỉ mới vài phút trước đó người đàn ông cao to kia mới ngã ngửa ra đất, mắt trợn ngược lên cơn động kinh.
Nhưng công việc bắt buộc phải dừng lại khi bác tôi đang đứng chống nạnh chợt cảm thấy choáng váng, đôi chân khuỵ xuống rồi nằm thẳng cẳng trên gò đất, ngay bên cạnh ngôi mộ. Chú Chung bắt buộc phải dừng tay, mấy người xúm lại vội vã khiêng bác cả về nhà tôi. Trên gò đất còn lại chú Chung, Sơn Ca và tôi. Sơn Ca sau khi hít một hơi thật sâu như để lấy bình tĩnh rồi nói:
-Bỏ mẹ rồi, bị động!
-Làm sao hả anh? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Sơn Ca đưa tay lên bóp trán ra chiều suy nghĩ, chú Chung bỏ cuốc xuống dưới ngồi rót nước chè uống và tranh thủ làm một hơi thuốc lào.
-Mộ này khả năng là không được động đến, chắc có việc không lành.
-Sao lại thế được, bố em với các bác đã bàn tính, đã cất công đi xem nhiều nơi mới quyết định xây cơ mà.
-Tao không biết! Tao không theo việc này từ đầu. Ban nãy khi làm lễ gieo quẻ một cái được luôn sao bây giờ lại ra cớ sự này nhỉ? Liệu có điều gì làm n·gười đ·ã k·huất không vừa lòng?
-Thế… thế bây giờ làm sao hả anh? Tiếp tục hay dừng?
-Đm, mày nhìn thử xem, mới cuốc có vài cái mà hai người ngã lăn đùng ra lên cơn co giật, mắt trợn ngược như bị b·óp c·ổ, nếu cố làm nữa tao sợ ngày mai họ nhà mày có tang luôn chứ không đùa.
Tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái không nói thành lời, trong đầu tôi cố nhớ lại những gì cụ tổ đã dặ nhưng tôi không thấy có điều gì bất thường cả. Sơn Ca quay sang nói với tôi:
-Bây giờ tao xin một quẻ âm dương nữa, mày là con cháu ruột thịt mày tung cho tao.
Tôi không biết nên trả lời như thế nào cho phải. Sơn Ca lấy cái đĩa và hai đồng xu, anh ấy thắp thêm ba nén hương, khấn vái một hồi rồi đưa cho tôi dặn:
-Mày đặt hai đồng xu vào lòng bàn tay, nhắm mắt lại một lúc, nghĩ đến ông cụ tổ nhà mày rồi đọc ra miệng, xin ông cụ cho biết ý định. Nếu tạm ngưng việc xây cất thì cho một sấp một ngửa.
-Còn không thì…
-Bảo sao thì cứ làm thế, hỏi nhiều. – Sơn Ca gắt.
Tôi miễn cưỡng làm theo, tôi nhớ lại gương mặt của cụ tổ ngành nhà mình, khi tôi thả hai đồng xu xuống cái đĩa trước mặt, tiếng leng keng vang lên, hai đồng xu quay tít trước khi nằm im trên đĩa.
Một sấp, một ngửa!
Tôi nhìn Sơn Ca với ánh mắt thất thần, Sơn Ca cố nén tiếng thở dài, lắc đầu ngán ngẩm:
-Không ăn thua, phải dừng lại.
Mặt tôi nhăn nhó, tôi không đủ khả năng để quyết định việc hệ trọng này. Sơn Ca quay xuống nói với chú Chung:
-Dọn dẹp cuốc, thuổng về nhà uống nước chú ơi!
-Không làm nữa à?
-Tạm dừng đã, các cụ chưa đồng ý, chắc còn thiếu thành tâm.
Sơn Ca nói dứt lời thì nhón tay thu lại hai đồng xu cất vào túi áo khoác, tay cầm cái đĩa nhảy từ trên gò xuống. Tôi cũng vội đứng dậy cầm theo một cái thuổng, một cái cuốc ở bên cạnh nhảy xuống theo.
Công việc xây mộ cho cụ tổ vừa mới bắt đầu đã vội vã kết thúc một cách đầy khó hiểu khiến chú Chung ngơ ngác. Sơn Ca nhảy qua rãnh nước cúi đầu bước phăm phăm về nhà tôi, tôi vác trên vai cuốc, thuổng, tay còn lại xách phích nước tất tả chạy theo.
***